“Không ai có thể tắm 2 lần trên một dòng sông”
(Hermann Hesse – câu chuyện của dòng sông)
Hắn yêu âm nhạc vô cùng. Số phận long đong và nhiều biến động, hắn chẳng trở thành nghệ sĩ dương cầm như mong ước. Nhưng chằng sao, hắn vẫn mày mò, cạy cục tập đàn mỗi đêm. Không được làm cầm thủ pianist, thì làm người chơi dương cầm (piano player) cũng đã khinh khoái lắm rồi! Rất mực AQ, hắn nghĩ thế!
Của đáng tội, hắn biết rõ mình tài hèn sức mọn. Tay chân cứng quèo, vì có bao giờ tập xong những bài chạy ngón, luyện cho tay chân mềm mại, linh hoạt như những ngưởi chuyên nghiệp bao giờ! Cho nên, trước những lời yêu cầu của bạn bè, hắn chỉ cười trừ lảng tránh. Chỉ trong những cuộc rượu ngà ngà, hắn mới đánh bạo ngồi vào đàn, bấm lăn tăn vài trích đoạn, vụng về, lỗi nhịp rồi ngượng ngịu đứng lên. Ra chừng ta đây có lỗi vì đã thết bạn bè những âm thanh tệ hại.
Cho đến một ngày, lang thang trên mạng, hắn tìm được những đường link quí giá hơn vàng. Những đường link dẫn đến những CD bất tử của các bậc danh cầm. Hắn hối hả download suốt ngày đêm, chép ra cả trăm chiếc CD óng ả. Chúng vang lên, ngập tràn căn phòng nhỏ của hắn những giai điệu thanh khiết, không một tạp âm từ những chiếc Steinway and sons đắt giá. Ngày lại ngày, hắn lặng nghe, ngẫm nghĩ, đắm chìm mình trong những tiếng đàn không gì sánh nổi và đầy mê hoặc đó. Lòng ngấm ngầm kinh sợ cái nội lực vô song từ tiếng đàn của các bậc danh cầm.
Khi đã thấy núi Thái sơn, tự biết mình mãi mãi là gò đống lè tè, hắn đi đến một quyết định mà truyện kiếm hiệp gọi là “phế bỏ võ công”, quyết không đụng đến “đàn nhà” nữa. Bạn hắn nghe tin, nhếch mép cười khẩy: “Bì thế nào được với người ta!” Hắn chẳng vì thế mà phật lòng. Gã kia nói đúng, không thể nào bì được với những người đã đổ mồ hôi trên phím đàn 12 giờ mỗi ngày, suốt cả cuộc đời. Nhưng khi đã nghe, đã gột rửa mình trong những tiếng đàn trác tuyệt đó, đã là một niềm hạnh ngộ và sung sướng tột đỉnh. Làm sao hắn có thể sung sướng, cảm xúc với tiếng đàn vụng về, thô lậu của mình được? Mà không sướng, thì ngồi vào đàn làm gì cho nhọc?
Chi bằng, tắt hết đèn, đặt một CD vào máy, rồi để lòng lặng thinh trong bóng tối…
Đã nhiều đêm đã trôi qua như thế. Đã 2 tháng ròng, hắn thờ ơ, chẳng chạm vào đàn…
Cho đến một ngày nghỉ, trời xanh oi ả, mây trắng vần vũ bay, hắn ốm nằm nhà. Cái giống virus cúm thật là tệ hại. Nó làm ta đau nhức, hom hem như già đi hàng chục tuổi. Nó làm lòng ta buồn bã, buồn như chó ốm, thờ ơ với mọi thứ chết tiệt trên đời. Chẳng có việc gì làm, mà cũng chẳng muốn làm gì với đống sách vở bề bộn, hắn lại ngồi trước đàn, rón rén bấm thử vài hợp âm quen thuộc. Chao ôi, cái cảm giác thân quen khi chạm khẽ vào những phím đàn đầy bụi thật lạ lùng. Nó làm hắn run rẩy, chấn động tâm can, nó chảy vào lòng một tiếng thì thầm rất nhẹ và dịu dàng: đàn đi, hãy đàn đi! Chỉ trong phút chốc, gạt phăng những mặc cảm cố hữu, hắn đàn mê mải, như thể ngày mai hắn chết. Mà lạ lùng thay, các ngón tay không hề được luyện tập của hắn sau 2 tháng ròng, lại mềm mại và uyển chuyển khác thường. Dưới những ngón tay thô lậu đó, quên cả cơn sốt lập cập, Consolidation của Lizst chảy tràn như suối, nhẹ nhàng như môi hôn lần đầu. Rồi valse số 7 của Chopin, dịu dàng, đắm đuối, vang lên mê mải. Đoạncadenza cực khó của Scherzo số 3 cả-đời-trật-vuột, hắn chơi như thể có Afred Cortot nhập hồn, thong thả, cuồn cuộn như nước chảy mây trôi. Như thể Lizst tóc bạc phơ với chiếc mũi khoằm nghiêm nghị, đang thân ái đặt tay lên vai hắn. Như thể Chopin với đôi mắt sâu thẳm, đang chống cằm tư lự kề bên.
Lần đầu trong đời, hắn chạm đến cái đẹp đẽ tuyệt đối, vĩnh cửu và tan chảy mình trong cái thanh khiết vô ngôn của âm nhạc. Mặc cho tiếng rè rè hỗn hào của chiếc quạt máy. Mặc cho tiếng ríu rít nghịch ngợm của lũ chim sẻ trên bậu cửa. Mặc cho mây trắng vẫn vần vũ bay.
Ngày mai, hắn biết rõ, hắn lại vụng về mổ phím, như thể chưa hề có một lần bay bổng. Phút hạnh ngộ ngắn ngủi qua đi nhanh chóng. Hắn buông đàn, mồ hôi ướt áo, kiệt lực, rỗng không và nghe âm nhạc lịm tắt dần trong tâm tưởng.
Ngoài kia, mây trắng vẫn bay…
Bản dịch tiếng Anh ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét