Thảo phạt Ban Tuyên huấn Trung Ương
Tiêu Quốc Tiêu
Nguyễn Thành Tiến dịch
(Bài này Talawas.org đã đăng ngày 15/9/2004 và cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhân đây, xin gửi lời cảm ơn Nhà văn Phạm Thị Hoài cùng các cộng sự của chị ở Talawas trước đây, trên Pro& Contra hiện nay, với một tinh thần bền bỉ và hoàn toàn phi vụ lợi, đã luôn nỗ lực đưa đến cho bạn đọc nhiều bài viết mang tính trí tuệ, tính nhân bản cao, đem lại lợi ích cho người VN).
Ban Tuyên huấn TW là cơ quan của TW ĐCS Trung Quốcchuyên lãnh đạo công tác văn hoá, tuyên truyền, dư luận, báo chí… (được mệnh danh là “Thái thượng hoàng” của báo chí). trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Văn hoá, Mao Trạch-đông (Mao) đã từng gọi Ban Tuyên huấn TW do Lục Định-nhất, Chu Dương… lãnh đạo là “Điện Diêm vương” bởi nó chuyên bảo vệ phái hữu để chống lại phái tả. ..
Ông Tiêu Quốc-tiêu, Giáo sư khoa Báo chí Đại học Bắc-kinh, đã đứng trên lập trường của ĐCS Trung Quốc phê phán Ban Tuyên huấn TW bằng một bài viết khoảng 14 ngàn từ. Sau đây là phần nội dung cốt lõi nhất.
Chỗ “thắt cổ chai” trên con đường phát triển văn minh của xã hội Trung Quốc là gì? – Là Ban Tuyên Huấn TƯ (đại diện cho cả hệ thống tuyên huấn).
Kẻ vác đá ghè chân mình là ai? Là Ban Tuyên Huấn TƯ.
Ai đã dung dưỡng bao che cho những phần tử hủ bại? Là Ban Tuyên Huấn TƯ.
Vậy nó nói lên điều gì? Tất cả mọi người đều biết ở Trung Quốc không có nhiều tự do báo chí, thậm chí là rất ít. Thử hỏi ai đã cân đong bớt xén quyền tự do vốn rất ít ỏi ấy của báo chí Trung Quốc? Chính Ban Tuyên Huấn TƯ.
Mức độ tự do báo chí là thước đo của văn minh xã hội. Các nhà triết học tiền bối phương Tây đã nói: “Có thể không có chính phủ nhưng không thể không có tự do báo chí”. Ban Tuyên Huấn TƯ đã coi báo chí như kẻ thù, ngay cả 4 chữ “tự do báo chí” cũng không được phép dùng tùy tiện. Điều đó chứng tỏ là họ đã chà đạp lên những chuẩn mực tối thiểu nhất của văn minh. Ban Tuyên Huấn TƯ đã rơi vào “cái lô-cốt” ngu muội và lạc hậu nhất. Những niềm tin, nỗi buồn đạt được bằng sự lãnh đạo của Ban Tuyên Huấn TƯ đồng thời cũng làm cho hình tượng của Đảng và Chính phủ cùng những văn minh tiến bộ của đất nước phải trả giá đắt.
Nếu như cứ chấp nhận sự hoành hành vô lối của Ban Tuyên Huấn TƯ, tiếp tục gây tai họa cho đất nước, thì không chỉ riêng nó vĩnh viễn rơi xuống địa ngục, mà sự nghiệp cải cách vĩ đại của Trung Quốc sẽ tan thành mây khói, hàng triệu trí thức nhân văn cũng sẽ không ngẩng cao đầu lên được. Do đó, chúng ta phải “xả thân phấn đấu để thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ”.
14 chứng nan y của Ban Tuyên Huấn TƯ
Thứ nhất: Dùng phép phù thủy làm phương pháp công tác
Hôm nay không được nêu vụ Tưởng Ngạn Vĩnh, ngày mai không được nhắc lại vụ dịch SARS, ngày kia cấm đăng việc này việc nọ, không được nói báo chí là “công cụ xã hội”... đại loại như vậy. Thử hỏi những lệnh cấm ấy của Ban Tuyên Huấn TƯ là từ đâu và do đâu? những cái “không được” của họ là vô căn cứ, hoàn toàn ngẫu nhiên, mang tính áp đặt, chúng không dựa theo một chuẩn mực cơ bản nào của văn minh nhân loại cả, mà trái với những kiến thức khoa học cơ bản.
Thứ hai: Vận dụng uy quyền của giáo hội La Mã
Nói đúng ra thì Ban Tuyên Huấn TƯ hiện tại chẳng khác gì Giáo hội La Mã hồi Trung cổ: Quyền lực đầy mình, độc ác và đẫm máu; kẻ nào chống lại thì ít nhất cũng phải chịu “sứt đầu mẻ trán”, nếu như không bị voi giày cọp xé. Báo chí giám sát chỗ này chỗ nọ nhưng đâu dám giám sát Ban Tuyên Huấn TƯ. Họ đã xử lí biết bao phóng viên, tổng biên tập nhưng nào có mấy ai dám ho he? Lẽ nào họ xử đúng cả? Hiện nay các Bộ và Ban Ngành của Chính phủ đều hoạt động đúng luật, tuy mức độ chấp hành pháp luật có khác nhau nhưng dù sao thì cũng có luật để mà theo; còn Ban Tuyên Huấn TƯ ra lệnh thì chẳng theo luật nào cả. Như vậy ở Trung Quốc duy nhất chỉ có Ban Tuyên Huấn TƯ là hoạt động không theo luật, họ là “vương quốc tối tăm” mà ánh sáng của “mặt trời pháp luật” không chiếu tới.
Thứ ba: Đơn giản chữ viết theo kiểu Nhật
Trong lịch sử, việc đơn giản chữ viết ở Nhật Bản đã từng xâm nhập vào Trung Quốc, biến “xâm nhập” thành “tiến xuất”. Ban Tuyên Huấn TƯ không coi đó là điều bất cập, mà bảo không nên nhắc lại cái sai của lịch sử. Những cụm từ gợi lại nỗi đau của đất nước như: “cuộc đấu tranh chống hữu khuynh”, “cách mạng văn hoá”, “sự kiện Thiên An Môn (1989)”, “hàng chục triệu nông dân chết đói”… đều là những cụm từ nên tránh sử dụng. Tất cả những cái đó khiến cho báo giới và các nhà học thuật không thể nào chấp nhận được còn dân chúng thì cảm thấy đau lòng, tuyệt vọng.
Thứ tư: Sát thủ của Hiến pháp
Tự do ngôn luận (báo chí-xuất bản) là quyền được Hiến pháp nước CHND Trung Hoa bảo hộ. Theo đạo lý thì Ban Tuyên Huấn TƯ đã là cơ quan tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc thì phải là người bảo vệ quyền tự do ngôn luận ấy. Nhưng trên thực tế họ lại là kẻ xâm hại nặng nề nhất quyền tự do ngôn luận. Họ đã dùng trăm phương ngàn kế chà đạp lên quyền tự do ấy. Cho nên, muốn bảo vệ Hiến pháp thì không thể không “thảo phạt” Ban Tuyên Huấn TƯ.
Thứ năm: Phản bội lý tưởng cao cả của ĐCS Trung Quốc
Những năm 40 của thế kỷ XX, thời kỳ đấu tranh chống chế độ chuyên chế Quốc dân đảng là thời kỳ vẻ vang huy hoàng nhất của ĐCS Trung Quốc. Vậy mà học giả Tiếu Tú tập hợp lại những bài xã luận đã đăng trên “Tân Hoa nhật báo” Trùng Khánh, “Giải phóng nhật báo” Diên An… phát hành trong thời kỳ đó để in thành sách “Những tiếng nói đầu tiên của lịch sử” thì lại bị Ban Tuyên Huấn TƯ cấm đoán. Những tiếng nói tự do dân chủ trong thời kỳ đó đối với Trung Quốc là rất có ý nghĩa, chúng đại biểu cho những bài viết có phương hướng văn hoá tiến bộ, vậy mà nay lại bị Ban Tuyên Huấn TƯ cấm xuất bản, thì cũng đủ chứng tỏ họ là kẻ thù của lý tưởng ban đầu của ĐCS Trung Quốc rồi.
Thứ sáu: Truyền bá tư duy chiến tranh Lạnh
Câu nói bất hủ của Mao: “Phàm là những gì kẻ thù phản đối thì ta ủng hộ, phàm là những gì kẻ thù ủng hộ thì ta phản đối” đến nay vẫn là phương châm được Ban Tuyên Huấn TƯ vận dụng để chỉ đạo báo chí tuyên truyền và coi đó là “kim chỉ nam” cho hành động.
Thứ bảy: Cắt xén, cản trở thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương chứ không phải quán triệt tinh thần ấy
Có một số đồng chí nhà báo thường lên Ban Tuyên Huấn TƯ để “lãnh chỉ” hoặc nghe huấn thị đã phát biểu: Một khi anh đã lên Ban Tuyên Huấn TƯ nghe huấn thị thì anh sẽ cảm thấy tình hình Trung Quốc rối tung rối mù, rất nghiêm trọng, trái hẳn với tinh thần của Trung ương; anh sẽ biến thành kẻ đầu têu cắt xén, cản trở, phủ định, thậm chí chống lại tinh thần của Trung ương. Những người gây ra chuyện đó không phải là Đài Loan, Hồng Kông; không phải là bọn tham nhũng hay phần tử hải ngoại “vận động dân chủ” và thân nhân của những người tử nạn trong “sự kiện Thiên An Môn” mà chính là Ban Tuyên Huấn TƯ của ĐCS Trung Quốc.
Thứ tám: Bệnh “Máu lạnh và nhược trí”
Ban Tuyên Huấn TƯ thậm chí đã chỉ trích báo chí thông tin về nỗi oan khuất của quần chúng. Phản ảnh việc nhân dân gửi đơn hoặc đi khiếu nại tố cáo thì sao có thể coi là gây mất ổn định xã hội cơ chứ? Không phản ảnh, để tích tụ lâu ngày mới là nguyên nhân gây mất ổn định xã hội. Hàng ngày, phải đối mặt với những nỗi oan chồng chất của nhân dân, họ không những không động lòng mà còn trách báo chí phản ảnh thái quá thì quả là hạng người có trái tim đá và dòng máu lạnh! So với 1,3 tỷ nhân dân Trung Quốc, những người đi khiếu nại tố cáo chỉ là thiểu số thì làm sao có thể gây mất ổn định xã hội kia chứ? Huống hồ, 80-90% trong số đó đều là những người hiền lành, chứ những kẻ cơ hội quá khích thì căn bản không làm như vậy. Những lời chỉ trích của Ban Tuyên Huấn TƯ sẽ chẳng bao giờ giải quyết được tận gốc nạn khiếu kiện.
Thứ chín: Chỗ dựa cho kẻ bạo tàn, hư hỏng
Năm ngoái, giới báo chí đều nhận được 25 điều chỉ thị “không được đăng báo” do Ban Tuyên Huấn TƯ “phùng mang trợn mắt” phun ra. Trong đó có “không được đăng” vụ Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh ủy Vân Nam bị “song quy” (theo chỉ thị của Trung ương, những cán bộ “có vấn đề” đều phải được làm rõ trong một thời hạn và tại một địa điểm quy định). Tại sao không được đăng báo? Điều “không được đăng” này làm cho báo giới cả nước lấy làm tiếc, còn kẻ hư hỏng thở phào nhẹ nhõm. Đúng là “Hoà thượng che ô, vô pháp vô thiên!” Thử hỏi tất cả những người coi trọng chính nghĩa rằng như vậy có chịu nổi không?
Thứ mười: “Ăn quả quên người trồng cây”
Báo giới được Ban Tuyên Huấn TƯ quản lý chặt như bó giò, cứ tưởng họ sẽ bảo vệ mình nhưng không ít nhà báo bị trù dập mà không thấy họ nâng đỡ hoặc lên tiếng. Họ có vô số biện pháp để quản lý, uốn nắn nhà báo nhưng khi nhà báo bị hàm oan, muốn được họ giúp đỡ, minh oan thì họ rụt đầu lại chẳng khác gì một con rùa!
Thứ mười một: Ra vẻ quý tộc nhưng là nô lệ của đồng tiền.
Họ luôn tùy tiện ngăn cản báo chí thực hiện chức năng giám sát bằng dư luận bởi một tiếng “ngừng” với một lý do đàng hoàng là “tránh gây mất ổn định xã hội”. Nhưng trong nhiều trường hợp, đó là cuộc trao đổi giữa quyền và tiền, là dùng quyền lực để thu “tô”, là được kẻ xấu nhờ vả. Họ mượn quyền quản lý báo chí được Đảng và Nhà nước giao phó nhằm làm giảm bớt tai họa để trục lợi cá nhân. Như vậy, mỗi lần ngăn cản báo chí đưa tin là một lần họ dung túng cho một hoặc nhiều kẻ xấu, một lần duy trì tai họa. Họ bán rẻ hình tượng của Đảng và Nhà nước để đổi lấy những lợi ích phi pháp.
Thứ mười hai: Kẻ thù ghét những người tài đức, ai tỏ ra vượt trội thì “diệt”, ai ủng hộ chính nghĩa thì “chôn sống”
Hiện nay ở Trung Quốc không có loại sách bán chạy, nếu có cuốn nào bán chạy thì lập tức bị Ban Tuyên Huấn TƯ “đốt” ngay. Họ luôn có lý do đàng hoàng mà lòng dạ thì vô cùng đen tối. Cấm một cuốn sách hay, bán chạy là bóp ngẹt sức sáng tạo của dân tộc Trung Hoa. “Bịt miệng” được một nhà báo, một học giả hay một tờ báo tâm huyết với chính nghĩa là làm nhụt chí khí của xã hội Trung Quốc. Sở dĩ hiện tại ở Trung Quốc tinh thần sáng tạo cạn kiệt, đạo đức suy đồi, chính nghĩa co cụm, ác bá hoành hành, chính khí lụn bại… thì 99% là trách nhiệm của Ban Tuyên Huấn TƯ.
Thứ mười ba: Nhân vật thứ 2 tạo ra hiểm họa khiến quần thể suy yếu
Tại sao người lao động bị nợ lương triền miên mà chỉ có Thủ tướng Ôn Gia Bảo ra tay thì mới được giải quyết? Ban Tuyên Huấn TƯ cấm đoán báo chí thông tin, việc nợ lương không lọt vào tầm mắt quốc dân thì giải quyết sao được? Tại sao việc dân khiếu kiện kéo dài hàng chục năm không dứt? Tại Ban Tuyên Huấn TƯ che đậy tội ác. Những điều bất cập trong công tác kế hoạch hoá dân số vẫn tiếp tục tái diễn do báo chí không được phép thông tin. Kẻ xấu không sợ quan chức mà chỉ sợ đạo đức chính trị và đạo đức xã hội. Báo chí Trung Quốc vốn có thể làm một vạn điều tốt cho dân, hạn chế đều là tai họa; chỉ tại Ban Tuyên Huấn TƯ ngu muội, lạc hậu trong phương thức tư duy và bá đạo, võ đoán trong cách làm việc nên đã cấm đoán hết 9999 điều.
Thứ mười bốn: Ban Tuyên Huấn TƯ biến Tổng biên tập các cơ quan báo chí thành những người vô cảm, phi chính nghĩa và thiếu văn hoá
Mỗi lần nghe họ giáo huấn xong, người ta thấy mình như vừa thoát nạn, bởi dường như họ đang lội ngược dòng thời đại. Nhìn bề ngoài, các Tổng biên tập thấy mình vẫn còn nguyên vẹn nhưng nội tâm đã bị tổn thương rất nhiều. Những lời giáo huấn của các Tổng biên tập đã làm tổn thương hoàn toàn khả năng chống vô cảm, sự đồng cảm với chính nghĩa và văn minh của họ. Gây ra sự vô cảm là tai họa lớn nhất thế giới; chà đạp lên sự đồng cảm với chính nghĩa là sự chà đạp tàn bạo nhất thế giới.
Thượng sách và hạ sách cứu Ban Tuyên Huấn TƯ
Thượng sách là triệt tiêu Ban Tuyên huấn các cấp. Nước Mỹ có Ban Tuyên huấn không? Nước Anh có không? Châu Âu có không? – Tất cả đều không có. Vậy ai có Ban Tuyên huấn? Đức Quốc Xã có và đã từng xuất hiện một vị Trưởng ban lừng danh là Tiến sĩ Goebbels với câu nói bất hủ của ngài: “Lặp lại một ngàn lần nói dối sẽ biến thành lời nói thật!”. Trong thời kỳ Tưởng GiớI Thạch thống trị Trung Quốc cũng có Ban Tuyên huấn. Trọng tâm tuyên truyền của thời kỳ đó chỉ gói gọn trong câu: “Cộng sản nghĩa là dùng chung tài sản và vợ”. Chúng còn gọi đội quân của Mao-Chu (Ân Lai) là “Cộng phỉ”. Về bản chất, Ban Tuyên Huấn TƯ luôn chống lại lý luận duy vật cuả chủ nghĩa Mác. Phương châm hành động của họ là “Việc tốt tự nó phát sinh; việc xấu tự nó mất đi; việc tốt, bé sẽ thành lớn; việc xấu, lớn sẽ hóa bé…” Họ lẫn lộn trắng đen, chẳng hiểu khách quan là gì và luôn đi ngược lại tinh thần thực sự cầu thị. Nếu không nhận thức được bản chất công việc của Ban Tuyên Huấn TƯ sẽ là tội ác, là tai họa, là biểu hiện của Đảng và Chính phủ đang tự xa rời dân chúng. Nếu chính phủ Trung Quốc thấy hình ảnh của mình không mấy đẹp đẽ trên chính trường thế giới thì trước hết hãy hỏi tội Ban Tuyên Huấn TƯ. Tính chất và phương thức làm việc của họ đều không hội nhập được với nền văn minh hiện đại.
Hạ sách là phải soạn thảo một “Bộ luật về công tác Tuyên huấn” để họ cứ theo đó mà làm, khỏi phải vận dụng phép thuật phù thủy. Cũng có thể cho phép họ làm việc theo mô thức công tác hiện hành, nhưng phải có quy chế giám sát chặt chẽ để họ không làm việc máy móc như Giáo hội La Mã.<p> </p>
4 biện pháp cụ thể
Biện pháp I: Thiết lập một hạng mục chuyên nghiên cứu học thuật để tính công-tội cho Ban Tuyên Huấn TƯ
Thử xem trong giai đoạn lịch sử vừa qua, hệ thống tuyên huấn trong cả nước đã làm được những gì, những vị Trưởng ban nào là công thần của dân tộc Trung Hoa, những vị nào là tội phạm; công thần thì đưa lên bàn thờ, tội phạm thì cho xuống địa ngục. Có thể gạt bàn tính để tính ngược từ vị Trưởng ban đương nhiệm là Lưu Vân Sơn và Cát Bỉnh Cán rồi Đinh Quang Căn, Vương Nhẫn Chi, Từ Duy Thành…
Biện pháp II: Yêu cầu Ban Tuyên Huấn TƯ lập sổ nhật ký công tác
Ban Tuyên Huấn TƯ nhất thiết phải có sổ nhật ký để ghi rõ toàn bộ công việc hàng ngày. Hôm nay đã ra lệnh phong toả nào, ngày mai sẽ tung “con chủ bài” nào, tất cả đều phải ghi cụ thể vào sổ để giám sát và sau này còn đối chiếu, truy cứu trách nhiệm, để lịch sử phán xét có công hay có tội, nên thưởng hay nên phạt. Hiện đang có một tình trạng khá phổ biến là để khỏi phải chịu trách nhiệm, khỏi bị lịch sử phán xét, người ta thường ra “lệnh cấm” bằng điện thoại. Cần phải kiên quyết ngăn cái trò quỷ không lưu lại bút tích này. Đứng trước một việc xấu, báo chí chuẩn bị đưa ra ánh sáng thì Ban Tuyên Huấn TƯ liền gào lên trong điện thoại: “Phải cứu người, không được đăng báo!”. Các nhà nghiên cứu phải hết sức quan tâm tới việc này, ngoài những lý do đàng hoàng “cần phải giữ ổn định” ra thì để ý quan sát kỹ xem có “sự trao đổi quyền-tiền” không?
Phải truy vấn xem tại sao anh ta lại hăng hái bao che cho người xấu? Văn hào Lỗ Tấn đã từng nói: “Tôi không bao giờ đem những ác ý tồi tệ đổ lên đầu người Trung Quốc cả”. Nhưng chúng ta có lý do để làm điều này đối với Ban Tuyên Huấn TƯ bởi những cú điện thoại bảo dừng của họ. Mỗi cú điện thoại ấy, họ nhận được bao nhiêu tiền của kẻ xấu? “Thành thật thì khoan hồng, kháng cự thì nghiêm trị”, thực tiễn đã dạy, chúng ta cần ghi nhớ!
Biện pháp III: Xây dựng chế độ truy phạt những việc làm sai của Ban Tuyên Huấn TƯ
Đã có chế độ truy cứu trách nhiệm đối với những công trình xây dựng bị “rút ruột”, thì những việc làm sai của Ban Tuyên Huấn TƯ còn tai hại hơn nhiều; do đó cũng cần phải áp dụng chế độ truy cứu trách nhiệm. Nói cách khác, công trình siêu cấp về hình thái ý thức mà bị “rút ruột” thì hậu quả khủng khiếp biết chừng nào, vì vậy, không thể cho qua. Từ trước đến nay, Ban Tuyên Huấn TƯ đã phát động biết bao chương trình hành động phản cái này, chống cái nọ. Bây giờ nhìn lại thấy tức cười, rõ là trò ma! Vậy mà chẳng thấy ai dám đứng lên chịu trách nhiệm về những trò ma ấy cả.
Biện pháp IV: Công khai hoá hoạt động của Ban Tuyên Huấn TƯ
Việc này khiến báo chí có thể đăng kịp thời những chỉ thị của Ban “yêu cầu không được đăng báo”, hoặc phát chúng lên mạng. Ban Tuyên Huấn TƯ cũng nên có nghĩa vụ pháp định như thế để nhân dân cả nước có thể đánh giá lệnh nào của Ban là chính xác, là công đức; lệnh nào là tội ác, là phản văn minh, là hại dân hại nước. Các Tổng biên tập báo chí sau khi nghe những lời răn dạy của Ban Tuyên Huấn TƯ, nếu thấy có những điểm nào trái với kiến thức thông thường của xã hội văn minh, thì hãy tự giác đưa nó lên mạng. Ác quỷ luôn sợ ánh sáng. Các vị sợ gì mà không phơi bày tính kiêu ngạo lộng hành, luôn cho mình là đúng của Ban Tuyên Huấn TƯ. Các vị cứ việc nói những điều mà sau khi nghe họ giáo huấn các vị cảm thấy chưa thoả đáng, không chính xác, thậm chí là phản động, dù đó là “vấn đề bí mật, cấm không được nói”.
Theo một số Tổng biên tập kể lại, về cơ bản thì những lời răn dạy của Ban Tuyên Huấn TƯ thường không theo lý tính, không phù hợp với thường thức văn minh, cũng không liên quan gì đến trách nhiệm của báo chí; thậm chí, cũng có trường hợp gần như lưu manh, vô lại, theo giọng điệu của anh hàng thịt; nó thể hiện tính hách dịch, bá quyền.
Hệ thống báo chí Trung Quốc lớn đến thế mà cống hiến chẳng được bao nhiêu cho dân mình. Nguồn gốc của tai họa ấy thuộc về ngành Tuyên huấn. Họ đã làm suy giảm chức nang giám sát của báo chí, vì chức quyền mà quay ngược bánh xe lịch sử.
Hãy đánh bật gốc rễ cực tả
Những năm qua trên báo chí thường có câu: “Với lý do như mọi người đã biết, tin này bị cắt bỏ”. Thế nào là “lý do như mọi người đã biết”? – Đó là sự can thiệp của Ban Tuyên Huấn TƯ. Vì “lý do như mọi người đã biết” mà tin không được đăng báo, trên thực tế mặc dù đó là hoang đường, ngu muội, thậm chí là phản động, nhưng buộc phải nghe theo. Điều này chứng tỏ Ban Tuyên Huấn TƯ có đặc quyền đổi trắng thay đen, cưỡng bức thông tin, biến hươu thành ngựa, bất chấp đạo lý, chà đạp văn minh. Cái hoang đường như mọi người đều biết ấy có quyền lực rất lớn, thần thánh cũng không thể xâm phạm, không thể đảo ngược; hàng chục vạn nhà báo, hàng trăm vạn trí thức, chẳng ai dám ra mặt phản đối, dù chỉ nửa lời. Quả là điều sỉ nhục về nhân cách đạo đức của người Trung Quốc.
Ban Tuyên Huấn TƯ tại sao lại ngược ngạo đến thế? Đó là di sản lịch sử mà lịch sử cực tả đã giao cho họ. Từ thời Vương Minh, Khang Sinh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kều đến nay, Ban Tuyên Huấn TƯ luôn được hưởng quyền miễn trách cứ về đạo đức và chính trị. Họ chẳng phải chịu trách nhiệm gì cả, chẳng phải chịu phản tỉnh, chẳng việc gì phải sám hối, cũng chẳng tự vấn lương tâm. Đường lối chính trị thay đổi, nhân sự thay đổi, nhưng Ban Tuyên Huấn TƯ là một bộ máy “hồng và độc ác” thì vẫn được giữ nguyên. Xưa nay nó chưa hề được “thanh toán”, vai trò của nó luôn bất biến, phương thức tư duy và phương thức làm việc chưa ai đụng đến, tính cực tả và loạn nghịch của nó vẫn còn nguyên. Cần phải thanh toán mọi tội lỗi của Ban Tuyên Huấn TƯ trong các thời kỳ lịch sử như đã thanh toán Vương Minh, Khang Sinh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều! Cần phải hiểu rằng Trung Quốc là của mỗi người dân Trung Quốc, là mảnh đất sống của con cháu muôn đời, ai cũng có quyền sổng tự do, diễn đạt tự do, ăn nói tự do.
14 lý do thảo phạt
Lý do thứ nhất: Chủ tịch Mao đã nói: “Tất cả bọn phản động đều là hổ giấy. Thoạt nhìn thì chúng rất đáng sợ nhưng trên thực tế thì chẳng có gì ghê gớm. Về lâu dài có thể thấy sức mạnh thật sự không thuộc về bọn phản động, mà thuộc về nhân dân”. Báo chí cũng đã có lần gọi Ban Tuyên Huấn TƯ là “phái phản động” rồi. Họ phản động ra sao thì ai cũng biết; họ phản động một cách trắng trợn, lộ liễu, không cần phải giấu diếm.
Lý do thứ hai: Đó là quyền lợi Hiến pháp của chúng ta. Nước cộng hoà không cần có hổ, Nước cộng hoà không cần có thánh vật, nước cộng hoà cũng không cần có thánh nhân như Hồng y giáo chủ.
Lý do thứ ba: Tôi văn minh, cao thượng hơn Ban Tuyên Huấn TƯ. Họ đã xô đẩy Đảng và Chính phủ vào chỗ bất nghĩa. Mỗi chỉ thị “không được” do họ đưa ra đều là kết tinh của sự ngu muội, đều trái với sự nghiệp của Đảng và Chính phủ.
Lý do thứ tư: Tôi không thể chịu nổi việc họ chà đạp lên những thường thức văn minh nhân loại. Họ không cho phép báo chí dùng từ “công dân” mà phải dùng từ “bà con”; không muốn các từ “tự do dân chủ” xuất hiện nhiều trên mặt báo; trong Hiến pháp có thể dùng, trong Báo cáo chính trị của Đại hội XVI (ĐCS Trung Quốc) có thể dùng, còn những người bình thường thì chớ. Điều này chứng tỏ những từ “tự do dân chủ” chỉ được dùng để trang trí. Vấn đề đó có ý nghĩa gì? – Đó là kẻ thù của nhân loại, kẻ thù của văn minh, kẻ thù của dân chủ và kẻ thù của tự do! Đó là “mâu thuẫn giữa địch và ta”. Ban Tuyên Huấn TƯ không phải là người quán triệt tư tưởng “Ba đại diện”, mà là đại biểu cho sự ngu muội, lạc hậu, đại biểu cho khuynh hướng văn hoá tù đọng, trầm luân của loài người.
Lý do thứ năm: Tôi có cái đức ham sống. Tôi không chịu nổi khi nhìn thấy bộ máy Ban Tuyên Huấn TƯ tự hủy diệt mình, càng không chịu nổi việc phải nghe lời các vị để tiếp tục hủy diệt những tinh hoa của đất nước.
Lý do thứ sáu: Trưởng các Ban Ngành khác cùng với đơn vị mình có thể trở thành đối tượng “mổ xẻ” của báo chí. Công việc của Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ có thể bị “phê phán”, vậy dựa vào đâu mà Ban Tuyên Huấn TƯ không bị “chất vấn nọ kia”? Các ngành tư pháp, công an, đường sắt, lao động và bảo hiểm xã hội… cùng các vị Bộ trưởng đều đã từng bị báo chí chất vấn, trách cứ. Nhất là ngành đường sắt, năm nào cũng bị bàn dân thiên hạ la ó, bủa vây như phường săn vây sói.
Lý do thứ bảy: Phó Ban Tuyên Huấn TƯ là ông Cát Bỉnh Cán, người Hà Nam. Cuối năm 2003, ông này liên tục phát ra 23 chỉ thị “không được”… Người Hà Nam mà nắm hình thái ý thức khiến nhân dân không an tâm. Xưa nay Hà Nam là tỉnh bị thiên tai nhiều nhất Trung Quốc. Sở dĩ Hà Nam bị nhiều thiên tai căn bản là do các quan chức địa phương quá nhạy cảm với hình thái ý thức. Chúng ta không thể để cho môi trường dư luận cả nước bị “Hà Nam hoá”.
Lý do thứ tám: Đây là một cảm nhận văn chương của tôi. Lương Khải-siêu đã phát triển đời sống văn hoá đến đỉnh điểm; Hồ Thích phát triển Bạch thoại đến tầm cao; Từ Chí Quyền phát triển Thơ mới đến thượng tầng; Lỗ Tấn đưa Tạp văn lên chót vót. Lý Ngao, Bá Dương, Vương Nê, Khổng tử, Mạnh tử, Tào Tuyết Cần… Đường-Tống bát đại gia đều đã quy tiên, nhưng những đỉnh cao của họ đều là những cống hiến lớn lao cho ngữ văn Hán và dân tộc Hán. Tôi cũng muốn đem cảm nhận văn chương của mình về những thứ không phải là vùng cấm mà bị lãng quên ấy lên đỉnh cao hơn để khắc họa thêm một vài đường nét về sự phát triển của ngữ văn Hán và dân tộc Hán. “Thư sinh báo quốc vô trường vật, Duy hữu thủ trung bút như đao [1] ”.
Lý do thứ chín: Sự cổ vũ của các bậc tiền bối. 360 năm trước, ông John Milton có tác phẩm “Bàn về quyền tự do xuất bản”; 150 năm trước, K. Marx có tác phẩm “Nhận xét về lệnh kiểm duyệt sách báo của nước Phổ”; 1.500 năm trước, Robin Hood có “Hịch dấy binh”… tất cả, lời lẽ đều ngắn gọn nhưng đanh thép. Lương Khải Siêu đã từng chửi vọng Viên Thế Khải về cái gọi là Quốc thể; các nhà lãnh đạo phong trào “Ngũ Tứ” thì kêu gọi “đánh đổ Khổng gia điếm!”; Trương Lý Loan thì khái quát về “nhân sinh quan của Tưởng Giới Thạch”, còn Quách Mạt Nhược lại kêu gọi “hãy thử nhận xét Tưởng Giới Thạch trong hiện tại”; Chuyên Tư Niên có bài “Tống Tử Văn coi bộ không ra đi không ổn”,… Việc đánh đổ “Hoàng thân quốc thích” sách thời nào cũng có, tôi chỉ muốn nói thêm một câu là “Cát Bỉnh Căn không ra đi không ổn” hoặc gào lên một tiếng là hãy “thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ”. So với các bậc tiền bối thì điều đó có kém chi? Nhưng trên thực tế chỉ là chuyện nhỏ. Hơn nữa, báo chí nước ngoài đang suốt ngày la hét: “Tổng thống không xứng đáng, mau cút về vườn đi!” hoặc “Bộ trưởng tệ quá, hãy xéo cho khuất mắt!” Tôi không tin rằng nhân dân Trung Quốc cũng hô to “thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ” vì như thế là nghịch đạo, đáng tội chết. Người lính không muốn trở thành tướng là người lính tồi; người trí thức không muốn trở thành John Milton không phải là người trí thức giỏi. Tôi muốn bài “Thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ” nảy trở thành văn kiện lịch sử trong sử sách Bưu Bỉnh giống như “Bàn về quyền tự do xuất bản”, “Nhận xét về lệnh kiểm duyệt sách báo của nước Phổ”…
Lý do thứ mười: Ao ước để phúc cho con cháu. Cứu Ban Tuyên Huấn TƯ là khởi nguồn Tự do, hạnh phúc cho đời sau. “Cộng sản”, “Dân chủ” phải chăng đã trở thành sự bưng bít, tai họa nặng nề? Chừng nào mới kết thúc?
Lý do thứ mười một: Người sơ trở thành thân. Anh làm báo chí, tôi nghiên cứu công tác báo chí, công việc của anh là đối tượng nghiên cứu của tôi. Chúng ta vốn cùng một nhà, cùng chịu trách nhiệm trước sự hưng thịnh của một “ông chủ” – đó là dân tộc Trung Hoa. vậy chúng ta hãy cùng chung một chí hướng, coi Tổ quốc là cha mẹ, đồng bào là anh em!
Lý do thứ mười hai: Căn cứ vào sinh thái học. Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ đứng phía sau, tiếp theo là ruồi nhặng. Quyền lực sinh ra tiêu cực, quyền lực tuyệt đối sinh ra tiêu cực tuyệt đối. Ban Tuyên Huấn TƯ đang có thứ tiêu cực đó nhưng tại sao không bị giám sát? Ai dám bảo đảm họ không tiêu cực? Sinh thái học thường thức không thể nào giải thích nổi điều này.
Lý do thứ mười ba: Ai rồi cũng phải chết, vậy mà tôi không muốn sống. Tôi muốn thay đổi Hiến pháp, Luật Hình và các bộ luật khác của nước CHND Trung Hoa, muốn thảo phạt cả Ban Tuyên Huấn TƯ, điều đó chưa đáng là tội chết. Là “tội sống” thì chẳng có gì đáng sợ, chỉ phải ngồi tù thôi, phải không? Ngồi tù thì khác với kiểu “đãi ngộ Tân thành”. “Ngồi Tân thành” là gửi thân xác vào ngân hàng, có lãi và không bị mất giá. Bây giờ trong số những nhân vật cũ có tên tuổi, ai mà đã không từng “ngồi Tân thành”?... Thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ thúc đẩy văn minh xã hội đương đại của Trung Quốc là công lao vô cùng to lớn, xứng mặt anh hùng, cũng giống như các bậc tiền bối đã nêu trên, đáng được lưu danh sử sách.
Lý do thứ mười bốn: Tôi rất nhạy cảm với nỗi khổ, nhưng lại khá thờ ơ với lẽ phải. Hai việc khiếu kiện với nợ lương, ai bảo điều đó gây mất ổn định xã hội, báo chí không được phản ánh, thì tôi rất ghét. Hôm Tết tôi nằm mơ đi chơi Di Hoà Viên, thấy có người chết đuối, để lại đôi giày, hoá ra đó là đôi giày của tôi. Tôi đã nhảy xuống hồ Côn Minh tự vẫn.
Trong đôi giày của tôi có bức thư gửi chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo. Đại ý như sau: Tại sao các vị không ra lệnh giải quyết tình trạng nợ lương công nhân? Tại sao các vị không gồng mình lên giải quyết vấn đề khiếu kiện? Hôm nay tôi sẽ chết cho các vị xem! Năm tới mà còn nợ lương với khiếu kiện thì ở dưới âm phủ tôi vẫn không nguôi giận các vị đâu! Xem kìa, tôi đang “thử chết” trong giấc mơ để phản đối chính phủ thờ ơ với tình trạng khiếu kiện và nợ lương!
Xem thêm về Tiêu Quốc Tiêu (Jiao Guobiao) và bài “Thảo phạt…”
Nguồn: theo Á châu tuần san
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét