Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Họa sĩ viết:

Chuyện năm xưa

Chú ruột tôi được học hành có kiến thức, còn bố tôi không được học. Hai anh em mà khác nhau một trời một vực. Em nhẹ nhàng nho nhã chữ nghĩa cẩn trọng bao nhiêu thì anh lại bô lô ba la chém to kho mặn, tuyền cái giọng bình dân có lúc thành lỗ mãng.
Chú là thầy lang có nghề xem mạch bốc thuốc. Ở quê thì chú là đẳng cấp khác, có học chữ nho, nói vắn tắt thì ít nhiều có thể gọi là trí thức ở làng. Chú cẩn trọng nhẹ nhàng trong ăn nói, chữ nghĩa chọn chành cẩn thận. Ví dụ chú gọi tránh phân là “phẩn” như cốt để tránh xa mùi hôi của loại chất thải đặc biệt. Còn ông anh, tức bố tôi là dân cày ruộng, nghĩ ít nhưng mắc cái bệnh nói nhiều. Đã hay nói, mà cái gì cũng thẳng tưng.
Người nho nhã như chú tôi thường kiệm lời vì biết lời nói là quý, cần phải thận trọng nhường nhịn và ít thích tranh luận. Khi chú nói tức là muốn người ta chỉ nghe thôi chứ không cãi. Con bệnh mà cãi thầy thuốc ư, làm gì có chuyện ngược đời ấy. Người thì bảo tư chất hơn người ấy chỉ có ở thầy giáo và thầy thuốc bởi kiến thức dồi dào. Người đọc sách khác người thường ở chỗ ấy.
Tôi còn nhớ chuyện hồi bé. Một hôm hai ông ngồi trà thuốc tranh luận, bố tôi bảo thế chú gọi “phẩn” thì phân nó có sạch hơn không, thơm hơn không. Nghe bố nói hơi sỗ, chỉ thấy chú nín lặng không cãi. Bố lại tiếp: Đấy, chú thấy chưa, nói năng tránh trớ làm gì cho mệt, tôi thì tôi cứ gọi đúng tên của nó,  cứt à cứt! chẳng hạn mùi của nó “thối” hoặc ” khắm”  chứ không nói “nặng mùi” gì sất…
Bố tôi lấy nê đưa thêm loạt ví dụ nữa, một bên chữ nghĩa, một bên bình dân. Bố bảo thế này, các ông cứ bảo “xin nói chân thành” vậy sao không “xin nói toạc móng heo” có rõ hơn không, cứ chân với cẳng làm gì rách việc.
Không có thắng thua vì chú tôi chỉ ừ hữ không thừa nhận cũng không phản đối. Còn bố thấy thế thì ra sức cán lướt, lấy số đông ví dụ để áp đảo. Âu cũng là thói quen của phía kiến thức lỗ mỗ thiếu tự tin nên hay nói nhiều. Định lấy số lượng thay cho chất lượng chăng?
Những cuộc trò chuyện ấy của bố với chú, tháng xảy ra đôi ba kỳ, kéo dài nhiều năm. Cũng là do thôn quê lúc ấy vắng, nhiều thời gian rỗi rãi. Tôi còn nhớ hai ông dù nói chuyện gì rồi cũng quay về chuyện chữ nghĩa bình dân hay bác học. Giống như bây giờ quán nước vỉa hè, ban đầu là chuyện làm ăn nhưng rồi chỉ một lúc là quay sang chuyện thời sự, chính trị trong nước và quốc tế. Mặc dù ai cũng biết trong số họ chẳng ai làm chính trị cả. Giống như quán nước, những cuộc chuyện trò của bố và chú tôi thường kết thúc trong hòa bình.
Hai ông giờ đã quy tiên khuất núi cả. Chả biết ở thế giới bên kia có còn tiếp tục tranh luận nữa hay không.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: