Hình ảnh chụp bãi Gạc Ma thấy rõ công sự và đường băng mà Trung Quốc đang xây dựng.
Những tấm ảnh này được chụp từ trên không và Bộ ngoại giao Philippines cho biết họ thu được nguồn tin tình báo của Philippines. Chú thích trên ảnh cho biết việc "khai hoang mở rộng" của Trung Quốc trên Johnson South Reef (tên quốc tế của bãi Gạc Ma) đang gây mất ổn định trong khu vực.
Charles Jose, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines cho biết những tấm ảnh này thể hiện sự hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề lấn chiếm trên biển Đông. Ông Jose cũng nhắc lại Trung Quốc năm 2002 đã có một thỏa thuận với 10 nước ASEAN về việc tránh các hoạt động có thể "làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp" trong khu vực không có người ở trên biển Đông.
Điều đó có nghĩa là các bên liên quan chấp hành việc không xây dựng căn cứ quân sự hay sân bay ở những bãi đá như Gạc Ma mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép.
"Chúng tôi muốn cho mọi người thấy hành động (của Trung Quốc) là một phần của cách hành xử hung hăng mà họ thực hiện để khẳng định thứ yêu sách đang vi phạm DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông), được ký kết bởi chính Trung Quốc, Philippines và 9 thành viên ASEAN khác”, ông Jose nói.
Một trong những hình ảnh cho thấy một đường ống dài kết nối với một tàu nạo vét lớn trên các cạnh phía tây bắc của rạn san hô. Ngoài ra, hình ảnh còn cho thấy một tòa nhà bê tông, có khả năng là tiền đồn của Trung Quốc trên các rạn san hô, nằm bên bờ phía nam của hòn đảo nhỏ nổi lên. Trên ảnh, người ta cũng nhìn ra một con tàu đang neo đậu gần đó.
Một đường ống nối bãi đá ra tàu |
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết hôm thứ Tư rằng những tấm ảnh không cho thấy rõ ràng những gì Trung Quốc sẽ xây dựng trên bãi đá, nhưng nhiều khả năng đó là một đường băng.
Một quan chức cấp cao (đề nghị giấu tên) của chính phủ Philippines cho biết Trung Quốc cũng có thể sử dụng công sự trên bãi Gạc Ma như một căn cứ quân sự kiêm trung tâm cung cấp nhiên liệu. Ông cũng cho biết hành động đáng ngờ của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma được phát hiện bởi máy bay không quân từ 6 tháng trước.
AP nhận định dù là một đường băng hoặc một căn cứ quân sự trên bãi Gạc Ma thì nó cũng sẽ thúc đẩy sự di chuyển của lực lượng hải quân và không quân của Bắc Kinh xuống khu vực phía Nam biển Đông.
Bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 1988, Hải quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm bãi đá này. Trong cuộc chiến bảo vệ bãi đá, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh anh dũng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét