Chương 17
- Dự cảm được, tất nhiên là dự cảm được. Những ngày ấy, tình thần tớ lúc nào cũng cảm thấy lo lắng bất an, rất nhiều chuyện đã qua cứ lũ lượt hiện về trong tâm trí, đồng thời lại có những sự kết hợp rất lạ lùng: Thoắt cái hình như là cô gái mồm to Ngưu Lệ Phương dẫn theo con chó nhà tớ đến tìm tớ. Cô ta mặc chiếc quần đỏ với chiếc bụng thè lè, nói: Tiền Anh Hào, bụng tôi đang mang con trai của anh! Tớ bảo: Cô nói bậy! Cô ta cười hi hí rồi dắt con chó đi mất. Tớ gào: Ba Lỗ! Ba Lỗ! Nó quay lại, thả một con cá hố mặn xuống trước mặt tớ. Tớ cầm con cá lên, ngay lập tức nó biến thành một con chim, rồi con chim lại biến thành khẩu súng, khẩu súng nhanh chóng khạc đạn, một đứa bé mắt sâu miệng vẩu trúng đạn ngã xuống. Tớ chạy đến định ôm lấy nó, nó tự nhiên biến mất rồi một cây hoa bàn tay tiên mọc lên, trước tiên là nở hoa, rồi hoa tàn biến thành mấy quả nhỏ hình tròn màu hồng phấn, ăn thử một quả thấy chua cháy lưỡi. Buổi tối, tớ dẫn tiểu đội đi tuần tra, không hiểu làm sao tớ lại vượt qua biên giới, bị bốn người bên phía đối phương chụp lấy, tớ trấn tĩnh tinh thần bật dậy, ba chân bôn tay tả xung hữu đột giữa bọn họ. Tớ chạy đằng trước, họ đuổi theo sau, vừa đuổi vừa gọi: Này, người anh em,, không đánh nhau nữa, đùa với nhau một tí thôi mà! Trình độ Hán ngữ của họ không cao, nói trọ trẹ rất khó nghe. Nghĩ tớ là thằng ngốc à, tớ chẳng ngốc đâu! Đùa à, có mà lừa quỷ! Trong lúc cuống cuồng, tớ chạy vào một khu chợ biên giới, lúc thì nấp giữa một đống gỗ lớn, lúc thì ẩn giữa đống quần áo. Những cô gái bên đối phương và những chàng trai bên ta đang đứng haí bên một con phố trêu đùa nhau. Các cô gái thì cầm những buồng chuối ném qua, các chàng trai thì cầm những đôi giày nhựa ném lại; các cô gái thì mang giày nhựa, các chàng trai thì ăn chuối. Bốn gã đuổi theo tớ vừa trông thấy con gái là quên phắt tớ, vây quanh lấy họ, kéo tóc, sờ mông khiến các cô gái nổi giận, nhìn nhau hỏi ai đang chơi trò quỷ. Thừa cơ hội này tớ bỏ chạy, thuận tay vớ lấy một chai rượu. Túi tớ đầy những hạt hạnh nhân, đậu lạc rang tẩm ngũ vị hương, ai nhét vào tớ không hề biết. Ăn vài hạt thấy thơm ngon vô cùng, không độc, thế này là thế nào? Trở về doanh trại, La Nhi Hổ đang lo lắng, nói tớ cứ nghĩ cậu đã bị họ bắt mất rồi, tớ nói, thiếu chút nữa thôi. Trung đoàn trưởng nói: Cậu làm cái trò gì vậy, mộng du à? Đã có quy ước rồi, chúng ta không cho phép họ sang, tất nhiên chúng ta cũng không được sang bên ấy một cách tùy tiện. Tớ nói: Chỉ là mơ mơ thực thực, vô tình mà bước sang thôi, nhưng họ cũng chẳng dễ gì ăn hiếp được tôi, cả bốn tay nọ cũng bở hơi tai vì tôi - Mũi cậu cũng bị họ làm cho vẹo đi rồi - Trung đoàn trưởng nói với vẻ chế giễu - Một chọi bốn mà - Tớ nói - Lúc này họ đang quậy phá ở chợ, có cần đi đùa với họ một phen không? Trung đoàn trưởng nói: Bỏ đi, cố gắng không làm kinh động người sống. Tiền Anh Hào, cậu phải nhớ điều này, nhất thiết không được gây sự - Tớ cảm thấy phật lòng vì nhìn thấy đôi mắt của trung đoàn trưởng có vẻ không tín nhiệm mình, nói: Rõ, tôi xin chú ý!Trong lòng tớ rất bực bội vì đã bị bốn tay nọ đuổi chạy như một con thỏ, do vậy quyết tâm đi quậy phá bọn họ. Tớ bí mật gọi thêm hai chiến sĩ thật lanh lẹ là Tống Tiểu Cường và Lý Lâm. Tôi mời họ ăn kẹo đậu lạc và hạt hạnh nhân. Họ vừa ăn vừa nói rất thơm, chính trị viên à, làm gì bây giờ? Tớ bảo hai người: Đi, chúng ta đi bắt những kẻ địch muốn vượt biên. Cả hai đều rất vui. Chúng tớ hành động vào ban ngày nên vô cùng cẩn thận. Chúng tớ xuyên qua rừng cây như những con cá nhàn nhã bơi lội dưới nước. Xa xa đã trông thấy một cây đa thật to, rất nhiều du khách đang sắp hàng chụp ảnh nhưng bốn tay nọ thì chẳng thấy tăm dạng đâu cả. Tớ chán nản định gọi hai cậu ấy ra về, nhưng vừa ngước đầu lên tớ đã trông thấy một ông lão hình dáng khô quắt đang ngồi trước cửa một quán ăn nhỏ gặm một miếng vỏ dưa. Bố, đúng là bố tớ. Một cô gái mặc áo hở cổ hở lưng vung vẩy cặp đùi trần trụi bước đến đưa cho bố tớ một nắm cơm gói trong lá chuối, ông định nhận lấy thì tớ như một luồng gió lạnh tạt qua người cô gái, cô ta cầm gói cơm chạy mất. Bố ơi, bố đến đây làm gì? Mặt bố đầy bụi bặm, quần áo xộc xệch rách rưới, mùi mồ hôi nồng nặc. Nước mắt tớ trào ra, lòng như bị ong đốt. Đang lúc muốn đến gần bố để gặp mặt thì đột nhiên tớ thấy bốn người nọ đang ngồi uống bia trong quán Mộc Miên, mỗi người ôm một chai bia Ngũ Tinh ngồi vây quanh một chiếc bàn bày đầy các món ăn: một đĩa ớt đỏ, một đĩa rau diếp cá, một đĩa giá đậu, một đĩa bạc hà… Tớ huýt sáo, Tông Tiểu Cường và Lý Lâm xông lên chụp lấy họ. Ngay lúc ấy, bà chủ quán đang nở nụ cười trên đôi môi đỏ chót như lông của loài chim tương tư, dang rộng đôi cánh hướng về phía chúng tớ bay tới, từ thân thể bà ta toát nên một luồng khí nóng hổi, nồng nàn, thiêu đốt toàn thân chúng tớ đến độ đau nhức, nước mắt cay xè chảy ràn rụa trên mặt như trúng phải khí độc. Ôm lấy mắt, chúng tớ xiêu xiêu vẹo vẹo chạy về doanh trại. Trên đường, Lý Lâm bị một cô gái đội mũ lưỡi trai chạy xe máy đụng phải, bị thương. Cô gái này mông to vú nở, khuôn mặt tròn vành vạnh như trăng mười sáu - một người đẹp có khuôn mặt ít thấy ở dân tộc phía bên kia biên giới. Toàn thân cô ta sực nức mùi nước hoa, nồng nặc đến độ tớ cảm thấy nghẹt thở. Đằng sau chiếc xe máy thể thao chở một chiếc lồng tre to tướng, trong lồng có khoảng mười con ngỗng. Những chiếc cổ ngỗng dài ngoằng chui ra khỏi lồng lắc lư như những con rắn. Chúng nhìn chúng tớ, đồng loạt há mồm kêu lên - Chuyện quái quỷ gì thế này? Tống Tiểu Cường càu nhàu. Tớ đem tất cả những gì mình có đưa cho Tông Tiểu Cường và Lý Lâm, nói: Chuyện bữa nay đừng để tiểu đoàn trưởng La biết - Họ gật đầu và trở về phần mộ của mình.
Đêm ấy mưa rất lớn. Những ánh chớp màu lam xuyên thấu qua đât đá và bê tông, chiếu sáng những rễ cây tua tủa như râu bạch tuộc chung quanh vách mộ, nước mưa thấm theo những rễ cây nhỏ xuống như những giọt nước mắt khiến chung quanh tớ, đất sình lên nhão nhoét. Tớ dùng một miếng bom thật sắc chặt đứt rễ cây, nhưng chỉ qua một lát là chúng lại mọc ra như cũ. Quả nhiên vùng đất phương nam này là một nơi biểu tượng của sự sinh sôi nẩy nở vô cùng mạnh mẽ.
Không có cách gì ngủ được, tớ đành nằm nghe tiếng sấm rền vang, nghe tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối. Trong muôn vàn âm thanh, bỗng nhiên tớ nghĩ đến bố mình. Đêm nay bố trú thân nơi nào, làm sao bố ngủ được?
Đến khoảng nửa đêm, mưa đã dứt cơn nặng hạt. Trong rừng, tiếng nước chảy rất mạnh, thi thoảng những ánh chớp màu lam run rẩy và lười biếng vẫn lóe lên. Qua những kẽ nứt, tớ nhìn thấy những chiếc lá xanh ngát lấp lóa và những con côn trùng đủ màu sắc nấp bên dưới lá trong những ánh chớp nhoáng nhoàng. Lại một tia chớp nữa lóe lên, tớ vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy một bóng người còm nhom, bước thấp bước cao xuất hiện trước phần mộ của mình. Cái âm thanh lộc cộc quen thuộc kể từ khi tớ ra đời vang lên. Bố tớ - người bố có một chiếc chân gỗ của tớ đã đến rồi! Ông đang cầm đèn pin chiếu vào bia mộ của tớ, đọc thầm tên tớ, nước mắt già nua lặng lẽ chảy trên đôi gò má nhăn nheo rồi hòa với nước mưa. Bố tớ như đang nói với chính mình:
- Anh Hào con, bố đã đến đây, bố sẽ đưa con trở về quê hương!
Lấy chiếc túi vải từ trên lưng xuống, bố lôi ra một chiếc búa, một chiếc đục, một chiếc xà beng. Tất cả đều là dụng cụ của những người thợ xẻ đá, ngoài ra còn có cả một chiếc xẻng quân dụng.
Bố đi quanh mộ tớ ba vòng, cuối cùng quyết định đục vào cạnh phía sau của ngôi mộ xi măng. Sự chọn lựa này vô cùng sáng suốt, bởi tớ biết rất rõ rằng đấy là nơi có lớp bê tông mỏng nhất. Bố ngồi xổm, một tay cầm búa một tay cầm đục, miệng thì thầm:
- Anh Hào con, đừng sợ nhé!
Bố đặt chiếc đục lên nắp bê tông, vung búa đục hồi lâu. Tiếng va đập giữa kim loại với nhau tạo thành một thứ âm thanh khô khốc làm chấn động nghĩa trang yên tĩnh, những ánh lửa lóe sáng, một lỗ hổng lớn hơn hạt đậu lạc xuất hiện trên nắp mộ. Những tia chớp trên bầu trời bao vây lấy bố khiến mặt bố như ngày càng xanh thêm. Ông dừng tay, ngước mắt lên nhìn bốn phía, dường như ông sợ mình đang rơi vào vòng vây vô hình của ai đó. Chung quanh vắng vẻ, không gian như một đại dương đen ngòm khi không có những tia sấm chớp, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ, những tiếng chim quái dị vẳng đến từ rừng sâu và đom đóm lập lòe. Trên mặt bố, những giọt mồ hôi trong suốt rịn ra. Ông tiếp tục nện búa, những ánh lửa liên tục lóe lên trên đầu chiếc đục. Những âm thanh đanh sắc như những mũi nhọn vang vọng vào trong tất cả các phần mộ và tất cả vong linh đều tỉnh khỏi cơn mộng. Sư trưởng, chính ủy, tham mưu, trợ lý… tất cả đều đã tề tựu, nét mặt ai nấy cũng đều biểu lộ vẻ nghiêm trang quây thành một vòng tròn quanh bố con tớ. Tớ vô cùng lo lắng, nhưng bố thì dường như không biết chuyện gì đang xảy ra. Nếu ông ngước mắt nhìn lên, có lẽ ông sẽ nhận ra được điều gì đó, nhưng ông không nhìn, cũng chẳng quan tâm đến những gì ngoài công việc của mình. Tất cả tinh thần và sức lực của ông đều tập trung vào đôi cánh tay, vào việc dùng búa nện vào đục. Những vụn xi măng tiếp tục văng tung tóe và lỗ hổng ngày càng to ra.
Sư đoàn trưởng quát to:
- Tiền Anh Hào! Ra đây!
Tớ cẩn thận bước ra khỏi phần mộ, như một cơn gió lạnh, tớ đã đứng trước mặt sư trưởng và hơn một nghìn đồng đội của mình.
- Bố cậu định làm gì thế? - Sư trưởng hỏi.
- Thưa thủ trưởng, thưa các đồng chí! - Tớ nói - Tôi cũng không biết bố tôi định làm gì, nhưng xem ra ông muốn đem hài cốt tôi trở về quê hương.
Sư trưởng nghiêm khắc nói:
- Làm loạn! Nếu tất cả anh em ở đây đều để cho người nhà đến đưa hài cốt về quê hương, đơn vị của chúng ta sẽ bị xóa sổ sao?
- Tôi hoàn toàn không biết chuyện này - Tớ nói - Có lẽ bố tôi quá nhớ thương con… Bố tôi già rồi, tất nhiên cách nghĩ cũng có chỗ chưa thâu đáo…
- Ngăn cản hành vi của ông ấy!
Sư trưởng vừa ra lệnh vừa ra hiệu cho hai vị tham mưu họ Trương và họ Vương. Hai vị này tay cầm thước áp sát hai bên bố tớ, chờ cho ông giơ búa lên là tham mưu Trương đập thước thật mạnh vào cánh tay ông. Cây thước tạo nên một vệt sáng màu xám và kèm theo là một luồng gió lạnh, cánh tay bố tớ run lên và chiếc búa rơi xuống đất. Lòng tớ đau quặn lên. Với bàn tay run run, bố tớ nhặt lấy chiếc búa, run run đưa lên cao, cây thước trên tay của tham mưu Vương lại vung lên, chiếc búa lại rơi xuống đất. Lòng tớ lại quặn lên một cơn đau nữa như bị một con dao vô hình chọc trúng tìm. Bố ơi! Được rồi, đừng gắng nữa! Khi chiếc búa trong tay của bố tớ bị rơi lần thứ ba, đột nhiên ông quỳ xuống, hai tay vươn về trước như muốn ôm lấy một vật gì đó, lầm rầm:
- Anh Hào con ơi! Đừng đánh vào cánh tay bố như thế. Bố lặn lội nghìn dặm để đến được đây không dễ chút nào đâu con ơi!
Rồi ông lại cầm chiếc búa lên, tham mưu Vương lại chuẩn bị vung cây thước lên. Lửa trong lòng tớ đã cháy! Tớ quỳ trước mặt tất cả các chiến hữu của mình, nói:
- Các thủ trưởng, các đồng chí! Hãy nhìn vào thân phận là một người lính già của bố tôi mà chấp nhận tâm nguyện của ông đi, hãy tha cho ông đi. Lê một chân qua bao nhiêu dặm đường để đến đây, có lẽ ông cũng đã chết một nửa rồi… Các anh em, tôi cũng không nỡ rời xa anh em đâu…
Khi tớ ngẩng đầu lên, toàn bộ anh em đã biến mất, chỉ còn lại một mình bố tớ đang mím chặt môi, cắn chặt răng liên tục nện búa xuống chiếc đục. Tớ nuốt nước mắt bước vào huyệt mộ, hồn tớ nhập vào những mảnh xương khô ở trong đó.
Nằm trong huyệt mộ, tớ nghe thấy nhịp thở của bố đã rất gấp, rất nặng, những cú nện búa ngày càng thưa dần. Từ những xóm làng xa xa, những tiếng gà gáy văng vẳng đưa lại. Những đám mây hình vảy cá ở phía đông đã bắt đầu đỏ dần. Trời sắp sáng rồi, bố ơi, đêm nay bố không thể đục thủng được huyệt mộ của con rồi!
Những tia sáng đỏ rực đã xuất hiện trên bầu trời, những làn khói đá giăng giăng trong khu vực nghĩa trang trông như những làn khói tỏa ra từ đầu nòng súng. Không khí ẩm ướt và lạnh thấu xương. Chiếc đục trong tay bố tớ đã xuyên qua lớp xi măng và làm vỡ viên gạch đầu tiên. Một tia sáng chiếu vào khiến huyệt mộ sáng rực lên. Sự hưng phấn khiến toàn thân bố tớ run rẩy, những dụng cụ bằng sắt trên tay rơi xuống bê tông vang lên chát chúa.
Tớ hy vọng bố sẽ tiếp tục đục nắp quan tài để cho nhiều ánh sáng chiếu rọi vào bên trong nhưng ông đã cẩn thận nhặt viên gạch đã bóc ra, đậy lỗ thủng lại rồi khó khăn vịn vào thành mộ đứng dậy. Xương cốt trong thân thể ông kêu lên răng rắc, gắng mãi mà chiếc lưng còng vẫn không thể thẳng lên được, đến khi thẳng lưng lên được thì ông lại ngã soài xuống đất. Miệng ông ngoạm đầy bùn, một dòng máu đặc sánh từ từ rỉ ra trên trán, chiếc chân gỗ rời khỏi đầu gối, những dây buộc bùng nhùng. Chống hai tay xuống đất, bố ngồi dậy, xén quần. Một chiếc đùi gầy guộc với những vết thương chằng chịt và những vệt máu tươi. Ông vơ một nắm cỏ dại để chùi các vết bùn và máu tươi trên đùi. Chiếc chân gỗ đứng yên lặng bên ông như một con chó trung thành, lại vừa như một người lính hộ vệ tận tụy. Tớ nhìn nó một cách kính trọng và sợ sệt. Sau khi rời khỏi thân thể bố, nó biến thành một sinh thể có cuộc sống riêng. Bố tớ ôm lấy chiếc chân, rất thận trọng chà xát những vệt bùn dính trên thân thể nó, trông ông lúc này như một ông già cô độc đang ôm một con chó thân thiết, như một người lính ôm khẩu súng cùng vào sinh ra tử. Cuối cùng, ông gắn nó vào đầu gối, thả ống quần xuống che kín nó rồi run rẩy đứng dậy, nặng nề khoác chiếc túi đựng dụng cụ lên vai, bước thấp bước cao đi về phía khóm cây rừng rậm rịt bên cạnh nghĩa địa.
Suốt cả ngày hôm đó, bố tớ giấu mình trong khóm cây rậm rịt ấy, không hề có một tiếng động. Buổi chiều, một trận mưa lớn ào ào đổ xuống, rửa sạch những bùn đất trên người ông. Tớ kinh hoàng khi mơ hồ nhận ra rằng, cơn mưa này có thể quật ngã bố tớ một cách dễ dàng, lòng tớ quặn đau và nóng như lửa đốt.
Bóng đêm vừa ập xuống là bố tớ đã bò ra đến trước phần mộ của tớ. Ông ho liên tục, những âm thanh yếu ớt và trầm đục thoát ra từ trong lồng ngực già nua khiến tớ không ngăn nổi nước mắt. Tất cả đồng đội đều dùng ánh mắt khâm phục nhìn bố tớ. Ông ngồi đúng chỗ mà ông đã ngồi đêm hôm trước, lật viên gạch đắp hờ trên mộ tớ lên và vất sang một bên và đưa một tấm vải nhung có in hình những vì sao chi chít vào trong huyệt mộ. Những tiếng khò khè từ trong lồng ngực ông phát ra, mùi chua loét từ thân thể ông toát ra bay vào trong huyệt mộ. Ông tiếp tục đục bê tông, và đêm nay, tốc độ đục của ông khá nhanh, đến gần sáng thì đã đục được một lỗ to hơn đầu người.
Ông đưa chiếc đầu với mái tóc trắng vào trong huyệt mộ, một hơi thở già nua phả vào hài cốt tớ, những giọt nước mắt nóng hôi hổi như những giọt nến rơi xuống hài cốt tớ, ngay lập tức đông kết lại. Những cơn ho dữ dội vang lên và giữa những cơn ho là những lời than thở kèm theo tiếng khóc cố nén. Ông đứng dậy, nhưng ngay lập tức cả thân hình ông đổ nhào xuống.
Mặt trời đã lên, bố tớ vẫn nằm im trước mộ. Một đồng đội vốn là nhân viên quân y tránh tránh né né đi vòng quanh thân hình bố tớ, chẳng khác nào một con chó sói nghi ngờ đi vòng quanh thi thể một con hổ, cuối cùng cũng cúi khom người như một chiếc cầu cong vòng, đưa đầu ngón tay sờ vào trán ông, kêu lên một tiếng thảng thốt: Nóng, nóng quá!
Sư đoàn trưởng hỏi tớ:
- Tiền Anh Hào! Cậu đã hối hận chưa?
- Tôi sai rồi! - Tớ trả lời.
- Làm người thì đằng nào cũng phải chết, cậu không phải quá đau khổ. Nếu bác mà chết ở đây, tôi sẽ phá lệ để ông gia nhập vào đơn vị của mình.
Tôi suy nghĩ một lát rồi nói:
- Thưa sư đoàn trưởng, chính ủy, thưa các anh em chiến hữu… Bố tôi đã hơn bảy mươi, tôi không nỡ lòng nào nhìn thấy ông với một chân đứng gác, đi tuần.
- Chúng ta sẽ không cắt cử ông đứng gác hoặc đi tuần đâu - Sư trưởng nói.
- Như thế cũng không được. Cho dù vợ tôi đã bồng con tái giá, nhưng bố tôi vẫn là ông nội của con tôi. Trẻ con không có bố, lẽ nào lại không có luôn cả ông nội? - Tôi phản đối.
Gương mặt bám đầy rêu xanh của sư đoàn trưởng trở nên tư lự giây lâu rồi đưa tay phải lên chém mạnh xuống, nói:
- Các đồng chí, vì ông lão này, chúng ta hãy tận dụng hết khả năng của mình để đánh động đến người sống!
Nghĩa trang đang yên ả bỗng nhiên vang động bởi tiếng khóc của hàng nghìn hồn ma chiến sĩ. Không gian vần vũ, ánh mặt trời run rẩy, cây cối chung quanh cúi đầu ủ rũ. Ở trên cao, vầng thái dương nhạt nhòa như một chiếc đĩa tròn màu xám ngoét.
Sư đoàn trưởng lại tiếp tục vung tay, toàn bộ chiến sĩ nhảy lên cây, bẻ cành, rung cây thật mạnh để cho lá và hoa rơi xuống lả tả. Nhiều anh em lại mở những vòng hoa đã bị héo úa vì mưa nắng trước mộ và tung những cánh hoa bay đi khắp nơi, có người còn leo lên tận nóc ngôi nhà của ban quản lý nghĩa trang mà lay trụ và dây ăng ten ti vi, hét vào trong ống khói nhà bếp, có người dùng đầu húc vào cửa… Toàn cảnh nghĩa trang trở nên náo nhiệt vô cùng.
Người quản lý nghĩa trang quen thuộc mở cửa bước ra ngoài. Ông ta phát hiện ra bố tớ, lập tức thổi còi báo động, mấy nhân viên bảo vệ lập tức xuất hiện. Họ lôi bố tớ dậy, quát lớn:
- Lão già này, ngay cả hài cốt liệt sĩ mà còn dám ăn cắp, thế thì trên đời này còn có gì mà lão chẳng dám làm?
Đầu bố tớ cúi rủ trước ngực, một nhân viên mò mẫm trên thân thể ông tìm ra một giấy chứng nhận chiến sĩ vẻ vang và một giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ đã bị nước mưa thấm ướt. Ngay lập tức, thái độ của họ thay đổi, vẻ kính trọng biểu lộ rõ ràng trên mặt. Họ khiêng bố tớ đi. Trong tiếng hát vang trời của anh em đồng đội, nước mắt tớ ứa ra.
Nửa tháng sau, dưới sự hỗ trợ của một cán bộ địa nhương và một quân nhân đeo đôi gọng kính trắng, bố tớ quay lại nghĩa trang, đến bên mộ tớ. Bốn nhân viên nghĩa trang cầm xẻng, đục và các vật dụng khác đứng bên chờ đợi.
Người lính đeo kính rất cẩn thận lau sạch bia mộ tớ, hạ giọng trao đổi vài câu gì đó với vị cán bộ địa phương. Vị này cao giọng bảo các nhân viên nghĩa trang:
- Bắt đầu đi!
Họ lật nắp quan tài, xúc đất trong huyệt mộ, chặt đứt các rễ cây, còn chém đứt rất nhiều giun đất cổ trắng. Tiếng xẻng xúc đất soàn soạt, tớ cảm thấy toàn thân mình dau đớn dữ dội. Vị cán bộ địa phương vội vàng bảo:
- Nhẹ tay tí, sắp đến rồi!
Những nhân viên nghĩa trang đeo găng tay vào, trước tiên đã đặt đầu tớ vào trong một chiếc túi nhựa màu đen, tiếp theo là nhặt tất cả những mảnh xương của tớ theo thứ tự từ trên xuống dưới bỏ vào túi nhựa, không bỏ sót một mảnh nào. Xong xuôi, họ cẩn thận gói túi nhựa đựng hài cốt tớ trong một tấm vải bố màu xanh lục rất nhiều lớp. Vị cán bộ quân đội đeo kính rất thận trọng bê tớ lên, trịnh trọng nói với bố tớ:
- Bác trai, tuyệt đối phải giữ bí mật nhé!
Bố tớ đỡ lấy tớ, ôm vào lòng, nói:
- Thủ trưởng, tôi lấy danh dự của một cựu quân nhân để đảm bảo rằng, có dùng kìm nhổ hết răng, cũng không có chuyện tôi hé miệng nói chuyện này với ai.
Trên chiếc xe Jeep quân dụng tròng tành, bố ôm chặt lấy tớ trong lòng. Tớ nghe thấy tiếng thở mệt nhọc và tiếng tìm ông đập yếu ớt. Đường đất quá xóc, thân hình bố tớ lâu lâu lại bị hất tung lên, nhiều lần đầu ông chạm vào mui xe bằng vải bố. Vị cán bộ quân đội nhìn bố tớ một cách thương cảm, nói:
- Chỉ còn bốn tháng nữa là một con đường loại một sẽ được hoàn tất.
Tớ trông thấy hai bên đường, những chiếc xe ủi và nện đất màu vàng sậm đang bò một cách chậm chạp, mùi hắc ín nồng nặc đang bao trùm trong không gian rừng núi. Núi xanh cây biếc, trời cao mây trắng, cây bông đang dộ dơm hoa. Chiếc xe Jeep đi qua một con đường vòng thì bị một chiếc xe tải chở đầy những súc gỗ tròn của đất nước bên kia biên giới đang nằm giữa dường chặn mất lối, tay lái xe người nhỏ gầy, lưỡng quyền nhô cao đang đứng sau đít xe đưa tay vẫy rốì rít. Tay lái xe của chúng tớ bực tức văng ra một câu chửi thề nhưng cũng dừng xe lại. Vị cán bộ quân đội đeo kính nhảy ra khỏi xe, dùng một thứ ngôn ngữ lạ lẫm nói chuyện với tay lái xe nọ rồi quay lại nói với lái xe chúng tớ:
- Anh ta muốn mượn chúng ta cái kích, cậu có không. Nếu có thì cho anh ta mượn đi. Xe anh ta không sửa được, chúng ta cũng đành phải nằm lại đây thôi.
Một cách chậm chạp lười nhác, lái xe quay ra phía sau chiếc xe Jeep mở thùng dụng cụ và lôi chiếc kích ra. Người kia luôn mồm nói lời cảm tạ. Té ra mấy câu nói cám ơn đơn giản này anh ta nói thật lưu loát.
Lợi dụng cơ hội này, tớ thoát ra khỏi chiếc túi trong lòng bố, chui ra khỏi xe và đứng trên một tảng đá trắng bên cạnh đường để ngóng về nghĩa trang liệt sĩ. Tớ trông thấy rõ ràng tất cả anh em đang tập trung trên khoảng đất trống và tất cả đều đang dang tay về phía tớ. Như có một lực hấp dẫn cực mạnh nào đó lôi kéo, tớ chẳng nghĩ ngợi gì hết, lao thẳng về phía đồng đội của mình.
Gương mặt sư trưởng như một tảng đá nặng nhưng bằng phẳng, rất nghiêm toang. Tớ nói:
- Anh em ơi! Tôi không về nữa, tôi không nỡ lòng rời bỏ mọi người!
Sư trưởng bước về phía tớ, dùng bàn tay lạnh như băng bịt miệng tớ lại, nói:
- Đồng chí Tiền Anh Hào! Chúng tôi cũng không hề muốn cho cậu đi, bởi vì cậu ra đi là cái đội hình này của chúng ta - Ông đưa tay chỉ đội hình chiến sĩ, nói một cách nặng nhọc - tất nhiên sẽ thiếu đi một góc mà không có cách gì bổ sung.
Chính ủy nói:
- Nhưng việc này đã làm kinh động đến thế giới của người sống, không có cách gì để cứu vãn đâu. Cậu đã biết rồi đấy, chỉ cần cậu rời khỏi hài cốt một ngày một đêm, cậu sẽ hóa thành một làn khói xanh.
Hoa Trung Quang - lúc này đã được điều động lên Phòng tuyên huân sư đoàn chạy ra khỏi hàng đưa cho tớ một tờ báo và một tập thơ chép tay rất công phu, đôi mắt đỏ hoe, nói:
- Chính trị viên, tặng anh để làm kỷ niêm…
Tiếng xe nổ máy vang rền từ xa xa, tớ biết là mình phải đi. Tớ ôm lấy tờ báo và tập thơ, ba bước ngoái đầu nhìn lại một lần, lưu luyến nhìn anh em đồng đội. Chờ cho đến khi hồn tớ nhập vào trong chiếc xe, từ phía sau mới vang lên một khúc ca trầm hùng:
Chiến hữu thân như anh em ruột,
Chiến tranh liên kết thành một khối.
Khi sống cùng kề vai chiến đấu,
Chết rồi mộ huyệt nối tiếp nhau…
… Chúng tôi ngồi yên lặng trên đầu ngọn cây, cùng nghe những lời ca tống biệt từ nơi xa xăm vẳng lại, cảm thấy phương nam xa xôi đang kêu gọi mình…
Chương 18
àn đêm thật yên tĩnh, sao trời đêm nay dày một cách bất thường, mặt sông mơ mơ hồ hồ phản chiếu ánh sao. Thi thoảng, những ngôi sao băng lóe sáng phóng vụt qua bầu trời, chiếu rọi gương mặt chúng tôi. Chúng tôi ngồi lặng yên, hình như những gì cần nói đều đã nói ra tất cả. Nước sông vẫn tiếp tục dâng cao, trong màn đêm đen kịt và yên lặng, tiếng nước chảy nghe có vẻ rõ ràng hơn, mùi tanh tanh của phù sa bốc lên nồng nồng. Tôi cảm thấy lạnh cóng.
Trên con đê hai bên bờ sông, cứ cách khoảng mười mấy bước chân, người ta đặt một ngọn đèn bão. Chúng đang tỏa những quầng sáng vàng vọt như cố gắng xua đuổi bóng đêm. Bên ngọn đèn đặt gần gốc cây liễu mà chúng tôi đang ẩn nấp có một người đàn ông trung niên và một thằng bé đầu to cổ nhỏ đang ngồi. Ban đầu, chúng tôi không hề chú ý đến họ, đến khi người đàn ông cởi áo tơi và nón lá ra, chúng tôi mới phát hiện đó là Trương Tư Quốc. Cậu ta đang hút thuốc, đốm lửa lóe sáng từ đầu điếu thuốc soi rõ vết sẹo trên mặt cậu ta. Quách Kim Khố nói:
- Tớ quên mất, không nói cho hai cậu biết là Trương Tư Quốc đã cưới vợ. Vợ cậu ta là một người đàn bà góa hơn ba mươi tuổi, đứa trẻ kia là con riêng của cô ta.
- Có vợ vẫn tốt hơn so với sống độc thân - Tôi nói.
- Kỳ thực, trong số chúng ta không ai bì được với Trương Tư Quốc - Tiền Anh Hào nói.
Tôi hỏi Quách Kim Khố:
- Cậu cùng ở một đơn vị với cậu ta, cuối cùng chuyện, này là thế nào?
- Tớ không ở cùng tiểu đoàn với cậu ta. Đầu tiên là nghe nói cậu ta đã hy sinh, sau đó thì lại bảo không hề hy sinh. Thằng quỷ này sống thực lòng quá!
- Cậu nói tỉ mỉ một tí! - Tiền Anh Hào bảo.
- Tớ cũng chỉ nghe người ta nói lại thôi - Quách Kim Khố nói - Cậu ta ở trong tiểu đội phá mìn, cùng tổ với cậu ta còn hai thằng nữa. Sau khi phá xong năm quả mìn định hướng, cả nhóm tiếp cận đến một điểm cao ở phía bên phải trận địa, hai đồng đội của cậu ta vướng mìn hy sinh, cậu ta bị thương. Chẳng kêu lên tiếng nào, cậu ta tiếp tục phá mìn mở đường. Những anh em ở phía sau đều trông thấy rõ ràng cậu ta bò lên trên sườn dốc cao rồi lăn lông lốc xuống. Sau đó thì mọi người nghe tiếng mìn nổ vang rền. Cậu ta lại bị thương và được khiêng đến trạm xá tuyến sau. Lúc ấy ai cũng nghĩ rằng cậu ta dùng thân thể để kích thích cho mìn nổ, mở đường cho thắng lợi. Cuộc chiến vừa kết thúc, người ta ghi công cho cậu ấy, lãnh đạo cơ quan cũng vô cùng kính nể, sai người đến bệnh viện nói chuyện với cậu ta, chuẩn bị tài liệu để báo cáo với quân ủy trung ương phong danh hiệu “anh hùng phá mìn” cho cậu ta. Nhưng cái cậu này, đúng là mèo chết không leo nổi cây, nói với hai chuyên viên cục chính trị rằng: Tôi không hề phá mìn, ở chỗ đó chẳng có quả mìn nào cả, trời lại đang mưa, khi bị thương vào chân tôi đã bò lên sườn đồi, chiếc chân bị thương không có sức nên bị trượt xuống, lúc ấy có hai tiếng nổ vang lên. Tôi là chuyên gia phá mìn, việc gì phải lấy thân mình để kích nổ mìn, làm như thế không phải là tự tìm cái chết sao? Tất cả tài liệu đều bảo tôi phá được năm quả mìn là không đúng, thực ra tôi chỉ phá có một quả, còn bốn quả kia là do Lưu Hòa và Trịnh Hồng Kỳ phá. Họ đều đã chết, anh chàng cao lớn Lưu Hòa đã che hết miểng của quả mìn nên tôi mới không chết. Các ông hãy ghi công cho họ, tôi còn sống được là đã hưởng nhiều diễm phúc lắm rồi, không cần công trạng gì đâu… - Quách Kim Khố nói - Tất cả là như vậy, cái thằng ngốc ấy đã vứt cái danh hiệu anh hùng đã nằm gọn trong tay mình…
Chúng tôi cùng chăm chú nhìn vào gương mặt Trương Tư Quốc. Từ lâu lắm rồi, nó không còn là gương mặt mập mạp của anh chàng đánh xe ngựa cho phòng hậu cần của trung tâm dự bị Trương Tư Quốc nữa. Ngày ấy, cậu ta đánh xe ngựa đến các nông trường để vận chuyển thực phẩm, gương mặt dương dương tự đắc nói, học được nghề đánh xe ngựa sau này về quê nhất định sẽ có chỗ dùng.
Khi chúng tôi đạng mê muội vì cô dẫn chương trình Ngưu Lệ Phương thì cậu ta đang mê muội con ngựa đực lông vàng. Có một lần ở chuồng ngựa, tôi đã gặp phải cậu ta đang chải lông cho con ngựa. Cậu ta nói, Triệu Kim, cậu có biết không, ngựa tốt rất hiểu tính người. Ngựa hay khác nào người quân tử, bò dê chẳng nhận nổi mẹ mình. Con ngựa này đã từng cứu mạng tớ. Cậu ta kể rằng, có một lần cậu ta ngủ gục bị rơi xuống đất, nằm dưới vành bánh xe, con ngựa này đã cắn quần áo lôi cậu ta ra, nếu không có nó, e rằng cậu ta đã bị bánh xe nghiến nát. Chuyện của cậu ta kể, tôi nghe có vẻ quen lắm vì đã có nhiều người kể chuyện tương tự như thế về ngựa cho nên bán tín bán nghi, cậu ta lại rất thật thà hỏi tôi: Triệu Kim, tớ nghĩ là khi tớ phục viên, tớ sẽ dùng số tiền phụ cấp phục viên để mua con ngựa này về, cậu nghĩ xem đơn vị liệu có đồng ý không? Tôi coi cậu ta chẳng ra gì, cho rằng cậu ta chẳng có chút hùng tâm tráng chí nào nên nói: Nếu nó là một con ngựa cái thì quá tốt! Cậu ta sững sò giây lâu rồi buồn rầu nói: Tớ nói chuyện với cậu một cách nghiêm túc, sao cậu lại châm chọc tớ như thế?
Đốm lửa đầu điếu thuốc trên miệng cậu ta lập lòe, những con côn trùng màu trắng cứ đâm đầu vào chiếc đèn bão và lăn ra chết nằm rải rác chung quanh chiếc đèn. Thằng bé đầu to cất giọng hết sức ngang tàng:
- Anh bạn, hãy kể cho tôi nghe câu chuyện gì đi!
Trương Tư Quốc bạt tai thằng bé, nói:
- Nhóc con, mày không được gọi tao là bạn, tao là bố mày!
Thằng bé có vẻ không bằng lòng, cười nhạt, hai chiếc răng nanh nhọn hoắc, nói:
- Anh bạn, bố! Tôi không quen gọi bố, nhưng dù sao thì mẹ tôi cũng đã bảo tôi gọi anh bằng bố.
- Mẹ mày đã bảo gọi tao bằng bố, có nghĩa tao là bố mày - Cậu ta nói - Tao có thể gọi mày là anh bạn, nhưng mày không thể gọi tao như thế. Mày coi chừng kẻo rơi xuống nước. Chúng ta cần phải bảo vệ mẹ mày, mẹ mày chính là vợ tao, chúng ta còn phải bảo vệ mùa màng cho tất cả mọi người.
- Cái cậu này, đúng là đồ đuôi ngựa không thể vểnh lên nổi - Quách Kim Khố nói:
- Có một lần, vừa trông thấy cậu ta là tớ cất tiếng chửi: Người ta thì không có thành tích gì còn cố nặn ra để lừa thiên hạ, còn cậu đã phá mìn lại còn bày đặt khiêm tốn, đúng là đồ trứng thối còn bày đặt chỉnh lý địa cầu. Kể từ đó, cậu ta cứ trông thấy tớ là đã tránh từ xa, trông như một thằng ăn trộm vặt.
- Thế từ đó đến giờ, cậu ta chẳng bao giờ tìm đến cục chính sách nữa à? - Tôi hỏi.
- Hình như là chẳng bao giờ - Quách Kim Khố nói.
- Thế thì cậu nên giúp cậu ta, đi hỏi thử xem - Tôi bảo.
- Làm sao mà tớ quan tâm nổi - Quách Kim Khố nói - Vả lại, ngay cả việc của mình mà cậu ta chẳng hề quan tâm, người khác lo lắng thì được cái tích sự gì?
Tiền Anh Hào nói:
- Mỗi người đều có một chí hướng, không nên miễn cưỡng. Nếu có cho cậu ta đi làm công nhân, chắc gì cậu ta đã thoải mái?
Tôi cảm thấy mình không còn gì để nói nữa, Quách Kim Khố và Tiền Anh Hào cũng chìm trong yên lặng. Một con cá thật to sáng lấp lóa tung mình lên khỏi mặt nước và rơi xuống, nước bắn lên đến tận mặt tôi. Tôi cảm thấy nước sông rất ấm.
Thằng bé đầu to đột nhiên hoảng sợ, hạ giọng:
- Anh bạn, bố! Hình như trên ngọn cây có người!
Trương Tư Quốc đứng dậy, cầm chiếc đèn đưa lên cao. Ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn chiếu sáng khuôn mặt đã có rât nhiều nếp nhăn của cậu ta.
Cậu ta đặt chiếc đèn xuống, giáng cho thằng bé một bạt tai và miệng như lầm bầm một câu gì đó…
Cao Mật - Bắc Kinh - Thạch Gia Trang
Tháng 5-1992
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét