Một thoáng Phương Đông
Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thế nên tôi chẳng có lý do gì đòi hỏi nhân quyền hay dân chủ theo kiểu áp đặt, chèn ép như cách mà nước Mỹ trói buộc các nước xã hội chủ nghĩa, các nước khác thực thi theo. Việc làm đó có nhân quyền, có dân chủ đi chăng nữa thì cũng là nhân quyền, dân chủ kiểu Mỹ. Kết quả của hình thức nhân quyền, dân chủ đó là việc đưa đến tình trạng khủng hoảng nợ công trầm trọng, việc sụp đổ có hệ thống chuỗi ngân hàng, các tập đoàn tài chính khổng lồ, bất động sản đóng băng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng,…
Thế nên, tôi sẽ không đòi hỏi nhân quyền hay dân chủ. Nhân quyền hay dân chủ vốn dĩ nằm trong lòng của mỗi người. Với anh khác, với tôi khác, có lẽ sẽ không ai giống ai. Định mức của nhân quyền, dân chủ được đánh giá trong lòng người dân ở mỗi nước. Khi người dân chưa lên tiếng thì điều đó đồng nghĩa với việc nhân quyền, dân chủ ở quốc gia đó còn đảm bảo cho đời sống người dân tồn tại và phát triển.
Hôm nay, tôi sẽ đề cập về những vấn đề có lẽ người dân cần biết, có thể là họ cần biết ngay hiện tại hoặc có thể là ở một tương lai gần nào đó.
Trên thực tế là bộ máy nhà nước muốn hoạt động thì cần phải có giá trị thặng dư hay nói đúng hơn là tiền làm vật bôi trơn. Nguồn tiền này có từ đâu? Đó có phải là các khoản thuế, lệ phí và cả tiền nộp phạt của người dân khi người dân vi phạm những quy định, những chế tài pháp lý của nhà nước và cả các nguồn vốn vay nước ngoài. Cho dù nguồn gốc các khoản tiền đó xuất phát từ đâu thì chính người dân phải trực tiếp tạo ra chúng hoặc gián tiếp đóng góp trả các khoản nợ đã vay. Vì lẽ đó người dân dường như cần phải biết tổng số tiền, cách thức mà nhà nước có được các khoản tiền và việc vận hành sử dụng các khoản tiền của đảng và nhà nước.
Hôm nay, tôi sẽ đặt vấn đề về các khoản nộp phạt khi người tham gia giao thông vi phạm giao thông. Những câu hỏi đúng sai sẽ được đặt ra nhưng tôi không cần đến câu trả lời. Nếu có dịp thì bạn hãy xét lại và làm sao cho hợp với lòng mình là được.
- Toét.
Một hồi còi quyết đoán cất lên, một chiếc xe máy hiệu Wave RS bị cảnh sát giao thông (CSGT) chặn lại. Chú CSGT giơ tay ngang đỉnh đầu đỉnh đạt chào người tham gia giao thông và yêu cầu người đó xuất trình giấy tờ và biên bản vi phạm giao thông lỗi chạy quá tốc độ. Người tham gia giao thông buộc phải ký vào biên bản với lỗi chạy xe 52 km/h. Người đó khẩn khoản xin đóng phạt để không phải bị giữ giấy tờ và số tiền đóng phạt là 750.000 đ (Bảy trăm năm chục ngàn đồng). Người tham gia giao thông nhanh chóng đi nộp phạt mà trong lòng không khỏi hậm hực. Nguyên do là quả thật anh ta có chạy quá tốc độ quy định nhưng việc bị bắn tốc độ mới làm anh ta uất ức. Anh ta bị bắn tỉa, bị bắn lén mới đau chứ. Sở dĩ anh cho rằng anh bị bắn tỉa là vì người bắn anh “ngã ngựa” anh nào đâu có biết mặt và anh chẳng biết bị bắn hạ khi nào nữa. 750.000 đồng rời túi anh đi trong khi anh lại vừa đưa bà mẹ nhập viện và bây giờ trên đường về nhà lấy quần áo và gom thêm tiền lo viện phí cho mẹ. Lòng anh ta buồn lắm nhưng anh biết rằng “Anh không thể đôi co được với những cái đầu lạnh”. Anh ta tự hỏi “Tại sao những người quản lý lại có cách hành xử ám muội như thế, cứ như là gài bẫy nhau ấy?”. Tháng 4/2012 anh có người em đi lên Đà Lạt cũng bị bắn tốc độ nhưng bị bắn trực diện, cũng 52 km/h và bị phạt 300.000 đ(ba trăm ngàn đồng). Đúng là vật đổi sao dời, tình hình lạm phát, trượt giá quá nhanh chỉ vừa mới 5, 6 tháng mà mức phạt đã lũy tiến hơn gấp đôi.
Lấy được xe về lo tiền viện phí cho bà mẹ. Anh thanh niên cũng không quên kể chuyện “hữu sự” trên đường về nhà cho mọi người cảm thông. Quả thật có không ít người có sự đồng cảm sâu sắc. Thậm chí có người còn mạnh miệng nói “Bây giờ đi đường sợ CSGT hơn sợ cướp”, hở một tí là phải nộp phạt mà chẳng biết số tiền nộp phạt đi về đâu mà đường xá cứ đầy bụi vào mùa nắng, đầy nước vào mùa mưa và triều cường, ổ voi, ổ gà thì nhiều không kể siết,…
Bẵng đi một thời gian, chàng thanh niên đó lại thấy một tốp CSGT gồm 4 người làm nhiệm vụ. Rãnh rỗi, anh ta nán lại xem. Chỉ vài chục phút thôi mà số người bị bắn tốc độ có lên đến 20, 30 người. Anh ta tìm hiểu thêm thì được biết phần lớn số người bị thổi phạt phải đóng phạt từ 500.000 - 2.500.000 đồng. Vậy ra chỉ cần 1 giờ thì các chú CSGT đã thu về cho ngân sách khoảng 30.000.000 đ(Ba chục triệu đồng)(Đặt giả dụ là trung bình một người buộc phải nộp phạt 1.000.000 đồng). Anh ta lại tính tiếp cứ xem như người CSGT làm việc hành chính, trừ các khoảng thời gian sắp xếp công việc thì thời gian đứng chốt là 6 giờ. Tính ra số tiền thu vào của mỗi chốt bắn tốc độ giao thông/ ngày là 180.000.000 đồng (Một trăm tám chục triệu đồng). Anh ta lại tiếp tục làm toán. Ở Việt Nam có đến 700 đơn vị hành chính cấp huyện, nếu mỗi huyện chỉ đặt một chốt chặn bắn tốc độ thì số tiền thu được từ những người tham gia giao thông là 180.000.000*700 = 126.000.000.000 đ(Một trăm hai mươi sáu tỷ đồng). Con số này không phải là con số thực thu vì ngoài việc CSGT huyện lập chốt bắn tốc độ thì CSGT đơn vị tỉnh cũng có tổ chức đặt chốt riêng. Thêm nữa, không hẳn là mỗi huyện chỉ lập 1 chốt chặn. Vậy thì số tiền thực thu của những người vi phạm giao thông là bao nhiêu tiền/ngày. Đây chỉ là con số thống kê ảo dành cho người tham gia giao thông đi mô tô, xe máy. Vậy còn số tiền thu được từ các phương tiện xe ô tô là bao nhiêu? Số tiền ăn chặn, lót tay của các bác tài cho CSGT là bao nhiêu nữa? Có lẽ sẽ không có bất kỳ ai biết được số tiền mà CSGT thu vào trong ngày. Cho dù người đó là người quản lý tối cao của lực lượng CSGT.
Nếu theo cách tính ước lượng như thế thì mỗi ngày nhà nước thu vào từ khoản thu tiền phạt vi phạm giao thông là trên dưới 500 tỷ đồng. Số tiền đó đã đi về đâu có ai là người rõ biết? Một ngày đã là 500 tỷ đồng vậy phải chăng 1 tháng 30 ngày là 15.000 tỷ đồng. Thêm nữa, tỷ lệ chia phần giữa nhà nước và CSGT đứng chốt theo tỷ lệ là bao nhiêu? 7/3, 8/2 hay 6/4? Có lẽ vì mối lợi từ nguồn thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông mà hiện tại người Việt Nam đang có xu hướng cho các con cháu gia nhập vào lực lượng CSGT ngày càng nhiều để có cơ hội ra “đứng đường”(Theo ý của một đại biểu quốc hội). Từ đó, đã tạo ra việc “chạy chọt” để được vào ngành và số người tham gia trong lực lượng CSGT tăng nhanh vượt mức, khoản lương dành cho lực lượng CSGT cũng theo số lượng tăng lên. Việc này tạo ra sức ép về thuế lên người dân. Người dân đóng thuế nuôi hệ thống quản lý hành chính, để rồi hệ thống hành chính tạo ra một lượng CSGT chuyên trực bắt, rình bắt người dân vi phạm để thu thêm tiền phạt.
Theo thống kê thì ngành giao thông là ngành tham nhũng nhất hiện nay. Khoản tiền tham nhũng là bao nhiêu và cùng với khoản tiền thu từ người vi phạm giao thông, những khoản tiền có giá trị khổng lồ đó người dân cần phải biết. Vì họ cần phải biết số tiền họ đã đóng góp tích cực lẫn tiêu cực đã đi về đâu? Tại sao lượng tiền của người dân nộp cho ngân sách nhà nước cứ như thể đi vào vực sâu không đáy. Trên thực tế là chúng ta không ai nợ ai nếu như các khoản chi tiêu sử dụng tiền của, giá trị thặng dư của người dân đúng mục đích và hiệu quả. Nhưng nếu nhà quản lý, nhà lãnh đạo sử dụng nguồn tiền của người dân sai mục đích, không hiệu quả thì chính thật là nhà nước đã nợ người dân nhiều nhiều lắm.
(Bạn có thể xem thêm bài viết Tôi và Chúng Ta, Ai Nợ Ai? 21/12/2012 Ngày Tận Thế Cuối Cùng Của Nhân Loại về vấn đề “Ai Nợ Ai?”)
Số tiền của người dân lao động cần mẫn tạo ra, đóng góp cho nhà nước cần phải sử dụng đúng mực.
Có thể không? Một ngày nào đó nhóm CSGT đứng chốt than phiền cùng nhau là hôm nay nhóm mình làm việc kém hiệu quả. Tổng kết số tiền thu được ở những người vi phạm giao thông kém hơn nhóm CSGT làm nhiệm vụ ngày hôm qua với số tiền 20 triệu đồng.
Có lẽ sẽ có điều đó xảy ra vì nguồn thu từ tiền nộp phạt của người tham gia giao thông cũng là một phần tiền không nhỏ được lãnh của các chú CSGT. Thế nên, việc thất thu và việc than vãn sẽ có sự gắn kết với nhau.
Định hướng của các nhà quản lý xã hội hiện nay là tăng cường số lượng CSGT, tăng cường các tuyến tuần tra,… nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông hay vì việc tăng khoản tiền nộp phạt ở người dân. Thật không hợp lý khi lực lượng CSGT dùng hành vi ám muội, núp lùm, bắn tỉa người tham gia giao thông. Việc làm đó khiến người dân có hiểu biết khó lòng suy xét “Đó là việc làm tà hay chính?” Không có lý nào người làm công tác công quyền lại tà chính bất phân như vậy?
Có lẽ từ ngày khoa học phát triển ra máy bắn tốc độ thì số lượng người tham gia trong lực lượng CSGT tăng lên rõ rệt. Nếu nói là “đục nước béo cò” thì là câu nói không ổn, rồi thì sẽ có lúc người dân sẽ tìm câu nói thích hợp hơn để lý giải hiện tượng trên.
Lẽ ra, các nhà quản lý phải gia tăng việc giáo dục ý thức người dân. Trong trường hợp này là ý thức tự giác an toàn khi tham gia giao thông chứ không phải trói con người vào vô số chế tài, án phạt, số tiền phạt,… Đây là giới hạn tầm nhìn của nhà quản lý xã hội hay là việc “Thấy lợi quên nghĩa”? Việc giáo dục ý thức con người khi tham gia ở nhà trường thì quên bỏ. Nếu có cũng chỉ là hình thức qua loa, tượng trưng. Còn ở gia đình thì có lẽ không bao giờ ai chỉ dẫn ai tham gia giao thông như thế nào là đúng. Vậy nên ý thức tham gia giao thông nói riêng hay ý thức con người đã bị “quên bỏ” từ lâu và chưa từng có dấu hiệu sửa sai ở các nhà quản lý. Vậy định hướng xây dựng và phát triển xã hội con người thực sự là gì? Chắc rằng sẽ không có một câu trả lời đúng mực từ các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo đất nước. Có lẽ cũng không có một nhà quản lý, nhà lãnh đạo nào dám đứng ra nhận trả lời câu hỏi dường như rất cần thiết đó? Nếu có chăng cũng chỉ là những câu nói chung chung, vô thưởng vô phạt, không dựa trên thực tế, không đứng ở góc nhìn tổng thể, khách quan. Đại loại là “Phát triển, phát triển, phát triển” mà chẳng biết sự phát triển đó đi về đâu. Việc làm này có khác gì câu “Đưa mối quan hệ phát triển của hai nước lên tầm cao mới” nhưng tầm cao mới đó là gì? Không một ai biết, không một ai có thể trả lời.
Có ai muốn chết không? Câu trả lời cho số đông là không. Vì thế khi tham gia giao thông ít nhiều gì mỗi người cũng tự ý thức hành vi của tự thân. Chỉ có những người uống rượu bia, hoặc dùng chất kích thích, kẻ cướp,… mới có việc phóng nhanh vượt ẩu, chạy liều mạng. Việc định mức tốc độ cho các phương tiện xe có thực sự chuẩn mực. Đối với xe máy 50 km/h cho phép chạy trên đường ngoại thành và 40 km/h trên đường nội thành. Đối với ô tô thì ngoại thành 70, 80 km/h, nội thành 40, 50 km/h có phải là những thông số hợp lý. Việc chạy trên đường cao tốc thì được áp định mức có khi 80 km/h có lúc 100 km/h. Vậy tốc độ như thế nào là chuẩn mực. Có vẻ như các nhà quản lý muốn cho bao nhiêu thì cho bấy nhiêu tùy thích. Có lẽ các nhà quản lý không lạ gì tình trạng từng đoàn xe ì ạch nối đuôi nhau bò qua khu vực có chốt chặn bắn tốc độ, để rồi khi ra vùng ngoài kiểm soát thì thi nhau đua tốc độ. Họ phải đua tốc độ mới có thể đảm bảo lịch trình công việc và lộ trình mà các công ty giao thông vận tải buộc họ phải đảm bảo thời gian. Có lẽ đây mới là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều nhất. Mà nguyên nhân gây ra hiện tượng này lại có nguồn gốc gián tiếp từ các chốt chặn bắn tốc độ. Xem chừng việc tổ chức bắn tốc độ để hạn chế tai nạn giao thông là việc làm lợi bất cập hại. Nếu có lợi thì là từ nguồn lợi thu từ tiền nộp phạt và thêm một cái hại khác là người dân ngày càng thêm mất lòng tin về khả năng quản lý, lãnh đạo đất nước ở giới lãnh đạo. Quả thật, câu nói “Đi đường sợ CSGT hơn sợ cướp” là câu nói cần đến tai các nhà lãnh đạo để họ có dịp suy nghĩ, tự vấn lại việc làm của chính mình.
Sau cùng, tôi sẽ đặt lại vấn đề “Những việc liên quan đến số tiền nộp phạt, cách sử dụng, tỷ lệ chia số tiền thu được từ việc nộp phạt, số lượng người trong lực lượng CSGT là bao nhiêu? Tiền lương thưởng hàng năm của họ là con số nào? Số tiền tham nhũng của ngành giao thông là bao nhiêu, thâm hụt ngân sách hàng năm đã đi về đâu? Cách thức khắc phục, cách thu hồi các khoản tiền thất thoát là như thế nào? Định mức cho số người trong lực lượng CSGT sẽ là bao nhiêu? Khi nào các nhà quản lý xã hội mà trong trường hợp này là các nhà quản lý giao thông mới dựa vào ý thức người tham gia giao thông mà không dựa vào các chế tài án phạt.
Thêm nữa, những bài viết sau tôi sẽ đề cập về số lượng người trong lực lượng an ninh của đất nước, số người trong hệ thống công quyền là bao nhiêu và hàng năm ngân sách nhà nước phải chi ra bao nhiêu tiền thuế của người dân nhằm đảm bảo cho bộ máy đó vận hành, tính hiệu quả hay không hiệu quả của hệ thống hành chính, việc sử dụng các nguồn vốn vay, nguồn thuế,…
Được biết lực lượng an ninh hiện nay đang được tăng nhanh về số lượng. Có phải đây là định hướng phát triển của các nhà quản lý? Một câu hỏi tại sao sẽ được đặt ra. Hơn nữa, vai trò của lực lượng an ninh tăng cường là gì? Đây là thời bình, tại sao phải xây dựng lực lượng an ninh đông đúc như vậy? Số tiền đảm bảo cho lực lượng an ninh trên tồn tại là bao nhiêu? Tại sao người dân cứ phải gia tăng đóng các khoản thuế để nuôi quá nhiều tổ chức, lực lượng trực thuộc nhà nước mà không được biết rõ về những thông tin, tính cần thiết, tính khả thi của các tổ chức đó. Nếu bảo rằng lực lượng an ninh đó ra đời nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, chống lại các thế lực thù địch thì tại sao ngày trước các thế lực thù địch, chia rẽ ít bây giờ lại nhiều đến vậy? Nên chăng xem lại cách thức quản lý, lãnh đạo của những nhà cầm quyền đương thời? Bởi lẽ nếu những lực lượng đối lập, gây chia rẽ đó làm việc dựa trên tiêu chí “do dân và vì dân” thì các khoản thu mà nhất là thuế sẽ được người dân có hiểu biết “neo lại” vì họ không thể ủng hộ lực lượng dùng tiền của họ chống lại cuộc sống của chính họ. Tôi vì sự khó khăn, gian khổ của Bác Hồ, của Đảng Cộng Sản và người dân Việt Nam qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến mà nói lời thật. Việc xây dựng đất nước Việt Nam đã mất rất nhiều máu xương, mồ hôi, nước mắt và tâm huyết của những người đi trước. Thế hệ hiện tại hãy nên trân trọng, gìn giữ đừng vì sự kém hiểu biết, tính độc tài,… mà con người lại thêm một lần “đạp đổ”, phá tan những công trình đã nhọc nhằn tạo dựng nên.
Có lẽ người dân, những người có hiểu biết cần lên tiếng đúng lúc, cùng chung tay với các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo định hướng xây dựng, phát triển xã hội, đất nước đúng mực, hợp lý, hợp với lòng người.
Có thể những điều này người dân chưa cần biết ngay nhưng các nhà quản lý xã hội nên biết rằng “Sẽ có lúc người dân sẽ cần biết những điều đó, chỉ số niềm tin của người dân đang tụt giảm nghiêm trọng và họ cần biết nhiều hơn về những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của họ”,…
Mấy hôm nay, tôi bận ít việc nên không tập trung tốt cho việc viết bài nên đành lỗi hẹn với mọi người. Bài viết này xem như là lời chuộc lỗi gửi đến mọi người.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét