Theo Hơi Thở Của Vũ Trụ
05-6-2014
Ái Nữ
NĐ: Đọc rất khó chịu nên chỉ trích một đoạn.
Không biết xếp nó vào thể loại gì cho thỏa mãn. Chặc chặc...
Ái Nữ
NĐ: Đọc rất khó chịu nên chỉ trích một đoạn.
Không biết xếp nó vào thể loại gì cho thỏa mãn. Chặc chặc...
"...Hơn một năm nay, kể từ ngày Cá tháng Tư năm trước, tôi tự hào rằng tôi là nhà văn tự do. Cũng cần nói thêm vài lời để giải thích cho câu phía trước, kẻo nhỡ ra tác phẩm này lưu truyền đến hậu thế, các bạn đọc đời sau rất khó hiểu.
Năm nay là năm Con Ngựa thứ hai của thế kỷ Hai-Mốt, tức là thế kỷ có hai cái “mốt”. Trong đó cái “mốt” đầu tiên là hai chữ Tự Do, còn cái “mốt” thứ hai thì tùy sự tự do lựa chọn của từng cá nhân. Hai chữ Tự Do không có gì là mới, nó luôn nằm ở giữa hai từ quan trọng khác trên “vương miện” của mọi thứ giấy tờ “hình-là-chánh” trong “vương quốc” Việt Nam, kể cả trong đơn xin đi… vệ sinh của học sinh một trường trung học phổ thông miền Nam*. Từ “vương quốc” lẽ ra không cần để trong ngoặc kép, nhưng tôi phải để vậy vì từ này không được dùng trên giấy tờ chính thức. Việt Nam đúng là một vương quốc, bởi vì nó có vua, dù không người nào đội vương miện. Ở nhiều nước trên Trái Đất, vua là biểu tượng văn hóa đẹp đẽ của quốc gia chứ vua không điều hành đất nước. Ở Việt Nam thì khác, vua điều hành đất nước nhưng không cần phải đẹp, bởi vì vua vô hình, không ai nhìn thấy. Sự tồn tại của vua được biết đến thông qua các nhà hoạt động xã hội đòi quyền dân chủ, đòi quyền tự do, họ đặt cho vua cái tên mỹ miều là “Đài Tộc”. Sự thật thì ở Việt Nam vẫn luôn có tự do, rõ ràng hai chữ quý báu này vẫn luôn hiện diện trên giấy tờ một cách công khai. Tuy nhiên để được tự do công khai thì phải làm đơn xin trước đã, sau khi xin rồi thì phải chờ được phép, còn được phép hay không thì vấn đề mới bắt đầu phức tạp. Đấy mọi chuyện chỉ có thế! Nhưng thời buổi bây giờ người ta sống gấp, đức tính kiên nhẫn đã bị giảm sút, người ta không muốn chờ đợi mỏi mòn như xưa nữa. Bây giờ làm gì còn lý do nào để một cô gái phải chờ đợi người yêu đến mười lăm năm? Những người yêu Tự Do cũng không tìm thấy lý do để chờ đợi thêm, cho nên họ gọi tên hai chữ ấy khắp nơi, đặc biệt các nhà văn là những kẻ gọi tên Tự Do bằng giọng điệu tha thiết nhất. Tôi thì chúa ghét các nhà chính trị, bởi vì ngôn từ họ dùng hết sức khô khan, họ cứ câu kết đủ thứ học thuyết và lý luận vào với nhau, làm cho chuyện đơn giản cũng phải thành rối mù. Song một nhà văn thì không nên lạc mốt với thời cuộc, vì thế tôi chẳng ngại gì mà không khoác chiếc áo Tự Do vào mình. Các độc giả hiện tại thì đã biết Con Ngựa năm nay là ngựa bất kham, đã thế nó lại còn có cánh.
Niềm tự hào của tôi cũng chỉ nhỏ xíu thôi. Một bạn blogger đã nhắc tôi rằng tự do cũng có nhiều kiểu nhiều loại, như con kiến thì không cần dùng đến thứ tự do của con chim. Thật là chí lý! Đến giờ tôi cũng không biết là tôi đã có nổi một nghìn độc giả hay chưa, nhưng so với những tác giả in mỗi cuốn sách ra một nghìn bản và không bao giờ tái bản thì tôi không cần phải mặc cảm quá, vả lại công việc của tôi dễ dàng hơn họ rất nhiều, và điều quan trọng là tôi tự do hơn, cho dù chỉ là sự tự do của “con kiến”. Đôi cánh đại bàng văn chương của nước nhà thì to khỏe, cánh phải là Văn Hội Nước Nam, cánh trái là Văn Đoàn Nước Việt. “Con kiến” Ái Nữ tự phụ rằng loài kiến cũng hữu ích không kém loài chim, cho nên cứ nhẩn nha viết ra thứ văn chương của kiến, mà theo cách sáng tạo tiếng Việt mới mẻ nhất, văn chương của kiến được gọi là… “kiến văn”. Chà, bây giờ thì từ “kiến văn” đã mang thêm nghĩa mới hay tuyệt!
Nhưng một buổi sáng mới đây khi tôi còn chưa muốn thức dậy, tôi đã phải biết là ngay cả “kiến văn” cũng không dễ được tự do..."
(Trích "Bạn tôi - Nhân vật")
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét