Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Bùa ngải, thuốc phiện, đàn bà tàn phá cuộc đời Bạch công tử?


Ai cũng biết Bạch công tử vào thời ấy thì cũng giống như những tay chơi khét tiếng đương thời đều làm bạn với nàng tiên nâu, cho nên khi nàng tiên nâu bắt đầu phát tác hành xác thì về cái khoản “tình ái” sẽ bắt đầu đi xuống.Theo tiết lộ này thì vào thời điểm cặp với Ba Trà, rồi sau đó là với Tư Nhị và với Lucie P. thì Bạch công tử đã ngấm ngầm chuộc một thứ bùa mà người cho anh ta quả quyết rằng: Thứ bùa này có khả năng chống lại với ngải Xiêm, tức là bửu bối mà Ba Trà và các người đẹp kia đang dùng. Để rồi sẽ thoát được cái tác hại từ các mỹ nhân kia.
Bùa ngải, thuốc phiện, đàn bà tàn phá cuộc đời Bạch công tử? - Ảnh 1
Cô Sáu Ngọc Sương – người tình cuối cùng của Bạch công tử (bìa phải).
Chơi bùa phục vụ cho chuyện tình ái
Bằng chứng là vào những năm trước thế chiến thứ 2 (tức vào khoảng đầu thập niên 1940) bỗng Bạch công tử rẽ ngang con đường ăn chơi của mình sang một hướng khác: Mê đào hát, mê cải lương rồi lập gánh hát (gánh Quần Kỳ là gánh hát của Bạch công tử làm chủ), và rồi bỗng dưng đưa nguyên gánh hát với dàn đào kép nổi danh của mình qua Pháp trình diễn. Tuy cuộc rẽ hướng này sau đó đã khiến cho Bạch công tử tiêu tốn gần như là hết tài sản của cha mẹ do gánh hát đưa qua Pháp quá tốn kém và diễn không đủ chi phí để bù lỗ. Sau đó trên chuyến lưu diễn trở về, khi tàu qua Địa trung hải thì bị giông bão suýt chết tất cả đoàn, may là thoát được về xứ mấy tháng sau. Có người nói rằng chính cái tai kiếp ấy nó đã cứu cho Bạch công tử không phải bị những con “vi rút nhan sắc” của các mỹ nhân Sài Gòn tàn phá.
Tuy là về sau này thì cuộc đời của Bạch công tử cũng kết thúc bi thảm không hơn gì những kẻ cùng hội, cùng thuyền trước kia. Bạch công tử lãnh hậu quả ăn chơi trác táng quá độ của mình, cho nên không chết trực tiếp về tay cô Ba Trà, cô Tư Nhị hay Lucie P. Nhưng cuối cùng thì anh ta chết trong âm thầm lặng lẽ, mà nghe đồn cho tới giờ mồ mả cũng không biết chôn ở nơi nào! Người kể chuyện cho tác giả nghe về chuyện Bạch công tử chơi bùa Miên đã quả quyết rằng: Bùa ngải là con dao hai lưỡi mà bất cứ ai phạm vào thì đều lãnh cái hậu quả khôn lường. Cô Ba Trà đã tàn đời vì ngải Xiêm, còn Bạch công tử tuy thời ấy không công khai nói mình chơi bùa, nhưng hầu như tất cả những tay chơi thời ấy đều có những cái đam mê chết người như là: Mê cờ bạc, mê á phiện và mê bùa ngải.
Nếu cô Ba Trà mê ngải Xiêm thì trong nam giới có hai người tàn đời vì bùa Miên đó là Tư Mắt kể ở đoạn trên và Bạch công tử. Tuy không ai biết cụ thể Bạch công tử bị bùa hành như thế nào, nhưng con người bí ẩn kể chuyện cho tác giả nghe thì quả quyết rằng: “Bạch công tử đã bị bùa hành đến nỗi cuối đời chết trong cô đơn và thê thảm, chỉ bởi bùa Miên mà anh ta mắc phải là thứ bùa mà tác hại của nó không kém gì ngải Xiêm. Nhưng ngải Xiêm thường hay ứng vào và hành xác nữ nhiều hơn nam, thì ngược lại bùa Miên là thứ hầu như đàn ông là nạn nhân nhiều hơn. Nếu Tư Mắt chơi bùa Miên với thuật gọi là “Cà Tha” thì Bạch công tử lại chơi bùa để phục vụ cho tình ái của mình.
Mà điều này cụ thể là gì? Theo người tiết lộ cho tác giả nghe thì gọi bùa tình ái ở đây có nghĩa là nếu nam giới nào mà muốn mạnh về tình dục, muốn cho nữ giới xếp hàng mê mẩn sau khi gần mình, thì chính cái bùa tình này nó sẽ phục vụ. Người chơi bùa tình thì ái ân không biết mệt, chỉ cần gần ai một lần thì người đó sẽ đắm đuối, đam mê theo đến cùng, dứt không ra, bứt không rời! Bởi vậy vào thời ấy nói về cái khoản gây “thương nhớ” cho đàn bà, thì Bạch công tử nổi trội hơn là Ba Qui, tức công tử ở Bạc Liêu vì nghe nói Ba Qui không thích chơi bùa ngải. Về khoản quyến rũ phụ nữ vào thời ấy thì cỡ như Bạch công tử đâu cần phải vận tới bùa ngải, mà chỉ cần tung tiền ra theo kiểu xài tiền không cần đếm của họ cũng đủ mê hoặc những kẻ ham tiền rồi. Vậy tại sao anh ta lại chơi tới bùa gọi là “bùa tình” hay còn một cách gọi khác là “bùa yêu”. Phải chăng đồng tiền thôi chưa ắt đã mạnh bằng thứ bùa tình bùa yêu như vừa nói?
Tiết lộ từ người tình cuối – “Cô Sáu Ngọc Sương”
Về sau này trong một lần vào cuối thế kỷ 20, lúc ấy tác giả may mắn gặp được một bà lão ở tuổi trên tám mươi. Bà chính là cô đào cải lương nổi tiếng thời trước gọi là “cô Sáu Ngọc Sương” và được biết thêm rằng, cô ấy là người tình cuối cùng của Bạch công tử thì tôi đã hết sức ngạc nhiên, năn nỉ cô Sáu này để cô tiết lộ thêm những điều chưa biết về Bạch công tử, thì chính cô Sáu Ngọc Sương đã không giấu giếm nhiều điều khiến tôi hết sức kinh ngạc. Cô Sáu quả quyết rằng đúng là Tư Phước (tên thật của Bạch công tử) rất là tin bùa Miên. Chỉ có điều anh Tư không thích bùa theo kiểu “Vô Cà Tha”. Nghĩa là Bạch công tử không thích dùng bùa để khiến cho thân thể mình dao chém không đứt, đạn bắn không lủng mà chơi bùa Miên chỉ nhằm mục đích phục vụ cho đường tình ái.
Nhưng ai cũng biết Bạch công tử vào thời ấy thì cũng giống như những tay chơi khét tiếng đương thời đều làm bạn với nàng tiên nâu, cho nên khi nàng tiên nâu bắt đầu phát tác hành xác thì về cái khoản “tình ái” sẽ bắt đầu đi xuống. Mà với một tay chơi cỡ như Bạch công tử chẳng lẽ lại chịu thua trong cuộc chiến tình ái? Dứt khoát là không, bởi vậy để chống lại tác hại của á phiện thì bắt buộc “anh Tư” phải chọn “bùa tình”. Và chính thứ bùa này đã giúp cho Bạch công tử vẫn còn phục vụ được các mỹ nhân cho tận khi tuổi đã bắt đầu có những sợi tóc bạc trên đầu. Chính cô Sáu Ngọc Sương đã quả quyết rằng: Anh Tư Phước là người đàn ông không phải chỉ dùng tiền để khiến phụ nữ mê đâu, mà trong trận chiến ở tình trường anh ấy cũng thuộc loại đầu sỏ!
Trong giới đào hát cải lương thời đó không chỉ riêng cô Sáu Ngọc Sương mới là người được Bạch công tử nâng niu đầu ấp tay gối, mà còn một số người nổi danh khác nữa, hầu hết ai đã gần chàng công tử Mỹ Tho này đều phải công nhận Tư Phước là người bản lĩnh khó ai bì! Thấy tôi có vẻ không tin những điều mình kể thì cô Sáu Ngọc Sương đã quả quyết lần cuối với tôi (sau lần gặp ấy không lâu thì cô Sáu Ngọc Sương đã qua đời). Tư Phước dẫu là người chưa bao giờ chung tình với ai, kể cả với cô Sáu khi đã có với cô một con gái, nhưng khi xa Tư Phước rồi cô vẫn không hận và không hề trách móc con người ấy một lời…
Về điều này thì chính cố học giả Vương Hồng Sển trong một lần tôi gặp được ông trước ngày ông mất cũng xác nhận rằng, tuy ông và nhiều người không tin vào sự hiệu quả của bùa mê ngải yêu, hay thứ gọi là bùa tình như thiên hạ kể. Tuy nhiên khi sống cùng thời với Bạch công tử thì ông đã phải công nhận rằng Bạch công tử là một trong những chiến binh trên tình trường thuộc hạng có cỡ!  Trong suốt cuộc đời làm báo, đi đây đó nhiều và trải nghiệm qua nhiều cuộc tìm hiểu, nói chuyện thì tác giả cũng phải nhận rằng, cái gọi là bùa tình tuy không có thật và cũng không nên đề cao nhưng là một thứ mà một khi ai đó lâm vào thì khó mà dứt ra được! Có người cãi lại rằng đã không tin thì không có bùa ngải nào ứng dụng được cho mình cả. Đúng là như vậy, tuy nhiên bùa ngải như lời đồn dẫu ta không bác bỏ, nhưng qua những gì thực tế cho thấy thì bất cứ ai nhắm mắt lao vào chơi những thứ đó thì đều lãnh hậu quả.
Chết không được nấm mồ tử tế
Như chuyện của Bạch công tử mà sau khi nghiên cứu kỹ, thu thập kỹ những gì quanh đời sống của nhân vật này, chính tôi thừa nhận nếu nói rằng Bạch công tử do quá ăn chơi trác táng và tiêu xài vung trán, vứt tiền qua cửa sổ để rồi cuối đời nghèo xơ xác, chết không có được nấm mồ như mọi người. Thì góp phần cho quãng đời cuối thê thảm của nhân vật này là bùa ngải, hay gọi đúng tên là “bùa tình” chính là một trong những thủ phạm chính. Không là thủ phạm sao được khi lạm dụng bùa tình, giống như người ta lạm dụng thuốc kích dục, để rồi chết thảm vì nó. Trở lại chuyện bùa ngải này cũng là trở lại chuyện của cô Tư Nhị nói ở đoạn trước. Tôi thu lượm được một số giai thoại chung quanh cuộc đời của mỹ nhân đẹp nhất nhì Sài Gòn thời xưa này và câu chuyện về cô sẽ còn được nhắc tới ở kỳ sau nữa…
Nhà văn Người Khăn Trắng – Trích từ báo ĐSPL

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: