Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Phê bình không èo uột mới lạ

báo An ninh Thủ đô, số 4200, 6-9-2014

Quỳnh Vân  thực hiện
1. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, phê bình văn học đứng trước tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Inrasara: Đó là ý kiến đúng, nhưng chưa rốt ráo. “Lệch chuẩn hay loạn chuẩn” không là vấn đề, đúng ra phải hỏi ở đây là, chuẩn nào? Bởi sáng tạo là luôn là hành động phá chuẩn, từ bỏ chuẩn cũ. Mỗi thế hệ văn học tạo ra một/ một vài chuẩn mới, khác của mình. Toàn cầu hóa, để hội nhập với thế giới, nhà văn Việt Nam tiếp cận nhiều hệ mĩ học khác nhau, từ đó sáng tác bằng nhiều chuẩn khác nhau. Là cơ hội lớn cho mỗi nhà văn và nền văn học. Điều thiết yếu là nhà phê bình cần nhận ra điều đó, nắm bắt sự đa dạng của nó, từ đó có thể “đi vào trong” hệ mĩ học của chính tác phẩm để nhận diện cái hay, dở của nó. Bởi, không thể đứng trên hệ mĩ học lãng mạn để đánh giá tác phẩm hiện đại, hay sử dụng thước đo thuộc hệ mĩ học hiện đại để nhận định sáng tác thuộc hệ mĩ học hậu hiện đại… Dĩ nhiên, một nhà phê bình không thể ôm đồm tất cả, bạn cần cho độc giả biết quan điểm thẩm mĩ của mình, trước khi phê bình một tác phẩm/ tác giả, chứ không tùy tiện, tùy hứng đầy cảm tính.

2. Thực trạng đội ngũ phê bình văn học hiện nay? Đó là một ngành nghề thiếu hấp dẫn, đào tạo không theo kịp thực tế. Hơn nữa, đó cũng là một nghề không kinh tế?
Inrasara: Thời đại nào cũng vậy, dù không “là một nghề kinh tế”, khi còn sáng tác thì còn phê bình. Thế hệ nối tiếp thế hệ, không cần đào tạo, các nhà phê bình vẫn xuất hiện, vì nhu cầu tự thân lẫn ngoại cảnh đòi hỏi. Bên cạnh nhà phê bình chuyên và không chuyên, còn có người từ sáng tác nhảy sang làm phê bình, tạo nên sự đa giọng điệu, đa phong cách của phê bình. Tất cả đều cần thiết, phục vụ cho một/ một vài đối tượng cụ thể. Có phê bình “theo đuôi” sáng tác, có phê bình song hành với sáng tác, và cũng có phê bình dẫn đạo sáng tác. Điều tôi ngạc nhiên là, khác với rất nhiều tạp chí văn học của vài nền văn học tiên tiến mà tôi biết, họ luôn ưu tiên đăng tiểu luận và phê bình, còn Việt Nam ta lại ưu ái thể loại truyện ngắn với thơ. Phê bình đất nước hình chữ S này không èo uột mới lạ.

3. Việc lệch chuẩn đó liệu có phải do chính các tác giả, sáng tác của họ quá nổi loạn, quá cách tân hay quá dễ dãi với mọi vấn đề?
Inrasara: Không sai! Nhiều trào lưu nảy nở và phát triển, ở mỗi trào lưu có cây bút chín chắn bên cạnh không ít kẻ học đòi, có người tài năng có kẻ không, có trào lưu sống thọ có phong trào văn chương sớm nở tối tàn… không sao cả. Theo tôi, đó là điều nên mừng hơn là nên lo. Bởi chính sự phát triển đa dạng kia của văn chương mà phê bình có đất dụng võ. Ở đây, đòi hỏi chính yếu từ nhà phê bình là tài năng thẩm định cái mới lạ, tay nghề và bản lĩnh của ngòi bút.

4. Hay đó còn do các nhà xuất bản “bán cái”, liên kết, ai có tiền đều ra sách được?
Inrasara: Cả ở đây nữa, “nhà nhà làm xuất bản” hay “ai có tiền đều ra sách được” là điều rất đáng hoan nghênh, chứ không phải ngược lại. Cơ chế tự do ấy biểu hiện sự công bằng dành cho mọi tác giả, mọi trào lưu văn chương, mọi sự thể nghiệm. Bởi ta chưa rạch ròi giữa tác phẩm văn học với  ấn phẩm cận-văn học hay phi văn học, nên mới sinh lo lắng. Thậm vô ích và phi lí! Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam không bổn phận phải “liếc nhìn” qua Sợi Xích [của Lê Kiều Như] làm chi, mà hãy dành sự phê phán nó cho các loại báo phổ thông. Hay như bên thơ cũng vậy, tôi có phân loại 3 “loài” thơ: thơ câu lạc bộ, thơ tiếp hiện và thơ khai phá. Mỗi “loài” có mặt đều cần thiết, đều có bộ phận độc giả của mình. Một nhà phê bình mà đi chê thơ câu lạc bộ, là hỏng to.

5. Thực ra có hay không hiện tượng phê bình văn học theo… đám đông, theo mạng xã hội?
Inrasara: Phê bình văn học theo đám đông khác hẳn với theo mạng xã hội. Thế giới mở, một tác giả, một tác phẩm xuất hiện, vấn đề văn học đang nóng… nhận được ý kiến khen chê hay bị bỏ quên ngay khi vừa ra đời. Trên mạng internet! Kịp thời và nhanh nhạy là điều dễ thấy nhất của phê bình ở thời đại vi tính. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí. Còn hơn cả báo chí. Bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, blog, facebook đảm đương mà không hề hấn gì. Tác phẩm văn chương như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi sự chắp nối cùng các diễn ngôn khác nhau. Sự chắp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyện gia hàng đầu.
Độc giả hôm nay mà trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao đáng kể, hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động. Trên diễn đàn internet, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. Ý kiến nào gửi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa. Tôi gọi đó là Phê bình Mở - loại phê bình vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác. Thực tế các comments cũng đã ảnh hưởng không ít đến chính kiến của nhà phê bình chuyên nghiệp – một ảnh hưởng đầy tích cực.

6. Chúng ta đang chứng kiến những chuyện đau lòng trong văn học, nhiều tác phẩm ra đời bị vùi dập, bị nhìn dưới góc độ lệch lạc, bản thân các nhà phê bình không đứng dưới góc độ học thuật, thường là do yêu tác giả thì khen tác phẩm, ghét thì chê, thì bới móc? Quan điểm của ông?
Inrasara: Tôi đã từng vài lần “Gọi tên mười căn bệnh phê bình văn học hôm nay”, xin miễn nhắc lại. 10 căn bệnh, song chung quy tất cả đặt trên loại phê bình “ngoài văn bản”, hay vẫn trên văn bản “cắt – nối” đầy chủ ý dẫn đến suy diễn ngoài văn học. Từ đó nảy nở bao nhiêu là hoa lá cành cảm tính với cảm tình, tùy hứng và tùy tiện. Chủ trì tại các kì Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, quy ước quan trọng nhất trong ba quy ước tôi đặt ra cho mọi người là: “không khen không chê”. Nghĩa là kẻ phát ngôn phải định tính, định danh với luận điểm rõ ràng, và biết thuyết phục người nghe bằng những minh chứng cụ thể từ văn bản. Ví dụ, bạn cho tác phẩm ấy là cách tân, thì phải chỉ ra cho mọi người biết nó “cách tân” ở đâu, đến đâu, và “cách tân” so với ai/ tác phẩm nào cùng thời?

7. Rất nhiều nhà phê bình chân chính ngại phải động vào những cuộc tranh cãi ầm ĩ, sợ tác giả giận nên chọn cách im lặng? Liệu các nhà phê bình văn học im lặng thế đã đủ lâu chưa?
Inrasara: Họ ngại, không sai. Bởi thời gian qua chúng ta vẫn chưa có diễn đàn tranh luận đúng nghĩa. Cả tranh luận trí thức lẫn tranh luận văn học. Đôi lúc vài khởi đầu có vẻ đầy học thuật, thế rồi dần dần cuộc tranh luận lệch pha và bị lôi cuốn vào mấy cãi cọ vụn vặt bất tận. Những người đã chọn im lặng, không thể trách. Nhưng có thể không, một nền văn học phó mặc cho cảm tính, tùy tiện thao túng.
Ở nhiều cuộc trao đổi, tôi đã thử làm khác. Trước khi thuyết giảng, để thính giả chuẩn bị tinh thần, tôi nói ngay từ đầu, tôi chỉ dành một nửa hay 2/3 thời gian để thuyết, còn lại chúng ta cùng trao đổi. Làm vậy được mấy cái lợi: Một, tránh được sự ấm ức nơi thính giả; bởi nhiều lần, họ biết diễn giả sai, nhưng họ không được tạo cơ hội nói lại. Thứ hai, qua trao đổi, vấn đề sẽ được vỡ ra vài khía cạnh khác lạ; ở đó không chỉ người nghe, mà chính người nói học được rất nhiều. Tiếp đến, ta tập thói quen đối thoại, thậm chí tranh luận lành mạnh trên diễn đàn học thuật, tránh một chiều định hướng và bị định hướng.

8. Làm thế nào để có một nền phê bình lành mạnh, sòng phẳng. Hay thì khen, dở thì chê, không nâng đỡ, bênh vực kiểu thân thiết, người nhà?
Inrasara: Điều duy nhất cần là: diễn đàn và không khí tranh luận đúng nghĩa. Muốn vậy, khởi động một chiều hướng phê bình mới, là rất cấp thiết. Tôi tạm đặt tên là Phê bình Lập biên bản. Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay bản sắc văn hóa dân tộc, một chân lí đinh đóng hay cái đẹp vĩnh cữu, càng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Giữ nguyên hiện trường về mọi trào lưu và mọi tác giả, tác phẩm. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa.
Lâu nay, ngoài thiếu tư thế tự do và hiểu biết về lí thuyết mới, sự chưa đủ cô đơn cho… phê bình (không giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng) là một trong những lí do khiến vài ngòi bút đàn anh/ chị sa lầy trong thẩm định tác phẩm. Sự phán quyết (khen hay chê) thiếu vật chứng ấy sinh ra bao nhiêu là hệ lụy. Bởi không thể nâng tầm cho một tác phẩm xoàng xĩnh, nhảm nhí đã đành; ngược lại, một tác phẩm mới lạ nào bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở trọn vẹn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: