Cuộc tự phát hiện đều đều
Cuốn hồi ký đầu tiên của Tô Hoài mang tên Cỏ dại (1944) ra đời năm ông mới ngoài hai mươi tuổi. Tự truyện (1973) cuốn tiếp theo in ra khi ông ở tuổi năm mươi.
Nếu cuốn thứ nhất đã phát hiện ra khả năng của tác giả trong việc nắm bắt quá khứ ngay khi nó vừa hình thành cũng như khách quan hoá bản thân, biến mình thành một đối tượng miêu tả thì cuốn thứ hai cho thấy ông sống kỹ lưỡng biết bao với đời sống quanh mình từ chuyện riêng tư đến chuyện làm nghề rồi chuyện hoạt động cách mạng -- cái gì cũng có thể đưa lên trang giấy để trở thành văn chương, sức chứa của đầu óc ông thật hơn người mà sự chi li tỉ mỉ thì lại ít ai bì kịp. Nên lưu ý thêm Tự truyện --- với mấy mảng chính Một chặng đường, Hải Phòng, Những người thợ cửi -- được viết ngay trong những năm chiến tranh khi mọi người đang viết những Mặt trận trên cao, Họ đã sống và chiến đấu, Đường chúng ta đi, Dấu chân người lính... Trong cái động có cái tĩnh, dường như trong kho văn chương của tác giả luôn có một góc riêng dành cho cái mà người xưa hay gọi là dĩ vãng và nó được ông quan niệm như một bộ phận không thể thiếu của hiện tại.
Tuy nhiên phải đến khi Cát bụi chân ai (1991) và tiếp đó Chiều chiều (1999 ) ra đời thì ngòi bút hồi ký của Tô Hoài mới thật có dịp tận thu những chuyện đã sống qua để rồi dựng lên một bức tranh văn nghệ độc đáo.
Còn nhớ hồi đó là cuối những năm tám mươi. Mọi người dường như đang phải mò mẫm tự xác định hướng đi của mình trong việc thích ứng với cái thời gọi là kinh tế thị trường. Tô Hoài cũng ở trong số đó. Mà -- mọi người tự hỏi --hình như ông lại là một trong những người đã ăn lộc quá nhiều của cái thời bao cấp ấy nữa, ở tuổi bảy mươi, liệu ông sẽ xoay sở ra sao hay sẽ chìm vào quá khứ. Lẳng lặng, Cát bụi chân ai được viết để rồi gây ra nhiều ồn ào khi được trích đăng trên báo Tiền phong và in thành sách. Trong lòng bạn đọc và nhất là trong lòng đồng nghiệp Tô Hoài như vừa tái sinh để trở lại với cái con người thực chất mà ông vẫn giấu kín. Điều thú vị là ở chỗ cuốn sách để Tô Hoài tự phát hiện lại này bề ngoài là một cuốn sách quay đầu về với cái cũ. Cái đời sống sắp tới chẳng có gì là lạ với tôi. Tôi đã có cái nhìn khác từ lâu rồi. Thời nào thì tôi vẫn cứ là tôi vậy. Có một quá khứ chưa ai biết của tôi bảo đảm cho điều đó... Tô Hoài không nói hẳn ra song người ta đọc ra trong trang viết của ông những ý tưởng ấy. Cuốn sách kể lại chuyện cũ hoá ra lại là một lời tuyên bố về sự gia nhập của tác giả vào tương lai và như vậy thì mọi sự phân biệt hồi ký với cuộc đời hôm nay chỉ là một sự ước lệ.
Sự nối tiếp của một mạch sáng tác dồi dào
Đóng góp của Tô Hoài trong văn xuôi Việt Nam hiện đại gồm hai mảng, một bên là O chuột, Quê người, Dế mèn phiêu lưu ký, bên kia là Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Mười năm, Quê nhà...Dù khác nhau không chỉ về cách khai thác đề tài mà cả chất lượng, song hai mảng vẫn có một sự thống nhất. Nhà văn này không lôi cuốn chúng ta ở những mảng sống bạo liệt hay những nhân vật tầm vóc thổi bùng lên những biến động lớn lao. Mà ông ăn ở những nhận xét tự nhiên về những gì đã gặp đã trải, và trong nhiều trường hợp, là cái vẻ tầm thường nhếch nhác trong con người và hoàn cảnh: cuộc sống một làng nghèo, đời sống riêng của những người ngoại thành có khôn có dại có vui có buồn, hoặc những người dân vùng cao chỉ vừa ra khỏi bóng tối âm u của cái xã hội do các loại thống lý phìa tạo cai quản.
Hồi ký của Tô Hoài cũng đi theo cái mạch đó. Ở đây ngòi bút phong tục của tác giả lại có dịp làm việctưởng như âm thầm nhưng thật ra khá đáo để. Không cần ra vẻ bao quát với tổng hợp gì cả, ông chỉ nhẩn nha ghi lại nhiều chuyện tưởng như riêng tư, ấy vậy mà người ở mãi đâu đâu đọc vào lại thấy có mình trong đó. Đọc lại Cỏ dại rồi lan man đọc sang cả những truyện ngắn truyện dài Tô Hoài viết cùng thời người ta thấy giữa chúng không có sự phân cách. Dường như tất cả những anh Thoại anh Quyền Vực thày giáo Câu rồi cô Lụa cô Ngây.. kia là những hàng xóm của Tô Hoài, những con gà con ngan được tả trong O chuột là được nuôi trong nhà Tô Hoài, nghĩa là nếu không đưa chúng vào truyện dài truyện ngắn thì không biết chừng có lúc ông sẽ đưa chúng vào hồi ký. Một bộ phim truyền hình làm về Tô Hoài gần đây rất gợi ấn tượng trong cảnh Tô Hoài đi dọc bức tường ngôi nhà của ông ngoại tác giả. Cũ kỹ xù xì nhưng đằm chắc vững chãi, những bức tường như thế tượng trưng cho cái cuộc sống mà Tô Hoài vừa nương tựa vào vừa tìm cách thâm nhập để tìm thấy cảm hứng trong suốt đời viết.
Trong phần đầu Một chặng đường, Tô Hoài có đoạn tả kỹ cái cảnh mình lẽo đẽo đi dọc các chùa, từ Trầm vào Trăm Gian vừa kiếm ăn vừa lấy thực tế để viết. Tôi nhớ ngay khi hồi ký mới in ra trên tạp chí Tác phẩm mới cuối năm 1971, đã có người ( không nhớ là Nguyễn Thành Long hay Nguyễn Khải ) nhận xét đó là những đoạn rất hay, có điều nó có vẻ không ăn nhập với cả mạch văn và chưa chắc đã là cần cho cuốn hồi ký của một nhà văn nổi tiếng. Nhưng chính đọc Tô Hoài người ta lại không bao giờ quên nổi những mảng đời bơ vơ ấy. Trong Chiều chiều có đoạn tác giả kể lại một ông già với con chó tự bản thân nó đã hoàn chỉnh như một truyện ngắn. Những chi tiết đời thường ở đây là kết quả của một quá trình sống chăm chỉ biết điều không nống việc gì lên quá mức bình thường, nhưng không bỏ qua những chi tiết có sức gợi sức liên tưởng. Bí quyết của việc viết văn là gì nếu không phải là biến những chuyện vốn chỉ thuộc về riêng tác giả thành chuyện của những bạn đọc khác nhau.
Tóm lại đặc điểm thứ nhất của hồi ký Tô Hoài là sống đến đâu viết đến đấy. Thực tế không ở đâu xa, thực tế là ngay chính con người bản thân mình và chung quanh; băn khoăn mà làm gì, cứ ghi cứ tả cho kỹ là được. Từ 1961, Tô Hoài đã cho biết :
--- Một thời gian dài cho tới sau Cách mạng tháng Tám tôi vẫn theo đuổi một lý luận viển vông như thế này: Đời có gì gò vào truyện đâu, người có ai cốt sống cho li kỳ đâu, vậy thì viết truyện chẳng cần có truyện, tả người càng nhạt càng hay. Tất cả chỉ dựa vào kỹ xảo dùng chữ (Một số kinh nghiệm viết văn của tôi ).
Tác giả tự nhận đó là thứ lý luận viển vông song không phải là trong đó không có một phần cái lý riêng : những cái tưởng như nhạt nhẽo mà tả ra được cũng là khó và biết đâu ở cái chỗ không ai dám đi vào này, người có tài lại dựng nên cả một văn nghiệp.
Giới văn chương nhìn từ bên trong
Nếu như ngoài đời đã không ai tách rời được con người nhà văn với con người bình thường thì trong hồi ký càng là như vậy. Sự hình thành một đời văn bắt đầu sớm hơn rất nhiều so với thời điểm con người cầm bút cho in những trang viết đầu tiên và có lẽ chính các nhà văn đã thấy rõ điều đó. Vì thế mà nhiều tác giả đã lấy đoạn đời thơ ấu mở đầu cho hồi ký của mình. Trong Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan), phần viết gọi là Ảnh hưởng dành hẳn để kể về những ngày đi học khờ dại mà cũng lêu lổng của tác giả, những trang viết cũng hóm nghịch và đầy thú vị như những trang kể về nghề ở các phần sau. Còn Hồi ký (Đặng Thai Mai) thì gần như chưa nói gì về con đường tác giả đi sâu vào việc cầm bút cũng như giới trí thức mà tác giả là một thành viên; ngược lại lấp đầy mấy trăm trang sách ở đây là sự hình thành của một tính cách trong thuở ban đầu của nó, khi một nền văn hoá tàn lụi còn một nền văn hoá khác lại bắt đầu.
Tuy nhiên cái mà người ta trông đợi ở một cuốn hồi ký vẫn là cái phần liên quan đến nghề nghiệp của tác giả trên cái nền chung của xã hội mà nghề đó có quan hệ. Có lẽ vì vậy mà trong khi một số cuốn từ điển tiếng Việt thông thường chỉ giải thích hồi ký là kể lại những sự việc đã chứng kiến thì có cuốn nói rõ hơn đây là “thể văn thuật lại theo thứ tự thời gian những sự việc mà tác giả đã trải qua hoặc chứng kiến một phần nào trong mối liên hệ với thời đại “. (Nguyễn Văn Đạm Từ điển tường giải và liên tưởng tiếng Việt1998 ). Nói cụ thể là nếu trước mắt tôi là một nhà văn thì một cách rất tự nhiên khi đọc hồi ký tôi muốn biết nhà văn ấy đã đến với nghề ra sao, ông ta gửi đăng bài vở ở báo nào, đã có sách in ở những nhà xuất bản nào, từ đó quen biết những ai, những nhà văn đồng nghiệp đã để lại trong ông những ấn tượng như thế nào và bao quát hơn cả là ông nghĩ thế nào về giới văn chương đương thời vai trò của giới này trong đời sống.
Điều đó lại càng đặt ra với một nhà văn từng trải như Tô Hoài.
Khi mới in ra lần đầu Cỏ dại chưa được gọi là hồi ký. Lúc cần trích dẫn các nhà nghiên cứu thường chua bên cạnh đầu đề hai chữ lửng lơ hồi ức nó không hẳn là sự xác định thể loại của tác phẩm.
Đương thời có một cuốn sách cũng có cách viết gần gũi với Cỏ dại và ra đời trước Cỏ dại ít lâu đó là Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, thì tác phẩm này lại có khi ghi hẳn hoi là tiểu thuyết và điều đó có cái lý riêng của nó.
Tại sao như vậy ?
Chẳng những từ trước đến nay không có mà từ nay về sau cũng không có một văn bản nào quy định thế nào là hồi ký và nhất là ai được viết ra nó song người ta vẫn hiểu ngầm với nhau nó là một thể loại hết sức cao quý một cái gì chỉ những nhân vật nổi tiếng trong xã hội mới có quyền viết.
Theo ý nghĩa này Tự truyện in thành sách lần đầu 1973 mới được chờ đón như một hồi ký thực sự. Đúng hơn nó đóng vai trò một nhân tố tổ chức toàn bộ mảng văn xuôi hồi ký của Tô Hoài nói chung nhờ có nó mấy thiên hồi ký viết về tuổi thơ của Tô Hoài có thêm lý do tồn tại. So với Cỏ dại, Mùa hạ đến mùa xuân đi, Những người thợ cửi thì mấy trăm trang Một chặng đường (bộ phận nòng cốt của Tự truyện ) có nhieuf trang tả Tô Hoài hoạt động cách mạng. Song lại còn rõ hơn là phần con người Tô Hoài trong văn chương. Đi vào hậu trường thì bao giờ chẳng vui nhưng đây là cái vui riêng kiểu Tô Hoài. Đồng thời với việc háo hức làm nghề, ông nhận ra rất nhanh những sự nhếch nhác ở mình và các đồng nghiệp.Trong cái khu vực thiêng liêng này lẫn lộn bao nhiêu cái tầm thường. Nhiều nhân vật quen thuộc trong văn chương như Vũ Đình Long Vũ Ngọc Phan Nguyễn Bính, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Huyền Trân... hiện ra gần gũi với tất cả những mưu mẹo kiếm sống những thành kiến cố chấp cùng những luộm thuộm trong sinh hoạt nhưng lại thực sự là tài hoa là có đóng góp cho văn học. Đến Cát bụi chân ai thì lại càng rõ là Tô Hoài có cái mặt hàng riêng của mình. Trên cái nền chung của đời sống mấy chục năm vừa chiến tranh vừa hoà bình bao nhiêu cuộc đi bao nhiêu đợt sinh hoạt đợt đấu tranh tư tưởng hồi 1956-57, hình ảnh một loạt người cầm bút một thời hiện lên với đủ mọi chuyện vui vầy có thê thảm có như những kiếp người xưa nay vẫn vậy.
Cuộc phiêu lưu thầm lặng
Hãy đối mặt với thời gian -- Như nó tìm kiếm chúng ta. Câu thơ đó của Shakespeare được Stefan Zweig dùng làm đề từ cho tập Thế giới hôm qua nhưng có lẽ là đúng cho cả thể hồi ký nói chung. Nếu không sợ sái, có thể bảo đây là thể văn nhiều người viết để chuẩn bị xuống mồ (Chateaubriand còn gọi hồi ký của mình là Hồi ký từ bên kia thế giới và khi viết xong, ông đã mang bán nó cho một hội văn học với điều kiện chỉ được phép xuất bản sau khi ông mất). “Nghĩa tử là nghĩa tận”, một cái nhìn về quá khứ thường khi được hiểu là đồng nghĩa với một sự dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật không lấp liếm không e ngại. “Tôi lật con bài của tôi “-- Khi nói vậy Aragon chỉ diễn ra thành lời cái điều người khác ấp ủ. Riêng đối với tâm lý người Việt Nam thì đòi hỏi lại có phần hơi khác. Nghĩ tới việc viết hồi ký nhiều người hiểu ngay rằng đấy là một dịp tổng kết đời mình một dịp tính sổ. Có phải ai cũng có dịp đứng ra mà khái quát về mình đâu ? Nếu biết viết cho đàng hoàng để cho trang viết lên hết tầm vóc của con người mình thì tức là tạo được khuôn mặt riêng trước con mắt của hậu thế. Vậy đấy, trong khi sống và làm việc cho bạn đọc hôm nay thì nhiều người viết đã bắt đầu nghĩ tới việc dựng cho mình một tấm bia đá và tự cho mình cái quyền nói lên tiếng nói cuối cùng.
(Chẳng phải ở Việt Nam mà ở nhiều nước vẫn có những nhà văn mắc bệnh tự mê. Với họ khi viết tự truyện thì không phải chỉ quan tâm tới việc tái hiện quá khứ...mà là “dựng lên dấu ấn muôn đời của bản thân vượt qua thời gian và ký ức cá nhân” --- dẫn theo Đặng Thị Hạnh Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỷ XX -- NXB Đà Nẵng 2000 ; các trích dẫn từ văn học phương Tây nói trong bài đều lấy từ sách này )
Nhưng có lẽ chính cái sự gán cho hồi ký một ý nghĩa quá lớn ấy đã khiến cho mọi người sinh ra ngại ngần nhiều lần tính chuyện bắt tay viết lại đời mình rồi lại không bao giờ viết nổi. Một cách tự phát, Tô Hoài nghĩ khác. Sẽ chẳng có gì là sai nếu bảo rằng được ông nói tới trong hồi ký này là những cây bút thuộc loại nhân vật chính của một thế kỷ văn chương và bối cảnh câu chuyện ở đây lại là những sự kiện lớn lao cũng tức là cả mảng tài liệu ngổn ngang mà những ai quan tâm đến lịch sử đều muốn biết. Thế nhưng như chính tác giả đã mấy lần gài sẵn “Có lẽ xưa nay văn nghệ văn nghẽo vẫn thế bảo là cần thì cần lắm mà là thường thì cũng thường thôi “ ( Cát bụi chân ai) hoặc “Công việc văn nghệ ngày rộng tháng dài có có không không cứ đều phảng phất hiu hiu” ( Chiều chiều ), sở dĩ tôi viết vì tôi đã sống với những chuyện này cả một cuộc đời, chứ thực tình mà nói, đâu phải là chuyện ghê gớm gì. Cái ý tưởng “viết hồi ký như vẫn viết văn xuôi “ đã hình thành từ hồi Cỏ dại hoá ra là một sự giải phóng khỏi mọi ràng buộc. Ông không đặt vào sách quá nhiều ý nghĩa như những người khác. Con người vốn không biết sợ là gì này đôi khi lấy ngay cả chính bản thân ra để đùa bỡn.Trong khi mọi người thích đưa ra tiếng nói cuối cùng về đời mình về đời những con người mà mình đã gặp trong quá khứ, thì ông chỉ cố nói những điều vừa nghĩ hôm nay, đồng thời để ngỏ khả năng mai kia mình có thể nghĩ khác mà mọi người càng có thể nghĩ khác. Có cảm tưởng rằng viết hồi ký với tác giả đầy khôn ngoan này giống như những bước dò dẫm trên chính quá khứ. Ngay trong trang viết ông vẫn đang đi tìm. Trước mặt ông là một khối mù mờ ông đi vào đó với tấm lòng rộng mở. Ngay cả quá khứ của mình cũng vậy, -- mà hình như càng là quá khứ của mình thì càng như vậy, ông phải mò mẫm ông phải kiểm chứng ông phải đuổi bắt. Biết chắc rằng những định kiến hôm qua vẫn chưa buông tha ngòi bút, ông không hề hứa rằng mình nói thực tất cả, ông chỉ cố gắng nói ra điều có thể nói.
Vẻ lung linh chờn vờn của cái thực
Một khía cạnh nữa tạo nên sự hấp dẫn của ngòi bút hồi ký Tô Hoài là ở quan niệm của ông về cái thực một điều hết sức thiết cốt với hồi ký.
Những ai từng đọc Vợ chồng A Phủ hẳn nhớ một cảnh ở phần mở đầu khi cô Mỵ bị trói. Văn Tô Hoài giỏi tả những cái lửng lơ “Mỵ về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm.Từ năm nào không nhớ cũng không ai nhớ “. “Trong bóng tối Mỵ đứng im như không biết mình đang bị trói “. Rồi đến câu “ Buổi sáng âm sâm trong căn nhà nhỏ“. Âm sâm là gì, không thấy từ điển nào giải thích, nhiều người chỉ mang máng hiểu, sau khi thầm đoán là do Tô Hoài đặt ra. Nhưng cái hồn của cảnh thì họ lại cảm ngay được và tin chắc rằng cảnh ấy thì phải dùng đến chữ ấy để tả. Cuộc đời hiện ra trong văn xuôi Tô Hoài nói chung và của hồi ký Tô Hoài nói riêng thường mờ mờ ảo ảo mà đến Cát bụi chân ai thì cái mờ mờ ấy đã trở thành một thứ khí hậu của tác phẩm. “Như người ốp đồng không biết đương còn tỉnh hay đã mê “ -- nói về Nguyên Hồng mà như tác giả đang nói về mình. Sự lan man vốn là một cái duyên của văn xuôi Tô Hoài. Song phải thấy sự lan man ấy có liên quan tới cái chất tập mờ của quá khứ và ở chỗ đó, Tô Hoài tiếp cận với một quan niệm hiện đại về hiện thực. Một ví dụ, nhân nói về cuốn tự truyện Vườn bách thảo của Claude Simon, một nhà phê bình Pháp sau khi bảo rằng hồi ký là để “ kể về một cuộc đời “, ngay lập tức nói thêm rằng “ vốn dĩ cuộc đời đã không bao giờ là một quỹ đạo thẳng tắp có định hướng đều đặn mà là một mớ bòng bong những mẩu đất và những mảnh vụn luôn luôn được trí nhớ tổ chức lại và biến đổi đi “.
Một cách tự nhiên Tô Hoài đi gần tới những quan niệm như vậy mà không hay biết.
Trước khi có cuốn Chiều chiều, từ hơn năm chục năm trước khi đang viết những truyện ngắn đầu tay Tô Hoài đã mấy lần lấy cảnh chiều hôm để hình dung ra cuộc đời những là Hết một buổi chiều lại đến Buổi chiều ở trong nhà. Tới Cát bụi chân ai, cái khoảng thời gian nhá nhem chạng vạng này còn trở lại nhiều lần. Những buổi gặp nhau ở cửa hàng cà phê bít tết dốc Hàng Kèn thường bao giờ cũng là vào lúc thành phố lên đèn. Cho đến những dịp ghé vào quán Tiểu Lạc Viên hay các hàng quán trên mạn Hàng Buồm, thì thường cũng là sau một ngày dài họp hành mệt nhọc ( lúc này đang trong đợt học tập ở Ấp Thái Hà ). Cảnh trời mưa và bóng tối ở đây vốn tiện cho người ta nghĩ ngợi. Có dễ so với những cái sáng tỏ ban ngày thì cái mờ mờ ấy của cuộc sống ban đêm lại làm cho những mảng ký ức mông lung và sống động hơn mà tâm tình trở nên ngổn ngang và bối rối hơn. Cũng như Nguyễn Tuân, Tô Hoài là người hay hồi tưởng. Hồi tưởng thế nào? Có lần từ người đàn bà mặt buồn rười rượi trong cửa hàng cà phê Ca, Tô Hoài thấy hao hao như là người con gái ngày xưa ở nhà gác dốc Cổ Ngư mà sáng nào cậu bé Nguyễn Sen cũng đi học qua. Nhưng ông chỉ dừng lại ở đó. “Không hỏi có phải trước kia nhà bà ở đầu ô Yên Phụ tôi lặng im cho mình được đinh ninh”. Một lần khác đến nhà bà Lâm bán bánh cuốn. Tiếp ngay cái câu “ Chúng tôi đến một tối ở dưới Ấp về “, là câu “Lại mưa mưa tầm tã ướt lướt thướt ánh đèn đường nhoè nhoẹt trời mưa hay là ta cứ nghĩ ra như thế “. ( VTN gạch dưới). Đúng là một ví dụ về sự phân thân trong con người nhà văn ngay trong lúc viết : Tôi nhớ rằng trong thực tế có chuyện như thế nhưng cũng không có gì bảo đảm là tôi nhớ chính xác, chẳng qua nó có vẻ nghe được nên không muốn làm phiền mình thêm thôi xin cứ ghi vào đây. Bởi suy cho cùng ai dám bảo là mình nắm được sự thực ? Mà ơ hay, làm gì có sự tách biệt rạch ròi giữa cái mà người ta coi là sự thực với những điều tưởng tượng ? Ở một đoạn giữa chương II hồi ký Cát bụi chân ai,Tô Hoài kể lại một câu chuyện thuộc loại bếp núc nghề nghiệp. ”Nửa đêm giữa rừng trên cao con suối mơ hồ đưa lại tiếng suối thở dài từ phía Bắc Mê. Chúng tôi ngồi trước đám củi sưởi. Nguyễn Tuân nói : Tớ tức cảnh được hai câu ca dao đem về tặng thằng Nguyên Hồng thế này nhé Non xanh gõ hòn đá xanh Nửa năm nghe tiếng mõ canh Cổng Giời.Trở về tôi viết Pài Lùng cái ký theo thể kịch đăng báo Văn nghệ đặt hai câu ấy lên đầu bài. Chú thích nghịch ngợm: Ca dao cũ vùng Bắc Mê. Cho nhớ và như Nguyễn Tuân bảo có dùng thì nên như thế “. Người thích rành mạch hai với hai là bốn hẳn thắc mắc thế ra các bố bịa ra cả ca dao à ? Đúng là bịa thật, nhưng có sao đâu, ca dao nào chẳng do bịa mà có, cốt cuối cùng nghe có vẻ ca dao là được. Đấy cái thực trong hồi ký nó cũng tương tự. So với những cuốn hồi ký như một mê cung hồi ký mà lại khoác áo phản hồi ký thậm chí “ hoang đường và đầy khiếm khuyết “của văn học phương Tây hiện đại thì những Một chặng đường, Cát bụi chân ai Chiều chiều còn thực chán, nhưng đó không còn là cái thực mà nhiều người vẫn nghĩ.
Nên chú ý một điều là mấy cuốn hồi ký của Tô Hoài (cả trước và sau 1945) trong bản in lần đầu tác giả không ghi rõ thể loại mà bỏ lửng và chỉ về sau các nhà biên tập các nhà báo và nhà nghiên cứu văn học mới bảo nó là hồi ký. Đây không phải là một chuyện sơ ý. Ông muốn để ngỏ mọi chuyện. Nếu nhiều cuốn sách được gọi là tiểu thuyết của ông cũng là hồi ký thì các hồi ký thực sự mà ông đã viết pha phách cả những tưởng tượng có gì là lạ. Hình như Tô Hoài muốn nói “ Viết về đời tôi ư? Thì bao giờ tôi chẳng lấy đời tôi ra để viết. Lại như bảo đây là chuyện có thực ư ? Vâng thực cả, nhưng chữ thực kia cũng có năm bảy đường, mỗi người có một sự thực của riêng mình, mà cả những mơ hồ ảo tưởng của người ta rút cuộc rồi cũng thực nốt “.
Về mặt nghệ thuật mà xét lối viết lửng lơ cũng mang lại những hiệu quả. Có nhiều người viết vừa cậy tài vừa quen sống trong ảo tưởng khi kể việc xảy ra từ lâu kể cả những gì mình đã sống qua, cứ nói lấy được, rằng đúng là mình nhớ thế, mình tin chắc như đinh đóng cột là thế. Sống trên đời mà quá tự tin nhiều khi đã gây ra cái mà ta hay gọi là chủ quan chỉ biết có mình rất khó chịu. Đến khi cầm bút cái sự chủ quan này còn có thêm một tác hại nữa là đẻ ra tình trạng áp đặt thuyết lý.
Trong khi khả năng bao quát đời sống không là bao, độ rộng của hiểu biết và khả năng hình dung ra một hiện thực có thể có, tức sự tưởng tượng chỉ ở mức tầm thường ( kết quả của một sự ù lì kém cỏi cả trong quan sát trực tiếp lẫn khả năng làm giàu mình qua sách vở ), thì các ngòi bút chủ quan này lại hay quay ra rao giảng những khái quát non. Nhân danh nhắc lại việc cũ, sự viết lúc này chỉ là áp đặt cho bạn đọc cái vốn nông cạn sẵn có. Quá trình lao động mà mọi người vẫn quen gọi là sáng tạo bị đơn giản hoá. Nó không giúp cho kẻ cầm bút tự làm giàu thêm ngay trong công việc - ở đây là viết hồi ký.
Còn cách nghĩ cách viết như của Tô Hoài mang trong nó một tiềm năng lớn. Thực hiện đến đâu còn là do bản lĩnh từng người song nhìn chung nó giống như một sự giải phóng.
Một sự phân thân : trong người có mình
Vậy là sau khi đã có vẻ làm như mọi người rồi thì cách làm của Tô Hoài vẫn cứ có chỗ khác và phải nói là khác khá xa, nó khiến cho hồi ký Tô Hoài có một ý vị riêng. Điều này không chỉ đúng với những chi tiết được mang vào tác phẩm mà còn đúng với cách vận dụng thể loại.Tức là trong nghề hồi ký, Cát bụi chân ai là cả một thể nghiệm tưởng ngẫu nhiên mà rất hợp quy luật. Lâu nay cả làng cả xóm nghĩa là cả giới cầm bút Hà Nội đều biết rằng trong đời sống văn học Nguyễn Tuân và Tô Hoài là hai tính cách hai kiểu nhà văn khác nhau. Cái tài của tác giả trong Cát bụi chân ai là tìm được cách viết nhờ đó ngòi bút ông tha hồ tung tẩy đụng đâu cũng ra văn. Ông chiếm lĩnh đối tượng, ông tiêu hoá cái kinh nghiệm già nửa đời người cùng sống với cụ Nguyễn trong giới văn nghệ một cách ngon lành khiến cho người ta cảm thấy rằng đã là Tô Hoài thì phải viết về Nguyễn Tuân và phải viết như vậy thì mới ra Nguyễn Tuân của Tô Hoài. Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia tôi không quen Nguyễn Tuân. Cái câu mở đầu này gợi nhớ câu thơ dịch La Fontaine của Nguyễn Văn Vĩnh Ve sầu kêu ve ve một kiểu có sao nói vậy hơn nữa có một chút gì như là dùi đục chấm mắm cáy. Sau này rải rác mỗi đoạn một tí Tô Hoài còn nhiều lần kỹ càng kể rằng Nguyễn Tuân chê bai mình ra sao Nguyễn Tuân bảo rằng mình khó chơi, mình không tin được như thế nào.Thế nhưng phải xem đấy là một ngón nghề mà chỉ ai người cao tay trong nghề mới dám vận dụng. Suốt tập hồi ký, Tô Hoài đã chứng minh đầy sức thuyết phục rằng tất cả những Xuân Diệu Nguyễn Bính Nguyên Hồng.... và trước tiên Nguyễn Tuân, cái nhân vật Nguyễn kỳ cục ấy, là một phần của cuộc đời ông. Sống ở Yên Dã Đại Từ và đi chiến dịch. Trở về Hà Nội tháng 10/1954. Lê la qua những quán hàng Hà Nội. Trở lại rừng núi Tây Bắc. Tham gia hỏi cung đám giặc lái Mỹ và đón những cái tết nửa chiến tranh nửa hoà bình... Trước mọi sự việc mỗi người có cách phản ứng riêng của mình người nọ làm nền cho người kia để trong sự so sánh mỗi người lại hiện ra sắc nét hơn. Chẵng những thế khi miêu tả những người khác ấy, Tô Hoài dường như còn muốn nói rằng thật ra những cách nói năng cư xử kia không có gì lạ, mình hoàn toàn cũng có thể nghĩ và làm như vậy. Mọi con đường đi đến bản thân đều đi qua kẻ khác – cái nhận xét đúng cho nhiều tập hồi ký đó lại vừa vặn đúng cho Tô Hoài trong Cát bụi chân ai,Chiều chiều. Và cái điều nhắn gửi cuối cùng của nhà văn là cái chân lý song đôi, chúng ta mỗi người mỗi tính không ai giống ai mà đồng thời chúng ta lại lồng ghép lên nhau quyến quyện với nhau hoặc nói như danh từ vật lý ánh xạ vào nhau, tôi có viết hồi ký cho riêng tôi đâu, tôi viết cho cả những người sơ thân đã cùng tôi chia sẻ cái cuộc đời lạ lùng này.
Hình ảnh còn lại của một đời văn
So với nhiều nhà văn khác kể cả các cây bút cùng thời với mình Tô Hoài nổi lên ở sự viết nhiều viết khoẻ. Ở đây có yếu tố tự nhiên nó là một thứ của trời cho riêng ông (người ta hay nói một thứ bản năng), dường như tác giả không cần cố gắng bao nhiêu mà văn chương vẫn cứ miên man không bao giờ hết. Song cần nói thêm trong số nguyên nhân có thể cắt nghĩa sự viết mãi được như thế này có cái nguyên nhân mà một nhà nghiên cứu là Đặng Tiến sau khi đọc Chiều chiều đã nhận xét “Nói chung kể cả những truyện hư cấu truyện lịch sử Tô Hoài viết cái gì thì cũng ra tự truyện “. Tức là viết gì thì Tô Hoài cũng kéo nó gần với mình đặt nó dưới góc nhìn riêng và tiêu hoá nó biến nó thành của mình.
Về việc Tô Hoài là người giỏi quan sát thì xưa nay ai cũng đã thấy. Song một số người dừng lại ở đó mà bảo rằng ông nhà văn này hơi thiếu tâm sự, thiếu những điểu ký thác và nâng lên một mức nữa tức là thiếu tư tưởng nghệ thuật. Tô Hoài cũng có lỗi trong chuyện này: Hoặc do quen tay giỏi thích ứng hoặc do mải chạy chợ làm hàng, trong văn ông không khỏi có nhiều trang nhiều đoạn mang tính cách độn đắp thêm vào cốt nói lấy được. Thế nhưng nhìn toàn bộ những gì ông đã viết, nhất là đến với mảng văn xuôi đòi hỏi sự xuất hiện trực tiếp của nhà văn là thể hồi ký, thì người ta phải nói ngược lại. Ông có thế giới riêng của mình. Và bàng bạc trên những trang viết là một cách cảm riêng về cuộc đời một niềm tâm sự đau đáu. Hãy nhìn vào một trường hợp như Chiều chiều. Mấy chương đầu đã giỏi trong kể chuyện và miêu tả, song phải đến chương cuối kia thì cái triết lý ẩn giấu ở trên mới hiện ra như một ám ảnh và nhiều chi tiết vui vui ở trên tự nhiên hiện ra dưới một ánh sáng lung linh khác hẳn. Hoá ra cuộc đời là vậy bảo nó có bao nhiêu ý nghĩa thì cũng đúng, mà bảo rằng nó vẩn vơ bèo bọt thì cũng đúng, từ chuyện trên giời dưới bể chuyện bên tây bên tàu đã thế mà chuyện của một ông lão nhà quê chẳng ra khỏi làng thì cũng là thế. Chẳng phải là trong Cát bụi chân ai nhiều chỗ tác giả không muốn giấu mình nữa mà đứng bật dậy phát biểu về sự đời. “Ôi thôi não nùng trần ai “. “Đầu tôi nặng trĩu mưa gió...”.Đây nữa một câu nằm nhũn nhặn trongNhững người thợ cửi “ Ơ sao những chuyện buồn khổ đời người lại hay xảy ra vào lúc chiều chiều như thế này “. Đời đẹp và buồn, tôi nhớ tới điều tâm sự Tô Hoài nói với tôi trong một buổi tối mùa đông sau khi ngồi với nhau một lúc từ nhà chị Ngọc Trai chúng tôi cùng đi bộ trên đường Hà Nội,Tô Hoài thì rẽ qua Nguyễn Vinh Phúc còn tôi về nhà ở ngõ Lê Văn Hưu. Nói gọn lại là đời đẹp và buồn thì cố nhiên nhiều người đã có ý ấy rồi song ở đây Tô Hoài đã sống cái cảm giác ấy một cách thấm thía và ông biết truyền nó sang người đọc theo cái cách riêng của mình. Và ở chỗ này nhà văn tưởng chỉ dán mắt nhìn vào các mảnh đời lụn vụn thực ra đã vươn tới cái điều mà các tác giả lớn xưa nay vẫn khái quát.
Một người tự định cho mình nhiệm vụ phải vẽ được thế giới. Suốt nhiều năm dài ông ta chất đầy chặt không gian những hình ảnh phố phường xứ sở nhà cửa vật dụng tinh tú và người. Ít lâu trước khi chết, ông khám phá ra rằng cái mê cung kiên nhẫn của các đường nét đó vạc nên gương mặt của chính mình.
Nói cách khác :
Một nhà văn tưởng có thể nói được rất nhiều điều nhưng cái ông ta để lại được, nếu gặp may, chỉ là một hình ảnh của chính mình.
Những nhận xét ấy là của H.L.Borges và M.Yourcenar, các nhà văn ở những phương trời xa lạ, nhưng cũng đúng với Tô Hoài. Ông lại như vừa tìm thấy mình trong những năm tuổi già. Dường như cả cuộc đời từng trải đã chuẩn bị cho những trang viết hôm nay của ông. Hồi ký là nơi cả con người tác giả cùng cái triết lý mà ông mơ hồ cảm thấy và đã theo đuổi suốt đời cả hai có dịp bộc lộ đầy đủ nhất.
2001
Nguyên là bài Tô Hoài và thể hồi ký
đã in trong Vương Trí Nhàn Phê bình và tiểu luận 2009
Bản đưa vào blog lần này có sửa chữa lại một số ý so với bản cũ