Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Việt Nam bị "trói" vào hợp đồng mua điện từ Trung Quốc?

(Kinh tế) - Trong 4 tháng đầu năm 2014, sản lượng điện "nhập" từ Trung Quốc đạt 654 triệu kWh.
"Không mua điện của Trung Quốc cũng không sao"
Thông tin trên An Ninh Thủ Đô, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ- Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế năng lượng cho biết, chủ trương liên kết mua điện giữa Việt Nam và các nước láng giềng đã được quan tâm từ lâu.
Và trên thực tế, Việt Nam đã liên kết, mua bán điện không chỉ của Trung Quốc mà còn với cả Lào và Campuchia. Nếu việc liên kết tốt thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho mỗi nước.
Việc mua điện từ Trung Quốc trong nhiều năm nay cũng giúp Việt Nam có thêm nguồn cung năng lượng trong những thời điểm nguồn cung cấp trong nước còn hạn chế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng điện áp mua từ Trung Quốc không ổn định, độ tin cậy thấp, hay xảy ra các sự cố trong khi giá điện lại cao.
“Điển hình như năm 2012, Việt Nam dư thừa sản lượng và công suất nhưng vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc với giá 6,08 UScent/kWh tương đương 1.300 đồng/kWh, trong khi đó, một số lớn nhà máy nhiệt điện trong nước chỉ phát 70-80% công suất và các nhà máy thuỷ điện công suất dưới 30MW giá rẻ không được mua”, PGS.TS  Nguyễn Minh Duệ dẫn chứng.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, sản lượng điện "nhập" từ Trung Quốc đạt 654 triệu kWh.
Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng giữa EVN và Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD), liên kết bằng cấp điện áp 220kV và 110kV.
Hợp đồng mua điện của Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua.
Nếu không mua sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, việc tiếp tục mua điện từ Trung Quốc như hiện nay gây khó khăn, trở ngại cho phát huy năng lực nội địa đối với các nhà đầu tư điện trong nước.
Trả lời câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không có nguồn điện từ Trung Quốc thì điều gì sẽ xảy ra, viện sĩ Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khẳng định: “Nếu không có nguồn điện từ Trung Quốc thì chắc chắn còn nhiều cách giải quyết.
Trong vòng 1-2 năm tới, nếu Việt Nam cố gắng tăng nỗ lực, các nguồn thủy điện tiếp tục được khai thác thì không phải mua điện từ Trung Quốc nữa”.
Chấp nhận mua giá cao từ Trung Quốc
Theo số liệu thống kê đến tháng 4/2014, sản lượng điện "nhập" từ Trung Quốc đạt 654 triệu kWh. Năm trước, dù các nhà máy điện nội địa nỗ lực sản xuất nhưng lượng điện EVN phải mua từ Trung Quốc là 3,6 tỷ kWh, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng. EVN chấp nhận mua điện với mức giá cao từ nước láng giềng.
Một thực tế đã từng được chỉ ra là việc nhập điện từ Trung Quốc với giá cao diễn ra đều đặn trong khi điện nội đang ế.
Cụ thể, tờ Thanh Niên đã từng phản ánh, trong khi ra sức ép các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng để được chạy máy thì Tập đoàn điện lực VN (EVN) lại vác tiền đi mua điện của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.
Lý do vì EVN bị ràng buộc bởi hợp đồng khi không tiêu thụ hết điện theo hợp đồng đã ký, nếu điện chạy ngược sang Trung Quốc quá 5% công suất thì bị phạt nên ưu ái mua điện Trung Quốc hơn. Dẫn tới giờ cao điểm, điều độ điện lực các tỉnh Hà Giang, Lào Cai ép các nhà máy thủy điện nhỏ phải cắt giảm công suất.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho biết, mấu chốt vấn đề vẫn là phải nhanh chóng xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN, chấm dứt tình trạng một tay nắm cả mua bán, phân phối, điều độ như hiện nay.
“Chỉ mất vài năm để thực hiện thị trường cạnh tranh thực sự, thông qua việc tái cơ cấu lại EVN cho hợp lý, thành một tập đoàn chỉ nắm việc bán lẻ, tách hoàn toàn khâu bán buôn thành các tổng công ty độc lập, để các nhà máy cạnh tranh thực sự với nhau, giá bán, giờ phát được bình đẳng", ông Trần Viết Ngãi nói.
Hà Anh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: