Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Người cổ đại thật sự thọ hơn 200 tuổi ?

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn và thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những  về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Tùy bạn quyết định!
Không phải các nhân vật trong Kinh thánh mới có thể sống đến 900 tuổi hoặc lâu hơn. Các văn bản cổ đại từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau đã liệt kê tuổi thọ mà hầu hết con người ngày nay sẽ cảm thấy khó tin. Một số cho đây là sai sót trong quá trình dịch thuật, hoặc có lẽ những con số đó mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Nhưng song song với rất nhiều lời giải thích như vậy, cũng xuất hiện các lý lẽ phản biện đã làm các nhà sử học phải tự hỏi rằng lẽ nào tuổi thọ của con người đã giảm xuống đáng kể như vậy sau hàng nghìn năm lịch sử.

Ví dụ như, một lời giải thích cho rằng định nghĩa về một năm của người miền Cận Đông cổ đại có thể khác với khái niệm một năm thời nay. Có lẽ một năm ám chỉ đến quỹ đạo của mặt trăng (một tháng) thay vì quỹ đạo mặt trời (12 tháng).

Trên cùng bên trái: Tượng chạm khắc trong một ngôi đền Đạo gia; Trong lịch sử các Đạo sĩ được cho là có thể sống đến mấy trăm tuổi. (Shutterstock*). Dưới cùng bên trái: Một hình minh họa từ thiên sử thi “Shahnama,” một tập hợp các bài thơ tiếng Ba Tư từ thế kỷ thứ 10 đã trích dẫn tuổi thọ của các vị vua có thể lên đến mấy trăm năm và thậm chí hơn nghìn năm. (Wikimedia Commons). Ảnh bên phải: Chân dung một nhân vật trong kinh thánh, Abraham, phác họa bởi Rembrandt: Abraham sống lâu hơn tuổi thọ kỳ vọng của con người hiện đại. (Wikimedia Commons). Nền: (Trái sang Phải) Một phiến đá Xu-me cổ đại (Wikimedia Commons), một văn bản y học Trung Quốc cổ đại (Defun /iStock/ Thinkstock), và văn bản tiếng Hebrew (Shutterstock*)

Nhưng nếu chúng ta làm phép biến đổi cho phù hợp với cách tính ngày nay, thì dù tuổi thọ của Adam trong Thánh Kinh sẽ từ 930 tuổi hạ xuống một con số thực tế hơn là 77, nhưng cũng đồng nghĩa với Adam đã sinh hạ đứa con trai Enoch lúc 11 tuổi. Và Enoch sẽ chỉ 5 tuổi khi cậu sinh hạ Methuselah.

Mâu thuẫn tương tự cũng nảy sinh khi chúng ta thay đổi dùng “năm” để chỉ mùa thay vì chỉ quỹ đạo mặt trời,theo ghi chú của Carol A. Hill trong bài viết của bà “Hợp lý hóa các con số trong Sáng Thế Ký,” xuất bản trên tạp chí “Nhận định về khoa học và niềm tin nơi Công giáo” vào tháng 12 năm 2013.

Các vấn đề tương tự cũng nảy sinh khi chúng điều chỉnh lại tuổi trong các văn bản cổ đại với giả định các tác giả đã sử dụng một quy tắc nhất định do đó đã làm lệch đi số tuổi thực tế (như khi nhân chúng với một con số nhất định).

“Các con số [trong Sáng Thế Ký] có thể có cả hai ý nghĩa thực (đại lượng) và tâm linh (thần số hoặc biểu tượng),” Bà Hill đã viết.

Các mô hình toán học?

Ở cả trong Sáng Thế Ký và trong văn bản Danh sách Vua Sumer có niên đại 4000 năm, trong đó liệt kê thời gian trị vì của từng vị vua Sumer (miền nam Iraq thời cổ đại), và có vài trường hợp vượt quá 30.000 năm, các nhà phân tích đã nhận thấy việc sử dụng các số chính phương (bình phương của một số tự nhiên).

XEM THÊM: “Danh Sách Vua Sumer Vẫn Làm Đau Đầu Các Nhà Sử Học Sau Hơn Một Thế Kỷ Nghiên Cứu

Giống như Kinh Thánh, từ văn bản Danh Sách Vua Sumer cho ta thấy tuổi thọ giảm dần theo thời gian. Danh sách này phân biệt giữa thời kỳ trước đại hồng thủy và sau đại hồng thủy. Thời kỳ trước đại hồng thủy con người có tuổi thọ dài hơn rất nhiều so với thời kỳ sau đó, mặc dù tuổi thọ của con người sau đại hồng thủy là khoảng vài trăm năm hoặc hơn 1000 năm. Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy tuổi thọ giảm rất nhanh, với Adam thọ 930 tuổi, tới Noah thọ 500 tuổi cho đến Abraham thọ 175 tuổi.

Dwight Young thuộc trường đại học Brandeis đã miêu tả về tuổi thọ sau đại hồng thủy theo Danh sách Vua Sumer như sau: “Không thể chỉ vì quá lớn mà cho rằng những con số dường như là giả. Con số lớn nhất, thời gian trị vì 1560 năm của Etana, là tổng thời gian của hai triều đại trước đó. … Một số khoảng thời gian chỉ đơn giản là bội số của 60. Các số khác lại là số chính phương, như: 900, bình phương của 30; 625, bình phương của 25; 400, bình phương của 20 … thậm chí trong những con số nhỏ hơn, bình phương của 6 xuất hiện nhiều hơn thông thường.” Bài viết của Young, với tựa đề “Một cách tiếp cận mang tính chất toán học đối với một số thời gian trị vì của các triều đại nhất định trong Danh sách Vua Sumer,” đã được xuất bản trên tạp chí Nghiên cứu Cận Đông vào năm 1988. Paul Y. Hoskisson, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tư liệu dòng Mặc Môn Laura F. Willes đã viết tương tự như vậy về thời kỳ gia trưởng trong Kinh Thánh trong một bài viết ngắn cho Viện Học bổng Tôn giáo Neal A. Maxwell.

Mặt khác, khi nhìn vào các mô hình, đồng sáng lập Nhà thờ Chúa ở miền nam Texas Arthur Mendez nghĩ rằng tỷ lệ sụt giảm tuổi thọ từ trước thời đại hồng thủy như được ghi nhận trong các văn bản cổ cho tới ngày nay lại vừa hay trùng khớp với tốc độ phân rã quan sát được trong mô sinh vật khi chúng tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc chất độc.
Các sự kiện ở rất nhiều nền văn hóa, bao gồm ở Trung Quốc và Ba Tư

Thời Trung Quốc cổ đại, theo ghi chép trong các sách cổ, những người sống thọ trên trăm năm là rất phổ biến. Nhà châm cứu, tiến sỹ Joseph P. Hou, đã viết trong quyển sách của ông với tựa đề “Các Phương pháp Trường Thọ và Khỏe Mạnh” như sau: “Theo ghi chép của y học Trung Hoa, một lương y tên Thôi Văn Tử thời Tần đã sống đến 300 tuổi. Cát Nhạc thời Hán sau đó đã sống đến 280 tuổi. Một Đạo trưởng tên Huy Triệu đã sống đến 290 tuổi và Lão Tử Thường Nga sống đến 180 tuổi. Như được ghi chép lại trong Bản Thảo Cương Mục [1], He Nengci thời nhà Đường đã sống đến 168 tuổi. Một Đạo trưởng tên Lí Thanh Viễn, đã sống đến 250 tuổi. Trong thời hiện đại, một lương y cổ truyền Trung Quốc tên Lô MInh Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên đã sống đến 124 tuổi,”

Tiến sĩ Hou nói rằng bí quyết sống lâu của người phương Đông là “thuật dưỡng sinh,” tức là ngoài bồi dưỡng thể chất, còn phải bồi dưỡng tinh thần và tâm linh.

Cuốn sách Shahnameh hay Shahnama (“Cuốn sách của các vị vua”) là một thiên sử thi của Ba Tư được Ferdowsi viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10 Sau Công Nguyên. Nó ghi chép lại về các vị vua có thời gian trị vì hơn 1.000 năm, vài trăm năm, rồi xuống đến 150 năm, v.v.v

Các trường hợp trường thọ ngày nay

Kể cả vào thời nay, người ta đã ghi nhận được những người có tuổi thọ vào khoảng 150 năm hoặc hơn thế. Những ghi nhận như vậy thường đến từ các vùng nông thôn, nhưng các tài liệu nhằm xác thực lại khá hiếm. Hơn một thế kỷ trước các dẫn chứng xác thực này có lẽ không được coi trọng mấy ở vùng nông thôn, do vậy việc xác minh các tuyên bố trên gặp nhiều khó khăn.

Một ví dụ như vậy là trường hợp của cụ Bir Narayan Chaudhary ở Nepal.

Năm 1996, Vijay Jung Thapa đến thăm Chaudhary ở ngôi làng Tharu của Aamjhoki trong khu vực Tarai. Chaudhary nói với anh rằng ông đã 141 tuổi. Thapa đã viết trong một bài báo cho tờ Ấn Độ Ngày Nay (India Today). Nếu tuyên bố này là thật, Chaudhary sẽ đánh bại người đang giữ kỷ lục thế giới Guinness cho tuổi thọ cao nhất hiện nay với khoảng cách gần 20 tuổi.

Nhưng Chaudhary không có các giấy tờ để xác nhận điều đó. Tuy nhiên, ông lại có những ký ức xác thực về ngôi làng.

“Hầu hết tất cả những người già cả quanh vùng đều nhớ khi họ còn trẻ Chaudhary (đã già rồi) từng nói chuyện về công việc khảo sát Nepal vào năm 1888,” Thapa viết. “Luật làng quy định lúc ấy ông phải hơn 21 tuổi, vì cuộc khảo sát này là một công việc nghiêm túc. Chaudhary tuyên bố ông đã 33 tuổi vào thời điểm đó và vẫn còn là một chàng trai độc thân cứng đầu.”

Tương tự, rất nhiều người da trắng ở Nga cũng tuyên bố có tuổi thọ vượt trên 170 năm nhưng cũng không có giấy tờ xác thực.

Tiến sỹ Hou viết: “Những người sống thọ như vậy, đều có đời sống rất giản dị. Họ làm công việc tay chân nặng nhọc, thông thường ở ngoài trời, từ lúc trẻ cho đến già. Bữa ăn của họ khá đơn giản, và giao tiếp xã hội cũng vậy, chỉ giới hạn trong gia đình. Một ví dụ như vậy là Shisali Mislinlow, người đã sống đến 170 tuổi. Ông đã làm vườn ở khu vực Azerbaijan của Nga. Cuộc sống của Mislinlow chưa bao giờ vội vã. Ông nói, ‘Tôi chưa bao giờ vội vã, vậy nên đừng sống một cách vội vã, đây là điểm chính. Tôi đã làm công việc tay chân trong suốt 150 năm.’”

Vấn đề niềm tin?

Từ lâu phương pháp trường thọ thời cổ đại đã có liên quan với thuật nội đơn của Đạo gia, hay còn gọi là phương pháp tu luyện thân tâm (cả thân thể và tâm trí) ở Trung Quốc. Ở đây, sự trường thọ có mối liên hệ với đạo đức. Cũng tương tự, ở phương Tây trường thọ cũng hòa quyện với đức tin như một phần của Kinh Thánh.

Mendez đã trích dẫn Titus Flavius Josephus, nhà sử học người La Mã-Do Thái thế kỷ thứ nhất: “Hiện nay khi Noah đã sống qua 350 năm sau cơn Đại Hồng Thủy … nhưng ông sẽ không để ai, so sánh tuổi thọ của người cổ đại với chúng ta hiện nay, với số năm ngắn ngủi chúng ta sống, nghĩ rằng điều chúng ta nói về họ là sai; hay biến tình trạng ngắn ngủi của sinh mệnh chúng ta hiện tại thành một loại lý lẽ, rằng họ cũng không thể đạt được tuổi thọ dài như vậy, chỉ vì người cổ đại tôn kính Thần, và [cuối cùng] được tạo ra bởi Thần; và bởi vì sau đó lương thực của họ đã được cải biến để kéo dài sinh mệnh, từ đó họ mới có thể sống lâu năm như vậy: và ngoài ra, Thần đã gia hạn thời gian sống dài hơn phụ thuộc vào tiêu chuẩn đạo đức của họ, cũng như các hành động tốt họ làm được nhờ vào tiêu chuẩn đó.

Ngày nay, các nhà khoa học đương đại có hai lựa chọn, hoặc là tin vào những ghi chép thời cổ đại về các mức tuổi thọ dường như rất khó tin, hoặc nhìn nhận những ghi chép này như một sự cường điệu hóa, một ý nghĩa biểu tượng nào đó, hay sự hiểu sai. Với rất nhiều người, nó chỉ đơn giản là một vấn đề của niềm tin.

[1]: Bản Thảo Cương Mục là một bộ từ điển bách khoa của Trung Quốc về dược vật học được danh y Lý Thời Trân biên soạn

http://vietdaikynguyen.com/v3/14069-nguoi-co-dai-that-su-co-tuoi-tho-hon-200-tuoi/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: