Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Tìm hiểu TQ không phải là điều khó hiểu đối với bất kỳ ai!

Lý Quang Diệu viết về chính trị Trung Quốc

Rate this
Print Friendly
470037-china-politics-congress
Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “China: A Strong Centre”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 14-27.
Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
TRUNG QUỐC: MỘT CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG MẠNH
Để hiểu được Trung Quốc và tương lai của quốc gia này trong 20 năm tới, bạn phải hiểu về con người và xã hội của họ. Trong 5.000 năm, người Trung Quốc tin tưởng rằng đất nước chỉ an toàn khi chính quyền trung ương mạnh. Một chính quyền trung ương yếu có nghĩa là lộn xộn và hỗn loạn. Một chính quyền trung ương mạnh sẽ đưa đến một đất nước Trung Hoa hòa bình và thịnh vượng. Mọi người Trung Quốc đều hiểu điều đó. Đó là nguyên tắc cốt yếu của họ, được rút ra từ những bài học lịch sử sâu sắc nhất. Sẽ không có sự chệch hướng khỏi nguyên tắc này trong tương lai gần. Đây là một tư tưởng có trước thời cộng sản. Nó đã tồn tại qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm.
Một vài người phương Tây muốn nhìn thấy Trung Quốc trở thành một nền dân chủ theo truyền thống phương Tây. Điều đó sẽ không xảy ra. Người Mỹ tin rằng bạn không thể trở thành một quốc gia thành công nếu không có các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, dù là bầu Tổng thống hay là bầu Quốc hội, và bạn phải thay đổi lãnh đạo vài năm một lần. Đó là cái nhìn định kiến của họ về thế giới. Người Trung Hoa chưa bao giờ có truyền thống đó. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn với 1,3 tỷ người, với một nền văn hóa khác biệt và một lịch sử khác biệt. Nó sẽ làm theo cách của nó.
Vào mùa thu năm 2011, bạo động xảy ra tại làng chài Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông. Nông dân mất đất vào tay các công ty bất động sản, những người đã thông đồng với quan chức địa phương. Lợi nhuận từ việc bán những mảnh đất này rơi vào tay bọn họ và các quan chức. Cuộc bạo động bắt đầu bằng một cuộc biểu tình có quy mô tương đối nhỏ của vài trăm người nông dân đau khổ trong tháng Chín. Đến tháng Mười hai, nó đã leo thang thành một cuộc bạo động toàn diện khi một người biểu tình bị chết trong khi bị cảnh sát giam giữ. Trong vòng vài ngày, 20.000 dân làng đã được huy động tham gia biểu tình. Họ trục xuất các quan chức ra khỏi làng bằng vũ lực, dựng các chướng ngại vật trên đường và tự vũ trang cho mình bằng các vũ khí thô sơ. Họ yêu cầu được trả lại đất đai. Mặc dù có sự kiểm duyệt về tất cả các tin tức liên quan đến Ô Khảm trên hệ thống truyền thông của Trung Quốc, rất nhiều người Trung Quốc có thể đọc được những gì đang diễn ra trên Internet, từ các nguồn tin nước ngoài. Cuối cùng, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông đã gặp những người biểu tình và giải quyết vấn đề. Chính quyền công nhận rằng dân làng đã có những khiếu nại chính đáng, một số đất đai đã được trả lại cho họ và những dân làng bị bắt trong các cuộc biểu tình trước đó đã được thả ra. Sau đó, bầu cử tự do đã được tổ chức bằng hình thức bỏ phiếu kín. Một thủ lĩnh của phong trào biểu tình giành được thắng lợi lịch sử và trở thành lãnh đạo mới của làng. Ô Khảm trở thành một tin vui cho những người hi vọng sẽ nhìn thấy cải cách dân chủ ở Trung Quốc.
Các tin tức cho chúng ta biết các cuộc biểu tình tương tự đang xảy ra hàng ngày ở các vùng khác của Trung Quốc. Vài người nghĩ rằng những sự kiện này là bằng chứng cho thấy một nhà nước Trung Quốc đang yếu đi. Nhưng sự thật là không một sự cố nào được phép phát triển trở thành phong trào quốc gia. Sự kiện Ô Khảm cho thấy điều này. Đảng Cộng sản đã cử ngay cấp Phó Bí thư Quảng Đông đến hòa giải và vãn hồi trật tự.
Có hai bài học rút ra từ Ô Khảm. Bài học đầu tiên là Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền kiểm soát. Trật tự được vãn hồi với sự giúp đỡ của Đảng. Bài học thứ hai là cái cách mà Đảng Cộng sản có thể sử dụng cả các biện pháp cứng mà mềm để duy trì hòa bình. Trước khi bất kì một vụ rắc rối nào leo thang, bộ máy an ninh nhà nước đầy quyền lực có thể sử dụng các biện pháp mạnh để bóp chết các cuộc biểu tình từ trong trứng nước. Nhưng nó cũng có thể đứng về phía những người dân làng chống lại các quan chức tham nhũng ở địa phương. Nếu nghĩ về Đảng Cộng sản đơn thuần như một bộ máy tham nhũng nặng nề thì quá đơn giản hóa vấn đề. Trong thực tế, trong suốt cuộc nổi dậy, dân làng Ô Khảm đã rất cẩn thận tuyên bố trên các biểu ngữ của họ rằng họ ủng hộ Đảng Cộng sản, nhưng phản đối các quan chức tham nhũng tại địa phương.
Đây là một chiến lược phổ biến được những người phản kháng Trung Quốc sử dụng hàng ngàn năm qua. Họ hiểu rằng đối chọi lại chính quyền trung ương có nghĩa là chắc chắn bị tiêu diệt. Vì thế, họ chống lại những hành động sai trái của các quan chức địa phương trong khi vẫn tuyên bố trung thành với chính quyền trung ương. Không ai thách thức chính quyền trung ương trừ khi họ được chuẩn bị để đi đến cùng và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, một điều rất khó xảy ra.
Thay đổi về chính trị
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một cường quốc trên trường quốc tế là một trong những sự kiện kịch tính nhất trong thời đại chúng ta. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc cũng là một điều đặc biệt. Tăng trưởng đã diễn ra với một nhịp độ không thể tưởng tượng được ở thời điểm cách đây 40 năm và trên một quy mô chưa từng có trong lịch sử loài người. Có vẻ nó sẽ còn tiếp tục diễn ra trong vài thập kỷ tới, với việc Trung Quốc sẽ có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới vào năm 2020. Sự biến đổi của người dân Trung Quốc cũng không kém phần ấn tượng, từ đám quần chúng buồn tẻ và đơn điệu trở thành những cư dân với lợi ích và khát vọng đa dạng.
Về mặt quân sự, Trung Quốc sẽ có những bước tiến dài và phát triển các công nghệ và năng lực vốn giúp nước này đạt được sức mạnh của nó. Vào thời điểm hiện tại, người Mỹ có thể tiến vào sát lãnh hải cách bờ biển Trung Quốc 12 hải lý để quan sát. Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ có thể đẩy người Mỹ ra khỏi giới hạn 12 hải lý này. Rồi Trung Quốc sẽ hướng tới mục tiêu đẩy người Mỹ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và ngăn cản các hoạt động do thám của người Mỹ trong phạm vi 200 hải lý của vùng bờ biển phía đông nước này.
Tôi thấy phương trình quyền lực toàn cầu đang thay đổi. Trong 20 đến 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ muốn ngồi bình đẳng ở chiếu trên. Rốt cuộc, Trung Quốc không phải là một cường quốc mới – nó là một cường quốc cũ đang sống lại. Và tôi tin tưởng rằng mục đích của Trung Quốc là trở thành cường quốc vĩ đại nhất trên thế giới.
Khi sự thay đổi diễn ra trên khắp đất nước, nền chính trị của Trung Quốc cũng không thể đứng ngoài cuộc. Đối với bất kỳ hệ thống nào, việc ổn định mãi mãi là điều không thể. Một trong những điều nổi bật tôi đã nhìn thấy trong cuộc đời mình là cách hệ thống Lê-nin-nít của Liên Xô đã để Mikhail Gorbachev được thăng tiến trong khi ông ta quyết định rằng hệ thống đó đã hư hỏng và cần phải cải tổ. Tôi không thể nói rằng điều này sẽ không được lặp lại ở Trung Quốc. Dù lựa chọn lãnh đạo của bạn có sáng suốt đến thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ gặp phải một thế hệ nào đó nói rằng: “Nhìn này, hệ thống này đã trở nên vô dụng. Hãy giải phóng nó đi”. Không ai có thể nói điều đó sẽ không xảy ra.
Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, nó cũng sẽ không dẫn đến kết quả phổ thông đầu phiếu. Sẽ có sự thay thế một đội ngũ lãnh đạo này bằng một đội ngũ lãnh đạo khác, bởi vì xét cả về mặt văn hóa và lịch sử, niềm tin ở Trung Quốc là một chính quyền trung ương mạnh sẽ đưa đến hòa bình và thịnh vượng. Phổ thông đầu phiếu sẽ không thể được nhìn thấy ở Trung Quốc và cũng sẽ không tạo ra một nước Trung Quốc thịnh vượng. Và họ cũng sẽ không thử nghiệm điều đó.
Bất kể có bao nhiêu vụ Ô Khảm đi chăng nữa, trong trung hạn, tôi không nhìn thấy một vụ nổi dậy nào thành công. Đúng, người Trung Quốc có một truyền thống về những cuộc nổi dậy do những người nông dân đứng đầu, hoặc được gọi là “khởi nghĩa”. Nhưng điều này thường xảy ra khi cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được. Hiện giờ, cuộc sống của những người bình thường đang trở nên tốt hơn. Tại sao họ lại muốn một cuộc cách mạng? Họ biết rằng một cuộc cách mạng có thể sẽ lấy đi của họ tất cả những tiến bộ mà họ đạt được kể từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa đất nước. Đối với những người Trung Quốc trẻ tuổi, triển vọng kinh tế chưa bao giờ tốt hơn thế, mức sống được cải thiện hàng ngày và Trung Quốc đang trở lên hùng mạnh hơn trong vai trò một quốc gia. Tôi không thấy họ muốn xáo trộn điều đó. Những công nhân đến từ vùng nông thôn bị bỏ rơi không nhiều và cũng không được tổ chức. Họ muốn gia nhập tầng lớp trung lưu tại các thành phố nhằm cải thiện số phận của họ. Tầng lớp trung lưu, đến lượt mình, háo hức muốn leo lên đỉnh. Sau khi tầng lớp này xoay xở để có vị trí và tự củng cố, họ muốn có sự minh bạch hơn và tiếng nói lớn hơn về việc đất nước được quản lý như thế nào, nhưng vẫn còn phải chờ thêm một thời gian. Tóm lại, dù hệ thống hiện tại cần được cải tiến, nó không phải sắp tan rã.
Những người bên ngoài không nên đánh giá thấp ý chí của chính quyền trung ương trong việc giữ vững quyền lực và sự kiểm soát. Chính quyền được thông tin đầy đủ và hiện đại, theo dõi tình huống sát sao và sẵn sàng tiến hành các hành động phủ đầu. Sự ra đời của công nghệ hiện đại – Internet, iPhone và mạng xã hội – chắc chắn đã làm cho chính quyền phải làm việc vất vả hơn bởi vì nó cho phép mọi người nói chuyện với nhiều người cùng lúc và các nhóm nhỏ tập hợp thành các nhóm lớn hơn. Nhưng không có sự nghỉ ngơi nào trên mặt trận này cả. Chính quyền Trung Quốc triển khai một đội quân gồm các chuyên gia để giám sát và kiểm duyệt những gì diễn ra trên không gian mạng. Số lượng nguồn lực con người mà Trung Quốc sẵn sàng đổ ra để kiểm soát dòng chảy thông tin thật đáng ngạc nhiên. Và mặc dù một số công dân mạng đã sáng tạo trong việc vượt qua bức “vạn lý tưởng lửa” của Trung Quốc, nhưng các biện pháp kiểm duyệt thường có hiệu quả và các nhà cầm quyền có được sự kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động trên mạng. Bộ máy kiểm duyệt sẽ loại bỏ khả năng vận động và tổ chức quần chúng. Lực lượng an ninh sẽ hạ gục bất cứ cái gì có thể luồn lách qua các kẽ hở.
Với tất cả những thứ đó trong đầu, chúng ta có thể kỳ vọng vào loại hình cải cách chính trị nào ở Trung Quốc trong 10 đến 20 năm tới?
Họ sẽ chuyển một cách thận trọng sang một mô hình chính phủ có sự tham gia của người dân nhiều hơn. Đã có các cuộc bầu cử trực tiếp ở một số làng và cho các cơ quan lập pháp ở cấp thấp. Việc Trung Quốc dần dần cho phép cách làm này được thực hiện ở cấp cao hơn không phải là điều không thể tưởng tượng. Nhưng cách tiếp cận của họ mang tính thử nghiệm và tiệm tiến từ từ. Họ sẽ tránh các cuộc tranh cử hoàn toàn tự do với những kết quả không thể dự đoán trước. Chừng nào họ còn đứng ở vị trí kiểm soát tất cả, họ còn có thể tiến hành thử nghiệm. Rốt cuộc, không có áp lực hoặc động cơ thúc đẩy mạnh mẽ để họ thực hiện các thay đổi mạnh mẽ.
Nền dân chủ độc đảng là một khái niệm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang muốn khám phá. Đại hội Đảng lần thứ 17 đã cởi mở hơn Đại hội lần thứ 16. Đã có nhiều sự lựa chọn hơn cho các ứng viên vào các vị trí lãnh đạo cấp cao của Đảng. Trong quá khứ, lãnh đạo tối cao như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình sẽ chỉ định người kế nhiệm, nhưng Hồ Cẩm Đào không thể có sự lựa chọn của mình.
Dân chủ độc đảng có thể mở rộng tới các phần khác của hệ thống. Một cách để thực hiện điều này có thể là việc cho phép các cuộc tranh cử có kiểm soát, có thể ở cấp tỉnh hoặc thành phố, giữa các ứng cử viên được Đảng chấp thuận. Họ có thể bắt đầu bằng việc có từ ba đến bốn người có thể tin cậy cạnh tranh giành một vị trí quan trọng và lưu ý họ rằng điều quan trọng là họ phải nhận được sự ủng hộ của người dân mới có thể được lựa chọn.
Tất nhiên, một số thứ nếu có thay đổi thì cũng diễn ra rất chậm. Tôi không nghĩ họ sẽ từ bỏ việc kiểm soát toàn diện và kỹ lưỡng đối với hầu hết các mặt của quản lý chính quyền. Tham nhũng, cũng như việc thiếu vắng nền pháp quyền và các thể chế quản trị, nhiều khả năng sẽ tiếp tục là đặc trưng của hệ thống Trung Quốc – đó cũng là những điểm yếu dễ nhận thấy.
Tham nhũng mang tính chất cố hữu từ những ngày đầu. Nhưng sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách thị trường, tham nhũng đã tăng theo cấp số nhân bởi vì lương của các bộ trưởng và các quan chức không là gì so với phần còn lại của xã hội vốn trở lên giàu có một cách nhanh chóng. Ngày nay, không có gì được tiến hành ở Trung Quốc mà không có “guan xi”, tức là quan hệ. Bạn phát triển quan hệ bằng cách tặng các món quà, được phân loại tùy theo tầm quan trọng của người mà bạn muốn xây dựng quan hệ. Ở khắp nơi, mọi người muốn phát triển quan hệ với một ai đó cao hơn, và những quan chức cao hơn đó muốn có quan hệ với những người cao hơn nữa. Và nếu như bạn, với vai trò là người giám sát tôi, tạo cho tôi áp lực thái quá, thì tôi có thể phát triển quan hệ với người giám sát của bạn. Đó là một cách để tôi giải quyết xung đột. Đảng Cộng sản đã gọi cuộc đấu tranh với tham những là “một vấn đề sống còn” của Đảng.
Đảng có thể kiểm soát được tham nhũng không? Nó có thể cố gắng giữ trong sạch ở cấp cao. Tuy vậy, ngày 11 tháng 11 năm 2012, tờ Thời báo New York đã công bố gia đình Ôn Gia Bảo  có trong tay 2,7 tỷ đô la. Tôi không thấy họ có thể kiểm soát tham nhũng ở cấp độ địa phương. Tham nhũng không làm sụp đổ hệ thống, nhưng nó ngăn cản hệ thống hoạt động một cách có hiệu quả. Khi bạn có những quan hệ có thể quyết định việc đề bạt hoặc chỉ định các chức vụ quan trọng và ảnh hưởng đến cách mà các chính sách hoạt động, bạn sẽ không đạt được mức tăng trưởng tối ưu.
Cũng bám rễ sâu vào trong văn hóa Trung Quốc là cách làm việc ít chú ý đến các quy định của pháp luật hoặc các thể chế quản trị. Ở Singapore, chúng ta đã phải chấp nhận rằng chúng ta phải giống như phương Tây trong vấn đề này – có các cơ quan lập pháp quyết định về từ ngữ trong các văn bản luật và rồi có các tòa án và quan tòa độc lập để giải thích các luật đó. Quốc hội có thể thông qua bất kỳ luật gì, nhưng khi nó đã được thông qua, nếu như có một cuộc tranh chấp xảy ra, bạn không quay trở lại Quốc hội và nói: “Các ông viết như vậy có nghĩa là gì?”  Bạn đi đến gặp một quan tòa, người sẽ nói: “Tôi giải thích điều này theo nghĩa như thế này, căn cứ theo các quy định chặt chẽ của việc giải thích văn bản dựa trên các tiền lệ đã có từ lâu”.
Người Trung Quốc không chấp nhận điều này, cũng như họ không chấp nhận rằng khi bạn ký một thỏa thuận, đó là sự kết thúc. Đối với họ, khi bạn ký một thỏa thuận, đó là sự bắt đầu của một tình bằng hữu lâu dài, và thi thoảng, khi đã là những người bạn, bạn phải tính xem liệu có phải một trong hai người kiếm được quá nhiều tiền và cần phải nhả thêm ra cho người kia hay không.
Sự nhập nhằng này cũng được phản ánh trong cách họ nhìn các thể chế. Ở Trung Quốc, con người quan trọng hơn địa vị. Bạn có thể là Chủ tịch nước, nhưng nếu bạn không có ảnh hưởng với quân đội, bạn sẽ là một Chủ tịch nước loại khác – trong khi ở Singapore, Anh, Châu Âu hay Mỹ, nếu bạn là Tổng thống hay Thủ tướng, những người đứng đầu quân đội sẽ tự động nhận lệnh từ bạn bởi vì thể chế quan trọng hơn con người. Liệu Trung Quốc có thể học theo Singapore – đừng nói là Mỹ – trong việc thiết lập nền pháp quyền và các thể chế quản trị không? Không dễ chút nào cả! Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận về tư duy của cả chính phủ và người dân. Và nếu những khái niệm này không tồn tại trong văn hóa và lịch sử của họ, người ta sẽ phải hỏi: Chúng xuất hiện từ đâu?
Thay vào đó, tôi thấy họ đang tạo ra hệ thống riêng của mình và thử nghiệm tất cả các mô hình có thể có mà không cần nền pháp quyền cũng như các thể chế quản trị. Nhưng chính vì những hạn chế này, Trung Quốc sẽ không bao giờ vận hành ở mức mà tôi gọi là khả năng tối đa – một nhà nước lý tưởng nơi bạn phát triển chắc chắn, luôn luôn tiến về phía trước.
Trung Quốc sẽ cải tiến các thể chế và hệ thống của nó, nhưng theo cách riêng của Trung Quốc. Bất kể cải cách của họ là như thế nào, có một thứ sẽ không đổi: họ sẽ duy trì một chính quyền trung ương mạnh.
Hỏi – Đáp:
Hỏi:   Nền kinh kế Trung Quốc đã phát triển rất nhanh, nhưng thay đổi diễn ra chậm hơn về mặt chính trị?
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/09/03/ly-quang-dieu-viet-ve-chinh-tri-trung-quoc/#sthash.Gzywxj1x.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: