hay Biên bản về 2 nhánh thơ trẻ Tp. HCM(*)
& Để người đọc không quay lưng lại với thơ
(Bài viết cho Đại hội Nhà văn Tp. HCM, 10-11.03.2005)
Khi anh gần chạng vạng
Thì có người bình minh
Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản
Ban mai của họ sinh thành
(Chế Lan Viên, Di cảo thơ II)
* Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở.
Thơ trẻ Sài Gòn, một định danh báo điện tử eVan gán cho loạt cây bút thơ mới, đang sống tại thành phố HCM, vài năm qua. Tuổi đời không quá 27 (Lý Đợi lớn nhất, sinh năm 1978), tuổi viết dưới 4 năm. Sáng tác của họ chủ yếu xuất hiện trên báo điện tử. Họ viết một lối thơ đa phần đi chệch khỏi dòng chủ lưu, chính thống.
Khủng hoảng – khi đất nước mở cửa, người viết trẻ học được cái khác lạ với những gì họ từng được dạy ở giảng đường Đại học; kĩ thuật vi tính phát triển làm bùng nổ thông tin, thêm lưng vốn ngoại ngữ, họ cơ hội tiếp cận trào lưu văn chương thế giới trùng điệp nẩy nở, lớn mạnh và tàn lụi. Khủng hoảng – khi không ít người trong số họ may mắn nhìn tận mắt nhân loại phát triển như thế nào, ở bên kia đại dương. Khi được mở mắt, mở trí và mở hồn, thế hệ trẻ hậu hiện đại (không riêng gì Việt nam) hết còn tin vào những “đại tự sự”, các giá trị mới hôm qua ông bà chú bác họ từng tin và cật lực xây dựng, bảo vệ.
Ảo tưởng cũ đã mất, tàn lụi cùng buổi hoàng hôn của các thần tượng, họ ngồi đó mà thương tiếc chăng? Không? “[Họ] không than khóc cho tư tưởng về tình trạng phân mảnh, tạm bợ hay rã đám, mà lại tán dương những cái đó. Thế giới vô nghĩa ư? Vậy thì đừng giả vờ là nghệ thuật có thể tạo ra nghĩa ở đó, hãy chơi với cái vô nghĩa”.[1]
Thế hệ mới không còn tin thứ thơ ca của hôm qua!
* * *
Đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt (the literature of exhaustion - chữ dùng của John Barth), dù người viết ý thức hay không, mỗi văn bản sáng tác chỉ như một "tấm khảm của những trích dẫn" (mosaic of quotations); nhiều/ít, đậm/nhạt,… Nên, thật ngây ngô khi mãi hôm nay chúng ta còn tự huyễn: độc sáng!
Người viết luôn viết trong tâm thế vướng kẹt.
Rộng ra thế giới, các nhà thơ trẻ chúng ta đụng các trào lưu: Trường Lãng mạn - Romantisme, Trường Hiện thực - Réalisme, Trường Tượng trưng - Symbolisme, Trường Siêu thực - Surréalisme, Thơ Tân hình thức - New Formalism, Thơ Mở rộng - Expansive Poetry, Thơ Tân truyện kể - New Narrative Poetry… Bao nhiêu là trào lưu như cuộn sóng vỗ bờ rồi tan mất, dài/ngắn hạn tùy nó đáp ứng tinh thần thẩm mĩ ở thời đoạn lịch sử. Nhưng hầu như tất cả đều bị/được các tên tuổi lớn vắt cạn. Nên, chúng ta luôn làm kẻ trễ tàu!
Trong nước, riêng về thể thơ: Đường luật thì coi như đã kết sổ rồi. Lục bát, ta đã có Nguyễn Bính, Huy Cận,…ở phía trước; rồi thì Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, hay sau nữa: Nguyễn Duy; phá cách đến nát bấy thể thơ nhịp nhàng được coi là thuần Việt này, ta biết mình không thể khác hơn Du Tử Lê.
Ta quay sang Tự do. Nhưng nơi bậc cửa này, cái bóng một Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền hay Đặng Đình Hưng đã án ngữ từ lâu lắm! Vài thập niên qua: những Thanh Thảo, Trúc Thông, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng,… đã có các thành tựu đến nản lòng. Không còn cái gì mới dưới ánh mặt trời. Câu nói tưởng nghe nhàm tai này bỗng vang lên như tiếng kêu thảng thốt.
Cả trong hình thức thể hiện lẫn chất liệu đề tài – ví mãi còn tách bạch hai món này –, ta cứ là kẻ đến sau.
Ngay khi khoanh vùng nhỏ hẹp nhất, thơ tình chẳng hạn, chúng ta vẫn Tagok gauk yuw, kadun gauk paraik / Tiến thì đụng ách, lui thì vướng thanh ngang, như lối nói của dân quê Chăm! Mượt mà và kĩ tính, chúng ta gặp mặt Trương Nam Hương; sôi nổi mà tha thiết, chúng ta đụng hàng Hữu Thỉnh. Như Đoàn Tú Anh trong "Nếu em lừa dối anh", chẳng hạn:
Nếu em lừa dối anh
Trời vẫn xanh
Mây vẫn bay
Những hò hẹn thương yêu
Chẳng bao giờ thay đổi
Đến một ngày mưa chẳng biết buồn
Rơi rất vô tư…
Nếu em lừa dối anh
Hạnh phúc như mây
Tình yêu là gió
Em yếu mềm và nhỏ nhoi như cỏ
Sao níu mây cao, giữ gió xa vời? [2]
Viết câu thơ ngắn/dài với cách gieo vần lỏng, chúng ta không ít lần dẫm phải dấu chân Nguyên Sa. Trương Gia Hòa với "Bàn chân của em", là một ví dụ:
Những dòng nước em đi không hết
Có ai chạm vào vai anh không?
Có đặt tay trên vai anh những ngày nắng ấm
Có ai ngả đầu trên vai anh những đêm café? [3]
Chịu chơi ba gai, ta không thể qua mặt đàn anh Bùi Chí Vinh. Tôi gọi đó là lối đụng hàng lẻ. Lớn hơn, ta đụng thơ Cách mạng, thơ Sáng Tạo, thơ Nhân văn-Giai phẩm, thơ Đổi mới và Hậu-đổi mới với những nhánh "vụt hiện", "siêu hình", "dục tính" (chữ không chuẩn lắm), cả "thơ ngoài lời"…Thế là khủng hoảng.
Khủng hoảng tiềm tàng đâu từ Gieo & Mở đầu những năm chín mươi, lộ rõ hơn vào những năm cuối thế kỉ trước với Thơ tự do, rồi Viết thơ,[4] để đến khi báo điện tử văn chương như: Tienve, Tapchitho, eVan,… xuất hiện, nó nổ tràn không ma nào níu lại kịp. Với Nhóm Mở miệng. Với đợt sóng thơ nữ trẻ Sài Gòn.
Họ từ các nơi đổ bừa về Sài Gòn. Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán từ Quảng Nam, Bùi Chát từ Đồng Nai chòm nhóm tại La Hán Phòng. Phương Lan từ Lâm Đồng, Khương Hà Bùi, Nguyệt Phạm – Đồng Nai, Thanh Xuân - Cần Thơ, Lynh Barcadi – Vũng Tàu,…
Có mặt ở Sài Gòn, họ từ chối lối mòn quen thuộc: tụ tập quanh tòa soạn báo chí, nhà xuất bản hay các cơ quan Nhà nước có dính dáng đến chữ nghĩa – ổn định và an ninh. Họ chọn [hay cuộc thế chọn] cách thế sống, đủ cho họ tự do khỏi mọi lệ thuộc: nhân viên công ty tư nhân (Thanh Xuân), chụp ảnh dạo (Khúc Duy), viết bên lề tòa soạn (Lý Đợi), hay làm nghề không nghề (Bùi Chát),…
Họ có đó. Sau lưng họ là: Nguyễn Quốc Chánh đến từ Bạc Liêu, Trần Tiến Dũng nguyên quán Gò Công, Inrasara dân Phan Rang giạt tới, Thận Nhiên Việt kiều Mỹ trôi về; sau nữa: Nguyễn Hữu Hồng Minh từ đất Quảng Nam lạc vào. Và, bao khuôn mặt khác. Các tên tuổi mang trong mình mầm mống khủng hoảng, mức độ khác nhau. [5]
Trước mắt họ: khoảng trắng!
1.
Các bạn thơ nữ thời đại toàn cầu hóa quyết tháo tung cương ngựa non mà kỉ cương cũ [toan] buộc ràng chúng, cho chúng mặc sức tung vó, hí vang. Không còn kiêng nể gì nữa, sex hay không sex, bản năng hay không bản năng, truyền thống với định kiến xã hội: bất chấp tất! Họ thể hiện mình, phơi mở và phô bày cái Tôi chủ quan của mình, không che giấu. Không cần qua trung gian ẩn dụ hay nhờ cậy sự đánh tráo của ngôn ngữ để gợi mà, trực tiếp, đẩy tới, nâng cao, phóng đại. Từ tâm tình, thái độ hay cả hành cử của thân xác trong sinh hoạt dục tính. Ngay cách xuất hiện của họ cũng đúng a-la-mốt của cư dân mạng: họ chọn Tienve hay eVan để kí sinh thơ. Bởi thế, chưa ai [chịu] ra tập thơ cả!
Mươi, mười năm trước thôi, đàn chị Phạm Thị Ngọc Liên dẫu có “giang tay giữa trời mà hét” cũng biết dừng lại ở đường biên tự vạch: “Tôi đi giữa sóng như loài ngư nữ/Lời thở than trôi về phía sau/Mặt trời trên tóc tôi là nụ hôn của chàng/Lời chúc ngủ ngon mỗi tối/Tôi bồng bềnh trong mơ”.
Vẫn còn hiền lành quá, hôm nay – Trần Lê Sơn Ý:
Nào thức dậy đi, hỡi những tháng ngày cô quạnh nhất
Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ
Thức dậy và tung bờm cất vó
Phóng như điên
Chỉ cơn điên mới cứu khỏi nỗi sợ hãi
Hèn nhát
Trước khi băng qua bờ vực
Chỉ cơn điên mới vượt khỏi nỗi đau…
Thức dậy, dẫm chân và lắc đầu kiêu hãnh
Trước những yên cương rực rỡ sắc màu
Thức dậy để đón sương mai
Đón mặt trời mỗi sớm
Thức dậy đi ơi chú ngựa
Đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng. [6]
Cả vài giọng thơ nữ ở phía Bắc, Vi Thùy Linh chẳng hạn, được/bị cho là bạo.
Bởi vì trong đêm
Em bùng lên nỗi nhớ, khát khao và cả những điều thầm kín nhất
Bởi vì trong đêm, em là em toàn vẹn nhất
Anh hiểu không?
Cái lạnh ngấm dần, em tự ôm em
Em tự sát thương vết thương đau đang rỉ ra
nơi cắt rốn cô đơn bằng những giọt lòng
và lần cởi từng chiếc cúc … [7]
Vi Thùy Linh mới “Khỏa thân trong chăn/Thèm chồng” thôi mà đã bị dè bỉu; còn những “lần cởi từng chiếc cúc”, …nữa, bạo gì đâu! Phương Lan đã khác, khác lắm:
Rướn cong mùa chín mọng trong đêm
Chờ một linh tín để hân hoan giờ khai mở,
Dưới em là rầm rì cỏ mềm
Và những phôi mầm phập phồng cố nén cơn phấn khích
trong viễn tượng đồng loạt đội lên
Và rồi êm lịm
hơi thở phủ xuống em
Giấc mơ khoan thai bay đến
khe rãnh róc rách khơi chảy
Cơn gió hoang phiêu mát lạnh trườn ngược lên đỉnh đồi…
("Đỉnh hoa", eVan)
Cả lối đặt tít bài thơ cũng khác. Không còn vụ: "Giấc mơ của lưỡi", "Thất vọng tạm thời", "Hè lỗi hẹn", "Lãng mạn giải lao",… (Phan Huyền Thư) hay: "Anh còn cho em", "Em – bí mật", "Nói với anh", "Mùa anh", "Thung lũng anh và em",… (Vi Thùy Linh) nữa. Phương Lan bộc trực hơn, nếu không nói là đanh đá đầy khiêu khích: "Lỗ rỗng", "Mùa căng", "Đào thoát", "Nẻ", "Lên cao", "Chờ mưa", "Vọng kinh",…
Cùng thế hệ Tú Trinh, Ngô Thị Hạnh, Nhật Quỳnh… nhưng Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Khương Hà Bùi,… hết còn nền nếp khép mình trong khuôn phép, họ “quậy” hơn, phá phách táo tợn hơn. Để có mặt.
Nếu lãng mạn-trữ tình của thế hệ Hậu-đổi mới còn muốn giữ lại cọng hành an toàn, những buông thả mang tính bản năng còn cuộn mình trong kén ý định:
Em sẵn sàng chết vì anh nhưng không phải là cái chết đau đớn
Nếu anh không của em
Em sẽ vắt mình đến giọt sống cuối cùng
làm nghiêng ngã mọi ổn định. [8]
Thì lãng mạn của cư dân mạng đã khác hẳn. Nó tung hê tất, dám nói tất! Đây là thế hệ say đắm yêu, nhưng say đắm với con mắt mở lớn đầy ý thức, từ/qua thức nhận bình đẳng giới tuyệt đối. Cảm thức hậu hiện đại không cho phép người viết viết những câu thơ yểu điệu thục nữ, kiểu: “Về đi anh!/Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh”, “Bị đánh mất khỏi anh/Em sẽ mất em/Khi thuộc về người đàn ông khác”, rồi thì: “Khi em tựa cửa/Là khi em cần anh” (Vi Thùy Linh).
“Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng tương tự như thái độ của một người đàn ông yêu một phụ nữ học thức cao; anh ta biết rằng anh không thể nói với cô kiểu "anh yêu em mê mệt", bởi vì anh thừa hiểu là cô ta biết (và cô ấy cũng biết là anh biết) những chữ ấy đã được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn có cách khác. Anh có thể nói thế này: "Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em mê mệt." Như thế, vừa tránh được sự ngây thơ vờ vĩnh vừa có thể nói được rõ ràng những gì vốn không còn có thể được nói một cách ngây thơ, đồng thời, anh lại vừa nói lên được những gì anh muốn nói với người phụ nữ: anh yêu cô, nhưng anh yêu cô trong một thời đại đã mất sự ngây thơ.” (Umberto Eco)[9]
Nguyệt Phạm cũng yêu, cũng say, nhưng đã khác nhiều. Song hành với “chết cóng vì sự nổi loạn nửa mùa của những cơn mê”. [10] là cái tỉnh táo của ý thức để nhận rõ “đôi mắt giấy” của người yêu, nhiều lần (Nguyệt Phạm, "Những đàn bà trong thành phố", eVan). Khương Hà Bùi nữa, cũng không chịu thua kém:
Xin anh giữ chặt vai em
cùng quay những vòng xoay chóng mặt
Thảo nguyên rỉ máu từ những hố sâu rền rĩ đòi trở lại là hoang mạc
Quằn quại nỗi đau tìm về khởi thủy
Một vòng xoay
Hai vòng xoay
Vũ trụ sinh sôi từ những vòng xoay đơn giản nhất
Từ xưa và rất xưa…
Hỡi cơn gió mấy ngàn năm vọng tưởng sóng cồn
Xin gài vào đêm những giấc mơ tình yêu nồng nàn môi ngọt
Em và anh
Say đắm tìm, say đắm yêu, say đắm tin
Say đắm điệu múa thảo nguyên mộng mị đường về
("Thụy Du", eVan)
Từ “em thuộc về anh” đến “em và anh” là cả một hố thẳm ý thức!
Và, trong lúc lối quan sát của Phan Huyền Thư – dẫu tinh tế, một tinh tế không thiếu cái cười tinh nghịch – vẫn còn chịu khuôn định bởi suy nghĩ đơn tuyến:
Tôi đi
tiếng còi hú dẹp đường
xe đi họp lao như tia chớp
để lại đàng sau phố xá nườm nượp
người người chẳng hiểu mình sẽ về đâu
Tôi đi
những thằng bé lau nhau
chạy long đường bán vé số
đánh giày, tử vi và “kết quả”
thành phố của tôi
mọi người sống và biết kết quả từng ngày… [11]
Thì cuộc sống đô thị dưới mắt Thanh Xuân đã ngổn ngang, bề bộn với những chuyển động đa chiều khó nắm bắt:
… Ngày tân cảng cuốn hút dòng người vào vòng xoáy trách nhiệm
Con thoi chính mình và mai một những đam mê
Đôi bàn tay chạm vào nhau, ngổn ngang vô số hoài nghi có thật
Bí mật có phanh phui?
Rồi tự phỉ báng vào sự hèn nhát vô nghĩa
Trưa tân cảng mang con người vào khói bụi
Vào sự thiếu kiềm chế của hai-mươi-tư giờ nhân bản
Khẽ khàng quay lưng như sợ tâm hồn vỡ tung
Chẳng muộn màng cho những khát khao
Nhưng vẫn thấy kiệt sức nếu bắt đầu lại những đấu tranh thần thánh
(Thanh Xuân, "Chưa phải ngày cuối cùng", eVan)
* * *
Thanh Xuân: “Tôi đi bằng những bức họa ở EL rời khỏi bầy đàn âm thầm như cơn bão” ("Bão cấp", eVan). Tôi thực sự thích phát biểu này, và chờ cơn bão tới. Thế nhưng, tôi cứ nơm nớp rằng: không ít những bước được coi là đột phá dũng cảm của các bạn trẻ hôm nay nguy cơ dẫm lên dấu vết người đi trước, không thể nói là không hay, nhưng đã là cái hay hơi cũ rồi![12]
Qua click chuột xem thơ, ta thấy lối nhìn, nghĩ, cảm và cả việc chọn cách xuất hiện của các cây viết nữ Sài Gòn đợt sóng mới đã khác, rất khác. Nhục cảm trần trụi đến bất chấp của Phương Lan, ở cấp độ khác: Lynh Barcadi, hoặc sôi nổi hồn nhiên nhưng không kém buông thả ở Khương Hà Bùi, cảm nhận cuộc yêu tinh tế mà lạnh lùng của Nguyệt Phạm hay cái nhìn sắc lạnh ném vào cuộc sống đương đại ảo/thực chồng chéo đầy bất trắc như Thanh Xuân, … là những gì chúng ta ghi nhận từ sáng tác còn chưa nhiều của các cây viết này, từ hơn một năm qua.
Thế nhưng, mọi phô bày chỉ mới dừng lại ở phát ngôn về/cho cái Tôi chủ quan, chưa vươn ra ngoài, ngoại trừ một Thanh Xuân có vươn ra nhưng chưa thoát hẳn. Nỗ lực phát ngôn mới ở “thời kì quá độ”, còn gồng mình phá vòng vây phân cách giới. Có cảm tưởng như các bạn đang bận tấm áo chật, ướt nữa, mãi loay hoay tìm cách cởi bỏ. Vẫn còn lúng túng trong tìm lối, chưa đáo bỉ ngạn để làm cuộc tương thoại thích đáng với giới kia. Do đó, vẫn chưa thể đối thoại sòng phẳng với xã hội, như là một thực thể tự do và tự tại. Chỉ khi nào chúng ta để cho giới tính như là thế, giới tính mới hết còn là vấn đề!
Về nghệ thuật, phát ngôn chỉ là những phát ngôn, dẫu chúng táo bạo hay táo tợn đến đâu đi nữa. Đầy cảm tính, chúng ta hay nhầm lẫn lối phát ngôn với sự cách tân thơ! Nhầm lẫn kéo dài gần mươi năm qua, từ thuở hiện tượng thơ trẻ xuất hiện và gây ồn ào, nỗi nhầm lẫn mãi hôm nay vẫn còn chưa có dấu hiệu ngưng lại!
Câu hỏi đặt ra: Đây là một khủng hoảng bởi ức chế xã hội hay chỉ thuần bế tắc mang tính thi pháp? Hoặc, tệ hơn: nó chỉ là một cách làm dáng, thời thượng? Vẫn còn cả khoảng trắng phía trước cho kẻ sáng tác và, cho cả các thẩm định.
Làn sóng thơ nữ trẻ Sài Gòn, tách ra từng người viết, chưa đủ định hình. Chưa tạo phong cách rõ nét, chưa báo hiệu cuộc đổi mới thơ, như chúng ta mong đợi. No problem! Bù lại, nó vừa làm nên một cơn gió xiết: mới, mạnh, rát và bừa bộn, thổi vào nền thơ Việt hôm nay. Nó có đó, như một hiện tượng: nó là cuộc khủng hoảng. Chúng ta chấp nhận nó hay không, không quan trọng. Nó có ý định làm mới, cách tân thơ hay không, cũng không là vấn đề nữa.
Bởi, đã có hiện tượng thơ khác – một khủng hoảng nghiêm trọng và, đáng nói hơn – vừa xuất hiện và lớn tiếng tuyên bố: KHÔNG làm thơ!
2.
Họ là ai? Là Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. 4 sinh viên tốt nghiệp khoa ngữ văn, ra trường vô công rỗi nghề trong giai đoạn thơ Việt đang kì ảm đạm, “có mặt bằng nhưng chưa có đỉnh cao”, như chúng ta từng dễ dãi nhận định. Họ tự cho mình [vô] trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cấp kì lập ra Nhóm Mở miệng, trưng bảng nhà xuất bản Giấy vụn và, tuyên xưng: Không làm thơ! Thế là ba tập thơ in photocopy xếp hàng mở m[iệng]ắt chào đời: Vòng tròn sáu mặt, Xáo chộn chong ngày, Cai lon bo di và vài thi tập chưa “xuất bản” nhưng được tiếp thị rùm beng khác… Trước họ, có tấm gương sáng: Nguyễn Quốc Chánh với Của căn cước ẩn dụ; tiếp bước họ là: Trần Tiến Dũng có tập Bầu trời lông gà lông vịt, Phạm Mạnh Hiên: Nhiệt đới cát, Đoàn Minh Hải: Đại nguyện của đá, tập thơ in chung: Thơ tân hình thức đều ra mắt “công chúng” thơ dưới dạng này. [13]
Đây là thứ thơ tôi từng mệnh danh “thơ jác jưởi”, khi lần đầu chào hàng họ ra ngoài chợ thơ.[14] Đa phần thứ thơ tự nhận jác jưởi này không thể xuất hiện chính quy trên thị trường sách báo, nó phải tự bươn chải tìm cách có mặt, và “khẳng định” mình trên văn đàn. Photocopy – đó là cách làm đặc thù của Mở miệng. Dĩ nhiên, họ không dại gì từ chối bắn sáng tác của mình lên mạng.
“Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn... Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)... và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”[15]
Đó là eVan xét nét họ. Còn họ tự nhìn nhận mình như thế nào?
“In roneo hay photo là một cách thức không có gì mới, nhưng in và quan niệm nó như văn bản chính thức của tác phẩm thì ít người làm như thế (…) [nó] đã bắt đầu mở ra những thể nghiệm thiên về nghệ thuật (…) Ban đầu, việc in photo này được xem là một kiểu làm dáng về hình thức, nhưng càng về sau nó càng tỏ ra hữu dụng và tác động được đến cách nghĩ của người sáng tác, nhất là trong giới trẻ’’.
Tinh thần yêu chuộng sự ổn định từ chối công nhận đó là thơ, không xem đó là văn bản chính thức của tác phẩm đúng nghĩa. Thì họ có cho họ làm thơ bao giờ đâu! “Chúng tôi không làm thơ”. Họ tuyên bố khắp nơi. Ở eVan, Tienve, Talawas, Tapchithơ và cả trên trang báo chính quy của Hội Nhà văn Việt Nam nữa![16]
* * *
Mọi đề tài đều bị khai thác cạn kiệt, mọi hình thức đã được người nhân gian thử nghiệm rồi (không ngạc nhiên tí nào: Nhóm Mở miệng ủng hộ mạnh phong trào Tân hình thức do nhà thơ Khế Iêm và tạp chí Thơkhai mào), nên: nhại giễu (parody), mô phỏng (patiche) và cắt dán (montage) là thủ pháp chủ yếu trong quan điểm sáng tác của các nhà Hậu hiện đại. Trong hành trình làm mới thơ, đã có vài thành tựu qua sáng tác đăng trên tạp chí Thơ xuất bản tại Mỹ: Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam…, mươi năm qua. Nhìn góc độ nào đó, các thi sĩ tài hoa đậm tinh thần tiền phong này, ví có cắt dán, vẫn còn chịu gia công đắp bồi: phần đóng góp của họ luôn chiếm thế áp đảo so với nguyên mẫu. Trong lúc “tiếp nhận” kĩ thuật đó, Bùi Chát cố tình đẩy “sáng tác phẩm” của mình đến đầu mút của cắt dán. Cắt dán "Thời hoa đỏ"của Thanh Tùng, anh chỉ cần lè vào cái tít, thêm một chữ vào cuối mỗi câu thơ để thành sáng tác mới: "Thời hoa đỏ lè!" Hoặc anh vô tư bê nguyên xi bài thơ "Bài mùa thu" khá nổi tiếng của Phan Nhiên Hạo, gõ một câu/vài âm Hu… hu…hu ..vào cuối bài, cũng xong bài thơ…của mình.
Nữa! Hơn thập niên qua chúng ta than vãn thơ nhàn nhạt tràn lan mặt báo; rồi thì: mỗi năm, hơn nửa ngàn tập thơ trung bình đều đặn được cho ra lò. Lạm phát! Đã có vài báo động, đây đó – thực/giả lẫn lộn. Thói nhảm nhí trong trò chơi văn chương chữ nghĩa đang giết chết thơ, hằng ngày! Phản ứng lại cái nỗi dễ dãi dai dẳng đó, Khúc Duy đẩy dễ dãi đến tận cùng nhảm nhí:
Thằng mỏ chuột mặt quắp tròng bao
cao su khi hắn nứng lỗ tai
dơi. Chỉ cần mắt kính cặp táp,
thế giới trong đùi tao. Tụi bây
thắt ống dẫn tinh đặt vòng rồi
thì đẻ thoải mái thoải trống đi,
có thưởng. Chưa có thịt bò ăn
phải làm sao có, chưa có thịt
người ăn phải làm sao, có làm
thì mới có con/không dưng ai
dễ banh mồng chổng khu… [17]
Thì đã sao nào? Nhại Thanh Xuân thế!
Về ngôn ngữ, nhóm thơ này từ bỏ lối “lựa chữ” quen thuộc. Đừng đòi hỏi ngôn từ đẹp đầy tính "văn chương" trong các sáng tác của họ, thứ ngôn từ lâu nay thiên hạ cứ nghĩ thế mới là thơ, thơ đích thực. Ngôn ngữ Bùi Chát là lời nói hàng ngày của người hẻm phố, hơn nữa – tầng lớp dưới đáy xã hội, có lẽ. Bùi Chát lượm nhặt chúng, ngẫu hứng bất chợt, không qua sàng lọc của ý thức “sáng tạo”. Không có từ nào gọi là thô thiển hay sang trọng, dơ hay sạch, xấu hay đẹp ở đây. Tất cả đều bình đẳng trong ý thức/vô thức của người viết. Chúng hiện hữu trong cuộc sống, và thi sĩ xử sự bình đẳng với chúng. Bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng với lối phát chuẩn.
Không jì có thể đoạt tôi từ những bàn tay
cái nhìn không tương xứng lăm ngón
jữa con mắt fải và chái
không fải cái mũi thò nò xanh
thế jới lày không thể bóp tôi
những hình ảnh cũ thay đổi tôi như mới
thái độ nên cầu ngồi xổm để jơi một vật jưới lước
không muốn hắc xì với đám đông
tôi nà cái thai chong bụng người con gái tôi yêu
("Hiện chạng", trong Xáo chộn chong ngày)
Trên, chúng ta mới xét khía cạnh thuần kĩ thuật. Mà theo tôi, dù là đợt sóng thơ nữ hay Nhóm Mở miệng, những người viết trẻ này hầu như bỏ qua ý hướng tìm cho mình một phong cách, phong cách hiểu theo nghĩa truyền thống. Họ làm, thế thôi. Theo cách họ cảm và hiểu, ở thời đại họ đang sống. Trung thành tuyệt đối thuyết lý đề ra, ở đây và lúc này. Đó là thiết yếu phải hạ bệ tượng đài thơ và, hạ bệ chính thơ. Hạ bệ, không gì hữu hiệu hơn chế giễu, nhại giễu. Hãy đọc thử một bài thơ của Bùi Chát:
vần “inh”
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thuỷ tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
[í quên, bùi chát chớ!]
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
boong! boong!
tôi xin một chỗ quì thầm kín
cho đứa em nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói màu nâu
sủa
gâu! gâu!
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng trên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi thét tên tôi cho nguôi giận
bùi chét! bùi chét!
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
nhưng rất đường hoàng
tôi thèm giết tôi
loài sát nhơn muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
buồi chét! buồi chét! bù ù ù ồ ồ ì ì ì ché é é t t t !
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
vợ tôi hôm nay bất ngờ có kinh…
(Bùi Chát, Cai Lon Bo Di)
Thế hệ trẻ, thiển nghĩ, hiếm ai không từng mắc nợ Thanh Tâm Tuyền của "Phục sinh". Đấy là sáng tác mở đường, để dấu ấn đậm trong hành trình phát triển thơ Việt, hôm qua. Họ từng chấp nhận nó, tôn vinh nó. Nhưng tinh thần “mở miệng” từ chối tôn vinh mang tính tôn thờ, trang nghiêm đầy trịnh trọng. Mình phản bội thầy khi mình chỉ mãi là học trò, Nietszche nói thế! Nietszche hạ bệ thần tượng bằng cách khám phá khía cạnh suy đồi trong tư tưởng của thần tượng một thời. Heidegger: nhà tư tưởng chỉ bị vượt qua khi phần ẩn khuất của tư tưởng ông ta được phơi mở trọn vẹn. Còn Bùi Chát, anh tôn vinh/hạ bệ bài thơ thời danh bằng cách mặc cho nó một hình thức mới, đa phần rất lố lăng. Nó nằm ngoài khuôn phép thuần phong, linh thánh tôn giáo hay mô phạm nhà trường. Bùi Chát không ý định [điều kiện/khả năng/muốn] đưa "Phục sinh", "Bài mùa thu",… vào nằm gọn trong các tuyển tập hay chương trình sách giáo khoa. Anh xô nó xuống thẳng lòng đời. Đó là cách vinh danh thần tượng/bài thơ theo một nghĩa khác, sống động và tích cực hơn.
Tuyên “chúng tôi không làm thơ”, nhưng Bùi Chát vẫn làm thơ, một thứ thơ-phản thơ; người đọc vẫn cho đó là thơ: thơ rác; chính xác: thơ-hàng tiêu dùng. Nó đòi xóa bỏ ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Trả thơ và người làm thơ về vị trí xuất phát ban đầu, nguyên thỉ hơn: nhà thơ là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát-kể khắp ngõ thôn, góc phố; và, thơ không là gì hơn những lời hát rong ấy. Đồng thời tiếp cận tinh thần thời đại: thơ là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác, trong đời sống hiện đại.
Thuở trai trẻ, tôi từng gặp kẻ hát rong ấy ở các plây Chăm. Mưdwơn Jiaw, người Hữu Đức, rền tiếng cả vùng. Trong các ngày lễ Rija Praung, có khi kéo dài cả tuần, công việc đồng áng và cơm nước xong, chạng vạng tối, ông (không quên dẫn theo vài ba môn đệ) đi xuống Chekleng quê tôi. Nơi đó, hàng trăm người nghe từ các nơi đổ tới chờ ông Pwơc Jal (một thể loại hát dân gian Chăm). Đây là một sinh hoạt giúp vui ngoài lề cuộc lễ. Chỉ cần cái trống Baranưng với chiếc chiếu trải giữa sân, thế là ông hát vanh vách về cuộc đời và tâm sự của người trong cuộc đang ở trước mặt, với buồn vui quá khứ tương lai. Ông làm cho họ cười, khóc hay lịm người thin thít. Tài xuất khẩu thành thơ, kiến thức về xã hội cộng thêm giọng trầm vang của ông, đã lôi cuốn quý ông quý bà nhà quê quên cả mệt nhọc, để ngồi với ông đến tận gà gáy sáng.
Tôi nghĩ Bùi Chát cũng vậy, khác điều anh lang thang trên mạng để kể chyuện. Chuyện có khi tếu rất dân gian như: cái lồn què, hay mang dáng văn phòng trịnh trọng: hội nghị thi đua. Hoặc lắm lúc nó chỉ là một phát biểu kiểu phá đám. Tôi muốn nói đến “tuyệt tác” khóc văn cao của anh. Bài thơ gồm sáu từ, đúng hơn: 6 âm tiết, nhưng chú thích đến 3 trang và hứa hẹn: còn nữa!
khóc văn cao
anh văn ơi!
hu hu hu…
3/1978
--------------------------
biện giải:
không hiểu sao tôi phải khóc văn cao, vì bổn thân không dính dáng hoặc liên quan gì. cõ lẽ là hùa theo đám tiểu tử kên kên múa lửa lắc vòng, vo ve vãn hồi cương toả
chú [cháu]:
có thể thay văn cao bằng bất cứ ai cũng đều [khóc] hạp lí cả, vì bài thơ được xây dựng như một công thức, nếu ứng dụng vào sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghệ thì càng tốt [những ai có ý định sở hữu công thức này xin liên hệ gấp qua trung gian lydoi cellphone: 0903.695.983 để biết thêm chi tiết, ưu tiên cho người đến trước. đặc biệt giảm giá từ 10–20% cho học sinh sinh viên khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn, nếu là nữ-lại xinh đẹp thì 40% trở lên]
cuối cùng:
bài thơ này được viết vào năm 1978 như đã ghi ở cuối bài thơ. đây là cách mà các nhà thơ ‘nhớn’ ở ta gần đây hay dùng nhằm tăng tuổi đời cho tác phẩm mình [cũng có thể là một chiêu để tiếp thị đồ cổ?]. mốt này đang phát triển rầm rộ & trở thành một phong trào lớn mạnh trên các web chuyên đăng tải sáng tác hiện nay. riêng bài thơ ‘khóc văn cao’ thì đúng là được viết vào tháng 3 năm 1978, không phải tôi cố tình lừa dối độc giả & lừa dối mình… nhưng tôi biết rõ & tin chắc bài thơ này được sáng tác vào năm 78. dù lúc đó tôi chưa bị ra [đời] & văn cao thì chưa được chết.
thêm thắt:
bài này [quan trọng đấy, lời tiếp thị], nếu phải ra giá zip code cho bản in đầu tiên thì sẽ là 87/3 dollar. ở việt nam hay bất cứ đâu, đều có thể gọi cellphone(*); còn thằng nào có ý cướp bóc thì tốn thời gian dối trá cho việc lập kế hoạch và 1 tờ a4 để in ráng chịu đựng nhé.
lưu ý:
(*) nếu dùng hoa ngữ thì chỉ tiếp giọng bắc kinh hoặc quảng đông. [còn nam nguyệt(1) hay quảng ít thì miễn tiếp]
phụ tử:
(1)bắc kinh thì phải nam nguyệt
tự dưng bại liệt thì cũng thế thôi
chưa kể những đứa ô-môi
vậy tôi với hắn(i) cùng chơi năm mười(ii).
tiếp tục:
(i)chỉ văn cao. cường dương bổ thận nhiên liệu hồn ma cà bông bí vàng khè …
(ii)là trốn tìm í mà. đứa nào thua sẽ bị lấp đít ở tận vườn mít thuộc biên hoà đồng nai để gọi là lai rai vậy
-> [còn nữa] <-
Chuyện vui: Thuở hai mươi, đám cưới thằng bạn thân, lễ lạt gia đình họ hàng đâu đấy, nhóm bạn chúng tôi khoảng 30 người ngồi lại sinh hoạt thâm tình. Ông thầy cũ đại diện thế hệ đàn anh lên phát biểu cảm tưởng. Có lẽ đây là cặp học trò đầu tiên lập gia đình, ông xúc động đến lắp bắp. Ông nói điều đó ra. Ừ, thì được đi. Nỗi gì anh bạn lớn tuổi cùng quê cũng “tôi rất xúc động” và rồi, diễn hệt cái vở ông thầy vừa diễn. Thấy cuộc chơi sắp ra mòi trịnh trọng và bốc mùi, từ cuối phòng, tôi lò mò đứng dậy: cho tớ xin có ý kiến, tớ cũng xúc động nữa!!! Tôi nói to đến mọi người không thể nhịn nổi, vỡ cười thành tiếng. Nỗi nghiêm trang kia phút chốc trở thành trò cười.
Hãy tưởng tượng: trong đám tang một nhà “lớn” nọ (có thể thay Văn Cao bằng tên tuổi nào bất kì), nhiều người ghé vào than khóc. Ruột rà thì không nói rồi. Bà con lối xóm tối lửa tắt đèn nữa. Thêm: bạn bè chia ngọt xẻ bùi, cho qua. Cả kẻ khóc mướn: không vấn đề gì cả, xã hội nào cũng có và, nên có. Phiền nỗi là kẻ khóc giả: họ khóc từ lúc bạn lớn còn nằm giường bệnh, có khi trước đó rất lâu, cả mươi, hai mươi năm sau khi nhà kia nằm mồ nữa. Hãy nghĩ đến các vụ văn thơ ăn theo báo tết, được nhà văn ta cảm tác từ mùa hè năm ngoái! Tuần chay nào cũng có nước mắt, kịp thời vụ và, đúng bài. Anh “ra đi để một khoảng trống lớn trên văn đàn”, “không gì bù lấp được”, “niềm tiếc thương vô hạn”, “thơ văn anh sống mãi trong lòng người đọc”, vân vân… Khóc giả, họ biết thế, làng trên xóm dưới biết thế, nhưng phiền hơn cả là họ đòi hỏi người thiên hạ đóng triện công nhận họ khóc thiệt! Lâu nay, thiên hạ dễ tính, cứ thế mà tin làm. Họ thành kính lắng nghe (sự sợ hãi hay phép lịch sự lắng nghe?). Bất chợt, một tay ăn mặc nhếch nhác, mặt mũi tạm được, to lớn, lù lù thò mặt ra, khóc:
anh (…) ơi
hu…hu…hu…
Một sáng tác phẩm “ngẫu nhĩ ra hoa” (từ của Bùi Giáng) mở miệng chào đời đó thừa sức biến bài điếu tang muôn thuở kia trở thành lãng nhách! Cũng là cách hạ bệ thơ, một loại thơ giả mạo cứ muốn làm bất tử.
Đây là thái độ thơ tương hợp với xã hội tiêu thụ (consumer society): làm, có ngay, xài liền rồi, …quên. Bất cần sự vĩnh cửu, từ chối mang ảo tưởng tác phẩm sống sót sau khi tác giả chết đi. Phát ngôn của Tadeusz Rozéwics: “Không thể hiểu được tại sao thơ được phép tồn tại khi con người tạo tác nó đã chết. Thơ sống sót buổi tận thế, làm như không hề có chuyện gì mới xảy ra trên trái đất này ngày hôm qua. Tôi kinh tởm sự phi lí ấy” trích in ở bìa bốn tập thơ Xáo chộn chong ngày được xem như một thái độ cực đoan gây choáng. Nó tạo dị ứng đột ngột nơi quan điểm sáng tạo quen thuộc.
* * *
Lâu nay, tâm lí cầu an ngại mạo hiểm trong sáng tác lẫn thái độ mang màu sắc gia trưởng hay xu phụ trong phê bình-nhận định thơ, góp sức không nhỏ đẩy thơ Việt rơi tõm vào cõi trung bình tai hại. Cõi trung bình, và ta yên vị. Trấn an mình và người xung quanh rằng thơ chúng ta đang chuyển động. May, thơ thế hệ trẻ hôm nay đang khủng hoảng; may hơn nữa: họ biết thế!
Đeo vào bộ mặt cực đoan đến quá khích, Nhóm Mở miệng cùng với sản phẩm thơ của họ như “làn gió thối thổi vào không khí thơ” phẳng lặng hôm nay. Bản thân nó là khủng hoảng. Nó đột ngột xuất hiện và gây xốc, cố tình lôi kéo sự chú ý của chúng ta về khủng hoảng chung của thơ Việt, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành.
Nhìn từ cuộc khủng hoảng, Nhóm Mở miệng, nếu chưa “đóng góp” vào tiến trình thúc đẩy thơ Việt đi tới, ít ra lần nữa nó buộc chúng ta nhận thức lại về thơ ca. Xưa nay, chúng ta từng ban cho thơ hàng đống tính, đặt lên vai nó bao nhiêu chức năng nặng nề, ngoại trừ chức năng cơ bản nhất của nó: giải trí. Giải trí – từ cao cấp : khóc văn cao đến thấp cấp: cái lồn què. Hiện tượng làn sóng thơ trẻ cực đoan về quan điểm văn hóa thơ: tuyên bố phá bỏ truyền thống, nó đòi hỏi ta nhìn truyền thống như một thực thể sinh động chứ không là cái kho báu cho ta khư khư ôm lấy hay gánh nặng để ta còng lưng mang vác; cấp tiến ở thái độ nhìn nhận sự tồn tại của văn bản văn chương: từ đó ta xét thơ có thể tồn tại bằng nhiều dạng thức chứ không riêng gì trên trang báo hay tập sách; bình đẳng ở ý hướng đặt thơ đứng ngang hàng với bộ môn nghệ thuật lẫn các loại hàng tiêu dùng khác, chứ không là sản phẩm đặc biệt gì; dân chủ trong ứng xử ngôn ngữ, nó làm phong phú vốn từ “văn học” của chúng ta. Đã làm ta giật mình.
Đấy là cái gì mới, lạ… và, cần thiết.
Nhưng gì thì gì, một thái độ quá khích bất kì đến lúc nào đó, cũng cần tự đặt giới hạn cho mình, nếu không muốn …đi vào ngõ cụt mới và, tắc tị! Trong sáng tác thơ, từ chối ngôn ngữ chợ búa đời thường, thô thiển hay “dơ dáy”, “tục tĩu”, chúng ta chỉ biểu lộ thái độ trịch thượng với ngôn ngữ, thậm phi lí và vô ích. Ngôn ngữ văn học không cần thiết phải đóng cứng trong một số quy ước quẩn đi quanh lại với mớ chữ nghĩa cao quý, phân biệt đối xử với ngôn từ bị coi là húy kị. Càng không nên xẻ ranh giữa ngôn ngữ văn chương với ngôn ngữ phi văn chương, bởi sự vụ này chẳng giá trị gì cả. Không thể tưởng tượng được trong văn chương lại thiếu khuyết ngôn ngữ đời thường. Mỗi thời đại, thậm chí mỗi thế hệ đòi hỏi một số hạn từ khác cho văn thơ; có thể hôm nay ước lệ hay ẩn dụ trong thơ bị vứt bỏ: “của quý” hết thay thế được “cặc”. Thế nhưng, nếu cứ mỗi trang đều đầy rẫy cặc, lồn, kinh nguyệt, đụ mẹ,…thì chúng thành bão hòa: phản kháng tốt lành phần đầu của thi sĩ thành phản tác dụng nơi khúc đuôi: chúng gây phản cảm nơi thẩm mĩ người đọc. Và, dù Mở miệng đóng góp vào kho tàng văn chương Việt lượng ngôn từ mới, húy kị đáng kể nhưng, nếu chúng ta từ chối các từ cao sang, ngôn ngữ thơ của thi sĩ trẻ sẽ nghèo nàn biết bao. Vô hình chung chúng ta tự buộc tay chân mình, chặt gẫy đôi cánh chưa có gì là khỏe khoắn của mình, cuối cùng tự rơi vào một thế bí hệt thế hệ hôm qua, nhưng ở chiều ngược lại: đối xử phân biệt với ngôn ngữ quý phái!
Hoặc nếu có cắt dán thì chơi vài Thời hoa đỏ lè, hay Mùa thu hu hu hu thì được, còn chúng ta cứ thoải mái Hu hu hu thì còn đâu sáng tác cổ điển cho chúng đỏ lè hay đỏ hoe nữa! Trống trơn cái kho rồi còn gì?
Và, điều cốt tủy: khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng, vì nếu mãi ở lại với giải quyết ức chế xã hội, tuổi trẻ phản ứng và chỉ biết phản ứng, sức sáng tạo sẽ trì trệ, từ đó thơ mất khả năng khai phá và thăng hoa. Khủng hoảng lẩn quẩn mãi trong vòng bế tắc nghề nghiệp với phản kháng mang tính cục bộ, nhất thời, chưa một lần được chúng ta đẩy tới cấp độ cao hơn. Thì làm thế nào tư tưởng chúng ta có thể lớn? Nền thơ tiếng Việt có thể lớn?
3. Làm thế nào để người đọc không thờ ơ với thơ?
Không làm thơ, nhưng thế nào là thơ, để chúng ta làm hay không làm?
Thơ hình thành từ thuở có con người, và chắc chắn nó chỉ bị triệt tiêu với sự biến mất của loài người. Từ khi biết suy tư và có chữ viết, người ta đã nỗ lực tìm cách định nghĩa thơ nhưng, bao giờ cũng bất lực trước bí ẩn của thơ. Thế hệ tới tiếp tục thử nữa. Từ “hùng biện du dương”, qua “tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình”, đến “thơ là sự biểu lộ ý nghĩa bí huyền của cuộc đời”,… Và, hôm nay, tại Việt Nam: Thơ là chất thải của đời sống! Từ linh thánh đến jác jưởi, có cộng tất cả quan điểm lại chắc gì đã ra hình hài thơ. Khi người ta tưởng mình sắp chộp được ý nghĩa của thơ, thơ vuột khỏi tay lúc nào không biết. Chế Lan Viên: Thơ là thơ lơ mơ… Vậy thôi. Chấm hết!
Nhưng dù thế nào đi nữa, thơ phải thay đổi. Thay đổi cả cách tồn tại, để tồn tại.
Tuy vậy, dẫu thơ bị đóng cứng bởi đầu óc bảo thủ ngoan cố tới đâu, bị làm rách nát do kẻ nổi loạn phá phách cỡ nào; thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến những phương trời nào đi nữa, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Thơ ca sẽ rời bỏ ngôi đền thiêng như là đặc ân của/cho tầng lớp ưu tú, làm cuộc tái hợp của nghệ sĩ với công chúng, của cái đẹp và đạo đức, của nghệ thuật cấp cao với nghệ thuật cấp thấp,...[18]
Thơ Việt sẽ đi về đâu?
Câu hỏi đã được eVan đặt ra với vài thi sĩ đang kì sung sức, hơn năm trước. Mới đây, Chân Phương lần nữa, nêu lại.[19] Bức thiết hơn. Làm thế nào để đưa thơ Việt ra khỏi khủng hoảng? Một câu hỏi không dễ trả lời. Nó đòi hỏi: từ sâu thẳm, chúng ta nhận thức CÓ khủng hoảng, chấp nhận thực trạng đó, tìm hiểu nó và, quyết tâm vượt qua nó.
Làm thể nào để thơ đến với người đọc? Tôi đã đặt cho mình câu hỏi đó và thử tìm trả lời, hai năm qua.[20]Hôm nay, câu hỏi được gia giảm, mang tính phong trào hơn: làm thế nào để người đọc không quay lưng lại với thơ?
Dana Gioia trong tiểu mục: Nhà thơ làm thế nào để được biết đến, đã “nêu lên 6 đề nghị khiêm tốn”. Trong thực tiễn sinh hoạt thơ Việt nam, tôi thử rút bớt còn 3:[21]
– Khi nhà thơ đọc thơ trước công chúng, nên bỏ ra một phần của chương trình để đọc thơ người khác. Đây là yêu cầu dễ thực hiện hơn cả, nhưng đa số nhà thơ chúng ta ít khi làm được. Lạ! Chúng ta luôn tranh thủ cơ hội xuất hiện trước công chúng với tần số cao nhất, không làm gì cả, ngoài trả lời phỏng vấn, thổ lộ hoàn cảnh ra đời của bài thơ rồi, đọc các bài thơ rất …cũ của mình. Trên trang báo, trên màn ảnh nhỏ, trên sân khấu. Đọc thơ là để tôn vinh thơ chứ không phải tôn vinh nhà thơ. Ồ, nếu các nhà thơ ta dứt bỏ được “tâm thế” chuyên đọc thơ mình trước công chúng thì thơ sẽ được nhìn nhận khác đi nhiều lắm lắm.
– Nhà thơ cần viết nhiều về thơ hơn, vô tư hơn và công hiệu hơn. Bởi thơ hiện đại hãy còn xa lạ với người đọc. Đã lâu lắm rồi, các trào lưu thơ thế giới chưa được giảng dạy trong các trường đại học. Nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng mới, cần thuyết lí về hệ thẩm mĩ của mình, dĩ nhiên, bằng ngôn từ giản đơn có thể. Ở các báo chuyên lẫn không chuyên. Và, khi viết về thơ của người cùng thời, cần viết với tinh thần trong sáng, vô tư. Không bài xích kẻ không cùng quan điểm sáng tạo, không phủ định sạnh trơn các sáng tác mình chưa hiểu; sẵn sàng ca ngợi và biết ca ngợi các bài thơ hoặc thi phẩm độc đáo. Công hiệu, tại sao? Đã không ít kẻ ủng hộ cái mới, nhưng do hạn chế ở thẩm định và diễn đạt, các lời lẽ đề cao thành phản tác dụng: người đọc càng dị ứng với cái mới hơn!
Thử lướt qua các tuyển tập “công phu” và không thể nói là không đồ sộ:
- Thơ Việt thế kỷ XX, Trinh Đường tuyển chọn và bình, (1999)
- Thơ Việt Nam 1975-2000, 4 tập (2000).
- Thơ Việt Nam 1945-2000, (Nxb Lao động, 2000).
- 26 nhà thơ VN đương đại, (Nxb Tân thư, Hoa Kỳ, 2002).
- Thơ tp. Hồ Chí Minh (2005),…
Hỏi chúng nhận được bao nhiêu bài điểm sách, bao nhiêu lời khen chê? Gần như là số không! Riêng về thi tập lẻ, người điểm sách viết từ quan hệ quen biết là chính, đa phần không nói lên được gì mới ngoài thông báo cái ít cần thiết nhất: người viết có quen biết nhà thơ ấy!
– Các nhà thơ biên soạn thi tập – hoặc chỉ đưa một danh sách đọc – nên thành thật một cách thận trọng, chỉ gồm những bài thơ họ thật tình hâm mộ. Thời gian qua, chúng ta đã làm nhiều thi tuyển, đủ kiểu. Theo đề tài, theo thời đoạn, theo giới cũng có mà theo nghề nghiệp cũng xong, khuynh hướng sáng tác lẫn quen biết bạn bè cũng không chừa. Để làm phong trào, để giải ngân hay để gì nữa thì có ma mới hiểu. Người tuyển luôn mặc cho cảm tính, cảm tình hay dáng vẻ của các tên tuổi thao túng. Dù ở “lời nói đầu”, Ban tuyển bao giờ cũng tuyên vô tư khách quan đáo để. Như thể phân phối tem phiếu vậy. Thì làm sao hàng trăm bài thơ trong mấy tuyển kia đủ sức lay động tâm hồn người đọc, kích thích họ tìm đến trực tiếp với thi phẩm của các tác giả riêng biệt.
Người đọc ngày càng xa lánh thơ. Và, thi sĩ hôm nay chỉ hi vọng in thơ để … tặng nhau. Cứ thế, tiếp tục chương trình: mùa này sang mùa khác.
Đủ biết, chính nhà thơ đã đẩy thơ vào cuộc khủng hoảng. Và như vậy, chỉ có nhà thơ, chứ không phải ai khác – cơ quan, tập thể hay cá nhân – mới có thể cứu vớt thi ca ra khỏi cuộc khủng hoảng kia.
-------------------
(*) Ngoài hai nhánh trên, Phan Bá Thọ, Nguyễn Danh Lam, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Vĩnh Nguyên,… mỗi kẻ có lối đi riêng, đang dự phần vào cuộc khủng hoảng. Bởi đọc chưa nhiều các sáng tác của họ, nên tôi tạm hoãn lập Biên bản nhánh thứ ba này.
------------------------
Ghi chú:
Ở đoạn 5 của bài viết trên đây, tác giả Inrasara viết:
Đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt (the literature of exhaustion - chữ dùng của John Barth)...
Chúng tôi đoán rằng, khi dùng chữ "đây", Inrasara muốn ứng dụng một ý của John Barth chỉ để nói riêng về thời văn chương hôm nay ở Việt Nam. Chứ đúng ra, John Barth đã nêu lên ý tưởng "văn chương cạn kiệt" cách đây nửa thế kỷ. Vào năm 1967, khi nhìn lại nửa đầu của thế kỷ 20, John Barth thấy dường như văn chương hiện đại đã khám phá hết mọi khả thể về kỹ thuật và đề tài, cho nên ông đã tuyên bố như thế. [Xem John Barth, "The Literature of Exhaustion", The Atlantic 220.2 (August 1967): 29-34]. Sau đó, vào năm 1980, ông quan sát nền văn chương hậu hiện đại từ những năm 1970 và tuyên bố rằng đó là "nền văn chương của sự phong dật" (the literature of replenishment), vì mỹ học hậu hiện đại đã mở ra vô số khả thể mới cho sáng tác văn chương. [Xem John Barth, "The Literature of Replenishment: Postmodernist Fiction", The Atlantic 233.1 (January 1980): 65-71.]
_________________________
[1]Mary Klages, "Chủ nghĩa Hậu hiện đại", trong Văn học hậu hiện đại thế giới: những vấn đề lý thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2003, tr.199.
[2]Thơ văn trẻ Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, 2003, tr.7.
[3]Như trên, tr.16.
[4] - Gieo & Mở, Thơ và tiểu luận, Nxb. Đồng Nai in được 2 tập, 1995-1996.
- Thơ Tự do, thơ in chung, Nxb, Trẻ, 1999.
- Tuyển tập Văn chương, Nxb. Thanh niên, ra tập đầu tiên vào 1999, được 8 tập.
- Viết thơ, thơ in chung, Nxb. Thanh niên, 2001.
- Thơ hôm nay, thơ in chung, Nxb. Đồng Nai, 2003.
- Thơ Tự do, thơ in chung, Nxb, Trẻ, 1999.
- Tuyển tập Văn chương, Nxb. Thanh niên, ra tập đầu tiên vào 1999, được 8 tập.
- Viết thơ, thơ in chung, Nxb. Thanh niên, 2001.
- Thơ hôm nay, thơ in chung, Nxb. Đồng Nai, 2003.
[5]Thông tin về các nhà thơ được lấy từ trang mạng Tienve, eVan...
[6]"Bài ca ngựa non" trong Thơ Hôm nay, Nxb. Đồng Nai, 2003.
[7]Vi Thùy Linh, Linh, Nxb. Hội Nhà văn, 2000.
[8]Như trên.
[9]Dẫn lại theo: Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kỳ, 2000, tr.192.
[10]Các đoạn thơ được trích dẫn từ trang mạng eVan 2004-5.
[11]Phan Huyền Thư, Nằm nghiêng, Nxb. HNV, 2002, tr.16.
[12]Ví dụ đọc "Đỉnh hoa" của Phương Lan, chúng ta không thể không nhớ tới Lê Thị Thấm Vân: "Căn phòng 2.2 - âm thanh sóng", tạp chí Thơ, số mùa Đông 1999; hay Trân Sa, "Động tác yêu", nhanhnho.org, 2001.
[13]Nguyễn Quốc Chánh, Của căn cước ẩn dụ (2001), Trần Tiến Dũng, Bầu trời lông gà lông vịt (2003), Đoàn Minh Hải, Đại nguyện của đá (2003); Nhiều tác giả, Thơ tân hình thức (2003), Phạm Mạnh Hiên, Nhiệt đới cát (2004). Vòng tròn sáu mặt(tập thơ in chung gồm: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Văn Hiến, Hoàng Long, Nguyễn Quán, 2002); Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày, (2003), Cai Lon Bo Di (2004).
[14]Inrasara, "Sáo chộn với Bùi Trát", Tienve.org, 2004.
[15]eVan.vnexpresss.net, 2004.
[16]Lý Đợi, "Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI", báo Thơ số 4, tháng 10.2003.
[17]Khúc Duy, "Xò lông", tapchitho.org. 2004.
[18]Frederick Turner, "Chủ nghĩa kinh điển mới và văn hóa", Nguyễn Tiến Văn dịch, Talawas 2003.
[19]Chân Phương, "Thơ Việt đi về đâu?", Hợp Lưu, số mùa xuân 2005.
[20]Các bài viết của Inrasara: "Còn ai đọc thơ, hôm nay?", "Thơ & thơ dân tộc thiểu số đi về đâu?", "Để thơ đến với bạn đọc: Thuyết lý, Giọng thơ, Nhịp điệu, Chất liệu ngôn ngữ, Vần hay không vần",…đã đăng rải rác trên Văn, báo Thơ, …
[21]Gioia, "Can Poetry Matter?", Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch, Tạp chí Thơ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét