TTO - Năm 2007, một tốp thợ săn ở Campuchia phát hiện một “cô gái người rừng”, người này sau đó được một gia đình Campuchia nhận là con đẻ của họ và đưa về nuôi nấng. Câu chuyện này đã gây chấn động dư luận một thời.
"Người rừng" Đinh Thị Tak (ngồi võng) và ông Đinh Peo, người nhận cô là con gái ruột - Ảnh: B.D. |
Câu chuyện tưởng chừng đã khép lại. Nào ngờ mới đây, một gia đình Ba Na ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã qua Campuchia đưa “cô gái người rừng” này trở về nuôi nấng vì họ cho rằng đó chính là đứa con đã thất lạc của mình. Một sự dích dắc đến lạ lùng về số phận một con người.
Từ H’Pnhiêng tới...Đinh Thị Tak
Tối 13-8, một cán bộ tại đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh điện thoại cho chúng tôi: “Lúc 11g trưa 13-8, anh em tại đồn đã làm thủ tục cho “cô gái người rừng” và gia đình qua biên giới.
Trên hồ sơ, chúng tôi đã xác định tên tuổi, địa chỉ cụ thể của người phụ nữ này là Đinh Thị Tak, con gái của ông Đinh Peo, ở làng Tơ Răh 2, xã Bar Măih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Đây chính là cô gái tên Rơ Chăm H’Pnhiêng từng được một gia đình ở huyện Ozadav, Rattanakiri, Campuchia nhận nuôi từ năm 2007”.
Ở cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh giáp Campuchia buổi trưa hôm ấy đón H’Pnhiêng - Tak không chỉ có ông Đinh Peo mà có nhiều người thân sống tại làng Tơ Răh 2.
Nghe ông Peo tìm thấy con mình, nhiều người làng cũng tò mò đánh xe máy lên biên giới để xem. Vừa qua đất Việt Nam, H’Pnhiêng người Ja Rai bỗng được gọi là... Tak, người phụ nữ Ba Na.
Sáng 14-8, ngôi làng Ba Na ở Tơ Răh 2 chộn rộn. Người ra vào nhà của ông Peo không ngớt.
Phía trong ngôi nhà gỗ của ông Peo, Tak được cắt tóc ngắn, mặc một bộ đồ mới, ngồi ở thềm gỗ. Đôi mắt Tak vẫn ngờ nghệch, ngây dại. Ai hỏi gì cũng ú ớ đôi ba tiếng không rõ nghĩa.
“Nó nói được cả tiếng Ja Rai và tiếng Ba Na của mình. Do gia đình phía bên Campuchia là người Ja Rai nên đón nó về dạy cho nó nói tiếng của họ, nhưng nó vẫn còn nhớ được tiếng Ba Na khi nó còn ở nhà đây” - ông Đinh Peo nói.
Giây phút được đưa con về nhà, ông Peo vui chộn rộn. Ai đến ông cũng bắt tay, ngồi bên Tak và kể cho họ thấy rằng Tak chính là đứa con mà ông đã thất lạc. “Nó bị thần kinh từ nhỏ. Mẹ nó cũng bị thế. Nó hay đi lang thang như mẹ nó”.
Ông Peo cầm cánh tay của Tak lên và quả quyết rằng vết sẹo trên tay là bằng chứng thuyết phục nhất chứng tỏ Tak là đứa con của mình.
“Hồi nhỏ nó bị té rồi bị cái sẹo này. Làm sao mà tôi quên được. Nó bị điên, giờ cũng thế. Nhìn nét mặt nó mà xem, nó y hệt tôi”. Nói rồi ông Peo quay qua Tak đang ngồi kế bên: “Mày đó phải không Tak?” - ông Peo hỏi. Tak vẫn nhìn ông cười ngờ nghệch.
Ông quả quyết: “Đúng là nó đây rồi chứ không phải ai nữa. Nó bị điên mà. Còn đứa con gái bị thất lạc của gia đình bên Campuchia thì không bị điên”.
Để ăn mừng con gái trở về, ông Peo mua heo, giết gà mời người làng đến ngồi quanh khu vườn của mình để uống rượu. Cả Công an huyện Chư Sê cũng đến để tìm hiểu.
Tak đang được người làng dựng cho một cái chòi ở sau nhà ông Peo để ở, bởi nhiều năm nay Tak đã ở như thế bên gia đình
tại Campuchia.
"Người rừng" H’Pnhiêng - Đinh Thị Tak tại thời điểm được tốp thợ săn Campuchia tìm thấy năm 2007 |
Hành trình tìm con
Năm 2007, câu chuyện về Tak - tức H’Pnhiêng - gây chấn động dư luận. Tháng 1-2007, một tốp thợ săn người Campuchia khi đi rừng đã tình cờ phát hiện Tak không mặc quần áo, bò ra chòi rẫy lục tìm thức ăn.
Tốp thợ săn này đã đưa Tak về. Gia đình ông Ksor Lu - sống ở huyện Ozadav, Rattanakiri, Campuchia - nhận H’Pnhiêng về nuôi vì tin chắc đó là đứa con của ông đã thất lạc 18 năm về trước (tính từ thời điểm phát hiện được Tak).
Lúc phát hiện, Tak đã mất gần hết bản năng của con người, lông lá đầy người, nói ú ớ không thành tiếng, lưng còng, móng tay móng chân dài và hay hú hét như con thú sống giữa rừng hoang. Phải vô cùng vất vả ông Ksor Lu mới đưa được Tak trở về cuộc sống của một con người thật sự.
Về phần Đinh Peo, ông kể rằng gia đình có tất cả năm đứa con. Tak là con thứ hai của ông. “Nó sinh năm 1977, trước nó có chị gái nữa. Nó suốt ngày đi lang thang chứ không biết làm việc gì” - ông Peo nói.
Ông kể đầu năm 2006, khi cả nhà đi rẫy về thì không thấy Tak đâu, dân làng cũng bỏ công đi tìm khắp nơi nhưng chẳng ai biết. Phần vì cuộc sống khó khăn, Tây nguyên thì mênh mông bát ngát nên sau mấy tháng cất công đi tìm, ông đành bất lực trở về vì nghĩ Tak đã chết.
Tháng 7-2007, một thanh niên có đưa cho ông xem hình ảnh về Tak trên báo. Lúc đó Tak được kể là đã tìm thấy ở bìa rừng và có gia đình ở Campuchia nhận nuôi.
“Tôi nhìn bức ảnh nửa tin nửa ngờ. Không hiểu làm sao nó có thể đi được mấy trăm cây số để qua tới đó. Nhưng nhìn khuôn mặt thì giống với Tak lắm. Lúc đó tôi nghĩ bên Campuchia xa quá, biết đâu qua đó mà chẳng phải là con mình lại mất công!” - ông Peo kể.
Từ đó đến nay, ông nói rằng vẫn hay hỏi thăm người làng, dò khắp nơi để tìm con nhưng chẳng có manh mối nào. Mới đây, khi dành dụm được một ít tiền ông đã quyết định lên đường qua Campuchia.
Ông Peo cho biết khi họp gia đình, được các con đồng ý nên ông và mấy đứa con quyết định đi làm hộ chiếu, nhờ biên phòng đồn Lệ Thanh giúp đỡ để qua tận gia đình của ông Ksor Lu nhận con. Tháng 2-2016 là chuyến đi đầu tiên.
“Lúc đầu tôi qua bên đó gặp gia đình nhận nuôi Tak, thấy nó tôi biết chắc là con mình vì nhìn đôi mắt đó vẫn không thể quên được. Nhưng tôi phải thuyết phục gia đình người ta, qua bốn lần, đến lần thứ 4 thì họ mới đồng ý cho tôi đưa về” - ông Peo nói.
Ngày 10-8 vừa qua, mấy cha con ông qua Campuchia đón Tak về. Tak đã 39 tuổi, vẫn ngờ nghệch, ngây dại như ngày nào. Đưa Tak ra khỏi nhà, mấy người trong gia đình của ông Ksor Lu - gia đình đã nhận nuôi nấng Tak từ năm 2007 đến nay - khóc như mưa.
Bà Xơi - vợ của ông Ksor Lu - bưng mặt nức nở rồi hôn lên cổ của Tak, nghẹn ngào: “Tao biết mày sẽ không nhớ tao đâu, không nhớ người mẹ này đâu. Nhưng tao thương mày lắm, mày về với cha mẹ mày ở Việt Nam đi, khi có điều kiện tao sẽ qua thăm mày, Rơ Chăm H’Pnhiêng ạ”.
Trong câu chuyện của mình, ông Peo luôn nhắc đến gia đình ông Ksor Lu, bà Xơi, Rơ Chăm Khăm Phi.
“Tôi nghe Khăm Phi - con trai của bà Xơi - nói năm 2007, khi đưa Tak về, bà Xơi đã biết Tak không phải là con gái đẻ của bà nhưng bà vẫn thương, vẫn chăm sóc và cho Tak ăn uống đầy đủ, thương như con đẻ. Gia đình họ rất nghèo, nghèo thậm chí hơn cả tôi, thế mà họ vẫn thương con tôi. Tôi mang ơn lắm”.
Ông Peo kể rằng quá xúc động trước tình cảm của gia đình bà Xơi, ông đã đem gạo, nước mắm, một ít đồ ăn và tiền mặt tổng cộng 35 triệu đồng để cảm ơn bà Xơi.
“Họ thật sự không muốn cho tôi đón Tak về. Nhưng họ cũng muốn để Tak về với cha mẹ đẻ của mình” - ông Peo nói.
“Muốn giải mã bí ẩn phải xét nghiệm ADN”
Về câu chuyện đầy dích dắc, bất ngờ của “người rừng” Rơ Chăm H’Pnhiêng, TS Lê Thanh Sơn - giám đốc Trung tâm nhân học - tôn giáo, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) - cho biết những thông tin từ trước đến nay về Rơ Chăm H’Pnhiêng đều là những thông tin mang tính đối chứng, thông tin thực tế.
“Đây là một câu chuyện rất thú vị về số phận một con người. Có vẻ như cả hai phía gia đình đều cung cấp các thông tin rất thuyết phục để khẳng định H’Pnhiêng - Tak là con của họ và chúng ta có thể hiểu đó là cảm xúc rất thật của những người cha người mẹ khi bị lạc mất con.
Nếu muốn đi đến cùng sự việc thì chỉ còn cách xét nghiệm ADN để có cơ sở khoa học một cách chính xác nhất”.
Về việc ông Peo nói rằng lạc mất Tak năm 2006, trong khi đó Tak được tìm kiếm chỉ hơn một năm sau, trong trạng thái của một “người rừng”, TS Sơn cho rằng cần phải xét trạng thái Tak thật kỹ để xác định có phải cô là “người rừng” hay không.
“Nếu một người bị lạc một năm trong rừng thì họ sẽ tự khắc có bản năng sinh tồn để có thể tồn tại trong môi trường hoang dã. Bây giờ chúng ta không thể tranh luận về thân phận của Tak bởi mọi chứng cứ đưa ra đều chỉ là thông tin” - TS Sơn nói.
|
“Tak là con gái của ông Đinh Peo qua các đặc điểm nhận dạng, lời kể của người làng, nét mặt, tiếng nói...
Đây là một câu chuyện vô cùng nhân văn về sự cưu mang giữa con người với nhau, giữa người Campuchia và người Việt Nam, giữa dân tộc Ja Rai và Ba Na.
Chúng tôi đã cố tìm lại các giấy tờ nhân thân, lai lịch của Tak để làm thủ tục pháp lý cho Tak sống với gia đình nhưng ông Peo không còn giữ nữa. Chúng tôi phải để cho họ làm theo tục lệ của người địa phương
Một lãnh đạo Công an huyện Chư Sê, Gia Lai
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét