Minh Hạnh phỏng vấn doanh nhân Nguyễn Trần Bạt
Hỏi: Bác khởi nghiệp là một kỹ sư xây dựng, sau đó bác chuyển sang lĩnh vực tư vấn. Hai ngành nghề này có vẻ không liên quan đến nhau mấy. Bác có nghĩ như vậy là bác đã từ bỏ ước mơ của mình để theo đuổi những cái thực tế như tiền bạc hoặc sự thành công trong sự nghiệp không?
Trường đại học đầu tiên là nơi cung cấp cho mình một tiêu chuẩn để xác nhận mình đủ năng lực để có một số phương pháp luận cơ bản. Tôi không nói đến việc học để có một nghề nghiệp, mà tôi nói đến học vấn. Tôi không trọng lắm những bằng cấp này nọ. Có bạn trẻ năm nay 33 tuổi mới đỗ tiến sĩ cách đây một hai năm, đang đi dạy ở Mỹ về đây gặp tôi nói rằng: "giới hàn lâm bọn cháu". Trên thực tế nghề nào cũng có sự tụ vạ của nó, giới kim hoàn, giới bánh cuốn và giới hàn lâm thì cũng là một giới. Tôi có một người bạn làm nghệ thuật, anh ấy chẳng làm được gì nên hồn nhưng lúc nào cũng nói "giới nghệ sĩ chúng mình". Nếu cứ nói như thế thì con ruồi đậu trên vết lở của con trâu thuộc về giới nào? Tôi nghĩ rằng các cháu phải tự do, việc đầu tiên là phải rất tự do trong ý thức của mình, trong tinh thần của mình. Tôi khuyên các cháu nên đọc quyển "Cội nguồn cảm hứng" của tôi. Ở đấy tôi phân tích một khái niệm vừa trừu tượng, vừa lãng mạn là "Tự do" thành ra các công nghệ sống. Tôi để dành cả cuộc đời từ năm 20 tuổi cho đến khi viết xong quyển ấy để nghĩ về chuyện tự do thật ra là gì. Tự do hoàn toàn không phải chỉ là quyền chính trị, tự do tạo ra con người, đấy là tiên đề để cấu tạo ra con người.
Đặt vấn đề với giới trẻ học cái gì là sai. Học tất cả mọi thứ, khi nào mình cảm thấy cần là có cái để lý giải, hay để thoát ra khỏi các bế tắc mà mình gặp phải trong cuộc sống. Vì thế tôi không bị trói buộc vào ngành nghề, cho nên đi từ kỹ sư xây dựng sang luật sư, và trở thành một nhà khoa học về chính trị tôi đi những bước rất tự do. Tôi không mất đi bản năng của một anh kỹ sư, bởi vì trong tư duy chính trị của tôi có chất lượng của một anh kỹ sư. Đã vặn cái vít thì phải vặn cho chặt, đã khảo sát một khái niệm thì phải khảo sát cho đến đầu đến đũa, đã nói một chữ thì chữ đấy phải được trăn trở, phải được suy tư, phải được phân tích, phải được chẻ tư chẻ tám một cách cặn kẽ. Đấy là chất lượng kỹ sư trong tư duy chính trị hoặc tư duy khoa học của tôi.
Đặt vấn đề với giới trẻ học cái gì là sai. Học tất cả mọi thứ, khi nào mình cảm thấy cần là có cái để lý giải, hay để thoát ra khỏi các bế tắc mà mình gặp phải trong cuộc sống. Vì thế tôi không bị trói buộc vào ngành nghề, cho nên đi từ kỹ sư xây dựng sang luật sư, và trở thành một nhà khoa học về chính trị tôi đi những bước rất tự do. Tôi không mất đi bản năng của một anh kỹ sư, bởi vì trong tư duy chính trị của tôi có chất lượng của một anh kỹ sư. Đã vặn cái vít thì phải vặn cho chặt, đã khảo sát một khái niệm thì phải khảo sát cho đến đầu đến đũa, đã nói một chữ thì chữ đấy phải được trăn trở, phải được suy tư, phải được phân tích, phải được chẻ tư chẻ tám một cách cặn kẽ. Đấy là chất lượng kỹ sư trong tư duy chính trị hoặc tư duy khoa học của tôi.
Hỏi: Bác nghĩ thế nào về giới trẻ bây giờ và cả xã hội nữa, quan niệm rằng vào đại học là tất cả, cũng như chỉ cần được đi du học thì chắc chắn sẽ giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống?
Trả lời: Tôi cũng có hai cậu con trai đều du học cả, tôi biết rất rõ ưu điểm và nhược điểm của du học. Du học là biết thêm một nền văn hoá chứ không phải là biến đổi chất lượng văn hoá người Việt của mình. Các cháu phải tự do, phải chuẩn bị cho mình một thái độ học không ngưng nghỉ, học như một thứ thư giãn, học trong sự êm thuận trong đời sống tinh thần. Không nên biến học hành thành những cuộc đua, bởi vì không ai đua suốt đời, nhưng người ta có thể đi suốt đời để dịch chuyển suốt đời, và khi không dịch chuyển nữa là chết. Phải xem học là sự dịch chuyển từ miền kiến thức này đến miền kiến thức khác. Từ giới hạn này đến giới hạn khác cao hơn của kiến thức. Có những người là chuyên gia, họ học để thành chuyên gia. Có những người là thiên tài như Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn. Nếu phát hiện thấy mình có một thứ tài năng ở mức cao thì có thể mạnh dạn hiến thân cho chuyên môn mà mình theo đuổi để trở thành chuyên gia. Những chuyên gia đôi khi sẽ trở thành rất ngẩn ngơ trong các lĩnh vực khác của đời sống thông thường. Và chúng ta đánh giá một chuyên gia bằng độ sâu kiến thức của họ trong lĩnh vực họ là chuyên gia, chứ không phải đánh giá sự ngơ ngẩn của họ trong lĩnh vực khác.
Tôi khuyên các cháu là đối với những người bình thường như chúng mình, học là công việc suốt đời. Học để tồn tại, học để thích nghi với điều kiện sống, học để thích nghi với các hoàn cảnh. Chúa không cho chúng ta tài năng như Ngô Bảo Châu, như Đặng Thái Sơn, mà Chúa cũng không cho nhiều người thì chúng ta đành phải làm một con người độc lập, kể cả độc lập với Chúa, bằng sự học hành. Chúng ta nhặt nhạnh từng mảnh vụn mà chúa đánh rơi ở ngoài đường thay vì Chúa cho một cục như cho Ngô Bảo Châu hay Đặng Thái Sơn. Tôi là người biết rất rõ sự bình thường của mình, vì thế tôi khắc phục cái bình thường của tôi để tạo ra giá trị của tôi bằng cách nhặt nhạnh những mảnh vụn mà Chúa đã cho người khác mà người khác không dùng vứt đi. Tôi là kẻ bới những đống rác của đời sống để tìm ra những thứ giá trị cần cho cuộc đời của mình.
Tôi nghĩ rằng như tuổi của tôi, làm cha và nếu có may mắn lên làm ông, tôi luôn luôn tìm kiếm những biểu hiện hạnh phúc trong đời sống của con cái mình. Còn thành đạt, với tư cách là một kẻ đã bước một hai chân vào sự thành đạt, tôi nghĩ rằng thành đạt không mang lại nhiều điều hạnh phúc lành mạnh cho một người, thành đạt chỉ mang lại niềm kiêu hãnh để trả đũa cuộc đời đã trót dại gây gổ với mình trong quá khứ thôi.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một đất nước ở trạng thái nghèo khổ, tôi nhiễm phải nhiều căn bệnh của một kẻ nghèo khổ hoặc một công dân của một nước nghèo khổ, những căn bệnh ấy không phải là dấu hiệu đáng tự hào của tôi. Lịch sử cá nhân tôi là lịch sử tắm gội, vứt bỏ những di chứng của trạng thái chậm phát triển của đất nước chúng ta. Đừng xui bọn trẻ chín chắn, bởi vì đằng nào nó cũng chín.
Hỏi: Cháu thấy trong trường hợp của bác, do bác có tài sản nên con cái bác có được quyền được tự do không được chín chắn như vậy, các bạn ấy sẽ có điều kiện hơn, sẽ có tiền bạc, có mối quan hệ, có điều kiện để du học nhiều nền giáo dục. Trong khi đó những người như cháu phải chín chắn sớm vì phải tự tìm hiểu cơ hội để có thể ra nước ngoài để học hành, chín chắn sớm vì bố mẹ không có điều kiện để giúp đỡ con được thành công. Vậy bác nghĩ thế nào về chuyện đó?
Trả lời: Cháu kiếm một quyển sách đó là tiểu thuyết bộ ba: Thời thơ ấu, Kiếm sống và Những trường đại học của tôi của Maxim Gorki đọc, đọc rồi thì cháu sẽ có câu trả lời cho cháu, còn nếu cháu sốt ruột thì tôi trả lời ngắn gọn trước. Cháu đi tìm kiếm cháu phải chín chắn là đương nhiên, không ai cưỡng bức mình không chín chắn cả, chín chắn do hoàn cảnh của cháu. Phản xạ của cháu là hoạt động tự nhiên của cháu, và chính những kẻ phản xạ một cách tự nhiên ấy vẫn còn giữ được sự trong sạch để hỏi bác những câu như vậy. Chứ nếu như cháu nanh nọc, cháu có nhiều âm mưu, cháu đi tìm kiếm bằng mọi giá cái cháu muốn thì cháu không đủ tự tin để ngồi trước mặt bác mà hỏi đâu. Cháu đừng cưỡng bức cháu không chín chắn, cháu cũng đừng cưỡng bức cháu chín chắn, cháu hành động theo đòi hỏi của cuộc đời riêng của cháu.
Hỏi:Thời đại của bác ai cũng xuất phát từ hai bàn tay trắng, nhưng bây giờ cũng có khoảng cách giữa người giàu và nghèo. Theo bác, thời đại bây giờ nếu một bạn trẻ muốn lập nghiệp từ hai bàn tay trắng thì có những rào cản gì và nên chú ý những điều gì?
Trả lời: Có tất cả các rào cản, các rào cản ấy không phải là một thứ cố định mà nó xuất hiện vào một lúc nào đó mà mình không lường trước được. Cho nên lớp trẻ phải rèn luyện cho mình một miền năng lực để ứng phó với các đòi hỏi khác nhau vào những lúc khác nhau, với những cường độ hoàn toàn khác nhau. Rèn luyện cho mình một thể chất có thể sống để ứng phó với mọi khó khăn, và đủ sức để kéo cơ hội xuống gần mình hơn. Có những người thể chất yếu không đủ sức để kéo cơ hội, có những người lãng phí cái gì cũng tưởng là cơ hội kéo cả ngày, cho đến khi cơ hội thật đến thì không đủ sức để kéo được nữa. Cho nên, con người phải đủ tỉnh táo, đủ tự nhiên để giữ gìn một cách bản năng sức lực của mình và chuẩn bị một cách tự nhiên các năng lực.
Hỏi: Là một doanh nhân có kinh nghiệm, bác đã có những thất bại như thế nào và bác đã làm thế nào để vượt qua thất bại đó?
Trả lời: Tôi không bao giờ xem cái gì là thất bại và cái gì là thành công, đấy là một hiện tượng tự nhiên trong đời sống của một người làm kinh doanh. Phải xem rủi ro là thuộc tính của đời sống của một người làm kinh doanh, cho nên không có gì vượt quá sức chịu đựng của bác cả. Bởi vì lúc người ta căng thẳng quá, bất lực quá thì người ta xấu tính, mà xấu tính tức là người ta thất bại với tư cách một con người. Phải phấn đấu như thế nào để chúng ta không xấu tính được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phải biết chia sẻ lợi ích đến từng đồng một, trong những lúc chỉ có một đồng thì cũng phải chia sẻ từng hào, và nếu chỉ có một hào thì phải chia sẻ từng xu. Khi chúng ta làm được như thế thì trí tuệ của chúng ta bỗng trở nên lấp lánh, hay được chuẩn bị để lấp lánh vào những lúc còn lại.
Cho nên trên tổng thể, cuộc đời của bác là một cuộc đời thành công, mặc dù đoạn thành công ngắn hơn rất nhiều so với đoạn bác sống. Nhưng bác truy lĩnh tất cả những sự thất thiệt bác có trong cuộc sống trước đó, nhưng từ khi kinh doanh đến giờ hành vi của bác không thất bại, bác thấy trước tất cả mọi sự thất bại, thất bại trong quan hệ con người, quan hệ kinh doanh. Bởi vì trong quan hệ con người, mình mất một con người thì mình thất bại, ngược lại người đó mất mình cũng là một thất bại.
Hỏi: Trong quyển sách "Văn hoá và Con người" liên quan đến sự phát triển, cháu muốn hỏi bác là văn hoá nào của giới trẻ bây giờ sẽ là tương lai phát triển của nước nhà, và văn hoá nào sẽ làm trì trệ sự phát triển của nước nhà sau này?
Trả lời: Kết luận như thế, đặt câu hỏi như thế thể hiện là cháu chưa có kinh nghiệm. Bác nghĩ rằng văn hoá là thuộc con người, văn hoá không nằm ngoài con người, con người không muốn cũng có văn hoá. Chúng ta sống trong một chế độ mà người ta gán ghép cho con người nhiều thứ mà người ta muốn, cho nên người ta tưởng văn hoá ảnh hưởng đến con người, mà quên mất rằng văn hoá thuộc về con người. Văn hoá có trước khi nó kịp gây ảnh hưởng, văn hoá của người nào thì ảnh hưởng đến hành vi của người đó. Còn nếu nói văn hoá ảnh hưởng đến con người thì sai.
Hỏi: Bác có nói rằng chính phủ ảnh hướng đến xã hội, và chính sách vĩ mô của chính phủ sẽ thẩm thấu vào đời sống con người. Cháu thấy Singapore khuyến khích văn hoá cạnh tranh để kinh tế đi lên, chính phủ Mỹ thì khuyến khích văn hoá tiêu dùng. Vậy theo bác, văn hoá của giới trẻ bây giờ có thực sự do giới trẻ quyết định, hay do các chính sách của nhà nước quyết định?
Trả lời: Đấy là mình kết luận về người Mỹ và người Singapore chứ còn họ có nghĩ thế thật không? Chúng ta nhìn xa thì tưởng thế. Người Singapore thì khuyến khích lao động, còn người Mỹ khuyến khích tiêu dùng, đấy là mình nghĩ thế, còn họ có nghĩ như thế không? Vì một xã hội tiêu dùng thuần tuý mà tóm tắt xã hội Mỹ là xã hội tiêu dùng thì liệu nước Mỹ có trở thành như bây giờ được không? Tôi không đồng ý với kết luận văn hoá Mỹ là văn hoá tiêu dùng, tôi cũng không đồng ý là kinh doanh là động lực cơ bản của Singapore. Người Singapore có nền văn hoá riêng của họ, có tiêu chuẩn đạo đức của họ, có các kỷ luật xã hội của họ, người Mỹ cũng như vậy. Singapore là một đất nước vĩ đại bé, Mỹ là một đất nước vĩ đại lớn, những kẻ vĩ đại ấy chắc chắn phải có một cái nền văn hoá nào đó toàn diện hơn cái mà cháu vừa kết luận. Cho nên vấn đề không phải người Singapore thành đạt là do kinh doanh, so với người Việt người Singapore “ngố” hơn nhiều, bởi vì họ trung thực hơn nhiều. Cho nên tôi không nghĩ người Singapore như cháu nghĩ. Theo kinh nghiệm của tôi thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được sự lương thiện, trung thực và dũng cảm, đấy là tài sản quan trọng nhất của con người khi vào đời.
Nguồn: Vượt qua những giới hạn, tập 2
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét