Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Báo Trung Quốc bỗng dưng… tức tối!

Bùi Hoàng Tám/Dân Trí

Bùi Hoàng Tám/ Dân trí
Báo chí Trung Quốc đã tỏ ra tức tối về việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí với Việt Nam.

Hôm thứ sáu vừa qua (9/10) trên tờ Nhân dân Nhật báo, trang báo chính thức của chính phủ Bắc Kinh bình luận: “Đây không phải là hành động có suy xét” đồng thời đưa ra lời răn đe: “việc nhập khẩu vũ khí Mỹ sẽ không giúp gì cho sự đồng thuận đã đạt được giữa hai nước (Việt Nam và Trung Quốc - NV). Nó sẽ gây tổn hại sự ổn định và làm phức tạp thêm căng thẳng giữa hai nước”.

Không chỉ thế, bài báo còn chĩa công kích vào chính sách của Mỹ và tỏ ra “tị nạnh”: “Chính sách của Mỹ không nhất quán. Một mặt dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, Mỹ vẫn đang duy trì lệnh cấm bán vũ khí với Trung Quốc, giới hạn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao khác” và “Mỹ cần phải lưu ý rằng chính sách thiển cận về bán vũ khí này với các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ được xem là ví dụ của xung đột gián tiếp”
.
Thôi thì việc của Trung Quốc với Mỹ là việc của họ, ta không nên bàn.

Nhưng với Việt Nam, họ có quyền gì mà tỏ ra “tức tối”, “khó chịu” nhỉ?

Còn nhớ chiều 24/9 tại New York, trả lời câu hỏi “Ông có lo là việc đó (nới lỏng bán vũ khí - NV) sẽ khiến Trung Quốc khó chịu, gây thêm rắc rối?” khi trả lời phỏng vấn các ông Tom Nagorski, Phó Chủ tịch điều hành Hội châu Á; GS. Jerome A. Cohen, Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á, ĐH Luật New York và ông Thomas Vallely của ĐH Harvard tại Hội châu Á (Asia Society), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thẳng thắn: “Việt Nam nếu không mua vũ khí từ Mỹ thì sẽ mua từ các nước khác, tại sao Trung Quốc phải khó chịu chứ”.

Một câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đanh thép và bản lĩnh thể hiện đầy đủ thái độ và khát vọng của nhân dân Việt Nam ở mọi khia cạnh.

Thứ nhất, Việt Nam hoàn toàn quyền quyết định mọi hành động của mình bởi đó là một dân tộc có chủ quyền, nói như đức vua Quang Trung là “Nước Nam ta có chủ”.

Thứ hai, chỉ một câu ngắn gọn nhưng đã thể hiện sự độc lập tuyệt đối của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thứ ba, dân tộc Việt Nam biết mình làm gì, phải làm gì, sẽ làm gì và tự chịu trách nhiệm trước cộng đồng tiến bộ thế giới. Không và không bao giờ phụ thuộc vào sự “thích” hay không “thích” của bất cứ ai.

Nói cách khác, không ai có thể “điều chỉnh” hay “chi phối” được đất nước này, dân tộc này.

Tuy nhiên, là một dân tộc hòa bình, chúng ta trang bị vũ khí không phải là để gây chiến tranh. Phương châm đối ngoại của VN là "ba không": Không liên minh quân sự, không có căn sự quân sự của nước ngoài ở VN và không liên minh với nước này chống lại nước kia.

Không liên minh quân sự để xâm lược nhưng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam luôn có những người bạn khắp nơi trên thế giới sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ vì chúng ta có chính nghĩa và luôn hành động đúng với chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình bởi nhân dân Việt Nam không muốn biến đất nước này thành bãi chiến trường hay tiếp tay cho những mưu đồ xấu.

Không liên minh “bè phái” để chống nhau nhưng một khi động đến dù chỉ một mét đất của tổ tiên để lại thì toàn dân Việt Nam sẽ quyết tâm bằng mọi giá, cả dân tộc sẵn sàng đứng lên để bảo vệ lãnh thổ đến cùng.

Đất nước này đã từng sẵn sàng “đốt cháy cả dải Trường Sơn” để bảo vệ nền độc lập, tự do và chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.

Tóm lại, Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, chúng ta trang bị vũ khí không phải để gây chiến tranh mà là để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc mua cái gì, của ai là quyền của người mua và người bán, không liên quan đến ai thì sao họ lại tự cho mình cái quyền “khó chịu” hay “tức tối”? 

Theo Dân trí ( Dân trí hôm nay bị sập mạng không add được link)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: