Ngày 10.9.2014 Tổng Thống Obama đã đọc một bài diễn văn tuyên bố sẽ “làm suy yếu rồi cuối cùng tiêu diệt IS hoàn toàn thông qua một chiến lược toàn diện và bền vững”, trong khi đó ngày 11.9.2014, tạp chí Time lại cho phổ biến bài “The Never-Ending War” (Cuộc chiến không bao giờ dứt) của bình luận gia Michael Crowley, nói về cuộc chiến nầy.
Michael Crowley là Trưởng nhóm phóng viên ngoại vụ của tạp chí Time, phụ trách các vấn đề về chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia ở Washington và trên thế giới. Ông đã nhìn lại cuộc chiến đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite kể từ khi nhà tiên tri Mohammed qua đời năm 632 kéo dài cho đến ngày nay để giành quyền lãnh đạo Hồi Giáo và tin rằng nó sẽ không bao giờ chấm dứt.
Nhìn qua các cuộc tranh chấp giữa hai khối Hồi Giáo trong lịch sử sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn các diễn biến của tình hình hiện nay ở Trung Đông và thử xem chiến lược của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đang thực hiện có đem lại kết quả mong muốn hay không.
XUẤT TỪ PHÁT MỐI THÙ TRUYỀN KIẾP
Nhà văn Lỗ Tấn nói lịch sử Trung Quốc là lịch sử ăn thịt người, nhưng nếu nhìn lại lịch sử Hồi Giáo chúng ta sẽ thấy lịch sử này còn ghê rợn hơn nhiều.
Năm 632, nhà tiên tri Mohammad qua đời mà không chỉ định người kế vị. Một cuộc tranh luận về người kế vị - được gọi làKhalifa hay Khalip, tiếng Anh là Caliph và tiếng Pháp là Calife - đã đưa tới nhiều biến cố đẫm máu.
Nhà tiên tri không có con trai, chỉ có một đứa con gái duy nhất làFatimah và người chồng của cô này là Ali ibn Abi Talib. Những người thuộc nhóm này nói rằng người lãnh đạo tinh thần của Hồi Giáo được gọi là IMAM phải là một vị thánh (a holy man) và thuộc dòng dõi Ali-Fatimah. Do đó, họ cho rằng Ali là vị Imam đầu tiên đã được nhà tiên tri Muhammad chỉ định.
Nhưng người cha vợ của nhà tiên tri là Abu Bakr và đa số chủ trương rằng người kế vị phải là người có đủ tư cách để trở thành Caliph và những người lãnh đạo (Shura) phải được chọn theo phương pháp được kinh Koran quy định, đó là sự đồng thuận của Cộng Đồng Hồi Giáo (Ummah).
Vì phe Ali chỉ là thiểu số, nên người đầu tiên được bầu làm Imam là Abu Bakr (632-634), người thứ hai là Umar ibn al-Khattab (634-644), người thứ ba là Uthman ibn Affan (644-656), người thứ tư mới đến Ali Ibn Abi Talib (656-661). Abi đã bị một người theo dị giáo gần Kufa thuộc Iraq giết năm 661. Những người ủng hộ Ali đã vận động để giành sự ủng hộ cho người con trai của Ali là Hussein. Nhưng trong một cuộc đụng độ gần thành phố Karbala vào ngày 10.10.680, Hussein đã bị chém đầu. Từ đó Hồi Giáo bị chia làm hai phái không bao giờ chịu đội trời chung và luôn tìm cách thanh toán nhau, đó là phái Sunni và phái Shiite (hay Shiar).
Nhiều người cho rằng chữ Sunni có nghĩa là đa số, nhưng tài liệu cho biết chữ Sunni phát xuất từ chữ Sunnah trong Hồi Giáo được dùng để chỉ các lời nói và hành động của nhà tiên tri Muhammad khi giải thích về kinh Koran được ghi chép trong Hadiths, thường được coi là truyền thống của Hồi Giáo. Còn chữ Shiar trong tiếng A-rập có nghĩa là một nhóm hay đảng ủng hộ và được dùng để chỉ những người đi theo Ali (Shia-t-Ali) hay đảng của Ali (Party of Ali). Như vậy Sunni là đi theo truyền thống của nhà tiên tri Muhammad còn Shiite là đi theo Ali. Shiite chủ trương giáo quyền lãnh đạo quốc gia còn Sunni chủ trương thế quyền. Nhưng cả hai đều coi kinh Koran là hiếp pháp và luật Sharia là luật pháp quốc gia.
NHỮNG CUỘC CHIẾN ĐẪM MÁU
Hồi giáo từ ngày thành lập đến nay đã gây nhiều cuộc chiến đẫm máu trong nội bộ cũng như trên thế giới, đưa tới những biến loạn không bao giờ dứt.
1.- Những cuộc chiến đẫm máu trong nội bộ
Trong lịch sử 14 thế kỷ, từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 21, đã có nhiều cuộc xung đột đẫm máu trong nội bộ của Hồi Giáo giữa Sunni và Shiite. Sau đây là những biến cố chính:
- Từ năm 1400, Hoàng đế Timur thuộc giáo phái Sunni đã đem quân đánh chiếm Aleppo, Damascus, đông Anatolia, Baghdad và Thổ Nhĩ Kỳ, sát hại hơn 1 triệu tín đồ Shiites.
- Năm 1467, đế quốc Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ theo phái Sunni đem quân đánh chiếm Syria, Ai Cập, Bắc Phi và Arabia. Các tín đồ Shiite thường nổi lên chống lại đế quốc này nên nhiều triệu tín đồ Shiites đã bị tiêu diệt.
- Đế quốc Hồi Giáo Safavid theo phái Shiites đã chinh phục được Ba Tư, rồi chiếm Azerbaijan, Bahrain, Armenia, Georgia, Bắc Caucasus, Iraq, Kuwait và Afghanistan, tồn tại từ 1501 đến 1771 (270 năm). Tại những nơi đế quốc Safavid chiếm được đều đem toàn bộ các giáo sĩ (clerics) Sunni ra chặt đầu và sát hại hàng triệu tín đồ Sunni.
Ngoài các vụ tranh chấp lớn nói trên, những vụ tranh chấp trong phạm vi một quốc gia hay xuyên quốc gia đã xảy ra thường xuyên và nhiều không thể kể hết được.
2.- Gây thảm họa cho nhân loại
Mohammad khởi xướng thánh chiến (Jihad) với những người không tin Hồi Giáo. Người A-rập hưởng ứng rất mạnh mẽ, một phần vì mộ đạo, một phần vì “những chiến lợi phẩm” thu được sau mỗi lần thắng trận.
Trong suốt thế kỷ thứ 7, Hồi Giáo chiến thắng không ngừng. Họ bắt kẻ địch phải lựa chọn: “Nộp cống và thừa nhận Allah hay là chết”. Nhiều người theo Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo đã phải bỏ đạo và theo Hồi Giáo. Nhờ vậy, Hồi Giáo đã lập được những chiến công vào hạng oanh liệt nhất trong lịch sử thế giới. Phía Đông họ chiếm Syria và Ai Cập (634 - 639), Ba Tư (642) rồi tiến đến Ấn Độ và Tân Cương. Phía Tây họ chinh phục được Bắc Phi rồi từ đó tiến qua chiếm Tây Ban Nha. Qua thế kỷ thứ 8, Đế quốc A-rập đã mở rộng từ sông Hằng (Ấn Độ) đến Đại Tây Dương.
Trước sự bành trướng của Hồi Giáo, các tổ chức Kitô giáo đã thành lập các thập tự quân (crusaders) và mở các cuộc thập tự chinh (crusade) để chống lại. Cuộc chiến này kéo dài từ 1095 đến 1291, có tất cả 8 cuộc chiến lớn và nhiều cuộc chiến nhỏ. Năm 1289, Tripoli bị người Hồi Giáo chiếm và tới năm 1291, khi Acre cũng rơi vào tay Hồi Giáo, giai đoạn của các cuộc Thập tự chinh thời trung cổ kết thúc.
Nhưng các đế quốc A-rập tồn tại không lâu vì nội bộ chia rẽ. Sau này, khối A-rập lại được chia thành nhiều nước nhỏ theo bộ tộc nên ngày càng yếu dần. Tháng 7 năm 1798, Hoàng Đế Napoléon của Pháp tranh giành với Anh con đường thông thương qua Ấn Độ, đã đem quân chiếm Alexandria, xâm nhập vào Ai Cập, mở đầu cho thời kỳ bị thực dân thống trị. Thế giới Hồi Giáo từ Maroc tới Indonesia đã bị đặt dưới sự đô hộ của các nước thực dân Tây Phương. Sau thế chiến thứ nhất, Đế quốc Ottaman của Hồi Giáo sụp đổ, các nước Tây phương thắng trận đã chia Hồi Giáo thành những nước nhỏ để phân hóa, khống chế và khai thác.
TÌNH TRẠNG HỒI GIÁO HIỆN NAY
Theo tài liệu của Pew Research Center công bố ngày 22.11.2011, tổng số tín đồ Hồi Giáo trên thế giới hiện nay là 1,57 tỷ, chiếm 23% tổng số nhân loại, chỉ đứng sau Thiên Chúa Giáo (2,1 tỷ, tức 33,39%).
Số người theo phái Sunni chiếm từ 85% đến 90%. Phần còn lại là Shiite. Tổng số người theo Shiite khoảng từ 165 đến 200 triệu, tập trung ở các nước sau đây: Iran 90% dân số, Iraq 60%, Bahrain 66-70%, Lebanon 45-55%, Yemen 45%, Kuwait 30-40%, Syria 15%, Pakistan 10-15%, Afghanistan 10-15%, Saudi Arabia 10%, v.v.
Trong thế giới Hồi giáo, ở các quốc gia do người Sunni cầm quyền, người Shiite thường bị đối xử như công dân hạng hai, họ chỉ được làm các công việc lao động chân tay, và tài nguyên quốc gia không được chia xẻ một cách công bằng cho họ. Tiêu diệt Shiite là một chủ trương vĩnh cửu của Sunni. Chúng tôi xin nhắc lại, lãnh tu Hồi Giáo Sunni ở Qatar là Yusef al-Qaradawi, người yểm trợ tích cực các cuộc nổi dậy ở Trung Đông, đã tuyên bố giáo rằng phái Alawites (Shiite) là "những kẻ ngoại đạo nguy hiểm hơn các Kitô hữu và các tín hữu Do Thái". Ông cảnh báo rằng người Hồi Giáo Shiite ở Iran đang cố gắng "nuốt trọn" người Hồi Giáo Sunni.
ĐƯỜNG LỐI CỦA HOA KỲ
Tổng Thống Obama đã đưa ra một kế hoạch làm suy yếu rồi tiêu diệt nhóm Nhà Nước Hồi Giáo và vận động các quốc gia Tây Phương, các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông và Quốc Hội Hoa Kỳ yểm trợ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga và Syria cũng đã đồng ý để không quân Hoa Kỳ thanh toán các sào huyệt của IS trên đất Syria. Trong những tháng qua, các cơ quan truyền thông quốc tế đã báo động các đại gia ở ba quốc gia Saudi Arabia, Kuwait và Qata đã yểm trợ tài chánh và phương tiện cho tổ chức ISIS để loại bỏ chính quyền Shiite ở Syria và Iraq. Không quốc gia nào cải chính tin này. Nhưng sau khi Tổng Thống Obama công bố kế hoạch làm suy yếu rồi tiêu diệt IS, hôm 18.9.2014, Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al của Qatar, một nước có 71% người Hồi Giáo Sunni, đã lên truyền hình cải chính nước ông không hề yểm trợ IS. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đã tách được khối Sunni ra khỏi IS.
Theo ước tín mới nhất của CIA, hiện nay ISIS đang làm chủ 40% lãnh thổ Iraq và 25% lãnh thổ Syria. Báo cáo của CIA cũng nói ISIS có hơn 30.000 quân, trong đó có cả ngàn thanh niên nam nữ từ những nước khác sang Trung Đông tiếp tay cho chúng.
Sau khi được Quốc Hội chấp nhận ngân khoản điều hành cuộc chiến, công việc đầu tiên của không quân Hoa Kỳ là giúp quân đội Iraq chiếm lại 5 mỏ dầu ở miền Bắc Iraq do IS chiếm từ tháng 6, nhất là nhà máy lọc dầu chính của Iraq ở tỉnh Baiji cách thủ đô Baghdad khoảng 200 km. Tất cả những thành quả này có thể giúp Tổng Thống Obama cứu vãn được những chiếc ghế của Đảng Dân Chủ trong Thượng Viện có thể bị mất vào tháng 11 tới đây. Đó là nhu cầu trước mắt.
Việc thanh toán IS trên lãnh thổ Iraq có lẽ không khó lắm, nhưng lấy lại phần đất mà IS đã chiếm ở Syria khá rắc rối, vì lực lượng Quân Đội Syria Tự Do được CIA thành lập gần như tan rã. Do đó, việc tái thành lập và giao phấn đất mà IS đang chiếm hiện nay cho một nhóm Sunni khác quản lý để hình thành một vùng tự trị mới không phải là chuyện dễ dàng.
Kế hoạch chia 5 nước ở Trung Đông thành 14 nước theo chiến lược “Trung Đông Mới” được đưa ra dưới thời Tổng Thống Bush, phải mất vài năm nữa mới hoàn thành. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn phải tiếp tục tạo thế cân bằng giữa hai khối Sunni và Shiite ở Trung Đông để hai khối kiềm chế nhau. Sau khi chiếm Iraq năm 2003, Hoa Kỳ đã phá bỏ quyền hành của khối Sunni thiểu số và trao cho khối Shiite đa số ở nước này. Hành động này đã bị khối Sunni giận dữ và yểm trợ cho hai lực lượng al-Nusra và IS đánh chiếm lại. Có nhiều dấu hiệu cho thấy sau khi loại hai tổ chức cực đoan này, Hoa Kỳ sẽ chia Iraq thành ba phần, phía cực bắc dành cho người Kurk, phần thứ hai gồm 25% lãnh thổ Syria và 40% lãnh thổ Iraq do IS đang chiếm sẽ dành cho một nhóm Sunni khác. Shiite sẽ chỉ còn được giữ phần phía Nam Iraq mà thôi.
Kế hoạch phân hóa và cân bằng các lực lượng Hồi Giáo ở Trung Đông của Mỹ để làm giảm sức mạnh của khối này và ổn định tình hình rất phức và sẽ còn kéo dài trong liên tục lịch sử. Chúng tôi xin mượn kết luận của bình luận gia Michael Crowley trong bài “The Never-Ending War” để kết thúc bài này:
“Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nói về tinh thần tự do, và tổng thống đương nhiệm Obama thường viện đến tinh thần hợp tác. Cả hai chính trị gia đều nói về điều gì đó mạnh mẽ bằng trái tim hiện đại. Nhưng không ai - cũng không phải bản thân Mỹ - cho đến giờ này hoàn toàn đánh giá đúng sự ngự trị đang tiếp diễn của các tinh thần cổ xưa hơn nhiều: lòng căm thù, sự tham lam và sự gắn bó với bộ lạc. Một lần nữa, những tinh thần đó lại bị buông lỏng, và cả thế giới sẽ phải trả giá.”
Ngày 18.9.2014
Lữ Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét