Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GENE NỖI LO NÀY CHẲNG CỦA RIÊNG AI

Tô Văn Trường
Mới đây, khi đánh giá về nền nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Vũ Trọng Khải đã thẳng thắn nhận xét rất chí lý: ”Một nền nông nghiệp đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp thì không có một nước nào dám mua sản phẩm của nền nông nghiệp ấy… Hám lợi, chụp giật thì chỉ có thể bán sang Trung Quốc”.
Đáng lo ngại hơn cả là gần đây vấn đề cây trồng biến đổi gene (GMO) mặc dù trên thế giới các nhà khoa học và các công ty khuyến khích đầu tư phát triển GMO vẫn còn tranh luận về các tác hại của nó chưa ngã ngũ thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) vừa phê duyệt 4 giống ngô biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đó là các giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto). Đây là bốn giống ngô biến đổi gene đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, đồng thời là giống cây trồng biến đổi gene đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ bắt đầu trồng cây biến đổi gene vào năm 2015 và ước tính đến năm 2020 thì sẽ có từ 30 đến 50% đất trồng trọt sẽ dùng để trồng cây GMO. Đúng là nỗi lo này chẳng phải của riêng ai nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT là người có nhiệm vụ đề xuất và tổ chức thực hiện chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp nước nhà.
Những nghiên cứu gần đây chứng minh rằng công nghệ gene vốn đã không an toàn. Công nghệ gene dựa trên niềm tin rằng mỗi gene chỉ mang 1 tính trạng duy nhất, do vậy người ta cho rằng có thể truyền các tính trạng bằng cách truyền các gene đơn lẻ. Tuy nhiên, từ 2007 các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nhất trí rằng điều này hoàn toàn sai. Hiệu lực của mỗi gene được quyết định bởi sự tương tác với nhiều gene khác cũng như với môi trường của chúng.
Công nghệ biến đổi gene thủ tiêu quá trình sinh sản tự nhiên, việc chọn tạo xuất hiện ở cấp độ tế bào đơn lẻ, cơ chế này có tính đột biến cao và thường xuyên vượt khỏi giới hạn gene, tuy nhiên, không dễ gì đánh giá rủi ro của thực phẩm biến đổi gene đối với sức khỏe con người vì khẩu phần ăn của người đa dạng và phức tạp. Rủi ro chỉ có thể nhận biết được trong dài hạn trong khi đó công nghệ mới chỉ được sử dụng trên 10 năm. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu đã chứng minh thực phẩm biến đổi gene có nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe về mặt độc tố, dị ứng và chức năng miễn dịch, sức khỏe sinh sản, và sức khỏe chuyển hóa, sinh lý và gene.
Các bất ổn đáng kể về miễn dịch bao gồm bất ổn về sự phân bào liên quan đến bệnh hen, dị ứng và viêm nhiễm; sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng gan, bao gồm sự chuyển hóa lipit và cacbonhydrat cũng như thay đổi của tế bào có thể dẫn tới đẩy nhanh quá trình lão hóa và dẫn tới tích tụ những loài phản ứng lại với oxy (ROS). Nghiên cứu của Ermakova đã chỉ ra mối liên hệ giữa đậu tương biến đổi gen với khả năng vô sinh theo đó những con chuột ăn đậu tương biến đổi gen có số con và số lứa đẻ ít hơn hẳn. Con của những con chuột ăn đậu tương biến đổi gene có trọng lượng nhỏ hơn hẳn con của chuột không ăn đậu tương biến đổi gene. Trong vòng 3 tuần 55,6% số chuột ăn đậu tương biến đổi gene chết. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng có hơn 400 gene biểu hiện khác trong chuột ăn ngô biến đổi gene. Đấy là những gene kiểm soát việc tổng hợp và sửa đổi protein, phát tín hiệu cho tế bào, tổng hợp cholesterol, và điều chỉnh insulin. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự tổn hại trong đường ruột của động vật ăn thực phẩm biến đổi gene, bao gồm tăng nhanh số lượng tế bào và phá vỡ hệ thống miễn dịch ruột.
Sức khỏe của con non có thể bị ảnh hưởng bởi độc tố, chất gây dị ứng, chất kháng dưỡng trong khẩu phần ăn của mẹ. Điều này có thể được tạo nên ở cây trồng biến đổi gene do sự biến đổi không lường trước được trong DNA của chúng. Các nhà khoa học Đức tìm thấy những đoạn DNA của thực phẩm biến đổi gene cho chuột có chửa ăn trong não của con chúng. Các đoạn DNA biến đổi gene cũng được tìm thấy trong máu, lá lách, gan và thận của lợn con được nuôi bằng ngô biến đổi gen.
Các nhà khoa học thuộc trường đại học Sherbrooke, Canada, đã phát hiện ra protein trừ sâu Cry1Ab trong máu của những phụ nữ có thai và không mang thai. Họ cũng phát hiện ra chất độc này trong máu của bào thai chứng tỏ nó có thể truyền sang thế hệ sau. Chất độc Cry1Ab được phát hiện ở 94% mẫu máu của các bà mẹ, 80% mẫu máu của các bào thai và ở 69% mẫu máu kiểm tra của những phụ nữ không mang thai. Những nghiên cứu trước đó cũng tìm thấy lượng nhỏ độc tố Cry1Ab trong dạ dày-ruột của động vật ăn ngô biến đổi gen. Điều này dấy lên quan ngại rằng độc tố có thể không được loại bỏ hoàn toàn ở người và sử dụng thịt nhiễm độc tố có thể tiềm ẩn rủi ro cao.
Ngày 21/8/2014 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã quyết định không gia hạn giấy chứng nhận an toàn sinh học cho một giống lúa và một giống ngô biến đổi gene. Điều này, có thể cảnh báo ảnh hưởng đến việc thương mại hóa giống cây trồng biến đổi gene trong tương lai.
Chúng ta, đừng quên rằng MONSANTO là tác giả nhiều nhất của các giống ngô và đậu tương biến đổi gene, hàng năm đều tài trợ kinh phí lớn cho các cuộc Hội thảo về cây trồng biến đổi gen và cũng chính MONSANTO sản xuất ra chất độc màu da cam đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam mà hậu quả tàn khốc và các di tật của nó vẫn còn ám ảnh đến nhiều thế hệ người Việt Nam.
T.V.T.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: