Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

ANH HAI MEM BỜN..


Truyện ngắn HG

1.

Ông ấy hẹn chỗ nào không hẹn, sao lại “Cổng vào bến xe Mỹ Đình”?

Một nơi đông nghịt xe cộ ra vào? Nơi mà cò xe khách, cò tắc xi, cò xe ôm và đủ thứ cò khác mà hắn chưa biết hết bu đông như kiến, chỉ việc từ chối không thôi, đã mỏi hết cả miệng. Hà Nội của ngày hôm nay không còn là Hà Nội của hắn trong quá khứ. Nơi mà hắn đã từng sống hơn mười năm.

Để đi học, đi làm, mon men bờ danh vọng. Và rồi bị cái guồng máy toàn “chi tiết người” ấy văng ra bên ngoài..

Đã là một Hà Nội khác, rất khác. Khác đến nỗi hắn cảm thấy nó xa lạ, ngăn cách với mình từ thói quen sinh hoạt,  đến ý nghĩ trong đầu.

Đường xá rộng hơn, Nhà cao tầng nhiều hơn, màu mè hơn, cửa hàng cửa hiệu nhiều hơn. Đủ  mùi vị, đủ dịch vụ, dư hàng hóa, không đơn giản, tẻ nhạt như hồi hắn còn ở đấy.

Cho người có tiền nhiều lẫn người ví mỏng.

Chỗ nào cũng thấy niêm yết “Ở đây hàng đại hạ giá”:  “Một trăm, bốn áo”, “Ba mươi ngàn hai quần”.

Có những thứ đắt chết người lẫn thứ rẻ không thể rẻ hơn được nữa!
 Người cuồn cuộn như “Sông Kôn mùa lũ”. Hai bên vỉa hè như những bờ đê chuẩn bị vỡ ra. Toang hoác những hố đào để cải tạo đường điện ngầm, cống thoát nước đang thi công, che tạm bằng những liếp bằng tôn, loằng ngoằng dây nhợ.

Ai đó ví Hà Nội có “những dòng sông dưa hấu chảy miên man không dứt” quả là một hình ảnh chính xác, hóm hỉnh, ngộ nghĩnh đến buồn cười của người đi xe máy, mũ bảo hiểm trên đầu xùm xụp, mặt gần như kín mít khẩu trang.

Những khuôn mặt lộ ra nhìn thấy được cũng chả mấy thân thiện. Những nét mặt căng thẳng vì phải luôn chú ý đường đi hay vì trăm ngàn lẽ khác, sự chú ý khác, mà hắn có muốn tìm hiểu hàng năm cũng không nắm vững được.

Đời sống như chật chội hơn, gay gắt và nóng nảy hơn, dễ xảy ra hơn những gì không muốn vượt khỏi giới hạn mà óc tưởng tượng của hắn có thể nghĩ ra được.

 

Có lẽ vì thế mà ông anh họ hắn hẹn gặp nhau ở chỗ này, nơi ngày xưa là làng Phú Mỹ có cái xưởng bút máy Trường Sơn, hai anh em thường hay đến.
Năm đó dịch giả “Bông hồng đen” là bạn chung của hai người đang làm bảo vệ, sau khi ở Hỏa Lò về vì một chuyện “liên quan” nào đấy.

Ông ấy sợ lạc mất nhau giữa thành phố ồn ã, ôm đồm, quá phức, với ý nghĩ chủ quan hắn không thể nào quên chỗ này được.

Cho dù thành phố có đổi thay đến đâu đi nữa, chỗ này hắn vẫn nhớ. Nơi cách trường Sư Phạm chỉ một quãng ngắn. Hắn từng đi xe buýt từ Bach Mai lên, đợi nhau ở chỗ này những chiều thứ bảy để cùng nhau về quê, hay đi chơi đâu đó.

Có khi trong túi rủng rỉnh ít tiền nhờ hắn tranh thủ bán được cái bán dẫn ngoài chợ Hòa Bình, hoặc ông bố người anh họ về bộ họp, ghé vào cho ông con quý tử của ông cho con vài chục bạc.

Cũng có khi chả có đồng mẹ nào, cả hai vẫn hẹn, vẫn cứ đi. Cái thủa cả hai là sinh viên, ăn cơm trường và hít khí trời là chính, cũng không bận tâm nhiều lắm về chuyện tiền bạc.

Lúc này hắn tự nhiên như thằng dở người, thẫn mặt ra cho đến khi một ai đó đẩy mạnh vào vai, làm hắn lảo đảo. Một chiếc xe ba gác, bốn năm người xúm vào đẩy suýt đâm vào lưng gã. Gã hốt hoảng nhảy sang một bên. Dòng hồi tưởng tạm thời bị ngắt quãng như ti vi mất điện, khiến hắn bàng hoàng, y hệt sau một cơn say..

 

Người qua kẻ lại, bụi mờ hết cả mắt. Hắn thấy không thể cứ đứng giữa đường chờ ông anh tới lâu hơn được. Phải tìm một chỗ để đỡ vướng mắc những người xung quanh.

Nhìn quanh thấy chỗ nào cũng bất tiện cả.

Chỗ này mấy thằng choai bán vé số, níu áo.

Chỗ kia mấy mẹ hàng dong.

Mời ngọt sớt mía lùi đấy, nếu lắc đầu từ chối là y như rằng “ăn chửi”, ăn cả những thứ bẩn tưởi mà người đời mê muội, tham lam trong lúc bấn bí, bực dọc nghĩ ra được.

Mấy gã xe ôm đầu cắt trọc kiểu “Tàu phớ” chú chú, anh anh, không mời được đi xe lầu bầu chửi.

Hình như nó chửi mình “Hai lúa” hay “Ba gai “, “Năm sầu” gì gì đấy, hắn không thèm chấp. Mà nếu có chấp mấy người đó hẳn không cần đoán, chuyện gì xảy ra là biết liền..

Sinh quyển sống ở đây quả là nặng nề,  sắc nhọn, ghê gớm.

Thôi thì tránh voi chả xấu mặt nào. Kinh nghiệm đi đường hắn nằm lòng mấy chữ” Không nói nhiều, không làm quen với người lạ và nhất là không nên gây, cãi cọ, tranh luận với bất cứ ai”.

Chỉ là kẻ qua đường, ba cái chuyện vớ vẩn, linh tinh ấy đừng có để tâm. Mình có ăn đời ở kiếp ở đây đâu?

 

2.

Cuối cùng hắn cũng tìm ra được một giải pháp khắc phục cho cuộc đợi chờ này. Hắn lấy lại vẻ thản nhiên đúng “kiểu Hà Nội”, xách cặp vào một hàng nước ngay mép cổng bến xe..

Mẹ hàng nước đang độ tuổi tiền mãn kinh, đủ ba ngấn cổ, chào cộc, giọng khan khan như người hút thuốc, uống rượu nhiều:

- Uống gì không?
- Cho tôi cốc trà nóng.
- Lại trà nóng, trời này không làm lon sâm hay nước yến cho nó mát?
- Dạ không..

Hắn ngồi ra chiều nghĩ ngợi, cố làm vẻ không để ý đến xung quanh.

Đám cò các loại thấy vậy bay, biến đi chỗ khác. Lão lịch vạn niên cũng bê luôn cái sạp báo chí di động quay đít. Chả có hy vọng gì ở con người này, chắc lão nghĩ thế!

Không gian xung quanh như được cơi nới thêm một chút, dành cho hắn ngồi buồn, ngồi mà suy tư, ngồi mà chiêm nghiệm.

 

Thực ra hắn chả có gì để suy nghĩ nhiều. Hắn không trông đợi nhiều ở món quà bất ngờ sẽ nhận được từ anh Hai Mem Bờn này mang từ bên nước Úc xa xôi về. Hắn mong đợi ông ấy  lẽ khác, kể ra thì hơi dài dòng. Mà có mong chút quà vật chất nào đấy ở ông ấy rất không mang “tính hiện thực”,  kể cả “hiện thực huyền ảo”,hắn biết là không thể, không thực tế. Anh họ gã vốn là một nhà báo, nhà văn sau những năm dài đứng bục giảng của đại học. Nếu trong đời tích góp được gì, chắc chắn  là thứ khác, không phải là thứ mang nhiều giá trị tiền bạc.

Những nhà báo nhà văn tử tế thường nghèo, theo cách nghĩ của hắn. Những người may mắn như cụ Lựu, hay vài người khác là rất hiếm hoi.
Với lại không phải Việt kiều nào về quê hương  cũng cặp táp, lèn chặt ngoại tệ có mệnh giá cao.

Anh hai Mem Bờn này ở trong số những người như thế. Tuy ông ấy đã nhập được quốc tịch nước sở tại, nhưng vẫn trong diện hưởng quỹ “an sinh xã hội”, bảo trợ của xứ người. Mỗi tháng chính phủ cấp cho những người thất nghiệp trên dưới ngàn đô. Tương đương với hai mươi triệu Việt Nam đồng.

Nếu ở Việt nam, người ta có thể sống sung sướng, so với mặt bằng xung quanh, bởi rất ít người có được mức lương cao như thế. Nhưng ở xứ đó nó chẳng là cái đinh gì.

Bây giờ chẳng còn ai ngạc nhiên khi gặp những ông tây ba lô du lịch sang xứ mình. Mức thấp ở chỗ khác, lại là mức cao ở xứ này.

Người ta vẫn có quyền nghỉ ở khách sạn, ăn nhà hàng có các món ăn dân tộc, chứ không phải nằm nhà trọ rẻ tiền dành cho khách vãng lai, hay ăn bánh mì khô, uống nước lọc  như nhiều cư dân kém may mắn từ các tỉnh lẻ về với thủ đô.

Ông anh không nói, nhưng từ các nguồn khác, hắn biết gần đây ông ấy tham gia một tổ chức thiện nguyện phi chính phủ. Thế nào cũng có chút trợ cấp thêm, không đến nỗi quá túng bấn.

Từ sân bay Nội Bài, hắn đoán là ông ấy sẽ thuê tắc xi về đây  gặp hắn, sau đấy anh em cùng nhau về quê. Chính vì nghĩ như thế nên lúc tên bạn đưa hắn ra đến đây hắn bảo anh ta cứ về, để mặc hắn ở lại một mình.

Bạn hắn là gã nhà thơ có số có má và có cả nhiệt tình. Nhờ giời từ ngày bớt thi phú, chăm chú kinh kinh doanh, giờ gã cuộc sống cũng khá. Vợ chồng gã mỗi người một xe riêng, đều giá bạc tỷ cả.

Biết nhau từ thủa hàn vi hắn biết, nếu mở lời bạn hắn chả ngại ngần, sẽ đưa hắn về thẳng quê. Những chuyến đi hàng trăm cây số vì bạn bè, gã còn không chút lăn tăn, thì từ đây về xứ Đoài có mấy chục cây số, không là cái gì.

Hơn nữa hắn lại có thêm cuộc thâm nhập thực tế, trải nghiệm về một vùng quê thời trẻ tuổi chơi với nhau, gã rất thích.

Bây giờ dẫu có nặng một chút, nghiêng về kinh doanh một chút, thì thơ ca vẫn là phần hồn, là một mối tình vẫn không dễ dứt. Biết đâu gã sẽ có thêm bài thơ hay, gây ấn tượng và có dư luận sau những bài thơ “ngâm vịnh nhàn nhạt” của thời gian gần đây?
Thuộc nhau đến nỗi hắn có thể biết bạn hắn đang nghĩ như thế, nhưng hắn không muốn phiền.

Sống ở đời này, muốn giữ được tình bạn bền lâu tốt nhất là đừng phiền nhau những cái không đáng phiền. Món nợ nào cũng dễ thành khó chịu, mà hắn lại không muốn nợ ai.

Mà biết đâu trong héo ngoài tươi? Bạn hắn bề ngoài như thế, không thể cho là gã hoàn toàn may mắn, thuận lợi trong hoàn cảnh gập gềnh, khó khăn chung hiện tại?
Gã kinh doanh nội thất cao cấp và bán tranh đá quý không phải là thứ hàng dễ bán trong lúc này.
Gã còn công việc của gã, mình đi chơi phiền nhau làm gì? Hắn nghĩ thế và chăm chú nhìn ra ngoài đường mỗi khi có chiếc ta xi chạy đến gần. Không biết chiếc nào là chiếc anh hai từ bên cảng hàng không Nội Bài về? Từ đây sang đấy nếu đi tacxi cũng không bao lâu mà hắn đợi mấy tiếng đồng hồ rồi là làm sao? Kẹt xe hay còn nguyên nhân gì khác?

 

Hắn thật bất ngờ khi nhìn ra mé đường thấy ông anh đầu đội mũ bảo hiểm, mặc bộ quần áo đi mưa, bùn đất  lấm đến ngang người, đang tựa vào cái xe máy dáo dác có ý tìm hắn. Chẳng lẽ ông ấy mang theo xe máy từ bên kia về?

Hắn trả tiền nước, chả thèm để ý đến giá một cốc trà nóng ở đây rất không bình thường. Vội đến mức quên cả tiền người ta trả lại.

Mụ chủ quán vất theo cái nhìn: “thằng hâm”!

 

Anh họ bảo hắn:” Chuyện gì để sau hẵng nói. Bây giờ chú đứng đây, để anh xem chỗ nào bán mũ bảo hiểm mua lấy một cái”. Hóa ra ông ấy chả lạ luật giao thông hiện nay ở trong nước.

Tham gia giao thông, dù anh là ai, nhất thiết phải mang mũ bảo hiểm. Nhưng có thể giá cả mũ mão ông ấy không rành bằng mình? Hắn bảo: “Để em”.

Gì chứ mũ bảo hiểm có thể ngay một lúc mua được, chở xe ô tô không hết.

Đồ đạc hơi cồng kềnh, nhưng chẳng sao.

Hắn bảo anh họ, cái nhà ông Việt kiều yêu nước hay là nước yêu ông ấy, ông Mem Bờn ấy để hắn cầm lái.

Hai anh em đủ cả mũ mã như người đời, “trôi vào dòng sông dưa hấu”.
Lúc: “bây giờ là mười hai giờ”, cái di động nhéo nhéo canh chừng thời gian, báo như thế!

 

3.
Ngang qua thị trấn Phùng.

Đoạn đường đủ dài để hai anh vừa đi đường vừa trò chuyện.

Ông Men Bờn nói chung chẳng khác bao nhiêu, tình cảnh vẫn như năm năm trước hai anh em gặp nhau.

Cái hy vọng lập công ty Nam dược, vốn là nghề gia truyền bên đằng vợ, định mở ở bên Úc không thành.

Cơ địa của người xứ đó không giống như người Á châu. Hơn nữa người ta chưa có thói quen dùng các loại thuốc lá lẩu, rễ cây như bên Việt Nam.

Xoay sang mua đất trồng dưa leo, thất bại tiếp vì thiếu kinh nghiệm, chưa nắm được quy luật thời tiết ở vùng đất mênh mang và khô khan này.

Ngay cả Việt nam cấy trồng rau màu chưa chắc ông Mem Bờn đã làm thành công. Tuy từ làng quê, từ nông thôn mà ra ông có biết mảnh đất luống cày hình thù muôn vẻ của nó như thế nào?

Suốt chừng ấy năm sống hết đi học, rồi đi dạy học. Kể cả những năm cầm súng những công việc ấy cũng chả giúp ích gì cho nghề gieo trồng, cấy hái. Phải là người chủ quan lắm, bồng bột lắm ông mới nghĩ ra chuyện này.

Chả trách hồi còn ở Sài Gòn, gặp thời mở cửa,  ông hăng hái nhận lời người ta. Cả bọn vài ba ông tiến sĩ góp vốn buôn phụ tùng máy bay và  xây nhà máy làm mì ăn liền. Mấy ông này muốn làm người Việt Nam đầu tiên đầu tư ở nước ngoài.

Đáng tiếc là các ông mới chỉ nói nghe và viết thạo tiếng Nga. Nước Nga, đời sống Nga, tính cách và nhất là thị trường Nga hiểu biết còn nhiều hạn chế. Về khoản này những kẻ buôn bán chợ giời, thậm chí lưu manh còn dễ thành công hơn các ông. Các ông là trí thức cả đấy, nhưng mờ các ông đi trên dây, chả hiểu gì về nước Nga, về châu Âu sau khi bức tường Bec lin sụp đổ. Cũng không hẳn bởi tại cái môi trường lạnh lẽo và khốc liệt xứ ấy thời bấy giờ. Chính những kẻ bày mưu tính kế, cùng mầu da mới là kẻ làm các ông khốn nạn khốn khổ. Không có chuyến hàng nào cả, cũng không có nhà máy mì ăn ngay nào cả. Chỉ có một bọn lừa đảo, ngay sau đó cuỗm hết số tiền chạy ra nước ngoài.

Nếu người chị dâu hắn không thương chồng, ngay năm đó có thể ông đã phải hầu tòa vì số nợ quá lớn. Nếu không cũng chết dưới tay những kẻ đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê không thiếu ở đất Sài Gòn.

Cũng có lúc hắn nghĩ nếu độ đó, hắn gặp ông ấy sự việc đã không xảy ra. Nhưng ai mà biết được ý trời? Đã phong trần sương gió, đắng cay ông ấy buộc vào cho mình có tránh cũng không được. Hắn lại tự vấn như thế.

Với lại hồi đó hắn cũng đang khốn khổ, chúi mũi trong rừng cưa cây, hầm than. Có nghe nói ông anh lấy vợ giàu có ngoài Sài Gòn, nhưng hắn không đến.

“Có ăn mày thì ăn mày thiên hạ chứ không ăn mày anh em” là câu cửa miệng của người quê hắn. Lại còn mặc cảm tự ti, vân vân ba cái lặt vặt khác như đường đi lối lại xa cách, khiến mấy năm cùng ở phương nam mà anh em không gặp nhau.

Hai anh em mới gặp lại sau ngày trở về miền bắc. Khi tất cả những bi kịch riêng của hai bên đã hạ màn.

Và bây giờ, khi vợ chồng con cái định cư ở Úc, số vốn dành dụm mang theo từ Sài Gòn đi giờ coi  như đã hết.

Ông bố không cùng ý thức hệ, không mấy cảm tình với người con rể đến từ miền bắc. Ông vượt biển sau khi cải tạo về. Khi con gái được ông bảo lãnh đưa chồng con sang đây, ông không tỏ thái độ ra mặt, nhưng trong lòng không vui.

Người con rể biết ông  với mình là người của hai cực rất khác nhau. Đến khi ông nhận ra người con rể cũng là người tử tế, nhân hậu không giống như thành kiến của mình cũng là lúc ông không thể sống thêm được nữa trên đời.

Mỗi người chỉ có một sinh mệnh, dù dài ngắn khác nhau, nhưng rồi tất cả đều cũng qua. Không ai tồn tại mãi mãi, muôn ngàn năm ở thế giới này.

Khó chồng lên khó, cái tổ ấm của ông Mem Bờn không thể kéo dài sự êm ấm lâu hơn được nữa.

Vợ ông khóc mà ly thân với chồng. Chị ta kết hôn với một người đàn ông người bản xứ. Ba đứa con duy nhất một đứa có việc làm. Hai đứa kia ở với mẹ.

Cũng có thể đấy chính là lý do để cho người chị dâu hắn chưa từng gặp bao giờ đi thêm bước nữa.  Hắn chủ quan mà đoán là như thế.

Hắn từng nghe, từng đọc những câu chuyện về thân phận éo le của người viễn xứ. Những thân phận vượt trùng dương, đối đầu với sóng dữ, hải tặc lênh đênh trên biển, mịt mờ bến bờ có khi hàng tháng trời đối diện với vô vàn hiểm họa..

Nhưng đây lại là câu chuyện buồn khác, hết sức đặc biệt. Những người trong câu chuyện này  không vượt biên trái phép, họ được bảo lãnh ra đi có sự chuẩn bị, sắp xếp đàng hoàng. Đi bằng máy bay của hãng hàng không nổi tiếng, chứ không theo kiểu thuyền nhân, mà đâu có may mắn gì hơn?

Có khác gì kẻ liều mình cất bước ra đi?

Ông Mem Bờn kết lại một câu:

- Chú ạ, cái số nó như vậy như ông bà mình nói có chui vào ống cũng không thoát được. Thôi thì cáo chết ba năm quay đầu về núi. Anh định về kỳ này còn căn nhà ở quận một bán nốt rồi trở về quê. Đất của bố mẹ anh để lại vẫn còn, chắc cũng không khó lắm. Có điều kiện đọc sách, viết thêm cái gì đấy nếu không muộn mất…
Giời ạ. Hắn suýt bật lên thành tiếng. Cảnh ngộ như của ông ấy hiện nay thì viết cái gì bây giờ? Có lẽ ông ấy xa xứ, xa “trường văn trận bút” trong nước lâu ngày, ông ấy không cập nhật tình trạng văn đàn hiện nay ra sao? Ông chưa biết thảm cảnh của cái gọi là “Văn hóa đọc” trong nước hiên nay hay sao? Có khi ông nghĩ như thời ông còn là sinh viên sư phạm. Thời bấy giờ có ông nhà văn chưa nổi lắm viết được cuốn truyện tầm tầm thôi mà đủ mua được căn hộ ở Hà Nội lúc bấy giờ?  Đó thời hoàng kim của văn chương bao cấp. Đã xa và mãi mãi xa. Hắn nghĩ sẽ không bao giờ lặp lại.

Hắn cũng có biết một số ông nhà văn hải ngoại, lâu lâu về hoặc có sách xuất bản trong nước. Nhưng hoàn cảnh của người ta khác ông ấy rất nhiều. Chưa nói đến cái thần, cái trí,cái khí phách người ta với ông lầ cả một khoảng quá lớn. Ông Mem Bờn thì hắn không lạ. Hắn biết là ông ấy đã viết và sẽ viết như thế nào.

Có một cái khung mà hắn nghĩ ông ấy có đi tận chân trời góc bể vẫn không thể thoát ra được. Đấy là cái tạng hiền lành, khiêm nhường đến mức trở thành rụt rè.

Đó không phải là phẩm chất không tốt. Ngược lại còn được mọi người ái mộ, cho là tử tế chu đáo nữa.

Nhưng tính cách ấy để viết lại không ổn. Khái niệm chỉn chu là khái niệm hết sức vớ vẩn nếu ai đó chuẩn bị tư thế trước khi cầm bút, hoặc gõ bàn phím làm văn chương.

Văn chương là giống nhu cầu thóa dỡ, tìm tòi, đập bỏ để tái tạo lại là nhu cầu khốc liệt. Để làm được điều đó ngay người có tài năng cũng rất khó khăn, phải chuẩn bị, trải nghiệm, kinh qua rất nhiều điều.. Có khi còn chẳng đi đến đâu!

Huống chi ở tuổi này rồi, ông ấy muốn làm lại, nói đúng hơn bắt đầu lại từ đầu thì làm sao kịp?

Còn sống bằng gì, ăn ở ra sao nếu muốn trở về làng?

Làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên thật đấy nó đâu còn như ngày xưa. Liệu có ai cưu mang đùm bọc người thất bát trở về?

Có thanh đạm cỡ nào cũng phải có chút tiền. Ông ấy như người lơ lửng giữa giời thế này..

 

Hắn định nói ra cái ý nghĩ ấy, nhưng nhận thấy không tiện và không nên, nhất là vào lúc này.

Hình như ông Mem Bờn đọc được điều ấy qua vẻ băn khoăn của hắn. Ông bảo:

- Chú yên tâm đi. Tuy rằng bây giờ anh không có lương. Nhưng còn căn nhà trong đó. Còn có hai quốc tịch. Đi, về Việt Nam còn dễ hơn chú từ đây vào Sài Gòn. Căn nhà ít nhất trong ấy bất động sản dù có hụt giá cũng được vài tỷ. Có về quê, làm cái nhà nho nhỏ cỡ vài trăm. Còn đâu gửi ngân hàng tiền lãi tháng cũng đủ sống. Chưa kể đến trợ cấp xã hội ở bên kia.. Giàu có anh không nói nhưng cuộc sống sẽ không đến nỗi..

Nếu đúng như lời ông ấy nói, ông ấy không đến nỗi thật.

Ông ấy là người giữa giời, nhưng giời vẫn thương không để phải rơi hẳn xuống đất. Lơ lửng thế thôi!
Hắn nhìn ra cái xe máy ông anh họ mướn của một đại lý nào đó, chắc gần sân bay để lấy chân đi. Nom cu cũ thế mà hóa ra là xe Nhật xịn, không phải loại thường, loại lắp ráp trong nước..

 

Vào hàng. Dù sao vẫn phải ăn vì đã quá bữa. Chủ tiệm cơm rang có cái tên “Cồ Minh, cơm rang gia truyền” rất lạ bưng ra mấy món.
Quán này nổi tiếng nem Phùng và lòng bò sào dưa chua, hắn có ghé đôi lần. Ông Mem Bờn bảo:

- Chú muốn ăn gì cứ gọi. Lâu lắm rồi anh em mới được ngồi cùng nhau, không phải ngại. Anh có tiền, chú đừng lo..

5.

Cái lô cốt bây giờ nom như nhỏ hơn, nhu mì hơn, không dữ dằn như sáu mươi năm trước. Khi mà nó nằm án ngữ bên con đường  QL11, như một thử thách máu xương với quân du kích vùng châu thổ sông Hồng. Giờ thì nó lặng lẽ, gần như chìm hẳn xuống khúc đê có cái dốc xuống con đường chạy về quê hắn.

Đứng ở đây có thể nhìn thấy cây cầu bê tông mới bắc qua sông Đáy, thay cho cây cầu sắt bị đánh gục từ thời chống Pháp. Xưa kia quãng này vắng vẻ, chạy xe về ban đêm qua chỗ này cứ thấy rờn rợn người. Bất chợt một lúc nào đó từ những bãi đay, hoặc ngô cao lút đầu người có một tai họa mặc áo đen nhảy ra chặn đường. Một bóng ma người đi đường tự huyễn hoặc mình, theo một quãng phía sau lưng cảm giác lành lẽo khiến người ta nổi da gà..

Áp lực dân số đã làm cho cả một vùng châu thổ vắng vẻ xưa kia thay đổi. Những lũy tre có từ ngàn năm xưa gần như biến mất. Cánh đồng ngô của vùng đất bãi xanh mướt trải dài tới chân trời xuất hiện thêm nhiều những khu xưởng, kho hàng, cơ ngơi của các doanh nghiệp nhỏ.

Mới một năm trước hắn còn thấy nơi này náo nhiệt, nhộn nhịp xe chạy, người đi lại. Từ đầu năm đến giờ, vẻ trầm lắng của nền kinh tế thị trường hình như cũng bao quát cả nơi này. Người và xe hình như giảm đi rất nhiều. Có những quán ăn, tiệm hàng hóa bên đường không còn mở cửa. Không cần chăm chú lắm, hắn cũng nhận ra sự thay đổi biểu lộ ra bên ngoài của những làng xóm hai bên đường.

Nhà nối nhà cao tầng, đường nhựa, đường bê tông, những cánh cổng bằng gang đúc nhìn bề thế, song như lại gợi ra vẻ cách trở, xa lạ. Lâu lâu hắn lại về thăm quê một lần còn thấy ngờ ngợ như thế, chẳng biết ông anh họ cảm thấy và nghĩ như thế nào?
Lúc đầu hai em định tranh thủ ghé chơi một vài người bạn, người quen ở Phùng. Hỏi thăm thì người ta bảo không còn ai còn ở lại nơi này. Ông bạn là thày giáo, hơi gù lưng, có giọng nói trầm buồn, một nhà thơ nổi tiếng của tỉnh Hà Tây cũ đã qua đời. Ông ấy mất vì căn bệnh hiểm nghèo trước ngày Hà Tây nhập lại vào Hà Nội lần thứ hai. Khi trường ca về xứ Đoài  mới viết được một vài chương.  Hắn không biết giữa ông giáo làm thơ này với nhà phê bình cựu sĩ quan an ninh họ Nguyễn có mối quan hệ nào không? Nhưng quan niệm về thơ của hai người này rất giống nhau. Họ đều cho rằng thơ Việt mới chỉ có những bước đi chập chững, chưa trưởng thành. Thơ cần có tính minh triết, tư tưởng cao siêu chứ không cần sự mô tả sinh hoạt, chỉ chăm chú âm điệu, vần vè. Những bài thơ vụn vặt, tủn mủn nặng về minh họa rồi ra sau này sẽ không đi tới đâu. Hắn không được trao đổi trực tiếp, tranh luận với cả hai, nhưng hắn đọc rất kỹ những bài viết của họ đăng trên các báo và tạp chí của hội. Có nhiều điểm hắn thấy thích, nhưng không hoàn toàn nhất chí ở một vài cách lập luận của hai tác giả này.

 

Hắn chợt thấy buồn. Hình như những tài năng bất ngờ vụt sáng thường không đủ hiện hữu hết quãng thời gian của đời người. Những họ Lưu, họ Bế..rồi Hòa Bình, Lãng Thanh đều mất khi còn trẻ. Họ như những vệt sao băng lóe lên trên bầu trời đêm văn học của đất nước này. Mỗi người một cách ra đi rất không bình thường. Như thể cuộc đời không đủ chỗ cho họ trong thế giới này. Chỗ của họ là nơi nào đó, khác hẳn chứ không phải nơi đây!

Nhưng thử hỏi sống lâu, mòn mỏi, rầu rĩ, bế tắc nơi thế gian này đến hết thời gian của kiếp sống phỏng có hơn gì? Anh họ hắn nói như vậy. Hắn biết có thể là tâm trạng ông ấy lúc này đang có điều gì đó không được vui.

Đáng lý trở về nơi quê hương bản quán, tâm trạng người ta phải phấn chấn, tươi vui mới phải. Đằng tâm trạng u ám ấy do đâu?

Hai anh em quyết định không ghé bất cứ chỗ nào nữa, mà về quê luôn.

Dọc đường ông anh họ kể cho hắn nghe một vài chuyện bên xứ người. Có những chuyện hắn không thấy có vẻ như thật khó tin, nghĩ là ông ấy có phần phóng đại, thi vị hóa nó lên. Thỉ dụ như có lần trên đường đi bên xứ  người ta, xe ông bể bánh giữa đường. Chỗ đó quãng giữa hai thành phố rất vắng vẻ. Đang lay hoay không biết xử trí ra làm sao, thì có cái xe ngược chiều đỗ lại. Người trên xe xuống hỏi xe làm sao? Có bánh dự phòng không? Sau đó anh ta tự lái xe của mình đi cách cả hai chục cây số mua về cái bánh xe, lắp vào cái xe bể bánh cho ông ấy. Họ đều là người đi đường, không quen nhau. Không có ràng buộc gì với nhau cả. Cảm ơn thì nói là không có gì! Xin số được thoại để sau này muốn mời uống cà phê đâu đó thì người kia bảo: Nâu, nâu. Không cần. Anh ta ngay sau đó vội lái xe đi ngay. Chuyện ấy giờ liệu có ở nơi nào không trên đất nước mình? Một hành động không vụ lợi, không mưu cầu điều gì cả. Chỉ là thói quen,văn hóa sống giữa người với người giữa một cộng đồng có nhiều khác biệt. Cũng có thể có ở ta những điều như thế, nhưng vô tư, thoải mái đến độ ấy chắc chắn là không. Không có nhiều người sống vì người khác. Phải được cái gì đó người ta mới làm như vậy, theo cái triết lý rất sai lầm”Mình không vì mình thì trời tru đất diệt”.

Một vài câu chuyện như thế, hai người đã nhìn thấy cây gạo còng trước mắt. Sau nhiều dâu bể, đổi thay có lẽ cây gạo còng còn là chứng nhân ít ỏi tồn tại đến giờ. Nhà ông anh họ đã nhìn thấy chóp mái nhô lên trên đám cây cối trong vườn.

6.

Anh họ nhắn hắn về là có hai việc. Thứ nhất dự đám cưới đứa cháu con ông bác trưởng. Thứ hai có một việc liên quan đến ông muốn hắn tham gia góp ý kiến với mấy bà con gái ông bác đã mất. Vẫn là chuyện đất cát, hương hỏa ông bác để lại, khi ông anh vắng nhà tạm giao cho mấy bà con gái.

Ông bác có để lại di chúc ghi rõ là giao cho anh con trai duy nhất là ông anh họ hắn bây giờ. Vậy chuyện có gì để bàn nếu nó không có những uẩn khúc bắt đầu từ lúc ông anh họ hắn làm con nuôi nhà này. Nếu ông vẫn ở làng như bao người khác, lấy vợ sinh con, xây dựng trên mảnh đất cha mẹ cho chắc không có chuyện gì. Mấy người em gái không có lý do gì để cất giữ cái sổ đỏ chứng nhận sở hữu tài sản này. Đằng này ông lại lấy vợ trong nam. Xa hơn nữa lại đang định cư ở nước ngoài. Lo ngại rằng ông về bán đất, bán nhà để lấy tiền mang đi không phải không có lý do. Lại thêm bà chị dâu con ông bác trưởng ở sát kế bên thêm bớt câu nọ câu kia. Lại thêm các chị em ở quê đang lúc khó khăn, ai cũng muốn có chút tiền trang trải cuộc sống trước mắt. Lại thêm điều mà không ai nói ra vì khó nói. Đó là ông không phải con đẻ của bố mẹ. Ông là con nuôi, khi hai người con trai của bác hắn chết từ lúc năm sáu tuổi. Vợ chồng ông bác quý anh họ hắn không khác gì con đẻ. Điều này hắn biết khi còn ở làng. Hiếm có gia đình nào đối với con không do mình đẻ ra như hai bác hắn.

Các em gái bây giờ tuy không ai nói ra, chỗ gợn ấy không phải không có trong đầu óc họ.

Lâu dài, ven nghĩa, vẹn tình là cái khó  ở quê vào hoàn cảnh bây giờ. Ngày xưa đất đai rộng rãi không chật chội mấy, có thể xuê xoa nhấn nhịn với nhau. Bây giờ thì không thể. Đất chật người đông, ngột ngạt khó thở thì một tấc một ly cũng nên giá nên tiền!

Tháng trước ông có về, đúng ngày giỗ bố. Sự việc được đem ra bàn sau bữa cơm xum họp quây quần đông đủ nội ngoại, nhưng không đi tới đâu. Cả  mấy người em gái cứ khăng khăng một mực chỉ đồng ý cho ông anh ở chứ không cho bán, mặc dù ông anh họ nói rất rõ là không có ý định bán. Chả ai nghe. Ý nghĩ nghi ngại như chất cường toan ăn mòn tình cảm gia đình. Ngôi nhà cũ đã hỏng không ở được, đã đến lúc làm lại. Bây giờ về thành phố, không như xưa muốn xây cất nhà cửa thế nào tùy mình, không phải xin phép ai. Phải có phép tắc, phải có mẫu thiết kế. Muốn có cái đó trước hết phải có sổ đỏ. Ai dám cấp phép xây dựng nhà cửa khi không có bìa đỏ? Hỏi đến người nọ bảo người kia giữ, không đưa.. Bảo ông cứ làm nhà xong sẽ không giữ làm gì, sẽ đưa ông toàn quyền xử dụng! Không khác gì thách vật nóc nhà. Có những đỉnh núi không thể leo lên. Có những việc tưởng nhỏ rất khó giải quyết.

Hắn với ông anh họ ngoài tình cảm gia đình còn một thứ nữa là tình bạn. Tuy xa cách nhiều năm, chỉ cần nói chuyện một lúc là đã hiểu, đã thông cảm. Giữa hai người có thể nói có cùng mối quan tâm, sự nhận thức và thấu hiểu nhau. Cho dù vậy, hắn có thể giúp được gì trong việc này?  Không cẩn thận nó trở thành rắc rối mất tình cảm chung của cả gia đinh, liên quan người này người kia.. Mà từ chối không có ý kiến gì thì không được. Hắn biết ngoài hắn ra không có nhiều người trong gia đình ủng hộ ông anh việc này. Vẫn có một bức tường vô hình ngăn cách mà không ai muốn tỏ lộ ra, mọi người đều biết như một thỏa ngầm.Một thỏa thuận ai nấy đều biết không nên và không hay ho gì..

Cứ nhìn cách cư xử của mọi người là đủ biết. vẫn chào hỏi vồn vã, ân cần. Nhưng nhìn kỹ từ trong đáy mắt mỗi người đã khác. Không còn nồng ấm, tin cậy, gần gũi như những lần trước.

Năm ông anh họ chưa thất bát từ Sài Gòn ra mang theo cả va li tiền. Ông về xây cất lại khu mộ của cả họ hết mấy chục vạn gạch. ( Có khi chính đây là chỗ sai lầm của ông ấy theo hắn nghĩ. Mồ mả không phải cứ tự tiện đụng chạm đến. Lẽ ra xây tường bao quanh, xây án thờ, xây lại các ngôi mộ theo chiều hướng khác có xem xét thận trọng. Đằng này ông xây như kiểu photosop phóng to lên. Vẫn hình dáng cũ. Tưởng là giữ lại nguyên bản hóa ra nhìn lại nặng nề và thô. Biết đâu việc làm này ảnh hưởng không tốt, theo hắn nghĩ? Mà quả thực sau cái đợt ấy, trong nhà rối ren bao nhiêu việc, bao nhiêu tai họa lớn nhỏ xảy ra. Hắn ở xa  ông Men Bờn năm đó, cũng gặp vài rắc rối )

Năm ấy ông có tiền. Già trẻ lớn bé, nội ngoại trong đại gia đình ai cũng được quà. Người nhiều năm ba triệu, người ít cũng năm bảy trăm. Ông ngồi chỗ nào cũng vòng trong vòng ngoài, nói cười rôm rả, rộn ràng không khí xung quanh.

Giờ thì vẫn chào hỏi, vẫn dăm ba câu, nhưng nhanh, gọn, rời rạc, loáng thoáng, vội vã diễn ra không như ngày ông về cùng với va li tiền.. Hắn nhìn, ông anh có vẻ buồn. Con người ông nặng tình cảm. dễ xúc động. May mà không cao huyết áp, nếu không đã bị tăng sông. Ngày bé bà bác cứ gọi ông là “Cu gái”. Gọi thế là để giữ khước, không sợ ma quỷ trêu chòng lấy mất vía, không bị tai nạn ốm đau.

Cái tên có khi tạo nên tính nết con người. Gọi mãi quen nghe, trở thành bẽn lẽn, lâu dần nữ tính phảng phất trong cách cư xử. Người như ông thường nghĩ gì dễ lộ ra bên ngoài, khó giữ được nơi sâu kín phía trong lòng, khi cần thiết.

Món thanh niên cơm rượu xong ra ngoài rạp hát hò. Khỏi phải nói khi rượu vào bốc lên lời ca tiếng hát hay hay không hay. Tâm lý cộng hưởng cái vui của đám đông làm người ta hào hứng, không chú ý đến điều nhỏ nhặt, tiểu tiết.

Các vị quan trọng trong họ đang hội bàn công việc cho ngày mai. Những ai đi đón dâu? Ông nào làm đại diện? Lễ lạt mang đi những thứ gì? Đi mấy xe, cái nào đi trước cái nào đi sau, bao giờ về.  Ông Mem Bờn cũng có tên trong danh sách, còn làm phó đoàn theo sự chỉ đạo của các vị trưởng bối. Nhưng rồi ông kiếu. Nói rằng mình thoát ly làng xóm từ hồi còn trẻ, không sống ở làng, nghi leexkhoong được thạo lắm. Hắn chỉ là thành viên. Họ nể hắn ở xa về, quan tâm một tý để hắn khỏi tủi thân. Thực ra vai trò của hắn đi cũng được, không đi cũng chẳng sao. Kiểu”Có cô thì chợ thêm đông..”. Ngồi đây họp bàn mà đầu óc hắn cứ vương vít câu chuyện của ông Mem Bờn. Tình anh em, tình bạn bổn phận với nhau đã đành. Trong câu chuyện của người anh họ có chút gì đó như câu chuyện đất đai, vườn ải của hắn trước đây, cũng ở trong cái làng này.

Hắn buồn mà nghĩ rằng: Tại sao ngay cả những người thân yêu, thậm chí đến cả ruột thịt cứ phải tranh giành nhau chút đất đai để sống như là đang quá chật chội? Thiên hạ rộng lớn, thiếu gì nơi để dung thân? Ngay cả ông Mem Bờn ra đến nước ngoài còn có chỗ để sống kia mà? Kể cả có thất nghiệp nơi xứ ấy vẫn còn hơn chán vạn cuộc sống bên nhà? Có phải là mảnh đất chôn nhau cắt rốn có giá trị hơn những mảnh đất khác? Hay một miếng trong làng, hơn cả sàng ngoài xã hội, rộng hơn nữa là ra thế giới bên ngoài?

Buồn mà nghĩ thế thôi chứ giải quyết được gì?

Chợt hắn đứng lên, bấm ông Mem Bờn đi ra ngoài. Hắn vừa nảy ra một ý nghĩ, hắn muốn bàn với ông.

Ở Trại Khoai, dưới chân núi Ba Vì có một khu phố nhỏ. Nơi những năm tám mươi còn hoang vu ấy bây giờ là Phường Xuân Khanh. Có đến hai trường đại học ở khu vực này. Chưa kể đến các học viện quân đội, an ninh. Nghĩa trang hà nội, khu du lịch sinh thái. Nhiều công trình cho người sống và cho cả người chết được xây dựng.

Ông Hai Mem Bờn có ông cậu em bà bác Hắn đang ở đó. Còn thêm cô em gái ông lấy chồng đang ở đây, chỉ cách nhà ông cậu vài cây số. Ông cậu vốn là người được bà mẹ ông anh họ hắn tin cậy và rất quý. Ông từng là đô vật nổi tiếng của tỉnh Hà Sơn Bình khi xưa. Là thương binh cụt một bên tay, nhưng hội vật đầu xuân năm nào ông không được giải nhất cũng giải nhì. Không những nổi tiếng vật võ như thế, ông còn được mọi người xung quanh kính trọng về cách cư xử. Hồi còn nhỏ ông Mem Bờn rất được ông cậu thương quý, coi như con đẻ của mình.

Có lẽ trong lúc bức xúc ông Mem Bờn không nhớ ra điều này, bởi tại hôm họp gia đình ông cậu vào thăm chiến trường xưa cùng đồng đội nên không có mặt. Giá ông hôm ấy về quê, có đông đủ mọi người thì mọi việc sẽ khác. Người em gái ông anh họ hắn, người đang giữ cái sổ đỏ quý báu kia,  sẽ không dám cãi lại khi ông cậu mở lời. Chắc chắn người như ông cậu em trai mẹ ông sẽ ủng hộ ông.

Định là để xong đám cưới hai anh em sẽ cùng nhau lên trên ấy. Quá nóng ruột, ông Mem Bờn bảo đi ngay. Đằng nào cũng chẳng có việc gì trong tối nay, tranh thủ đi rồi về vẫn kịp dự đám.

Ngoài trời vẫn lắc rắc mưa. Chưa năm nào đầu năm lại mưa nhiều như thế. Hai anh em đội mưa lên đường. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Ba chục cây số đường, khiến cả hai ướt như chuột chui dưới nước lên, rét run cầm cập.

Thật tiếc ông cậu vừa đi Sài Gòn sáng sớm nay. Ông vào trong coi cho người con trai đang công tác trong đó sửa nhà.

Nhìn vẻ thất vọng của người anh họ, hắn chẳng biết nói như thế nào. Bây giờ có sang nhà bà em ông, chưa chắc đã đạt được ý muốn.

Không phải việc tốt, việc tử tế, chính đáng nào muốn, cũng có thể làm. Cũng như con người nhân hậu, trung chính không phải lúc nào cũng được nhiều người ủng hộ.

Người ta bảo đó là lòng giời muốn thử thách con người, chả biết có phải hay không?

 Hắn chịu không thể đoán được kết cục của câu chuyện này. Cũng không thể biết ông anh họ rồi đây sẽ tính toán ra sao?

         Như hắn thì quá đơn giản. Ông ấy cần gì phải bán ngôi nhà trong Sài Gòn? Ở đâu cũng đường đất nhà trời. Miễn là ở đó người ta sống thanh thản, không gặp những sự bực mình, trớ trêu dày vò. Như hắn bây giờ cũng định cư xa quê cả trăm cây số. Vẫn sống vui, sống tốt hơn ngày nào còn ở quê. Có sao đâu?

Đâu có như ngày xưa, đi lại khó khăn, mất cả mấy ngày đường? Nếu muốn, cứ thong thả ăn sáng ở Sài gòn, ra sân bay cộng cả công đoạn làm thủ tục, mua vé vẫn kịp về, vẫn có bữa chiều đầm ấm ở quê.
Việc gì cứ nhất thiết, một mực bán nhà trong đấy để ra ngoài này? Về quê bây giờ, bối cảnh của ông anh, chắc gì đã vui?

Ý nghĩ ấy dằn vặt hắn. Nghĩ như vậy là đúng hay sai? Có phải cách nghĩ của đứa con xa quê bấy nhiêu năm trời nên nghĩ? Hay chỉ là cách tự ti, mặc cảm của kẻ thất bại trong đời. Gì cũng được, đối với hắn điều này giờ không quan trọng. Nhưng nói với ông anh họ vào lúc này liệu có nên không?

Tốt nhât là trước khi nói điều này, có lẽ phải cân nhắc, không nên vội vàng. Giá có thể chia sẻ với ai đó thì hay biết mấy? Nhưng hắn biết, đây là việc hệ trọng, tốt nhất hắn nên cân nhắc một mình.

Cái hy vọng được ông cậu ông Mem Bờn cho một lời vàng ngọc, một ý kiến xác đáng, vậy là không thành. Mấy chục cây số trong mưa để rồi không mang lại kết quả gì như mong đợi..

Hai anh em đành quay trở lại.

Hình như trời đất khi ấy cũng cám cảnh, động lòng trắc ẩn, nên mưa tạnh dần, rồi ngớt hẳn.

Cả hai về đến nhà đám vào lúc không giờ.

Để kịp đón dâu đường xa, nhà ông anh con bác trưởng đã dậy, chuẩn bị sắm sửa lên đường.

Lâu lắm mới nghe thấy tiếng gà ở quê xao xác gáy.

Tiếng gà gáy là thứ âm thanh duy nhất hắn nghe thấy quen thuộc, như tiếng ngày  xưa vọng về nơi ký ức.

Tự nhiên hắn thấy hồi hộp, nao nao khó tả, trước một ngày mới bắt đầu..


====================


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: