Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Để làm gì chứ?

Làm thế nào để được lên báo?


Hà Hiển
HH – Hôm nay 21/6  là ngày “Báo chí cách mạng VN”, thấy nhiều trang mạng đăng về chủ đề ‘báo chí CM”, mình chẳng biết viết gì nữa nên post lại cái bài cũ này được viết cách đây đã lâu rồi – khi mà tác giả mới tập tành chuyện viết lách…

Trừ các nhà hoạt động tình báo thầm lặng, con người ta từ bé đến lớn đều có nhu cầu bản năng là được “PR”, được mọi người biết đến tên tuổi, đã có tiếng rồi thì thì lại thích được nổi tiếng hơn, âu cũng là chuyện hết sức chính đáng. Một đất nước có nhiều người nổi tiếng theo nghĩa tốt thì đất nước ấy cũng được thơm lây, miễn là đừng “đánh bóng” quá mức bình thường và không chỉ có ta khen ta mà làm sao để người ngoài người ta cũng biết đến.

Có nhiều cách để “PR”. Cách phổ biến là được đăng báo, được “lên” ti vi. Chẳng hạn như con bé nhà tôi ngày khai trường được quay TV thì sướng âm ỉ cả tháng, báo cho bố mẹ, cô dì chú bác nhớ ngày ấy, giờ ấy mở TV để nhìn thấy mặt nó.

Không chỉ cái mặt được đưa lên TV hay được chụp trên báo mới vinh dự, thường thì những người không phải nhà báo như tôi mà có một vài bài viết được đăng trên báo thì cũng sướng rêm người (mượn chữ của bọ Lập), khoe hết người này đến người khác. Chẳng thế mà khi gửi 1 ý kiến lên một tờ báo nổi tiếng được đăng ngay ở cái mục toàn những nhà báo nhà văn cây đa cây đề viết thì sướng phát điên lên. Thấy mấy ông bạn nhà báo xui đến tòa soạn báo đấy mà lấy nhuận bút vì nghe đâu nhuận bút của cái mục đó cao lắm. Thế là tấp tểnh đến tòa báo xưng tên thì người ta bảo nhuận bút bài ấy đã trả cho cái cô biên tập rồi. Đọc kỹ lại thì thấy đúng là cô đó đã “biên tập” bằng mấy lời mở đầu rằng tòa soạn đã nhận được ý kiến này của bạn đọc, sau đó là toàn bộ bài viết của mình, sau đó cô ta khóa đuôi bằng mấy câu rằng thì là tòa soạn hoan nghênh và ủng hộ ý kiến đó.

Thôi thế cũng là vinh dự lắm rồi, mình ngượng nghịu nhìn mấy nhân viên tòa báo như người mắc lỗi rồi cảm ơn các anh chị, nói rằng không sao, từ bé đến giờ mới có bài được đăng báo nên hạnh phúc lắm, sướng lắm, không có các anh các chị chặn đầu khóa đuôi thế thì làm sao ý kiến của em được mọi người biết đến được.

Chắc cũng biết được nhu cầu cần “PR” của các nhà doanh nghiệp trẻ cũng như già nên thỉnh thoảng mình cũng được mấy em nhà báo xinh đẹp tìm hoặc gọi điện thoại đến, giọng cứ véo von rằng anh cho em cái hợp đồng quảng cáo đi, kèm theo đó em sẽ đưa anh lên báo miễn phí kèm theo bài ca ngợi về cá nhân, hoặc anh có muốn được thành doanh nhân tài năng, có thích giải “Sao Vàng Đất Việt” không vân vân và vân vân. Nghe thì cũng thích lắm nhưng khi nghe cô đó bảo cái bài ca ngợi về “cuộc đời và sự nghiệp” ấy anh phải tự viết hộ cho em thì mình xin chịu, vì tự xét thấy khuyết điểm thì nhiều hơn ưu điểm, chẳng có tài cán công trạng gì nên làm sao viết được. Thế là đành trả lời cô bé rằng cám ơn em, anh thấy Cụ Hồ ngày xưa vẫn dạy báo chí có nhiệm vụ phải nêu những tấm gương “Người Tốt, Việc Tốt” lên báo để cả nước học tập cơ mà. Nếu em thấy anh tốt thật thì cứ việc đăng theo nhiệm vụ đó, sao bắt anh phải ký thêm cái hợp đồng quảng cáo làm gì, còn khi nào cần quảng cáo anh sẽ gọi em sau nhé.

Hình như bây giờ khác ngày xưa. Gương người tốt việc tốt thiếu vắng hẳn trên báo. Có thể là vì người tốt bây giờ hiếm lắm chăng? Hoặc do bây giờ báo chí nêu gương ai thì người ấy phải trả tiền hoặc phải trả bằng các hợp đồng quảng cáo mà đa số người tốt thì lại ít tiền nên chẳng được đăng báo? Nếu vậy thì thật không công bằng. Nếu có quy định người tốt muốn được lên báo phải đóng tiền thì cũng cần phải có quy định nếu báo chí tăng được lợi nhuận từ việc đăng những gương người xấu thì phải trích lại phần trăm cho những người bị đăng báo đó chứ? Mình nói vậy vì cứ hôm nào trên báo có đăng ông thứ trưởng này bị bắt, ông tổng giám đốc kia bị truy tố, hay ông tổng cục nọ hiếp dâm trẻ em… thì báo bán đắt như tôm tươi. Lúc ấy chẳng cần “hợp đồng quảng cáo” nào đi kèm mà tất cả các tờ báo từ trung ương đến địa phương ngay ngày hôm sau đều đồng loạt đưa lên trang nhất “cuộc đời và sự nghiệp” của các đương sự.

Thực ra thì trên báo lác đác thỉnh thoảng cũng có vài tin người tốt. Nhưng nếu chịu khó sưu tầm lại những bài báo đó để dành thì đến những ngày xấu trời nào đó có thể chúng ta sẽ đọc được những bài báo viết về những nhân vật này nhưng lại ở mục… người xấu. Tôi biết có chị mới đạt danh hiệu “người phụ nữ nổi tiếng châu Á” cách đây không lâu hiện đang bị truy tố vì tham nhũng, có anh vừa đạt danh hiệu doanh nhân trẻ tài năng, được trao giải “Sao vàng đất Việt” được vài tháng thì bị bắt. Nghe nói nếu chậm bắt 1 tuần thôi thì anh ta có thể đã kịp nhận danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” rồi… Những người này thì đều có 1 đặc điểm chung là tuy xấu tốt nhiều lúc khác nhau nhưng tiền, vàng luôn luôn nhiều vô kể.

Thế mới biết, cứ có thật nhiều tiền thì rất dễ được đăng báo!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: