Biển Đông: Ta đi đến đâu đây, đại huynh?
Trong khi phái đoàn Trung Quốc đang nói chuyện với giới lãnh đạo Việt Nam, thì một giàn khoan dầu khác đã di chuyển về phía nam.
Dương Khiết Trì (trái), Phạm Bình Minh (phải). Nguồn ảnh: AFP.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đến Hà Nội vào hôm 18/6, dự cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh triển khai giàn khoan nước sâu Haiyang Shihua 981 (HY 981), vào đầu tháng 5, để thăm dò dầu khí ở một địa điểm có tiềm năng, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Gần như chắc chắn không phải là một sự tình cờ khi các hãng thông tấn, cùng ngày, đều đưa tin về một thông báo có nguồn từ chi nhánh Hải Nam của cục An ninh Hàng hải Trung Quốc, rằng một giàn khoan nước sâu nữa đang được kéo về phía nam, theo hướng song song với bờ biển miền Trung Việt Nam. Giàn khoan Nanhai Jiuhao (Nam Hải số 9), mới được một công ty con thuộc Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mua vào cuối năm ngoái từ Transocean Ltd, một tập đoàn đa quốc gia đặt tại Thụy Sĩ. Theo một website chuyên gia, giàn khoan nửa chìm nửa nổi này có thể khoan dầu ở vùng biển sâu tới 1500 mét, và đi xuyên vào đáy biển khoảng 15.000 mét.
Phái viên của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, cũng là vị quan chức mấy năm về trước đã nổi nóng trong một cuộc họp của ASEAN mà nhắc nhở các đối tác rằng “Trung Quốc là nước lớn, còn các vị là nước nhỏ, đấy là thực tế”.
Dương bây giờ đã được luân chuyển công tác sang vị trí Ủy viên Quốc vị viện, chưa kể còn là đồng chủ tịch các phiên họp thường niên của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Trung-Việt. Suốt nhiều tuần qua, chính quyền Hà Nội đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh thảo luận về vụ HY 981. Bắc Kinh nói họ sẵn sàng, nhưng chỉ là khi nào Hà Nội công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển nơi HY 981 và đội tàu hộ tống nó được triển khai. Cuộc gặp song phương, vốn được lên kế hoạch từ lâu, đã gợi mở một hướng thoát khỏi thế bế tắc.
Nhưng mọi sự đã không bắt đầu một cách thuận lợi. Vào chiều tối ngày 18/6, về phía Việt Nam, không có tuyên bố nào được đưa ra, nhưng tại nghi thức chụp ảnh thường lệ, điều đáng chu ý là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có thể hiện một ánh mắt lạnh lùng. Theo AFP, một nữ phát ngôn viên của Trung Quốc cho biết, tại cuộc họp với ông Minh và buổi gặp sau đó với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Dương đã nói với cả hai ông kia rằng Việt Nam “phải ngừng quấy rối các hoạt động [khoan thăm dò] của Trung Quốc và chấm dứt thổi phồng (cường điệu hóa) các vấn đề liên quan.”
Điều các quan chức cấp cao này nói trong các cuộc họp kín thì chỉ có thể đoán. Các cuộc gặp cho Dương cơ hội ngăn cản ông Dũng và ông Minh, không cho họ thực hiện những kế hoạch đang được thảo luận nhiều, là đưa đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án Luật Biển Quốc tế, và cũng tạo cơ hội cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gây ấn tượng vớiDương rằng sự hung hăn trơ tráo của Trung Quốc đã gây hại cho lập trường của những người bạn còn sót lại của Bắc Kinh ở Hà Nội.
Trong khi đó, giàn khoan mới đang di chuyển về phía nam với tốc độ 4 hải lý/giờ; cứ theo tốc độ này nó sẽ đến gần giàn khoan HY 981 trong khoảng ngày 21 tháng 6. Đó có thể là đích đến của Nam Hải 9, nhưng cũng có thể thấy là nó sẽ cứ đi tiếp, nhằm hướng đông nam, qua Biển Đông để đến bãi Cỏ Rong.
Vùng biển nước sâu ngoài khơi Việt Nam, nơi HY 981 đang khoan dầu và cũng là nơi mà, gần hơn về phía bờ, Exxon Mobil đã đạt được một số kết quả thăm dò đáng khích lệ. Vùng này làbể Phú Khánh, vốn được coi là nơi có triển vọng dầu khí chỉ đứng thứ hai ở Biển Đông. Nơi có triển vọng dầu khí nhất, đi xuống phía dưới, là bãi Cỏ Rong, một rặng “núi bàn” nằm trong vùng nước nông ở giữa Philippines và hàng chục những vỉa san hô và đảo rất nhỏ tạo thành quần đảo Trường Sa. Manila đã lệnh cho một công ty Philippines, Philex Petroleum, bắt đầu thử thăm dò ở bãi Cỏ Rong từ năm 2015.
Đấy chính là kiểu “khiêu khích” mà Bắc Kinh có lẽ sẽ vội vàng tìm cách chặn trước.
Tác giả: David Brown
Người dịch: Đoan Trang
Asia Sentinel
—–
(*) Cái tựa ban đầu của tác giả là: South China Sea: Where Now, Big Brother?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét