ĐI BUÔN VỚI NHÀ THƠ HỮU THỈNH
Trích “Trưởng làng văn thời hiện đại” của TRUNG TRUNG ĐỈNH
Nếu tôi nhớ không lầm, thì tôi quen Hữu Thỉnh rất bình thường, đó là buổi chiều tối một ngày đầu Đông năm 1978, tôi vừa cùng Nguyễn Trí Huân từ trại viết Khu V ra đến Hà Nội. Nguyễn Trí Huân thì đã quen Hà Nội trước khi đi B nên xuống ga Hàng Cỏ cái là Huân tếch về Nhổn, nơi có mẹ và em gái Huân đang chờ sẵn. Còn tôi, đây là lần đầu được triệu ra Hà Nội để định cư và theo học khóa I viết văn Nguyễn Du.
Tất nhiên là bỡ ngỡ. Hữu Thỉnh ở trong một căn phòng của dãy nhà cấp 4 dành cho các trại viên quân đội cùng với cô con gái nhỏ, bé Thanh. Hồi ấy quân đội có hai trại viết đình đám nhất, đó là trại viết quân đội và trại viết Quân Khu V. Tôi thì nghe tên, đọc thơ Hữu Thỉnh hơi bị nhiều, vì hồi ấy Hữu Thỉnh nổi như cồn, chỉ sau Thanh Thảo, (đấy là cách đánh giá hồn nhiên của anh em khu V chúng tôi), vì trường ca “Đường tới thành phố”.
Trường ca “Những người đi tới Biển” của Thanh Thảo ra trước “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh đâu một hai năm, mà Thanh Thảo cũng nổi tiếng hơn Hữu Thỉnh trước đó vì cả tập “Dấu chân qua trảng cỏ” được cụ Chế Lan Viên đánh giá cao ngút trời. Tôi vốn yêu trẻ con nên thấy bé Thanh đứng lơ ngơ ngoài cửa liền dắt bé ra ngõ mua kẹo lạc và mấy quả mận hậu rồi lại đưa trả về cho bố Thỉnh. Hữu Thỉnh bày ra giường thịnh soạn nào cơm rượu, cá mè kho dưa, rau muống luộc thơm lừng, mời tôi. Chúng tôi đánh chén no nê.
Tôi kể trại viết khu V anh em viết sướng thế nào vì anh trại trưởng Nguyễn Chí Trung chăm lo đời sống khá “siêu”, có vài anh được hưởng hai suất lương, lương quân đội và lương dân sự, mới đây giải tán trại mới phải trả lại nhà nước. Anh Trung tổ chức nuôi hai trăm con gà công nghiệp đẻ trứng, anh em trại viên ăn trứng thỏa thuê, bán trứng lấy tiền mua thêm thực phẩm cải thiện. Gà thì đẻ trứng rất đều còn các trại viên thì đẻ tác phẩm cũng sòn sòn.
Tôi là lính địa phương mới về trại, thấy sướng quá là sướng. Bản thân đầu trần chân đất, chưa vướng bận vợ con, lại sẵn có tính ham chơi, ham rượu, ham bạn, được tự do, nhiều khi quá trớn, đi theo cả cánh Sơn Đông Mãi Võ lẫn mấy chú tây đen đưa về trại. Tôi nhớ có lần tôi đưa hai chú em tây đen từ ga về giữa đêm, định cho các chú ngủ lại trong phòng, không may gặp Hữu Thỉnh đi đâu về.
Hữu Thỉnh gọi tôi ra vườn chuối trước nhà, túm ngực tôi, giật cật lực khiến tôi ngã dúi dụi, rồi nghiến răng mà rằng, chú liều lĩnh nó vừa vừa thôi, đưa cả bọn tây đen về doanh trại thì quá lắm, có chuyện gì xảy ra, chú phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hồi ấy chơi với tây là chuyện tầy đình. Hai chú tây đen này tôi quen thân vì tôi la cà uống rượu ngoài ga, nhà hai chú ở ga. Các chú nhiều năm làm nghề bán nước chè rong trên tầu, dưới ga.
Mẹ các chú là người gốc Ấn, cha người Pháp, hiện vẫn ở Pháp. Mẹ các chú đưa các chú về Việt Nam sinh sống từ hồi Việt kiều Thái Lan Tân Đảo những năm sáu mươi được chính phủ ta cho về. Tóm lại các chú có quốc tịch Việt đàng hoàng, nhưng người thì cao nghều, da thì đen bóng, răng trắng, mắt hơi trố nên mọi người có phần ngại. Tôi thấy hai chú em này hiền lành, vui vẻ, lại dễ bảo, đi với tôi lên Yên Bái cùng Hàn Phi Quang Sơn Đông mãi võ giang hồ khách rất được việc nên đánh bạn, chả thấy có gì nguy hiểm.
Sáng hôm sau anh Thỉnh gọi tôi sang phòng, cho một bài học nhớ đời về việc quan hệ với người nước ngoài nó nguy hiểm thế nào. Anh nhấn mạnh, đi đâu, làm gì cũng phải nhớ mình là quân nhân, không nên quá buông tuồng, suồng sã. Tôi hồi ấy chưa nhận ra tố chất lãnh đạo của Hữu Thỉnh, chỉ thấy anh chân thành góp ý thì cũng nhanh nhận ra mình quá đơn giản, vậy thôi.
***
Tôi được Hữu Thỉnh rủ về quê anh chơi. Hồi ấy kinh tế rất khó khăn, gần như anh em trại viên nào cũng có dính dáng đến buôn buôn bán bán những thứ vật dụng vặt. Tôi rủ Hữu Thỉnh buôn thuốc lào vì quê tôi thuốc lào Vĩnh Bảo nổi tiếng. Hữu Thỉnh hồ hởi ô kê. Anh đưa tôi đi khắp vùng quanh Vĩnh Yên quê anh thăm dò thị trường hẳn hoi. Phải chuẩn bị chiến trường thật chu đáo rồi đánh một quả là phải thắng ngay.
Đi thăm dò thị trường thì thấy quá hay. Đâu đâu người ta cũng thiếu thuốc lào. Chúng tôi đặt được cả điểm bỏ mối đâu vào đấy xong, tôi về quê lèn một ba lô khự, trốn qua không biết bao nhiêu trạm kiểm soát, để đến được Vĩnh Yên, coi như thắng bảy tám mươi phần trăm. Hồi ấy buôn thuốc lào là buôn hàng quốc cấm, là buôn lậu! Hai anh em chưa vội đem đi bỏ mối ngay vì nghĩ nắm chắc phần thắng trong tay rồi, liên hoan cái đã.
Chị Minh, vợ anh Thỉnh làm ở một cái kho lương thực thực phẩm nên cánh tôi được đãi một con gà và chai rượu cam. Đánh chén no nê, hôm sau hứng chí đèo nhau đi đánh quả. Kể cũng lạ thật, lúc đi thăm dò ai cũng hồ hởi, bảo thuốc lào Vĩnh Bảo thì nhất rồi, giá bấy nhiêu, bấy nhiêu.
Tính ra lời gấp đôi, thậm chí gấp ba, oách phết. Nhưng bây giờ đem đến cho họ, họ chê thuốc nóng, thuốc ngái, giá loại này chỉ bằng nửa giá mua. Hữu Thỉnh bảo tôi, để đấy, giáp tết ra chiêu, không vội. Nhưng rồi giáp tết, ế vẫn hoàn ế. May mà về kể chuyện thuốc lào ế, có anh Dinh mua cho đúng giá gốc, với điều kiện phải biếu tặng bác Dinh cái túi ni lông Trung Quốc, loại túi quý hiếm mới xong việc. Hú vía!
Hữu Thỉnh là người chu đáo, tính toán cặn kẽ. Tôi và Hữu Thỉnh đi thực tập ở Quảng Nam. Quảng Nam Đà Nẵng là đất của tôi, tôi vào trước mấy hôm. Hôm Hữu Thỉnh vào, chuyến tầu đêm, tôi ra đón ở ga. Đợi khách xuống ga hết Hữu Thỉnh mới lọt tọt theo tốp khách sau cùng.
Vì sao? Vì anh đeo một ba lô nặng tỏi và khoai tây, hàng này không quốc cấm, nhưng nặng mà lời ít. Chúng tôi đưa nhau đến một góc sân ga, trải ni lông, chia hàng trong cái ba lô của Hữu Thỉnh ra làm đôi, một nửa đem bán, nửa kia chia làm mấy phần, phần này quà cho Quế, phần này quà cho Lợi, phần này quà cho anh Phát, phần này cho anh em trại.
Tóm lại chia năm sẻ bẩy. Tôi đeo phần nửa kia vô chợ bán, theo đúng như tính toán của Hữu Thỉnh thì coi như nửa bán đi ấy gỡ đủ vốn. Thắng phần làm quà cho anh em. Sướng rên. Hữu Thỉnh bảo tôi buôn bán là phải biết tính toán, anh tính toán kỹ nên không bị lỗ. Chúng tôi đem phần quà cho mọi người, ai cũng hồ hởi phấn khởi. Chúng tôi chia nhau quà rồi sau đó chia nhau đi thực tế dưới các hợp tác xã.
Cùng ăn, cùng ở, cùng nằm với bà con xã viên hai tuần. Tôi đi đến đâu cũng được mời đánh chén. Về, gặp Hữu Thỉnh, kể chuyện ăn đặc sản bò thui, ăn mì Quảng, ăn tôm hùm, thịt heo luộc ngon chưa từng thấy. Anh bảo, số chú sướng, tôi về ở nhà dân, họ còn đói quá, mình không được ăn uống nhậu nhẹt gì, thậm chí có mấy cân tem phiếu gạo cũng biếu họ luôn. Lần ấy Hữu Thỉnh viết được cái bút ký rất hay về nông nghiệp, nông thôn, về phong trào hợp tác nông nghiệp.
Anh cho tôi xem, tôi phục sát đất. Các nhà thơ viết ký hay thật. Nhưng hỏi tên bài bút ký là gì, anh cứ loay hoay hết “Một điểm sáng” lại sang “Một xã anh hùng” gì gì. Tôi bảo, để tôi biếu bác cái tên. Trong bài ký có một câu “đi giữa đồng lúa” tôi bảo lấy câu đó làm tên vừa giản dị, vừa không khí, vừa đúng, vừa hay. Hữu Thỉnh phải đãi tôi một chầu bia. Lúc lên tầu ra Hà Nội, trước khi lên ga chúng tôi bàn tính, đánh quả ra mới là quả chính. Vừa lên tầu, nhận ghế, có một tay cán bộ vẻ sành sỏi đã nhận chỗ mắc võng, sau đó dưới võng anh ta mấy bà bán dưa hấu đem xếp đầy cả chục quả to.
Hữu Thỉnh bê một rồi hai, rồi ba quả lên cho tôi xem, hỏi: “Duyệt không?”. Tôi đồng ý “duyệt”. Thế là chúng tôi “chơi” luôn sáu bẩy qủa dưa hấu to đùng. Tầu chạy. Tay cán bộ kia ngủ khì còn chúng tôi cứ nơm nớp lo cán bộ thị trường hỏi. Cuối cùng cũng may, không có chuyện gì xảy ra. Tay cán bộ kia đến ga nào cũng dậy mua thịt gà, trứng hay bánh trái chén, tôi để ý thấy tay này đích thị là tay buôn chuyến. Hữu Thỉnh bảo, mình cứ để ý theo hắn, hắn bán gì mua gì mình làm theo là ăn.
Đến ga Thanh Hóa y như rằng hắn dậy bán dưa hấu. Hữu Thỉnh bảo tôi, cứ xem giá hắn bán bao nhiêu mình bán theo. Quả thật, buôn bán vào cuộc mới biết không dễ một chút nào. Chúng tôi bán theo hết số dưa, thấy có lời kha khá, coi như thắng lợi. Tay kia mua dừa, Hữu Thỉnh bảo tôi mình cũng mua dừa. Mua một nghìn một quả, ra Hà Nội ba nghìn ăn chắc. Thế là cánh tôi lèn cứng hai ba lô dừa Thanh, xuống ga Hà Nội có mấy người đòi mua ngàn rưỡi hai ngàn, anh Thỉnh bảo tôi, buôn bán là phải gan lì, thôi ta chịu khó đeo về, mai bảo cô Hương chịu khó đem ra chợ, được năm ngàn một quả chứ không phải hai ba.
Cô Hương khi ấy là người yêu tôi, sinh viên khoa thư viện Đại học Văn hóa, chưa bao giờ buôn bán, chưa bao giờ đứng chợ, vì nể cánh tôi mà nhận lời. Hóa ra ngồi chợ cũng không đơn giản, cô Hương lớ nga lớ ngớ bày hàng ra, người ta xúm vào, “tôi quả, tôi quả”, miệng nói tay nhặt, chỉ một lúc nhoáng cái là hết sạch. Không cái dại nào giống cái dại nào! Anh Thỉnh lại bảo, coi như trả học phí buôn, hơi đắt tí nhưng không sao, mình được bài học nhớ đời. Dân làm ăn phải biết chấp nhận cả thắng lẫn thua. Thua keo này ta bày keo khác.
Sau đó có tới dăm phi vụ, nhỏ lẻ có, hoành tráng có, trong ký ức nghề buôn bán của tôi, cho tới bây giờ vẫn không hề mảy may có một kỷ niệm thành công thắng lợi nào. Thế mà không hiểu sao hồi ấy vẫn cứ ham! Tôi nhớ trại viết văn Quân đội chúng tôi được ưu đãi đặc biệt hơn cánh dân sự nhiều. Anh em tự sáp lại với nhau thành nhóm.
Cánh Xuân Đức, Khắc Trường rủ nhau về Quảng Trị mua tiêu sọ đem ra Hà Nội bán, theo tính toán cũng sẽ lãi gấp ba, nhưng thực chất bị dân Hà Nội chê tiêu lép, giá còn bằng nửa tiền giá gốc, lỗ chỏng vó. Cánh Nguyễn Trí Huân, Trần Nhương, Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa buôn vô Nha Trang, Đà Lạt hàng quai guốc, thuốc nam, bán cho dân kinh tế mới.
Hàng đem ra là mành mành ốc biển, hạt cườm ốc biển, không “đổ” được cho mối nào, lỗ thê thảm. Cánh Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng “đánh” lốp xe đạp Hóc Môn từ Sài Gòn ra, không bán cho dân buôn ngoài chợ được, đành phân phối lại cho anh em trại viên giá gốc, lời chút đỉnh. Còn ai nữa? Tô Đức Chiêu tuần nào cũng phi con Cá Xanh về Hải Dương, “đánh” nhỏ lẻ, nào dây cao su buộc hàng, nào vài bộ ấm chén, vài chục bát sứ Hải Dương, vài ổ khóa, vài cái bóng đèn, phích nước, xích líp xe đạp, hàng lên Hà Nội mùa nào thức nấy, khi vải thiều, nhãn lồng, khi khoai lang, ngô nếp, thắng tí ti, nhưng chắc.
Tóm lại, ngành thương mại của các nhà văn lúc ấy, dưới sự cai quản của Hữu Thỉnh, coi như thất bại cơ bản, toàn diện và vững chắc. Sau mỗi đợt nghỉ hè, tổng kết, kể cho nhau nghe, tốn vài ba lít rượu quốc lủi do Trần Anh Trang buôn từ Bắc Ninh lên, rút kinh nghiệm rôm rả và sâu sắc nữa! Nhóm tôi và Hữu Thỉnh tuyệt nhiên giữ kín, ai làm nấy biết, thua trận sau lớn hơn trận trước, kể ra thấy mà thê thảm.
Nào là buôn tôm khô, cá khô từ Nghĩa Bình, nơi ấy có Thanh Thảo làm cơ sở mua hộ đem ra. Nào là buôn gạo, buôn cám từ Gia Lai, tôi có đông bạn xi-nhan cho điểm mua, điểm bán, vậy mà lỗ mẹ chồng lỗ con. Nào là lên Tuyên mang vài chục bộ xích líp xe thồ, bán không được, cho thì nhanh, tay trắng hoàn tay trắng. Buôn bán nghiệp dư thất bại, đành rủ nhau quay về gõ máy chữ rào rào, thơ phú văn chương, kể chuyện chiến trận xem ra còn được vài ba mẩu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét