Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Trung Quốc khống chế các nước khác như thế nào?


Ngọc Trân

Trung Quốc đã và đang vươn lên vị trí cường quốc không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Song hành với sự lớn mạnh đó là nỗi lo âu của nhiều bậc thức giả cũng như nhiều quốc gia.

Trấn áp Tây Tạng

Sau khi xâm chiếm và sát nhập Tây Tạng vào lãnh thổ của mình, Trung Quốc gia tăng sức ép với các quốc gia để triệt tiêu tất cả những ý định hậu thuẫn cho dân chúng Tây Tạng.

Tuy Đức Đạt Lai Lạt Ma – lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đã phải sống lưu vong, song Trung Quốc vẫn tìm đủ mọi cách để cô lập ngài, nhằm xoá hẳn ký ức về một Tây Tạng đã từng tồn tại với thế một quốc gia độc lập.

Năm 2008, khi ông Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc không những chỉ trích kịch liệt hành động này mà còn hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Liên minh Châu Âu, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm 2008. Trung Quốc còn hăm dọa tẩy chay hàng hóa Pháp cũng như hủy bỏ các hợp đồng trị giá nhiều tỉ đô la với Pháp.

Tháng trước, Trung Quốc cũng ứng xử tương tự với Hoa Kỳ, khi Tổng thống Barack Obama tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trung Quốc đã cảnh cáo Hoa Kỳ rằng, việc đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến quan hệ Trung - Mỹ. 

Trước cuộc tiếp kiến, ông Chu Duy Quần, một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dọa: "Nếu lần này, lãnh đạo Hoa Kỳ quyết định gặp Đạt Lai Lạt Ma, điều đó sẽ hủy hoại sự tin tưởng và hợp tác giữa hai nước Trung - Mỹ, và làm sao có thể giúp được Hoa Kỳ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay?"

Rồi sau khi tổng thống Obama tiếp kiến vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh đến để bày tỏ điều mà Trung Quốc gọi là “sự bất mãn sâu sắc”. Ông Chu Duy Quần nói: "Chúng tôi sẽ có hành động tương ứng để làm cho các quốc gia có liên quan thấy được những sai lầm của mình."  

Phát biểu tại một buổi họp báo hồi cuối tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo cáo buộc rằng, cuộc gặp giữa tổng thống Obama với Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những nguyên nhân làm cho quan hệ hai nước xấu đi, vì “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc.

Cai trị Tân Cương

Số phận Tân Cương, một quốc gia bị biến thành khu tự trị thuộc Trung Quốc, cũng vậy.
Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền, sau khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát Tân Cương vào năm 1949, tỷ lệ người gốc Hán tại đây đã tăng từ 6% lên 42% chưa đầy ba thập niên sau đó. Hiện tại người Hán chiếm hơn 75% dân số ở thủ phủ Tân Cương.

Mặc dù được gọi là “khu tự trị” nhưng người gốc Hán nắm giữ hầu hết vị trí quan trọng trong bộ máy hành chánh. Trung Quốc liên tục bị tố cáo là đang tiêu diệt nền văn hóa của dân Duy Ngô Nhĩ.

Bí thư Tân Cương là ông Vương Lạc Tuyền từng tuyên bố: "Công việc quan trọng mà chính quyền Tân Cương phải đối mặt là quản lý tôn giáo và đưa nó xuống hàng thứ yếu. Nhiệm vụ chính là xây dựng kinh tế, thống nhất đất đất nước, và đoàn kết dân tộc."

Cũng như Đức Đạt Lai Lạt Ma, bà Rebiya Kadeer, Chủ tịch tổ chức mang tên Đại hội Uighur Thế giới và là lãnh tụ tinh thần của người Duy Ngô Nhĩ, cũng bị Trung Quốc cô lập trong quan hệ với quốc tế.

Tháng 7 năm ngoái, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật đã lên án Nhật kịch liệt khi Nhật tiếp bà Kadeer và cũng hăm dọa điều đó sẽ làm tổn hại quan hệ Trung – Nhật.

Vào thời điểm này, trả lời đài truyền hình ABC của Úc, bà Kadeer kể về đời sống của dân Duy Ngô Nhĩ, tại Tân Cương dưới sự cai trị của Trung Quốc:

"Tình trạng của người dân Duy Ngô Nhĩ rất giống với người dân Tây Tạng. Chúng tôi cùng chịu đựng sự đàn áp, dưới cùng một chính phủ. Đã trải qua một thời gian dài, người dân Duy Ngô Nhĩ không thể cất tiếng nói của mình với thế giới như những người anh em Tây Tạng của chúng tôi. 

Người dân Duy Ngô Nhĩ chúng tôi chỉ có ba sự lựa chọn để sống dưới sự cai trị của Trung Quốc: Một là nhà tù, hai là lưu vong, ba là ăn ba bữa ăn mỗi ngày và phải làm tất cả mọi thứ mà chính quyền Trung Quốc bắt chúng tôi làm. Với những người lên tiếng phản kháng, họ sẽ bị bắt, bị bỏ tù và nhiều trường hợp bị kết án tử hình trong một phiên xử kín."

Áp đảo Đài Loan

Không riêng Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan cũng bị Trung Quốc cô lập với cộng đồng quốc tế. Chỉ có một sự khác biệt là Đài Loan vẫn giữ được lãnh thổ và chính quyền.

Năm 1952, Đài Loan từng được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia nhưng đến năm 1971, do tác động của Trung Quốc, Đài Loan bị loại ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Từ đó đến nay, Trung Quốc không ngừng gây sức ép, ngăn chặn cộng đồng quốc tế đối xử với Đài Loan như một quốc gia độc lập. Đó là lý do tại sao ở Việt Nam, khi đề cập đến Đài Loan, chính quyền và báo chí Việt Nam xếp Đài Loan vào dạng “vùng lãnh thổ” chứ không gọi “nước Đài Loan”.

Chính sách “một Trung Quốc” mà Trung Quốc đề ra vào thập niên 1990, xác định,  chỉ có một nước Trung Quốc bao gồm: Trung Quốc đại lục, HongKong, Macau và Đài Loan.

Chính sách “một Trung Quốc” buộc tất cả các nước muốn quan hệ ngoại giao với Trung Quốc phải chấm dứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Đài Loan.

Năm 2005, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là ông Khổng Tuấn, tuyên bố khi Hoa Kỳ dự định tiếp ông Lý Đăng Huy, cựu Tổng thống Đài Loan:

"Chúng tôi cực lực phản đối Hoa Kỳ cho phép ông Lý Đăng Huy đến thăm. Các hoạt động của ông Lý Đăng Huy và những người như ông đi ngược lại nguyện vọng của người dân Trung Quốc và cả đồng bào Đài Loan. Chúng tôi phản đối chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Lý, dưới bất cứ hình thức hoặc danh nghĩa nào."

Năm 2006, cũng do sức ép của Trung Quốc, ông Trần Thủy Biển, Tổng thống Đài Loan, đã phải hủy kế hoạch dừng chân tại Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm các nước Nam Mỹ. Do sức ép của Trung Quốc, Hoa Kỳ chỉ cho phép phi cơ của ông Trần Thủy Biển được ngừng tại Alaska để tiếp nhiên liệu và tổng thống Đài Loan không được ra khỏi máy bay.

Những gì đã và đang xảy ra với Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan sẽ lập lại với biển Đông của Việt Nam? Thực tế đang khiến nhiều người phải tự hỏi như vậy. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: