NV Nguyễn Đắc Xuân
Đốt lửa đón máy bay
Nhà văn Nguyễn Dắc Xuân
QTXM- Bạn đọc thân mến. Công tác tuyên truyền của nhà nước Việt Nam có nhiều khi phản tác dụng vì nói không thành có như vụ Lê Văn Tám. Ở Huế cũng có nhiều chuyện như thế, ví dụ chuyện 11 cô gái Sông Hương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sẽ cung cấp cho bạn đọc một nghi vấn nữa về việc dựng truyện để tuyên truyền...
Một đêm tôi nhận được lệnh của ông Trần Anh Liên-Chính ủy Cánh Bắc, điều động Đội Công tác Thanh niên chúng tôi đi đốt lửa trước cửa Ngọ Môn làm dấu hiệu để máy bay ngoài Bắc vào thả dù lương thực và đạn dược cho chiến trường Huế. Đang thiếu gạo, thiếu đạn dược, nghe có máy bay vào tiếp tế thì mừng vô cùng chứ chưa kịp nghĩ chuyện đó có thực hiện được hay không trong bầu trời do quân đội Hoa Kỳ làm chủ và hậu quả về chính trị “Máy bay miền Bắc vào đánh ở miền Nam” sẽ phải giải thích với dư luận thế giới ra sao.
Chúng tôi lao đi tìm chất đốt. Nhưng xăng dầu dĩ nhiên làm sao có được trong hoành cảnh đó. Củi khô, củi tươi cũng không tìm đâu ra. Chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là tháo các lốp xe hơi đang đậu trên địa bàn chúng tôi. Chúng tôi đốt ba đêm, khói đen bay lên nghi ngút nhưng chẳng thấy máy bay máy bò nào đến cả. Hậu quả là những đống lửa chúng tôi đốt giữa sân Ngọ Môn đã trở thành các mục tiêu cho pháo tàu của Mỹ dội vào.
Thế nhưng gần 35 năm sau sự kiện ấy, một độc giả ở Hà Nội vào cuối năm 2002 gởi cho tôi một lá thư kèm theo một bài báo mang tựa đề “Chiến công trên bầu trời thành Huế” của tác giả Bùi Đình Nguyên đăng trên báo Hà Nội Mới trong dịp kỷ niệm 30 năm Tết Mậu thân. Trong thư, độc giả nhờ tôi trả lời câu hỏi: “Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, có chuyện không quân ta ném bom vào căn cứ quân sự Mang Cá của địch ở Huế như bài báo viết không?” Tôi hết sức ngạc nhiên và cảm thấy đây là một vấn đề quan trọng nên thay vì viết thư trả lời riêng cho độc giả tôi đã viết một bài đính chính khẳng định “không có sự kiện máy bay miền Bắc tập kích khu Mang Cá trong tết Mậu thân” như Bùi Đình Nguyên đã viết trên Hà Nội Mới. Bài viết mang tựa đề:“Về sự kiện không quân ta ném bom vào căn cứ Mang Cá ở Huế trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968” và được tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam thẩm tra tư liệu ở Bộ quốc phòng và đăng ngay vào số 1 (139) tháng 1&2 - 2002 (tr.69-71). Sau đó được đăng lại trên tạp chí Huế Xưa và Nay, số 55 (1- 2/2003), (tr.30-34) với tựa đề “Trong Tổng Tấn Công Và Nổi Dậy Xuân 1968, Có Chuyện Không Quân Ta Thả Bom Vào Căn Cứ Quân Sự Mang Cá Của Địch Ở Huế Không ?” Sự thực theo kế hoạch, Trung ương có đề ra việc dùng không quân tiêp tế cho Huế và bất ngờ đánh vào Mang Cá nhưng không thực hiện được. [Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân-Từ Phú Xuân đến Huê, Tự truyện Tập III (Tám năm xuôi ngược Trường Sơn), Nxb Trẻ 2012, tr.157-158]. 1968 có chuyện không quân ta thả bom vào Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân căn cứ quân sự Mang Cá của địch ở Huế không?
Đọc hồi ký Một Chặng Đường Xưa của ông Trần Anh Liên(1), biết tôi là người đã chiến đấu trong Thành Nội Huế suốt chiến dịch Tấn công và nổi dậy của quân và dân Thành phố Huế trong Tết Mậu thân 1968, một độc giả ở Hà Nội gởi cho tôi một bài báo Quân Đội Nhân Dân (số ra vào dịp 30 năm Xuân Mậu Thân 68) mang tựa đề “Chiến Công Trên Bầu Trời Thành Huế” của tác giả Bùi Đình Nguyên và kèm theo một câu hỏi: “Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 có chuyện không quân ta thả bom vào căn cứ quân sự Mang Cá của địch ở Huế như bài báo viết không?”. Vì đây là một sự kiện (nếu có) hết sức quan trọng đối với Lịch sử đấu tranh giải phóng Huế vì thế nhân kỷ niệm 35 năm (1968-2003) chiến công Tết Mậu thân tôi xin trả lời câu hỏi trên.
Độc giả đọc lại nguyên văn bài báo để dễ theo dõi: “Chiến Công Trên Bầu Trời Thành Huế Để đối phó với các lực lượng mặt đất tấn công thành Huế đúng vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân, theo chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh quân chủng, không quân ta cùng phố hợp ném bom vào một số căn cứ của địch ở Huế, đồng thời làm nhiệm vụ vận tải tiếp tế cho chiến trường Trị Thiên. Máy bay sử dụng là loại vận tải cánh quạt IL-14 vối tốc độ chỉ bằng non một nửa tốc độ của máy bay Mỹ lúc ấy. Lực lượng chiến đấu gồm 6 máy bay ném bom T-14, mỗi máy bay gồm 5 thành viên phi hành đoàn,. Để bảo đảm bí mật tuyệt đồi các phi vụ chỉ xuất kích vào ban đêm, không dùng điện đài ra lịnh mà chỉ dùng pháo hiệu, không dùng ra-đa dẫn đường và chỉ huy dưới đất mà mỗi phi hành đoàn phải tự nhớ nhiệm vụ và đường bay để độc lập tác chiến.
Các chiến sĩ không quân vinh dự được tuyển chọn vào nhiệm vụ đặc biệt nầy đều tuyên thệ quyết tâm vượt qua tất cả để giành chiến thắng. Dẫu biết đây là một nhiệm vụ chẳng những vô cùng khó khăn , mà còn hết sức nguy hiểm, ra đi có thể không trở về được, nhưng không một ai từ nan thoái thác. Trước mỗi lần xuất kích họ đều chụp ảnh chung và dặn dò gửi gắm nhau an ủi gia đình phòng khi không trở về. Trước giờ bay đơn vị đã tổ chức lễ xuất quân đọc lời thề sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và mặc niệm trước phòng có đồng đội hy sinh.
Theo kế hoạch, tối 7/2/1968 tức 6 Tết, cả 6 máy bay T-14 đều xuất kích trận đầu tiên nhắm hướng cố đô Huế bên dòng sông Hương và mục tiêu là sở chỉ huy Sư đoàn 1 ở căn cứ Mang Cá. Trung tá Nguyễn Văn Kính nhớ lại: Tối hôm đó sau gần 90 phút bay trong đêm theo hướng đã định, và qua ánh điện rực sáng của TP Huế (NĐX nhấn mạnh) tổ bay của ông đã xác định được mục tiêu và dần hạ thấp độ cao còn 400 m bắt đầu cắt bom đợt thứ nhất. Khi phát hiện có máy bay lạ ném bom, hoả lực địch mặt đất bắn lên dữ dội , đồng thời máy bay Mỹ từ trên cao lao đuổi theo khi ta bay trở về. Đêm ấy 4 chiếc trong đội hình đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm an toàn, 1 chiếc phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá), một chiếc không trở về, cả 5 chiến sĩ trong tổ bay đếu hy sinh. Trận đánh táo bạo bất ngờ của không quân ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại và hoảng loạn về tinh thần, cổ vũ bộ đội ta tiếp tục chiếm giữ thành phố Huế và đánh địch phản kích. Đêm 11/2 không quân ta lại xuất kích lần thứ hai với 1 tổ bay. Theo đường bay và mục tiêu đã định , sau khi ném bom vào căn cứ Mang Cá, trên đường về máy bay phản lực Mỹ rượt đuổi theo tới tận vùng trời Phủ Lý, nhưng đã có Mig 21 của ta lên ứng chiến ngăn chặn bảo vệ cho tổ bay T-14 hạ cánh an toàn xuống Gia Lâm. Tiếp theo, đêm 12/2 , 3 chiếc T-14 đã len lỏi trong đêm đến cắt bom vào mục tiêu cũ . Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cả 3 tổ bay đều không trở về.
Khi kể lại chiến công nầy trên bầu trời thành phố Huế của không quân ta, trung tá Nguyễn Văn Kính bùi ngùi xúc động và bày tỏ đôi điều mong ước: Quân chủng không quân nên phối hợp với TP Huế dựng lên ở Mang Cá một nhà bia tưởng niệm ghi tên 20 liệt sĩ không quân đã hyy sinh trong Tết Mậu Thân đồng thời cơ quan nghiên cứu Bộ Quốc phòng bổ sung vào Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam trận đánh nầy như Từ điển đã ghi nhận 2 trận ném bom vào Dinh Độc Lập của Nguyễn Thành Trung và vào căn cứ Tân Sơn Nhất của biên đội Quyết thắng tháng 4/1975. Bùi Đình Nguyên”.
Không những tôi chiến đấu trong Thành Nội Huế suốt chiến dịch như ông Trần Anh Liên viết trong Một Chặng Đường Xưa mà sau năm 1968 tôi còn được Thành ủy giao nhiệm vụ đến các đơn vị bộ đội và các đội công tác trong chiến dịch tết Mậu Thân để lấy tài liệu. Một số tài liệu trong đợt công tác đó tôi đã chuyển cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết cuốnNgôi Sao Trên Đỉnh Phu Văn Lâu, và chuyển cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết cuốn Cửa Thép. Đến sau ngày giải phóng tôi tham gia viết cuốn Huế Những Ngày Nổi Dậy (nhiều tác giả, Nxb Tác Phẩm Mới, HN.1979). Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm chiến thắng Xuân Thân 1968 (1968-1988), Thành ủy Huế giao cho tôi cùng ông Nguyễn Huy Ngọc(2) thực hiện cuốn hồi ký của nhiều tác giả Huế Xuân 68 do chính Thành ủy Huế xuất bản. Và, trong nhiêu năm trước năm 1988, tôi phụ trách tổ nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ Thành phố Huế nên tôi hiểu tương đối rõ chiến dịch Huế Xuân 1968. Với tư cách là người “trong cuộc” và là nhà nghiên cứu, tôi có mấy nhận xét về bài báo trên của Bùi Đình Nguyên sau đây:
1. Nội dung sự kiện lịch sử nầy, Bùi Đình Nguyên ghi lại theo hồi ức của Trung tá Nguyễn Văn Kính, nhưng người viết không cho biết Trung tá Kính là ai, ông Kính có tham gia trong các phi đội thả bom xuống Mang Cá ở Huế trong Tết Mậu thân 1968 không ? Ông Kính đã giữ một chức vụ gì, hay một vai trò gì khác trong tổ chức, kế hoạch không quân Việt Nam tấn công Mang Cá năm ấy ? Hay ông chỉ nghe ai đó kể và ông kể lại với Bùi Đình Nguyên ? Từ hồi chiến dịch mở ra cho đến ngày ông Kính kể lại với Bùi Đình Nguyên vừa ngót 30 năm (1968-1998), trước đó ông Kính đã kể sự kiện ấy với ai chưa ? Nếu đã kể thì báo chí tài liệu nào đã đăng lời kể ấy ? Nếu chưa thì tại sao trước đây ông không kể mà phải đợi đến 30 năm sau mới kể ? Khi chưa làm rõ được những nghi vấn trên thì chưa thể tin được những thông tin do bài báo cung cấp;
2. Bài báo viết: “Trung tá Nguyễn Văn Kính nhớ lại: Tối hôm đó sau gần 90 phút bay trong đêm theo hướng đã định, và qua ánh điện rực sáng của TP Huế (NĐX nhấn mạnh), tổ bay của ông đã xác định được mục tiêu và dần hạ thấp độ cao còn 400 m bắt đầu cắt bom...”. Đoạn báo nầy bộc lộ hai điều thiếu:
2.1.- Trận không kích theo bài báo viết diễn ra vào ngày 6 tết (7-2-1968). Nhà máy điện Huế đã ngừng hoạt động ngay trong ngày đầu tiên (31-1-1968), nếu nhà máy điện muốn chạy cũng không có dầu ma-dút mà chạy cho đến đêm hôm ấy, bởi vì mọi con đường tiếp tế dầu từ Đà Nẵng ra đều đã bị cắt từ sáng 31-1-1968 rồi. Thế thì làm gì có chuyện “qua ánh điện rực sáng của TP Huế”. Phải chăng đó là thứ ánh diện tưởng tượng ?
2.2. Nếu có thực chuyện máy bay của ta đã “ dần hạ thấp độ cao còn 400 m bắt đầu cắt bom...” thì không những súng phòng không của địch bắn mà cả súng phòng không của ta cũng bắn. Lúc ấy tôi phụ trách đội thanh niên tự vệ trong Thanh Nội, luôn phối hợp với các đơn vị phòng không của Trung đoàn 6 “canh giữ bầu trời” Thành Nội. Trong tết Mậu thân ở Huế mà thấy trên bầu trời xuất hiện máy bay cường kích thì mọi người đều hiểu đó là máy bay địch chứ không bao giờ nghĩ là của ta cả. Ngày 6-2-1968 lực lượng của ta còn rất mạnh, nếu quả có một chiếc máy hạ thấp độ cao như thế trên bầu trời Thành Nội thì nó không thoát được súng phòng không của ta. Tôi nghĩ không có một vị chỉ huy không quân nào lúc ấy lại đưa máy bay cường kích của mình vào một trận đánh phiêu lưu đến như thế cả !
3.Vì trách nhiệm nghiên cứu, tôi đã sưu tập được khá nhiều tài liệu của đồi phương về tết Mậu thân, nhưng không có một tài liệu nào địch nói về chuyện bị không quân miền Bắc Việt Nam tấn công cả. Nếu có thì họ đã bù-lu bù-loa tố cáo “Không quân Bắc Việt tham chiến ở Huế” từ lâu chứ không để yên như thế cho đến ngày nay (bên Mỹ)! Tôi đã tham dự trận đánh trong Thành Nội từ đầu đến cuối, đã sưu tầm, nghiên cứu, đọc nhiều bản tổng kết chiến dịch Xuân Mậu thân 1968, chưa thấy ở đâu có nhận định như Bùi Đình Nguyên viết:“Trận đánh táo bạo bất ngờ của không quân ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại và hoảng loạn về tinh thần, cổ vũ bộ đội ta tiếp tục chiếm giữ thành phố Huế và đánh địch
4. Những phân tích trên thay cho câu trả lời câu hỏi “Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 có chuyện không quân ta thả bom vào căn cứ quân sự Mang Cá như bài báo viết không ?” Tuy nhiên tôi phải khẳng định rằng: Tại chiến trường Thành Nội Huế lúc ấy có nhận được lịnh “chờ máy bay vận tải của ta tiếp tế đạn dược và lương thực để tiếp tục giữ vững mặt trận”. Vào khoảng sau ngày 15-2-1968, ông Trần Anh Liên-Chánh ủy cánh Bắc, chỉ thị cho Đội công tác Thanh niên của tôi phải đốt lửa ở sân Ngọ Môn-Kỳ Đài làm dấu cho máy bay vận tải của ta vào thả dù lương thực và đạn dược cho Mặt trận Thành Nội. Súng ống có thừa mà thiếu đạn, lương thực mua không ra, nghe nói sắp có đạn, có lương thực chúng tôi hết sức phấn khởi. Được lịnh, chúng tôi đi làm nhiệm vụ ngay. Thời tiết đầu năm mưa lạnh, âm u. Không có củi để đốt. Chúng tôi phải đi gom các loại vỏ xe cũ và tháo cả vỏ xe đang chạy lăn ra trước sân Ngọ Môn-Kỳ Đài đốt. Làm việc nầy dưới ánh hoả châu và bom đạn của Mỹ rất căng thẳng. Chúng tôi đốt lửa và chờ suốt ba đêm chẳng thấy gì, một số anh em làm nhiệm vụ súyt chết nhiều lần. Cuối cùng phải dẹp bỏ các đống lửa.
Không nhận được tiếp tế bằng đường hàng không, lãnh đạo cánh Bắc hết sức thất vọng. Sau nầy ông Trần Anh Liên đã ghi lại sự kiện đó trong hồi ký như sau: “Đến ngày 15.2. 1968, Khu ủy nhận được lệnh của Quân ủy Trung ương: Phải giữ Thành Nội, không được rút ra ngoài để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cả nước. Ban chỉ đạo cũng quyết định: cố gắng duy trì giữ vững tình thế tổ chức bộ đội để bảo đảm thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương. Chúng tôi chờ sự tiếp viện của các đơn vị chủ lực và chờ máy bay vận tải tiếp tế đạn dược, thuốc men (NĐX nhấn mạnh). Nhưng trời đêm vẫn mù mịt, sương dày những đống lửa làm hiệu cho máy bay không có tác dụng gì. Trong lúc đó ở các thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng, tiếng súng tấn công đã ngừng nên địch tập trung phản kích vào Huế”. (Trần Anh Liên, Một Chặng Đường Xưa (Hồi ký), Nxb Thuận Hoá 1998, tr. 137-138). Qua thực tế chiến trường và qua hồi ức của người lãnh đạo Mặt trận, tôi có thể khẳng định Trung ương có kế hoạch tiếp tế hậu cần cho chiến trường Huế bằng máy bay nhưng không thực hiện được hoặc thực hiện mà thả không đúng toạ độ như đã hợp đồng, không có kết quả. Thế
5. Theo bài báo thì không quân ta có 3 lần xuất kích: Lần thứ nhất vào tối 7-2-1968 tức 6 Tết, có 6 máy bay T-14, 4 chiếc trở về hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm an toàn, 1 chiếc phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá), 1 chiếc không trở về, cả 5 chiến sĩ trong tổ bay đếu hy sinh. Lần thứ hai vào 11-2-1968 không quân ta lại xuất kích với 1 tổ bay, trở về tuy có bị máy bay phản lực Mỹ rượt đuổi nhưng đã có Mig 21 của ta lên ứng chiến ngăn chặn bảo vệ cho tổ bay T-14 hạ cánh an toàn xuống Gia Lâm. Lần thứ ba, đêm 12-2-1968, 3 chiếc T-14 đã len lỏi trong đêm đến cắt bom vào mục tiêu cũ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cả 3 tổ bay đều không trở về.
Xin hỏi những ai trong 5 tổ bay xuất kích lần 1 (có cả thảy 25 người), hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn ấy đến thời điểm 1998 và hiện nay (đầu năm 2003), có còn ai tại thế không ? Nếu còn thì các đồng chí có ý kiến gì về bài báo của Bùi Đình Nguyên ? Lần thứ ba, cả ba tổ bay đều không trở về, như bài báo viết lại không dùng vô tuyến điện, thế thì căn cứ vào đâu mà Trung tá Kính biết được là 3 tổ bay đã “cắt bom vào mục tiêu cũ” hoàn thành nhiệm vụ ? Nhỡ khi các đồng chí không quân ấy mới bay vào vùng trời của Mỹ ngụy kiểm soát thì 3 tổ bay đều đã bị bắn hạ cả thì sao ?
Ba lần xuất kích với 10 phi vụ đánh trúng vào Mang Cá với một số bom khá lớn thế tại sao dân chúng ở chung quanh Mang Cá và các đội công tác, các đơn vị chiến đấu trong Thành Nội gần Mang Cá không ai hay biết gì cả ? Các bản tổng kết chiến dịch không hề đề cập đến những thiệt hại của địch do không quân ta bỏ bom vào Mang Cá !
Bài báo của Bùi Đình Nguyên ẩn chứa quá nhiều điều khó hiểu. Vì thế muốn sử dụng những thông tin bài báo nêu ra cần phải điều tra, khảo chứng lại từ đầu, nếu không sẽ mắc sai lầm, có tội với lịch sử. Nếu đây là một bài báo tưởng tượng thì nên phê phán và loại bỏ để đời sau khỏi bị lừa.
6.Tôi biết đào tạo một phi công, một cán bộ hàng không rất tốn kém. Những người lái được phi cơ chiến đấu thuộc thành phần ưu tú của quân đội. Do đó, khi đọc bài báo của Bùi Đình Nguyên viết có đến 20 đồng chí trong 4 tổ bay hy sinh cho chiến dịch Xuân 68 ở Huế, tôi thật ngậm ngùi. Nếu quả có thật có 4 tổ bay đã hy sinh cho Huế thì Đảng bộ Thừa Thiên Huế phải biết để có những hình thức đời đời nhớ ơn các đồng chí. Còn chuyện làm tượng đồng bia đá cho các đồng chí, và đặt ở Mang Cá hay đặt ở đâu thì do lãnh đạo TP Huế và lãnh đạo Không quân Việt Nam quyết định. Nhưng trước nhất những ngành chức năng và các nhà nghiên cứu phải thẩm tra xem thử có được bao nhiêu phần trăm sự thật lịch sử trong bài báo trên.
Trên đây là ý kiến của người ở Mặt trận và có nhiều dịp nghiên cứu lịch sử chiến dịch Huế Xuân 68 về bài báo của Bùi Đình Nguyên, còn thực chất sự kiện mà bài báo nêu ra thực hư như thế nào xin dành lại cho ngành nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam.
--------------------
(1) Trần Anh Liên- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, vào chiến trường làm Phó Bí thư Thành ủy Huế, rồi làm Chánh ủy cánh Bắc trong chiến dịch Tấn công nổi dậy trong Tết Mậu thân ở Huế, tác giả hồi ký Một Chặng Đường Xưa do Nxb Thuận Hoá Huế xuất bản năm 1998.
(2) Lúc đó Nguyễn Huy Ngọc làm Phó Bí thư Thành ủy, sau đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy TTH. Đã nghỉ hưu.
( Tác giả gửi cho QTXM)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét