THỦY TỔ NGƯỜI VIỆT THỰC SỰ Ở ĐÂU?
Hà Văn Thùy
6-8-2014
Trong bài “Kính gửi ông Tạ Đức và ông Nguyễn Dư” (xem ở đây) đăng trên Văn hóa Nghệ An, tác giả Phan Lan Hoa có viết: “Thiết nghĩ, khi mà sử sách, địa danh và di chỉ chứng tích đã trùng khớp, cớ sao lại có người còn muốn đẩy đưa thủy tổ người Việt sang bên Trung Hoa là vì cớ chi? (Đoạn này, xin được gửi cả đến ông Hà Văn Thùy, người khẳng định Kinh Dương Vương và nước Xích Quỷ ở bên Trung Hoa?).”*
Từ lâu, tôi tâm niệm sẽ làm một khảo cứu nghiêm túc xác định nơi sinh thành của thủy tổ người Việt nhưng vì chưa đủ duyên nên chưa thành. Nay nhân có người “đòi”, xin được trả món nợ.
Tìm ra chính xác tổ tiên người Việt là việc vô cùng khó vì thế mà suốt 2000 năm qua, dù bỏ bao công sức và tâm trí, chúng ta vẫn đi tìm trong vô vọng. Nhìn lại cuộc tìm kiếm trong quá khứ, ta thấy, cả người xưa, cả hôm nay chỉ có tư liệu từ thời điểm quá gần, khoảng 2000 năm trở lại. Với một ngưỡng thời gian như vậy, không cho phép có cái nhìn xa hơn!
Sự thực là, muốn biết tổ tiên 5000 năm trước là ai, chỉ có thể đi tới tận cùng lịch sử, để biết con người đầu tiên xuất hiện trên đất Việt là ai?
I. Khởi đầu từ lịch sử
Rất nhiều người tin rằng nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ra đời năm Nhâm Tuất 2879 TCN. Nhưng nếu hỏi: từ đâu có con số đó thì không ai trả lời được! Con số ấy tồn tại như một niềm tin, như cái mốc “quy ước” mà người Việt bám vào để tạo dựng cội nguồn. Dẫu biết rằng niềm tin không đủ làm nên lịch sử thì cũng không ai nỡ cật vấn cái niềm tin ấy! Bởi lẽ, sau cật vấn là sự sụp đổ! Rồi cả Đế Minh cháu ba đời Thần Nông nữa, lấy gì làm chắc? Mà sao người Trung Hoa cũng tự nhận là con cháu Thần Nông? Những hoài nghi ấy, nếu không hóa giải được thì mọi chuyện bàn về tổ tiên chỉ là câu chuyện phiếm! Vì vậy, muốn tìm chính xác tổ tiên, cần phải đi xa hơn cái cột mốc 2879. May mắn là sang thế kỷ này, khoa học thực sự giúp soi sáng cội nguồn.
Thưa rằng, không phải chỉ từ những mẩu xương và những hòn đá – hiện vật khảo cổ - mà chính từ vết tích được lưu giữ trong máu của toàn dân châu Á, một nhóm nhà khoa học gốc Hán của nhiều đại học nước Mỹ, vào năm 1998 phát hiện rằng: 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ đặt chân tới nước ta. Sau khi chung sống 30.000 năm trên đất Việt Nam, người Việt đã đi lên khai phá Trung Hoa. Từ Hòa Bình, tổ tiên chúng ta mang chiếc rìu, chiếc việt đá mới lên nam Dương Tử và gọi mình bằng danh xưng đầy tự hào NGƯỜI VIỆT với tư cách chủ nhân chiếc việt đá mới, công cụ ưu việt của loài người thời đó(Việt bộ Qua -戈).20.000 năm trước, tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây, tổ tiên chúng ta làm ra đồ gốm sớm nhất thế giới và 12400 năm cách nay trồng ra hạt lúa đầu tiên của loài người. Lúc này tổ tiên ta tự gọi mình là NGƯỜI VIỆT, chủ nhân cây lúa(Việt bộ Mễ -粤)!Rồi từ đây, người Việt mang cây lúa, cây kê, con gà, con chó làm nên văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, văn hóa Hà Mẫu Độ 7000 năm trước… Theo đà Bắc tiến, người Việt vượt Dương Tử lên lưu vực Hoàng Hà, xây dựng nền nông nghiệp trồng kê trên cao nguyên Hoàng Thổ. Tại đây, người Việt hòa huyết với người sống du mục trên đồng cỏ bờ Bắc, sinh ra chủng người Việt mới, sau này được khoa học gọi là chủng Mongoloid phương Nam, là chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều suốt từ Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc. Một con sông dài 1500 km từ Thiểm Tây tới Hà Nam, đổ vào Dương Tử ở Vũ Hán, được đặt tên là sông Nguồn. Cùng với chi lưu của nó là Sông Đen, tạo nên đồng bằng Trong Nguồn, là trung tâm lớn của người Việt, nối với Thái Sơn. Đấy là nơi phát tích của người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam.
Vào khoảng 4000 năm TCN, người Việt chiếm hơn 60% nhân số thế giới và xây dựng ở Đông Á nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Để có được thành quả như vậy, người Việt phải chung lưng đấu cật trị thủy hai dòng sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Từ những dấu vết mong manh trong truyền thuyết, ta nhận ra, thời gian này người Việt luôn phải đối mặt với những cuộc xâm lăng của người du mục phương Bắc. Trong điều kiện như vậy, những thị tộc phải liên minh với nhau, vừa để trị thủy vừa chống trả quân xâm lăng. Cuộc liên minh dưới sự lãnh đạo của những thị tộc lớn mạnh do những vị anh hùng bán thần dẫn dắt. Một cách tự nhiên nhà nước nguyên thủy ra đời. Đó là nhà nước phương Đông, khác với nhà nước theo định nghĩa kinh điển phương Tây, sản sinh từ chiếm hữu nô lệ và thặng dư lương thực. Điều kiện cho nhà nước nguyên thủy phương Đông ra đời càng thuận lợi hơn khi toàn bộ dân cư khu vực lúc đó cùng cội nguồn, văn hóa và tiếng nói. Kinh Dịch viết “Phục Hy thị một, Thần Nông thị xuất” chính là mô tả thời kỳ này. Truyền thuyết cho hay, vua thần Phục Hy xuất hiện khoảng 4000 năm TCN. Tiếp theo là Thần Nông khoảng 3080 năm TCN. Truyền thuyết nói Đế Minh, cháu đời thứ ba của Thần Nông, chia đất, phong vương cho con là Đế Nghi và Kinh Dương Vương, lập nước Xích Quỷ năm 2879 TCN... Trong bối cảnh như vậy, ta thấy, dù không biết xuất xứ từ đâu nhưng cái mốc thời gian ra đời nước Xích Quỷ là hợp lý. Một câu hỏi cần được nêu ra: phải chăng có điều gì đó sâu thẳm trong ký ức mà tổ tiên ta ghi nhớ được một cách tường minh? Từ nhiều tư liệu, có thể suy ra, thời kỳ này trên lục địa Đông Á có ba nhà nước: Thần Nông Bắc của Đế Lai thuộc lưu vực Hoàng Hà, Thần Nông Nam (Xích Quỷ) thuộc lưu vực Dương Tử tới Việt Nam và quốc gia Ba Thục ở phía Tây, gồm vùng Ba Thục qua Thái Lan và Miến Điện.
Thời gian này, cuộc tranh chấp giữa hai bờ Hoàng Hà trở nên khốc liệt mà bằng chứng là trận Phản Tuyền. Truyền thuyết Trung Hoa nói Hoàng Đế và Viêm Đế là hai thị tộc anh em, lúc đầu Viêm Đế đứng chủ. Sau đó Hoàng Đế mạnh lên, đánh thắng Viêm Đế ở Phản Tuyền, chiếm ngôi thống soái. Viêm Đế chấp nhận vai trò phụ thuộc. Đây chỉ là uyển ngữ do người Hoa Hạ bày đặt để che lấp cuộc xâm lăng, với mục đích gắn Hoàng Đế với Viêm Đế vào cùng chủng tộc để rồi cho ra đời thuyết Hoa Hạ là Viêm Hoàng tử tôn, trong đó Hoàng Đế là chủ soái! Nhưng thực ra đó là cuộc xâm lăng của người bờ Bắc. Ta có thể hình dung, chỉ hình dung thôi vì không bao giờ tìm ra chứng cứ xác thực, rằng trước tình thế nguy cấp sau trận Phản Tuyền, Đế Lai liên minh với Lạc Long Quân cùng chống giặc. Nhưng tại trận Trác Lộc năm 2698 TCN, quân Việt thất bại. Đế Lai tử trận, (sau này vì căm hờn Đế Lai, người Hoa Hạ gọi ông là Si Vưu với nghĩa xấu), Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân vùng Núi Thái-Trong Nguồn dùng thuyền xuôi Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống xứ Nghệ. Gợi cho chúng tôi ý tưởng này là đoạn chép trong Ngọc phả Hùng Vương: “Đoàn người từ biển vào. Họ rất hiền lành tốt bụng, đã giúp dân nhiều việc tốt. Dân bầu người giỏi nhất trong số họ làm vua, hiệu là Hùng Vương, lúc đầu đóng đô ở Rào Rum-Ngàn Hống, sau chuyển lên vùng Ao Việt.” (Chính cái niên đại xảy ra trận Trác Lộc 2698 TCN cũng giúp cho thời điểm năm 2879 lập nước Xích Quỷ trở nên khả tín. Nó cho thấy, một điều hợp lý là những quốc gia của người Việt được lập ra trước cuộc xâm lăng, vì chỉ như vậy mới phù hợp với lịch sử.)
Về Việt Nam, người Núi Thái-Trong Nguồn hòa huyết với người Việt bản địa da đen Australoid, sinh ra người Mongoloid phương Nam Phùng Nguyên. Việc khảo cổ học phát hiện di cốt người Mongoloid phương Nam tại văn hóa Phùng Nguyên khoảng 4500 năm TCN là bằng chứng xác nhận cuộc di cư này.
Nếu những điều trình bày trên chưa hài lòng quý vị thì xin dùng chứng lý theo lối quy nạp sau:
Khoa học xác định mã di truyền của người Việt hôm nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Vì vậy, nếu là thủy tổ của dân tộc Việt, các ngài Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân… cũng phải là người Mongoloid phương Nam. Một câu hỏi được đặt ra: người Mongoloid phương Nam có mặt trên đất Việt Nam vào thời gian nào? Khảo sát 70 sọ cổ phát hiện ở nước ta, cổ nhân chủng học cho biết: “Suốt Thời Đá Mới, chủng Australoid là dân cư duy nhất sống trên đất nước ta cũng như toàn Đông Nam Á. Sang Thời Kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư khu vực. Người Austrtaloid biến mất dần, không hiểu do di cư hay đồng hóa.” Khảo cổ học cũng cho thấy, người Mongoloid phương Nam có mặt trên đất nước ta vào thời Phùng Nguyên, khoảng 4500 năm trước.
Một câu hỏi khác: họ từ đâu tới? Ta thấy, suốt Thời Đồ Đá, trên toàn bộ Đông Nam Á kể cả Việt Nam không có người Mongoloid. Trong khi đó, như phân tích ở trên, người Mongoloid phương Nam xuất hiện tại văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ (cửa sông Chiết Giang) từ 7000 năm trước. Lẽ đương nhiên, họ chỉ có thể từ hai nơi này xuống Việt Nam. Nhưng do di ngôn của tổ tiên “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra,” ta hiểu, là từ Núi Thái-Trong Nguồn các vị di cư tới Việt Nam.
Như vậy, có hai giai đoạn hình thành người Việt: giai đoạn đầu, người Australoid từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Tại Núi Thái-Trong Nguồn, khoảng 7000 năm trước, người Việt hỗn hòa với người Mông Cổ phương Bắc, sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, đó là tổ tiên của các vị Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân. Khoảng năm 2698 TCN, do thua trận Trác Lộc, người Việt của Lạc Long Quân chạy xuống Việt Nam, lai giống với người Việt tại chỗ, sinh ra người văn hóa Phùng Nguyên, tổ tiên trực tiếp của chúng ta.
Vào nam Hoàng Hà, người Mông Cổ chiếm đất và dân Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Họ cũng hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ, được coi là tổ tiên người Trung Hoa. Nhận được ưu thế từ hai nền văn minh, người Hoa Hạ trở nên lớp người ưu tú của các vương triều Hoàng Đế, góp phần quan trọng làm nên thời Hoàng Kim của văn hóa phương Đông. Nhưng sau thời Chiến quốc, với sự bành trướng của nhà Tần, nhà Hán người Việt thì người Hoa Hạ bị đồng hóa, tan biến trong cộng đồng Việt đông đảo. Hoa Hạ chỉ còn là một danh xưng, bị các vương triều Trung Hoa chiếm dụng làm phương tiện thống trị các tộc người khác. Người Hoa đổi đồng bằng Trong Nguồn thành Trung Nguyên. Sông nguồn thành sông Hòn, sông Hớn rồi thành Hán Thủy. Do mất đất mất tên nên hơn 2000 năm nay, người Việt ngơ ngác không biết Trong Nguồn là đâu?!
II.Quá trình hình thành di tích, tài liệu về cội nguồn tổ tiên trên đất Việt.
1.Quá trình hình thành
Lớp di dân đầu tiên đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống. Theo đà xâm lăng của kẻ thù, nhiều thế hệ người Núi Thái-Trong Nguồn di cư tiếp, tiến vào những khoảng đất cao của đồng bằng sông Hồng vừa được tạo lập là Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh... Chạy giặc, bỏ quê hương tới nơi xa lạ là nỗi đau của người biệt xứ. Có thể, sau hàng vạn năm cách biệt, người Núi Thái-Trong Nguồn không thể ngờ rằng nơi dung dưỡng mình hôm nay lại là đất gốc của tổ tiên xưa. Vì vậy, mặc cảm mất nước luôn nặng nề, dai dẳng. Hướng về nguồn cội là nỗi khắc khoải khôn nguôi. Nỗi nhớ thương đã kết đọng thành câu ca Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra. Có lẽ câu ca lúc đầu chỉ là nỗi lòng của người dân mất nước vọng cố hương nhưng rồi nó thành tấm bia ghi nguồn cội để muôn đời con cháu tìm về. Không dừng lại đó, những người tâm huyết nhất, theo tục xưa, đắp những ngôi mộ gió để từ xa bái vọng tổ tiên Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương… Đó là công việc mà ngày nay người dân đảo Lý Sơn vẫn làm để không quên người không trở về sau những chuyến đi! Khi khá giả hơn, những ngôi đền thờ được dựng lên. Khi có chữ, những vị lão thành lục trong trí nhớ những gì “được nghe ông bà kể” về tổ tiên xưa, ghi thành tộc phả, ngọc phả. Sự thật được “thêm mắm dặm muối” cùng những yếu tố huyền ảo để thêm phần linh thiêng, cao cả và đáng tin. Đọc một số thần phả, ngọc phả do Đại học sĩ Nguyễn Bính chép, tôi bất giác nghĩ tới chuyện “chạy di tích” thời nay. Lâu ngày mới về quê, gặp dịp làng xã đình đám rước “Bằng công nhận di tích”. Thấy trên giấy vinh danh một vị còn văn tế ở đình tế vị thần khác, tôi hỏi ông chú họ, đầu trò câu chuyện này. Gạn hỏi mãi, ông thú thực: “Lúc đầu viết theo thần tích ông thánh trong đình. Nhưng mấy ông văn hóa tỉnh nói: “Tra mãi không thấy ông nào tên như vậy để làm giúp các bác. Chỉ có ông trạng X hơi gần với hồ sơ của các vị. Nếu đồng ý thì chúng tôi giúp.” Anh tính, mất bao nhiêu tiền rồi chả nhẽ xôi hỏng bỏng không, đành gật đầu chấp nhận cho họ làm!” Phải chăng, ngày trước, cũng nghe ông bà kể lại, rồi với thứ chữ Nho của thày đồ quê, các vị tiên chỉ trong làng mang đơn lên phủ cậy quan. Sau khi nhận đồng lớn đồng nhỏ vi thiềng, quan phủ đưa hồ sơ lên triều đình. Rồi dựa vào văn bản của địa phương, Đại học sĩ Nguyễn Bính sáng tác hàng loạt ngọc phả, như người vẽ truyền thần. Đó là cái chắc, chỉ có điều ngờ là không biết đại học sĩ có nhận tiền thù lao như hôm nay không?
Hàng trăm năm qua đi, đám hậu sinh chúng ta có tất cả: những ngôi mộ cổ, những ngôi đền với những pho tượng sơn son thiếp vàng linh thiêng mà cha ông từng đời đời tế tự. Những thần phả, ngọc phả chữ Nho với giấy bản xỉn màu thời gian, gáy mòn, góc vẹt, loáng thoáng lỗ mọt… Và hơn cả là tấm lòng chúng ta hướng về tổ tiên cộng với sự ganh đua của những họ tộc tranh nhau xem họ nào xuất hiện sớm nhất? Thế rồi, với tiền của bá tánh, tiền thuế dân nhận từ dự án, những nấm mộ, những ngôi đền được phục dựng khang trang hoành tráng, cùng với những hội thảo trưng ra vô vàn “bằng chứng lịch sử”…
2. Đôi lời nhận định
Người viết bài này có lúc hăm hở theo dõi những “phát hiện mới” với hy vọng tìm được dấu vết khả tín của tổ tiên. Nhưng rồi sớm thất vọng! Cổ Lôi Ngọc Phả chỉ mới ra đời vài trăm năm ghi Phục Hy, Thần Nông vùng Phong Châu làm sao có thể phản bác Kinh Dịch 2500 năm trước viết “Phục Hy thị một, thần Nông thị xuất”? Mấy ngôi đền Phục Hy, Thần Nông… trên đất Phong Châu làm sao phủ định bài vị các ngài được thờ trên lăng mộ ở Thái Sơn? Làm sao có thể tin Phục Hy họ Nguyễn, trong khi cả truyền thuyết lẫn cổ thư đều ghi rõ: Phục Hy thị, Thần Nông thị, Hồng Bàng thị… “Thị” cũng là họ, nhưng đấy là họ theo mẹ của thời mẫu hệ. Qua mẫu hệ hàng nghìn năm mới sang phụ hệ, để “tính” - cách gọi họ theo dòng cha ra đời! Thời đó, con người chỉ được đánh dấu bằng một từ duy nhất chỉ tên hoặc thêm tước “đế” phía trước như Đế Minh, Đế Nghi… Vậy thì làm sao có ông Phục Hy tên là Nguyễn Thận? Làm sao tin những bức tượng sơn son thiếp vàng lòe loẹt trong đền là Phục Hy, Kinh Dương Vương khi trang phục trên người các ngài là của quan lại triều Minh, triều Thanh?! Vì sao sống cách nhau nhiều nghìn năm mà các vị tổ lại tụ họp trong khoảnh đất hẹp vậy? Vì sao, chỉ là tổ người Việt mà truyền thuyết về các vị lan ra rộng khắp từ Quảng Đông tới Ba Thục? Chỉ là tổ của người Việt với lãnh thổ từ Bắc Bộ tới miền Trung mà sao lại có đền thờ Kinh Dương Vương trên Ngũ Lĩnh? Nhiều, nhiều lắm những câu hỏi không thể trả lời!
Khi không trả lời được những thắc mắc trên, trong trí tôi nảy sinh câu hỏi: Vì sao lại có sự tình như vậy? Phải rất lâu sau, cùng với sự trưởng thành của nhận thức, tôi nhận ra, những ngôi mộ được đắp, những ngôi đền được xây chỉ là việc thu nhỏ một lịch sử từng diễn ra trên địa bàn rộng lớn. Đó chỉ là sự sa bàn hóa một thực tế lịch sử vĩ đại! Tôi bỗng hiểu và thông cảm với tiền nhân. Từ ký ức và tâm nguyện của mình, các vị đã tạo những mộ gió, những ngôi đền bái vọng. Tấm lòng thành của bao kiếp người đã tạo nên một tín ngưỡng dân gian vô cùng nhân văn nhớ về nguồn cội, thờ kính tổ tiên... Nhưng rồi đám cháu con không hiểu cha ông, u mê biến tín ngưỡng dân gian trở thành chính sử, để tự sướng và lừa thiên hạ thì đã là tai họa!
Những người chủ trương việc này nghĩ rằng mình đã sáng suốt, khám phá lại lịch sử là vì dân tộc, vì kính ngưỡng tổ tiên. Không ai phủ nhận nhiệt huyết, tấm lòng của họ. Nhưng thực tế cuộc sống đã bày ra trước mắt: yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau!
Trước hết, là xuyên tạc lịch sử:
Do chủ quan, do ít hiểu biết, họ không hiểu rằng, giang sơn xưa của tổ tiên Việt là khoảng trời, khoảng đất mênh mông toàn cõi Đông Á. Từng hàng chục nghìn năm thống lĩnh hai con sông Đông Á (Hoàng Hà, Dương Tử) và xây dựng trên đó nền văn hóa kỳ vĩ. Việc “quy tập,” co cụm tổ tiên về dải đất hẹp Phong Châu chính là phủ định cả cội nguồn lẫn giang sơn vĩ đại của giống nòi! Đó chính là cái tội chối bỏ lịch sử, cũng đồng thời chối bỏ nguồn cội!
Không chỉ vậy, khi làm việc này, họ tự tước đi của mình vũ khí mạnh mẽ chống lại những mưu toan xuyên tạc sử Việt. Họ từng biết, người Trung Hoa có cuốn sách “Thông sử thế giới vạn năm” hơn 5000 trang, phủ định toàn bộ lịch sử Việt Nam với những dòng ngạo mạn: “Khoảng 2000 năm TCN, bán đảo Đông Dương bước vào thời kỳ đồ Đá Mới… 1000 năm TCN, những bộ lạc cư trú quanh vùng sông Hồng Hà bắt đầu định cư..” Họ cũng biết, ông giáo sư người Mỹ Liam Kelley chống báng tới cùng sự hiện hữu của Kinh Dương Vương. Ông ta chỉ coi thủy tổ tộc Việt là do đám trí thức Hán hóa thời Trung đại dựa vào cổ thư Trung Hoa bịa tạc ra. Một trong những lý cứ khiến ông ta nghĩ vậy, chính là ở chỗ, truyền thuyết về Kinh Dương Vương phổ biến khắp Trung Hoa. Nếu cứ theo “sa bàn” như quý vị hoạch định hôm nay thì làm sao phản bác được vị giáo sư thông thái nọ? Nhưng nếu nắm được lịch sử trọn vẹn của tổ tiên thì ta có thể nói, chính chứng cứ ông học giả người Mỹ đưa ra đã chống lại ông ta! Đó là do, cộng đồng Việt vốn là khối thống nhất trên toàn đông Á, cùng chung máu mủ, ngôn ngữ và văn hóa. Từ thời Chiến quốc, bị tan đàn xẻ nghé, người Việt mang theo truyền thuyết nguồn đi khắp nơi…
III. Kết luận
Có một thời tăm tối, chúng ta được cổ thư Trung Hoa và những vị thầy Tây dạy rằng, người từ Trung Hoa xuống đồng hóa dân Annam mông muội. Dân Việt là lũ Tàu lai. Tất cả văn hóa Việt là sự bắt chước Trung Hoa chưa trọn vẹn. Người Việt không có chữ, phải mượn chữ Trung Hoa, tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Hán… Hàng nghìn năm ta tin như thế!
Trong cái thời tăm tối ấy, chúng ta tìm mọi cách “thoát Trung” bằng việc viết ra lịch sử riêng của mình. Trong đó có những ý tưởng “quy tụ” tổ tiên về đất Phong Châu để tạo ra một cội nguồn, một lịch sử hoàn toàn độc lập với phương Bắc. Ý tưởng như vậy được nuôi bởi bằng chứng là những ngôi mộ, ngôi đền, những cuốn ngọc phả… khiến không ít người tin vì có nguồn cội “thoát Trung”!
Nhưng sang thế kỷ này, nhờ khám phá khoa học, ta biết rằng, lịch sử đã diễn ra theo con đường ngược lại: tổ tiên ta từ xa xưa đi lên khai phá Trung Hoa và xây dựng trên toàn bộ Đông Á một nền văn hóa vĩ đại! Không những tiếng Việt, chữ Việt là chủ thể tạo nên tiếng nói và chữ viết Trung Hoa mà nền văn hóa Trung Hoa cũng được xây dựng trên nền tảng văn hóa Việt! Chính đó là cơ sở của ý tưởng từ lâu in sâu trong tâm cảm dân Việt: Trong khi các nhánh khác bị Hán hóa thì người Lạc Việt ở Việt Nam vẫn giữ được giang sơn, đất hương hỏa cuối cùng của tổ tiên.
Vì vậy, trong những “đồ án phục dựng lịch sử Việt” ra đời lâu nay thì việc sa bàn hóa, quy tập tổ tiên về đất hẹp Phong Châu là sai lầm tai hại nhất. Trong khi những phương án khác chỉ là những ý tưởng trên giấy thì “đồ án” này tác động sâu rộng không chỉ tới lịch sử, tâm linh mà tới cả cuộc sống dân tộc.
Thưa ông Phan Lan Hoa, thời trẻ làm báo, tôi chỉ viết sự thực cho dù có rước lấy tai họa. Nay vào tuổi cổ lai hy, tôi chỉ viết sử theo sự thật vì biết rằng, chỉ sự thật là còn lại. Vì vậy, tôi không hề dám làm cái việc bạo thiên nghịch địa là “đẩy đưa thủy tổ người Việt sang bên Trung Hoa” như ông ghép tội. Phải đâu là chuyện cá ao ai nấy được? Tôi chỉ làm cái việc trung thực là phát hiện sự việc của quá khứ rồi đặt nó vào đúng chỗ, thưa ông! Theo thiển ý, nếu như có ngôi mộ nào sớm nhất của tổ tiên trên đất Việt thì chỉ có thể là mộ Lạc Long Quân ở Rào Rum-Ngàn Hống hay tại kinh đô Ao Việt!
Đáng buồn và đáng sợ là, những người “quy tập” tổ tiên về đất hẹp Phong Châu không ngờ rằng mình đang làm cái việc nguy hại tham bát bỏ mâm. Trong khi hất đi cái mâm thật, không chỉ đầy của cải quý giá mà còn có cả văn tự ghi quyền sở hữu giang sơn vĩ đại của tổ tiên xưa thì quý vị ôm lấy cái bát ảo! Cái mâm quẳng đi rồi, một khi cái bát được chứng minh là giả, không hiểu quý vị tính sao?!
Sài Gòn, Vu Lan năm Giáp Ngọ
Nguồn VHNA
MỘT LẦN NỮA XIN ĐƯỢC HỎI NHÀ VĂN HÀ VĂN THÙY
MỘT LẦN NỮA XIN ĐƯỢC HỎI NHÀ VĂN HÀ VĂN THÙY
Đỗ Kiên Cường
Trên Văn hóa Nghệ An online ngày 6-8-2014 có đăng bài viết Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu? của nhà văn Hà Văn Thùy, với những luận điểm đã khá quen tai về nguồn gốc người Việt. Theo Hà Văn Thùy, người hiện đại đã tới Việt Nam từ 70.000 năm trước và người Việt đã khai phá Trung Hoa từ 40.000 năm trước. Tôi từng bác bỏ giả thuyết đó từ năm 2008 (xin lưu ý bạn đọc rằng, Hà Văn Thùy hoàn toàn im lặng trước sự bác bỏ đó); và mới đây lại yêu cầu Hà Văn Thùy đưa ra bằng chứng trong bài Bằng chứng đâu, thưa ông Hà Văn Thùy? (Văn hóa Nghệ An online, 21-7-2014). Vậy nay thì ông Hà Văn Thùy trả lời như thế nào?
1. Người Việt khai phá Trung Hoa 40.000 năm trước?
Trong bài vừa dẫn, Hà Văn Thùy viết: “không phải chỉ từ những mẩu xương và những hòn đá - hiện vật khảo cổ - mà chính từ vết tích được lưu giữ trong máu của toàn dân châu Á, một nhóm nhà khoa học gốc Hán của nhiều đại học nước Mỹ, vào năm 1998 phát hiện rằng: 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ đặt chân tới nước ta. Sau khi chung sống 30.000 năm trên đất Việt Nam, người Việt đã đi lên khai phá Trung Hoa. Từ Hòa Bình, tổ tiên chúng ta mang chiếc rìu, chiếc việt đá mới lên nam Dương Tử và gọi mình bằng danh xưng đầy tự hào NGƯỜI VIỆT với tư cách chủ nhân chiếc việt đá mới, công cụ ưu việt của loài người thời đó”. Bạn đọc có thể không biết rằng, Hà Văn Thùy đang chơi bài lập lờ đánh lận con đen, khi không dám tuyên bố rằng, ông đang trích dẫn xuyên tạc công trình Quan hệ di truyền của cư dân Trung Quốc của các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc do giáo sư Chu đứng đầu, được đăng tải trên tạp chí Thông báo của Viện hàn lâm khoa học Mỹ PNAS ngày 29-9-1998. Bạn đọc có thể không ngờ được rằng, trong công trình của Chu, không có một chữ nào nói về địa danh Việt Nam, người Việt hay thời điểm 40.000 năm cả! Nói cách khác, Hà Văn Thùy đã lập thuyết dựa trên sự ngụy tạo tài liệu! Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về sự ngụy tạo đó bằng cách truy cập bài báo gốc của nhóm nghiên cứu do Chu đứng đầu trên PNAS tại địa chỉ www.pnas.org/content/95/20/11763.full.pdf+html. Nếu không đồng ý với nhận định của tôi, xin ông Hà Văn Thùy vui lòng dẫn ra tài liệu gốc để bạn đọc phán xét.
Vậy người hiện đại tới Trung Hoa khi nào? Trong cuốn sách Human origins: What bones and genomes tell us about ourselves, do Đại học Texas xuất bản năm 2008, tại trang 152, các nhà khoa học Rob DeSalle, đồng giám đốc Phòng thí nghiệm các hệ thống phân tử, trưởng ban Động vật có xương sống, và Ian Tattersall, trưởng ban Nhân học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹđã viết:“phân tích 20.000 nhiễm sắc thể Y từ 58 dân tộc sống tại Trung Hoa, các nhà khoa họcTrung Quốcthấy rằng Homo sapiens tới Trung Quốc từ 30.000 năm trước, và Vân Nam và Quảng Tây là nơi đầu tiên nhìn thấy sự lan tỏa của họ”. Điều đó chứng tỏ giả thuyết của Hà Văn Thùy hoàn toàn sai sự thật; và bài viết mới trên Văn hóa Nghệ An online ngày 6-8-2014 chỉ là sự lặp lại các luận điểm đã bị bác bỏ mà thôi.
2. Bốn mươi ngàn năm trước đã có người Việt hay chưa?
Để không mất thời gian của bạn đọc, tôi xin khẳng định rằng, 40.000 năm trước, trên toàn bộ Trái Đất chỉ có người da đen mà thôi. Các đại chủng Âu (Caucasoid) hoặc Á (Mongoloid) chỉ xuất hiện hoàn chỉnh khoảng 12.000 - 10.000 năm trước, trong kỷ Toàn Tân (Klein RG, The Human Career: Human Biological and Cultural Origins, Second Edition, University of Chicago Press, 1999, p 502). Và do vậy các tộc người như chúng ta thấy ngày nay (người Việt, người Hán, người Thái, người Khmer…) chắc chắn phải xuất hiện muộn hơn nhiều, khi hình thành các quốc gia sơ khai.
3. Sáu ngàn năm trước, người Việt chiếm 60% nhân số thế giới?
Hà Văn Thùy viết: “Vào khoảng 4000 năm TCN, người Việt chiếm hơn 60% nhân số thế giới và xây dựng ở Đông Á nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Để có được thành quả như vậy, người Việt phải chung lưng đấu cật trị thủy hai dòng sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử”. Có rất nhiều điều đáng bàn trong những nhận định tưởng như đơn giản đó.
Với tư cách một nhà khoa học thực chứng, tôi lại xin hỏi nhà văn Hà Văn Thùy mấy câu hỏi như sau: 1) Đâu là bằng chứng cho nhận định khoảng 6000 năm trước, người Việt chiếm hơn 60% nhân số thế giới? Xin ông vui lòng dẫn ra tài liệu gốc thật rõ ràng để mọi người cùng xem xét. 2) Trị thủy Hoàng Hà là công việc của người Hán, sao ông lại vơ vào cho người Việt như vậy? Ngay cả trị thủy sông Dương Tử cũng là công việc của các tộc Việt khác trong Bách Việt Hoa Nam (theo cách gọi phiếm chỉ của người Hán), chứ liên quan gì tới người Việt Nam ta?
4.Tại Trung Quốc, người Việt hòa huyết với người Mogoloid phương Bắc sinh ra người Mongoloid phương Nam?
Hà Văn Thùy cũng viết: “khoảng 7000 năm trước, người Việt hỗn hòa với người Mông Cổ phương Bắc, sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, đó là tổ tiên của các vị Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân”. Viết như vậy chứng tỏ Hà Văn Thùy không biết các thông tin mới của Dự án bản đồ gien Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010 và khám phá cách mạng của Tổ chức bộ gien người HUGO năm 2009. Theo đó thì Đông Nam Á là nguồn gốc chủ yếu của người Đông Á, sau kỷ băng hà cực đại (khoảng 15.000 - 10.000 năm trước). Và mặc dù thường xuyên nhắc tới công trình của nhóm Ballinger từ 1992 (người Việt Nam có sự đa dạng di truyền cao nhất trong số các sắc dân được nghiên cứu), nhưng ông Hà Văn Thùy không nhận thấy rằng, công trình đó giả định người châu Á có nguồn gốc Mongoloid phương Nam! (Nguyên văn nhận định quan trọng đó trong phần tóm tắt công trình như sau: “The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians”; và nó có thể dịch thành: “Sự đa dạng ADN ty thể lớn nhất và tần suất cao nhất của các ADN ty thể với gien HpaI/HincII morph 1 ở người Việt Nam dẫn tới giả định về nguồn gốc Mongoloid phương Nam của người châu Á”).
Nói cách khác, các bằng chứng nhân chủng học phân tử cho thấy, khác với tiền niệm về nguồn gốc phương Bắc, chính Đông Nam Á mới là nơi phát tích đại chủng Á (Mongoloid). Tất cả những thông tin đó đã được tôi trình bày trong bài viết Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử, đã được in kỳ đầu trên Văn hóa Nghệ An số 273 ngày 25-7-2014 (kỳ cuối sẽ được in trong số kế tiếp).
5.Hà Văn Thùy đồng thuận với Tạ Đức?
Mặc dù Hà Văn Thùy phản bác quan điểm thiên di của người Bách Việt Hoa Nam của Tạ Đức, xem đó là một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc, nhưng về thực chất quan điểm của ông cũng là một kiểu thiên di từ phương Bắc. Sự khác biệt giữa hai ông chỉ là ở chỗ, có (ông Hà Văn Thùy) hay không (ông Tạ Đức) xem xét nguồn gốc người Bách Việt Hoa Nam mà thôi.
6. Kết luận:
Bên cạnh việc ghi nhận nhiệt huyết với bài toán nguồn gốc dân tộc, chúng ta không thể đồng tình với các thao tác phi khoa học, thậm chí mang tính lừa gạt, trong cách lập luận của Hà Văn Thùy. Một lần nữa xin được hỏi nhà văn Hà Văn Thùy rằng, đâu là bằng chứng không thể bác bỏ cho các giả thuyết động trời của ông, theo đúng tiêu chí Carl Sagan trong khoa học (tuyên bố khác thường đòi hỏi chứng cứ khác thường)?
TP Hồ Chí Minh ngày 8-8-2014
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét