Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Hai bài tư liệu về chữ Việt cổ:

Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ

 Ông Xuyến với những chữ Việt cổ tìm được

“Lần đầu tiên tìm và giải mã được chữ Việt cổ, tôi đã khóc, khóc như một đứa trẻ” - ông Đỗ Văn Xuyền, ở phường Tân Dân (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), một thầy giáo nghỉ hưu, hơn 40 năm qua đã bỏ tiền túi để đi tìm chữ Việt cổ, nhớ lại. Trong khi sưu tầm và nghiên cứu, ông Xuyền còn phát hiện ra nhiều bí mật trong quá trình hình thành và phát triển chữ viết của cha ông:

Gian nan tìm chữ viết cổ
Mặc dù đã gần ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông ông Xuyền vẫn vượng lắm. Mái tóc bồng bềnh, khuôn mặt phúc hậu pha chút phong trần, ông giống một văn sỹ hơn là một nhà khảo cổ học dù là không chuyên. Có lẽ trời phú cho sức khỏe nên ông vẫn cần mẫn đi tìm, giải mã chữ viết của tổ tiên.
“Vào một chiều cách đây hơn 40 năm, trong khi lao động, học sinh của tôi đã đào được những phiến đá, búa, rìu có hoa văn kỳ lạ, giống như chữ viết cổ. Ý định đi tìm chữ Việt cổ xuất phát từ đó” - ông Xuyền tâm sự.

Chữ Việt cổ khắc trên sách đá trong đền thờ
Thục Nương (người đọc Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng)
có từ thời Hai Bà Trưng, xã Phương Lâu, Việt Trì

Hành trình tìm chữ của cha ông có cả niềm vui và nước mắt. Năm 1989, khi đến xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, ông thấy một ngôi miếu đổ nát có tên Thiên Cổ miếu. Tại đây, người dân đã đào được một thanh kiếm bằng đồng, một cái bát đồng có ghi thứ chữ lạ. Sau đó, khi nghe tin ở Sa Pa (Lào Cai), phát hiện một bãi đá cổ có những con chữ lạ, thế là ông “khăn gói quả mướp” lên đường.
Càng tìm tòi, phát hiện ông càng thấy say mê, cái thú tìm chữ cổ như đã ngấm vào máu của ông. Khi biết thông tin ở địa phương nào phát hiện chữ viết lạ, dù xa đến mấy, ông cũng không tiếc thời gian, công sức tìm đến. Khi thì Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, lúc ông lại ngược lên Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu...
Ông đã dồn tất cả những đồng lương ít ỏi của mình cho những chuyến đi. Thậm chí, ông Xuyền còn thế chấp sổ lương hưu để vay tiền ngân hàng, làm lộ phí cho những cuộc hành trình bất tận về cội nguồn. Ông đã sưu tập được một khối lượng lớn tư liệu, chữ Việt cổ và đã khu biệt được một bộ chữ gồm 47 chữ cái. Để thuận tiện cho việc dịch chữ, ông Xuyền đã cho ra đời cuốn sách Giải mã chữ Việt cổ.
Ông Xuyền tâm sự: “Không phải chuyến đi nào cũng mang lại kết quả. Nhiều lần, tôi đến tận Quảng Bình, Quảng Trị, lên đỉnh Trường Sơn gặp đồng bào Cọi tìm chữ viết trên “trang sách” bằng lá cây hay qua miền Trung tìm chữ trên những viên gạch Chăm... nhưng không phải là chữ Việt cổ. “Có những chuyến đi, tôi bị ốm thập tử nhất sinh như sau chuyến đi Sa Pa, tôi phải nằm liệt giường tới 4 tháng”.
Ông Xuyền viết chữ Việt cổ trên giấy lụa
Bảng so sánh chữ cái Việt cổ mà ông Xuyền tìm được ở các đỊa phương
Nền giáo dục thời Hùng Vương phát triển mạnh
Căn phòng làm việc của ông Xuyền sẽ không có gì đặc biệt, nếu trên những ngăn tủ không có những ký hiệu rất lạ mắt. Do đọc thông, viết thạo chữ Việt cổ nên tất cả ký hiệu ở cuốn sổ tay hay ở các ngăn tủ và cả những phong thư, ông đều dùng chữ của tổ tiên có từ thời Vua Hùng.
Theo ông Xuyền, ngay buổi lập nước, chúng ta có một nền giáo dục rực rỡ. Thời Hai Bà Trưng các tướng tá đều được học hành chu đáo như Lê Ả Lan, Lê Anh Tuấn ở Đường Lâm, Sơn Tây; tả tướng Phật Nguyệt, nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Thiều Hoa... đều được sử chép là học chữ rất tài. Hai Bà Trưng còn được mẹ là bà Man Thiện đón vợ chồng thầy Đỗ Năng Tế và Tạ Cẩn Nương về dạy chữ tại nhà.
Để chứng minh, ông đã lập tấm bản đồ về 60 đền thờ thầy và địa điểm trường lớp qua các thời Vua Hùng, Triệu Đà và Hai Bà Trưng từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc. Tại thành phố Việt Trì, ông đã tìm thấy miếu thờ thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở Mộ Trạch, Hải Dương và vợ là Nguyễn Thị Thục quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên đây dạy học thời vua Hùng thứ XVIII. Có thầy, có trò, tất phải có chữ, nhưng chữ viết của cha ông có từ bao giờ? - là câu hỏi khiến ông Xuyền phải lao tâm khổ tứ, đi tìm câu trả lời.

Bảng chữ Việt cổ được đặt trong Thiên cổ miếu

Chữ viết nước ta có trước khi người Hán đô hộ
Qua quá trình nghiên cứu, ông Xuyền cho rằng. “Chúng ta đã có chữ viết trước khi chữ Hán được đưa vào nước ta”. Bởi ngay từ thời Hai Bà Trưng, nền giáo dục đã phát triển. Trong khi đó, chữ Hán chỉ vào Việt Nam từ năm 186 do Sĩ Nhiếp đưa sang.
Tôi thầm nghĩ, giả thiết này của ông hoàn toàn có cơ sở vì thâm ý của ngoại bang đôi khi rất hiểm độc. Khi đô hộ, bao giờ chúng cũng muốn đồng hóa văn hóa nước ta, nên trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, chữ Việt cổ không còn dấu tích là điều có thể. Điều này thể hiện rõ trong chiến dịch tận thu trống đồng của Mã Viện hay chính sách “Đốt sách, chôn Nho” của nhà Minh khi xâm lược nước ta.
Ông Xuyền còn tìm nhiều bằng chứng để bảo vệ ý kiến của mình: Trong cuốn “Thanh Hóa quan phong” của Vương Duy Trinh, tác giả viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy – một loại chữ Việt cổ. Để có tính khách quan, ông Xuyền tìm bằng chứng trong sách Thông giám cương mục của Chu Hi đời Tống. Sách có đoạn viết: “Đời Đường Nghiêu thứ 5 (2352 trước Công nguyên) người Nam Di Việt đến chầu, hiến con rùa lớn, lưng rùa rộng ba thước có chép chữ khoa đẩu (con nòng nọc), ghi chép việc từ khai thiên lập địa đến nay”...

Bản đồ các đền thờ thầy giáo
do ông Xuyền phát hiện

Trước ông Xuyền, trong cuốn “Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ”, nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh cũng nhắc đến chữ khoa đẩu thời tiền sử của dân tộc ta. Nhiều nhà khoa học tiền bối và hiện tại, cũng đã bỏ nhiều công nghiên cứu chữ Việt cổ nhưng dường như tất cả còn dang dở. Điều này càng thôi thúc tiếp tục cuộc hành trình mình đã chọn. Tôi nhận thấy, quyết tâm đó hiện rõ trên ánh mắt dù đã có phần đục mờ của ông.
Lúc chia tay, ông tặng chúng tôi cuốn Giải mã chữ Việt cổ. Như đoán được ý chồng, vợ ông bảo, “ông ấy muốn phổ cập chữ Việt cổ đấy”. Bà vừa nói vừa ánh lên một nụ cười phúc hậu. Chắc hẳn trong bao năm qua, không có sự đồng tâm của bà, ông Xuyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường thiên lý tìm về với nguồn cuội của mình.
Năm 2005, nhân dịp lên thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch nước khi đó là Trần Đức Lương đã dành thời gian trao đổi với ông Xuyền về chữ Việt cổ và động viên ông tiếp tục nghiên cứu. Gần đây nhất, ông Xuyền cũng đã có buổi báo cáo về đề tài chữ Việt cổ lên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Cuối năm 2007, tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi, hơn 40 nhà khoa học đã nghe ông báo cáo về những phát hiện mới của chữ Việt cổ. GS Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao những phát hiện của ông.
Bên cạnh sở thích tìm chữ Việt cổ, ông Xuyền còn say mê sáng tác văn học với bút danh Khánh Hoài. Trẻ em rất thích những tác phẩm của ông như Băng Ngũ Hổ, Những chuyện bất ngờ, Cuộc chia tay của những con búp bê... Người lớn thì được nhiều trận cười khi xem phim Ghen, Bảy ngày làm vợ, chuyển thể từ chuyện ngắn của ông. Hiện ông là Chủ nhiệm đề tài chữ Việt cổ của Bộ phận nghiên cứu thời tiền sử thuộc Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam.
(Bài và ảnh: Hoàng Phú - PNVN)
_________________________________________

CÔNG TRÌNH CHỮ VIỆT CỔ

CỦA GIÁO SƯ LÊ TRỌNG KHÁNH
 VÀI NÉT VỀ CÔNG TRÌNH CHỮ VIỆT CỔ CỦA GIÁO SƯ LÊ TRỌNG KHÁNH
GS Lê Trọng Khánh . Ảnh ĐQH

Ký hiệu đơn lẻ có dạng chữ viết trên lưỡi cầy đồng

Ngày 11.6.2009 tại trụ sở Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam, Giáo sư Lê Trọng Khánh đã thuyết trình về những cứ liệu khoa học mới nhất, chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của chữ Việt cổ. 
Đã có nhiều công trình của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, mỗi người đều tìm cho mình một con đường để đi đến cái đích chung. Với giáo sư Lê Trọng Khánh, là một nhà khoa học, nên giáo sư tìm cho mình con đường riêng: Ngoài thông qua các thư tịch cổ trong và ngoài nước, thì chủ yếu là thông qua những căn cứ khoa học đã được kiểm chứng, trong một hệ thống phát triển từ thấp lên cao, mang tính bản địa đặc thù và nhất quán. Cụ thể: Từ những đồ gốm, đồ đồng Đông Sơn, đến những văn tự "thắt gút" của người Chăm Hrê ở Nghĩa Bình, những hình đồ họa, dần dần phát triển thành ngôn ngữ viết hoàn chỉnh ở bậc cao. Cũng chính vì có phương pháp nghiên cứu có hệ thống và khoa học như vậy, nên cho đến lúc này, giáo sư là người duy nhất chứng minh được sự liên hệ của chữ viết trên đá cổ ở Sa Pa và Đông Sơn, giải mã thành công văn tự trên đá cổ ở Sa Pa, từng gây ra bao cuộc tranh luận làm đau đầu bao giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Thành công này của giáo sư Lê Trọng Khánh, với phương pháp luận không thể phủ nhận, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Sự nghiệp nghiên cứu chữ Việt cổ của giáo sư Lê Trọng Khánh có thể chia làm hai giai đoạn: Từ năm 1958 đến năm 1986 và từ 1986 đến nay. Nếu như ở giai đoạn đầu là giai đoạn tìm những chứng cứ và con đường đi, thì ở giai đoạn sau là sự khẳng định phương pháp nghiên cứu một cách khoa học biện chứng. Chính vì vậy ở giai đoạn này giáo sư có những bước tiến quan trọng, chính xác trong sự nghiệp nghiên cứu của mình.
Qua các hiện vật khảo cổ được phát hiện ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, giáo sư có được phát hiện vô cùng quan trọng: "Hệ thống chữ viết ấy xác định quá trình ra đời có nguồn gốc sâu xa từ những yếu tố tiền văn tự. Với thời gian dài tiến triển thành hệ thống chữ viết hình vẽ phát triển cao, được khắc trên đá ở Sa Pa, vào giai đoạn văn hóa đồng thau phát triển - Gò Mun. Trên cơ sở đó chuyển lên loại hình chữ viết cao hơn. Và cũng chính ngay bản thân hệ thống chữ viết cao đó, cũng có cứ liệu vững chắc để thấy sự đi lên của nó, từ thấp đến giai đoạn hoàn chỉnh của chữ viết ghi âm Đông Sơn - chữ viết có nguồn gốc riêng, sớm nhất ở Đông Nam Á". Theo giáo sư: "Sự phát hiện chữ viết góp phần hiểu sâu hơn văn hóa Đông Sơn. Nền văn minh đó, tất nhiên không giống các nền văn minh cổ khác đã ra đời ở các dòng sông lớn trên thế giới như sông Nil, Lưỡng Hà và Ấn Hà" và: "Văn minh Đông Sơn đã tỏa ảnh hưởng ra ngoài và chữ viết của người Việt cổ làm cơ sở cho các hệ chữ viết còn lại sau này". "Chữ viết của người Việt cổ đã được định hình và phát triển trên địa bàn rất rộng vào các thế kỷ trước công nguyên. Nó phân bố rộng hơn phạm vi thống trị của Tần - Hán ở các nước phía nam và Đông Nam Á... Thời khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, chữ Hán còn rất hạn chế; chữ Việt cổ vẫn là công cụ thông tin và truyền lệnh sắc sảo, góp phần tích cực cho thắng lợi trên phạm vi 65 thành (huyện) - bao gồm Lưỡng - Việt, Hải Nam đến Nhật Nam?".
Để giải mã được chữ khắc trên đá cổ Sa Pa, giáo sư tìm thấy sợi dây liên hệ "Từ một rìu lưỡi xéo có khắc hai hình người trên thuyền, hình chó chặn hai con nai. Hình người có tính chất sơ đồ hóa cao, tương tự với chữ viết hình vẽ trên đã Sa Pa. Đây là bằng cứ mối liên hệ nguồn gốc từ chữ khắc đá tới chữ viết trên đồ đồng Đông Sơn. Hình khắc này không nhằm trang trí mà chứa đựng một ý tưởng sâu sắc. Người và thuyền chỉ sự hoạt động sông, biển. Chó và nai là hiện tượng của núi rừng. Những hình khắc này mang tính lưỡng phân:
Sông, biển (nước) - núi, rừng (đất)
Chó - Người
Lưỡng phân có xu thế tất yếu tiến lên lưỡng hợp:
Đất + Nước = Tổ Quốc.
Chó + người phối hợp bao vây nai.


Hình khắc này là một bản chữ viết có nội dung: Vũ khí trong tay chiến binh chống kẻ thù, như hình tượng người và chó bao vây nai". Theo giáo sư : "Bản viết trên rìu chiến trở thành "điều lệnh chiến đấu". Điều này từ Đông Sơn trở thành truyền thống xuyên suốt cuộc hành trình của dân tộc chống giặc ngoại xâm, biểu hiện thành hai chữ "Sát Thát" khắc trên tay người chiến binh nhà Trần chống giặc Nguyên". Khi giải mã những hình khắc trên đá cổ Sa Pa, giáo sư có một kết luận quan trọng: "Các hình khắc trên đá ở Sa Pa không thuộc một thời kỳ, mà có lịch sử lâu dài nhiều thế hệ của một cộng đồng người cư trú tại đây, từ thời đại đá mới đến thời đại đồng thau phát triển. Những hình khắc là những ký hiệu tiền văn tự và hệ thống văn tự đồ họa, ghi chép những hoạt động lớn của xã hội lúc bấy giờ. Đây là những hình ghi lại cuộc kháng chiến chống quân xâm lược".
Cụ thể bản thứ nhất: Trước nạn ngoại xâm (hình khắc dài 3,36m, cao 2,73m), trong đó diễn tả khu vực của thủ lĩnh chiếm khu trung tâm, bên trái và phải là cánh đồng ruộng, cư dân đông đúc, nhà kho được xây dựng xa nhà để phòng cháy... Ngòai biên cương dân cư thưa, đất đai nhỏ hẹp, kẻ thù từ phương bắc tới. Quân ta đã tổ chức sẵn sàng chiến đấu, thế trận đã sẵn sàng...
Bản thứ hai: Quân thù bị đánh bại (bản khắc dài 4,35m, cao 3,54m): Tổng chỉ huy thiết lập ở phía nam dãy đồi, (đầu phát những tia hào quang), bình tĩnh suy nghĩ, thái độ cương quyết (tay chân dang rộng). Giặc từ phương bắc xuống dọc theo phía đông dãy núi. Quân ta bất ngờ tiến công vào sườn địch, địch rối loạn. Quân ta lợi dụng đêm tối, trăng khuyết tập kích địch. Trận quyết định diễn ra tại cánh đồng đông nam. Kẻ địch thiệt hại nặng rút chạy về hướng bắc. Quân ta đại thắng, hòa bình trở lại. Mặt trời trên cao chiếu rọi khắp nơi.
Giáo sư dự đoán: "Những bản này có niên đại thuộc văn hóa Gò Mun, khoảng đầu thiên niên kỷ 1 trước CN, thời kỳ hình thành nước Văn Lang. Gò Mun là tiền Đông Sơn, giai đoạn cực thịnh, khi đó người Việt đã từng đánh bại quân xâm lược từ phương Bắc rất mạnh. Phải chăng những bản chữ viết hình vẽ Sa Pa đã phản ánh cuộc chống ngọai xâm của  Thánh Dóng (giặc Ân là tên gọi chung những kẻ xâm lược phía Bắc, trước Tần - Hán?). Chữ viết hình vẽ Sa Pa đã vượt qua giai đoạn vẽ hiện thực nguyên thủy và đã tiến tới chữ biểu ý đầu tiên. Vì vậy có thể coi là là thuộc loại hình chữ viết hình vẽ biểu ý ( pic to - idéogramme)... Trên các bản khắc Sa Pa có hình mái nhà cong như trên trống đồng Đông Sơn loại 1. Từ bản khắc Sa Pa đến trống đồng Đông Sơn là một tuyến phát triển từ thấp đến cao. Sơ đồ hình người Sa Pa tương đồng với người trên lưỡi rìu, lưỡi xéo Đông Sơn. Như vậy cũng rõ ràng có một xu hướng phát triển chữ viết hình vẽ tiến lên giai đoạn cao hơn - giai đoạn chữ viết ghi âm Đông Sơn".
Theo giáo sư, chỉ có một tảng đá ở Sa Pa có chữ viết. Theo yêu cầu của giáo sư, người viết bài này sẽ viết thành một bài riêng. Còn trong bài này chỉ xin được nói khái lược rằng, đó là lời dặn của Tổ tiên: Ông cha đã có công dựng nước, các thế hệ sau phải có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng đất nước !
Công trình nghiên cứu bao năm trời của giáo sư Lê Trọng Khánh vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định nền văn minh từng phát triển rất sớm của dân tộc ta, mà bao năm bị kẻ thù tìm mọi cách tàn sát, hủy diệt, vẫn có một sức sống mãnh liệt và trường tồn, làm nên bản sắc văn hóa đặc thù của một dân tộc mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Năm nay giáo sư đã 85 tuổi, nhưng khi nói về chữ Việt cổ, về nền văn minh Đông Sơn, về lịch sử hào hùng dân tộc, giáo sư như trẻ lại, ánh mắt ngời lên ngọn lửa tình yêu và trách nhiệm với cội nguồn văn hóa dân tộc.
6-2009
Nguồn vanhac.org


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: