Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

HOAN HÔ ÔNG PHẠM VŨ LUẬN ĐÃ NÓI MỘT CÂU RẤT THẬT !

Bằng giả chỉ có thể 'chui' vào cơ quan nhà nước

 

Theo Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, người học giả, sử dụng bằng giả không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài.


Phát biểu tại phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục ngày 25/2, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận, việc đổi mới giáo dục đào tạo một cách toàn diện là rất quan trọng, 9 nhóm nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng về vấn đề này cũng đã được xác định trong chương trình hành động của Chính phủ.

Điểm mấu chốt được vị Thứ trưởng này đề nghị tháo gỡ là đưa ra được chuẩn và phương pháp kiểm soát đầu ra với các cấp học thay vì nặng về kiểm soát đầu vào như hiện nay. Ông khẳng định, đổi mới giáo dục phải theo hướng cần gì đào tạo nấy, không nhất thiết phải phấn đấu để có tấm bằng đại học.

"Với việc đẩy mạnh xây dựng vị trí việc làm và phân luồng cơ cấu công chức trong các cơ quan nhà nước, không phải vị trí nào cũng cần bằng đại học. Như vậy, nguồn nhân lực của ngành giáo dục sẽ được sử dụng phù hợp hơn", Thứ trưởng Dĩnh nói và cho hay, trách nhiệm của Bộ Nội vụ sắp tới là đẩy mạnh cơ cấu công chức để việc phân luồng có tác dụng.

 Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Hoan nghênh ý kiến này, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận mong muốn Bộ Nội vụ nhanh chóng có đề án đổi mới tuyển dụng công chức, viên chức để có tác dụng với quá trình đổi mới giáo dục đào tạo. Bởi, theo ông Luận, người học giả, sử dụng bằng giả chỉ có thể "chui" vào các cơ quan nhà nước chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. 

Bàn về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới phải theo thứ tự xác định hệ thống giáo dục, xây dựng và làm sách giáo khoa rồi sắp xếp đội ngũ và cuối cùng là đổi mới thi. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay không thể làm theo tuần tự mà phải "vừa chạy vừa xếp hàng".

Nói rõ thêm ý này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ, dù đã làm chương trình và viết sách giáo khoa nhưng Bộ cũng đang nghiên cứu hệ thống giáo dục chứ không phải làm theo quy trình ngược. Tách bạch được lực lượng làm chương trình và người viết sách giáo khoa là phương thức tối ưu. Sau khi có chương trình thống nhất, có thể huy động các nguồn lực xã hội tham gia viết sách và lúc đó sách giáo khoa không chỉ có một bộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì yêu cầu các thành viên hội đồng nhanh chóng hoàn thiện để Chính phủ ban hành sớm Chương trình hành động, trong đó xác định đúng nhiệm vụ, phân công cụ thể cho các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội, có trọng tâm trọng điểm, lưu ý tính khả thi để tránh tình trạng vừa ra lại sửa, tốn kém mà không đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chương trình mất đi tính "mở", những điểm chưa rõ có thể được bổ sung khi tiến hành.

Việc đầu tiên của Chương trình hành động là thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo do Thủ tướng làm Chủ tịch. Ủy ban có trách nhiệm giúp Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của Chương trình hành động; rà soát, kiện toàn các ban chỉ đạo quốc gia về giáo dục đào tạo và dạy nghề.


Nguyễn Hưng
Nguồn: VNE

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: