Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Diễn biến Trung Quốc trong thơ Tố Hữu

Lê Mai

Ngày ấy, các nước “XHCN anh em” đi vào thơ Tố Hữu khá là đậm nét và đầy thi vị. Trước tiên, có lẽ chúng ta phải nói đến Ba Lan. Mấy câu thơ của Tố Hữu trong Em ơi…Ba Lan thật khó mà hay hơn được, dù người ta có “chê” thơ ông ta đi chăng nữa, cũng phải công nhận, nó quá hay:
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn
Nếu tôi không nhầm, bài thơ này Tố Hữu viết trong chuyến đi dự Đại hội đảng công nhân thống nhất Ba Lan, ông ta là Phó trưởng đoàn, còn Trưởng đoàn là Võ Nguyên Giáp. Cả hai ông lúc bấy giờ đều rất nổi tiếng. Tên tuổi tướng Giáp, sau trận Điện Biên, vang dội trên toàn thế giới và lần ấy, ông được hoan hô nhiệt liệt tại Ba Lan. Nghe Tố Hữu kể lại, trong chuyến đi ấy, hầu như việc gì ông Giáp cũng bàn bạc, trao đổi với ông ta.
Để tránh lạc đề, chúng ta quay lại với Trung Quốc. Người láng giềng khổng lồ phương Bắc – tất nhiên, được Tố Hữu ca ngợi hết lời. Đây, hai câu thơ cực kỳ quen thuộc về mối quan hệ Việt – Trung:
Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương…
Thật là thắm thiết, như anh em một nhà, bên ni hay bên kia thì cũng là quê hương mình cả! Vậy sao? Chúng ta đừng quên hai câu thơ trước đó:
Đồng Đăng đây, nọ Bằng Tường
Song song đôi mặt như gương với hình
Nhưng tháng 2 năm 1979, Tố Hữu là một nhà lãnh đạo cao cấp, đã chứng kiến cuộc xâm lược của những người anh em “bên kia biên giới”. Hai câu thơ ấy bỗng nhiên sụp đổ, cũng như mối quan hệ Việt – Trung vậy. Ông ta nhắc đến Đồng Đăng, lập tức ký ức đưa tôi về những trận đánh ác liệt ngày ấy còn lưu lại trong sử sách, dù bây giờ người ta muốn xóa nó đi. Nhưng điều đó là không thể được, tuyệt đối không thể được!
Đồng Đăng – thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung – Việt, là một trong những nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Quân VN bảo vệ Đồng Đăng chỉ có khoảng 200 người, trong khi đó quân TQ tấn công vào Đồng Đăng có tới 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, 6 trung đoàn pháo binh. Lực lượng phòng thủ VN chiến đấu hết sức ngoan cường dù không được chi viện. Họ hy sinh gần hết nhưng đã giữ vững trận địa cho đến ngày 22.2. 1979, góp phần ngăn chặn bước tiến của quân TQ. Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân TQ chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi giết hết tất cả. Quân TQ tàn ác hơn cả thời Trung cổ, đó là lời lên án của cả thế giới văn minh.
Thập kỷ sáu mươi, có lẽ nhà thơ không còn bất ngờ ở “lòng tốt” của người anh em nữa:
Thù bạn ngày nay có khác xưa,
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa?
Chợ trời thật giả đâu chân lý,
Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa?
Tố Hữu đã nhận thấy sự đối xử giữa người và người với nhau qua cái gọi là “cách mạng văn hóa” TQ:
Trung Hoa ơi Trung Hoa!
Người đi đâu? chiều tà
Nghe Lỗ Tấn gào thét
Ăn thịt người, còn a?
Cách mạng văn hoá TQ mà Mao gọi là “Một trận gió mưa kinh thế giới” – thật khủng khiếp. Họ đối xử như thế với người dân nước họ, ngay trong hàng ngũ lãnh tụ của họ có thể hôm nay “lên voi” thế này, ngày mai đã “xuống chó”. Thế thì, họ đối xử với VN ta ra sao, có lạ gì? Nghe nói khi Lê Duẩn thăm TQ, có người khuyên nên đến chào Lâm Bưu, song ông từ chối. Lê Duẩn nói, hôm nay ông ta (Lâm Bưu) đang lên, nhưng biết đâu ngày mai lại thất sủng. Nếu tôi đến chào, sau này sẽ khó xử. Quả nhiên, sau đó, “người bạn chiến đấu thân thiết” của Mao Chủ tịch bất ngờ lên máy bay chạy trốn bị rơi để đến nỗi phải tan thây trên sa mạc Mông Cổ!
Trở lại với Đường sang nước bạn của Tố Hữu. Một bài thơ đầy sảng khoái, ca ngợi đất nước TQ và Mao Trạch Đông, ca ngợi mối quan hệ anh em hai nước Trung – Việt. Như thường lệ, bao giờ lời thơ Tố Hữu cũng bắt đầu nói về những ngày cơ cực, lầm than, đói khổ khi chưa có đảng, chưa có cách mạng, chưa có lãnh tụ. Rồi bỗng nhiên ta vươn vai đứng dậy, cuộc đời từ đây thay đổi khi đảng đưa ánh sáng về. Có lẽ lời thơ ấy khó có thể gây cho chúng ta cảm xúc gì đặc biệt cả.
Nhưng phải nói hình ảnh một nước TQ mới đẹp lạ thường:
Ôi, buổi bình minh dậy dọc đường
Mướt xanh bờ liễu, vút hàng dương
Trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết
Ngào ngạt đồng xuân mịn phấn hường
Vui nhỉ tiếng cười quanh giếng máy
Hoa đào đôi bím nở trong sương
Làng hay phố đó, tường vôi mới
Băng đã tan trên dòng Trường Giang…
Những câu thơ đầy màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Chúng ta hãy ngắm “Hoa đào đôi bím nở trong sương” – một hình ảnh đẹp, rất TQ mà cũng có thể rất VN! Thế thì, ai có thể xoá được hình ảnh ấy, quan hệ ấy, tình cảm ấy?
Ngày 1.10.1949, trên lễ đài quảng trường Thiên An Môn, Mao vung tay tuyên bố: “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ đây được thành lập”. Người ta khấp khởi hy vọng một nước TQ mới ra đời sẽ hứa hẹn đưa lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân TQ bao đời cực khổ. “Băng đã tan trên dòng Trường Giang…” -một trong những hình ảnh ẩn dụ mà Tố Hữu thường sử dụng.
Nhà thơ vui sướng thốt lên:
Mặt trời lên nắng chói lưng đồi
Hết khổ rồi em nhỉ, Hỉ Nhi ơi !
Em mặc áo hoa, em đi hài ấm
Em nói em cười, má em đỏ thắm
Em đẹp em thơm như quả táo đầu cành
Phơi phới đời em cao vút như dương xanh
Trung Quốc đó. Sức thanh xuân bừng dậy
Quả là Tố Hữu có tài ca ngợi. Đọc những dòng thơ ấy, chúng ta không thể không cảm thấy một sức sống mới, một cuộc đời mới, một ánh sáng mới chiếu rọi vào tâm hồn mỗi con người, cả TQ lẫn VN.
Nhưng liệu Hỉ Nhi đã hết khổ chưa? Người dân TQ đã hết khổ chưa? Còn lâu, hãy đợi đấy, cho đến tận bây giờ. Vào thời gian ấy, khi thăm TQ, không lẽ Tố Hữu không biết các phong trào “Đại nhảy vọt” và “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, “công xã nhân dân” do Mao phát động? Chúng ta không thấy hình ảnh của nó trong Đường sang nước bạn. Tất nhiên, chúng ta không đòi hỏi, bất cứ một sự kiện nào cũng phải đi vào thi ca, nhưng có lẽ sẽ có ích nếu điểm lại một vài sự kiện lịch sử ấy.
Tố Hữu ca ngợi Mao, chắc là dựa vào bài viết của Mao Một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cánh đồng:
Một tia lửa nhỏ
Trong xóm Tương Đàm
Cháy lan dần, đỏ khắp Hồ Nam
Sau ngày lập nước, rất nhanh chóng, những “Hỉ Nhi” và người dân TQ bị cuốn vào dòng xoáy của các phong trào nói trên. Toàn dân làm gang thép nhằm đuổi kịp và vượt Anh, Mỹ. Khẩu hiệu, người muốn bao nhiêu, đất sẽ cho sản lượng bấy nhiêu. Cả nước ăn chung một nồi cơm to bằng các nhà ăn tập thể. Rồi đến lúc tại các nhà ăn tập thể cháo loãng cũng không có mà ăn nữa.
Chu Đức phát biểu trong một cuộc họp, “nhà ăn tập thể có tan rã hết cũng chẳng sao” làm Mao rất tức giận, ông ta luôn ghim câu nói ấy trong bụng.
Mao:
- Tổng tư lệnh, tôi tán thành cách nói của ông, nhưng lại có chỗ khác với ông: không cần thì không tan rã, không thể tan rã nhiều, tôi thuộc phái trung gian.
Ấy thế mà khi Khơrútsốp thăm TQ lần thứ hai, sau Tố Hữu một thời gian ngắn, Mao và Lưu Thiếu Kỳ đón Khơrútsốp, vừa đi vừa nói chuyện, vào phòng khách sân bay.
Mao:
- Hiện nay, tại TQ quả thực đã xuất hiện đại nhảy vọt, tình hình nông thôn khá tốt.
Lưu Thiếu Kỳ tiếp lời:
- Hiện nay, điều chúng tôi lo không phải là vì lương thực không đủ ăn mà là lương thực đã nhiều, chưa biết làm thế nào.
Khơrútsốp mỉm cười khó hiểu nói:
- Dễ thôi. Lương thực nhiều, các đồng chí chưa biết làm thế nào thì có thể cho chúng tôi!?
Trên thưc tế, mấy chục triệu người dân TQ bị chết đói bởi sự lãnh đạo “sáng suốt” của ĐCS TQ và “Người cầm lái vĩ đại”. Phải chăng, đó là “sức thanh xuân bừng dậy” của TQ?
Trở lại với hội nghị Lư Sơn, Nguyên soái Bành Đức Hoài – người đã từng là Tổng tư lệnh Chí nguyện quân TQ tại chiến trường Triều Tiên, trong khi khảo sát tình hình trong nước, chứng kiến nhiều gia đình TQ năm người mặc chung một cái quần, rất đau lòng. Trong khi đó, Mao say sưa vào các báo cáo láo, thổi phồng thành tích, lại còn chìm đắm trong hoan lạc. Nhiều lần ông tìm gặp Mao để nói hết các vấn đề, song không thể gặp được. Cuối cùng, ông quyết định viết thư cho Mao.
Nhận được thư Bành Đức Hoài, khối óc sáng suốt và nhạy bén của Mao bắt đầu hoạt động. Ông ta suy xét giữa lịch sử và hiện thực, giữa hiện tượng và bản chất, giữa lý tưởng và ảo mộng, giữa sự nghiệp và uy quyền. Ông ta vận dụng thành thạo chủ nghĩa Mác, các quy luật lịch sử mà ông ta nhìn xuyên suốt được trong các bộ sách lịch sử TQ, đưa đến một nhận định: đây là một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt! Và kể từ đó, Bành Đức Hoài phải rút khỏi hạt nhân lãnh đạo, biến mất trên vũ đài chính trị TQ.
Đó là “đại nhảy vọt”, còn “đại cách mạng văn hóa” thì sao? Hơn mười năm sau, trong Qua biên giới, Tố Hữu đã thấy rõ, cái gọi là “cách mạng văn hóa”:
Máy bay qua biên giới
Ghé tạm xuống Nam Ninh
“Cách mạng văn hóa” mới
Nhí nhố hồng vệ binh

Ảnh to và ảnh nhỏ
Nghìn triệu còn một Ông
Mấy chú giơ sách đỏ
Muôn năm Mao Trạch Đông !
Có vẻ như cách nhìn của Tố Hữu về Mao đã có chỗ khác trước, không phải theo kiểu một tia lửa nhỏ lan dần khắp TQ nữa.
Cách mạng văn hóa do Mao phát động và lãnh đạo. Luận điểm chủ yếu của ông ta là: một nhóm đông những người đại diện cho giai cấp tư sản và những phần tử theo chủ nghĩa xét lại phản cách mạng đã lọt vào đảng, chính phủ, quân đội. Phái chạy theo tư bản hiện đang nắm quyền trong đảng. Những cách đấu tranh trong thời gian qua đều không thể giải quyết vấn đề. Chỉ có thực hiện Đại cách mạng văn hóa, phát động quần chúng một cách công khai, toàn diện thì mới có thể đoạt lại quyền lực. Đó chính là luận điểm “tiếp tục làm cách mạng trong điều kiện chuyên chính vô sản” nổi tiếng của Mao.
Lần này, nhà thơ đã hiểu rõ nội tình TQ, đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện vừa lạ lùng, vừa khó hiểu, vừa đau lòng:
Phố lặng không tiếng cười
Tường dài đen chữ báo
Đăm đăm những mặt người
Giặc đâu mà nã pháo
Nhìn tổng quát, Qua biên giới là một tiếng thở dài, một sự thất vọng não nề với cuộc “cách mạng văn hóa” của “người anh em” TQ, một nỗi buồn ghê gớm xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Một cách gián tiếp, Tố Hữu cho chúng ta thấy, ông hiểu mặt trái của “cách mạng văn hóa”, không tán thành cách làm ấy của TQ; đồng thời, qua bài thơ, Tố Hữu cũng nêu lên nhiều sự kiện trái tai gai mắt, không thể chấp nhận được ở TQ.
TQ luôn luôn gây bất ngờ cho VN và thế giới, không phải chỉ thời Tố Hữu. Mới đây nhất, không cần che đậy những mỹ từ ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, TQ trả đũa việc VN thông qua Luật Biển bằng cách triệu đại sứ VN tại TQ lên phản đối, tuyên bố thông qua việc lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” ở cấp vùng nhằm quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của VN. Sự kiện nghiêm trọng nhất, Tổng công ty dầu khí hải dương TQ – tất nhiên, với sự cho phép của Chính phủ TQ, đã bất ngờ và ngang ngược thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, là vùng hoàn toàn không có tranh chấp. Chưa hết, Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố TQ “sẵn sàng chiến đấu” trên các vùng nước mà họ cho là thuộc chủ quyền của TQ trên Biển Đông. Và, TQ có thể sẽ thành lập Bộ tư lệnh quân sự của cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Chắc chắn, sự đe dọa của TQ không dừng lại ở đó.
Vậy thì cái nhìn “biện chứng” đối với TQ là cái nhìn như thế nào? Hãy nói với họ, các anh giống như những kẻ ăn cướp – đó mới thật sự là cái nhìn biện chứng.
Cho nên, ngay từ những năm sáu mươi, phải công nhận Tố Hữu đã có một cái nhìn khá sáng suốt khi theo dõi và chứng kiến cuộc “cách mạng văn hóa” TQ. Làm sao lại có thể mơ hồ về TQ được?
Không chỉ là Tố Hữu, ngay cả Chu Ân Lai cũng không dự đoán nổi điều gì sẽ xẩy ra tiếp theo trong “cách mạng văn hóa”. Ông ta nói, “cục diện lớn như thế, quả trong cơn mộng mị cũng không thể ngờ tới”.
Đối với Hồng vệ binh, Tố Hữu dùng từ “nhí nhố” để chỉ họ: “Nhí nhố Hồng vệ binh”, có ý châm biếm, tỏ ra không ưa họ, coi thường họ. Nhưng, Hồng vệ binh TQ ghê gớm hơn nhiều, đâu phải “nhí nhố” không thôi.
Chỉ trong một tháng, Hồng vệ binh Bắc Kinh đã nổi lên phong trào phá bỏ “tứ cựu”, đánh chết trên một ngàn người, trên mười ngàn gia đình bị lục soát, càn quét, đuổi khỏi nội thành. Lại cho rằng, các cửa hàng cắt tóc đều là giai cấp tư sản, không cần nữa. Tài sản của giai cấp tư sản không được sử dụng, phải đốt hết. Các nhà lão thành cách mạng, các giáo sư Đại học… bị đấu đến chết. Không khí khủng bố bao trùm cả nước TQ.
“Cách mạng văn hóa Trung ương” gọi Hồng vệ binh là “Đội tiên phong cách mạng của giai cấp vô sản”, chiến quả là đã đánh cho thế giới cũ tan nát, tơi bời, đánh cho giai cấp tư sản uy phong xuống bùn đen, diệt trừ mê tín, tiêu diệt chủ nghĩa tư bản…
Tố Hữu kết thúc bài thơ Qua biên giới với câu hỏi lớn:
Trung Hoa ơi Trung Hoa!
Người đi đâu? chiều tà
Nghe Lỗ Tấn gào thét
Ăn thịt người, còn a?
Ở đây, chúng ta chú ý chi tiết “ăn thịt người” mà Tố Hữu nhắc đến trong tiểu thuyết Nhật ký người điên của Lỗ Tấn, trùng hợp với suy nghĩ của Lê Duẩn trong ghi chép của ông. Lê Duẩn viết: “Phải xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Muốn có hạnh phúc cho nhân dân phải giàu mạnh và hùng cường. Đó là vì vị trí lịch sử và địa dư của Việt Nam. Không thể khác được. Vì chúng ta ở bên cạnh một nước mà lịch sử của nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người”.
Bài học lớn đối với chúng ta, kết bạn với một nước mà “nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người”, cần phải có đối sách ra sao?
Trong Qua biên giới, Tố Hữu nói về người TQ, còn Qua Liễu Châu, Tố Hữu lại nhớ về một người VN:
Tàu qua ga Liễu Châu
Bác xưa tù nơi đâu ?
Đêm rét, tê xiềng xích
Thương Nước, dài tóc râu.
Tháng 8.1942, Hồ Chí Minh qua TQ, bị bọn Quốc dân đảng bắt giam, bị trói và bị giải đi suốt 18 ngày, từ trại giam này đến trại giam khác, sau đó về giam ở Liễu Châu. Chính thời gian này, tập thơ Ngục trung nhật ký nổi tiếng của Hồ Chí Minh ra đời.
Qua Liễu Châu, Tố Hữu cảm khái về lãnh tụ của mình, song ông lại không nhắc đến một sự kiện đặc biệt tại Liễu Châu – tháng 7.1954, Hội nghị Liễu Châu giữa VN và TQ nhằm khai thông bế tắc cho Hội nghị Genève về Đông Dương. Trưởng đoàn đàm phán của VN ở Genève là Phạm Văn Đồng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng vạch ra ý tưởng táo bạo, giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam Bắc VN là vĩ tuyến 13. Các nước phương Tây phản đối dữ dội phương án này, còn TQ cảm thấy vô cùng tế nhị nhưng không tiện nói.
Từ Genève, Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương, nhân dịp Ngoại trưởng các nước rời Hội nghị Genève, “tôi cần phải, sau khi thăm Ấn Độ và trên đường về nước, giữa đường cùng đoàn đi Nam Ninh, Quảng Tây, mời mấy vị phụ trách Trung ương ĐLĐ VN để tôi báo cáo tình hình với họ, thuyết minh trọng điểm phương châm chia vùng”. Nhận thấy Nam Ninh tương đối gần VN, khó bảo mật, Chu lại chỉ thị dời hội nghị về Liễu Châu.
Tham dự Hội nghị Liễu Châu, phía VN có Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Hoan. Trên đường đi Liễu Châu, các địa phương TQ chiêu đãi, ăn thịt gà rất nhiều. Người ta thấy Võ Nguyên Giáp thường gắp thức ăn cho Hồ Chí Minh, đủ thấy quan hệ thân thiết của họ. Còn phía TQ có Chu Ân Lai, các trợ thủ là Kiều Quán Hoa, Chương Văn Tấn, phiên dịch Trương Dực, thư ký đối ngoại Mã Liệt, các cố vấn trở về từ VN. Có thể thấy, nhân tài TQ tại Hội nghị Liễu Châu rất đông.
Phiên họp đầu tiên, Hồ Chí Minh mời Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự trên bản đồ. Lúc này, cả miền Bắc và miền Trung VN hầu như một màu đỏ, màu giải phóng. Quân Pháp chỉ còn giữ được hai khu vực: trên miền Bắc, Hà Nội và một số tỉnh chung quanh, vùng ven biển từ Hải Phòng đến Móng Cái; ở miền Trung, một số thành phố thị xã ven biển nam Quảng Bình, qua Huế, Đà Nẵng, Hội An.
Chu Ân Lai nói, “chúng ta nên tranh thủ hoà bình, mở rộng lực lượng hoà bình. Phải phát triển hoà bình khiến Mỹ không thể tìm được cớ gây chiến. Phải đề phòng Mỹ can thiệp vũ trang vào ba nước Đông Dương. Ông ta chỉ ra, áp dụng mô hình Triều Tiên vào vấn đề VN, vạch ra một giới tuyến tạm thời, xem ra phải cắt miền Nam, miền Nam tạm thời không có lợi. Nhưng có thể chờ đợi bầu cử, và có thể giành thắng lợi trong bầu cử. Vấn đề là phải nhìn về lâu dài, nếu Mỹ tiến hành can thiệp thì có khả năng mọi cái đều mất hết”.
Ông ta nói, Pháp khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, Anh, Pháp, Mỹ đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17.
Cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều ngỡ ngàng. Hai người phải chăm chú nhìn trên bản đồ mới thấy dòng sông Bến Hải nhỏ ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị.
Hồ Chí Minh nói, so sánh lực lượng hiện nay cho thấy, VN đề ra vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 là không thể chấp nhận, chí ít phải vĩ tuyến 16.
Trước khi đoàn VN về nước, Chu nói với Hồ Chí Minh, “cố gắng hết sức thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Vì ở xa không có điều kiện trao đổi, nếu việc đấu tranh xác định ranh giới tạm thời gặp khó khăn, vạn bất dắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17, mong Hồ Chủ tịch chú ý vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tranh thù cho được hòa bình và những điều kiện để hòa bình thống nhất VN”.
Lịch sử cho thấy, việc chia cắt VN đã diễn ra đúng như dự tính của Chu Ân Lai.
Rồi người Mỹ đổ quân vào VN. Thơ Tố Hữu bừng bừng cổ vũ mọi người VN Ra trận. Trong khi LX – thành trì của cách mạng thế giới còn im lặng, chưa tỏ thái độ ủng hộ VN thì TQ khác hẳn:
Sáng rồi ! Rộn rã trong tim
Đường về phơi phới, cánh chim tung hoành
Cờ bay Vạn lý trường thành
Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng
Bạn mừng ta những chiến công
Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương
(Nhật ký đường về)
Mao tuyên bố ủng hộ VN: “Bảy trăm triệu nhân dân TQ là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân VN, đất nước TQ bao la rộng lớn là hậu phương đáng tin cậy của nhân dân VN”.
Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. TQ làm gì đều có tính toán sâu xa. Hãy nghe Tố Hữu Tâm sự:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn diệt thù
Mỹ hại trăm nhà lo diệt trước
Rắn mình em chịu có sao đâu
Rồi Tố Hữu tiễn người bạn chí thân Nguyễn Chí Thanh lên đường vào Nam:
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
(Tiễn đưa)
Hoài Thanh không hiểu, hỏi Tố Hữu: “Sao anh lại “đả” văn chương như vậy?”. Số là, lúc bấy giờ, TQ hay dùng văn chương lý luận, luận đi luận lại rằng họ mới cách mạng, mới Mác-Lênin, còn VN không cách mạng bằng. Tố Hữu đáp lại, đánh Mỹ mới là cách mạng, mới là Mác-Lênin, chớ không phải lý luận suông bằng giấy, bằng mồm như TQ.
Nhưng hiên nay, trong bối cảnh TQ đang trở thành một siêu cường, một “đế quốc” mới, chắc rằng họ sẽ không “lý luận suông bằng mồm” nữa. Chính vì lẽ đó, tìm hiểu một chút về TQ trong thơ Tố Hữu cũng đưa đến cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Đó là đôi điều tôi muốn nói thêm khi kết thúc bài viết này.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: