Ma Chiến Hữu: Chương 11 và 12
Chương 11
Tiền Anh Hào đi thật sâu vào vòm cành lá lấy ra hai chiếc cần câu thuộc loại cao cấp có thể thu ngắn hoặc kéo dài ra. Tôi sờ nắn cái vòng quay dây câu mạ bạc của nó, kinh ngạc hỏi:- Cậu lấy ở đâu ra thứ dụng cụ cao cấp này?
Cậu ta cười một cách bí mật, nói:
- Điều này thì cậu đừng quan tâm, nhưng chắc chắn là tớ không thể đến cửa hàng để ăn trộm đâu.
- Cậu không nói rõ, tớ chẳng thèm câu đâu - Tôi cáu.
- Thằng quỷ này đúng là khó giấu được điều gì, cái gì cũng muốn biết cho đến tận đầu tận đũa - Tiền Anh Hào ca cẩm.
- Nếu không như thế thì làm sao nâng cao được tri thức! - Tôi nói.
- Tri thức cái khỉ mốc! - Cậu ta cười nói. - Nói cho cậu hay, hai chiếc cần câu này, một là của phó thị trưởng Ngô, hai là của huyện trưởng Mã. Hai người này chủ nhật nào cũng dẫn theo rất nhiều thuộc hạ đánh xe con đến đây, ngay dưới gốc cây này để câu cá. Họ làm huyên náo cái không gian cần yên tĩnh của tớ, tức quá, tớ bèn thi triển một chút pháp thuật, họ chạy tóe khói - Cậu ta cười một cách xảo quyệt - Hai chiếc cần câu này trở thành chiến lợi phẩm, nhưng từ đó đến giờ tớ chưa dùng chúng lần nào.
- Thằng quỷ này! Đã làm ma rồi mà còn chưa chịu an phận!
- Cái này gọi là “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”! - Cậu ta đắc ý cười vang lên.
Sau khi chuẩn bị xong cần câu, chúng tôi mới phát hiện là chưa có mồi câu.
Tôi nói:
- Đào giun đi!
- Cá trên sông này biến thành quỷ cả rồi, chúng không ăn giun đâu - Tiền Anh Hào nói.
- Thế dùng mồi gì?
Tiền Anh Hào lôi lên một cành liễu bị ngập chìm trong nước và ngắt lấy hai chiếc lá bị sâu cuốn lại, mở ra và nhặt hai con sâu nho nhỏ ra, móc vào lưỡi câu của tôi và của cậu ta. Chúng tôi thả lưỡi câu xuống dòng sông, chăm chú nhìn hai chiếc phao nhựa đang nổi phập phù trên mặt nước. Tôi đưa cho cậu ta một điếu thuốc, cũng đốt cho mình một điếu. Từ hai lỗ mũi của Tiền Anh Hào, hai luồng khói tỏa ra nhưng trông có vẻ rất yếu ớt, bởi tôi đã nhận ra từ tai, tóc, cổ và cằm của cậu ta đều đang bị bao phủ bởi một màu xanh bạc nhược, do vậy mà khói thuốc trở nên càng bạc nhược hơn.
Tôi chăm chú nhìn chiếc phao và thoáng nhìn thấy chiếc lưỡi câu từ độ sâu khoảng nửa mét đang lay động với con sâu màu trắng. Chỗ này không phải là đáy sông, lúc dòng sông đang là mùa khô, nó chính là bãi sông, lúc ấy trên bề mặt nó mọc đầy những loại rau dại màu đỏ, màu tía. Tất cả bây giờ đều chìm trong nước và đều đang nghiêng ngả theo dòng nước lúc thì ngả về nam, lúc thì ngả về bắc, lúc thì xuôi về đông lúc thì xuôi về tây tùy theo những dòng chảy ngầm dưới lòng sông những vật phù du dần dần tích tụ, đọng lại trên cành lá. Vượt qua những đám rau dại rậm rịt bị chìm trong nước ấy, xa hơn tí nữa là lòng sông với ba tầng lưu lượng rõ rệt: một tầng chảy, một tầng nước xoáy và một tầng ngưng đọng, nhưng tất cả đều tải nặng phù sa. Dưới mắt chúng tôi, trên dòng sông lúc này có những sinh vật phù du màu phấn hồng nhỏ nhoi đang bám vào những cành rau dại rậm rịt mà uốn éo thân mình theo làn nước chảy nhẹ, tuyệt nhiên không hề có bóng dáng con cá nào. Không có lươn trắng, không có cá chép, không có ba ba…, tất cả đều không có. Những con cá lớn nhỏ tranh nhau đớp những vụn xương gà mà chúng tôi vứt xuống dòng sông, lúc này đã đi đâu? Tôi ngước mắt, trong lòng đầy những nghi hoặc nhìn Tiền Anh Hào. Từ trên đầu, trên cổ cậu ta, mười mấy làn khói như những con rắn màu xanh bay lên. Việc này làm cho tôi khiếp sợ, nhưng tôi không lấy đó làm kỳ lạ. Đương nhiên không thể dùng những điều hợp với lý lẽ thường tình của con người mà lý giải những điều kỳ lạ ở Tiền Anh Hào. Cậu ta phun ra những làn khói kỳ lạ ấy từ những vị trí nào chẳng qua là điều thứ yếu, còn trên sông lúc này tại sao không có bóng dáng con cá nào mới là điều trọng yếu, bởi trước mắt chúng tôi là cần có cá để mà câu. Cá đi đằng nào nhỉ?
Bằng kỹ thuật điêu luyện vốn có, Tiền Anh Hào dùng miệng xé nát phần còn lại của điếu thuốc rồi phun xuống sông. Đầu lọc và giấy quấn thuốc thì nổi trên mặt nước, còn những sợi thuốc có chất nicotine thì chìm xuống, nằm trên đầu những cọng rau dại. Cá đâu? Chúng đi đằng nào hết cả rồi?
Tiền Anh Hào ho lên nấy tiếng khùng khục rồi nhổ một búng đờm xuống dòng sông. Đờm vốn vón thành bãi nhưng với kỹ thuật của cậu ta, như một quả đạn nổ tung thành hàng trăm mảnh và liên kết lại thành một vòng thật tròn. Đột nhiên cậu ta hạ giọng, nói:
- Xem kìa, mau lên, bọn chúng đến rồi kìa!
Mắt tôi nhìn theo hướng chỉ của đầu ngón tay đầy những nốt đỏ sần sùi của Tiền Anh Hào, vượt qua làn nước nông với đầy cỏ dại để nhìn ra giữa sông, chỗ dòng nước xoáy rất sâu. Nước ở chỗ ấy quay tít như một chiếc bánh xe khổng lồ, nước chung quanh cuốn vòng theo chiếc bánh xe ấy. Hai cụm màu xanh biếc từ trong vòng xoáy ấy tách ra. Một đàn toàn những con lươn lớn nhỏ do một con lươn to bằng cánh tay đầy đặn của một thiếu phụ dẫn đầu đang rất cẩn thận bơi về phía chúng tôi như một đám mây lấp lánh ngân quang dưới mặt nước. Vượt khỏi vòng xoáy, trong lòng chiếc giường mênh mông là mặt nước sông, chúng bơi chen chúc bên nhau với vận tốc rất nhanh. Nhìn chúng bơi, tôi liên tưởng đến một đàn bồ câu đang tung cánh liệng vòng trên bầu trời. Đàn lươn bơi lúc nhanh lúc chậm, lúc tiến lúc thoái nhưng tất cả đều đồng loạt với những động tác cực kỳ sinh động. Lươn mà bơi đạt đến trình độ này ư! Tôi cảm thán trong lòng. Không có cách gì cản trở được đường bơi của bọn chúng, đôi mắt tôi cứ dõi theo đến khi cảm thấy mỏi và nhòe đi. Thôi, không nhìn đàn lươn nữa vậy. Tôi chuyển điểm nhìn về một mục tiêu khác. Điều kỳ diệu đang diễn ra dưới mắt tôi. Len giữa những lùm hòe đang chìm trong nước chung quanh dưới tán lá của cây liễu mà chúng tôi đang trú là hàng trăm con cá với hàng chục chủng loại, có cá chép, có cá nheo, cá trắm, cá chình… đủ màu đủ sắc, lớn nhỏ khác nhau. Còn có cả một chú ba ba màu xanh sẫm vụng về vùi một nửa thân mình dưới lớp phù sa mỏng, giương đôi mắt ngây ngây độn độn nhìn chúng tôi. Những con cá đang bơi lội cực kỳ nhàn nhã giữa những lùm hòe xanh, hàng trăm con mắt đều mở thao láo như đang chờ đợi một điều gì đó. Bỗng nhiên tôi ý thức được một điều: Bọn cá đang bao vây chúng tôi! Một cảm giác sợ hãi chưa bao giờ có choáng ngợp tâm trí tôi. Trong những cánh rừng rậm nhiệt đới năm nào, chúng tôi bao vây những đơn vị của đối phương thì giờ đây, ngay tại quê hương mình, những đàn cá đang bao vây chúng tôi trên tán lá bên bờ sông! Đàn lươn vẫn đang biểu diễn những động tác bơi khiến người ta hoa mắt, đàn cá tạp vẫn lượn lờ chờ đợi giữa những lùm cây um tùm. Màu sắc của chúng với khung cảnh chung quanh sao mà hài hòa thống nhất, hình như tất cả đều mặc một loại quần áo có màu sắc lừa được mắt người. A! Màu này rất giống với màu quần áo của những đơn vị lính đặc công với những hoạt động xuât quỷ nhập thần.
Truyền thuyết kể rằng, không chỉ cá mập ngoài biển khơi mà cả những loài cá vốn rất hiền từ sống ở các dòng sông cũng đều có thể ăn thịt người. Lâu nay tôi nghĩ, truyền thuyết vẫn cứ là truyền thuyết, toàn những lời bạ đâu nói đó, gặp đâu nghe đó. Nhưng hôm nay, truyền thuyết sẽ rất nhanh chóng biến thành hiện thực thôi.
Tôi tín chắc chắn là Tiền Anh Hào đã phát hiện ra cá đang bao vây chúng tôi ở phía bên dưới. Tôi nghĩ, đầu óc cậu ta thông minh, là một thiên tài về những kỹ thuật quân sự, thuở nhỏ đã có những kinh nghiêm về tính tình và thói quen của cá; sau khi trở về quê hương lại ngồi trên lùm cây này ngày ngày quan sát, nhất định sẽ có những cách giải quyết đối với những âm miíu của cá; có cậu ta bên cạnh lúc này, tôi có thể yên lòng. Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy ngón tay lạnh lẽo của cậu ta chọt chọt vào hông tôi, cùng lúc đó, cái miệng đang tỏa ra một mùi hôi của sự rữa nát ghé sát vào lỗ tai tôi thì thầm:
- Cậu chú ý xem con lươn trắng to nhất kia!
Âm thanh của cậu ta vừa thoát ra, mùi rữa nát chưa kịp tán phát vào không gian thì đàn lươn đang bơi rất nhanh ở bên dưới đột ngột dừng lại, tụ tập dưới tán lá của cây liễu cách một khoảng không xa, quẫy mạnh khiến mặt sông nổi lên không biết bao nhiêu là đợt sóng và cuối cùng hàng trăm chiếc đầu của chúng đồng loạt chụm vào một hướng kết thành hình một chiếc bảo tháp, bọn to xác ở những tầng dưới, bọn nhỏ hơn thì ở những tầng trên, vừa đẹp vừa đáng sợ. Tốc độ kết thành hình bảo tháp của chúng rất nhanh, tất cả lớn bé dường như được huấn luyện một cách rất công phu. Đương nhiên bọn lươn này không phải là binh sĩ, bọn chúng giống với một dàn diễn viên xiếc được huấn luyện một cách có bài bản hơn. Con lươn trên đỉnh tháp chỉ bằng chiếc bút chì, chắc là do một nguyên cớ nào đó mà nó lại có màu đen, ba phần giống lươn, bảy phần giống một con rắn nhỏ kiêu ngạo. Không còn nghi ngờ gì giữa, con vật bé nhỏ này chính là vưu vật của gia tộc lươn còn cao quý hơn cả đứa con trai của một dòng họ mười đời độc đinh. Nhìn chiếc bảo tháp của đàn lươn, tôi càng cảm thương cho sự nhỏ bé đến độ thê thảm của con người. Trong giới động vật vẫn còn có bao nhiêu điều thần kỳ mà con người chưa hề thấy thậm chí chưa hề nghe qua, e rằng chúng vẫn cứ là những bí mật vĩnh viễn đối với chúng ta.
Con lươn lớn nhất đàn cứ lượn lờ một cách ngạo mạn trong quá trình đàn lươn xây bảo tháp như một vị chỉ huy khí phách hiên ngang và đầy quyền uy lặng lẽ quan sát những kẻ dưới quyền làm việc. Sau khi chiếc bảo tháp được kết xong, nó ngừng bơi, vẩy chiếc đuôi nhỏ để cho thân hình đứng thẳng dậy, mồm mở to ra…
- Tai của cá! - Tiền Anh Hào lại dùng ngón tay chọt vào tôi, nói nhỏ.
Con lươn già há mồm, rồi như một lão già đang cong người vì ho, nó dùng sức uốn cong thân thể lại, hai màng mỏng hình cánh bướm màu trắng từ từ vươn ra khỏi chiếc mồm đang há. Những chiếc đầu lươn kết lại thành bảo tháp đang lay động rất đều đặn khiến mắt tôi hoa lên. Cứ như thế, thời gian khoảng hút xong nửa điếu thuốc, từ hai màng mỏng ở mồm con lươn bỗng phát ra hai âm thanh nhỏ nhưng khô khốc, ngay lập tức chúng bị vỡ tan. Những mảnh vụn của hai chiếc màng nhẹ nhàng trôi đi theo dòng nước, và cũng ngay lúc ấy, đàn lươn kết thành chiếc bảo tháp cũng tản dần ra, con lươn nhỏ trên đỉnh tháp điên cuồng lao theo đớp những mảnh vụn của chiếc màng như thể thông qua phương thức này mà truyền thừa y bát của tổ tông.
Con lươn già vừa nhả hai chiếc màng mỏng lúc này đã lật bụng lên trên và nằm trên lớp phù sa dưới đáy dòng sông, cả đàn lươn đang bơi chung quanh như một vòng sáng màu bạc - một vòng tròn của lươn - vây lấy con lươn vừa chết và con lươn nhỏ trên đỉnh tháp lúc nãy vào giữa. Con lươn nhỏ tham lam nuốt lấy nuốt để những mảnh vụn của chiếc màng, sau đó thì bắt đầu dùng mồm mổ vào bụng con lươn chết.Rõ ràng đây là một ám hiệu, bởi nó chỉ mổ có vài lần rồi bơi tránh ra chỗ khác để cho cả đàn lươn lao tới. Xác con lươn bị xô đẩy, cấu xé cứ nhồi lên lặn xuống, lăn qua trở lại, phù sa màu vàng cuộn lên dưới đáy sông. Trong khi tranh ăn, đàn lươn kêu lên rin rít, tiếng kêu vọt lên khỏi mặt nước và tản mát trong làn không khí đùng đục trên sông và chỉ trong chớp mắt, con lươn to bằng bắp tay chỉ còn lại một bộ xương trắng hếu. Sau khi thanh toán xong thịt của thủ lĩnh, đàn lươn lại sắp thành đội ngũ chỉnh tề tiền hô hậu ủng đưa con lươn nhỏ lao đi. Cũng lúc đó, người đàn ông mặc đồ thiếu sinh quân rơi từ trên cầu đá xuống sông lúc nãy lại xuât hiện và đang men theo đáy sông trôi dần đến khoảnh sông mênh mông trước mặt cây liễu. Mặt anh ta hướng lên trên, chiếc quần quân phục vén lên cao đến tận háng để lộ đôi chân đầy lông lá đen sì. Giày anh ta đã bị tuột mất, hai bàn chân bị ngâm trong nước đến trắng bệch cứ như muốn nổi lên trên mặt nước, trông rất thô thiển lại vừa tức cười. Chiếc áo quân phục cùng màu với những loài thực vật dưới đáy sông lúc thì cuộn lại, lúc thì mở ra. Khi chiếc áo cuộn lại, tôi nhìn thấy trên bụng anh ta có một vết sẹo tròn tròn, rõ ràng là do bị đạn bắn, chẳng khác nào vết sẹo trên bụng tôi. Số tôi cũng khá may mắn, chỉ trúng đạn của súng tiểu liên mà không phải đạn đại liên hay đạn cao xạ. Ruột tôi đổ ra ngoài cả thước, tôi nhét vào rồi dùng tay bịt lại, nhưng như một con lươn trơn nhẫy, chúng cứ trào ra ngoài theo các kẽ tay, lại nhét vào và cố bò lên đỉnh núi. Tôi nghĩ mình sắp chết trong mơ mơ hồ hồ, tôi trông thấy Tiền Anh Hào, La Nhi Hổ đang đứng trước mặt vẫy gọi tôi rối rít. Tôi nghĩ mình sẽ đến với họ, nhưng lúc ấy cậu y tá đã cõng tôi chạy. Mạng tôi lớn nên không chết. Mặt anh ta trắng nhợt, mấy cọng rong rêu màu xanh dính trên mái tóc bờm xờm. Anh ta đang trôi đến trước cây liễu, đôi mắt mở trừng trừng. Trong làn nước nhờ nhờ, tôi nhìn anh ta mà có cảm giác đang nhìn chính mình trong một tấm gương.
Đàn cá nhiều loại và nhiều màu sắc đang len lỏi giữa những lùm hòe đột nhiên như nổi cơn điên, há mồm thật to và đồng loạt lao vào anh ta. Một con cá thật to giương đôi mắt đỏ ngầu với hàm răng sắc như răng chó đớp một miếng đã cắn sứt mũi anh ta. Tôi cảm thấy cánh mũi mình đau nhói. Tất cả đều trở nên mơ hồ trước mắt tôi, kể cả đàn cá với những đôi mắt đỏ, kể cả làn nước bị đàn cá quậy phù sa làm cho đục ngầu lên.
- Triệu Kim, Triệu Kim! Tiếng Tiền Anh Hào văng vẳng bên tai - Cậu say rồi à?
Tôi sờ cánh mũi vẫn còn đau nhức của mình, nói:
- Tớ không say! Nửa chai Mao Đài làm sao quật ngã được tớ. Tớ đã từng uống hết một chai rượu trắng Địa Lôi, nồng độ cao hơn rượu Mao Đài nhiều, nhưng tớ có say đâu.
Tiền Anh Hào cười tinh quái:
- Không say là tốt rồi. Đừng quên là chúng ta đang câu cá.
Tôi ngắm nhìn chiếc cần câu sáng loáng và chiếc phao trên mặt nước. Nó đang đứng yên, chứng tỏ chẳng có con cá nào cắn câu. Hơi nước trên mặt sông trở nên đậm đặc hơn, con chim hải âu vẫn bay là là trên mặt nước, liệng qua liệng lại không hề biết mệt mỏi. Lâu lắm rồi mà vẫn không thấy tăm dạng con cá nào, cho dù là một con cá nhỏ như lá lúa.
- Con sông này chắc chắn là không có cá rồi - Tôi nói.
- Yên tâm đi, có nước là có cá. Trong muôn ngàn tấm lưới trên sông, tấm nào cũng có cá - Cậu ta nói với giọng tin tưởng.
- Thế tại sao lâu lắm rồi mà cá lại không cắn câu?
- Kìa! Không phải là đã cắn câu rồi đấy à?
Tôi từ từ nhấc chiếc cần câu lên, sợi dây câu căng như dây đàn chậm chậm rời khỏi mặt nước. Một con ba ba bằng bàn tay treo ở đầu dây câu đang quẫy đạp bốn chiếc chân nhỏ trong không trung trông thật tức cười.
- Câu cá mà lại được ba ba, cát hung thế nào? - Tôi hỏi.
Tiền Anh Hào gỡ con ba ba ra khỏi lưỡi câu, rút một sợi dây từ đôi giày Giải phóng của cậu ta buộc vào một chân con ba ba rồi treo lên cành cây, nói:
- Đại cát đại lợi! Đại cát đại lợi! Cậu có biết con vật này bán được bao nhiêu tiền không?
- Nghe nói là rất đắt, nói chung là người bình thường không thể ăn nổi thịt ba ba.
- Quách Kim Khố bảo rằng, một con ba ba to bằng miệng bát phải đến ba trăm đồng đấy.
- Thằng này mấy ngày nay ngày nào cũng đến đây, sáng sớm hôm nay còn cắp theo cả một chiếc cần câu, bắt một con nhái làm mồi để câu một con ba ba cho vợ chữa bệnh.
- Có câu được không?
- Được cái cục cứt! Câu ba ba không phải là nghề của cậu ta. Mồi để câu ba ba phải là loại nhái yến lưng xanh bụng đỏ. Cậu ta không biết điều này, nhái bén làm sao câu được ba ba, ba ba câu cậu ta thì có!
- Nhái yến như thế nào, tớ chưa hề trông thấy.
- Tớ cũng chưa thấy bao giờ - Tiền Anh Hào nói - Bố tớ nói là loại này sông ở trong những hốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tớ nghĩ chắc nó là một loại nhái sống trên cây. Tìm được nhái yến thì không còn lo là câu không được ba ba nữa.
- Chúng ta đâu có nhái yến nhưng vẫn câu được ba ba đấy thôi?
- Một là do chúng ta may mắn, - Cậu ta cười. - Hai là con ba ba này quá xui xẻo.
- Quách Kim Khố vẫn cứ như xưa chứ?
- Không! Bắt đầu từ năm ngoái đã thay đổi nhiều rôi, áo mũ bảnh chọe lắm - Đưa tay chỉ một người đang đi trên con đường lầy lội dẫn đến trụ sở thôn, cậu ta nói tiếp - Cậu xem, cậu ta đã đến rồi đó.
Chương 12
ó là một phiên chợ trước ngày tết năm bảy mươi tám. Khoảng chín giờ ba mươi sáng, tôi đang ở trong chợ để mua dầu thơm. Có một người chộp lấy cổ tôi từ phía sau và hét lên:
- Chạy đâu cho thoát!
Tôi giật mình quay đầu lại, thì ra đó là Quách Kim Khố. Cậu ta đang mặc bộ quân phục cũ rích, một chiếc mũ lính cũng bạc thếch. Lúc ấy, quân phục của bộ đội đã thay đổi, ngay cả huy hiệu trên mũ cũng đã đổi, nhưng cậu ta vẫn cứ gắn một ngôi sao năm cánh đỏ chói trên mũ, phù hiệu trên cổ áo màu đỏ được viền bằng chỉ trắng. Cậu ta lúc ấy với Tiền Anh Hào trước mặt tôi bây giờ ăn mặc hoàn toàn giống nhau. Hai người, một đã hy sinh, một đã phục viên nhưng vẫn cứ sống trong những hồi ức về thời gian tại ngũ.
Những ngón tay cậu ta vẫn cứ siết chặt cổ tôi với một sức mạnh kinh người, khó lòng giãy giụa mà thoát ra được. Tôi nói: Quách Kim Khố cậu làm trò quái quỷ gì thế, cứ buông tay ra cái đã, người ta nhìn thấy thì chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì đâu.
Người trong chợ đều biết tôi và Quách Kim Khố, cười bảo tay bộ đội tạp nham Quách Kim Khố đã bắt được bộ đội chính quy Triệu Kim. Cậu ta buông tay, trừng mắt nói:
- Ai nói? Ai dám nói Quách Kim Khố tôi đây là bộ đội tạp nham. Tôi đây “một vì sao rực sáng trên đầu, cờ hồng cách mạng giắt trên vai”, ai bảo tôi là bộ đội tạp nham?
Tôi đưa tay nắn nắn cổ, nói:
- Thằng quỷ, được rồi, đừng làm loạn ở đây nữa. Nói cho tớ biết, bây giờ cậu làm gì?
- Không được! - Quách Kim Khố gân cổ lên. - Cậu phải nói cho rõ ràng, ai là bộ đội tạp nham?
- Tớ là bộ đội tạp nham, - Tôi cười nói. - Tớ là bộ đội tạp nham, được chưa?
- Như thế mới được chứ - Cậu ta thở ra, nói - Tớ đang tạm thời làm việc tại đội vũ trang thôn, chuyện lau chùi súng ống, đó là sở trường của tớ mà. - Cậu ta tự trào, nói tiếp - Cậu đã làm quan, có tiền rồi, trưa nay mời tớ uống rượu, nếu không tớ chọc dao vào người cậu cho máu phun ra!
- Thì chuyện uống rượu thôi mà, - Tôi nói. - Cậu bảo, chúng ta đi đâu bây giờ?
- Hoàn cảnh gia đình cậu khó khăn, tớ biết - Cậu ta ủ rũ - Nhưng hoàn cảnh gia đình tớ còn khó khăn hơn cậu nhiều cậu không hề biết. Cậu bây giờ oai lắm rồi, quên hết anh em bạn bè nghèo khổ rồi, trở về mà không hề đến nhà tớ. Quý nhân không dạp chân lên đất hèn, đúng không? Đột nhiên cậu ta bị kích động tâm tình, hoa chân múa tay, nói - Uống rượu xong cậu phải đến nhà tớ xem qua. Đây là mệnh lệnh! Quân lệnh như sơn! Cậu hiểu không?
- Rõ! Tớ hiểu rồi! - Tôi nhìn chung quanh, phát hiện nhiều ánh mắt hiếu kỳ đang nhìn chúng tôi, hạ giọng nói - Cậu đi trước dẫn đường, đừng đứng đây mà hoa chân múa tay nữa!
- Sắp đến tết rồi, cán bộ thôn đều đã đi thăm hỏi những bậc lão thành cách mạng cả rồi - Với một chân đi cà nhắc, cậu ta dẫn tôi đi về phía trụ sở ủy ban thôn, nói - Trụ sở vắng tanh vắng ngắt, đi thăm hỏi cái quái quỷ gì, chẳng qua là lợi dụng để đi uống rượu thôi.
Cậu ta móc chìa khóa từ trong túi quần ra, mở cổng rồi chìa tay có vẻ điệu nghệ, nói:
- Xin mời!
Tôi nhìn một lượt những căn phòng làm việc ở đây, nói:
- Điều kiện làm việc cũng khá đây chứ!
- Khá cái con khỉ! Chuyện ở địa phương toàn là vụn vặt, thôn đội trưởng ngày uống ba lần, xỉn đến độ ba ngày chưa tỉnh. Tớ xem đây như nhà của mình, mời ngồi, mời uống trà! Ồ! Không có trà. Nước đái? Có! Trong các vỏ chai bia của thôn đội trưởng toàn nước đái, ngay cả lão cũng không phân biệt được, có lúc uống cả nước đái mà vẫn tưởng là bia, lại còn bảo mùi vị rất thơm, rất tươi, lại nhiều bọt. Ha ha ha! Đúng là trong thịt xương và tinh hoàn của lão không có chất muối, đúng là đồ trứng thối. Ngồi, ngồi đi!
Nói xong, Quách Kim Khố vớ lấy chiếc ống nghe diện thoại cổ lỗ sĩ, quay số roèn roẹt rồi hét vào trong máy:
- Tổng đài à? Tôi ở thôn đội đây, cậu nối máy cho tôi đến quán ăn Lương Quản Sở. Quán Lương Quản Sở đó à? Là tôi, Quách Kim Khố, chuyên gia bảo quản vũ khí ở thôn đội. Trưa nay, đúng mười một giờ ba lăm, hãy chuẩn bị cho tôi các món ăn sau: Gan lợn một đĩa, thịt lợn ba chỉ một đĩa, tim lợn một đĩa, tai lợn một đĩa, rau cần xào thịt bò một đĩa, cá rán một con, một bát canh đậu phụ, một bát sủi cảo. Tất cả đều cho ít dầu, nhiều tỏi. Lại thêm hai lít rượu Địa Lôi. Ghi chép cho cẩn thận kẻo quên. Hôm nay không ghi nợ, ăn uống xong thanh toán luôn. Có biết anh ta là ai không? Là chiến hữu. Chúng tôi đã kề vai thích cánh chiến đấu bên nhau trong rừng súng mưa đạn đấy! Cậu phải cẩn thận đấy, chọn loại thịt cá nào tươi nhất, chớ thêm nước vào rượu đấy. Dám đùa cợt với Giải phóng quân là không xong đâu! Tôi mà cáu lên là quán cậu bị san phẳng thành bình địa đấy! Được rồi, bảo bọn thuộc hạ làm nhanh lên, tác phong của quân nhân là khoái đao trảm gai góc, không cho phép kì kèo mè nheo!
- Quách Kim Khố ơi là Quách Kim Khố! - Tôi kêu lên nửa đùa nửa thật - Bữa nay cậu làm thịt tớ rồi! Chừng đó thức ăn đủ cho cả tiểu đội. Cái chức tiểu đoàn trưởng tí tẹo này của tớ còn phải nuôi cả nhà bố mẹ vợ con tớ nữa đấy.
- Tớ lo! - Cậu ta nói với vẻ khinh miệt - Trông cái bản mặt của cậu kìa! Chúng ta cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu, cậu lại trở thành quan chức, còn tớ thì chẳng có gì ráo. Cậu lẽ nào không mời tớ được một bữa rượu? Đúng là tiền càng nhiều thì tàng keo kiệt!
- Ruột của tớ đã lòi cả ra ngoài, suýt mất mạng, được cái chức quan nhỏ tẹo này cũng đâu có dễ! - Tôi cảm thấy bực mình.
- Tai tớ bị đạn pháo làm cho điếc rồi, cả ngày chỉ nghe thấy tiếng ong ong. Miệng tớ cũng bị lửa đạn thiêu cho cháy sém - Cậu ta chỉ vào cái miệng đầy những vết hoa văn màu trắng, nói - Nhưng cái gì chờ tớ nào? Phục viên! Đ. mẹ nhân gian sao mà bất công!
- Cậu nói tai cậu bị điếc hay bị gì cũng xong, cậu nghe được hay nghe không được cũng không ai biết được - Tôi nói - Có điều cái miệng cậu khi chưa ngập ngũ đã như vậy, sao lại nói là bị lửa đạn đốt kia chứ? Sao lại có chuyện hay ho đến như thế? Lửa chỉ chuyên đốt miệng cậu mà không đốt chỗ khác sao? Thảo nào cậu có biệt danh là “Hoa Miệng”, không chỉ miệng đầy hoa mà còn biết khua môi múa mép!
Mặt Quách Kim Khố đỏ rần lên, nổi giận quát:
- Miệng tớ chính là do lửa đạn đốt, không đốt thì là nướng!
Thấy cậu ta nổi xung, tôi đấu dịu:
- Được rồi, thằng quỷ! Đừng la lối nữa, miệng cậu là do lửa đốt, được chưa? Nói một cách đường hoàng xem nào, mấy năm nay cậu sống thế nào? Đám chiến hữu trở về cùng một lúc với cậu ra sao?
Mặt Quách Kim Khố đột nhiên biểu lộ nét buồn man mác, mười mấy nếp nhăn hai bên khóe miệng càng trắng hơn. Cậu ta nói với giọng buồn buồn:
- Chuyện của Ngụy Đại Bảo đại khái cậu cũng đã biết, đánh nhau với hàng xóm, lỡ tay đập một gậy sắt làm chết vợ người ta. Vì đã từng tham gia chiến tranh nên hình phạt giành cho cậu ta được giảm nhẹ nhưng vẫn chịu hai mươi năm tù. Cậu ta vừa bước chân vào nhà giam thì cô vợ nối gót chồng rời khỏi nhà ôm con tái giá, tung cánh đến tận Hắc Long Giang. Trương Tư Quốc thì vẫn là “lính phòng không”, mấy ngày trước có đến tìm tớ mượn tiền, bảo rằng muốn tích góp chút vốn để làm ăn buôn bán gì đó. Tớ nghèo rớt mồng tơi, làm gì có tiền để cho cậu ta mượn?
- Thằng này chịu thiệt thòi một cách quá đỗi thành thực - Tôi cảm thán.
Giọng Quách Kim Khố đầy sự bất bình:
- Đốt đèn lồng lên cũng không thể tìm được thằng nào ngốc nghếch như nó nữa đâu. Nghe người trong đơn vị của nó nói rằng, lúc ấy họ đã chỉnh lý xong tài liệu, chuẩn bị báo cáo lên cấp trên để công nhận danh hiệu anh hùng cho nó, nó lại bảo nó không hề có ý định dùng thân mình để kích nổ những quả bộc phá ấy đâu. Cậu nói đi, trong thiên hạ có loại người nào ngu như nó không? Bỏ qua chuyện đó đi, nó trở về quê với một thân hình đầy thương tích, mặt cũng đã bị phá nát, nằm chết gí trong làng, ngay cả cái chức chi ủy viên cũng không đến tay nó.
- Cậu nên giúp nó, lên huyện tìm cơ quan dân chính nào đó, - Tôi nói.
- Tớ hả? Quách Kim Khố chỉ vào mũi mình, nói - Với cái mặt này mà tớ còn giúp được nó sao? Tớ lo cho mình chưa xong, cầu ông cầu bà mãi, cán bộ thôn mới chiếu cố cho làm cái công việc sai vặt này, mỗi ngày đến đây canh cổng, mỗi tháng lau súng một lần, cuối tháng nhận chín mươi đồng. Khi thôn đội trưởng đi uống rượu, tớ cũng đi theo để tăng thêm chút mỡ - Cậu ta cảm thán - Tính đi tính lại, chỉ có cậu là tốt số nhất.
- Hãy nghĩ đến Tiền Anh Hào, - Tôi nói. - Hãy nhớ rằng cậu ta là một người rất phong độ, chết ở đấy, ngay cả xác cũng ỉchông về được quê hương. Chúng ta được sống, cũng nên lấy thế làm đủ rồi.
- Cậu nói cũng đúng, - Quách Kim Khố nói. - Luận về nhân phẩm, luận về tài năng, cho dù có mười Quách Kim Khố tớ cũng theo không kịp một Tiền Anh Hào, thế mà tớ còn được phong huy chương chiến công hạng ba, còn tìm được một công việc lau súng canh cửa, lại còn có cả một mụ vợ…
Ngoài cửa có tiếng chuông xe đạp.
- Thằng bé đưa thức ăn đến đấy! - Quách Kim Khố đứng bật dậy, mở cửa.
Một thằng bé khoảng mười lăm mười sáu tuổi cưỡi một chiếc xe đạp màu đen, một tay giữ tay lái, một tay xách một chiếc hộp gỗ hình vuông. Chiếc xe vừa trờ tới cửa, nó đã nhẹ nhàng nhảy xuống, liến thoắng:
- Chú Hoa Miệng! Thức ăn mà chú yêu cầu đã có rồi đây!
Vừa nói, nó vừa xách chiếc hộp đi vào nhà. Quách Kim Khố chụp lấy vành tai nó, giận dữ chửi:
- Mẹ con nhà mày đúng là đồ trứng thối, ngay cả một con thỏ chưa ráo máu đầu như mày mà cũng gọi ông là Hoa Miệng sao? Ông đây nhảy vào lửa bỏng nước sôi, bị lửa đốt bị thương miệng, về đây để cho chúng mày đùa cợt sao? Bữa nay ông không tha cho mày đâu. Gọi bố! Gọi ông nội! Gọi tổ tông!
Cậu ta nghiến răng nghiến lợi véo mạnh tai thằng bé. Những ngón tay thô và cứng cứ vặn qua vặn lại, kéo lên kéo xuống, trông cậu ta lúc này giống như một con quỷ đang nổi giận. Thằng bé đau kêu lên oai oái, hộp gỗ trong tay rơi xuống đất, bên trong có tiếng loảng xoảng của chén đĩa. Nó vừa khóc vừa kêu:
- Chú, bác, bố, ông nội, lão tổ tông ơi… Cháu không dám nữa đâu…
Tôi vội vàng nói:
- Quách Kim Khố! Cậu có thôi đi không. Việc gì mà phải động chân động tay với một thằng bé?
Tôi bước lên kéo tay cậu ta. Cậu ta còn nắm tai nó giúi xuống đất, giúi đến khi đầu thằng bé chạm xuống nền gạch vuông mới có vẻ hả giận, buông tay. Thằng bé ôm lấy hai vành tai đỏ nhừ, khóc nức nở.
- Mau soạn thức ăn lên bàn cho tao! - Cậu ta gầm lên.
Thằng bé chẳng dám phản kháng, nhanh chóng cúi người mở chiếc hộp, đặt bốn đĩa thức ăn lạnh, hai chai rượu và hai chiếc đũa lên bàn làm việc. Hai vành tai của nó như được bôi một lớp dầu, từ đỏ chuyển sang tím tái, trông thật thương tâm.
- Mày tưởng lão Quách này là Phật à? Lão đây chẳng hiên thế đâu! Hôm nay chỉ là cho mày nếm thử sự lợi hại của một chiến sĩ cách mạng thôi.
Thằng bé sợ đến nỗi không nói được lấy một lời, xách chiếc hộp không phóng vù ra khỏi cửa. Quách Kim Khố nhìn theo bóng nó, gào to:
- Còn các món nóng nữa, mau mau đưa đến đây!
Thằng bé nhảy lên xe, đạp mạnh, quay đầu lại vừa khóc vừa chửi:
- Lão Hoa Miệng Quách Kim Khố kia! Tao ỉa vào mười tám đời tổ tông nhà lão!
Quách Kim Khố lao ra cửa, nhặt một cây súng gỗ dùng để huấn luyện động tác đâm lê lên đuổi theo. Thằng bé đạp xe như tên bắn, mất hút. Tôi chạy theo kéo cậu ta lại, bảo:
- Thôi đi cậu, quay vào uống rượu thôi!
Cậu ta hất mạnh một cánh tay lên khiến tôi loạng choạng tránh sang một bên, gào to:
- Không! Tớ phải giết nó! Mục tiêu ngay phía trước - Giết! Vừa gào, cậu ta vừa cầm ngang cây súng gỗ, nhắm thẳng vào một gốc cây ngô đồng trong sân lao tới và đâm mạnh - Giết! Chạy đi đằng nào rồi? Giết! Giết! Giết! Những mảng vỏ cây ngô đồng rơi xuống lả tả, những dòng nhựa cây màu lục như những dòng nước mắt từ từ lăn theo thân cây.
- Kim Khố! Được rồi, được rồi! Tôi dùng lời lẽ cực kỳ dịu dàng khuyên nhủ - Giải phóng quân yêu và bảo vệ cây cỏ, chúng ta vào nhà uống rượu thôi - Lôi lôi đẩy đẩy, khó khăn lắm tôi mới đưa được cậu ta về phòng làm việc. Giật cây súng gỗ ném vào góc tường, ấn cậu ta ngồi xuống ghế xong, tôi mở nút chai rượu và đổ đầy hai cốc, nói:
- Người anh em, uống di!
Cậu ta vẫn ngồi bất động, mắt trừng trừng nhìn vào vách tường, hai giọt nước mắt to tướng từ từ lăn ra khỏi hốc mắt cậu ta. Giọng cậu ta khàn đục:
- Tớ không uống đâu! Tớ chẳng còn mặt mũi nào mà uống nữa. Triệu Kim, bữa nay tớ sai rồi. Tớ không nên lợi dụng chiếc đòn trên vai cậu, nói thực lòng tớ biết cậu làm ra tiền cũng chẳng dễ dàng gì, gia đình cậu sống rất khó khăn tớ cũng biết. Thôi, mang rượu về nhà mời bố cậu uống đi.
Tôi cố ý làm ra vẻ thoải mái, cười nói:
- Quách Kim Khố! Đây mới chính là cậu coi thường tớ, xem tớ chẳng ra gì phải không? Anh em ta khó khăn lắm mới gặp nhau, bữa nay uống cho đã. Cậu mà nói nhăng nói cuội nữa thì không xứng đáng đã từng là một người lính đâu nhé.
- Tớ là người lính à? - Cậu ta trừng mắt nhìn tôi, hỏi.
- Đương nhiên cậu là người lính, trên mũ cậu có ngôi sao năm cánh, cầu vai đỏ hai bên ve áo. Cậu không phải là lính thì là cái gì? - Tôi khẳng định - Trong bảng vàng của quốc gia có ghi tên cậu, có ngày nào đó người ta sẽ dùng cậu, cậu có muốn trốn cũng chạy không thoát đâu!
- Tớ là lính sao? Tại sao tớ lại phải chạy trốn? “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tớ làm sao mà phải chạy trốn cơ chứ? Nói thực lòng, tớ đã từng mong có cơ hội hy sinh cho đất nước, hy sinh sao cho oanh oanh liệt liệt, khắp nơi lập bia biểu dương, quan trọng hơn cả là mẹ tớ có cái ăn mà chẳng phải lo nghĩ gì đến chuyện đói, thế mới không uổng là sinh ra cho đời một đứa con ttai. Bây giờ thì bộ dạng tớ như thế này có ra thể thống gì đâu, trắng tay hoàn tay trắng. Triệu Kim à sống không bằng chết - Cậu ta chụp lấy cốc rượu, cụng thật mạnh vào cốc của tôi, nói - Các anh em! Vì an ninh tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, thề quét sạch bọn xâm lược! Cạn chén!
Chỉ một ngụm, cốc rượu trong tay chúng tôi đã cạn veo. Lại rót, lại cụng rồi lại cạn chén.
- Là lính thì không nhất thiết phải dùng đũa, - Cậu ta vứt hai đôi đũa xuống gầm bàn, tuyên bố thật hùng hồn. - Dùng tay!
Cậu ta bốc tai lợn, tim lợn, gan lợn, thịt lợn nhét vào mồm, cằm bạnh ra. Cách ăn của cậu ta như gió cuôn mây tràn, thoắt cái bốn đĩa thịt đã hết veo.
Thức ăn nóng vẫn chưa mang đến.
Cậu ta lại quay số điện thoại.
Tôi nói đã no, không cần nữa đâu.
Cậu ta bảo, hôm nay không cần cậu trả tiền, tất cả để tớ lo.
Cậu ta lôi ra một xấp nhân dân tệ ném lên mặt bàn, mắt long lên sòng sọc, hỏi: Đây là cái gì, đã đủ chưa? Lại mở chiếc đồng hồ hiệu Thượng Hải ở cổ tay ra, ném tiếp lên xấp tiền, gào lên: Đây là cái gì, có thể đổi được thức ăn khồng?
Tôi giúp cậu ta đeo đồng hồ vào cổ tay, lại cầm xấp tiền nhét vào túi cậu ta. Tôi nói:
- Kim Khố à, chúng ta là những người sống thực tế, thực sự cầu thị, không cần nhiều thức ăn nóng như thế, chỉ một cân sủi cảo nữa là dủ. Chỉ e rằng thằng bé ấy có bị đánh chết cũng chẳng dám quay lại đây nữa đâu.
- Nó dám không mang đến à? Nó mà dám không mang đến, tớ sẽ làm cho cái quán ăn của nó tan hoang luôn - Quách Kim Khố gằn giọng.
- Được rồi, tớ biết cậu lợi hại rồi, cậu gọi điện thoại đi vậy.
Cậu ta quay số, nói no rồi, không cần ăn nữa, chỉ cần uống rượu.
Chai rượu thứ hai được mở ra, đổ ồng ộc vào cốc. Lại mười mấy ly rượu nữa trôi vào cổ họng chúng tôi. Mặt của Quách Kim Khố vàng ệch, chẳng khác gì đất sét.
Tôi bảo, Kim Khố à, đừng uống nữa, nhiều rồi, say rượu khó chịu lắm.
Cậu ta hỏi, ai say? Cậu bảo tớ say rồi à? Đi, chúng ta ra ngoài kia luyện tập một tí.
Tổi nói, thằng quỷ này, tớ không luyện tập được nữa rồi, nói về kỹ thuật quân sự thì chỉ có Tiền Anh Hào mới có thể so sánh với cậu, còn tớ thì không dám.
Cậu ta xiêu xiêu vẹo vẹo đi vào trong, lấy trên giá súng xuống khẩu tiểu liên 79, gắn chiếc lưỡi lê sáng loáng vào, nói với tôi rằng, đây là súng thật lưỡi lê thật, tớ với cậu đọ sức một phen, thế nào?
Tôi nói, ông anh ơi, tha cho tớ một lần này đi.
Quách Kim Khố làm một động tác đưa súng lên vai cơ bản trong quân ngũ: Đầu tiên là dùng tay phải cầm lấy báng súng đưa lên trước ngực, miệng súng đặt ngang với cúc áo thứ nhất, cự ly giữa súng và thân mình là hai lăm phân, tay trái cũng cầm chặt vào báng súng. Bước thứ hai là tay phải hạ xuống nắm chắc thân súng, dùng sức cả hai tay đặt súng lên vai phải, tay trái đưa về vị trí đứng nghiêm ban đầu.
Động tác đưa súng lên vai của cậu ta rất chính xác, nhanh nhẹn, rất đẹp mắt. Bàn tay to tướng của cậu ta đập vào báng súng rất mạnh nên phát ra tiếng chan chát.
- Thế nào? - Cậu ta nheo mắt nhìn tôi, hỏi - Có tư thế eủa một quân nhân chính quy không?
- Có, quá có là đằng khác - Tôi trả lời một cách thành thực.
Sắc mặt Quách Kim Khố bỗng nhiên đỏ rực lên, giống như ráng chiều đang nhuộm hồng bầu trời trắng đục. Cậu ta đưa súng xuống khỏi vai, đứng nghiêm ưỡn ngực như đang đứng trong đội ngũ. Đôi mắt vốn trắng đã thất thần của cậu ta lúc này lại rực lên một thứ ánh sáng diệu kỳ, nói:
- Ngày biểu diễn động tác đâm lê, sư doàn trưởng đứng trước mặt tớ, có cả trung đoàn trưởng. Tiểu đoàn trưởng cao giọng hô khẩu lệnh: Quách Kim Khố! Tớ dõng dạc đáp: Có! Rời khỏi hàng! Rõ! Tớ cầm súng, chạy mấy bước rời khỏi hàng - Cậu ta cầm súng chạy mấy bước trong căn phòng làm việc của thôn đội, dừng lại rất đột ngột, đứng nghiêm - Tiểu đoàn trưởng hô tiếp khẩu lệnh: Mục tiêu phía trước, hình nhân bằng cỏ khô là kẻ địch, liên tục tấn công! Bắt đầu! Tay phải cậu ta cầm lấy súng đâm mạnh về phía trước, tay trái chụp lấy báng súng, đồng thời tay phải lui về sau kèm chụp lấy chuôi súng, chân trước khuỳnh, chân sau duỗi thẳng, hai nách khép, hai mắt nhìn thẳng, hai môi xanh rờn. Một tiếng hét: Giết! Toàn thân cậu ta chồm lên phía trước, đâm thẳng lưỡi lê vào tâm cửa bằng gỗ tùng của văn phòng thôn đội. Gỗ tùng rất chắc nên lưỡi lê bị dính chặt lại, không rút ra được. Cậu ta đá mạnh vào cánh cửa, nhổ được lưỡi lê ra, lùi lại, nhào tới. Tiếng hô giết giết rợn người vang trong phòng làm việc, nó hoàn toàn đã biến thành một thao trường. Chỉ trong chốc lát, trên cánh cửa đã xuất hiện mười mấy lỗ tròn. Nhiều khi cậu ta dùng sức quá mạnh để rút lưỡi lê ra nên không giữ được thăng bằng, ngã ngồi trên đất. Người cậu ta thấm đẫm mồ hôi, miệng thở dốc, nói: Tớ liên tục đâm đến một trăm nhát khiến tấm bia nát nhừ - Vừa nói vừa cởi áo lau mồ hôi trên mặt, cậu ta nói tiếp - Ngày ấy đâm một trăm nhát, sắc mặt của tớ vẫn không đổi, tim vẫn chưa đập mạnh, ngay cả một giọt mồ hôi trên mặt cũng không hề có. Sư trưởng mang găng tay trắng muốt, giày đen đánh xi láng bóng được trung đoàn trưởng bảo vệ bước đến: Tên gì? Sư trưởng hỏi tớ - Cậu ta bò dậy, quên mất khẩu súng, hai chân đứng khép theo hình chữ V, ngực ưỡn quá mức về phía trước, làm như đang có sư đoàn trưởng trước mặt: Báo cáo sư đoàn trưởng, tên tôi là Quách Kim Khố! - Bao nhiêu tuổi? Sư trưởng hỏi - Báo cáo, tôi hai mốt tuổi, cầm tinh con dê! - Đúng hơn cậu là một con hổ nhỏ - Sư trưởng vỗ vai tớ, khen - Vâng, thưa sư đoàn trưởng, tôi là một con hổ nhỏ - sư trưởng vẫy tay, tiểu đoàn trưởng chạy bổ đến, đứng nghiêm, đưa tay chào, nói: Mời sư đoàn trưởng chỉ thị. Sư trưởng nói: Tốt quá, tốt quá! Kiểu huấn luyện đâm chém lê này quá tốt, lúc thái bình đổ nhiều mồ hôi, lúc xung trận ít đổ máu. Tiếp tục luyện tập nhé! Tiểu đoàn trưởng hô to khẩu lệnh: Các tiểu đội quay về vị trí cũ, tiếp tục luyện tập. Lại luyện tập, lại tiếp tục “giết!”, “giết”… Thân thể Quách Kim Khố lắc lư muốn đổ quỵ, tôi phải vội vàng đỡ cậu ta ngồi xuống.
Gương mặt đỏ hồng lúc nãy đã biến mất, đôi mắt lại trở nên đờ đẫn như mắt cá chết, Quách Kim Khố quờ tay tìm chai rượu. Tôi ngăn lại, bảo:
- Kim Khố à, thôi đừng uống nữa!
- Không! Không!… Cậu ta nói bằng một giọng đứt quãng, phều phào - Chúng ta… là chiến hữu… khó gặp nhau… bữa nay nống say… say mới nghỉ…
- Nhưng cậu đã say rồi!
- Đánh rắm! Đồ chuột nhắt mới say - Cậu ta chụp lấy chai rượu, đưa miệng chai lên cái miệng loang lổ những hoa văn vằn vện, dốc ừng ực cho đến khi đáy chai vổng ngược lên trời, rồi với đôi mắt đỏ rần, hét lên - Phát hiện có lô cốt ngầm trước mặt… Thủ pháo!… - Rồi giang tay ném mạnh cái vỏ chai vào tường.
- Thằng quỷ, Triệu Kim… - Đầu cậu ta ngoẹo trên bàn, mắt nhắm nghiền, chiếc mũ lính trật ra sau gáy, lầm bầm - Quân ngũ sao mà hay, bảo đánh là đánh, bảo luyện là luyện, nào súng, nào lưỡi lê, nào lựu đạn… Các người lấy tư cách gì mà đuổi tôi về. Tôi làm lính chưa thỏa chí, các người đã ép tôi phục viên. Làm lính quá tốt, nào xem phim, nào chơi bóng rổ, nào bơi sông. Chủ nhật giặt giũ… Cô dẫn chương trình mồm to với bó hoa to tướng trong lòng đẹp như tiên giáng trần. Gọi nhau tắt đèn: Tắt đèn đi ngủ! Gọi nhau ăn cơm: Cơm gạo trắng thơm, canh rau cải trắng. Tập hợp khẩn cấp, gọi nhau thức giấc: Dậy đi, dậy đi, dậy mau lên! Một phút mặc xong quần áo, hai phút rời khỏi doanh trại, ba phút toàn tiểu đoàn tập hợp hoàn tất. Tiểu đoàn trưởng hô: Nghiêm! Nghỉ, nhìn bên phải, thẳng! Nhìn đằng trước! Đằng sau quay! Chạy sang trái! Rầm rập rầm rập rầm rập… Hàng trăm con người bước chạy như một. Một hai ba, một hai ba. Tiểu đoàn trưởng đứng bên ngoài hô: Một - hai - ba - bốn! Chúng tôi đồng thanh hô vang: Một - hai - ba - bốn! Hô thật to để cho những gì vẩn đục trong lòng bay hết ra ngoài. Tiếng hô khẩu hiệu xé nát bình minh của huyện Hoàng. Rầm rập rầm rập rầm rập chạy qua đại viện họ Đinh, chạy qua đại lộ trung tâm, vượt qua từng cây ngô đồng gốc Pháp, chạy qua xưởng sản xuất linh kiện cơ khí, qua cục thuế vụ huyện Hoàng, trụ sở huyện ủy, bưu điện, rạp chiếu phim, nhà hát kịch Lữ với diễn viên chính Củng Lệ Na trong vở kịch “Lý Nhị tẩu cải giá”. Nhờ ánh sáng đèn đường, tôi vọt lên trước hàng muốn tìm thằng bạn để cho nó đôi giày mới và tâm sự đôi câu, nào có ngờ đâu nó đã tình nguyện báo danh chi viện cho tiền tuyến. Đúng là thằng muốn chết! Đây là bách hóa đại lầu, là hợp tác xã cung tiêu huyện Hoàng, đẹp nhất vẫn là cô gái bán thuốc lá thơm. Rầm rập rầm rập rầm rập… Qua không biết bao nhiêu là nhà của bà con, chạy thẳng đến đại lộ Yên Duy do bọn quỷ Nhật Bản xây dựng. Bên trái là biển xanh ngút ngàn, bên phải là dãy núi trọc trơ vơ. Hai bên đường, cây bạch dương xé toạc bầu trời. Không có xe cộ trên đường, tháng chạp lạnh lẽo, chỉ có một màn sương trắng dày. sầm sập sầm sập sầm sập… càng chạy càng nóng, ngẩng mặt đón mặt trời, thế là đã chạy năm cây số. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh: Tiếp tục chạy - Loạn xị bát nháo một hồi, quay lại địa điểm bên bờ biển - Dừng lại tiểu - Lại là lệnh của tiểu đoàn trưởng. Hàng trăm chàng trai hướng mặt về phía mặt trời và tuôn tất cả bầu nước tiểu chịu đựng qua một đêm xuống bờ kè chắn sóng trông như một trận mưa to từ trên trời rơi xuống… Làm lính sao mà vui, nhưng các người lại không cần tôi nữa rồi… Bàn tay nắm lại thành quyền câu ta đấm liên tục xuống mặt bàn rồi khóc lên tấm tức những giọt nước mắt đục ngầu rơi xuống mặt bàn - Triệu Kim! Cậu hãy dùng tình cảm nói với lãnh đạo cho tớ trở lại quân đội làm lính gác, nuôi lợn, nâu cơm… làm cái gì cũng được Tớ làm lính chưa thỏa chí mà… Bị những hồi ức của anh ta làm cho cảm động, tôi khuyên:
- Kim Khố à, đừng có hồ đồ nữa. Từ xưa đã có câu “Doanh trại thì bằng sắt, còn lính như nước chảy”. Có ai cả đời làm lính đâu. Vả lại, cậu về đây nhưng đâu đã hoàn toàn thoát ly lực lượng vũ trang. Toàn thôn có mười mấy khẩu súng đều do cậu quản lý cả đó thôi, cậu muốn lau khẩu nào thì tùy ý cậu đấy thôi.
- Khẩu nào tớ cũng chẳng muốn lau - Cậu ta mở đôi mắt đỏ ngầu, chỉ vào cây súng đang nằm dưới đất gào to - Mẹ kiếp! Thế mà cũng gọi là súng à? Là chiến lợi phẩm thu được của bọn quỷ Nhật trong thời kỳ kháng chiến, giống như một bà mẹ đã đẻ mười đứa con không bằng, nòng rộng hoác, đạn rời khỏi nòng là bay xiên xiên vẹo vẹo, các bộ phận thì rệu rã hết. Bộ đội chính quy được thưởng huy chương chiến công hạng ba như tớ, loại vũ khí mới nào mà tớ chưa hề thấy? Kiểu đánh nào mà tớ chưa gặp? Bây giờ lại trở thành kẻ giữ kho cho các khẩu súng như những bà già này…
Tôi nói, Kim Khố à, tớ muốn về nhà rồi, cậu cũng về nhà nghỉ thôi, có được không?
- Tớ sẽ đi với cậu! - Cậu ta lảo đảo đứng dậy - Cậu đã đồng ý là sẽ về thăm nhà tớ kia mà.
- Tớ không đến nhà cậu nữa đâu!
- Cậu làm cho tớ thành bộ dạng như thế này mà không đưa tớ về, hay là cậu muốn tớ rơi xuống cầu mà chết nước? Nếu tớ chết, cậu có nuôi nổi mẹ tớ không? Vợ tớ đang có bầu, cậu có đến chăm sóc không?
Tôi nói, thằng quỷ này đúng là một tên vô lại, được rồi, tớ sẽ đưa cậu về nhà.
Trên đường đi, Quách Kim Khố cứ lải nhải:
- Thằng quỷ à, vợ tớ chẳng coi tớ ra gì, ngày nào cũng tìm cách gây sự với tớ, cậu đường đường là thượng úy quân giải phóng mà đưa tớ về nhà, như thế là làm vinh quang cho tớ, giúp tớ có thêm chí khí, đồng thời cũng hạ bệ uy phong của vợ tớ. Tớ như cáo mượn oai hùm để trấn áp vợ, hy vọng có thể cải thiện hình ảnh của tớ trước mắt vợ. Tớ không say, tớ chỉ say tình người chứ không hề say rượu.
Nhà cậu ta cách trụ sở ủy ban thôn chỉ khoảng hơn cây số, chỉ một chốc là đến. Ba gian nhà lè tè, quả thực là quá sức tồi tàn. Đẩy cánh cổng để ngăn gà khỏi chạy ra đường, cậu ta nói:
- Đến Quách phủ rồi đấy!
Vợ Quách Kim Khố đang cho lợn ăn, thoạt nhìn tôi đã có cảm giác rất quen.
Nhớ ra rồi! Khi Quách Kim Khố còn tại ngũ, cô ta thường đến thăm, đến tiểu đoàn là tìm mọi cách nán lại không muốn về, một bữa ăn đến bảy chiếc bánh bao, phiền phức đến độ trưởng nhà ăn và nhân viên nhà ăn phải có ý kiến. Chuyện thường xuyên đến ăn cơm không nói làm gì, mỗi lần đến cô ta còn mang theo mười mấy chiếc chổi bó bằng cây điều tử để rao bán; giọng nói thì vô cùng kỳ quái, nửa như hát, nửa như hô khẩu lệnh khiến rất nhiều trẻ con là người nhà của các quan chức quân đội tò mò đến xem. Vệ binh đuổi về, cô ta tuyên bố mình là vợ chưa cưới của chiến sĩ Quách Kim Khố ở tiểu đoàn ba khiến cậu ta xấu hổ đến độ không dám gặp mặt.
Quách Kim Khố nói:
- Mẹ nó à, chiến hữu của tôi là thượng úy Triệu Kim đến thăm, mau đun nước pha trà đi!
Cô ta nhấp nháy đôi mắt, chửi:
- Coi cái bộ mặt say đến nhừ tử nhà ông kìa!
- Mau đun nước pha trà! - Quách Kim Khố ra lệnh.
- Cỏ không có một cọng, trà không có một cánh, vậy đốt bằng lông… bố ông, pha bằng lông… mẹ ông à? - Người đàn bà nói như súng liên thanh với những lời cực kỳ ngoa ngoắt. Nói xong, cô ta lận từ trong lưng quần ra một củ cải, cắn một đoạn to rồi nhai rau ráu.
Tôi bảo, được rồi, Quách Kim Khố, tớ về đây. Mặt cậu ta tái xanh, chửi vang lên:
- Cả đời của tao đã chịu bao nhiêu điều xúi quẩy với con mụ thôi tha nhà mày, bữa nay cả hai thanh toán cho sòng phẳng đây. Tao sẽ giết mày!
Người đàn bà ưỡn cái bụng thè lè ra, hào hùng tuyên bố:
- Đến đây, đến đây! Nhằm vào đây mà đánh. Đánh cho văng cái đồ chết dẫm. này ra ngoài để mai mốt bà đây tái giá khỏi phải lôi theo.
Quách Kim Khố đấm ngực kêu khóc:
- Bố ơi mẹ ơi, ông trời ơi! Sao lại bắt tôi gặp phải cái đồ mẫu dạ xoa này?
- Quách Kim Khố à, sắp đến tết rồi, đừng làm náo loạn nữa! - Tôi bảo.
- Tết à? - Đôi mắt cậu ta đỏ sòng sọc - Chẳng tết tiếc gì hết! - Cậu ta vớ lấy chiếc cối giã tỏi cạnh cửa ra vào, lao vào nhà. Tôi chạy theo lôi cậu ta lại. Cậu ta cao giọng ra lệnh:
- Tiểu đội phó tiểu đội năm Quách Kim Khố!
- Có!
- Mục tiêu trước mặt, ném bộc phá!
- Rõ!
Cậu ta giang tay thẳng cánh ném mạnh chiếc cối bằng đá vào chiếc gương treo ở bức tường trước mặt.
Xoảng! Những miếng kính vỡ vụn loảng xoảng rơi xuống, người đàn bà đứng ở cửa khóc rống lên. Cậu ta lại nhặt chiếc cối lên, đứng giữa nhà, hô to - Tiểu đội phó tiểu đội năm Quách Kim Khố!
- Có!
- Trước mặt phát hiện mục tiêu mới dùng bộc phá tiêu diệt!
- Rõ!
Cậu ta ném chiếc cối vào cái nồi đang bắc trên bếp. Chiếc nồi vỡ tan, còn chiếc cối thì rơi vào giữa đống tro tàn làm tưng lên một làn bụi đục. Cậu ta tiếp tục nhặt chiếc cối giữa đống tro lên, tiện tay đập mạnh vào lu nước, hét lên - Bộc phá nổ rồi!
Chiếc lu nước vỡ toác, nước đổ xòa ra đầy nhà, không còn chỗ đặt chân nữa.
Tất cả những động tác vừa rồi của cậu ta cực kỳ mạnh mẽ và điêu luyện, dường như tất cả đều đã được luyện tập có hoạch kỹ càng từ trước, chờ cho đến khi tôi ra tay ngăn cản những hành vi phá hoại thì cậu ta càng có cơ hội để phát tiết. Ba quả bộc phá đều trúng đích, tiêu diệt hoàn toàn mục tiêu, nếu tiếp tục nữa e rằng chỉ còn mục tiêu duy nhất là phóng hỏa thiêu rụi căn nhà. Người đàn bà thấy thế của mình đã yếu, đành phải ôm chiếc bụng thè lè vừa chạy vừa khóc.
Quách Kim Khố ngồi chồm hổm dưới đất, hai tay ôm đầu. Tôi nói:
- Cậu đúng là đồ lỗ mãng, từ nay về sau làm sao mà sống đây?
Cậu ta gỡ huy hiệu trên mũ và quân hàm trên vai ra, bình tình nói:
- Cậu về đi, cố gắng làm cho tốt, thay mặt toàn thể anh em bộ đội thôn ta giành lấy vinh quang. Đừng bao giờ rời khỏi quân đội nhé!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét