Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Trao đổi ngắn với hai tác giả Trần Việt Quang và Hồ Ngọc Thắng (báo Nhân Dân ) về vụ Nhã Thuyên


Vũ Thị Phương Anh
Theo FB Vũ Thị Phương Anh 
Ts Vũ Thị Phương Anh
Báo Nhân Dân hôm nay có một bài tranh luận về vụ NT. Xin trích một đoạn mà tôi đặc biệt quan tâm: Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/22905702-ho-dau-can-quan-tam-toi-khoa-hoc.html: 

Trích:


"Liên quan đến việc thẩm định luận văn của ÐTT, thật ngạc nhiên khi trên BBC tiếng Việt, ông Phạm Xuân Nguyên đưa ra ý kiến về việc ông gọi là “chính trị hóa”, “phi khoa học” của “những thế lực” nào đó. Ở quốc gia nào cũng vậy, khi phát hiện một Hội đồng chấm luận văn có sai lầm nghiêm trọng thì đều phải thẩm tra lại.

 Ở CHLB Ðức, trường hợp tước học vị của ông Karl-Theodor zu Guttenberg, là một thí dụ. Năm 2007, luận văn phó tiến sĩ luật của ông được đánh giá rất cao, nhưng sau bốn năm lại phát hiện có sai lầm, Viện kiểm sát phải vào cuộc. Rồi năm 2013, bà Annette Schavan bị tước học vị phó tiến sĩ vì trong luận văn triết học bảo vệ năm 1980, bà đã vi phạm các quy định. Mỗi trường đại học lại đưa ra nội quy về thủ tục thi và bảo vệ luận văn thạc sĩ.

Về cơ bản, quy định tước học vị thạc sĩ của các trường là tương tự như nhau. Thí dụ, Ðiều 21 quy định thủ tục thi, bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành kinh tế Trường Ðại học Tổng hợp Dortmund ghi rõ: Học vị thạc sĩ có thể bị tước nếu sau khi trao, phát hiện người làm luận văn lừa dối hoặc có sự ngộ nhận của hội đồng chấm luận văn. Hội đồng khoa có thẩm quyền quyết định việc tước học vị. Như vậy việc chấm lại luận văn là rất bình thường. 

Nên ông Phạm Xuân Nguyên nói rằng có thế lực đã “chính trị hóa” việc thẩm định luận văn của ÐTT mà bỏ qua việc xác định “thơ dơ, thơ rác” có xứng đáng là đối tượng nghiên cứu, ca ngợi, rồi nhân danh khoa học để biện hộ quan điểm chính trị sai trái thể hiện trong luận văn,… thì thực chất chỉ là ý đồ biến một sự việc bình thường thành một sự kiện bất bình thường, rồi đẩy vấn đề sang lĩnh vực chính trị."
Hết trích

Nhận xét: Tôi thấy cần phải khen báo ND và những người ủng hộ ý kiến phê phán NT đã có tiến bộ trong cách tranh luận. Giờ đây họ nói năng có vẻ có lập luận và chứng cứ hơn. Rất đáng biểu dương, và mong tinh thần trao đổi, tranh luận ôn hòa sẽ được tiếp tục.
 Dựa trên những lập luận của hai tác giả của bài viết về việc "chấm lại luận văn là bình thường", tôi xin có vài trao đổi:

1. Việc chấm lại luận văn nhưng không cho phép những người liên quan được biết để trao đổi, đến khi trao quyết định tước bằng cũng không cung cấp biên bản ghi nhận xét và những kết luận của hội đồng chấm lại luận văn cho đương sự, là bình thường hay không bình thường ạ? Những trường hợp mà các tác giả đã nêu ở nước ngoài, họ hành xử ra sao?

Nếu họ cũng làm giống trường ĐHSP Hà Nội thì tôi nghĩ, đó chỉ có thể là tòa án dị giáo thời Trung Cổ mà thôi: họ quyết định đúng là đúng, sai là sai, không trao đổi, không tranh cãi.

2/Trường hợp NT bị tước bằng là do phạm vào lỗi gì trong những lỗi đã nêu: vi phạm quy định (nếu là lỗi này, thì vi phạm quy định nào?), gian lận (dựa trên căn cứ nào?), hoặc ngộ nhận của hội đồng chấm luận văn (nếu là lỗi này, thì ngộ nhận ở những điểm nào? Sao không mời hội đồng 1 đến để trao đổi, tranh luận, hoặc ít ra là thông báo nguyên do cần thẩm định lại ạ?)

3/ Các quy định cụ thể về chấm lại luận văn và tước bằng sau khi đã được cấp của trường ĐHSP Hà Nội có thể tìm được ở nơi nào ạ?

Mong nhận được câu trả lời của hai tác giả.
---------

PS: Nhờ bài viết của hai tác giả mà tôi tìm được về vụ ông Karl Theodor zu Guttenberg bị tước bằng; vụ này đã được đưa lên Wikipedia. Ông ấy bị tước bằng do đạo văn, chứ không phải bị sai lầm gì đâu ạ. Mong hai tác giả đính chính lại để bài viết tăng thêm tính khoa học (nói có sách mách có chứng). Cám ơn hai ông.



Link đây: http://en.wikipedia.org/wiki/Karl-Theodor_zu_Guttenberg

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: