Thi sĩ Đông Hà
CÙNG ĐÔNG HÀ ĐI NGƯỢC ĐÁM ĐÔNG
Ngô Minh
Nhà thơ Đông Hà vừa tặng tôi tập thơ mới của chị có cái tên là lạ “Đi ngược đám đông “. Sao không đi cùng mà lại đi ngược đám đông ? Đi ngược đám đông nghĩa là đi một mình, ngồi một mình, một mình lặng lẽ tâm thức ?. Trong đề từ đầu sách, nhà thơ viết :”Mượn tinh thần chữ của Trịnh Công Sơn trong Phúc âm buồn tôi viết đi ngược đám đông.”. Phúc âm buồn của Trịnh là một bài hát về phận người cô độc và bất lực, yêu thương và đau khổ :
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người
Còn bao lâu tôi xa em xa anh xa tôi
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người
Còn bao lâu tôi xa em xa anh xa tôi
Còn Phúc âm buồn của Đông Hà là những ngày yêu lặng lẽ : Hề chi hề chi / chỉ cần tích tắc / cũng thành trăm năm /chỉ cần nước mắt /cũng thành phúc âm…Cái đồng hồ chạy nhanh chạy chậm, chạy vòng quanh,,,không cần, chỉ cần tích tắc thôi cũng đủ , chỉ cần chạy sao cho đúng / giờ anh gặp T ( Giờ của trăm năm). T ở đây người đọc có thể hiểu là một người tên T hoặc là Hồ Thị Tâm ( tên thật của nhà thơ Đông Hà) .Bài thơ Giờ của trăm năm có cái tứ lạ, một cách bày tỏ tình yêu chưa ai nghĩ tới.
Thơ Đông Hà đa phần là thơ tình, từ tập thơ đầu tay Thơ đá ( 1999), đếnMưa kim cương (2006), rồi Người đàn bà che mặt ( 2010), đều là thơ tình lứa đôi : Tình yêu mua buổi chợ chiều /Đêm về đã úa như liều tấm thân ( Dã quỳ), hay : Đêm qua em ước điều chi / mà mắt môi bập bùng muốn cháy /mà vòng tay rơi ngoài im lặng /mà ngàn lời đứng gió im cây ( Không còn bếp lửa nào tàn )… Đó là những thổn thức run rẩy dịu dàng của một người tình đang nuốt nỗi niềm nhớ nhung, đau khổ vào lòng. Ấy là tuổi trẻ, tuổi yêu. Đến tập hơ Đi ngược đám đông thơ Đông Hà vẫn là thơ tình, vẫn là những cung bậc hơn giận , mong chờ ấy, nhưng cách nói đã mới hơn, đằm hơn, đặc biệt là chủ động hơn ( hay người lớn hơn ?) . Bài thơ Bình tĩnh một mình là một ví dụ. Giờ T đã biết làm người bình tĩnh…Bình tĩnh T thành con cá lội /Quẫy riêng thứ tiếng của hai mình…Những tứ thơ mới mẻ chắt từ tâm thức ra ấy đã đạt đến độ thật của cảm xúc. Hay :
anh đau một chuyến nghi ngờ
T về hái thuốc ngồi chờ kiếp sau
( Hái thuốc cho mình)
Thật hơn và tin cậy hơn nữa là khi tác giả xưng T với người tình. Có tới hai phần ba bài thơ trong tập thơ 54 bài, nhà thơ xưng T với “đối tác tình”: Nửa chiều bên này tầm tả mưa rơi / anh đi bên kia sao sợ lòng T ướt…( Ngó cái lưng chừng) ; hay Gọi gì cũng không lời động vọng / T treo thương nhớ dưới hiên nhà…( Không lời động vọng) ; hay :
Vô lý quá
ngày nào T cũng ra nơi đó
có bến có sông mây trắng ngàn dâu
ai chịu nổi những gì là kỷ niệm
có sếu bạc đầu cũng gây nhớ gây đau ( Vô lý)
Đông Hà không chỉ xưng hô tên T trong các bài thơ, mà tên T xuất hiện ở rất nhiều đầu đề bài thơ , như : … Bản tin thời tiết dành cho T, Không có bờ nào cho T; Long T mất rồi ; T vừa đi ngang qua đó…Lối xưng tên trong từng bài thơ như thế rất lâu nay ít thấy các nhà thơ dùng . Âu đó cũng là cách làm mới thơ. Làm cho ý thơ, tình thơ gần gụi hơn , nữ tính hơn.
Thơ Đông Hà ở tập Đi ngược đám đông nhiều bài không bắt vần như các tập trước, Thậm chí, lần đầu tiên trong thơ Đông Hà tôi thấy rất nhiều bài thơ kiểu thơ văn xuôi, như : Bông hoa khô dại , Trận trận thất lạc, Khóc chữ, Cố quận, Mùa hè chiếu thẳng đứng… Đây cũng là cái mới trong tập Đi ngược đám đông. Có những câu thơ văn xuôi rất xao động : Cảm giác đọc chữ một mình rất thích. Ấy là lúc vừa nhìn từng mặt chữ vừa tưởng tượng mặt người. Có những chữ mình chép tay bằng mực tím cách đây một đỗi xa xưa. Giờ thi thoảng lúc nào muốn trở về, lại giở ra từng trang nhẩn nha từng câu chữ. Vẫn cứ mang mang hoài cái cảm giác khi khi yêu người ta trở nên ích kỷ , dù đã dặn lòng đó chỉ là Huế xưa áo trắng xưa…/ / Nhưng đêm thì ám vào giấc ngủ . Mình hôn những con chữ mà khóc ròng… ( Khóc chữ) ; hay : Thì nhớ lần xưa. Đi lần ra phía đồng quê. Nghe mùi rơm rạ thương ôi mùi rơm rạ. Thèm xắn quần lội xuống. Sục đôi bàn tay vào đất bùn nghe mùi ngai ngái ngập tràn thương yêu. Rồi đêm về xoa chân thả tay nằm ngủ thật thanh tân. ( Trận trận thất lạc).
Thơ văn xuôi là loại thơ mang mang cảm xúc, ý thơ gọi nhau như những đội quân chữ dàn trận mai phục người đọc. Sau những mạch câu dài ngắn lê thê, người đọc bị chinh phục bởi cái kết đột ngột hay sự nén lặng của câu chữ. Thơ văn xuôi Đông Hà là loại thơ như vậy.
Có điều thích thú tôi muốn nói là : Lần theo ngày tháng ghi dưới các bài thơ trong Đi ngược đám đông, tôi thấy nhà thơ viết liên tục. Ngày 28.8.2010- thơ ; 2.9.2010- thơ; 04.9.2010- thơ ; 7.9.2010- thơv.v..Nghĩa là thơ đến hàng ngày. Có hai điều để lý giải việc thơ đến liên tục như thế này . Đó là sức sáng tạo của tác giả. Hai là tình yêu đang bỏng cháy, thúc dục. Là người làm thơ, tôi biết trong trường tình yêu, con tim luôn réo gọi thơ.
Trong tập thơ Đi ngược đám đông , Đông Hà vẫn có nhiều câu thơ hay có thể đứng một mình . Có thể dẫn ra hàng chục câu thơ như thế, như : Chỉ cần tích tắc / cũng thành trăm năm ; rồi ngoan như giấc mơ ; trời mưa giúp T ngồi thật sâu trong ký ức ; con trăng gửi lại hôm rằm / nụ hôn như thể ai nằm lại đây; giang hồ ra một trận cười / dấu răng một vết để người ngồi đau v.v..
Đông Hà là một trong số ít nhà thơ nữ hàng đầu của Huế. Thơ chị sâu và buồn. Cái buồn của một tâm hồn đa mang đa cảm. Tập thơ thứ tư Đi ngược đám đông đánh dấu một chặng mới trên bước đường thơ nhọc nhằn của chị. Xin chúc mừng Đông Hà Hồ Thị Tâm.
Huế, 11 tháng 7 năm 2014
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét