Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Đăng một tí truyện Ngố viết:

KHÔNG CÓ GÌ MÃI MÃI

Trán cao, lưỡng quyền nhô lên trên nước da xạm nắng. Một cái mũi gồ thách thức ở quãng giữa, cụp xuống đoạn phía dưới. Kiểu mũi nhòm mồm. Nói thực, chả ai thích nhưng cũng không ai khinh ghét gã. Nhưng quả thực không mấy thiện cảm khi đôi mắt lồi, vằn những tia máu đỏ xung quanh con ngươi vàng đầy vẻ khiêu khích cứ chằm chằm nhìn người đối diện.
Đừng ai bảo những kẻ nhìn như thế là mang trong mình cái tâm thẳng thắn, bản tính nhân hậu, chân thành!
Nhất là hai cánh tay hay khuỳnh, nom rất gây sự. Ở con người kiểu như thế, chắc chắn “năng lượng tối” hơi bị nhiều. Đã nghiệm ra một điều không mấy chắc chắn là: Có những người ta gặp tự nhiên thấy lòng nhẹ nhõm, đầu óc sáng láng, tinh thần minh mẫn. Lại có những kẻ tuy chẳng gây gì cho mình, chỉ thoáng gặp nhau thôi, tự dưng thấy nặng như chì, lạnh như đá đeo. Đầu óc bấn rộn, bứt dứt khó chịu.
Nhưng gã đi đâu vào giờ này? Giữa lúc nóng oi ả, mặt đường khí bốc lên chập chờn như ngọn lửa không màu, gà chó đều tìm bóng cây, góc tường dâm mát để trú, gã lại lưng lững đi.

Người ta nói năm nay trở lại chu kỳ Ennino gì đó.
Nắng không như mọi năm. Nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn bốn mươi độ. Lá cây hai bên đường như thể bị chàm lửa, héo rũ.
Nhà nhà đóng cửa, không ai muốn ra đường. Theo dõi qua ti vi cuộc đấu tàu ngoài biển đông, chiến thuật  “voi đấu với kiến” chưa ngã ngũ chỉ một phần. Phần thực tế hơn là sợ cái nóng phả vào nhà, nóng bỏng như trong lò sấy, quạt chạy hết công suất vẫn không lại.
En ni nô ni niếc gì không biết nhưng chắc chắn là một năm rất không bình thường. Chiến loạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. nếu một trong hai bên.ta và “gã hàng xóm” không kiềm chế được. Một năm cái nắng, cái gió rồi mưa bão cũng rất không bình thường khiến lòng người không an, cảm thấy thời tiết dường như mỗi lúc mỗi khắc nghiệt, quá sức chịu đựng của con người.
Khăn bông dày vắt vai. Trời nóng như thế, gã đi đâu vào giờ này?

Thuận chiều xuất hiện thêm một người đi xe đạp nữa. Một người đàn bà, trung trung tuổi. Chị ta chân dài, người ngắn do cái lưng gù gù như muốn co về phía sau. Hình dạng như thế đi xe đạp dưới cái nắng như thế này đã quá vất vả, chị ta còn đèo bó củi gai lòe xòe phía sau, thêm đoạn tre tươi vắt qua ghi đông xe đạp.Chả hiểu bằng cách nào đó người này vẫn đi được, thật là lạ. Thỉnh thoảng chị ta dừng lại, chỉnh lại dây buộc bó củi, đoạn xe cho dễ đi.Nhưng chỉ được từng đoạn.
Đi như thế này còn chậm hơn đi bộ, đến bao giờ đến nơi?
Trán Cao như nhận ra điều đó, gã dừng lại, rút cái khăn bông nơi cổ lau mặt, đứng chờ. Giọng nam cao trong vóng của gã cất lên:
- Có cần giúp đỡ, đây hộ một tay?
Thiếu phụ mồ hôi nhễ nhõa,mặt đỏ bừng:
- Dạ em đi được ạ..
- Được cái gì? Không cần giữ kẽ. Đây cũng đi cùng đường. Đằng ấy để đây mang hộ đoạn tre.
Miệng nói, tay chống chân xe đạp, đỡ đoạn tre lên xe của mình, gã bảo:
- Thử xem nào, có dễ đi hơn không?
Thiếu phụ nét mặt tươi tỉnh, ánh mắt hàm ơn. Hình như chị ta định nói: “ Người đâu mà tốt thế không biết?”. Lâu rồi trên đường những việc như này kể như hiếm dần. Nhưng chị không ra lời, lẳng lặng đạp xe đi trước một đoạn.
Gã đạp xe theo. Hai người đi sóng hàng đôi. Buổi trưa nắng, đường vắng xe có đi như thế cũng chẳng sao. Không ảnh hưởng đến ai.
Nếu phải lúc khác dù là đi xe đạp cũng là vi phạm giao thông vì chở hàng cồng kềnh lại dàn hàng đôi, chiếm gần hết lòng đường bởi bó củi và đoạn tre tươi.
Người không biết sẽ tưởng họ là hai người thân thiết, hoặc hai vợ chồng cùng đi chở củi về với nhau.
Vài ba câu chuyện không có gì đáng bận tâm. Kiểu xã giao thông thường của người mới gặp.

Đến quãng gần chợ, thiếu phụ dừng lại xin lại đoạn tre để rẽ con đường nhỏ vào làng.
Trán Cao đứng tần ngần nhìn theo. Lâu lắm rồi mới được giúp người lại là người thiếu phụ này.
Gã nhớ, có lần gặp ở đâu rồi? Hình như lần ấy mình đi uống rượu ở đèo Mê về. Đi qua con đường trước nhà người này. Nghe đồn con mụ lẳng lắm. Thế mà sao khi mình ghé xin nước uống, mụ lại vội chạy ra đóng xập cổng lại như sợ cướp đến nhà? Liệu có phải tiếng đồn ác về mình đã lan đến tận đây, hay cho mình say rượu mụ sợ?
Sao ban nãy gặp mình mụ ấy cứ tảng lờ đi như không?
Thì thôi cũng người gặp người, có gì đâu, chẳng có gì quan trọng.
Nếu thích, hôm nào mình sẽ lại đến.
Nhà mụ í mình nhớ rồi, ngay bên cạnh cái ao, có con trâu già gầy giơ xương buộc dưới gốc cây khế. Sân trước nhà tráng xi măng, cửa gỗ cũ, lợp lá gồi mun mủn..

Cũng không biết có phải người thật hay không nữa? Gặp người vào giờ không vong, người ta bảo ma quỷ hiện hình giữa ban ngày. Chắc là không phải. Nếu ma quỷ hiện hình thường mang hình dáng đẹp đẽ, mĩ miều chứ không bao giờ có bộ dạng như người vừa rồi.
Chắc chắn đấy là ”một con người”, nhưng chả liên quan gì đến mình, gã nghĩ vậy, túc tắc đạp xe đi.

Buổi trưa. Những dãy phản thịt trống trơn. Một vài bà hàng rau gật gù, ngủ gà ngủ gật. Cũng đôi ba người bán tạp hóa còn thức nhưng không ai để ý đến gã cả.
Người ta đã quá quen sự xuất hiện của gã vào giờ này, ở đây.
Đó là giờ gã từ nhà lên, vào quán của vợ cũ. Một cái lồng bàn nhựa màu xanh xỉn cũ kỹ úp ở góc bàn ăn. Những người khác đã ăn xong bữa lâu rồi, giờ chỉ còn mình gã. Vợ cũ đang rửa ráy hay dọn dẹp gì đấy sau tấm tôn che làm nhà tắm. Gã chồng mới béo ục ịch đu đưa trên võng.
Không phải chồng mới không biết gã đến, chỉ là hắn tảng lờ như không biết.
Để có cuộc chung sống hòa bình như thế này, những tháng trước đã xảy ra cuộc quyết chiến khốc liệt giữa đôi bên.
Gã là chồng chính thức, có cưới xin hẳn hoi, nhưng hai bên đã ly dị
Chồng mới là người đất khách quê người, từng là bạn cũ của gã. Ké cẩm ở đây, chồng mới vợ cũ đã có con với nhau. Cái lý của đôi bên thật là khó xử.
Cả hai đều ở tầng thấp nhất của thế giới này, tiền thì ít mà phức tạp thì nhiều, chả ai rỗi hơi mà can thiệp, phân xử vì chẳng có thể thu hoạch được bất cứ thứ gì.
Chồng mới có sức khỏe nhưng thân cô thế lép. Chồng cũ cậy thằng con trai lớn cũng cất quán ngay gần đấy. Nó là đứa chẳng ra gì, nhưng bố nó vẫn là bố nó, người khác đụng vào đâu có được?
Con Tạo luôn có cách giải quyết hài hòa, thỏa đáng cho con người.
Ghét nhau người ta vẫn phải chấp nhận chung sống với nhau ở vài khía cạnh nào đó. Với lại với chồng mới mọi sự cũng chẳng ảnh hưởng gì!
Thằng chồng cũ bất tài không kiếm nổi miếng ăn, nó đã phải xuống xề thôi cũng mặc kệ nó. Ăn xong nó lại cắp đít về, có tơ tình gì với vợ cũ đâu mà ghen?
Với lại chồng mới có ghen cũng vô ích. Cặp với nhau, về lý chưa phải danh chính ngôn thuận. Hắn có vợ ở dưới quê, vợ này là “cơ sở hai”, lấy cái gì để tranh giành?
Trán cao, mặt phễu đang ngồi uống rượu một mình. Gã cắm cúi uống rồi ăn, không để ý đến xung quanh.
Vợ cũ trong khi đấy xếp một lô quần áo bẩn của mụ, của cháu nội, cháu ngoại vào một cái làn. Chị ta lặng lẽ buộc sau pốc ba ga xe đạp của Trán Cao. Lát nữa ăn xong gã ấy sẽ lẳng lặng đạp xe về để đến chiều tối gã lại đạp xe lên. Khi ấy quần áo của chồng mới vợ cũ, của cháu nội cháu ngoại đều đã được giặt sạch, gấp gọn ghẽ, thơm tho.
Không biết tự bao giờ, gã trở nên con người lành lành, khô khổ như thế này?
***


( Còn nữa..)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: