Blg Nhật Tuấn
Nguyễn Khải, vốn là nhà văn cây đa, cây đề, cây kiểng cứ mỗi lần Tết đến, các báo lại tranh nhau phỏng vấn làm sang cho báo Xuân. Những năm trước, báo tết Tuổi Trẻ luôn có bài cô Thuý Nga, phóng viên VHVN bốc thơm Nguyễn Khải . Tết Bính Tuất này, đến hẹn lại tới, cô ta lại có bài phỏng vấn, nhưng than ôi, cuộc đời đen bạc, lòng người quay quắt, bài viết năm nay đã mất hẳn cái sự tâng bốc ngày xưa , thay vào đó toàn lời bóng gió, xỏ xiên ông nhà văn đã hết thời. Bài phỏng vấn vô tình bộc lộ cái kết cuộc thảm bại của thân phận múi chanh đã vắt hết nước phải quăng đi của một siêu bồi bút.
Không chào hỏi, không chúc Tết, cô nhà báo mở đầu ngay bằng một câu “chê bai hỗn xược”:
“ Nếu người ta gọi ông là nhà văn thời sự thì ông buồn hay vui ?”
Không gì đau hơn với nhà văn khi bị chê là “nhà văn thời sự”, tức tác phẩm của anh không phải là văn, chỉ là thứ báo chí “ phục vụ kịp thời”. Lẽ ra Nguyễn Khải phải vỗ bàn đuổi cổ con nhãi ranh láo lếu, tiếc thay, xưa nay nín nhịn vẫn là phẩm giá của ông, ông chống chế một cách vụng về :
“ Cũng chẳng có gì buồn hay vui…”Thời sự “ như thế với tôi có sức kích thích nhiều vùng ký ức trở nên sống động , loé sáng…”
Nghe ông nhà văn có vẻ né tránh cốt lõi của câu hỏi, cô nhà báo “ toạc móng heo”, hỏi một câu sát sườn :
“Nhưng, thời sự hình như không mấy tương đồng với sức sống lâu dài của một tác phẩm. Chủ quan mình, ông nghĩ tác phẩm nào của mình sẽ có được cái lâu dài ấy ?”
Đã xỏ ngọt ông nhà văn là “thời sự” lại khẳng định “ thời sự không phải văn chương ” vậy mà cô nhà báo còn ép kiểm kê coi có cuốn nào thực sự là văn chương, “sống đời” được không ? Lạ thay ông nhà văn đã không nổi sùng, không kêu lên đau đớn :” tung toé hết rồi cô ơi”, không-, ông vẫn còn “ảo tưởng” về giá trị những “giả sản phẩm “ của mình :
“ Nhiều tác phẩm hay đã được bắt đầu từ những bức xúc rất nhỏ của một “chuyện hôm nay”, của cái “bây giờ” nhưng vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc xúc động…Phần mình, tôi nghĩ “ Một cõi nhân gian bé tí”, “ Cha và con và…”, “ Điều tra về một cái chết “ cùng một số truyện ngắn của tôi có được cái thân phận ấy của con người…”
Tất nhiên chỉ một “bức xúc rất nhỏ” như cái tai của chồng bà Anna Karenina bỗng chốc “sao nó lại to ra thế kia” trong con mắt bà cũng đủ khiến văn hào Nga Leon Tolsstoi viết thành cả một thiên tiểu thuyết lớn, bất hủ về cuộc ngoại tình của bà . Tuy nhiên để từ “một bức xúc rất nhỏ” trở thành một tác phẩm hay, đòi hỏi một tài năng lớn, một nhân cách lớn để đi đến cùng và phơi bầy toàn bộ sự thực .xoay quanh “bức xúc nhỏ “ đó. Tiếc thay, ông Nguyễn Khải thiếu những cái đó, thiếu nhất là lòng dũng cảm để đi đến cùng, mổ xẻ và phơi bầy sự thật. Bởi thế người ta nghi ngờ cả mấy cuốn ông đã trưng ra – chúng vẫn nằm trong văn chương của ông vốn thiếu một cái cột trụ lớn để chống đỡ cho sự trường tồn : đó là sự thật của đời sống được chuyển hoá thành sự thật trong nghệ thuật.
Cái sự “ không đi đến cùng”, sự “ nửa vời” của Nguyễn Khải, cũng được cô nhà báo vạch ra một cách sỗ sàng :
“ Trong một vài tác phẩm của ông, người đọc thấy ông đã đi nhưng không phải lúc nào cũng đi đến cùng. Nếu nói đến sự nửa vời, sự dè dặt , ông có nghĩ điều đó đúng với mình không ?”
Thông thường một nhà văn bị đánh giá là “nửa vời”, là “dè dặt” thì rất đáng buồn. Nhưng đó là “căn bệnh” chẳng riêng của Nguyễn Khải mà của tất cả những nhà văn , nhà thơ chính thống của dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài…Vì sao lại thế ? Riêng câu này, Nguyễn Khải trả lời khá thành thực. Trước hết ông khẳng định :
“ Một nhà văn phải có một hệ tư tưởng triết học riêng, có một thế giới quan riêng , từ đó anh ta sẽ xây dựng cái thế giới nghệ thuật của mình. Họ sẽ đi đến cùng trong cái thế giới nghệ thuật của mình, trong niềm tin không thay đổi của mình…Như Đotstoiepski, Kafka, Vũ Trọng Phụng…”
Đúng như vậy và bởi thế một khi đã “nghĩ trong những điều Đáng nghĩ” như tuyên ngôn đê tiện của siêu bồi bút Chế Lan Viên thì các nhà văn cách mạng lấy đâu ra “ hệ tư tưởng triết học riêng, thế giới quan riêng” ? Và sau hết Nguyễn Khải cũng phải thừa nhận :
“ Còn tôi , tôi chả có cái gì là riêng cả, tôi đâu có quyền tự do lựa chọn. Cái tôi đang có chỉ là một phần rất nhỏ của cái mọi người đều có…”
Thật là một lời thở than ai oán. Một nhà văn được coi là lớn như Nguyễn Khải lại “chả có cái gì riêng cả” thì làm sao mà sáng tạo ra được văn chương vốn là sản phẩm của cá nhân. ?
Thế còn cái “một phần rất nhỏ của cái mọi người đều có” là cái gì vậy ?
Xin thưa đó là cái “khẩu phần tư tưởng ” ( không những nhỏ mà còn rất sai lầm) mà Đảng cấp phát cho toàn dân trong đó có nhà văn. Lẽ ra nhà văn phải là người đòi hỏi cái “phần rất nhỏ” ấy mỗi ngày một to hơn hoặc vứt bỏ nó đi tự lo cái “khẩu phần tư tưởng” cho mình, đằng này không, đúng như ông Nguyễn Khải thú nhận :
“ Mọi người đều bằng lòng với cái mình đang có , đều cảm thấy đầy đủ với cái mình đang có , chả lẽ tôi lại nói là tôi không bằng lòng ?”
Thật không ai nói hay hơn Nguyễn Khải về thái độ “cam chịu”, ‘ ngậm miệng ăn tiền” , “an phận cầu an” của giới văn nghệ sĩ trí thức miền Bắc . Không lẽ mọi người đều thế tôi lại đòi khác đi. Không lẽ cả làng mắt toét, tôi lại không ? Thôi thì cả nước đã cam tâm thân phận nô lệ, có thêm “một thằng tôi bồi bút” cũng chẳng hề hấn gì . Cái phẩm chất này không thấy Phạm thị Hoài vạch ra trong bài viết “ tư cách chính thống của trí thức Việt Nam ” rất nổi tiếng trên diễn đàn Cánh En mấy năm trước đây.
Xã hội Trung Quốc trước nay vẫn là một xã hội cộng sản toàn trị, có thể do kinh tế phát triển, văn nghệ sĩ TQ được Đảng thả lỏng hơn so với Việt Nam nhưng không có nghĩa được hưởng tự do thực sự như một công dân trong một xã hội công dân . Vậy mà cô nhà báo vẫn mang mẫu mực “Trung quốc anh em” ra chất vấn ông Nguyễn Khải :
“ Nhìn và ngẫm chuyện của Trung Quốc, các tác phẩm điểm tận mặt kẻ tham nhũng, vạch những thủ đoạn tham nhũng, chỉ cặn kẽ sự câu kết giữa các quyền lợi kinh tế và chính trị…ông có giật mình không ?”
Cô nhà báo thật ảo tưởng khi nghĩ ràng các nhà văn TQ dám “điểm tận mặt những kẻ tham nhũng”, nếu vậy chắc chắn phải đặt Đảng cộng sản TQ ra ngoài vòng pháp luật.– đó là điều vẫn tuyệt đối cấm kỵ. Là một “ nhà văn lớn” của nước cộng hoà XHCN , lẽ ra ông Nguyễn Khải phải vạch ra cho mọi người thấy “thằng tàu” cũng chẳng khá hơn gì “thằng ta” một khi chưa cởi bỏ được cái ách cộng sản. Tuy nhiên ông đã trả lời theo khẩu khí một thân phận nô lệ :
“ Chẳng có gì để giật mình, họ được phép mà…Cách mạng văn hoá có những việc làm quá khác thường, thế mà lúc đó có ai dám nói gì đâu. Vì họ không được phép….”
Tuy ông Nguyễn Khải không nói rõ ai cho phép, nhưng người ta cũng thừa hiểu rằng đó chính là Đảng cộng sản. Với Nguyễn Khải, nhà văn mặc nhiên phải sáng tác trong những điều Đảng cho phép.
“ Còn về quyền công dân của nhà văn. Ong nghĩ thế nào ?/”
Thật là một câu hỏi gây ngạc nhiên không những với nhà văn trong nước mà cả với các nhà văn hải ngoại. Với nhà văn hải ngoại hỏi thế khác nào hỏi một câu thừa thãi :“ ông có được cấp hộ chiếu không ?”, còn với nhà văn trong nước, vì chưa bao giờ có cái quyền công dân ấy một cách thực sự, nên cũng ngỡ ngàng như ông Nguyễn Khải :
“ Vì chị hỏi tôi mới chợt nhớ là tôi cũng có một cái quyền nào đó. Trong nhiều chục năm tôi chỉ biết có những nghĩa vụ mà thôi, nghĩa vụ đảng viên, nghĩa vụ quân nhân , nghĩa vụ nhà văn vô sản, nhà văn cách mạng…”
Hoá ra chẳng riêng gì nhà văn Nguyễn Khải, các nhà văn sống và viết trong chế độ cộng sản thì chỉ biết đến có “nghĩa vụ” mà thôi, còn “quyền công dân” ? Làm gì ra cái thứ của quý đó trong một xã hội Đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để. Chỉ buồn thay cho các nhà văn Việt Nam , tư cách công dân còn chưa có lấy đâu ra tư cách nhà văn ?
Sau cùng, cô nhà báo hỏi một câu mà nếu người có từ tâm lẽ ra không nên hỏi :
“ Có bao giờ ông thấy ân hận hay tiếc nuối vì những gì mình đã viết và chưa viết ?”
Một câu hỏi thật ác ý, bởi lẽ dẫu cam chịu bẻ cong ngòi bút viết theo yêu cầu của Đảng, hầu hết các nhà văn nhà thơ về cuối đời đều “phản tỉnh “ như Chế Lan Viên viết “ Bánh vẽ”, Nguyễn Minh Châu viết “ Đọc lời ai điếu cho nền văn chương minh hoạ…” . Tuy nhiên, có ăn năn, có tiếc nuối để mà “phản tỉnh” hay không và vào lúc nào ? Đó là chuyện suy tư, nghiền ngầm, đau đớn của riêng nhà văn cần được trân trọng. Cái thứ phóng viên VHVN nhãi ranh như cô Thuý Nga sao dám hỏi một câu xách mé và hỗn xược đến thế ?
Bởi vậy kết thúc bài phỏng vấn, cô ta phải hạ bút :
”Với câu hỏi này, nhà văn Nguyễn Khải im lặng. Ong không trả lời. …”
Cái sự không trả lời của nhà văn Nguyễn Khải thực sự là một cái tát mà cô phóng viên báo Tuổi Trẻ này cố tình không nhận ra và cô “gấp cuốn sổ ghi chép lại”.
5-2-06
NT
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét