Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Bài Học Myanmar
aung san suu kyi
Trung Quốc hốt hoảng trước nguy cơ ‘mất’ Myanmar
Theo Lam Giang – Infonet (9/6/2014)
Hàng chục tỷ USD đổ vào Myanmar với rất nhiều dự án liên quan tới an ninh kinh tế và năng lượng của của Trung Quốc đang trong tình cảnh “nằm chờ chết”. Điều này khiến Bắc Kinh vô cùng lo sợ.
Trong số ra mới đây, tờ “Thái Bình Dương nhật báo” của Tân Hoa Xã đã công bố số liệu thống kê cho thấy, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Myanmar năm 2013 chỉ bằng chưa đầy 10% của năm 2012.
Đây là lần đầu tiên trong 4 năm lại đây, Trung Quốc mất vị trí xếp đầu trong danh sách các nước đầu tư vào Myanmar. Nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ Myanmar đã tiến hành “đóng băng” rất nhiều dự án đầu tư khai thác tài nguyên của một số doanh nghiệp Trung Quốc. Điển hình nhất là các dự án như xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone của Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc, dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung trị giá 1 tỷ USD của Công ty TNHH Khoáng sản Vạn Bảo thuộc Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc…
Tờ “Đông phương nhật báo” số ra ngày 5/6 cho biết thêm, hiện nayChính phủ Myanmar đã ủy nhiệm cho lãnh tụ phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi, tiến hành thẩm tra các dự án lớn của Trung Quốc tại nước này.
Theo “Đồng Phương nhật báo”, sau khi Myanmar thực hiện cải cách dân chủ, rất nhiều dự án đầu tư lớn được phê chuẩn dưới thời chính quyền quân sự của Myanmar đã vấp phải sự chỉ trích, kháng nghị của dân chúng nước này và tất cả đều phải bị tạm dừng để chờ thẩm tra. Khi mới trở lại chính trường, bà Aung San Suu Kyi từng công khai tuyên bố không phản đối Trung Quốc, nhưng vấn đề là bà Aung San Suu Kyi và chính đảng của bà mang khuynh hướng thân Anh, Mỹ và phương Tây đồng thời không giấu diếm sự thờ ơ, lạnh nhạt với Trung Quốc.
Hiện nay, dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD đã bị dừng vô thời hạn. Trước đây, do công trình này nằm trong vùng thánh địa lịch sử, nên các công ty Nhật Bản không dám đầu tư. Nhưng Trung Quốc dường như quá chú ý tới lợi nhuận và ỷ lại vào sự ủng hộ của chính quyền quân sự Myanmar, chính phủ và công ty của Trung Quốc đã không e ngại thực hiện, kết quả là đã bị đình công sau cách mạng dân chủ ở Myanmar.
Trong bối cảnh tình hình chính trị hiện nay ở Myanmar, người ta tin rằng sẽ không có thời hạn cụ thể nào cho việc khởi động lại công trình này. Các dự án đầu tư khác của Trung Quốc ở Myanmar như khai thác đồng, khai thác Niken… cũng bị người dân địa phương và các nhân sĩ, nhà hoạt động bảo vệ môi trường phản đối gay gắt.
Nếu sau khi thẩm tra, bà Aung San Suu Kyi không hài lòng, những dự án này rất có thể bị hủy bỏ hoặc vấp phải phản đối quy mô lớn.
Trong số các dự án đã hoàn thành, đáng lo ngại nhất là dự án đường ống dẫn dầu khí từ Côn Minh (Trung Quốc) tới cảng Kyaukpyu của Myanamar, tiêu tốn ít nhất 5 tỷ USD. Việc bảo vệ tuyến đường ống này hiện nay vẫn do quân đội Myanmar đảm nhiệm, dù cục diện chính trị nước này biến đổi và dự án không có khả năng bị phế bỏ, nhưng chắc chắn phí quá cảnh mà Trung Quốc phải trả cho Myanmar sẽ tăng mạnh. Trong trường hợp tuyến đường ống này bị phá hoại, tổn thất của Trung Quốc càng lớn bởi mỗi năm nó dẫn một lượng dầu khí khổng lồ, giúp Trung Quốc giải cơn khát năng lượng.
Trung Quốc đầu tư vào Myanmar hàng chục tỷ USD và nhiều dự án trong số đó liên quan tới an ninh kinh tế và an ninh năng lượng. Đáng tiếc là chính phủ và doanh nghiệp của Trung Quốc đã không đánh giá hết rủi ro chính trị, không chịu bỏ tiền giúp đỡ người dân địa phương cải thiện cuộc sống và phát triển, tăng cường quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.
Sau khi Myanmar tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2015, một khi những dự án đó xảy ra chuyện, tổn thất của Trung Quốc lại càng lớn, nhưng lớn hơn vẫn là việc mất ảnh hưởng chiến lược đối với Myanmar.
Trong thời kỳ phương Tây thực thi biện pháp chế tài đối với chính quyền quân sự ở Myanmar, Trung Quốc là một trong số ít bạn bè quý của nước này. Lâu nay, vị trí của Trung Quốc về đầu tư và thương mại tại Myanmar không hề bị lung lay. Nhưng kể từ tháng 11/2010, sau khi chính quyền quân sự chuyển giao cho dân sự, Myanmar bước vào tiến trình mở cửa dân chủ hóa, dòng thu hút đầu tư phát triển theo hướng đa dạng hóa. Nước này cũng tích cực cải thiện quan hệ với thế giới phương Tây và chuyến thăm Myanmar vào tháng 11/2012 của Tổng thống Mỹ Barack Obama chính là ví dụ tiêu biểu.
Bắc Kinh đã nhận ra những nguy cơ chết người này nhưng dường như họ vẫn chưa có giải pháp nào để… thoát hiểm ở Myanmar.
Bài Viết Từ 1 Năm Trước (18/6/2013)
Trung Quốc đã để mất Myanmar như thế nào?
Theo Trí Thức Trẻ / Từ Finacial Times – Thu Hương
Theo danh sách chính thức, trong tổng số hơn 900 đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở Myanmar vừa qua, chỉ có 16 người đến từ Trung Quốc đại lục.
Ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, người ta khó có thể bỏ qua tòa nhà lộng lẫy được xây dựng bởi một công ty xây dựng trực thuộc nhà nước Trung Quốc. Vài năm trước, tòa nhà này được Trung Quốc tặng cho Myanmar như một cử chỉ thể hiện tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước.
Tuy nhiên, đầu tháng 6 vừa qua, trong khi hơn 900 lãnh đạo doanh nghiệp từ mọi nơi trên thế giới tụ họp tại Myanmar để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới, người ta không thể không chú ý đến sự vắng mặt của Trung Quốc. Theo danh sách chính thức, trong tổng số hơn 900 đại biểu chỉ có 16 người đến từ Trung Quốc đại lục.
Giờ đây, Bắc Kinh đang đứng trước câu hỏi “ai đã để mất Burma?”
Cách đây chỉ 2 năm, Myanmar vẫn ở trong chế độ độc tài chuyên chế hoàn toàn và phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ đây, quốc gia này đã mở rộng cánh cửa với những thay đổi và cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Hầu hết các nước phương Tây đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này trong khi các nhà đầu tư toàn cầu háo hức xâm nhập thị trường đầy hứa hẹn. Ngoài thị trường tiềm năng có quy mô lên tới 60 triệu người tiêu dùng, Myanmar cung cấp cơ hội lớn trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vốn bị tụt hậu nhiều thập kỷ.
Tại hội nghị WEF vừa qua, các cựu tướng lĩnh của Burma sánh vai với các lãnh đạo doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Việt Nam, châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Sự thiếu vắng của Trung Quốc càng được chú ý hơn bởi cái cách mà các bộ trưởng và thành viên trong nội các của chính phủ Myanmar đề cập đến Trung Quốc: “Chúng tôi rất cảm ơn Trung Quốc vì sự giúp đỡ của họ nhưng sau đó chúng tôi yêu cầu họ rời đi”, một vị bộ trưởng của Myanmar cho biết.
Giống như lời phát biểu tại buổi lễ khai mạc, bản thân Tổng thống Myanmar Thein Sein phản đối việc Trung Quốc gây ảnh hưởng đến những người hàng xóm nhỏ bé và nghèo khó hơn. Đến ngày thứ 2 của hội nghị, các báo đồng loạt đưa tin China Mobile – gã khổng lồ viễn thông trực thuộc nhà nước Trung Quốc – đã thất bại trong việc kết hợp với Vodafone để đấu thầu mở rộng mạng lưới điện thoại của Myanmar. Theo nguồn tin thân cận, các công ty Trung Quốc khó có thể giành chiến thắng.
Ở cả Bắc Kinh và Naypyidaw, người ta đều nhận ra rằng Trung Quốc đã xử lý mối quan hệ song phương một cách quá tồi tệ với sự kiêu căng ngạo mạn và đôi lúc can thiệp quá sâu vào chuyện nội bộ của Myanmar. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn có ảnh hưởng rất lớn ở Myanmar và thường can thiệp vào hoạt động kinh doanh ở đây. Thêm vào đó, rất nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ giữa 2 nước được xử lý bởi chính quyền địa phương và tướng lĩnh quân đội của Vân Nam – tỉnh có đường biên giới kéo dài với Myanmar nhưng chưa được quản lý.
Cho đến nay, tất cả các chuyến bay giữa Myanmar và Trung Quốc đều phải quá cảnh ở Côn Minh – thủ phủ của Vân Nam, bất chấp các chuyến bay từ Yangon tới Seoul, Singapore, Bangkok, Hồng Kông, TP Hồ Chí Minh và một số điểm đến khác đều là bay thẳng.
Cuối cùng thì, các tướng lĩnh của Myanmar quyết định rằng họ đã phải chịu ơn quá nhiều từ các lãnh đạo cấp thấp của Trung Quốc. Họ nhận ra rằng cách tốt nhất để phát triển là đa dạng hóa bạn bè.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Myanmar hoàn toàn quay lưng lại với Bắc Kinh. Trong vài tháng tới, đường ống mới sẽ bắt đầu khai thác khí gas của Myanmar. Tất cả đều dẫn tới Trung Quốc và các công ty Trung Quốc có một khởi đầu thuận lợi hơn rất nhiều so với các công ty phương Tây vốn đã tuân thủ lệnh cấm vận trong nhiều năm nay.
Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã đề xuất chiến lược xử lý một cách khéo léo các mối quan hệ quốc tế. Trong đó chắc chắn phải có việc cân bằng với tất cả các bên vốn đang háo hức đầu tư vào Myanmar (trong đó có Trung Quốc).
Trong nỗ lực khôi phục lại tầm ảnh hưởng đã phai nhạt, Bắc Kinh phải tìm ra được nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Thật không may, các cuộc thảo luận về cải cách chính trị ở Myanmar bị cấm hoàn toàn trên các phương tiện truyền thông chính thống ở Trung Quốc. Thậm chí, The Lady – bộ phim nói về cuộc đời của bà Suu Kyi do Hollywood sản xuất – cũng bị cấm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: