Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Bức tranh quá khứ qua góc nhìn phân kỳ

Liên hệ với nguồn sách địa chí hiện còn như Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí và các tài liệu ký sự mới phát hiện như Quảng Nam phủ tập ký sự, các tư liệu gia tộc như gia phổ, trước thuật…, người đời sau có thể hình dung phần nào diện mạo lịch sử, xã hội, phong tục của nhiều thế kỷ trước ở vùng Trung Trung Bộ hiện nay. Tất cả các nguồn sử liệu đó cùng các thư tịch ngoài nước của Trung Hoa và người Pháp đã giúp Hồ Trung Tú dựng lại bức tranh quá khứ theo cách riêng của mình: Lý giải lịch sử qua góc nhìn phân kỳ, với cuốn “Có 500 năm như thế - bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử” (*) vừa xuất bản.



Cách phân kỳ lịch sử Nam tiến của Hồ Trung Tú khác với các sử gia Việt trước đó. Ông chú ý đến một số thời điểm đặc biệt và khai thác ý nghĩa của nó: đưa ra một cách phân kỳ để thử xác định ý nghĩa lịch sử và dấu ấn của mỗi giai đoạn mà nó để lại trên mỗi tiến trình lịch sử, qua đó có thể ít nhiều hiểu được, và thử dựng lại những gì đã xảy ra trong suốt 500 năm (từ đám cưới Huyền Trân (năm 1306) đến năm 1802 khi Gia Long lên ngôi. Tác giả đã có những đóng góp mới trong việc “xác định mốc thời gian của mỗi giai đoạn” (tr.11, Sđd) và nói rõ phần đóng góp của mình trong cách phân kỳ: “…Trước đây người ta chỉ nêu lên các mốc thời gian của mỗi sự kiện mà ít để ý đến quãng thời gian giữa hai sự kiện, trong khi điều đó là vô cùng quan trọng để sự tiếp thu, tiếp biến, giao lưu văn hóa diễn ra rồi hình thành và cố định một tính cách bền chắc, không chịu biến đổi trong các giai đoạn sau”.
Trong cuốn sách của mình, Hồ Trung Tú chưa một lần sử dụng từ “ky mi” mà sử xưa dùng để chỉ vùng đất “được cai trị lỏng lẻo” là Thuận Hóa và Quảng Nam (trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam), nhưng trong nhận xét về giai đoạn 300 năm (1306-1600) rõ là tác giả đã chú ý đến cái điều mà các sử gia trước đó chưa kịp thể hiện: “300 năm không chính quyền trên một vùng đất nhiều dân tộc mà các dân tộc này đã từng đánh nhau hoặc nhà nước của các dân tộc này đã từng đánh nhau chí tử suốt nhiều trăm năm trước đó. Điều gì đã xảy ra trong suốt 300 năm ấy?” (tr.12). Trên cơ sở 300 năm đó, tác giả đã mở rộng cái nhìn phân kỳ của mình đến 1802 (năm vua Gia Long lên ngôi) để đi đến khái quát “đã có 500 năm đằng đẵng để hoàn thành một cuộc hòa nhập”. Và những mốc của cuộc “hòa nhập khó diễn tả hết” ấy được nêu lên như những “lát cắt lịch sử” mà trong đó lát cắt 1671 phải được ghi nhận như là một phát hiện độc đáo của tác giả. Chính lát cắt “lũy Trường Dục” khiến “Trong, Ngoài bất tương thông” đó đã là cơ sở cho Đàng Trong hình thành một bản sắc rạch ròi tách biệt khỏi những ảnh hưởng của Đàng Ngoài để tự thân hòa nhập với văn hóa bản địa trong quá trình mở rộng về phương Nam. Lát cắt đó cùng những lát cắt lịch sử khác trong khoảng 500 năm đã làm nền cho sự phân kỳ; giúp Hồ Trung Tú có cái nhìn thấu suốt và biện chứng để từ giải các hiện tượng văn hóa, xã hội độc đáo của xứ Đàng Trong - mà thổ âm Quảng Nam là một ví dụ.

Có lẽ, sau 40 năm kể từ khi cuốn “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” của Bình Nguyên Lộc ra đời, chưa có một cuốn sách nào thuộc dạng này đã truyền một cảm hứng mạnh mẽ cho người đọc đến vậy. Cảm hứng nhà văn đã khiến cho cuốn sách trở nên hứng thú; nhưng cảm hứng đó cũng là một nhược điểm đối với việc khai thác một vấn đề có tầm “luận án” như thế này. Hồ Trung Tú đã đi vào con đường mà Kim Định, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Văn Xuân… đã từng đi: đó là “trực nhận” và “tiên nghiệm” trước khi cố gắng chứng minh đầy đủ.Dù tự nhận mình người “không chuyên về ngôn ngữ học” và cũng khiêm tốn đưa ra một số dẫn chứng vừa đủ trong rất nhiều sách nghiên cứu về ngôn ngữ mà chắc chắn tác giả phải đọc qua, nhưng những giả thuyết về “nguồn gốc bản sắc tiếng nói từng khu vực xứ Quảng” cùng những giả thiết về “nguồn gốc của những vùng lõm ngôn ngữ đặc biệt” như Cao Lao Hạ, Mỹ Lợi trong ngôn ngữ khu vực Bắc Trung Bộ đã thật sự hấp dẫn người đọc. Những phát hiện và giả thuyết trên giúp tác giả - bất chấp sự dè dặt thông thường - mạnh dạn nêu lên vấn đề sự tự hòa nhập và hòa tan của một bộ phận dân tộc, một nền văn minh với một dân tộc, một nền văn minh khác trong điều kiện đặc thù của “500 năm như thế!”. Tất cả các cố gắng của Hồ Trung Tú từ việc đưa ra các kiến giải về “Vấn đề thế hệ ”, “Vấn đề địa giới”, vấn đề “Người Chàm ở lại”, “Giọng nói người Quảng Nam” rõ là nhằm chứng minh cho điều quan trọng đã nói trên. Dẫn chứng được vận dụng trong thư tịch và từ kết quả điền dã vừa đủ để giúp tác giả chứng minh cho những gì mình đã phát hiện và nêu giả thuyết. 
PHÚ BÌNH

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: