(Kênh 13) – Chính hành động ngang nhiên đưa giàn khoan phi pháp vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc đã giúp chúng ta nhận ra một số cơ hội lớn…
- Mặc dù việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, Việt Nam cũng đã và đang dồn hết tâm sức, trí tuệ để đối phó với hành động ngang ngược, phi pháp này của Trung Quốc, song vẫn không thể phủ nhận, chính hành động này đã giúp Việt Nam nhận ra một số thời cơ của mình, như sức mạnh, sự đoàn kết dân tộc; tách và giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, tăng cường công tác quốc phòng…
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Khi tình hình căng thẳng Biển Đông quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 trái phép mà Trung Quốc hạ đặt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam đang leo thang thì một số chuyên gia đã đưa ra lời nhận định với một số hãng thông tấn trong và ngoài nước rằng, sự kiện này biết đâu lại là cơ hội để giúp Việt Nam bớt “nhập siêu” trong cán cân thanh toán mậu dịch với Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,3 tỷ USD, chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến gần 37 tỷ USD – gồm nguyên vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, hàng tiêu dùng…
Đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày – lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, nguyên liệu phần lớn nhập từ Trung Quốc. Đồng thời, các mặt hàng thời trang Trung Quốc lâu nay cũng chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam. Được biết từ giữa tháng 5/2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã yêu cầu các công ty trong ngành chủ động tìm kiếm các thị trường khác để nhập nguyên liệu.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết, Trung Quốc đang có xu hướng chuyển các đơn hàng sang Việt Nam và các nhà máy sản xuất nguyên liệu cũng rất cần bán hàng. Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam. Đặt giả thiết nếu Trung Quốc ngưng xuất nguyên vật liệu, thì thật ra chỉ những ngành sản xuất các mặt hàng cấp trung và thấp mới bị ảnh hưởng. Và về lâu về dài, thị phần của Trung Quốc tại Việt Nam sẽ bị các nước khác giành mất.
Còn hàng Việt xuất qua Trung Quốc thì đa số là nông sản – mà người dân Việt Nam vẫn bán qua biên giới dù đã không ít lần gặp rủi ro khi làm ăn với khách hàng Trung Quốc. Nếu bị trắc trở, đây sẽ là dịp khiến nông dân và thương nhân phải tìm cách nâng cao chất lượng để bán được hàng hóa với giá cao hơn.
Bên cạnh đó, “công xưởng thế giới” Trung Quốc không phải một sớm một chiều là thay đổi được cơ cấu sản xuất, trong khi người tiêu thụ Việt vốn dễ tính hơn một số nước láng giềng khác.
Ông Diệp Thành Kiệt tin rằng với giá lao động ngày càng cao, Trung Quốc không chỉ xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ, mà nhiều nhà đầu tư của nước này còn tìm cách dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam để giảm giá thành.
Thật ra, các hiệp định tự do thương mại (FTA) đã có và đang được đàm phán cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – nếu đàm phán thành công – sẽ là một trong những lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam để có thể bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Dư luận cho rằng “trong cái rủi, có cái may”. Việt Nam có cơ may dần dần thoát khỏi tình trạng hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường, nuốt chửng lợi nhuận và khiến cho một bộ phận kinh tế bị ràng buộc vào “người khổng lồ phương bắc”.
Còn theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR, cú “sốc” trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới kinh tế. Tôi nhìn nhận rằng, khi mối quan hệ kinh tế tốt đẹp thì mọi thứ đều trôi chảy, khi không tốt đẹp mà chúng ta lại bị lệ thuộc giao thương quá nhiều thì tôi nghĩ Việt Nam cần phải có sự chuyển hướng.
Thứ nhất là tăng cường khả năng sản xuất, về cung ứng nguyên liệu, vật liệu. Thứ hai là tìm những đối tác tương đương hoặc có chất lượng tốt hơn Trung Quốc như các thành viên trong ASEAN, Hàn Quốc (hiện nay khả năng thay thế đầu vào rất tốt).
Để làm được điều này thì về mặt nội bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phải linh hoạt hơn, đặc biệt là cần một sự phát triển nhiều hơn và tự tìm kiếm những nguồn thay thế. Khu vực DNNN cũng như khu vực đầu tư công cũng cần có những kế hoạch hỗ trợ, không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu cũng như các nguồn cung ứng từ Trung Quốc mà hiện nay chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào đó.
Chẳng hạn như ở lĩnh vực du lịch, giữa Việt Nam và Trung Quốc, bình thường lượng khách đi lại rất nhiều, nhưng bây giờ sẽ bị giảm. Hay như nguồn thu mua xuất khẩu về nông sản, gạo, cao su sang Trung Quốc cũng ảnh hưởng nhiều. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước khác trên thế giới cũng phụ thuộc ở mặt này vào kinh tế Trung Quốc.
Thế nhưng, Việt Nam là một nền kinh tế có quy mô nhỏ nên chúng ta có thể linh hoạt để tìm những đối tác, bạn hàng tương ứng, không phụ thuộc quá nhiều.
Ngược lại, chúng ta cũng nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc về nguyên phụ liệu, hàng hóa, máy móc vì hàng hóa của Trung Quốc tương đối rẻ và cho phép các doanh nghiệp Việt Nam quay vòng vốn nhanh hơn mà chất lượng vẫn vừa phải.
“Bây giờ, tôi nghĩ là doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận lại vấn đề để có thể hướng tới tái cơ cấu chu trình sản xuất của mình. Có thể nhập khẩu hàng hóa có vốn đắt hơn từ Hàn Quốc, các nước ASEAN, thậm chí từ châu Âu, châu Mỹ và đồng thời cũng kéo dài chu trình sản xuất của mình ra, không quay vòng vốn nhanh như trước đây.
Đấy là cách mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm, phải đối mặt nhưng đồng thời cũng tránh được những rủi ro với sự bất nhất, sự không thể dự báo trước trong quan hệ với Trung Quốc”, TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Đoàn kết dân tộc, nâng cao sức mạnh Việt Nam
Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston cho hay: “Tôi rất vui khi thấy nhiều nước trên thế giới lên án hành động của Trung Quốc và rất đáng mừng là Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của thế giới.
Thêm vào đó, người dân cả trong nước và ngoài nước đã rất năng nổ trong việc chống lại hành động sai trái của Trung Quốc. Trước đó, đã có những hiểu lầm ở ngoại quốc là Việt Nam trao đất trao biển cho Trung Quốc. Nhưng quan điểm của chính phủ Việt Nam vừa rồi rất rõ ràng, nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, sẽ có những biện pháp kế tiếp, và điều này đã xóa được những sự hiểu lầm trước kia và do đó nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam trên khắp thế giới.
Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã tạo ra một phản ứng mạnh tại cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ lần đầu tiên thấy Trung Quốc trực tiếp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hết sức ngang ngược, phi pháp, vô đạo. Họ có trao đổi bàn luận nhiều trong cộng đồng, tất cả đều chống đối”.
Theo ông Nguyễn Bá Chung, chính hành động vừa qua của Trung Quốc đã khiến cộng đồng người Việt ở nước ngoài gần gũi hơn với cộng đồng trong nước. Còn với giới học giả tại Mỹ nói chung và tại Boston nói riêng, họ đều thấy việc làm của Trung Quốc là không hợp lý. Vấn đề họ bàn thảo hiện nay là Mỹ nên làm gì để đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tăng cường quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa cho biết, trong các cuộc tiếp xúc song phương bên lề Đối thoại Shangri-La 2014 (từ ngày 30/5 tới 1/6/2014 tại Singapore), lãnh đạo bộ quốc phòng nhiều nước bày tỏ mong muốn được biết rõ tình hình biển Đông hiện nay và đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Việt Nam.
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, phía Mỹ, Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam nâng cao năng lực quản lý vùng biển. Một số nước khác bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia gìn giữ hòa bình.
Nhiều quốc gia mong muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam thông qua việc trao đổi đoàn các cấp, thiết lập đường dây nóng, chia sẻ thông tin… Phía Việt Nam đề nghị các nước đẩy mạnh việc giúp đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, Việt Nam cũng đang tăng cường mau thêm nhiều loại vũ khí tân tiến từ các nước. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, hiện Việt Nam đã nhận được 2 tổ hợp tên lửa cơ động bảo vệ bờ biển Bastion. Vũ khí trong thành phần tổ hợp Bastion là các tên lửa có cánh Yakhont dùng để tiêu diệt các tàu đơn lẻ hoặc nhóm tàu.
Việt Nam cũng đã mua của Nga hàng chục máy bay chiến đấu Sukhoi. Hai trong số 6 tàu ngầm diesel – điện mà Việt Nam đặt hàng với Nga đã được Hải quân Việt Nam đưa vào sử dụng.
“Hợp tác thương mại quân sự – kỹ thuật của Nga và Việt Nam có triển vọng tốt đẹp và rõ ràng. Bởi việc mua một số hệ thống vũ khí riêng biệt cũng đồng nghĩa là cơ sở cho những hợp đồng mới. Ví dụ, việc mua tàu ngầm là cơ hội để nghĩ tới hệ thống trang bị cho căn cứ và phương tiện bảo vệ, bố phòng dành cho những điểm neo đậu tàu ngầm”, Đài Tiếng nói Nước Nga dẫn lời nhận định của ông Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO).
Ông Korotchenko còn cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung mở rộng khả năng của hệ thống phòng không, cùng với việc mua hệ thống tên lửa chống máy bay S-300 của Nga, đồng thời cũng tăng cường cơ số chiến đấu cơ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét