Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Mình thích Mạc Ngôn, nhưng không ưa cuốn sách này của ông ta, nhưng để biết nên cứ đọc:

Đọc "Ma chiến hữu" của Mạc Ngôn
Đông La, Thứ ba, 28 Tháng 4 2009
Ma chiến hữu là câu chuyện về nhóm chiến hữu Trung Quốc từng là lính trong Cuộc chiến Biên giới năm 1979. Mở đầu là cuộc gặp gỡ sau 13 năm đầy chất Liêu Trai trên một ngọn cây giữa Triệu Kim, hiện là thượng úy, từng là tiểu đội phó trong cuộc chiến và Tiền Anh Hào nay là một hồn ma, từng là một chiến sĩ. 
Qua sự hàn huyên giữa đôi bạn người – ma này, họ lần lượt kể về nhau, về cả nhóm bạn, rồi lần lượt cả nhóm đã xuất hiện, gặp lại nhau đầy đủ: từ Tiền Anh Hào, Triệu Kim, Quách Kim Khố đến Trương Tư Quốc, trừ Ngụy Đại Bảo vắng mặt vì bị đi tù; toàn bộ cuộc sống của họ, từ quá khứ cho đến hiện tại, đã được dựng lên.

Bắt đầu từ sự kiện: “… ở phía Nam có đánh nhau” (tr.17); nhóm lính trên vì đã được huấn luyện tại “Trung tâm Quân dự bị huyện Hoàng” và “sau một tuần chỉnh huấn chính trị” (tr.15), “Chúng tôi vui thầm trong bụng… cuối cùng chúng tôi cũng đã có cơ hội để thể hiện mình”; “Trung tâm… mở hội nghị, tổ chức liên hoan để tiễn chiến sĩ ra tiền tuyến. Chiến sĩ viết thư bằng máu để thể hiện quyết tâm… Trung đội trưởng, chính trị viên đều chúc rượu nói: chúc đồng chí lập nhiều chiến công, giết nhiều địch để làm rạng danh quân đội anh hùng” (tr.17)… 

Nhưng đó chỉ là cái phấn khích ở vỏ ngoài, còn thực chất tâm tư bên trong của những người lính chuẩn bị ra trận thì lại như sự phản ứng của Tiền Anh Hào: “Đừng quấy rầy tôi, đồ giả tình giả nghĩa” (tr.17); “chớ có diễn vở kịch thối như cứt mèo ấy làm gì” (tr.18); rồi: “Tiểu đội trưởng La nói: “…Cá nhân phải phục tùng tổ chức, thiểu số phục tùng đa số, tăng cường tính kỷ luật, cách mạng mới có thể thắng lợi… tôi nói như thế có đúng không?”/ “Đúng, đúng… trình độ lý luận chính trị của anh còn cao hơn cả Tư lệnh Trung tâm Quân dự bị… Bái phục! Bái phục!”/ “Cao quái gì… Toàn là những lời giáo huấn nhắc đi nhắc lại thôi” (tr.19). 

Dù có cố tạo ra cái tinh thần “quyết thắng” như thế, nhưng Mạc Ngôn cho thấy, với một cuộc chiến vô nghĩa nên khi lâm trận, cái đội quân từng trích máu viết huyết thư đó lại: “… lúc cần bản lĩnh thực sự thì chân nhũn ra, tay ôm lấy đầu, ném lựu đạn thì quên rút chốt, đánh bộc phá thì chẳng giật nụ xòe” (tr.28)… và đặc biệt, khi viết về nhân vật chính là Tiền Anh Hào, giọng văn bi hài của Mạc Ngôn đã thể hiện một nụ cười thật chua xót, thâm thúy: Tiền Anh Hào, dù “kỹ thuật chiến đấu… cho dù là xạ kích, ném lựu đạn, đánh cận chiến, gài bộc phá hay đào hầm…, thứ gì cậu ta cũng được biểu dương… cậu ta tham dự hội thao cấp quân khu, trong khoa mục ném lựu đạn… Phá kỷ lục toàn quân, được phong kiện tướng…

Thủ trưởng khen: “Cậu này chính là khẩu pháo nhỏ bằng xương thịt””(tr. 16)… và rồi người lính toàn bích ấy đã “anh dũng” hy sinh: “Trong cái chớp mắt khi Tiền Anh Hào bị đạn pháo bắn trúng, máu thịt bay lên trời…văng tứ tung trong núi rừng hoang vắng ở phương Nam xa xôi…” (tr.157) nhưng lại chỉ vì một… “cái mông”: “… khi tấn công vào một điểm cao vô danh, nếu hắn không giơ cái mông quá cao làm lộ mục tiêu để mời hai quả pháo ập đến thì đâu đến nỗi hắn phải chết, kể cả tớ (Tiền Anh Hào) đâu đến nỗi mạng vong! Nói rằng tớ chết bởi tay quân địch, nhưng thực tế thì… Phì! Triệu Kim à, cậu có thấy tớ chết oan không? Vừa vào chiến trường, một phát súng chưa kịp bắn ra, một quả lựu đạn chưa kịp ném đi mà người ta lại hồ đồ. Giấy chứng nhận liệt sĩ bố tớ đã có, nhưng thực tế tớ chết chẳng ra gì…” (tr. 28).

Với nhân vật Trương Tư Quốc, Mạc Ngôn cũng chế riễu cái ý đồ sơn phết màu sắc chói lọi cho cuộc chiến: “Cậu ta trong tiểu đội phá mìn… cậu ta bị thương… ở phía sau đều trông thấy rõ ràng cậu ta bò lên trên sườn dốc cao rồi lăn lông lốc xuống… sau đó tiếng mìn nổ vang rền… Lúc ấy ai cũng nghĩ rằng cậu ta dùng thân thể kích thích cho mìn nổ, mở đường cho thắng lợi… người ta ghi công cậu ấy… chuẩn bị tài liệu báo với Quân uỷ Trung ương phong danh hiệu “anh hùng phá mìn”… Nhưng cái cậu này (Trương Tư Quốc)… nói với hai chuyên viên Cục Chính trị rằng: Tôi không hề phá mìn, ở chỗ đó chẳng có quả mìn nào cả, trời lại đang mưa, khi bị thương vào chân tôi đã bò lên sườn đồi, chiếc chân bị thương không có sức nên bị trượt xuống, lúc ấy có hai tiếng nổ vang lên. Tôi là chuyên gia phá mìn, viêc gì phải lấy thân mình kích nổ mìn, làm như thế không phải là tự tìm cái chết sao?” (tr.193).

Cũng bằng giọng văn hài, Mạc Ngôn vừa châm biếm nhưng cũng thật chua xót khi tái hiện cuộc sống của những chiến sĩ đã “chiến thắng” trở về. Với nhân vật Quách Kim Khố: “- Tai tớ bị đạn làm cho điếc rồi… Miệng tớ cũng bị lửa đạn thiêu cho cháy sém… nhưng cái gì chờ tớ nào? Phục viên! Đ. mẹ nhân gian sao mà bất công!” (tr. 131); “Bây giờ thì bộ dạng tớ thế này, có ra thể thống gì đâu, trắng tay hoàn tay trắng… sống không bằng chết” (tr.137); và cuộc sống gia đình của người lính sau “chiến thắng” ấy chẳng khác gì địa ngục trần gian:
“Quách Kim Khố nói:

- Mẹ nó à, chiến hữu của tôi là Thượng úy Triệu Kim đến thăm, mau đun nước pha trà đi!...
- Cỏ không có một cọng, trà không có một cánh, vậy đốt bằng lông… bố ông, pha bằng lông… mẹ ông à…
- Cả đời của tao đã chịu bao điều xúi quẩy với con mụ thối tha nhà mày, bữa nay cả hai thanh toán cho sòng phẳng đây. Tao sẽ giết mày!

Người đàn bà ưỡn cái bụng thè lè ra… :
- … Nhằm vào đây mà đánh cho văng cái đồ chết dẫm này ra ngoài để mai mốt bà đây tái giá khỏi phải lôi theo.
Quách Kim Khố đấm ngực kêu khóc… Cậu ta cao giọng ra lệnh… Quách Kim Khố! – Có! – Mục tiêu trước mặt, ném bộc phá! – Rõ! Cậu ta giang tay thẳng cánh ném mạnh chiếc cối bằng đá vào chiếc gương treo ở bức tường trước mặt. Xoảng! Những miếng kính vỡ vụn loảng xoảng rơi xuống, người đàn bà đứng ở cửa khóc rống lên…” (tr.146).

Đoạn về Khương Bảo Châu, một lính “ma”, khi an ủi người bạn thân là “nhà báo ma” Hoa Trung Quang, Mạc Ngôn cũng đã vẽ lên cái thảm cảnh nơi “hậu phương” của những chiến sĩ nơi “tiền tuyến”: với trợ cấp không đủ sống nên bố ho lao, vợ mới sinh, vẫn phải ra đồng làm lụng, một lần về thăm nhà, Khương Bảo Châu thấy: “Ngay cả nước sôi cũng chẳng có, mẹ mình vét mấy hạt cơm dưới đáy nồi bỏ vào phích nước đã hỏng…, lát sau mở ra đã ngửi thấy một thứ mùi quái dị xông lên. Con mình uống cái thứ nước ấy” (tr. 47). Trái lại, có “Ông già… mập mạp có con trai làm cán bộ huyện” do “… đã bán một con lợn to đùng, chặt ba cây ngô đồng… được ba trăm đồng, mua đủ các loại rượu và thuốc lá để đi thăm tất cả các vị lãnh đạo ở huyện rồi yên tâm mà chờ đến đợt cải tổ nhân sự, ngay lập tức con tôi được đề bạt lên chức cục trưởng… Bây giờ nó ngồi xe con bóng lộn, thuốc lá thơm ngoại nhập, uống rượu hảo hạng, bữa ăn nào cũng bảy tám món… trong nhà nuôi con chó béc giê chỉ biết ăn thịt cá…, không sủa “gâu gâu” mà sủa “oang oang”… xem ra giống hổ hơn” (tr. 53); “Ông già … bảo bố anh bỏ ra tí máu mua một ít quà cáp ở quê mang về đơn vị biếu cho tiểu đoàn trưởng, chính trị viên, nhất định sẽ có chỗ tốt… Bố ho sù sụ, nói: “Làm gì còn máu mà chích nữa hả ông?... Dùng mũi giáo mà đâm xuyên qua người tôi cũng chẳng có giọt máu nào chảy ra đâu” (tr.51). 

Nhưng “ma” Hoa Trung Quang nói với mọi người là không phải khóc vì nhớ nhà mà vì:
“- Trong tờ báo này có một bản tin, chỉ cần đọc qua là tôi không kềm chế được nữa.
… Nội dung bản tin này là, căn cứ vào tin của Bộ Ngoại Giao, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu bình thường hóa…
- Bản tin này làm cho cậu khóc như thế sao?
- Chính trị viên, - nước mắt Hoa Trung Quang vẫn còn đọng trên mắt – tôi càng nghĩ càng thấy mình chết thật oan uổng”.

Như vậy, qua câu đối thoại này, Mạc Ngôn đã nói huỵch toẹt ra cái quan điểm của ông về Cuộc chiến Biên giới 1979. Qua đoạn lên dây cót tinh thần tiếp theo của một “ma lãnh đạo”, Mạc Ngôn cho thấy thân phận những người lính chỉ được coi như công cụ, chỉ cần “sẵn sàng chết” khi “cách mạng” cần đến mà thôi:
“- Đồng chí này, tư tưởng của cậu có vấn đề rồi đó… Trên thế giới này không hề có tình bạn vĩnh viễn cũng không hề có một kẻ thù vĩnh viễn. Quan hệ giữa con người và con người là như vậy, quan hệ giữa nước này và nước khác cũng như vậy. Mâu thuẫn tích lũy đến một mức độ nhất định nào đó tất sẽ đánh nhau, đánh nhau thì tất sẽ có dừng. Không đánh nhau ắt không có ngày hòa bình hôm nay, cậu có hiểu không?

- Không hiểu! – Hoa Quang Trung lắc đầu nói.
- Không hiểu cũng chẳng sao, chuyện quốc gia đại sự không cần dân đen lo lắng, cũng chẳng cần người chết phải bận tâm”.

Tương tự, đoạn “Chính ủy Sư đoàn ma” “quán triệt những chỉ thị cấp trên” cũng cho thấy, “thiên chức” của những người lính chỉ là “phục tùng mệnh lệnh”, dù là những việc làm vô ích: 

''… Trong thời gian gần đây, chung quanh vấn đề mở cửa biên giới, nhân dân hai nước nối lại tình hữu nghị truyền thống, có một số người cảm thấy… “máu chúng ta đổ một cách vô ích”… Các đồng chí! Những suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm… Chúng ta là quân nhân, thiên chức chúng ta là phục tùng mệnh lệnh, cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu là chúng ta xông lên tới đó… Ngày ấy, chúng ta và họ dùng súng đạn để nói chuyện với nhau, qua đó mà mới có được hòa bình hôm nay. Nhân dân không có oán thù gì với nhau… Chúng ta hy sinh vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vinh quang. Bất kỳ sự hoài nghi nào về vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng” (tr. 171).

Tất nhiên chúng ta phải hiểu đây là giọng “lên lớp” của một cán bộ chính trị biện hộ cho cuộc chiến vô nghĩa mà phía Trung Quốc muốn “dạy cho” người bạn láng giềng “một bài học”, chứ không phải tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Chính vậy, Mạc Ngôn mới viết tiếp, dù được “quán triệt” như thế nhưng:
“Hoa Trung Quang… cúi đầu lặng lẽ khóc. Tiếng khóc rất dễ lây lan, nhiều chiến sĩ cũng bật lên nức nở. Tiếng khóc to dần, phát triển thành đợt cao trào. Có những tiếng khóc rất nhọn sắc như cố ý ngẩng cao cổ lên để phát ra tiếng khóc quái dị” (tr. 171).

Đó là tâm trạng đau xót của một ngàn hai trăm linh bảy hồn ma lính Trung Quốc tử trận. Và đó cũng chính là nỗi đau về thể xác, như lời bài thơ của “thi sĩ ma” Hoa Trung Quang với bút danh Linh hồn chết đã viết:

“Ai da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá,
Thân hình con đã bị đạn xuyên qua.
Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa,
Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi!”
………………
Vĩnh biệt mẹ, mẹ yêu, vĩnh biệt!
Đâu phải mẹ đưa con xông thẳng đến chiến trường
Bao bài ca đều là tưởng tượng hoang đường
Viên đạn xuyên qua tôi lại đâm thẳng vào đầu mẹ…” (tr. 41)

Tóm lại, qua Ma chiến hữu, Mạc Ngôn cho thấy Cuộc chiến tranh Biên giới 1979 là vô nghĩa nên đã gây ra những cái chết vô nghĩa, và hành động “bảo vệ Tổ quốc” của những người lính cũng không thực sự được coi là “vinh quang” vì họ đã không được gì khi “chiến thắng trở về” và hoàn toàn bị bỏ rơi, sống lam lũ, bần hàn, sau cuộc chiến. 

Mặc dù tác giả Mạc Ngôn là người “phía bên kia chiến tuyến”, nhưng tác phẩm không hề có một ý nào gây nên thù hận Việt – Trung và cũng không hề có một dòng kích động nào đối với độc giả của cả hai bên. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi Trang Hạ trên (http://blog.360.yahoo.com/blog-xb1sK8gpbqfp3LIciSn10 k64uZy?p=1486) cho biết: “… trong lời giới thiệu của Mạc Ngôn và Nhà xuất bản khi in tại Trung Quốc, cuốn sách này lại được giới thiệu là một tác phẩm về Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc… Cho đến nay, Mạc Ngôn cũng như Nhà xuất bản của TQ và hàng triệu người TQ khác đều cho rằng cuộc chiến tranh 1979 là Trung Quốc buộc phải tự vệ, bởi Việt Nam xâm lấn và gây hấn”. 

Những ý như vậy rõ ràng đã ngược với tinh thần cuốn sách đã khảo sát ở trên, mà nếu có đúng như thế thì cũng hoàn toàn hợp lý, đơn giản là vìMạc Ngôn là người Trung Quốc. Nhưng không phải vì vậy mà ta không in những tác phẩm có giá trị của ông; làm vậy sẽ vô lý, giống như khi Tổng thống Obama, trong diễn văn nhậm chức, đã ca ngợi những lính Mỹ tử nạn ở Khe Sanh, ta cũng không in bài của ông và cắt đứt ngoại giao với nước Mỹ!

Rất tiếc, trong thời gian qua có một số người, vì bức xúc về những vấn đề ngoài văn chương, đã không đánh giá tác phẩm đúng như nó vốn có; chỉ chú trọng nghĩa đen của vài chi tiết, vài đoạn văn, mà chúng chỉ là công việc bếp núc của nhà văn nhằm vẽ ra những sinh hoạt của các nhân vật; đã không đánh giá tác phẩm với con mắt của nhà phê bình, đọc ra được tư tưởng chủ đạo của tác giả nằm sâu dưới bề mặt của các con chữ như đã phân tích trên đây; nên đã phê phán dữ dội tác phẩm; rồi từ góc nhìn cá nhân chưa suy xét thấu đáo mọi phương diện khi bàn về lĩnh vực rất nhạy cảm và tối quan trọng là ngoại giao, cái lĩnh vực mà mỗi cử chỉ, lời nói và hành động dù nhỏ cũng có khi ảnh hưởng đến sinh mệnh của hàng vạn, hàng triệu người, đến hạnh phúc của cả dân tộc! 

Bản thân tôi từng là lính chiến bảo vệ Tổ Quốc, anh ruột tôi hy sinh năm 1968 khi 20 tuổi, cha tôi là chiến sĩ ĐBP, tôi cũng rất bất bình trước những hành động xâm lấn biên cương của Tổ Quốc và tư tưởng bá quyền. Nhưng chúng ta phải làm sao trong tình hình hiện nay thì đúng là một bài toán quá hóc búa. Một số người ngây thơ cho rằng cần phải dựa hẳn vào những nước lớn này nọ, họ đã quên rằng, các nước lớn luôn coi trọng lợi ích của họ trên hết, các nước nhỏ chỉ là quân bài mà thôi. Khi TQ cần bắt tay chặt hơn với Mỹ để hiện đại hóa đất nước, thì quân bài Ponpot bị ném vào sọt rác; trước đó, khi Mỹ và TQ bắt đầu gặp nhau, thì VNCH cũng bị bỏ rơi, khiến ông TT Nguyễn Văn Thiệu phải thốt lên rằng, người ông căm thù nhất chính là Cộng sản và Mỹ! 

Trong cái thế giới đang được gọi là văn minh này, chân lý vẫn luôn thuộc về kẻ mạnh, cá lớn luôn uy hiếp cá bé. Vậy muốn bình đẳng, muốn đối thoại sòng phẳng trong những cuộc tranh chấp, người ta buộc phải mạnh. Từ đây tôi mới hiểu rằng, chẳng ai muốn chạy đua vũ trang cả, nhưng vẫn có những nước cơm không đủ ăn, vẫn quyết tâm phóng được tên lửa đạn đạo! 

Còn nước ta tôi thấy chưa bao giờ nhỏ và yếu như bây giờ, nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, sử dụng cơ bắp và bán tài nguyên là chính; nền khoa học công nghệ có thể lắp ráp được đủ thứ tinh vi và to lớn nhưng không biết đã chế tạo được hoàn chỉnh một cái xe đạp chưa? Sự bất an trong nhân dân ngày càng lớn khi cơ chế xã hội đã dẫn đến chênh lệch giàu nghèo ngày càng khủng khiếp mà không có chính sách cụ thể nào đảm bảo cho những người không may không bị đẩy đến đường cùng; nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí không hề giảm. Hiện tại ta cũng hoàn toàn không có đồng minh. Vì vậy, cần đảm bảo tính công minh của pháp luật tận diệt lãng phí, tham nhũng và có những chính sách đúng đắn làm cho khoa học công nghệ, nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Từ đó ta mới tạo được thế và lực trong ngoại giao. Trong việc giải quyết những tranh chấp cần có sự cân bằng về cương nhu, cần duy trì chính sách ngoại giao đa phương, công khai những bất đồng để dựa vào sức mạnh của dư luận toàn thế giới. 

Còn nếu ai đó chỉ lớn tiếng kích động thù hận, chẳng khác gì đẩy dân ta vào một cuộc chiến không cân sức và muốn máu của dân ta tiếp tục đổ mãi mãi?! Như vậy, hành động yêu nước thương nòi lại hóa ra tội ác!

Còn sự xuất bản cuốn sách Ma chiến hữu thì đúng là đã sai ở cái bìa, những ông biên tập đã để câu “Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng” ở ngoài bìa bên cạnh bức vẽ hình ảnh đội quân TQ xâm lấn biên giới, quần áo xanh biếc, đội ngũ chỉnh tề, súng chắc trên vai, sẵn sàng chiến đấu với “quân địch”, rõ ràng là các vị đã biến cuốn sách chống chiến tranh thành cuốn ca ngợi kẻ thù giết đồng bào mình. 

Còn chữ “riêng” ở trên càng tệ hại hơn, chẳng khác gì người biên tập, dù đã biết rõ nội dung cuốn sách là chống chiến tranh, nhưng vẫn cố làm cuốn sách thành “Một cách ca tụng riêng” cuộc xâm lấn bằng được. Các vị đã làm dậy lên những đợt sóng phản đối của dư luận và làm giảm rất nhiều uy tín của NXB Văn học là một điều tất yếu. 

TPHCM, 22-4-09

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: