Cơn bão trên Thiên An Môn
1989: Thảm sát Thiên An Môn
Trong những năm 1980, Trung Quốc giàu có hơn và tự do hơn trước đó. Nhưng cái giá phải trả rất cao: tham nhũng, lạm phát, bất công. Vì thế mà trong mùa Xuân 1989, một lần tụ tập tự phát của sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn đã trở thành cuộc biểu tình lớn nhất mọi thời đại. Nhiều tuần liền, những người biểu tình thống trị đường phố của Bắc Kinh – cho tới khi những người thừa kế già nua của Mao gọi quân đội đến.
Cay RadeMacher
Phan Ba dịch
Trong năm 1989 đánh dấu kỷ nguyên mới, trong năm mà nhiều quốc gia đã ra đời từ vùng Baltic cho tới Trung Á, hàng triệu người Trung Quốc cũng yêu cầu tự do. Họ tụ họp lại, được dẫn đầu bởi sinh viên, thành cuộc biểu tình nhiều quyền lực nhất của mọi thời đại, chiếm Quảng trường Thiên An Môn. Cho tới khi cuộc phản đối của họ chấm dứt trong một đêm của sự khủng bố.
Trong những giờ khắc của đêm 3 rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989, giới lãnh đạo quanh Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho quân đội thực hiện một chiến dịch mà dưới cái tên “Vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn” đã trở thành một dấu biểu hiện cho chính họ.
Nhưng dù sự kiện này có ảnh hưởng sâu rộng đến như thế, người ta biết rất ít về nó. Những người biểu tình muốn chính xác là những điều gì, đã làm những việc gì? Ai dẫn đầu hàng trăm ngàn người đó? Tại sao giới lãnh đạo nhà nước lại bỏ mặc thủ đô cho những người đó trong nhiều tuần liền? Nhưng rồi tại sao họ lại dùng vũ lực?
Và những gì đã thật sự xảy ra trong cái đêm tháng 6 đó?
KHÁC VỚI ĐÔNG ÂU, không có một cuộc khủng hoảng kinh tế thúc đẩy sự bất bình, còn ngược lại là đằng khác: từ những cuộc cải cách của thập niên 1980, tổng sản lượng quốc gia tăng gần 9% hàng năm.
Trong thời gian đó, lợi nhuận làm ra là khổng lồ – nhưng không được phân chia một cách công bằng. Ai có việc làm trong nền kinh tế mới thì kiếm được nhiều tiền. Ngược lại, nông dân, công dân trong các nhà máy quốc doanh và nhân viên nhà nước bị tụt lại phía sau. Hậu quả: giữa các thu nhập là một hố sâu ngày càng lớn ra, càng bị tăng cường bởi một tỷ lệ lạm phát – của năm 1988 – trên 20%
Cuối những năm 1980, có ba triệu người chạy trốn nông thôn về sống trên đường phố của các thành phố Trung Quốc, những người từ các vùng hẻo lánh đã kéo về các thành phố lớn với hy vọng có được việc làm. Một niềm hy vọng hảo huyền: có khoảng năm triệu người thất nghiệp trong Trung Quốc, thêm 20 triệu người nữa là công nhân trong các nhà máy quốc doanh với lương tối thiểu rất thấp, những người hầu như không phải làm gì.
Trong ĐCS, nạn tham nhũng là bệnh: quan chức nhập hàng hóa xa xỉ, hướng các đầu tư nhà nước vào những nhà máy nhất định, giao chức vụ cho người thân quyến. Năm 1988 – theo một báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao – có 55 710 vụ tội phạm kinh tế được xét xử, trung bình mỗi ngày bắt đầu 152 vụ.
Đảng chia rẽ sâu sắc trong câu hỏi phải tiếp tục như thế nào. Người đàn ông nhiều quyền lực của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, 84 tuổi, đã rút lui ra khỏi hầu hết các chức vụ, nhưng vẫn còn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương – và qua đó kiểm soát quân đội và cảnh sát nhân dân vũ trang, một đơn vị bán quân sự để chống nổi loạn trong nước.
Đặng là bố già không tranh cãi của Đảng. Thế nhưng ở dưới ông, cỗ máy của các quan chức đã chia ra thành hai phái kình địch với nhau, được đại diện bởi hai người che chở cho họ:
- Thủ tướng Lý Bằng, 60 tuổi, kỹ sư điện, là một trong các quan chức cao cấp trẻ tuổi nhất: nhà chính trị gia năng động, lạnh lùng, không khoan nhượng này có thời gian được đào tạo trong nước Liên bang Xô viết của Stalin và kể từ đấy là người hâm mộ việc nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt nền kinh tế.
- Bí thư Đảng Triệu Tử Dương, 69 tuổi, luôn ăn mặc lịch sự, muốn đẩy lùi Đảng ra khỏi nền kinh tế; trong tương lai, các nhà quản lý nên lãnh đạo các nhà máy chứ không phải cán bộ Đảng.
Trong nửa sau của thập niên 1980, các phe phái này đấu tranh với nhau vì đường hướng cho lần trỗi dậy. Đặng thường quyết định bốc đồng, cổ vũ cả hai phe.
Tạm thời không có cải cách nữa? Với lời yêu cầu đấy, Lý Bằng có trước hết là quan chức cao cấp đứng về phía mình – các thống soái, bộ trưởng ngày xưa.
Hay các cải cách cần phải được tiến xa hơn nữa. Triệu Tử Dương đại diện cho đường hướng này, và ông ấy dựa vào các đồng minh ở ngoài ĐCS, như sinh viên. Nhưng đấy là những đồng minh nguy hiểm cho một quan chức Đảng.
2,7 triệu sinh viên của khoảng 1000 trường đại học là một đạo quân của những người chán nản. Vì sau khi học xong, nhà nước phân bổ cho mỗi một người tốt nghiệp một việc làm; rồi thầy giáo thu nhập được vào khoảng 1/3 của công nhân có tay nghề, giáo sư nhận được nhiều tiền như người soát vé. Tài xế taxi ngược lại có thể thu nhập gấp ba lần.
Không phải là điều đáng ngạc nhiên, khi trong giới trí thức có sự bất bình lớn với giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong tháng 3 năm 1989, giới quan chức chóp bu biết được qua một lần thăm dò ý kiến, rằng đặc biệt là những người tốt nghiệp đại học ủng hộ cuộc cải cách. Kết luận của Đảng: “Đó là một bằng chứng cho sự mơ hồ về tư tưởng hệ ở các cấp bậc có học cao hơn.”
Sự “mơ hồ về tư tưởng hệ” này sẽ dần dần phát triển trở thành một sự thách thức quyền lực.
Việc đấy đã xảy ra như thế nào thì không thể tái diễn lại chính xác được, mặc dù có nhiều tường thuật của các nhân chứng và tài liệu. Có những lời tường thuật mâu thuẫn với nhau. Bản sao nhiều văn kiện nhạy cảm – biên bản những cuộc họp trong giới lãnh đạo Đảng hay tường thuật của những viên chỉ huy quân đội gửi cho cấp trên của họ – được một người cung cấp thông tin nặc danh mang lén sang Hoa Kỳ nhiều năm sau đó. Các văn kiện này có độ tin cậy cho tới đâu thì thường không thể kiểm chứng được.
Mặc dù vậy, chắc chắn một điều là các sự kiện bi thảm đó đã bắt đầu một cách bất ngờ: với cái chết vì bệnh tim của một quan chức cao cấp.
THỨ BẢY, 15 THÁNG 4. Hồ Điệu Bang qua đời ở tuổi 73 vì một cơn đau tim. Năm 1982, người được Đặng Tiểu Bình che chở được bầu lên làm Tổng Bí thư ĐCS, thế nhưng năm 1987 ông ấy mất chức vụ này – đối với những người bảo thủ trong ĐCS, các kế hoạch tự do hóa nền kinh tế của Hồ nguy hiểm tới mức ngay đến Đặng cũng không thể giữ được ông ấy.
Ít ra thì Hồ cũng giữ được một chức vụ trong Bộ Chính trị, ủy ban cao nhất của Đảng và từ đấy trở thành thần tượng của tất cả những người Trung Quốc hy vọng vào một sự thay đổi về chính trị và kinh tế.
Tất cả các quan chức cao cấp đều biết rõ, rằng họ phải tổ chức chôn cất long trọng chính trị gia Hồ nổi bật, nhưng cũng biết rằng tang lễ này có thể là dịp biểu tình của những người có thiện cảm với cải cách.
Lý Bằng cảnh báo: “Chúng ta phải giám sát các trường đại học. Sinh viên bao giờ cũng dễ bị kích động nhất.”
Thứ hai, 17 tháng 4, vào buổi sáng. Khoảng 600 sinh viên và giảng viên của trường Đại học Chính trị và Luật tụ tập lại trên Quảng trường Thiên An Môn, đặt cờ và vòng hoa tưởng niệm Hồ Diệu Bang. Dần dần, nhiều nhóm thanh niên đổ đến thêm, cho tới 16 giờ là khoảng 10.000 sinh viên, cũng cả từ các đại học khác, thêm vào đó là người hiếu kỳ. Cảnh sát cố giải tán đám đông, hoài công. Một dấu hiệu báo động.
Vì Quảng trường Thiên An Môn, một quảng trường hình chữ nhật lớn 40 ha trong trung tâm của thành phố mười một triệu dân, là quảng trường lớn nhất thế giới, trái tim của Trung Quốc. Ở mặt Bắc, ẩn ở phía sau “Thiên An Môn”, là “Cấm Thành”, nơi các hoàng đế đã cai trị nhiều thế kỷ liền. Ở các cạnh dài có các đài tưởng niệm của quyền lực Cộng sản: bên phía Tây là “Đại hội đường Nhân dân”, nơi Quốc Hội họp, ở phía Đông là bảo tàng đồ sộ của Cách mạng Trung Quốc.
Ở giữa, một cột đá nhắc nhở đến những người “tử vì đạo” của ĐCS; người chết nổi tiếng nhất của họ nằm bất động cách đấy vài mét như xác chết sáp của sự vĩnh cửu: Mao Trạch Đông nằm trong một gian sảnh tưởng niệm.
Chính tại đài tưởng niệm này, cờ tang bay phất phới, vòng hoa chồng chất lên nhau. “Trái tim của ông ấy mắc bệnh, vì Trung Quốc mắc bệnh”, sinh viên đã làm thơ về Hồ Diệu Bang trước đó trên báo tường. Cuộc biểu tình này vô danh, tự phát. Không ai biết là ai đã viết tờ báo tường đầu tiên, những bài thơ đầu tiên – hay ai là người đầu tiên đã kêu gọi hãy đến Quảng trường Thiên An Môn. Mặc dù vậy, cơn bão phản đối làm rung chuyển Trung Quốc đã bắt đầu qua đó.
18 tháng 4, 8 giờ. Khoảng 200 sinh viên biểu tình ngồi chận lối vào Đại hội đường Nhân dân. Họ muốn nói chuyện với thành viên chủ tịch đoàn Quốc Hội về các yêu cầu mà rõ ràng là đã xuất hiện trong vài giờ trước đó tại những cuộc gặp gỡ tự phát ở các trường đại học. Ngoài những việc khác, họ yêu cầu nhiều tiền hơn cho đào tạo (và qua đó là những điều kiện học tập tốt hơn), tự do xuất bản cũng như công bố thu nhập của cán bộ Đảng. Những người biểu tình hát quốc ca. Người sếp lễ tân của Quốc Hội nói chuyện với họ một chút, ngoài ra thì ít có gì xảy ra. Thời tiết mùa hè, bầu không khí trên Thiên An Môn yên bình.
19 tháng 4, 23 giờ. Gần 300 sinh viên của Đại học Bắc Kinh tụ tập lại trong khuôn viên của trường để thành lập “Liên hiệp Sinh viên Thống nhất”, tổ chức đối lập quan trọng đầu tiên từ nhiều thập niên.
Bảy người trẻ tuổi được bầu làm lãnh đạo, trong đó có Vương Đan, một sinh viên khoa Sử hai mươi tuổi.
20 tháng 4, buổi sáng. Một cộng tác viên khuyên Triệu Tử Dương hãy hủy bỏ chuyến đi sang Bắc Triều Tiên theo kế hoạch. Câu trả lời của Triệu: “Dời chuyến đi thăm chính thức sẽ khiến cho những người nước ngoài nào đó phỏng đoán rằng tình hình chính trị của chúng ta là bất ổn.” Ông ấy đi.
THỨ SÁU, 21 THÁNG 4. Ở trường Đại học Sư phạm, Ngô Nhĩ Khai Hy 21 tuổi công bố một thông cáo mà trong đó anh ấy yêu cầu, ngoài những điều khác, hãy tẩy chay không lên giảng đường.
Thứ bảy, 22 tháng 4, 3 giờ. Ngày lễ tang cho Hồ. Trước lúc bình minh, hơn 80000 sinh viên của 20 trường đại học bắt đầu diễu hành. Những “đội canh gác” riêng bao xung quanh các nhóm người diễu hành, bảo đảm trật tự. Họ đến Thiên An Môn mà không bị quấy rầy.
4 giờ 30. Chiếc xe buýt cảnh sát chạy đến, người sĩ quan bước xuống bị sinh viên bao quanh – vì ông ấy bảo đảm rằng hành động của họ được nhà nước nhân nhượng.
10 giờ 00. Bắt đầu nghi lễ trong Đại hội đường Nhân dân. Đặng Tiểu Bình và 4000 cán bộ cao cấp tiến hành nghi thức cúi chào ba lần trước Hồ Diệu Bang nằm trong quan tài.
Sau lễ, Triệu Tử Dương gặp Đặng Tiểu Bình. Tuy là ông muốn “kiên quyết ngăn chận” không cho sinh viên biểu tình, thế nhưng để làm điều đó thì “các biện pháp hợp pháp là đã đủ. Chủ yếu là phải thuyết phục và đối thoại trên nhiều bình diện”. Người bố già chỉ trả lời: “Tốt.”
Tức là Triệu Tử Dương vẫn còn nhận được sự ủng hộ của con người già nua đó. Trong thời gian của chuyến đi thăm Bắc Triều Tiên, việc bắt đầu vào sáng hôm sau đó, Thủ tướng Lý, nhân vật số hai trong hệ thống cấp bậc, sẽ tiếp nhận quyền điều khiển Đảng.
24 tháng 4. Tụ tập của khoảng 10000 sinh viên từ hầu hết các trường đại học Bắc Kinh. Vương Đan và những người diễn thuyết khác kêu gọi tẩy chay thính đường, dân chủ, tự do báo chí, điều tra các cảnh sát viên dùng bạo lực. Rồi một “Ủy ban Hành động của các trường đại học Bắc Kinh” được thành lập – một tổ chức xuất hiện mạnh mẽ hơn và tự tin hơn thấy rõ. Thuộc trong ủy ban lãnh đạo, ngoài những người khác, là Ngô Nhĩ Khai Hy và Vương Đan.
Lần đầu tiên kể từ 1949, sự độc chiếm quyền lực của Đảng bị thách thức một cách nghiêm trọng. Nếu như cho phép, người sếp tuyên giáo của ĐCS lớn tiếng, “thì rồi chúng ta sẽ có hàng nghìn Lech Walesa” – và qua đó nhắc đến người công nhân Ba Lan đã thành lập công đoàn tự do “Solidarnosc” đầu tiên của đất nước đấy và đã làm lung lay hệ thống xã hội chủ nghĩa ở đó.
25 tháng 4, 9 giờ. Lý Bằng đến gặp Đặng Tiểu Bình để thúc giục ông ấy hành động cứng rắn hơn: “Mũi lao bây giờ hướng trực tiếp đến anh.”
Đặng trả lời: “Chúng ta phải hành động một cách rõ ràng trong lúc dập tắt cuộc bạo loạn này.”
Người bố già dùng từ “bạo loạn”. Một khái niệm nhắc nhở đến một chấn thương: đến cuộc Cách mạng Văn hóa, cái mà kể từ lúc đó bị nhiều cán bộ phỉ báng là “bạo loạn”, vì Đặng và nhiều quan chức cao cấp khác chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc vào thời đấy.
Kể từ lúc đấy, họ lo sợ rằng có một điều gì giống như thế sẽ lại xảy ra cho họ. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, đấy cũng chính là những đám học sinh sinh viên cuồng tín đe dọa họ đấy mà? Và bây giờ cũng lại sinh viên, lại khẩu hiệu, lại diễu hành.
Lý Bằng nhận ra rằng câu nói của Đặng cũng giống như một thứ vũ khí. “Chúng ta có cần phải cho viết một bài xã luận trong “Nhân dân Nhật Báo” để công bố lời nói của đồng chí Tiểu Bình hay không?”, ông ấy đưa đề nghị ra cho các quan chức. Không ai phản đối. Viên phó tuyên truyền bắt đầu tiến hành.
18 giờ 30. Đài phát thanh nhà nước đã phát đi bài xã luận dựa trên câu nói của Đặng, bài báo mà sẽ được phát hành vào ngày hôm sau. Sinh viên căm phẫn: phẫn nộ, có cảm giác như đã bị phản bội. Vì họ nhìn mình như là công dân, người yêu nước, nhiều người còn tự nhìn mình như là người cộng sản. Nhưng “bạo loạn” đã đóng dấu họ trở thành những người phạm tội.
Bất thình lình – và cả Đặng lẫn Lý Bằng đều không nhận ra điều đấy – không còn có khoảng trống cho thỏa hiệp nữa: Đảng bây giờ còn có thể chấp nhận những yêu cầu của sinh viên nữa hay không khi mà đã đóng dấu “kẻ bạo loạn” lên người họ?
Và ngược lại: Có phải là bây giờ sinh viên phải tiếp tục biểu tình cho tới khi tất cả các yêu cầu được chấp thuận hay không? Vì nếu họ rút lui trước đó thì họ phải lo ngại là bị an ninh quốc gia đàn áp như là những “kẻ bạo loạn”.
27 THÁNG 4, 16 GIỜ. Bây giờ là 150.000 người trên Quảng trường Thiên An Môn rồi, những người trước đó đã kéo đi nhiều giờ liền qua Bắc Kinh.
Họ vẫy cờ đỏ và những tấm vải được may lại từ ra trải giường, gọi to “Dân chủ muôn năm!” Hàng trăm ngàn người dân đứng ở vỉa hè cổ vũ. Khách bộ hành gọi những người cảnh sát, những người liên tục dựng rào cản đường – mà luôn bị đi vòng qua –: “Đừng đánh họ!”
Chính từ ngữ “bạo loạn” đã thúc đẩy cuộc biểu tình của sinh viên trở thành cuộc phản đối của số đông: chưa từng bao giờ có nhiều người trong số họ đi trên đường phố như thế (hiện 40 trường đại học và học nghề đã tê liệt do bị tẩy chay), họ chưa từng bao giờ được nhiều người dân cổ vũ như thế. Và chưa từng bao giờ họ lại hạ nhục cảnh sát đến như thế với cuộc diễu hành trên đường phố như thế.
Thứ hai, ngày 1 tháng 5, buổi chiều. Ban thường vụ Bộ Chính trị họp: ủy ban mà năm cán bộ cao cấp nhất thường xuyên bàn luận với nhau, trong đó có Lý Bằng và Triệu Tử Dương, nhưng không có Đặng, người về mặt chính thức đã từ bỏ mọi chức vụ. Qua đó, nhóm này – thuộc vào trong đó còn có Kiều Thạch, Diêu Y Lâm và Hồ Khởi Lập – khiến cho người nhớ đến chính phủ của một hoàng đế, nơi các bộ trưởng hội họp lại với nhau trong khi nhà vua thì cảm thấy không cần thiết phải có mặt. Triệu Tử Dương, trở về từ Bắc Triều Tiên ngày hôm trước, phê phán bài xã luận của tờ “Nhân dân Nhật báo”. “Những vấn đề mới” phải được giải quyết “nhờ vào dân chủ và pháp luật”.
Lý Bằng trả lời: “Ổn định phải là điểm đầu tiên của chương trình nghị sự.”
Sự chia rẽ bộc lộ ngày càng rõ rệt hơn trong nhóm cao cấp nhất của Đảng: giữa những người theo Triệu, muốn thương lượng với sinh viên, và những người quanh Lý, yêu cầu phải bẻ gãy sự chống cự. Nhưng không có quyết định được đưa ra.
4 tháng 5. Nửa triệu người trên quảng trường Thiên An Môn. Sinh viên, công nhân, người dân tưởng nhớ lại lần biểu tình huyền thoại của sinh viên ngày 4 tháng 5 năm 1919.
Triệu, người nói chuyện trên hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á, bảo đảm rằng cuộc biểu tình phản đối “không mâu thuẫn với tính ổn định” của Trung Quốc.
Thứ bảy, 13 tháng 5, 13 giờ. Sinh viên gặp nhau trong khuôn viên của trường Đại học Sư phạm, bị kích động bởi một tờ truyền đơn: “Trong tuổi trẻ rực rỡ của chúng ta, chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ nét đẹp của cuộc đời chúng ta, dù chúng ta có không muốn đến đâu đi chăng nữa.” Đấy là về một chiến lược mới: tuyệt thực.
Một sự phản kháng như thế chưa từng có trong Trung Quốc. Thời điểm hầu như không còn có thể thuận tiện hơn nữa. Sếp Xô viết Gorbachev sẽ đến thăm Bắc Kinh, sẽ đưa cánh tay mặt ra cho Đặng để trở thành “cái bắt tay lịch sử” và qua đó đánh dấu chấm dứt các căng thẳng giữa hai thế lực. Đối với ĐCS, đấy là một thắng lợi hết sức to lớn cho thể diện.
Bây giờ, các sinh viên lại có kế hoạch tuyệt thực đúng vào chuyến viếng thăm chính thức này, trong một lều trại trên Thiên An Môn. Không ai, họ tin vậy, sẽ dám dùng bạo lực với họ, khi cả thế giới đang nhìn đến. Cuộc phản đối của họ, họ hy vọng thế, sẽ mang các quan chức vào trong một tình thế lúng túng và sẽ bắt buộc họ có những nhượng bộ nhanh chóng.
15 giờ 25. Khoảng 200 sinh viên đến Thiên An Môn từ đại lộ Trường An, con đường lớn của Bắc Kinh. Trong số họ có những người biểu tình tuyệt thực, đeo những cái băng trên trán như “Tự do muôn năm”. Tạo thành một vòng tròn ở phía Bắc của đài kỷ niệm những người anh hùng và dựng lều lên.
Phần lớn đều 19, 20 tuổi. Sinh viên Y khoa chăm sóc họ, có người mang nước uống pha đường, thuốc lá đến. Những người khác mang hộp giấy đi quanh người dân hiếu kỳ để xin tiền ủng hộ. (Vài ngày sau đó, Hội người tàn tật Trung Quốc sẽ cho 100.000 nhân dân tệ, mặc dù người đứng đầu là con trai của Đặng Tiểu Bình.).
16 giờ 25. Thời gian này đã có hơn 1000 người biểu tình tuyệt thực. Trời nóng bức và đầy khói xe. Xe cứu thương hú còi mang những người kiệt sức vào bệnh viện. Hàng ngàn người đi bằng xe đạp, khắp nơi đều có những cuộc thảo luận với người đi đường.
Quyền lực nhà nước dường như tê liệt. Khi sinh viên mời kem vài người lính đang đứng gác ở lối vào Đại hội đường Nhân dân ở phía Đông, các sĩ quan ngượng ngùng ra lệnh: “Không được ăn!”
18 giờ 00. Ba lãnh tụ sinh viên tổ chức họp báo trên những bậc thang trước Viện Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc. Họ công bố việc biểu tình tuyệt thực. Họ “vẫn còn sống trong thời kỳ nô lệ”, Ngô Nhĩ Khai Hy giải thích với một nhà báo.
Đến một lúc nào đó vào ngày này, Triệu Tử Dương gặp Đặng Tiểu Bình để trao đổi, lần đầu tiên sau lễ tang cho Hồ Diệu Bang. Triệu đưa ra một chiến thuật dè dặt.
Đặng trả lời: “Trên Thiên An Môn phải có trật tự khi Gorbachev đến.” Một tối hậu thư: Nếu chuyến viếng thămg chính thức trở thành thảm họa thì ông ấy sẽ để cho Triệu phải trả giá.
Chủ Nhật, 14 tháng 5. Bành Chân, cựu thị trưởng tự do hơn của Bắc Kinh – người bị bãi nhiệm trong thời của cuộc Cách mạng Văn hóa – gọi điện cho Đặng, việc hiếm khi xảy ra: “Tôi thấy là chúng ta phải làm điều gì đó để lật ngược lại tình thế.” Thế nhưng chỉ có quan chức cấp dưới nói chuyện với những người biểu tình tuyệt thực – không có quyền đưa ra nhượng bộ để qua đó mà khiến cho tình hình bớt căng thẳng hơn.
Thứ hai, 15 tháng 5, 12 giờ 00. Gorbachev đáp xuống sân bay Bắc Kinh. Ở đó, ông ấy duyệt qua một đội danh dự, cái thật ra theo nghi thức là sẽ được tiến hành bốn giờ sau đó – trên Thiên An Môn.
Người cầm quyền Xô viết ngạc nhiên. Đoàn xe của ông ấy không chạy trên đại lộ Trường An, mặc dù nó đã được trang hoàng bằng cờ. Qua những con đường nhỏ, đoàn xe đến nhà khách của chính phủ Trung Quốc, nơi mà người sếp Xô viết phải bước vào qua một cửa phụ.
18 giờ 15. Gorbachev và Chủ tịch nước Trung Quốc Dương Thượng Côn gặp nhau trong Đại hội đường Nhân dân. Ở bên ngoài trên quảng trường, các sinh viên hô to. “Dân chủ hay là chết!” Gorbachev nói với Dương: “Tôi đến Bắc Kinh, và anh có một cuộc cách mạng!”
Bẽ mặt! Đặng Tiểu Bình đã tổ chức cuộc hội nghị thượng đỉnh này từ một cảm giác của thế mạnh. Và bây giờ thì ông ấy còn chẳng làm chủ được thủ đô của mình nữa.
16 THÁNG 5, 1 GIỜ 00.Thông tin chính thức qua loa trên Thiên An Môn: chính phủ đang đối thoại với sinh viên. Họ cần phải rời quảng trường. Không ai phản ứng.
Hiện giờ, ngay đến đài truyền hình nhà nước cũng tường thuật về thành phố lều của những người đang biểu tình tuyệt thực. Cả nước đều biết đến những người biểu tình – và nhiều người cũng biết các yêu cầu của họ. Cho tới buổi chiều, 300.000 người dân đổ vể quảng trường và bao bọc lấy những người đang hoạt động ở đó.
Đối với những người lãnh tụ sinh viên, tình hình trở nên khó khăn. Họ đã tính trước rằng cuộc biểu tình của họ sẽ bắt buộc chính phủ phải nhượng bộ cho tới thời điểm chuyến viếng thăm của Gorbachev. Bây giờ thì hoạt động đấy, theo kế hoạch là hai ngày, phải được kéo dài vô hạn định. Tuy là liên tục có người mới tình nguyện, nhưng đồng thời cũng đã có 600 người kiệt sức nằm trong bệnh viện.
Trong lúc đó, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm của Gorbachev cũng diễn ra trong sự ứng biến tạm thời thật lúng túng. Ông vào Đại hội đường Nhân dân qua một cửa phụ. Ở đấy, cuối cùng rồi ông cũng có cuộc trao đổi riêng với Đặng Tiểu Bình. Gorbachev, rõ ràng là cảm thấy bất ổn, lo ngại rằng chẳng bao lâu nữa cũng có thể sẽ có những điều tương tự như thế đe dọa mình ở Moscow, và tuyên bố tình đoàn kết của ông ấy.
Đấy đối với họ Đặng bị bẽ mặt thì đấy chỉ là một sự an ủi bé nhỏ, rằng người đối diện với mình không đắc thắng. Sau cuộc gặp gỡ, người bố già sẽ biến mất khỏi giới công khai trong vòng ba tuần mang tính quyết định sau đó. Không xuất hiện, không diễn thuyết, không có hình ảnh trên truyền hình.
Sếp Đảng Triệu Tử Dương lúc đấy đọc một bài diễn văn trước nhiều khách quốc gia, cũng được truyền hình phát đi. Trong đó, ngoài những điều khác, ông ấy tuyên bố rằng Đặng vẫn là lãnh tụ cao nhất của Trung Quốc.
Thế nhưng câu nói đó, cái hẳn đã được nghĩ như là một lời tuyên bố tôn vinh, phải có tác động như là một sự khiêu khích đối với nhiều cán bộ. Lời tuyên bố đấy đối với họ giống như một sự giữ thái độ cách biệt của Triệu đối với người bố già: Đặng bị nêu ra như là người chịu trách nhiệm chính của chính phủ và qua đó là người tiếp nhận mọi sự phản kháng.
Đấy có lẽ là sai lầm chiến thuật lớn nhất của Triệu trong cuộc tranh giành quyền lực. Ngay trong tối hôm đó, ông ấy họp với Lý Bằng và các quan chức cao cấp khác. Lý tức điên, những người biểu tình “tấn công và lăng nhục” Đặng Tiểu Bình. “Mục đích của họ là lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Triệu đáp trả: “Phần lớn các sinh viên đang biểu tình đều yêu nước và thật sự lo lắng cho đất nước của chúng ta. Chúng ta phải thu lại bài xã luận của ngày 26 tháng 4.”
Lý Bằng trả lời: “Đó là những lời phát biểu nguyên thủy của đồng chí Đặng Tiểu Bình. Không thay đổi chúng được đâu.”
Không người nào trong hai đối thủ có thể thuyết phục được tất cả ba người đồng chí khác trong Ủy ban Thường vụ của Bộ Chính trị. Nhóm lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCS tê liệt – và quyết định hỏi ý kiến Đặng.
THỨ TƯ, 17 THÁNG 5. Vào ngày này đã diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất không do nhà nước tổ chức trong lịch sử Trung Quốc – và đồng thời cũng là cuộc tranh giành quyền lực quyết định trong Đảng.
Khoảng một triệu người đổ về Thiên An Môn, đi bộ, bằng xe đạp hay trên xe tải. Sinh viên, công nhân, trí thức, nhân viên nhà nước, nhà báo của tờ “Nhân dân Nhật báo” và của đài truyền hình nhà nước, cả cảnh sát trẻ tuổi nữa. Nhiều người giơ cao biểu ngữ. “Đặng, anh già rồi”, có thể đọc được như thế ở trên đó hay :”Giá cả tăng, lương teo lại.”
Người bán hàng rời cửa tiệm, công nhân rời nhà máy, sản xuất đình trệ khắp mọi nơi. Dưới bầu trời rực rỡ, bầu không khí giống như lễ hội, người làm xiếc trong đám đông, trẻ con cùng với trống, nhạc phát ra từ những cái loa do sinh viên lắp đặt: bản Giao hưởng số 9 của Beethoven. Cứ như người dân đã chiếm lĩnh đường phố Bắc Kinh.
Đã từ lâu, không chỉ có người dân bản xứ chen chúc nhau trên quảng trường: nhân viên soát vé hỏa xa để cho sinh viên đi tàu không mất tiền về thủ đô trên nhiều chuyến tàu hỏa đường dài, để họ biểu tình ở đó.
Ngay từ sáng, Ủy ban Thường vụ của Bộ Chính trị đã nhận chỉ thị của Đặng tại nhà của ông ấy trong Trung Nam Hải, chỉ cách đám đông vài trăm mét.
Ông bố già tuyên bố: “Đồng chí Tử Dương, bài diễn văn của đồng chí trong ngày 4 tháng 5 là một bước ngoặc. Từ lúc đấy, phong trào sinh viên ngày càng tồi tệ hơn. Sau khi suy nghĩ thật lâu, tôi đã đi đến quyết định, rằng chúng ta cần phải gọi Quân đội Giải phóng Nhân dân vào Bắc Kinh và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Mục đích là phải dứt khoát dẹp tan cuộc bạo loạn này.”
Triệu trả lời: “Đồng chí Tiểu Bình, tôi khó lòng mà thực hiện kế hoạch này được.”
Đặng: “Thiểu số phải phục tùng đa số!”
Triệu: “Tôi xin chịu kỷ luật Đảng.”
Vào khoảng 20 giờ, Ủy ban Thường vụ lại họp, bây giờ thì không có Đặng. Đến lúc biểu quyết về đề nghị của ông ấy: hai quan chức cao cấp ủng hộ (Lý Bằng và Diêu Y Lâm), hai chống (Triệu Tử Dương và Hồ Khởi Lập), người thứ năm, Kiều Thạch, bỏ phiếu trắng. Tê liệt.
Triệu đề nghị từ chức.
“Làm sao mà anh lại có thể rút lui đúng vào lúc chúng ta cần sự đoàn kết nhiều nhất chứ?”, người cao tuổi Đảng nhất cũng có mặt trong lúc đó, Dương Thượng Côn, la mắng ông ấy. Tức là cũng không có từ chức. Nói chung là không có quyết định.
ĐCS bây giờ bị đe dọa mất đầu.
Ở bên ngoài, lễ hội nhân dân vẫn tiếp tục – cho tới khi cơn mưa rào cuốn trôi đi sự nóng nực. Nhiều người đi về nhà. Ngày mà có thể mang lại cho Trung Quốc một cuộc cách mạng mới đã chấm dứt trong cơn mưa và sự yên tịnh.
18 THÁNG 5, 8 GIỜ 30. Ủy ban Thường vụ lại họp, lần này thì không có Triệu Tử Dương đã cáo ốm, nhưng được mở rộng với Đặng Tiểu Bình và nhiều người cao tuổi trong Đảng, cũng như thành viên của Quân Ủy.
Lý Bằng: “Tôi dứt khoát theo kế hoạch khôn ngoan là tuyên bố tình trạng khẩn cấp.” Rồi tiếp theo sau đó là những lời chỉ trích gay gắt người sếp Đảng, người mà ông không còn gọi là “đồng chí Tử Dương” nữa mà bằng một cách hình thức bao gồm cả họ “đồng chí Triệu Tử Dương.”
Nhóm này quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu phố Bắc Kinh. Qua đó ĐCS, lại có khả năng ứng phó. Lý Bằng với thái độ cứng rắn của ông ấy đã thắng cuộc, nhưng nếu như không có uy quyền của Đặng Tiểu Bình thì quyết định đấy đã không được đưa ra.
Chiến dịch cần phải bắt đầu vào ngày 21 tháng 5, lúc 0 giờ 00. Ngoài những lực lượng khác có quân đoàn 38 đóng gần Bắc Kinh tham gia.
11 giờ 00: trong Đại hội đường Nhân dân, Lý Bằng gặp Vương Đan, Ngô Nhĩ Khai Hy và các lãnh tụ sinh viên khác. Tất cả đều ngồi trên những cái ghế đệm màu đỏ có tấm trải trang trí màu trắng. Ngô Nhĩ Khai Hy mặc pyjama và có một cái ống dẫn vào mũi vì anh ấy đang biểu tình tuyệt thực.
“Đối với chúng tôi, các em cũng như máu thịt của chúng tôi”, Lý Bằng hứa hẹn. Vì thế mà ông sẽ thảo luận với họ để nhanh chóng chấm dứt cuộc biểu tình tuyệt thực, nhưng không thảo luận về các yêu sách chính trị của họ.
Ngô Nhĩ Khai Hy tự tin đáp trả: vì các sinh viên đã mời Lý Bằng đến dự buổi họp này nên họ quyết định các đề tài để trao đổi. Nhưng rồi anh ấy cũng bàn đến những lời nhận xét của người thủ tướng và giải thích quyền lực có hạn của những người lãnh đạo: đã từ lâu, không phải đa số có quyền quyết định ở những người biểu tình, và trên Thiên An Môn, khi chỉ một người biểu tình tuyệt thực quyết định cứ tiếp tục, thì những người khác cũng sẽ ở lại vì tình đoàn kết.
Thế nhưng Lý Bằng vẫn cứng rắn: “Thống trị ở Bắc Kinh chỉ là một sự lộn xộn đang lan truyền đi khắp nước”, ông ấy nói.
Không ai biết Lý Bằng nghĩ gì trong khoảng khắc đó. Ở ngoài kia lại có một triệu người biểu tình. Và ở trong này, ngồi đối diện với ông là một chàng trai 21 tuổi trong bộ quần áo pyjama và tuyên bố rằng không còn ai có thể kiểm soát được đám đông này được nữa.
Chậm nhất là bây giờ thì người thủ tướng sẽ nhận ra rằng chỉ với sự hiện diện không thôi thì quân đội không thể tái lập trật tự được. Vì họ cần phải đe dọa ai, ra lệnh cho ai, khi ở phe bên kia không có một tổ chức? Nếu quân đội đến thì bạo lực sẽ đến.
Có lẽ chính là lần rùng mình trong nội tâm đấy, cái đã đẩy con người lạnh lùng Lý Bằng đi đến một sự nhượng bộ khác thường. Ngô Nhĩ Khai Hy yêu cầu Lý và Triệu Tử Dương hãy xuất hiện trong lều tại những người biểu tình vào sáng ngày mai – và người thủ tướng, người ngoài ra thì không thể gần gũi được, nhận lời.
Buổi tối. Viên chỉ huy của quân đoàn 38 báo cáo, ông không thể hoàn thành mệnh lệnh phải thực thi tình trạng khẩn cấp. Một quan chức cao cấp bực tức: “Không tuân theo một mệnh lệnh quân sự là đồng nghĩa với tòa án quân đội!”
Ngay sau đó, viên sĩ quan bị thay thế và bị đưa vào trong một bệnh viện. Quân đoàn 38 hành quân không có ông ấy.
Thứ sáu, 19 tháng 4, 4 giờ 00. Lý Bằng và Triệu Tử Dương đến thăm sinh viên trên Thiên An Môn, trong một chiếc xe bus.
Lý Bằng chỉ ở lại trong một khoảng thời gian ngắn, nói ít. Triệu, kiệt sức và mệt mỏi, cố ở lâu hơn và gọi to: “Chúng tôi đã đến quá muộn. Tôi rất lấy làm tiếc.” Ông ấy xin hãy chấm dứt cuộc biểu tình tuyệt thực. Đối với ông ấy, đây là cơ hội cuối cùng. Nếu bây giờ mà các sinh viên chịu nhượng bộ thì ông ấy còn có thể can thiệp vào trong cuộc tranh giành quyền lực.
Các sinh viên tuy vỗ tay sau bài diễn văn của ông ấy – nhưng không ai bỏ cuộc. Cuối cùng, Triệu rời Quảng trường Thiên An Môn. Đó là lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông ấy.
Đặng theo dõi tấn bi kịch qua truyền hình. Lần xuất hiện đầy xúc cảm của Triệu khiến cho ông ấy bực tức, ông ấy gào lên với một người thân cận: “Hết sức là vô kỷ luật!”
Buổi sáng. Các nhà khoa học trong Viện Cải cách Kinh tế là những người theo Triệu. Khi họ biết được, rằng người sếp Đảng cáo ốm – và hẳn cũng nghe được, rằng có một chiến dịch của quân đội đang đe dọa –, một vài người trong số họ thảo một “Tuyên bố sáu điểm”, được dán trên tường nhà. Trong đó, họ cảnh báo trước tình trạng khẩn cấp, mà không sử dụng chính khái niệm đấy.
17 giờ 00. Chậm nhất là bây giờ thì các tường thuật về kế hoạch cho tình trạng khẩn cấp đã ra đến Thiên An Môn. Những người biểu tình sôi động, không nhất trí.
18 giờ 00. Các lãnh đạo sinh viên họp lại. Hơn 3000 người biểu tình tuyệt thực đang nằm trong lều, một vài người đã suy yếu cho tới mức tính mạng bị đe dọa. Đa số những người lãnh đạo ủng hộ chấm dứt biểu tình. Nhưng một nhóm nhỏ cứ muốn tiếp tục, trong đó có Ngô Nhĩ Khai Hy.
Trong thời gian này đã có bốn tổ chức lớn của sinh viên. Tất cả những người biểu tình đã kiệt sức, con số những người giữ trật tự giảm xuống. Thời gian cho sự kình địch. “Ngô Nhĩ Khai Hy thường hay bốc đồng”, một lãnh tụ tiết lộ với một nhà báo Mỹ.
22 giờ 00. Quan chức cao cấp và sĩ quan được giới chóp bu của Đảng thông báo, rằng tình trạng khẩn cấp sẽ được tuyên bố ngay vào ngày 20 tháng 5, lúc 10 giờ, vì tin tức về việc này đã rò rỉ ra ngoài.
Vào ngày đấy, sinh viên biểu tình trong 116 thành phố Trung Quốc.
THỨ BẢY, 20 THÁNG 5, 9 GIỜ 40. Chính phủ thông báo qua loa trên Thiên An Môn, rằng tình trạng khẩn cấp sẽ được tuyên bố trong 20 phút tới đây. Sinh viên giận dữ chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng hơi cay.
10 giờ 00. Lệnh về tình trạng khẩn cấp mang chữ ký của Lý Bằng. Bây giờ, bị cấm trong tám quận ngoài những việc khác là biểu tình, đình công của sinh viên, phát truyền đơn và đọc diễn văn công khai, thêm vào đó là cấm tấn công các cơ quan của Đảng, quân đội, cảnh sát, đài truyền thanh.
Quân lính của 22 sư đoàn với xe tăng và đại bác đang trên đường tiến vào thủ đô – tổng cộng hẳn là 180.000 người. Quân lính nhận mệnh lệnh chỉ được tự vệ với những phương tiện không gây chết người khi bị tấn công bằng gạch đá hay bom xăng, trước hết là với gậy gộc. Mục đích: tranh thủ lòng tin của người dân.
Các sinh viên trong doanh trại chỉ huy cuộc biểu tình tuyệt thực phân phát một tờ truyền đơn mà trong đó họ yêu cầu “chống lại cuộc tiến quân của quân đội”. Hơn 270 chiếc xe buýt được đẩy ra ngã tư để làm chướng ngại vật, tài xế thường xì hơi lốp xe.
Ngay từ khi còn cách xa Quảng trường Thiên An Môn, sinh viên và người dân đã chận các đoàn xe của quân đội lại bằng cách này. Ở tại một nơi, một chiếc xe của cảnh sát đã bị những người chửi mắng như thế bao quanh chật cứng cho tới mức các nhân viên nhà nước đã đành phải cam chịu ngồi xuống đường và không làm gì nữa cả.
Ở những nơi khác, người dân thường cắt lốp xe vận tải. Người biểu tình leo lên mui xe, dùng keo và giấy dán kín kính trước. Nhiều người hô to những câu khẩu hiệu, một người đàn bà cảnh báo: “Đừng gây thương tích cho các sinh viên!” Nước mắt chảy ở một vài người lính.
Chiều tối. Hơn 500.000 người biểu tình xuất hiện trên Thiên An Môn. Quảng trường Thiên An Môn vẫn còn thuộc về sinh viên. Trong hơi nước, mặt trăng tròn chiếu sáng trên Đại hội đường Nhân dân.
Lý Bằng không có cơ hội. Hoặc là Đặng và những người khác cũng không đồng ý với Lý, nhưng đấy thuần túy chỉ là phỏng đoán. Hoặc là họ đã nhận ra rằng bổ nhiệm ông ấy là một sự khiêu khích quá lớn. Nhóm đấy còn chưa thống nhất được người kế nhiệm vào tối hôm đó, thế nhưng đã có dấu hiệu rằng Giang Trạch Dân là người được ưa chuộng, bí thư của Thượng Hải – một người có đường lối cứng rắn như Lý Bằng. (Vài ngày sau đó, lần bầu quả thật là đã quyết định chọn Giang.)
Thứ hai, 22 tháng 5, 3 giờ 00. Hai giờ liền, nhiều thông báo mâu thuẫn với nhau được phát đi ầm ỉ qua loa phóng thanh trên khu lều trại. Đầu tiên, có ai đó thông báo rằng những người biểu tình hãy nên đi về nhà. Rồi một giọng nói khác: không, vừa rồi đấy hoàn toàn không phải là sinh viên! Hãy đến họp! Rồi: cho tới chừng nào mà những người biểu tình giữ trật tự, thì quân đội hứa là sẽ không đến quảng trường. Thế rồi: chúng ta đi về, chúng ta đã chiến thắng!
Rõ ràng là các cuộc đấu tranh giành phương hướng đã trở nên gay gắt hơn giữa những người muốn nhượng bộ và những người không thỏa hiệp. Hay những người đến quá muộn. Vào ngày đấy, có khoảng 50.000 sinh viên tụ tập trên quảng trường, phần lớn họ là từ xa đến.
Thứ ba, 23 tháng 5. Một sỹ quan báo cáo với giới lãnh đạo nhà nước, hơn 2500 người lính đã chiếm đóng “mười vị trí quan trọng được giao phó”, trong đó có cảng hàng không, nhà ga chính, sở điện tín. Thành viên quân đội một phần xâm nhập vào thành phố bằng thường phục, có người đi bộ, những người khác đi xe đạp, lại những người khác được dấu trong xe đông lạnh: những phân đội tiền phong có nhiệm vụ âm thầm kiểm soát các vị trí quan trọng.
Thứ năm, 25 tháng 5. Dân biểu Quốc Hội thu thập chữ ký trong số các nghị sĩ để hội họp khẩn cấp nhằm bãi nhiệm cương vị thủ tướng của Lý Bằng. 57 nghị sĩ ký tên. Mật vụ báo cáo lại cho Lý. Quan chức “điều tra” những người ký tên, nhưng bằng cách nào thì không được đề cập đến.
Chủ Nhật, 28 tháng 5. Thư ký và cũng là người thân cận của Triệu Tử Dương bị bắt theo chỉ thị của Lý Bằng vì đã “làm lộ bí mật quốc gia”, sau này bị kết án bảy năm tù giam. Bản thân Triệu bây giờ bị quản thúc tại gia.
THỨ HAI, 29 THÁNG 5. Nhiều sinh viên đã kiệt sức. Trong những thành phố khác, các cuộc biểu tình cũng đã giảm xuống.
Giống như là phong trào đã đạt đến một điểm chết: nhiều sinh viên hoặc là tin rằng ít nhiều họ đã đạt được mục tiêu của họ qua các tuyên ngôn. Hoặc là họ không biết họ phải làm gì.
22 giờ 30. Sinh viên của Học viện Nghệ thuật Trung ương đẩy “Nữ thần Dân chủ” ra Thiên An Môn: một bức tượng cao mười mét bằng thạch cao được tạo tác theo bức tượng Nữ thần Tự do ở New York. Nó sẽ được khai mạc vào ngày hôm sau bên cạnh đài kỷ niệm của những người anh hùng. Bầu không khí cho tới nay đa phần là buồn thảm trong giới sinh viên tươi sáng lên.
Nửa đêm. Chỉ còn khoảng 300 sinh viên còn lại trên quảng trường và thảo luận về những bước đi kế tiếp của họ. Quyết định: chúng ta ở lại cho đến 20 tháng 6, kỳ họp kế tiếp của Quốc Hội trong Đại hội đường Nhân dân.
Thứ sáu, ngày 2 tháng 6, buổi sáng. Các đảng viên cao niên họp lại với Lý Bằng. Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi đề nghị để cho các lực lượng của tình trạng khẩn cấp bắt đầu thực hiện kế hoạch giải tỏa quảng trường vào tối nay và kết thúc trong vòng hai ngày.”
Buổi tối. Ca sĩ nhạc Pop sinh ở Đài Loan Hầu Đức Kiện trình diễn trước hàng chục ngàn thính giả một buổi ca nhạc đoàn kết trên Thiên An Môn.
22 giờ 55. Ở Cạnh cầu Mộc Tê Địa, nối dài của Đại lộ Trường An, khoảng năm kilômét về phía Tây của Thiên An Môn, một chiếc xe Jeep của lực lượng Cảnh sát Vũ trang chạy với vận tốc cao đã cán lên nhiều người đi bộ trên vỉa hè. Cảnh sát phong tỏa nơi xảy ra tai nạn, chở một người bị thương và ba người sắp chết vào một bệnh viện và dẫn tài xế đi. Hoàn cảnh của chuyến đi chết người đó không được làm rõ – người ta nói rằng cảnh sát đã cho một nhóm phóng viên truyền hình mượn chiếc xe Jeep đấy.
Chỉ sau một thời gian ngắn, 500 đến 600 người biểu tình giận dữ đã tụ họp lại ở nơi đó. Những người đó nghi ngờ, vì chiếc xe Jeep, vẫn còn ở nơi xảy ra tai nạn, không mang bảng số. Một người gọi to: “Lính mặc thường phục lẻn vào đấy!”
Đám đông xông qua rào cản của cảnh sát, khám xét chiếc xe và lôi quân phục, bản đồ thành phố, điện thoại di động ra. Tin đồn nhanh chóng lan đi qua thành phố: quân đội vào!
THỨ BẢY, 3 THÁNG 6, 0 GIỜ 00. Một mệnh lệnh được ban ra cho quân đội, vẫn còn đang đóng ở các vùng ngoại ô, chuẩn bị tiến vào các vị trí trung tâm.
Nhiệm vụ giải tỏa Thiên An Môn được giao trước hết là cho sư đoàn 112 và 113 cũng như sư đoàn xe tăng số 6 của quân đoàn 38, tổng cộng 10.800 người lính cũng như 45 chiếc xe tăng.
Vào khoảng 1 giờ 00, các sinh viên nhận được tin đồn, rằng quân đội đang tiến vào. Qua loa phóng thanh, họ loan báo thông tin đấy trên quảng trường và tại nhiều trường đại học. Nhiều nhóm người nhanh chóng tụ tập lại tại các ngã tư.
Ngay trong đêm đó, một vài xe buýt quân đội bị bao kín. Những người biểu tình vây quanh họ, cho tới khi họ dừng lại; một vài người nhổ nước bọt vào xe, những người khác đâm thủng lốp xe. Có lúc người đi đường lôi vũ khí ra khỏi xe; quân nhân, những người bị tách ra khỏi đơn vị của họ, bị đánh đập.
5 giờ 00. Loa phát thanh loan tin trên Thiên An Môn: “Chúng ta đã chiến thắng!” Ngay sau đó, nón sắt được chuyền tay nhau, những cái mà người ta đã giật được từ những người lính.
Vào khoảng 15 giờ. Quan chức cao cấp họp với Lý Bằng. Một người thân tín của Đặng chuyển giao thông điệp của ông ấy: “Hãy giải quyết vấn đề cho tới ngày mai trước khi trời sáng.” Nhưng ông ấy nhấn mạnh: “Không được đổ máu trên Thiên An Môn! Không ai được phép chết trên quảng trường.”
17 giờ 00. Các lãnh đạo sinh viên cho phân phát “vũ khí tự vệ” trên quảng trường: rìu, gậy gộc, dây xích, tre được chặt nhọn đầu. Hơn 1000 người biểu tình tràn vào một công trường xây dựng ở gần đó và tự trang bị cho mình bằng gạch ngói và sắt thép.
18 giờ 00. Một đám đông người tụ tập dọc theo đại lộ Trường An, cả nhiều người hiếu kỳ, thường cùng với trẻ em – vì đã lan truyền đi rằng quân đội tiến vào.
18 giờ 30. Chính quyền thành phố Bắc Kinh tuyên bố trong một “Thông cáo đặc biệt” qua truyền hình, phát thanh và loa phóng thanh: “Đừng ra đường phố và đến Thiên An Môn. Tất cả các công nhân phải ở lại nơi làm việc và tất cả các công dân phải ở trong nhà để bảo vệ cho tính mạng của mình.”
19 giờ 30. Tàu điện ngầm vẫn còn chạy và trong đám đông đó, không có ai chú ý đến những người đàn ông trẻ, luôn đi hai hay ba người với nhau, mặc áo trắng và quần xanh lá cây và với những cái ba lô giống hệ nhau, bước xuống trạm Tiền Môn và đi về hướng quảng trường: đó là những người lính mặc thường phục, rõ ràng là đang thâm nhập vào các tòa nhà ở quanh đó và tăng cường cho những đội canh gác ở đấy.
21 giờ 00. Nhiều sinh viên và người dân đã trở về nhà sau những lời cảnh báo của hành chính thành phố, hay họ kéo đến các khu phố ở ngoài, để chặn quân lính lại ở đấy. Đại lộ Trường An vắng vẻ, chỉ còn khoảng 1000 người biểu tình đứng ở đó. Nhưng vẫn còn vài chục ngàn người chiếm Thiên An Môn.
22 giờ 30: gần cầu Mộc Tê Địa, nơi vụ gây chết người xảy ra vào đêm hôm trước, khoảng 10000 người chận một đoàn xe tải quân đội lại. Những chiếc xe tải dừng lại cách đám đông 20 hay 30 mét. “Phát xít! Quân giết người!” tiếng hô vang đến những người lính. Rồi có gạch đá và chai lọ bay đến.
Một vài người lính, bị trúng gạch đá, không còn kìm chế được nữa – và bất thình lình bắn vào đám đông.
Sau những phát súng đầu tiên, đồ vật từ những căn nhà ở quanh đó được ném qua cửa sổ xuống nhóm quân nhân. Tiếp đó, những người lính bắn vào các cửa sổ và gọi to một câu nói xuất hiện trong thời của cuộc Cách mạng Văn hóa: “Nếu không ai tấn công tôi, tôi không tấn công ai; nhưng khi người ta tấn công tôi, tôi phải tấn công họ.”
Hoảng sợ, tiếng la hét, bỏ chạy, tiếng súng nổ. “Có ít nhất là một trăm người dân và sinh viên đã ngã xuống đất và nằm đấy trong những vũng máu”, một chỉ điểm của an ninh báo cáo sau đấy. Ba người dân sống trong các căn hộ bị trúng đạn chết.
Vào khoảng 23 giờ, các chiếc xe tải tiếp tục chạy đi, để lại những người chết và sắp chết, nhiều người bị làm biến dạng một cách đáng sợ. Ở phía sau họ, người dân giận dữ đẩy những chiếc xe buýt đang cháy lên cầu Mộc Tê Địa làm vật chướng ngại, để ngăn chận các lực lượng tăng cường tiếp theo. Xác chết không toàn thây được mang vào bệnh viện trên các cánh cửa đã được tháo ra hay trên những chiếc cáng tạm bợ khác.
CHỦ NHẬT, 4 THÁNG 6, 1 GIỜ 00. Được trang bị với súng liên thanh AK–47, quân lính đồng thời xông vào quảng trường từ mọi hướng. Họ ở trên các bậc thang của Viện bảo tàng Cách mạng Trung Quốc ở phía Đông, trước Thiên An Môn ở phía Bắc, trước Đại sảnh đường Nhân dân ở phía Tây và đang tiến đến gần đến Nhà kỷ niệm Mao ở phía Nam. Ở phía sau là xe tải và xe tăng.
Thông tin qua loa của quân đội: “quân lính sẽ cương quyết với cuộc nổi dậy phản cách mạng”. Sau đấy, trong vòng một giờ, hàng chục ngàn người đã rời bỏ quảng trường mà không hề chống cự lại. Không ai ngăn cản họ: đấy chính là mục tiêu của quân đội, bắt buộc càng nhiều người nhanh chóng rời Thiên Nam Môn càng tốt.
Vào khoảng 2 giờ. Khoảng một chục người biểu tình cầm can xăng chạy về phía Bắc để đốt những chiếc xe tải đang đỗ lại ở đó. Quân lính bắt giữ họ, rõ ràng là không cần phải đánh nhau nhiều.
Vào khoảng 3 giờ. Ca sĩ nhạc Pop Hầu Đức Kiện trở thành một nhân vật chính trong những phút sau đó. Qua loa phát thanh, Hầu và một vài sinh viên khác yêu cầu những người biểu tình giải tán. Tất cả “các đồ vật có thể sử dụng như vũ khí” cần phải được bỏ lại tại đài tưởng niệm các anh hùng.
3 giờ 30. Hầu Đức Kiện và một vài người lao trên một chiếc xe đến chỗ những người lính trước Viện bảo tàng Lịch sử Trung Quốc. “Đừng bắn!”, họ gọi to – và xin một sĩ quan được phép dẫn các sinh viên còn lại đi ra: vì vẫn còn khoảng 3000 người nam nữ trẻ tuổi ở lại tại đài kỷ niệm các anh hùng.
4 giờ. Bất thình lình tối sầm. Đèn trên Thiên An Môn bị tắt. Nhóm của Hầu Đức Kiện, vẫn còn đứng trước Viện bảo tàng, bắt đầu hoảng hốt. Rồi một sĩ quan mang lại lời hứa: có thể giải tỏa trong hòa bình!
Các sinh viên ở đài tưởng niệm các anh hùng cũng sợ hãi trong khoảng khắc, rồi họ dùng chăn, gậy và lều đốt lên một đám lửa ở mặt Tây của đài tưởng niệm và hát bài “Quốc tế ca”.
Từ phía Bắc và phía Nam, quân lính tiến đến đài tưởng niệm với súng đã lên đạn. Những người biểu tình không nhìn thấy gì nhiều trong bóng tối. Lộn xộn, rồi biểu quyết bằng tiếng gọi: nhóm người đồng tình “Rút đi!” rõ ràng là tạo tiếng ồn nhiều hơn những người muốn ở lại.
4 giờ 30. Đèn đường lại sáng lên: bây giờ, các sinh viên nhìn thấy mình bị quân lính bao vây chặt, xe tăng ở phía sau. Các con quái vật bằng thép đấy nghiền nát những cái lều mà họ đã kiên trì ở trong đó lâu đến thế. “Nữ thần dân chủ” đổ ầm xuống, giàn loa phóng thanh của những người biểu tình bị nghiền nát.
Nhóm nhỏ ở đài tưởng niệm chỉ còn cách vòng tròn của những người cầm súng từ 20 đến 30 mét.
5 giờ. Phần lớn các sinh viên vừa hát, vừa mắng chửi những người lính, thỉnh thoảng nhổ nước bọt vào người họ, vừa đi xuyên qua những chiếc xe tăng đến góc Đông Nam của quảng trường và rồi đi khỏi, bị những người mặc quân phục cầm gậy theo sát.
5 giờ 20. Trời sáng. Khoảng 200 người biểu tình cuối cùng ở đài tưởng niệm bây giờ lui bước trước một hàng xe tăng và quân lính khác, cho tới khi họ bị đẩy ra khỏi quảng trường.
5 giờ 40. Quân lính tụ họp trước Nhà tưởng niệm Mao, bắn chỉ thiên và hét to: “Nếu không ai tấn công tôi, tôi không tấn công ai.”
Thiên An Môn được giải tỏa.
CHỈ VÀI TIẾNG SAU ĐÓ, tin đồn lan đi qua thành phố và cuối cùng là đi khắp thế giới: về những chiếc xe tăng đã nghiền nát những người đang ngủ, về những người lính đã đốt xác chết bằng súng phun lửa.
Thật sự thì chỉ có một vài ngàn người lính đã đẩy một nhóm nhỏ sinh viên kiệt lực, bị bất ngờ, ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn – mà không giết người ở đó.
Mặc dù nhà báo Phương Tây tường thuật từ Bắc Kinh đã nhiều tuần, trong những giờ khắc quyết định thì lại không có ai trong số họ có mặt trên quảng trường. Chính người dân của thành phố cũng được thông tin tương đối không được tốt, vì nhiều người biểu tình còn lại ở đó vào lúc cuối là xuất phát từ các tỉnh.
Thiếu vắng nhân chứng là một trong hai lý do cho việc hình thành huyền thoại đen tối về “Cuộc thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn”. Lý do còn lại là bạo lực, cái chắc chắn là đã hiện diện: trước hết là trên chiếc cầu Mộc Tê Địa, nơi một vụ thảm sát đã thật sự xảy ra.
Và trong những giờ sau đó. Vì bây giờ trên nhiều đường phố quan trọng có quân lính đi tuần căng thẳng, xuyên phá rào cản, canh giữ các địa điểm – và không ai ra lệnh cho họ tránh dùng bạo lực.
Như trên đưởng Liubukou, những người lính của Quân đội Nhân dân đã lái xe tăng xông vào người biểu tình vào lúc khoảng 6 giờ và bắn vào đám đông: mười một người chết. Trên đường Nanheyan, vào lúc ban đầu, người dân chế diễu quân lính. Khi những người này giơ súng lên nhắm thì họ bỏ chạy: loạt đạn giết chết bốn người đang thoái lui.
Ở khu phố Jinsong, xe tăng đi theo hướng vào nội thành; trên mỗi chiếc xe có ba người lính ngồi, nhìn ra những hướng khác nhau. Ngay khi có ai đó gọi to là họ bắn; một người chết.
Ở vài nơi, người dân quyết liệt chống lại: tại rào cản ở cầu Một Tê Địa, những người biểu tình đã đốt cháy ít nhất là hai chiếc xe tăng và nhiều chiếc xe tải.
Ở nơi khác, xác chết của một người lính bị treo trên một chiếc xe buýt đã bị cháy, cạnh đó có mảnh giấy: “Người lính này phải chịu trách nhiệm cho việc giết bốn mạng người.”
Trong ánh sáng ban mai, khói bay lững lờ trên thành phố, khoảng 500 chiếc xe tải đã cháy rụi của quân đội nằm trên đường phố. Giữa những đống đổ nát đen kịt đấy: rác, gạch đá, xe đạp bị nghiến nát – dấu vết của những trận đánh dữ dội và hoảng sợ chạy trốn.
Người bị thương và người chết được chở trên những chiếc xe ba bánh đi xuyên qua sự hỗn loạn đó. Căng thẳng, tiếng la hét, thường là sự buồn nản sâu thẳm. Trong khi có những sinh viên nào đó vẫn còn xây rào cản thì những người khác đã trốn vào trong vòng bí mật. Không ai biết thật sự đã xảy ra điều gì.
Buổi tối. Xung đột tại một vài rào cản, trước hết là tại những con đường chính, ở những nơi cần phải chận xe quân đội lại.
Trong 181 thành phố, ngoài những nơi khác là trong tất cả các tỉnh lỵ và thành phố lớn như Thượng Hải, sự phản kháng của sinh viên và công nhân leo thang trong ngày này và những ngày sau đó.
Thứ hai, 5 tháng 6. Một sự yên lặng đầy sự đe dọa đè nặng lên đại lộ Trường An. Thiên An Môn bị phong tỏa. Trong nhiều khu phố ở ngoài trung tâm đã có những hàng dài người đứng trước các cửa hiệu vì người dân lo sợ đi mua dự trữ.
Liên tục có đơn vị quân đội chạy qua đại lộ Trường An. Những chiếc xe tăng T–69 nặng tới mức chúng làm lõm nhựa đường.
Một lần, khoảng một phút xe chạy trước lối vào Quảng trường Thiên An Môn, có một người đàn ông trẻ tuổi mặc áo trắng và quần sẫm màu bước xuống đại lộ Trường An, tay cầm những túi mua sắm.
Anh ấy đứng trước một đoàn hơn chục chiếc xe tăng và chận chúng lại. Anh ấy tình cờ được quay phim từ trong một căn nhà. Chiếc xe xích sắt đầu tiên của đoàn xe quay sang phải – anh ấy cũng thế; chiếc xe tăng quay sang trái, người đàn ông không sợ chết cũng thế.
Rồi anh ấy còn leo lên chiếc xe tăng, nói với những người lính ở bên trong. Sau khoảng một phút, anh ấy lại leo xuống, vẫn còn cầm những cái túi nhựa trong tay. Người bộ hành lôi anh ấy đi vào nơi an toàn của sự vô danh.
Cho tới hôm nay vẫn không biết danh tính của người đàn ông này: có thể đấy là một sinh viên 19 tuổi có tên là Vương Duy Lâm, có thể là một người con của một công nhân, có thể là một người đến từ nông thôn – anh ấy không bao giờ xuất hiện nữa.
Bức ảnh đấy trở thành thần tượng của cuộc nổi dậy: một người dân chống lại lực lượng hùng hậu của quân đội, chỉ được trang bị bằng lòng dũng cảm của mình.
Nhưng cả phần được quay phim tiếp theo sau đó, rất ít được biết tới của mẩu chuyện này cũng tượng trưng cho cái ngày đó: những chiếc xe tăng, bị con người vô danh đó chận lại trong vài khoảng khắc, sau đó tiếp tục lăn đi về hướng Thiên An Môn mà không bị cản trở.
Thứ ba, 6 tháng 6. Vẫn còn có tiếng súng lác đác trong thành phố. Tin đồn về những cái được cho là các trận đánh nhau giữa quân đoàn 27 và quân đoàn 38. Hy vọng hoang dại, rằng “quân đoàn tốt”, tức là quân đoàn 38 đóng gần Bắc Kinh, sẽ chống lại “quân đoàn xấu”, quân đoàn 27 tiến vào với lính chủ yếu từ Mông Cổ. Thật sự thì hoàn toàn không hề có điều đó xảy ra.
Các cuộc biểu tình bị đập tan. Cuộc đấu tranh vì quyền lực đã ngã ngũ – phần thắng nghiên về phía của Đảng, của những người đàn ông già quanh Đặng Tiểu Bình.
Nhưng với cái giá nào?
Đã có hơn 2000 người chết, các nhà quan sát từ Phương Tây ước đoán sau những ngày đó, những người biểu tình còn nói tới 7000 người. Thật sự thì tổng kết cũng đã là đáng sợ rồi, nhưng không đáng sợ như người ta tưởng.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh sau này sẽ tường thuật trong nội bộ về 23 người lính chết cũng như 5000 người bị thương, về 218 thường dân chết, trong đó có 36 sinh viên, cũng như 2000 người dân bị thương. Nạn nhân lớn tuổi nhất là một nữ công nhân đã về hưu, nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một đứa bé chín tuổi.
Có thể là các con số này quá thấp. Nhưng có nhiều khả năng là phải đếm người chết trong số trăm nhiều hơn là trong số ngàn.
Đặng và những người lãnh đạo Đảng khác họp lại lần đầu tiên vào ngày này sau chiến dịch của quân đội. “Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác”, người bố già bào chữa trước các đống chí chóp bu.
Lý Bằng nói rằng tất cả các lãnh tụ sinh viên đều trốn vào vòng bí mật: Vương Đan đã “lẩn trốn”, “tên du côn Ngô Nhĩ Khai Hy đã thụt đuôi lại”. Thật sự thì Ngô Nhĩ Khai Hy sẽ ra được nước ngoài, nơi anh ấy vẫn còn sống cho tới ngày hôm nay.
Đặng yêu cầu trừng trị “một đám người tham vọng”, tức là những người lãnh đạo. “Nhưng chúng ta nên tha thứ cho các sinh viên và những người đã ký tên vào tờ thỉnh cầu.” Phần lớn sinh viên vì thế mà cũng không phải chịu sự trừng phạt nào.
Nhưng các lãnh tụ của họ, nếu như không thể bỏ trốn, đều phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Đặng: như Vương Đan chẳng bao lâu sau đó đã bị bắt và đã ngồi tù một phần lớn của thập niên tiếp theo sau đó, cho tới khi anh ấy cuối cùng bị trục xuất qua Mỹ.
Thứ tư, 14 tháng 6. Xe tăng rời Thiên An Môn, quân lính dọn rào kẽm gai trên các con đường dẫn tới đó. Cấm Thành lại được mở cửa, những nhóm du khách đầu tiên đã đến.
NHỮNG TUẦN LỄ gây chấn động Trung Quốc đã bắt đầu như một phong trào đấu tranh cho những điều kiện học tập tốt hơn, cho những cải cách chính trị ôn hòa, chống tham nhũng và kinh tế đặc quyền. Nhiều người dân ở Bắc Kinh và trong các thành phố quan trọng khác đã ủng hộ các sinh viên. Ở Trung Quốc, cơn bão phản đối này bao gồm gần 100 triệu người.
Nhưng tuy vậy, các hoạt động đều không có kế hoạch từ trước, không có tổ chức vào lúc ban đầu, không có lãnh tụ có sức thu hút nổi bật. Vì vậy, tuy phong trào này đã lôi kéo một con số khổng lồ của người dân bước ra đường phố – như từ đó, nói một cách hình tượng, thì lại chẳng đi đâu tiếp nữa.
Các sinh viên đã lay động một giới lãnh đạo Đảng cứng nhắc già nua, chia rẽ trong nội bộ, bị chấn thương bởi cuộc Cách mạng Văn hóa, dẫn đầu bởi con người già nua Đặng Tiểu Bình. Ông bố già này và những người thuộc phe cứng rắn quanh thủ tướng Lý Bằng cuối cùng đã dùng bạo lực ép buộc phong trào chấm dứt, cái đã qua đỉnh cao của nó.
Tháng 6 năm 1989 đã mang lại hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương. Tiếp theo sau đó có ít nhất là 27 vụ xử tử – những người đối lập còn nói đến 500 – cũng như hơn 4000 vụ bắt giam. Sếp Đảng Triệu Tử Dương mất chức, nhiều quan chức bị trừng phạt.
Hiện giờ, đêm của Thiên An Môn đã bị xua đuổi đi. Các thế hệ sinh viên tiếp theo sau đó quay lưng lại đi với chính trị, tìm thành tựu của mình trong cuộc sống kinh tế đang lao nhanh đi nhiều hơn.
Thân nhân của những người đã chết trong năm 1989 cho tới ngày hôm nay là những người nhúng chàm bị đứng ở rìa của xã hội; bị giám sát bởi an ninh quốc gia. Hồi tưởng hẳn sống động nhất về tháng 6 năm 1989, mỉa mai cay đắng của lịch sử, lại đang cháy bập bùng trong giới lãnh đạo Đảng – nơi mỗi một quan chức đều phản ứng một cách hoảng sợ trước dấu hiệu nhỏ nhất của sự chống đối về mặt chính trị.
Đặng Tiểu Bình cho tới khi qua đời năm 1997 không bao giờ hối hận vì đã dùng bạo lực. Ngay khi Lý Bằng nói với ông ấy về những trừng phạt (thật sự là đã kéo dài hoàn toàn không lâu) mà các nước Phương Tây đã đe dọa sau vụ thảm sát, người bố già đã khinh thường trả lời: “Cơn bão nhỏ đấy sẽ không thổi bay được chúng ta đâu.”
Với đêm của Thiên An Môn – chứ không phải với cái chết của ông ấy vào năm 1976 – kỷ nguyên của Mao Trạch Đông cũng chấm dứt. Viên “Đại Chủ tịch” trong nửa đầu của cuộc đời mình đã đấu tranh như là một nhà cách mạng cho một viễn tưởng – và đã thực hiện nó trong nửa sau như là một chính trị gia: viễn tưởng của một Trung Quốc hùng mạnh, thống nhất và cộng sản.
Nước Trung Quốc hiện đại này cả một thời gian dài đã đứng trên ba cột trụ:
- Của tư tưởng hệ, cái là “tư tưởng Mao Trạch Đông” có ý nghĩa như một hình thức đặc biệt của Chủ nghĩa Cộng sản. Tư tưởng hệ này biện hộ cho tất cả các hành động của chính sách đối nội, đối ngoại, văn hóa, luật pháp và kinh tế. Nó hợp thức hóa các cải cách và những biện pháp bắt buộc mà đã làm biến đổi một cách mạnh mẽ cuộc sống của hàng trăm triệu người;
- Của ĐCS như là đảng quốc gia. Nó là giới tinh hoa và tổ chức độc quyền của Trung Quốc, đảng chính trị có đảng viên nhiều nhất của thế giới, một lò đào tạo cán bộ và tổ chức thống trị mà quan chức của nó cầm quyền vào cho tới trong những phòng thí nghiệm của giới khoa học gia và lãnh đạo cả những làng mạc hẻo lánh. Đảng này được tổ chức chặt chẽ và được kính trọng như là người chiến thắng những cuộc chiến tranh tàn phá trên đất Trung Quốc trong nửa đầu của thế kỷ 20.
- Của quân đội như là sự bảo đảm quân sự cho ý thức hệ và cho Đảng của nó. Lực lượng có sức mạnh đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, chiến thắng các warlord, nước Nhật, theo sự thông hiểu của mình còn thắng cả Hoa Kỳ ở Triều Tiên nữa. Một quân đội mà trong nước cũng phô diễn một sức mạnh tàn bạo cũng như hiệu quả, như khi họ chấm dứt những thái quá của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Khi Mao chết năm 1976, ba cột trụ đấy vẫn còn đứng vững – mặc dù Đảng đã bị suy yếu qua các lần thanh trừng của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Tuy vậy, trong những năm sau đó, Đặng Tiểu Bình – mặc cho tất cả những lời ca ngợi – đã rời bỏ hầu như hoàn toàn tư tưởng hệ của Mao Trạch Đông. Ông thay ý tưởng một cuộc cách mạng liên tục của ông ấy bằng một thử nghiệm của Chủ nghĩa Tư bản được cởi trói trong một quốc gia được xem là xã hội chủ nghĩa. Qua đó, lời hứa hẹn làm giàu của Đặng chính là điều trái ngược lại với lý tưởng của Mao.
Nhưng cơn thịnh nộ của các sinh viên năm 1989 cũng cho thấy rằng cả cột trụ thứ hai cũng đã sụp đổ: ĐCS.
Tuy Đảng vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng tham nhũng tràn lan đã cướp đi danh tiếng của nó. Tại những cuộc biểu tình trên Thiên An Môn, nó đã bị chế diễu, độc quyền của nó bị đe dọa – và cuối cùng tự nó đã chứng tỏ nó không có khả năng để đối đầu với sự thách thức của hàng triệu người: nó tê liệt cho tới tận chóp bu.
Chỉ cột trụ thứ ba của nhà nước Mao là vẫn còn đứng vững, nó đã một mình quyết định số phận của những người biểu tình: quân đội vẫn tiếp tục hoạt động theo ý muốn của những người tạo ra nó, nó đập tan cuộc nổi dậy chống lại chế độ – và nó lập nên trật tự của trại lính, nơi có sự yên tịnh nhưng không có tự do.
TỪ NGÀY 4 THÁNG 6 NĂM 1989, Trung Quốc của Mao mặc dù vậy không còn tồn tại nữa: chỉ còn vài người tin vào tư tưởng hệ của ông ấy, trong con mắt của nhiều người Trung Quốc, đảng của ông ấy thiếu chính danh, nó đã bị giam giữ trong những hệ thống cấp bậc chằng chịt và tham nhũng không thể nào tiệt trừ được nữa.
Từ một đất nước cộng sản khổng lồ đã trở thành một kết hợp dường như nghịch lý của nhà nước quân đội và nhà nước kinh tế cởi mở. Chính quyền đã ký kết một cái giống như hợp đồng trao đổi với người dân của họ: chúng tôi đưa cho các anh tăng trưởng kinh tế và phồn vinh, bù vào đấy các anh từ bỏ gây ảnh hưởng đến chính trị.
Điều đấy không bắt buộc phải là xấu.
Về vật chất, chắc chắn là số đông người Trung Quốc chưa từng bao giờ có được tốt như ngày hôm nay. Cả sự tự do của họ khi so với một thần dân thắt bím của triều Thanh hay với một người nông dân cộng sản năm 1950 thì thật là tuyệt vời. Thêm vào đó, trong vòng một thế kỷ, Trung Quốc đã vươn lên từ một cấu trúc tựa như thuộc địa, bị làm nhục, trở thành một cường quốc tự tin.
Nhưng cũng rõ ràng là nền kinh tế quá nóng với những bất công xã hội sâu sắc của nó cũng như sự tự do chính trị cho tới ngày nay vẫn bị khước từ có thể sẽ khiến cho Trung Quốc trở nên bất ổn định chỉ qua một đêm: như vương quốc nhà Thanh vào khoảng năm 1910.
Vì hợp đồng trao đổi của Đặng Tiểu Bình chỉ có hiệu lực cho tới chừng nào mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhanh chóng. Nếu như sự thịnh vượng – hay niềm hy vọng có nó – giảm xuống, thì sự trung thành của thần dân đối với nhà nước cai trị sẽ tan chảy ra.
Rồi rất nhanh chóng sẽ có rất nhiều người Trung Quốc lắng nghe những người bất đồng chính kiến như nhà văn Lưu Hiểu Ba đang bị giam giữ, người nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Và vì vậy mà từ 1989, chính những người thừa kế Mao đã lo sợ cái ngày đấy, ngày mà có một nhà cách mạng có sức lôi cuốn sẽ khởi dậy – có lẽ lại ở đâu đấy trong một cái làng nào đấy ở đâu đấy trong Trung Quốc.
Bắt đầu một cuộc Trường Chinh mới.
Cay RadeMacher
Phan Ba dịch
Giới thiệu tài liệu: Andrew J. Nathan, Perry Link, “The Tiananmen Papers”: bộ sưu tập đồ sộ các tài liệu Trung Quốc được một người nặc danh mang lén ra khỏi Bắc Kinh, có nhiều thông tin và hấp dẫn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét