Thành Long (Jackie Chan) rất bình tĩnh nói rằng mình chịu mọi trách nhiệm về việc con trai mình bị bắt vị tội sử dụng và buôn ma tuý. Ông nói trách nhiệm rất lớn thuộc về ông, với tư cách là một đại sứ chống nạn ma tuý do Trung Quốc đề cử từ năm 2009.
Phòng Tố Danh (Jaycee Chan), người con trai 32 tuổi của Thành Long bị bắt vào ngày 14 tháng 8 vừa qua, tại quận Đông Quan, Bắc Kinh, trong một cuộc bố ráp đầy chủ ý của công an trong việc ‘dằn mặt’ ngôi sao điện ảnh Thành Long, mà lâu nay vẫn được coi là nhân vật công chúng làm đẹp cho nhánh Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Giang Trạch Dân.
Viết trên trang blog của mình thuộc hệ thống mạng Vi bác (Weibo), Thành Long vẫn rất bình tĩnh như một chính trị gia “Tôi và Danh cúi đầu xin lỗi xã hội”. Trang blog có đến 23 triệu người theo dõi của Thành Long quan trọng không kém như một cơ quan văn hoá của nhà nước vì sự theo dõi chặt chẽ của công chúng, và cũng là nơi mà Thành Long nhiều năm nay sử dụng nó như một công cụ để bày tỏ các quan điểm có lợi cho chính sách cầm quyền của Nhà nước Bắc Kinh hoặc cho các nhân vật chính trị mà Thành Long nương tựa vào đó.
CNN dẫn lời của Thành Long, cho biết ngôi sao điện ảnh này “hết sức giận dữ” trước việc làm của con mình. Thế nhưng trái lại với cảm giác mà ông ta trình bày, người ta vẫn nhận thấy sự bình tĩnh và khôn khéo của Thành Long trước công chúng, không khác gì cách mà ông lấy được lòng nhà nước Bắc Kinh, trở thành một trong những nghệ sĩ có quyền lực riêng trong bóng tối chính trị, dù xuất thân của ông là một người thành đạt từ Hương Cảng, từ lúc vùng đất này thịnh vượng trong tay của người Anh.
Những lời đồn đãi và tin tức thực tế ở Hương Cảng lúc này, cho thấy thời đại những người hoạt động nghệ thuật mượn chính trị để tiến thân như Thành Long đang đứng trước bờ vực thẳm, nền chính trị thanh toán lẫn nhau, tiếm quyền, vây cánh riêng của Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Giang Trạch Dân… khi sụp đổ, đã để lộ những hình ảnh những vương triều bí mật, trong đó những người như Thành Long đã sớm chọn phe và biến mình thành những nghệ sĩ cung đình. Báo chí Trung Quốc đã ám chỉ nhiều về chuyện Chương Tử Di dính líu đến các quan chức cấp cao, hoặc trực diện tấn công vào hệ thống tuyển mỹ nữ cho các ‘ngài’ từ CCTV, đài truyền hình lớn nhất Trung Quốc.
Hơn một thập niên nay, từ khi thế lực chính trị của Thành Long vững chắc hơn, các bộ phim của ông cũng dần nhạt hơn, và không còn dấu ấn nào như thời kỳ các bộ phim Tuý quyền (1978) hay Quán ăn lưu động (1984). Những phát ngôn lấy lòng chính quyền Bắc Kinh về cai trị đã khiến dân chúng Hương Cảng, Đài Loan… ngày càng bất mãn. Ngày 1/6 vừa rồi, khi nửa triệu người Hương Cảng xuống đường đòi dân chủ và tự do, Thành Long đã nhắc lại câu nói từng làm thất vọng hàng triệu người hâm mộ “sai lầm của chúng ta là đã để cho Hương Cảng có quá nhiều tự do”. Nhưng đó không chỉ là một lần, Thành Long nhiều lần chứng minh vai trò nghệ sĩ cung đình khi nói những điều như “Người Trung Quốc cần bị kiểm soát” hay “Đài Loan bầu cử à? Thật là một trò cười”.
Tờ Epoch Times cho biết danh sách 10 cái tên thuộc hàng cặn bã lừng danh của Trung Quốc do dân chúng bầu chọn trên mạng, có tên Thành Long trong đó. Trong những ngày tháng Giang Trạch Dân cầm quyền, giết và mổ lấy nội tạng hàng chục ngàn người Pháp Luân Công, Thành Long đã né tránh khi được báo chí phương Tây phỏng vấn. Thậm chí, sau khi nói rằng mình không biết gì cả, Thành Long đã cười, nói thêm “ở Trung Quốc, người ta có thể nghe thấy rất nhiều tin đồn”.
Một người bạn người Hoa gốc Quảng Đông, đi du lịch Hương Cảng từ năm 2009, như một cách về thăm quê, đã kể rằng “Thành Long bị dân chúng xem như một kẻ khốn nạn, vì lên truyền hình kêu gọi bỏ tiếng Quảng trong trường học, chỉ nên cho dạy tiếng phổ thông, theo ý của Bắc Kinh”. Rất nhiều người Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn, đã kể cho nhau nghe và tẩy chay Thành Long vì kiểu bám đuôi chính trị của ông ta. “Không hiểu sao báo chí tiếng Việt lại rất ít người nói về điều này”. Người bạn này nói.
Thành Long hôm nay khôn khéo và giảo hoạt hơn rất nhiều, không giống những bộ phim vào vai khờ khạo và đáng yêu mà ông đã chiếm được cảm tình khán giả. Người nghệ sĩ tự vẽ lên mặt mình nhiều màu sắc và nhăn nhó, múa may theo yêu cầu chính trị đã bóp chết tài năng của mình, thậm chí tự bóp chết giá trị sống như một người bình thường, để trở thành một bài học đáng nhớ cho đời sau, khi người có học tự bán mình cho quyền lực và danh lợi.
Điều mà người ta tự hỏi là giá nào để một người nghệ sĩ tự biến mình thành những tên hề ngắn hạn cho các sân khấu thô bỉ như vậy? Thật khó để định được giá như vậy từ những trái tim bình thường. Có thể giá chỉ được định từ những trái tim thô bỉ không kém các sân khấu ấy, mà không chỉ Trung Quốc, mà ở bất kỳ một quốc gia suy đồi nào cũng luôn có những kẻ chực chờ xin được bán mình để được làm nghệ sĩ chốn cung đình, làm văn nô như vậy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét