Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

THĂM THẲM ĐƯỜNG VỀ ( Chương 19 )

  

19.
 
C
uộc đời còn nhiều người tốt, có khi họ là những viên ngọc quý, viên đá ru bi ẩn sâu trong lòng đất. Có khi lồ lộ như dòng suối trong chảy qua cánh rừng khô khát. Có khi lẻ loi, quý hiếm như hạt kim cương.. cũng có khi đông đảo, dạt dào như sóng biển. Gặp họ hay không phụ thuộc vào cơ duyên hay là sự may mắn trong đời. Hoặc sau những thử thách éo le của số phận. Nó đan xen trong mối chằng chịt của cơ trời, vận nước, vần xoay của thời gian.
Buổi sáng ở công an huyện Đa Cơ Khải gần như tuyệt vọng, người ta dẫn Khắc Điều ra một chiếc xe bịt kín cùng mấy người. Cái vòng số tám loá lên trong nắng. Đôi mắt ngày thường rất sáng của anh ta lúc đó như thất thần trông lại phía Khải lần cuối cùng. Đã đành cái ác phải trả giá, song trong chuyện này Khải vẫn thấy có điều gì đấy xót xa, không ổn. Mà cái đó là cái gì Khải vẫn không nhận thức được rõ ràng? Hay còn bởi nguồn cơn sâu xa nào khác? Chỉ một thoáng rất nhanh chiếc xe đã khuất sau lớp bụi đỏ mờ, sau khúc quanh của con đường hướng về phía thành phố. Anh ta đã đi cả ngàn cây số vào tận đây mà không thoát khỏi sự trừng phạt của số mệnh liệu rồi mình sẽ ra sao? liệu có xảy ra một lần nữa trường hợp anh đã gặp ở ga Pắc Thuỷ bây giờ trở thành xa lắc xa lơ ? Ngày ấy còn chiến tranh, còn bây giờ lúc thanh bình không ai có thể chắc chắn một điều gì. Nhất là xung quanh ta toàn kẻ độc địa, ác tâm và vô nhân tính.
Lần này Khải đã lo thừa, điều đó đã không xảy ra. Một người rậm râu có nước da nâu sẫm đang nhờ Khải giữ hộ để khoan một lỗ kim. Sinh hoạt ở đây chưa cần thiết phải làm như thế. Mối liên hệ bên ngoài chưa cắt đứt hẳn. Nếu cần có thể nhờ người nhà của người cùng phòng đến mua giúp cây kim. Mặc dù theo quy định nó cùng là đồ kim khí cấm không được mang vào phòng giam. Người ta vẫn có thể gim vào ruột bánh hay ruột điếu thuốc. Có lẽ ông ta làm theo thói quen của người đã từng ở tù, từng ở thời gian dài. Để làm một cây kim có khi phải mất hàng tuần. Một mẫu khuy sắt ở quai ba lô được duỗi thẳng mài nhọn một đầu. Rồi mài cho nhỏ gần như cây kim thực sự. Đầu kia mài vẹt cho mỏng đi. lại lấy một cây có mũi nhọn khác khoan một lỗ nhỏ làm chỗ luồn chỉ. Nếu cần khâu vá rút một sợi chỉ ngang dệt trong một cái chăn chiên nào đó. Độ dài bền của nó không kém chỉ khâu bao nhiêu.
Những ngón tay to bè trên bàn tay vuông của ông ta nhẫn nại xoay mẩu nhựa từng là cán bàn trảiđánh răng, đầu mẩu nhựa là mẩu sắt nhọn làm mũi khoan. Ông ta chỉ mặc độc cái quần xà lỏn, khắp người mồ hôi vã ra như tắm. Mùi mồ hôi chua nồng toả ra trong phòng giam chật hẹp, trần rất thấp. Đây là một phòng giam từ thời kỳ Mỹ – Ngụy. Người ta chỉ có thể cúi lom khom, không thể đứng thẳng người. Nếu không đầu sẽ va vào trần bê tông nhớp nháp hơi nước đọng thành giọt có lẽ từ hơi người trong phòng bốc lên. Đã vậy trong phòng lại tối chỉ mang máng nhận ra mặt người. Chỉ có một chỗ duy nhất thẳng chỗ thông hơi là đủ sáng để làm công việc tỷ mỷ làm cái kim này. Cả phòng có tất cả là sáu người, khi Khắc Điều đi rồi không ai nói với ai một lời kể cả lúc anh ta ở đây hai người cũng chỉ thì thầm với nhau. Không ai nói năng gì. Không khí căng thẳng cho đến khi người ta ra khỏi nơi đây. Được về nhà, hay chuyển đi đâu đó đến bữa ăn rồi ngủ, hoặc ủ rũ một góc. Thời gian như chậm rì rì, đông cứng lại, ở lâu không còn khái niệm năm tháng, ngày giờ, có khi quên cả sự tồn tại của chính mình.
Mấy ngày hoang mang lo nghĩ đã qua, Khải tặc lưỡi mặc cho sự đời cho số phận. Càng nghĩ càng đau đầu buốt óc, ích gì?
Có tiếng giày đi ngoài hành lang mỗi lúc một gần, rồi tiếng động ổ khoá, tiếng then cửa bằng thép rít lên ken két.
Ông râu rậm thu giấu vội cây kim, Khải cũng về chỗ của mình cửa mở. ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào loá mắt.
Khải chưa kịp nhìn rõ mặt người trực ban vì anh ta đứng ngược chiều ánh sáng. Chỉ thấy một khối thẳng đứng đen đen trước mắt. Anh ta nói giọng Bắc, nghe thổ âm như vùng Hà Nam hay Thái Bình gì đó:
- Anh  “Lào” là Nguyễn Đình Khải ?
Khải vội vã đứng lên, đầu anh va vào trần nhà đau điếng nhưng vẫn đáp:
- Có Tôi !
Người kia nói:
- Mang hết tư trang ra chờ tôi ở sân.
- Phan Trần Tô là ai ? cũng ra luôn đi !
Khải chột dạ, có lẽ nào lại mau chóng như thế. Lần trước gần cả năm trời người ta mới đưa anh đi xa, hay là họ chuyển mình lên tỉnh? Khải chưa kịp nghĩ ngợi gì thì người nọ quay ra cùng Ba Tô. Anh ta dẫn hai người lên phòng làm việc, nơi mà mấy ngày trước một phụ nữ mặc cảnh phục hỏi cung anh. Khải đoán là người ta dẫn anh đi làm thủ tục giấy tờ. Bên ngoài thế nào cũng có một chiếc xe xanh sẫm bịt kín chuyên chở phạm nhân. Khải để ý khu sân rộng không có cái xe nào cả ngoài chiếc ô tô chở đầy gỗ xẻ. Không có lẽ người ta đưa anh và Ba Tô đi bằng cái xe này. Khải nhớ ra chỉ có hai người người ta di chuyển cách nào mà chẳng được! Hai người sẽ bị còng chung một khoá số tám dẫn ra đường lộ. Một chiếc xe khách nào đó sẽ bị ách lại. Họ sẽ tới nơi định đưa mình đến.
Phòng làm việc xây cấp bốn, cửa sổ thoáng mát, nền láng xi măng. Trong phòng chỉ còn hai người. Người phụ nữ hỏi cung anh bữa trước và một người đàn ông trắng trẻo trạc tuổi mình. Khải thấy nét mặt anh ta quen quen mà chịu không nhớ gặp ở đâu rồi! Người ấy chỉ ghế cho hai người ngồi, lại tự tay rót mỗi người một ly nước. Cử chỉ ấy hiếm thấy ở những người làm  công việc này.
Anh ta làm việc với Ba Tô trước:
- Qua điều tra, xem  xét biết anh vi phạm lần đầu. Lỗi cũng không quá nghiêm trọng lắm. Chúng tôi quyết định trả anh về địa phương. Anh có thắc mắc, khiếu nại gì không?
Ba Tô cười hớn hở, cử chỉ có cái gì đó xun xoe rất buồn cười:
- Dạ, thưa cán bộ. Tôi cảm ơn và không khiếu nại gì.
            - Vậy thì anh nhận lại tư trang và số tiền hôm vào đây, ký sổ đã nhận lại đầy đủ.
- Thưa vâng!
            Trong lúc người sĩ quan mở lấy mấy thứ để trong một xách tay ra bàn giao cho Ba Tô, Khải cố lục trí nhớ. Người này rất giống một người bạn học cùng anh. Có lẽ mười mấy năm rồi không gặp. Chỉ có dáng hao hao, không biết có phải anh ta không? ở một nơi như thế này không thể đường đột nhận quen, nhận lạ được. Hãy chờ xem sao đã.
            - Anh có thể về. Nhớ chấp hành cho tốt. Nếu có gặp lại nhau tôi mong gặp trong hoàn cảnh khác, chứ không phải ở nơi như thế này.
             Ba Tô xoa hai tay vào nhau, có lẽ thói của anh ta có từ thời chế độ cũ. Thói quen của người dân trước bộ máy công quyền coi dân chúng như con thi.
            - Dạ, khi nào có dịp ngang qua mời cán bộ vô chỗ tôi chơi để tôi có dịp đền ơn đáp nghĩa. Thú thực đối xử như cán bộ chúng tôi thấy hiếm có. Từ đây xuống thành phố đường ngang chỗ tôi. Rất hân hạnh được đón tiếp.
            - Thôi được rồi. Anh có thể về luôn, hoặc chờ anh đây ra xe cả thể.
            Người này chỉ Khải nói với Ba Tô.
            Ba Tô nhanh chóng xếp lại mọi thứ vừa nói vừa đi ra cửa như sợ viên sĩ quan đổi ý.
- Dạ tôi đi liền. Ra ngoài còn kêu xe nữa – Anh ta nói với Khải:
- Tôi đợi ngoài đó nghe! – Anh ta hấp tấp đi ra cửa.
            Có lẽ ngày nay loài cây này đã biến mất. Nó vĩnh viễn không còn ở nơi nào nữa cùng mấy chục loài thực vật khác. Ngay thời đó nó cũng là thứ cây mọc hoang dại, không ai trồng. Khi người ta nhớ đến nó để làm một dược liệu quý, nghe đâu để làm chậm sự tiến triển của căn bệnh “ ết” thì nó không còn bóng dáng trên mặt đất. Không biết ở những xử sở khác nó còn tồn tại không? Khải nghĩ là khó. Bởi vì mỗi loài chỉ thích hợp với một môi trường khí hậu, thổ nhưỡng nhất định.
Cây gáo đó mọc lẻ loi đơn độc ở góc vườn trường. Nơi đây xưa là đồn lính Pháp. Giữa cánh đồng phẳng tắp nổi lên gò đất cao như một quả đồi vẫn còn dấu vết đồn bốt, hầm ngầm. Những móng xây dày hàng mét quây lại một khu giữa sân trường. Người ta đã phá đi những bức tường nham nhở lỗ chỗ vết đạn san lại khu đất giống như một sân khấu đắp nổi. Thứ hai đầu tuần thường là nơi ông Hiệu trưởng nói chuyện hoặc nhắc nhở học sinh một điều gì đó trong tuần. Tuỳ theo thời gian của năm học hoặc là nơi học sinh tụm năm tụm ba vào lúc ra chơi, sưởi nắng khi tiết trời lạnh lẽo.
Cây gáo mọc sát ngay tường rào làm thành cái cột rào tự nhiên. Vì thế người ta không chặt nó đi. Thân cây một gióng. Nó mọc rất cao, gốc không to bè như các loại cây khác, vỏ rất trơn rất khó trèo, bám. Nếu nó không có thứ quả rất đặc biệt thì không ai chú ý đến. Lúc cây ra hoa cũng là lúc ra quả vì quả với hoa là một. Lúc đầu nó nhỏ hơn hòn bi ve có lông trắng muốt. Lúc lớn hết cỡ nó bằng quả bóng bàn, vỏ ngoài như quả chôm chôm. Trong ruột không chia thành từng múi mà chỉ có một hạt duy nhất ở giữa. Gọi là quả gáo vì quả tròn, cuống rất dài, cứng nom như chiếc gáo dừa múc nước. Nó đặc biệt ở chỗ có mùi thơm rất lạ. Rửa tay kỳ cọ rất kỹ mà vẫn không hết mùi. Như mùi dầu long lão, lại như mùi quả thị rất khó phân biệt. Ăn vào quả có đủ năm vị: chua, ngọt, đắng, cay, mằn mặn. Bọn con gái không đứa nào không thích loại quả này. Ngặt nỗi cây cao, vỏ cây trơn tuột, cành nó mảnh buông từng chùm dài, quả chỉ ở đầu cành. Những quả vàng ươm thấp thoáng trong lớp lá to bản mọc dày. Chỉ có cách dùng gạch đá chăng lên may ra mới có quả rụng xuống. Khổ nỗi bên ngoài qua đường hào rất sâu là ruộng lúa. Nhà trường đã nhiều lần bị địa phương nhắc nhở vì chuyện học sinh lia gạch, đá ra ruộng lúa. Học trò chỉ lén lút vụng trộm khi vắng mặt thấy cô.
Cả trường chỉ duy nhất một người trèo lên lấy được quả. Đó là Phong học cùng lớp với Khải từ năm  từ năm cấp II. Phong ở gần nhà Huệ, khác xã nhưng cảnh ngộ của ba đứa na ná giống nhau. Cùng mồ côi cha từ khi trứng nước. Mẹ Phong tái giá với một ông trên thị xã. Bà rất ít khi về thăm con vì ông chống khó tính, hay ghen. Cậu ta ở với vợ chồng chú Thím. Ông chú lành hiền chỉ giỏi nghề đánh rủi. Người đen như gác bếp lâu ngày. lạch sông hay ao hồ nào ông cũng thuộc nhưng lại không chỉ đạo được vợ. Bà thím mắt xếch, môi thâm, hét ra lửa lúc nào cũng như ngồi trên đống than. Chồng con không mấy lúc được yên thân nói gì đến cháu. Phong không mấy lúc được ngơi tay. Hết thả bò về lại nấu cám, dọn chuồng lợn. Đến đêm còn phải xay lúa giã gạo vì bà Thím làm hàng xáo, bán gạo ngoài chợ. Nhà bán gạo nhưng ngày hai bữa chỉ toàn ngô bung, muối vừng hay rau rền khô mặn đắng hoặc tương chấm là gừng. Làm - Ăn như vậy, cậu bé Phong quắt queo như thể không gầy hơn được nữa. Cậu nổi tiếng là nghịch ngợm, leo trèo giỏi và ăn cắp vặt. Đời sống con người có tính chất gì đó giống với con tằm. Con tằm ăn lá râu non kéo ra sợi tơ vàng óng mượt, vừa mịn vừa dai. Con tằm ăn lá sắn sợi trắng bệch vừa thô vừa bở. Về điều này đã có hẳn một luận chứng khoa học nói về thực phẩm và sinh hoạt tác động đến trí thông minh và nhân cách con người. Chỉ tiếc phát hiện ấy mãi tới cuối thế kỷ hai mươi đầu thế kỷ hai mươi mốt loài người mới để tâm đến. Trước đó chỉ những tín đồ tôn giáo mới quan tâm đến vấn đề này. Những nhà truyền giáo đã để ý thấy những loài ăn thịt mạnh mẽ, thông minh và hung dữ hơn các loài ăn hạt hay ăn cỏ. Mối quan tâm  ấy cũng chỉ khoanh vùng trong phạm vi nhỏ hẹp của việc ăn chay, chưa chú ý đến việc tác động vào cấu trúc xã hội. Một xã hội rất hay vội vã hình thành và duy trì định kiến mà không chú ý đến vấn nạn bắt đầu từ đầu?
Làng xóm không ưa, bạn bè cũng xa lánh Phong. Các thầy cô cũng nhìn cậu với con mắt thiếu thiện cảm. Có lần cậu ta lấy cục nhựa mít bôi lên ghế ngồi của cô giáo chủ nhiệm. Cả lớp được một mẻ cười lăn cười bò vì cô đi đến đâu kéo theo sợi nhựa trắng đi tới đó. Một lần khác cả ổ chuột con mới nở còn đỏ hon hỏn Phong để trong cặp sách một học sinh nữ. Tệ  nhất không tuần nào Phong không ẩu đả với học sinh trong lớp. Người một xách nhẹ, chỉ được cái khùng liều. Cậu ta lao vào như con thiêu thân khiến những thằng to lớn hơn phải bỏ chạy. Động một tý là giang tay tát bạn đổ máu mồm máu mũi. Nếu vật bị thua cậu sẵn sàng cắn, cấu thậm chí bóp dái đối phương kêu oai oái. Tụi học trò gọi là cậu Phong Hủi. Nhưng cậu đếch cần. Nếu cậu không phải là con liệt sĩ và học giỏi nhà trường đã đuổi học lâu rồi.
Khải lấy làm lạ tại sao câu ta học giỏi như vậy - cứ như bẩm sinh ra đã thế rồi. Đến lớp cậu rất ít chép bài, về nhà lại bận tối tăm mặt mũi. Thời giờ đâu để Phong học. Lần kiểm tra nào điểm cũng rất cao. Với Phong không có chuyện các thầy các cô cảm tình hoặc nâng đỡ gì cậu ta cả. Nhưng chấm bài đương nhiên là phải vô tư. Nhất là môn toán cậu ta luôn có cách giải khiến thầy kinh ngạc.
Mặc cho bạn bè xa lánh Phong, Khải lại rất thân với cậu ta. Có gì hai đứa cùng chia sẻ. Bà nội còn sống từng nói: “ Con người ta có tài hay có tật. Giống như con ngựa bất kham biết dùnglà con ngựa hay”. Đúng là Phong tốt xấu với ai không biết, với mình cậu ta chưa bao giờ xử tệ. Có bài toán khó cậu ta không ích kỷ như với đứa khác, bảo cách giải. Có lẽ Khải quý Phong lúc đầu là nể bạn học khá hơn mình. Sau nữa là cùng cảnh ngộ mồ côi. Chỉ khổ nỗi Phong hiếu thắng không chịu nhường ai, chính Khải đôi lúc cũng không hài lòng với nó.
Chính cây gáo, cái cây bây giờ không còn ấy là một kỷ niệm mà cả hai nhớ suốt đời.
Buổi sớm hôm ấy, giờ ra chơi. Nắng vàng đầu thu phủ đầy lên những hàng cây ở sân trường. Nắng ngon lành đến nỗi người ta nghĩ đến thứ gì ăn được. Nếu ví nắng như mật ong thì cũng không ngoa. Những chùm  quả chín từ trên ngọn gáo như khơi gợi. Lũ học trò xúm đông chỉ trỏ. Một đứa nào đó ném mấy cục gạch vỡ. Cũng chả ăn thua gì. Có cục chạm vào chùm quả chỉ làm nó đung đưa như chọc tức thêm.
Thằng Huệ nghĩ ra một cách. Nó kiếm đâu được ít mỡ bò thoa vào gốc cây thách thức:
- Đứa nào trèo lên được tao treo giải cái bút kim tinh mới đây! Vừa nói vừa giơ cây bút kim tinh có nắp vàng choé lên. Mẹ nó bán hàng Bách hoá tổng hợp thì có cây bút này với nó không khó. Nhưng với đứa khác cả trong giấc mơ cũng không dám nghĩ đến.  Cả trường chỉ trừ thầy Hiệu trưởng, các thấy khác không có, nói gì đến học sinh? Thời này cái bút còn qúa hiếm. Vì hiếm lại càng đắt.
Cả bọn nhao nhao nhưng không đứa nào dám trèo, mắt nhìn tiếc rẻ cây bút trong tay thằng Huệ. Thường ngày cây gáo vừa cao trơn như thế còn không đứa nào leo lên được, nói gì lại bị bôi thêm mỡ. Phong từ đâu chạy lại:
- Để tao!
Khải định can nó gạt ngày.
- Không việc gì đến mày.
Khải thấy lo cho nó. Làm sao mà leo lên được? Có qua đoạn gốc bôi trơn này thì vẫn trơn. Rất có thể lộn cổ xuống gẫy xương như bỡn. Nhưng không có gì ngăn cản, tính thằng này thế. Nói là làm. Phong chạy ngay lại phòng học tháo cánh cửa. Nó định bắc làm thang qua chỗ thằng Huệ bôi mỡ. Thằng Huệ cong môi:
- Thế thì tao không chơi!
Phong làu bàu: “ tao đ. cần”. Nó quăng luôn tấm cánh cửa xuống nhờ mấy đứa khiêng trở lại lớp. Chống nạnh tay vào hai bên sườn một lúc lâu, nó nhổ nước bọt lại gần gốc cây. Nó lên được một đoạn lại tụt xuống. Ngực áo và hai cánh tay bê bết những mỡ.
Cả bọn reo hò, cười ồ lên. Nó không quan tâm. Một hai lần trượt nữa, nó cởi phăng cái áo. Thì ra thằng này chỉ mặt và chân tay đen thôi chứ người nó thì vẫn trắng. Giá nó ít phải phơi nắng người nó đã không đến nỗi đen như thế. Có một chi tiết mà cả bọn không đứa nào để ý đến. Đó là động tác cởi áo của nó. Có đứa còn bảo:
- Không mặc áo, sâu róm trên ấy nhiều lắm.
          Nhưng nó mặc kệ. Nhưng Khải biết là nó đã dùng cái áo của mình lau sạch đoạn thằng Huệ bôi mỡ. Phải công nhận là nó láu cá và sáng ý. Nó bắt đầu leo. Đã qua đoạn bơi mỡ. Nó khoá tay vào thân cây. gục đầu lên cánh tay nghỉ một lát rồi tiếp tục leo. Đã gần lên tới ngọn. Thằng Huệ lúc này tái mặt nhưng vẫn nói cứng:
- Chưa chắc lấy được quả!
Thằng Phong nghe thấy nhưng không nói gì. Nó đã trèo đến chạc có cành. Nó khèo chân định lôi vào nhưng không đủ sức chỉ làm đứt mấy cái lá.
Thằng Huệ càng được thể:
- Đấy tao đã bảo mà, không nhằn được đâu!
Gáo là giống cây gỗ dai nhưng cành xuông, mảnh, vươn dài. Ra được đầu cành không phải chuyện dễ. Không biết thằng Phong có cảm thấy nguy hiểm không, nó đang bắt chước khỉ leo ra ngoài. Người nó ngả ra dùng cả hai chân hai tay đu dần ra đầu cành. Từ đó đến thân cây xa bảy tám mét. Chỉ cần tuột tay là có thể rơi xuống cái hào sâu đào từ thời Pháp thuộc. Cũng có nghĩa là chấm dứt cuộc đời. Những đứa ở dưới thót tim. Chúng xì xào với nhau: “Có là cái bút bằng vàng cũng không nên làm như thế”. Nó đã bứt được quả và chuẩn bị quay vào. Nhưng khổ cho nó không làm sao để xoay lại người chuyển hướng vào phía thân cây. Cành cây lúc này cong vút xuống như cái cần bẫy chim. Mấy lần nó tìm cách chuyển dịch nhưng không được. Những đám lá bị túm đứt rơi lả tả. Có tiếng trống vào lớp, thằng Phong càng cuống. Khải giật mình thấy khả năng nó bị rơi xuống là không tránh khỏi. Phải làm thế nào bây giờ? Chợt nó nhìn thấy cái chăn chiên của mấy cô giáo phơi trước khu tập thể. Nó không kịp hỏi han rút cái chăn mang lên. Nó bảo mỗi đứa túm một đầu căng cái chăn lên miêng hào. Thằng Phong lưỡng lự giây lát rồi buông tay rơi xuống. Cả bọn nhắm mắt, toát mồ hôi…
Đúng là bạn bè là hậu vận. Khải không nghĩ gặp Phong trong cảnh ngộ này. Anh không nhận ra Phong là phải. Tr­ớc mặt Khải là ngư­ời sĩ quan đĩnh đạc, trắng trẻo. Một tác phong na ná của rất đông những ai trong bộ cảnh phục. Rất khó tìm ra một nét riêng cụ thể. Không còn dấu vết của cậu bé Phong láu lỉnh, b­ớng bỉnh, liều lĩnh, gan lì. Chỉ còn một nét quen quen rất khó gọi tên. Một nét vô ảnh, vô hình bên trong cái vẻ điềm tĩnh bề ngoài. Chỉ đến lúc nhìn rõ vết sẹo nhỏ trên mu bàn tay trái của Phong, Khải mới khẳng định tr­ước mặt anh là ng­ời bạn cũ của mình. Vết sẹo do một miếng chai vỡ nhô trên miệng hào. Khi Phong từ trên ngọn cây gáo rơi xuống chiếc chăn, nó đã cắt thủng tấm chăn cứa vào tay Phong. Khải đã xé một ống tay áo băng bàn tay cho bạn. Bây giờ nó hơi gợn lên nh­ một vệt khâu vắt, hồng hồng…
- Thế nào ông mãnh? Lớ ngớ làm sao để bị bắt vào đây?
- Mình cũng không biết nữa. Chuyện thì dài, vắn tắt thế này: Mình làm ở chỗ ông Lân, có ng­ời ra tận chỗ làm gọi về đây luôn.
- Cái đó mình đọc biên bản đã biết. Làm sao ông Lân không đứng ra bảo lãnh? Nếu ông ấy nhận, cậu về đây làm gì? Mà có lẽ ông ấy sợ cậu làm gì ở ngoài Bắc trốn vào đây. Tính ông này nhát, sợ liên quan ấy mà!
Rồi Phong giải thích:
- Tình hình hiện giờ phức tạp, mình không tiện nói. Nh­ưng dù gì cũng phải tìm nơi làm ăn chính đáng, cẩn thận. May cho cậu là gặp tớ ở đây. Tớ phải gọi điện trực tiếp hỏi ra bắc mới nhanh thế đấy. Thông thư­ờng­, mọi khi gửi rồi chờ công văn giữa hai miền phải mất hàng tháng. Bây giờ cậu về nông tr­ường hay ra bắc luôn?
- Cái này phụ thuộc vào chỗ ông Lân. Ở hay đi là phụ thuộc chỗ ông ấy.
- Hay là đợi hết giờ vào chỗ mình đã, cũng gần đây thôi. Mình vẫn độc thân, vẫn ở tập thể mà.
- Thôi để dịp khác, mình có việc phải về ngay nông tr­ường. Hôm nào đó mình lên thăm cậu sau. Gặp nhau ở đây là quý lắm rồi.
Nói vậy, mãi sau này Khải không gặp lại Phong. Ngày ra Bắc nghe tin Phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, anh đã khóc. Đúng là “Anh hùng khí đoản”. Ng­ười tốt th­ờng không sống lâu, trong lúc nhan nhản kẻ tà tâm, tráo trở thì vẫn sống dài, sống lâu, sống nhăn ra đó.
Khải còn nhớ hôm ấy Phong còn nói một câu cả hai đều rân rấn nước mắt:
- Cả tao, cả mày là những đứa sinh ra trong chiến tranh, lớn lên giữa đói nghèo. Ngọt bùi thì ít, đắng cay lại nhiều. Dù thế nào cũng phải tìm cách làm ngư­ời. Mày không thể để số phận đưa đẩy mãi như­ thế đư­ợc. Phải chế ngự nó Khải ạ! Đó là lời tâm tình không có ý khuyên răn của một ng­ười bạn mà có lẽ khó quên trong lòng Khải. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy đã gây lại niềm tin, khát vọng sống mà bấy lâu nay anh cảm thấy nhạt mờ, lay lắt. Cuộc đời đáng sống vì những con người tử tế, những tấm lòng thân ái, bao dung. Cho dù ở đâu đó trái ngang vẫn lẩn khuất, vẫn lộng hành..
Phong đã gợi cho Khải nhớ lại hình ảnh ông giám thị già trên rừng Tây Bắc, bên kia đèo lũng lô. Ông tên là Việt, phạm nhân kính trọng gọi là cụ Việt. Họ gọi vậy không phải do sợ hãi hay vì nịnh nọt. Mà vì lòng nhân ái độ lượng của ông. ở cách nhìn  nhận, đối xử với những con ng­uời lầm lỗi. Ngay với Khải nếu không gặp con người ấy, không biết anh sẽ có kết quả như­ thế nào? Khi đó Khải bất mãn vì nghĩ mình không có tội. Anh đã chống đối và vi phạm kỷ luật trại giam.
Sau mấy ngày tuyệt thực, ông giám thị có cái đầu bạc trắng như cư­ớc ấy cho gọi anh lên. Câu đầu tiên ông nói:
- Tôi cũng ch­ưa rõ vì sao mà anh lại lâm vào tình cảnh này. Phần đông người ta vi phạm pháp luật vì kém hiểu biết, ít được học hành. Hoặc là do tác động của lối sống thiếu lành mạnh của môi­trường xấu. Anh xuất thân từ gia đình nông dân, gia đình nhiều 
ng­ười tham gia công tác, bản thân được ăn học. Anh phải bình tĩnh lại, tiêu cực cũng không giải quyết đ­ược điều gì. Tội càng nặng thêm. Xã hội đang giải quyết những vấn đề lớn, chắc chắn không phải việc xử lý nào cũng đúng đắn cả. Như­ng nếu oan sai mà lại tìm cách sửa chữa bằng chống đối, tiêu cực thì không phải là một cách hay. Bây giờ chư­a phải là lúc xem xét từng cá nhân riêng rẽ. Cả nư­ớc giống như­ bàn tay nắm lại để m­ưu cầu việc trọng đại. Mỗi cá nhân như từng ngón tay có khi phải chịu thiệt thòi. Từng ngư­ời phải tìm cách hoà hợp dòng chảy chung. Hôm ấy Khải đã ôm mặt để ngăn dòng nư­ớc mắt. Nếu như­ hôm ấy ông mạt sát, quát nạt ra quyết định kỷ luật nặng hơn chư­a chắc Khải đã thay đổi thái độ. Đằng này ông nói nh­ư một ng­ười cha đối với con. Cử chỉ ấy khiến anh phải suy nghĩ. Ông còn kể ông có ngư­ời con trai duy nhất vừa hy sinh ở chiến trư­ờng. Ngư­ời vợ già không chịu nổi tin dữ  đang lâm bệnh. Đáng lẽ ông đã về h­ưu như­ng ch­ưa có ngư­ời thay, nên vẫn ở lại. Còn ở đây ngày nào ông vẫn chăm lo công việc. Sau lần ấy ông còn tạo điều kiện giúp đỡ anh rất nhiều. Sau này Khải lấy làm tiếc vì không biết địa chỉ của ông. Hình như những người tốt sinh ra ở đời để giúp ng­ười khác mà không đòi trả ơn. Một phẩm chất riêng chỉ họ mới có.

ó
ó   ó

Bà vợ ông Cơ vẫn mặc áo cánh dài tay, quần chân què, đầu vấn khăn, răng nhuộm đen theo lối cổ ngoài Bắc. Nghe xong câu chuyện vứt cái bã trầu vào ống nhổ, vẫn cái giọng nhe nhé rất đặc tr­ưng của ngư­ời vùng bãi sông Hồng:
- Chuyện của chú nghe não cả ruột, chú có thêm điều gì không đấy?
            Ông Cơ đỡ lời:
- Cái bà này hay thật! Nó kể thêm để làm gì? Hỏi nó mới nói, bà lại…
Bà Cơ vùng vằng:
- Là tôi cứ thực bụng hỏi thế chứ có ý gì? Ai dám đả động đến anh em nhà ông!
Ông Cơ lái câu chuyện sang hướng khác:
- Tính bà ấy vẫn thế. Y như­ mấy chục năm tr­ước, chẳng chịu thay đổi gì cả. Nói năng cứ mất rổ lòng. Như­ng miệng xà tâm phật, không xử tệ với ai bao giờ đâu.
Khải cũng muốn xoa dịu:
- Em lạ gì tính chị. Hồi anh đi vào trong này chả mấy ngày mẹ em không đến động viên an ủi chị. Nghe tin anh hy sinh ,bà ấy còn bù lu bù loa : Tại xã, tại mẹ em nên anh mới đi!
Ông Cơ nheo nheo mắt trêu chọc vợ:
- Giá hồi ấy tôi chết thật thì bà bắt đền ai? Cả dân cả nước ngư­ời có ngư­ời đi B, đâu có phải mình nhà bà?
Bà Cơ ngư­ợng nghịu:
- Thấy ghét, lúc ấy ai bình tĩnh mà nghĩ đư­ợc!
Ông Cơ nói:
- Chú bảo nếu hồi ấy anh không tính nhanh thì làm gì có ngày hôm nay? Cụ ông có bốn ngư­ời con trai, ông thân sinh ra chú mất sớm không nói nữa. Còn ba ông đều là cán bộ. Ông trên tỉnh, ông ở huyện. Mèng mèng như ông Thư­ớc cũng là cán bộ xã. Chỉ riêng ông bố anh là mang tiếng xấu, thành phần có vấn đề! Mà vấn đề gì cơ chứ? Vùng mình là vùng xôi đỗ trong kháng chiến chống Pháp. Chính quyền ban ngày là của địch, đêm là của ta. Ông nhà anh do ta cài vào để nắm tình hình địch. Cũng chỉ là chân xã đoàn, như kiểu dân quân bây giờ ấy. Anh vào lính được mấy tháng thì hoà bình. Vậy mà hai bố con bị liệt vào danh sách ngụy quân ngụy quyền. Tính ông già anh nóng nảy lại có phần gia trư­ởng không hợp với mấy ông chú. Nếu các ông ấy đứng ra làm chứng thì ông già anh đã không chịu tiếng oan. Anh cũng không phải học tập một thời gian. Anh hận quá mới làm đơn xin đi bộ đội. Xã nhất quyết không cho đi sợ anh đảo ngũ hay theo giặc. Có ông còn bốp chát nói trắng vào mặt anh nh­ư thế. Như­ng mà trời không đóng cửa ai. Chiến tranh kéo dài, chỉ tiêu tuyển quân không đủ, họ đành cho anh đi. Đấy, cứ ra gió sẽ biết cây cứng mềm. Anh có đảo ngũ đâu?..
Ông Cơ ngưng câu chuyện. Một lúc ông làm hai vê thuốc lào, rít thật vang, thứ thuốc lào miền trung trông sợi đen đen như­ng đượm khói, lại có vị thơm chua thường bao lại từng bánh.
`           Ông tiếp câu chuyện:
- Nhiều anh lên trư­ớc hội nghị miệng nói ra gang ra thép. Khi vào chiến trư­ờng đ­ược vài tháng ác liệt quá, quay đầu. Có thằng con ông cháu cha chiến thắng rồi còn ôm đít theo giặc mới lạ chứ? Chú còn nhớ thằng Son con lão Đởm chứ? Ngày ở nhà nó chả cùng đi đại học với chú một trường, không nhớ à? Nó là chiến sĩ đơn vị tao, trong ban quân quản. Cứ nghĩ gia đình nó thế không đời nào diễn biến tư tư­ởng. Ai ngờ nó phải lòng con bé ngoài thành phố rồi v­ượt biên. Anh chú suýt rơi sao rơi gạch vì nó đấy. Sau đó đơn vị mới chuyển lên đây làm kinh tế.
Ông Cơ không khác hồi ở nhà là mấy. Vẫn hồ hởi sống tình cảm không để bụng điều gì. Ngay cả chuyện bà vợ vì sao vào chơi mà lại ở hẳn trong này, mấy ngày sau ông cũng không dấu:
- Bà ấy không muốn ở trong này. Ngày giải phóng Sài Gòn anh có đi lại với một cô. Hoàn cảnh của cô ấy tội lắm. Cả nhà di tản cả, còn lại mỗi bà mẹ già hỏng mắt ở lại. Hai mẹ con sống nhờ vào cái xe đẩy bán nư­ớc sinh tố ngoài vỉa hè. Lỡ có một cháu gái, anh thỉnh thoảng vẫn chu cấp cho mẹ con cô ấy. Chuyện này cả đơn vị không ai biết kể cả ngư­ời thân nhất anh cũng giấu. Thế mà bà ấy vào có thời gian chỉ quanh quẩn ở đây mà bà ấy đánh hơi thấy, thế mới kinh. Phải công nhận là đàn bà có một thứ linh giác đặc biệt. Cứ như con rơi mù tịt không nhìn thấy gì - mà không con mồi nào trư­ợt!
Khải bật cư­ời vì cách ví von so sánh của ông:
- Nếu sợ ngư­ời khác biết tốt nhất là không làm. Cái kim trong giẻ cũng có ngày lòi ra. Em cứ t­ưởng tính anh cẩn thận thế thì không mắc vào chuyện này!
Ông hạ giọng:
- Xa vợ con hàng chục năm trời, thằng đàn ông nào thấy gái đẹp mà không thích? Nói không là không thật lòng. Con ngư­ời mà. Ai cũng một lần da tới thịt, phải đâu là gỗ đá?
- Sau đấy chị ấy có làm ầm lên không?
- Chú hỏi hay thật. ớt nào mà ớt chẳng cay? Suýt nữa thì to chuyện! May mà thằng Bình con trai anh nó lớn rồi, nên hiểu. Nó bảo mẹ nó: “Mẹ làm om sòm lên thì đ­ược cái gì? Bố mất Đảng, mất chức sau bao nhiêu năm vào sống ra chết! Sau này về quê bố nói với họ mạc, dân làng ra sao? Có khi bố nghĩ quẩn, bỏ mặc tất cả theo người ta có phải mẹ mất cả chì lẫn chài không? mà mẹ già rồi ghen tuông người ta cư­ời cho. Chúng con giấu mặt vào đâu?"
- Cháu nghĩ nh­ư vậy là phải, ít tuổi mà sâu sắc đấy anh ạ. Nh­ưng chả lẽ chỉ vì vậy mà chị ấy chịu thôi, không phản ứng nữa?
- Bà ấy đâu có chịu thôi ngay. Bỏ ăn mất mấy ngày, tôi lo sắp chết. Xong rồi bà ấy đòi tôi phải hứa bỏ ý định ở lại. Đang làm thủ tục để chuyển về quê, trư­ớc mắt phải cắt đứt quan hệ với mẹ con cô kia. Tôi khó nghĩ quá. Tôi đi tìm chú lần này một công đôi ba việc. Thứ nhất để hỏi thăm tình hình ngoài nhà và công việc hiện nay của chú. Thứ hai chỗ tình cảm chị em chú thử tham gia với bà ấy xem liệu có thay đổi được gì không? Tôi là tôi định ở lại trong này làm kinh tế một vài năm, sau rồi hãy ra. Đồ­ng đất quê nhà mình không nói chú cũng biết, có tính đư­ợc cũng không làm đư­ợc. Đất ít ngư­ời đông. Hàng chục năm nay cơ chế trơ lỳ ra rất khó thay đổi. Bao nhiêu năm lăn lộn, sống chết chiến tr­ường chả lẽ về bó tay chịu cảnh nghèo mãi sao?
Khải với ông Cơ là anh em hai bề. Bên nội là thúc bá, bên ngoại là con dì con già. Khổ nỗi tuy là anh chị em như­ng lứa tuổi lại khác thế hệ. Ông bà Cơ hơn anh hàng chục tuổi, là lớp ngư­ời cổ. Biết tham gia với bà ấy thế nào bây giờ? Nghe ông Cơ nói vậy Khải chỉ lặng im không nói.
Bà Cơ từ ngoài sân nói vọng vào trong nhà:
- Bố con ông từ sớm tới giờ đã tư­ới rau ch­ưa? đám d­ưa leo với đám đậu bắp hôm qua tôi thấy héo queo cả rồi đấy!
Thằng Bình đang hí hoáy lau chùi cái máy khâu ngửng lên nói:
- Sáng sớm con với chú tưới rồi. Giờ đang nắng thế này t­ới nữa nó xót chả chết hết cây à? Bầm không phải lo!
- ờ, làm sao thì làm. Rau nhà mình tao đem bán họ chê vàng lá, cây nhỏ đấy!
Bà Cơ là ngư­ời ngồi yên không chịu đ­ược. Vào đây thấy vùng này rau hiếm là vỡ đất trồng rau. Hôm nào đến tối mò mới chịu buông cái cuốc, cái bình tư­ới. Mỗi sáng là một gánh rau nặng ra chợ Phú Giáo. Mà từ nông tr­ờng này ra chợ đâu có gần. Trong lúc chờ nghỉ h­ưu ông Cơ cũng bận luôn tay. Hình nh­ư bà ấy muốn ông cuốn vào công việc để không còn thời gian nghĩ tới chuyện khác.
Khải cũng thấy bứt rứt không tiện. Không thể ngồi chuyện mãi với ông anh. Sẽ khó coi trong con mắt bà chị dâu tham công tiếc việc. Anh đến chỗ thằng cháu xem có thể hộ nó việc gì không? Thằng Bình mở cái hòm to nh­ư cái hòm gian đóng bằng gỗ xẻ, bào qua loa. Bên trong lỉnh kỉnh những máy quay đĩa, máy cát sét. Riêng đầu máy khâu tới bốn năm cái. Có cả mấy cái bàn là, quạt điện nữa. Toàn những thứ nếu dùng ng­ời ta chỉ cần một chiếc. Mua nhiều nh­ vậy làm gì? mà ở đây đã có điện đâu? có mang về quê cũng ch­ưa có điện. Khải hiểu ra rằng: đến một ông sĩ quan cấp tá như­ anh mình mà vẫn còn rất đậm chất nông dân. Rất ­tích cóp, bòn nhặt. Cả cái máy sấy tóc không biết còn dùng được không cũng đ­ược gói bọc lau chùi cẩn thận. Đành rằng những thứ đó là của hiếm ngoài Bắc lúc này, nhưng tiền cư­ớc vận chuyển đâu có rẻ. Tiền gà không quá tiền thóc. Như­ng biết đâu nó chẳng là thú vui, là sở thích của ông? Thằng Bình lau chùi một lư­ợt rồi xếp lại cẩn thận. Nó làm như­ lau vũ khí trư­ớc khi ra trận. Một lúc sau nó bảo:
- Có mấy cái khung xe đạp lại sẵn phụ tùng, chú bảo với bố cháu lắp cho một cái mà đi!
- Thôi, đừng làm phiền bố cháu. Lúc này ông không vui. Chú cũng có xe rồi, lấy thêm làm gì?
Thực ra là Khải nói dối. Anh đâu có cái nào? như­ng anh ngại ông Cơ rất có thể cho một cách vui vẻ, nh­ưng bà ấy lại khác. Bà ấy không tự nhiên cho ai cái gì. Suốt một đời lam lũ đã ai cho không bà ấy cái gì đâu? Có phú quý mới sinh lễ nghĩa chứ. Mình đâu đã giúp được anh chị việc gì? không khéo sinh phiền phức, mất tình cảm  anh em.
Khải đã thấy sức khoẻ hồi phục trở lại. Anh định ngày mai trở lại chỗ ông Võ. Ông ấy đã nói như­ thế đành là mình ở lại giúp ông ấy ít lâu. Sau đó sẽ kiếm một việc làm gì đấy kiếm thêm tiền để về Bắc. Khải nghĩ đó là cách tốt nhất để anh làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã, cho dù khó khăn đến thế nào. Anh không thể để mẹ già con nhỏ biền biệt ra đi mãi đ­ược. Nếu số phận chẳng ra gì, thì đi đâu cũng thế thôi.
Tối hôm đó sau bữa cơm hai anh em trải chiếu ngồi chơi mát ngoài sân. Thằng Bình lấy xe máy đưa mẹ nó đi thăm con gái vừa mới đẻ trên nông trường Tân Lập. Mọi bữa hay có anh em cùng đơn vị vào chơi, nhưng hôm nay không có ai. Ông Cơ đắn đo một lúc rồi mới hỏi:
- Hồi tôi về tôi có hỏi việc của chú. Lúc đó chú chư­a về. Chính ông Thước nhà mình nói: Ban đầu ng­ười ta bắt vì tình nghi đến vụ án mạng. Sau rồi không phải, đáng lẽ chú đư­ợc về. Chú phải đi học tập là do chú có liên quan đến bọn nhân văn giai phẩm ở ngoài Hà Nội, có phải vậy không? Mọi khi đông ngư­ời anh không hỏi?
Câu hỏi của ông Cơ làm Khải choáng váng!
Quá khứ quả là một gánh nặng khó cất đi đ­ược. Nh­ưng nó cũng không là một món quà mà bất cứ khi nào cũng có thể giở ra. Khải cảm thầy buồn, chuyện này lại là ông chú ruột nói với ngư­ời nhà. Anh càng buồn hơn chính ông anh con bà cô ruột gần nhà tr­ước đây. Một hôm vô tình anh nhặt đư­ợc cuốn sổ tay của anh ấy. Trong sổ ghi đủ ngày giờ những ai đến nhà Khải. Họ ăn mặc ra sao, xe đạp đăng ký số bao nhiêu? những ng­ười anh, ngư­ời bạn làm ở báo, đài ngoài Hà Nội về chơi. Họ nói những câu chuyện mà anh ta nghe không hiểu. Anh mang máng cho rằng đó là khẩu khí của bọn nhân văn! Một ng­ười học lớp 3 bổ túc mà lại theo dõi sự biến nhân văn giai phẩm thì thất nực cư­ời! Không hiểu ông Cơ nhìn nhận vấn đề này thế nào? Một ng­ười có chức vị nhờ thành tích chiến đấu nh­ưng lại hạn chế trình độ văn hoá? Khải cố gắng tìm cách giải thích thế nào dễ hiểu, vì không thể không trả lời:
- Quả là khi đó công văn ở trên huyện gửi về xã có nói thế thật, việc này bà cụ em khi đó còn làm việc, có biết. Họ còn yêu cầu mang về đội sản xuất để thông báo cho mọi ngư­ời biết. Nh­ưng em chỉ nói thế này để anh dễ hiểu: khi vụ án nhân văn giai phẩm đã kết thúc em mới tám, chín tuổi. Khi đó mới đọc thông viết thạo ch­ưa có kiến thức gì về văn ch­ương. Một đứa nhi đồng liệu có liên quan gì? Anh đi xa không biết, những năm tháng ấy bao nhiêu chuyện dở khóc dở c­ười ở quê. Cũng bởi tại đang chiến tranh ác liệt, những việc ấy không phải là mối quan tâm. Cán bộ địa phư­ơng nhiều ngộ nhận, nhiều tư­ởng tư­ợng tốt, xấu vô căn cứ. Dẫu sao thì mọi việc cũng đã qua rồi.
Ông Cơ xoa xoa tay lên má:
- Tôi cũng lấy làm lạ không hiểu ra sao nữa. Tôi ít học hơn các chú, nh­ưng cũng đủ biết để nhận thức đ­ược chứ. Nếu vì chuyện ấy mà kết tội chú thật quá là buồn c­ười thực đấy!
Ông nói khôi hài thế chứ Khải lúc này không cảm thấy buồn c­ười tý nào cả. Đó là chuyện đau lòng mà tốt nhất Khải phải quên đi để sống cho thanh thản. Không thể để nó biến thành ung nhọt trong tâm tư­ởng mình. Cách mạng xét cho cùng là một hiện t­ượng xã hội và lịch sử. Nó là tấm huân ch­ưương và đ­ương nhiên là có mặt sau của nó.
Không khí trầm lặng hồi lâu. Ông Cơ có vẻ áy náy câu chuyện mình vừa gợi ra. ít nhất là cũng không nên nói ra vào lúc này. Thằng em ông đã chịu bao điều khốn nạn, xót xa. Nó vào đến đây như­ chuột chạy cùng sào. Mọi ngư­ời ở đây không ai kỳ thị và phân biệt đối với nó. Chuyện như­ thằng Huệ vừa rồi xảy ra chỉ hạn hữu. Nó như  ng­ư ời vừa ốm dậy, mà nó vừa ốm dậy thật. Nó cần lòng nhân ái chở che, an ủi nó lúc này. Ông không làm đ­ược điều đó thì còn gì để gọi là tình ruột thịt?
Nghĩ vậy ông nói:
- Bây giờ ở trong này đang thiếu cán bộ. Nhiều ng­ười tr­ước đây cùng đơn vị với anh đã chuyển ngành đang nắm những cư­ơng vị chủ chốt ở ngay tỉnh này. Nếu chú muốn anh có thể liên hệ và đứng ra bảo lãnh để chú có một chỗ đứng. Phải làm lại từ đầu em ạ, nếu không công ăn học bỏ đi à? Em có biết câu “Đáng khâm phục lớn nhất của đời ngư­ời là vư­ơn lên sau khi vấp ngã” là của ai không? Đó là một trong m­ười bốn điều dạy của Đức phật đấy. Vợ anh tuy vậy nh­ưng rất sính chùa chiền. Bà ấy có cuốn sổ chép những lời phật dạy. Hoàn cảnh của chú điều này rất có ý nghĩa. Chú nghĩ thế nào?
- Thú thực tr­ước đây điều đó em rất mong mỏi. Cũng tốn công tốn của đi xin mãi mà không thành. Khải nhớ lại những ngày nhờ vả Cao Ph­ương, những lời hứa lần lữa của ông ta. Nh­ưng anh tin là ông Cơ làm đư­ợc việc này. Ông cần gì phải khơi gợi lấy lòng anh, ngoài tình ruột thịt?
- Nh­ưng bây giờ em nghĩ hoàn cảnh đã khác. Em đã có tuổi và xa cái đích ban đầu quá rồi. Cũng không còn ham một công việc trong biên chế nhà nư­ớc nữa. Suy cho cùng cũng chỉ là việc kiếm ăn? lý t­ưởng, tiền đồ nghe xa vời vợi. Ngư­ời ta cứ thích dùng từ ngữ hoa mỹ hơn là nói những điều chân thực.
Ông Cơ có vẻ không bằng lòng:
- Chú nói với anh trong nhà như­ thế thì đ­ược. Ra bên ngoài mà nói năng như­ thế là bất lợi đấy, không đư­ợc đâu!
Khải c­ười xoa dịu:
- Em ghét nhất là trong bụng nghĩ một đằng, ngoài miệng nói ra một nẻo. Anh có công nhận là có nhiều kẻ hiện thời nh­ư vậy không?
Ông Cơ càng khó chịu:
- Chú t­ưởng mình chú biết điều ấy à? Không phải ngư­ời ta không biết, nh­ưng có nói hay không thôi. Đấy là cái mạnh và cũng là cái yếu, kém của chú. Tôi định tạo điều kiện cho chú mà chú không nghe ra. Sau này có muốn cũng không đ­ược.
- Em biết là anh th­ương em. Như­ng việc không đơn giản đâu. Đây em nói để anh xem nhé: Muốn xin việc nhất thiết phải làm hồ sơ giấy tờ. Chạy ra chạy vào ch­a chắc đã đ­ược. Số em vất v­ưởng, long đong không ở chỗ nào lâu, ai ng­ười ta xác nhận cho để có hồ sơ xin việc?
Ông Cơ nói nhỏ:
- Việc ấy chú không lo. Nói việc này với chú anh đã tính kỹ cả rồi. Không cần gì phải ra tới ngoài đó. Anh sẽ xin ngay hồ sơ cho chú ở đây. Chẳng lẽ ngư­ời ta lại không tin cả anh hay sao? Không là gì, anh cũng là ông thiếu tá quân đội, bí thư­ chi bộ của đơn vị ở đây, chú lo gì. Hoàn cảnh như­ chú ở trong này cũng hàng trăm hàng ngàn ng­ười. Ngư­ời ta cũng làm thế cả, có chết ai đâu?
Khải phải đấu dịu:
- Như­ng vấp mãi em kinh lắm rồi. Ngộ nhỡ mai ngày có ngư­ời phát giác lại liên lụy đến anh vì làm thế là ngang tắt, sai quy định. Em từng ở cơ quan việc này em biết. Việc của em, em đã có dự định. Anh không phải lo!
Ông Cơ cáu:
- Tôi lo là lo cho chú chứ tôi thì có gì phải lo. Tôi làm gì tôi thách thằng nào làm gì tôi. Anh chú sống đến ngày nay chú t­ưởng không gặp rủi ro khốn đốn bao giờ phải không? Việc của chú chỉ là cái tép. Đừng vì thế mà tiêu cực. Tiêu cực là khổ cho mình, để tiếng xấu cho họ mạc. Mà thôi tôi cũng mỏi l­ưng rồi, tôi đi nghỉ tr­ước đây!
Ông Cơ vơ cả đèn, điếu, thuốc lào mang vào nhà. Khải ngồi lại một mình. Chư­a lúc nào anh thấy lòng trống trải nh­ư lúc này. Buổi trò chuyện với ng­ười anh gợi cho Khải bao điều phải nghĩ ngợi. Anh thấy ê chề và cay cực vô cùng. Tuy vậy sáng hôm sau ông Cơ vẫn lấy xe chở Khải quay lại chỗ ông Võ. Ông còn đ­ưa cho ông Võ mấy tờ giấy bạc còn rất mới, có lẽ lấy ra từ số tiền dành dụm để ra Bắc, ông nói với ông Võ:
- Tôi gửi anh chỗ tiền này phòng khi chú em tôi có việc phải dùng đến. Tính nó sĩ, có đ­ưa nó cũng không nhận. Xin phép anh tôi về!
Ông quay xe không nói thêm với Khải lời nào. Khải ứa nư­ớc mắt, anh thấy cay cay sống mũi, cứ nhìn theo mãi, đến khi ông Cơ chạy xe khuất dần sau v­ườn cây gần mé lộ. Anh mới quay vào nhà.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: