Trong học tập nếu không minh bạch có vô số kẻ dốt nát nhưng quay cóp xin điểm vẫn đỗ xuất sắc.
Trong văn học có vô số những kẻ không muốn minh bạch để à uôm ra vẻ văn học là miền đất thánh không phải ai cũng xía vô được, rồi họ còn tự bảo kê mình với luận điệu phải có thiên bẩm mới viết được văn thơ, nhưng mà với cái “thiên bẩm” giả vờ tưởng tượng đó họ lại co cụm cấu kết bè cánh nấp sau các ban biên tập và giám khảo thoải mái tung tác duyệt bài, trao giải thưởng cho nhau, toàn quyền văn học bụng: cho người này là biết viết văn, người kia không có văn. Để tránh tình trạng này kéo dài mãi mãi, kéo cho đến khi tất cả “văn học bụng” kia kiếm xong danh vọng và hạ cánh an toàn, tôi xin nêu rõ vài điểm chính yếu kém của văn học Việt Nam.
Theo đánh giá chung, thì người Việt mới chỉ có thể tạng văn học vui đùa giải trí, thơ mẩu, thơ vụn là chính, chứ chưa yêu văn thơ theo kiểu đó là những văn bản dẫn dắt, định hướng hay thiết lập lối sống cho cuộc đời. Ở phương Tây, có rất nhiều tác phẩm, nhân vật đã trở thành hình mẫu “phát sốt” cho một lối sống mở rộng như phong trào hay xu thế thời đại. Ở ta thì chỉ có mấy câu đối, vài vần thơ bẻm mép ở trên môi.
Cuộc đời cũng như thế giới không thể có nếu không có CON NGƯỜI.
Văn chương không thể có nếu không có NHÂN VẬT.
Cái yếu kém đầu tiên của văn học Việt Nam, chưa nói cái gì sâu xa hay cao siêu, mà cái dễ thấy nhất, đó là: Tình tiết yếu.
Tôi xin lý giải từ thấp đến cao. Mới đây khi ngồi bàn luận với một anh bạn khá trẻ thế hệ 8x, có tên là Quách Đình Đạt, anh bạn này trông sáng sủa thông minh, đã từng du học ở Pháp nhiều năm, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức như thế cũng chưa có gì ghê lắm, nhưng cái chính anh bạn trẻ này rất hồn nhiên và thẳng tưng, không có kiểu nói ấp úng nước đôi. Anh ta bảo: “Văn học trước hết muốn hấp dẫn thì tình tiết phải hay hoặc đặc biệt, nghĩa là nó như một bản lề hay cuộc bùng nổ nào đó, dẫn bạn đọc vào một thế giới khác. Một anh chàng gặp một cô nàng, họ hẹn nhau đi uống cà phê, điều ấy chẳng có gì đặc biệt. Nhưng một anh chàng sau khi nghe tin người yêu mắc bệnh ung thư, vẫn quyết định cầu hôn nàng. Đó là một tình tiết khác hẳn”.
Tại sao văn học Việt Nam vắng bóng những cuộc đấu súng, đấu gươm? Vì đó là những cuộc đấu vì danh dự. Người Việt cũng như người Trung Quốc chưa có lối sống trọng danh dự, thậm chí người ta còn thích thú bài học của Hàn Tín lòn chôn thằng hàng thịt để bảo toàn thân thể. Trong một bộ phim của Hồng Kông có cảnh một nữ tu nắm chặt lấy thánh giá rồi quyết định làm chứng dối để cứu vớt một cô gái điếm nghèo nàn trước những kẻ giầu có uy quyền gian ác. Một cảnh như vậy trong văn học Việt Nam cũng khó mà có nổi. Tại sao? Vì người Việt đâu có giầu đức tin sám hối trước Đấng toàn năng để có thể giằng xé lương tâm thực hiện một quyết định “sáng tạo” như vậy.
Điện ảnh, theo từ của Bách khoa thư là “kịch màn ảnh” hiện nay đang là môn nghệ thuật hùng hậu hấp dẫn và uy quyền bậc nhất. Căn cứ vào chữ “kịch” của nó, điện ảnh là thứ bản mềm của văn học. Kịch đó đòi hỏi phải có nhân vật. Nhân vật muốn hấp dẫn thì phải có những tình tiết đáng giá. Đó là cái văn học Việt Nam cực kỳ yếu ớt. Yếu ớt từ già đến trẻ. Cụ thể, những ông vua bà chúa của truyện ngắn từ đó leo lên tiểu thuyết mi ni ba xu đã thất bại cháy vốn nặng nề vì không có được tình tiết. Truyện của lớp trẻ ngày nay như trò lắp ráp vội vàng trên điện thoại di động hay laptop, nhân vật nhạt nhẽo, tình tiết hiếm khi đi ra khỏi bản thân để trở thành “văn học được khách thể hóa”.
Về mặt học thuật. Có hai đẳng cấp viết văn:
1- Kể chuyện: Theo Bách khoa, được dùng tên có gốc Latin là “Recite”, có nghĩa, kể lại, tường trình. Chuyện kể, cổ nhất là ngụ ngôn của các dân tộc, luôn có ông thánh bà tiên, các con vật biểu tượng cao với những tình tiết đắt giá. Con sói xin thò một chân vào chuồng của con thỏ là một tình tiết hay.
Văn học Việt Nam có bao nhiêu tình tiết hay đây? Hay nó hiếm đến mức hàng nghìn các nhà thơ viết trường ca không có nổi nhân vật? Dăm mười năm hiếm hoi mới sinh ra nhân vật thì người này dại đến già, chẳng biết làm gì vẫn còn ngồi gãi háng? Đó có phải thất bại gần như tuyệt đối của nền thơ Việt? Thất bại đến mức, gần đây, theo các nhà thơ phản ánh, hầu hết các nhà thơ đều muốn tự gọi mình thành nhà văn. Nhà văn là ai? Mới đây CLB sáng tác thơ chui xuyên Việt đã trao giấy chứng nhận nhà thơ cho bất kỳ ai nộp 150 nghìn đồng cộng với 2 bài thơ đi chép cũng được. Sau khi có giấy chứng nhận là nhà thơ rồi, số này tất nhiên lại tự xưng mình là nhà văn. Trời ơi, thật là một cú bắc cầu ngoạn mục, lấp liếm ăn gian. Ở đời, cái bếp khác cái nhà. Cái bếp to mấy cũng không được gọi là nhà vì chức năng nấu ăn của bếp. Cái nhà bé mấy dù bị ám khói do đun nấu cũng không phải là cái bếp vì chức năng sinh hoạt của nó. Nhà văn khác nhà thơ nhiều lắm. Nhà văn là lao động nghệ thuật, hì hục viết. Nhà thơ ở Việt Nam chủ yếu mới chỉ có sinh hoạt vui thú trà dư tửu hậu vần vèo. Tư duy hai bên khác hẳn nhau. Một đằng tiệp cận trà sát thẳng thừng với cuộc đời. Một đằng chỉ thích ẵm nựng với mấy câu khen bùi tai giành cho vài câu lèo tèo cảm xúc ngọt như đường.
2- Sáng tạo, hay Kiến tạo: Theo Bách khoa nó có tên gốc Latin là “Compose”. Trong từ sáng tạo này nó mang ý nghĩa của từ Kiến trúc hay Thiết kế. Nó bao gồm chữ Pose: tức là đặt để, từ này biết thành danh từ vị trí như Position. Nó được ghép với chữ “Com” – có nghĩa là Cùng nhau. Vậy hiểu theo nghĩa đen: Sáng tạo là lắp đặt mọi vật thành một tổ hợp lớn. Mọi vật lớn ở đời như lâu đài, máy bay, hay tác phẩm đều là sự lắp đặt từ nhiều bộ phận riêng lẻ. Có một câu nói của triết gia Hegel: Tất cả mọi vì kèo phải ăn khớp với cột. Đấy muốn lắp đặt một tòa nhà, người ta phải lắp đặt mọi vì kèo theo hướng vuông góc với cột.
Một tác phẩm sáng tác văn học đúng nghĩa luôn phải bao gồm các nhân vật rồi các tình tiết, chúng phải được lắp đặt hoàn hảo với nhau. Chính vậy tác giả mới mang vai trò của một kiến trúc sư. Giới văn học Anh mới đây phát hiện văn hào vĩ đại bậc nhất thế giới Shakespeare chủ yếu viết lại những vở kịch của người khác. Vậy thì cái vĩ đại của ông nằm ở tổ hợp kiến trúc nhiều hơn là sáng kiến. Tại sao với hầu hết các nhà văn Việt Nam, cốt truyện rồi nhân vật, rồi tình tiết lại trở thành một thách thức không thể vượt qua? Chúng ta hãy nhớ, hầu hết các truyện thơ dài có nhân vật như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, hay Tống Trân – Cúc Hoa, Lưu Bình – Dương Lễ của thơ hay sân khấu kịch hát Việt Nam là phải lấy của Tầu. Có phải đơn giản chỉ vì: các tác giả Việt yếu ớt về lý trí từ đó không thể lắp đặt và kiến trúc thành tác phẩm lớn được. Than ôi, có bao giờ rèn luyện về lý trí đâu mà đòi có lý trí, chưa học đã lo biện hộ “không có thiên bẩm thì học mấy cũng không thành tài”. Chúng ta nên chắc chắn, nhạc sĩ dù có thiên bẩm bao nhiêu, nếu không học không bao giờ sáng tác được giao hưởng. Ít học thì chỉ có viết mấy đoản ca bé tẹo.
Nhân vật muốn có tư tưởng thì phải đối thoại và hành động. Nhưng lý trí đã yếu nhà văn ta lấy đâu ra tư tưởng? Một cô Thị khát uống nước rồi đi tiểu, đấy không phải là hành động mà là Sinh hoạt. Rồi cô thập thò chờ đợi, rồi tình ái, rồi rửa ráy, thậm chí kể cả nhớ nhung sụt sùi, đó vẫn chỉ là sinh hoạt. Văn học Việt chủ yếu mới dừng ở sinh hoạt, có rất ít tư tưởng và hành động.
Bài đã tạm dài, tôi xin rút lại: Cái yếu hiển nhiên của văn học Việt Là mì không người lái, tức thơ không có nhân vật. Kể cả một số truyện ngắn của các tác giả trẻ, nhân vật rất nhợt nhạt. Viết văn mà không có nhân vật khách thể hóa tư duy của bản thân thì có khác gì tự sướng?! Ngay đó là cái yếu về tình tiết, nó chủ yếu là sinh hoạt chứ không phải thời khắc mang tính quyết định của tư tưởng. Tư tưởng là gì? Tất nhiên nó nằm trên não và không có mùi của thức ăn theo kiểu giá áo túi cơm được. Một khi chúng ta không bao giờ ưu tư về những thứ lý tưởng như tự do, bình đẳng, bác ái, thì tư tưởng chỉ là thứ bị dạ dầy che lấp mà thôi. Cái yếu về tình tiết là rất cụ thể, mong rằng những nhà văn yếu kém nên nhận ra điều đó để vượt qua chứ không nên à uôm tưởng bở xây lâu đài kính cho mình rằng đó là tài năng theo cách của riêng ta. Văn học cũng như nghệ thuật nếu không đạt đến giá trị phổ quát nó mãi mãi chỉ là thứ ẻo lả màn the nhếch nhác nghèo nàn chỉ đáng nấp sau chiếc ri-đô. Như vậy thì bàn gì đến tầm quốc gia và thế giới?
NHĐ
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét