Một cái “kết” không có “quả”
Tác giả: Đào Tuấn
KD: Nhưng vẫn nên mừng. Vì nó cho thấy cách chống tham nhũng như lâu nay là thất bại. Sớm muộn phải đi bằng một con đường khác. Ngay từ khi triển khai, dư luận XH đã thấy là có kết mà không có quả, không chỉ đến bây giờ. Vì nó phụ thuộc vào nền tảng một XH, không quản lý được từ cái gốc tạo ra tài sản, thì việc kê khai, kiểm tra tài sản chỉ mang tính chất kiểm soát ngọn.
———-
Vila 43 tỉ ở Quảng Nam; căn hộ Ruby 40,9 tỉ ở TPHCM; biệt thự Hồ Tràm Vũng Tàu 37,8 tỉ; cặp đôi căn hộ Phước Điền 24 tỉ; đất tại An Giang, tại Đà Lạt, 49 tỉ tiền mặt; 3 xe ôtô… Đây là những tài sản của bị cáo nổi tiếng Huỳnh Thị Huyền Như mà cơ quan chức năng đã kê biên.
Tổng cộng là 229,5 tỉ đồng.
Quá lớn so với thu nhập của một cán bộ ngân hàng.
Quá nhiều so với những tài sản có thể kê biên trong các vụ án tham nhũng khác.
Nhưng cho dù cơ quan công an đã kê biên cả tới chiếc tivi, cái máy giặt, máy rửa chén, lò nướng… thì số tiền 229,5 tỉ ấy không thấm tháp vào đâu so với số tiền mà tòa án tuyên buộc bị cáo phải bồi thường: 3.986 tỉ đồng.
Không nói thì ai cũng hiểu, ngoài số 229,5 tỷ, mà khi đấu giá sẽ hao hụt ít nhiều, số tiền “phải bồi thường” coi như mất trắng.
Nhưng vụ Huyền Như chỉ là một trong con số chung: 90% số tài sản tham nhũng không thu hồi được. 90% là con số mà Thanh tra Chính phủ chính thức công bố ngày hôm qua, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về phòng, chống tham nhũng. Và với con số 90% này, thật khó có thể nói khác, đây chính là một thất bại, thất bại lớn nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng. Phát hiện được một vụ tham nhũng đã vô cùng khó khi tham nhũng luôn đi cùng với các tính từ “tinh vi”, “xảo quyệt”. Sự tinh vi, xảo quyệt và hiểu biết của những người có quyền và ý thức rõ ràng cái thế của quyền lực cũng như tiền bạc.
Đưa được một tội phạm tham nhũng ra tòa còn khó hơn khi đó thực sự là những “con hổ”.
Nhưng sẽ thật vô nghĩa nếu như 90% tài sản tham nhũng, thực chất là thuế và mồ hôi nước mắt nhân dân, không thu hồi được.
Nói như ĐBQH Đỗ Văn Đương 90% số tài sản không được thu hồi là “vẫn để cho vi phạm và những hành vi tội phạm còn tồn tại”.
Và nếu cuộc chiến chống tham nhũng từng được bàn tới tại nghị trường trong sự ví von rằng: “Súng nổ đùng đùng nhưng không có đầu đạn”, thì việc 90% tài sản không thu hồi được chỉ là logic tất yếu: Và không có ai bị thương hết.
Câu chuyện này vô lý đến mức chẳng có gì so sánh được về bất lực ngoại trừ một con số khác, cũng được coi là kết quả: trong số ngót triệu cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, chỉ có duy nhất một trường hợp bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực.
Đúng là một cái “kết” không có “quả”.
Nếu xem đây là những con số “kết quả” trong các báo cáo phòng chống tham nhũng thì hẳn nhiên phải trả lời cho dư luận một câu hỏi: Vậy thì mục tiêu của việc kê khai và mục tiêu của chống tham nhũng là gì?
————-
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét