Cả một thời gian dài, Thụy Lệ là một nơi chốn đầy tội lỗi ở biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar. Một chốn mại dâm và nơi trú ẩn của giới mua bán ma túy. Người nhiễm HIV sống vật vờ. Không có người nước ngoài nào tới đây, dân du lịch ba lô cũng không.
Ngày nay, ở đó có những con đường được trồng dừa hai bên, khách sạn năm sao, sân golf và cửa hàng Armani cũng như Gucci thật. Bất động sản trong thành phố 110.000 dân này có giá gần bằng trong các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Hiện nay, Thụy Lệ đã trở thành một trung tâm giữa Trung Quốc và Myanmar. Từ ở đây, người Trung Quốc thâm nhập – về kinh tế – ngày càng sâu vào trong Myanmar. Giờ Bắc Kinh đã thống trị ở miền Bắc của đất nước này rồi. Người Trung Quốc đặt dấu ấn và chi phối hình ảnh đường sá trong nhiều thành phố. Cùng một hình ảnh đó trong thủ đô Lào Vientiane hay trong thủ đô Campuchia Phnom Penh.
Myanmar, Lào, Campuchia – trong những nước này, sự hiện diện của Trung Quốc là rõ ràng nhất. Nhưng cả trong phần còn lại của Đông Nam Á, sự xuất hiện của Trung Quốc cũng để lại dấu vết. Tất cả mười quốc gia Đông Nam Á tạo thành liên minh các quốc gia ASEAN hiện giờ gắn kết rất chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế. Đối với tất cả, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất.
Nữ chuyên gia Trung Quốc Susan Shirk nói: “Trung Quốc nhìn Đông Nam Á như là vùng ảnh hưởng truyền thống của họ.” Trong đó, bà cũng nhìn thấy những điều tương tự với hệ thống triều cống của vương quốc các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa. Thời đó, Bắc Kinh thống trị đã vạch những vòng tròn đồng tâm quanh vương quốc ở giữa. Quy định trong đó: càng gần Trung Quốc thì càng phải triều cống.
Ngày nay, sự lệ thuộc tinh vi hơn. Không ai còn phải tới khấu đầu công khai ở Bắc Kinh nữa. Ngày nay, người Trung Quốc thích ký kết hiệp định hơn. Ví dụ như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Trung Quốc và mười quốc gia ASEAN. Vào ngày 1 tháng Giêng 2010, hiệp định về ASEAN-China Free Trade Area (ACFTA) bắt đầu có hiệu lực. Đó là vùng thương mại tự do lớn nhất thế giới với gần hai tỉ người.
Trong ACFTA, 90% tất cả hàng hóa có thể đi qua biên giới mà không cần phải đóng thuế. Mười phần trăm còn lại chỉ phải đóng thuế rất ít. Lần bãi bỏ các hàng rào thuế quan này đã đẩy mạnh thương mại giữa Trung QUốc và các quốc gia ASEAN. Ngay từ 2011, thương mại giữa hai bên đã vượt 400 tỉ dollar. Con số này lớn hơn thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Và trao đổi hàng hóa chắc chắn sẽ còn tăng lên thêm nữa, nếu như các điều kiện tiếp vận cho việc này được tạo thành, tức là kết nối giao thông tốt hơn giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Vì vậy mà Trung Quốc đã có kế hoạch cho những dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ, để gắn các quốc gia này chặt hơn nữa vào họ.
Như có kế hoạch cho một tuyến đường sắt xuyên suốt từ Trung Quốc qua Lào và Thái Lan cho tới Singapore. Các con tàu dự định sẽ lao qua những cánh đồng lúa với 250 km/h. Người ta đã bắt đầu xây nhiều đoạn. Ở Trung Quốc đã xây cho tới biên giới Lào, từ Bangkok cũng đã tới biên giới Lào. Chỉ ở Lào là các tín hiệu vẫn còn đỏ. Chính phủ đã ngưng công cuộc xây dựng. Người Trung Quốc yêu cầu cả đất đai ở hai bên của tuyến đường 480 kilômét xuyên qua Lào. Nông dân Lào chống lại điều đó – và chính phủ nghe theo lời họ.
Các con đường cao tốc đầu tiên cũng đã thành hình rồi. Hiện giờ, một con đường cao tốc từ Côn Minh, thủ phủ đang phát đạt của tỉnh Vân Nam Trung Quốc, về tới thủ đô Việt Nam Hà Nội. Thời gian đi được rút ngắn từ ba ngày xuống còn chưa tới một ngày.
Vì các quốc gia láng giềng của Trung Quốc không có khả năng gánh vác phí tổn cho những dự án nhiều tham vọng như thế nên Trung Quốc đã hào phóng tuyên bố rằng họ sẽ chi trả một phần lớn cho các dự án này.
Người ta tạo sự lệ thuộc như thế đó – cũng như ở Nga và Trung Á. Người Trung Quốc tuy không xây đường sá tới đó, nhưng xây đường ống dẫn dầu.
Wolfgang Hirn
Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ["Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây"]
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét