Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Thăm thẳm đường về ( Chương 22 ) và hết


22.
 
 

Q
uán hủ tiếu của Ba Tô nằm ngay chợ Bình An. Khu đất bằng phẳng lưa thưa vài nóc nhà, sát ngã ba đường đi xa mát. Con lộ trước nhà suốt ngày lầm bụi. Nó vốn là con đường tráng nhựa từ hồi Pháp thuộc. Mấy mươi năm nắng mưa lớp nhựa bên trên không còn dấu tích. Lại chinh chiến liên miên chưa ai nghĩ tới chuyện tu bổ lại nó. Mặt đường lồi lõm đẩy ổ voi, ổ gà. Nước đọng từng vũng. Thỉnh thoảng một chiếc xe tải chạy qua. Bùn đất bắn tèm lem sang hai bên đường. Phải xuống tới Phú Giáo con đường mới được trải nhựa phẳng phiu. Càng đi xa về Phước Long con đường càng tệ. Mùa mưa đi trên đường còn đỡ. Mùa nắng gió bụi không mở được mắt. Chốc chốc cơn lốc cuốn rác rưởi, lá cây, khói bụi lên cao thành cái hình phễu khổng lồ. Hàng quán bán hai bên đường ngày phải lau bụi luôn. Ngồi trong quán có thể nhìn rõ qua bên kia đường khu nhà của Nông trường cao su. Nó cũng giống hầu hết các nông trường cao su khác ở vùng này. Công nhân chín người, mười tỉnh, đều cảnh áo ngắn như nhau. Cùng vì một hoàn cảnh ngặt nghèo nào đó nơi quê cha, đất tổ mà tới đây. Kẻ Băc người Nam, trăm người trăm tính. Họ là thượng đế khó chiều của quán ông Ba. Trong nông trường cũng có căng tin bán đủ thứ. Nhưng họ chỉ mua hàng mấy ngày. Những ngày cuối tháng căng tin nông trường buồn hiu, rất vắng khách. Sở dĩ có chuyện đó lý do cũng thực đơn giản. Căng tin nông trường không bán chịu. Muốn mua " Thiếu " thứ gì đó, người ta phải ra quán ông Ba. Bà Ba Tô cũng là người mát tính. Không bao giờ hỏi " Ngang hông " như các quán khác. Khi nào đó trả đỡ chút đỉnh, chưa có, mua thêm cũng không sao. Công nhân cao su lương chậm hàng tháng là chuyện thường. Mà lương bổng đâu có nhiều nhặn gì. Tính cách của họ cũng thật lạ. Có lẽ do tác phong sinh hoạt lang bạt, kỳ hồ từ nhiều năm trước còn đọng lại. Không có tiền thì thôi. Củ mì luộc, vài con khô mắm, đôi xị rượu cũng xong. Có tiền nhậu vài bữa chết bỏ. Còn chút chút trả nợ quán. Trên dưới một tuần lại vô sản từ trên xuống dưới. Cháy túi. Trắng tay. Chẳng ai lấy đó làm buồn. Hoặc là buồn là buồn theo cách của họ. Cũng giống như người nông dân vùng này. Gạo thiếu quanh năm, nhưng mùa gặt được bao nhiều gạo lúc bán bằng hết. Không nhà nào trữ thóc gạo trong nhà. Nếu có thì hiếm hoi mới thấy có nhà đóng bịch chứa thóc. Gạo ăn tới đâu mua tới đó. Kêu rằng như vậy mới có gạo mới, gạo ngon. Mất công chi trữ lúa nhọc công phơi, sàng sẩy! Cuộc sống tự nhiên như nhiêu giúp cho họ có tâm hồn phóng khoáng, cởi mở, chân thực. Nhưng cũng nhiều khi cười ra nước mắt.
Khải nghĩ trong nhiều nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của xứ sở này có lẽ có một phần không nhỏ của tính cách ấy tạo nên. Nó là dấu vết tạm bợ trong cuộc di dân qua nhiều thế hệ.
Anh đã quen dần với nếp sống ở vùng này. Quen cả cái nóng bức bối, khô khát. Quen nét lãnh đạmn như không ai chú ý đến ai. Ai cũng chăm chăm làm rồi ăn, rồi ngủ như không cần biết còn có gì xảy ra, diễn ra trên đời. Nhưng Khải không sao quen được cuộc sống thiếu thông tin đến mức trầm trọng như ở nơi đây. Dọc hai bên đường không hiếm chỗ quán xá ca nhạc ỉ eo, rầu rĩ. Cái không khí ấy khác hẳn với đất Bắc quê anh. Người ta mở máy nghe nhạc từ mờ sáng cho đến đêm thâu. Những cuộn băng cũ ngắc ngứ tua đi tua lại không biết chán. Những bài ca nghe quá nhiều trở thành nhàm chán, không gây ấn tượng. Thật khó khi muốn kiếm một tờ báo hay một cuốn sách để đọc. Mọi chuyện người xung quanh dường như không ai để ý đến chuyện đó. Không có nó cũng chẳng chết ai bởi vì chưa ai có thói quen này. Lâu lâu anh lại phải về chỗ nhà ông Võ mượn lên vài cuốn sách. Ông Võ là người dửng dưng với mọi thứ tiện nghi vật chất nhưng lại đặc biệt giữ gìn coi trọng sách. Vài tháng một lần gom được chút tiền ông về thành phố mua sách bằng hết. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho bà vợ khó chịu. Ông ăn thế nào, mặc thế nào cũng xong. Có khi khoác trên người cái áo cũ rộng lùng thùng sứt hết đường may, có lúc chui vào cái áo quầy ngắn cũn cỡn. Đầu tóc, râu ria ông cũng ít để ý tới. Hàm răng đều đáng ra rất đẹp nhưng luôn ố vàng ám khói thuốc vì ông có khi nào cầm cái bàn chải đánh răng. Vợ con nhắc ông cũng chỉ cầm cái bàn chải sục vài cái qua loa. Đôi dép của ông luôn bị đứt quai và hai bên mỗi bên một cỡ. Khải ít thấy có ông bác sĩ nào lại có bề ngoài và tác phong như ông Võ. Họ thường là những người chỉn chu, ăn mặc chải chuốt, lịch lãm. Ông Võ ngược lại. Ông giống như thầy thuốc đời xưa đi ở ẩn, không để tâm đến mình. Nhưng ông chăm sóc những cuốn sách rất cẩn thận. Cuốn nào ông cũng tự tay đóng bìa cứng, bọc vải phết nhựa cây bảo vệ cẩn thận. Ngoài ra rất ít người được mó tới những cuốn sách này.
Khải thật không ngờ BaTo cũng là người có thói quen và sự say mê đọc sách giống anh. Chính cái bề ngoài lần tiếp xúc đầu tiên đã khiến Khải nghĩ như thế. Vẻ ngoài dễ dãi cởi mở, nhưng để ý thấy có sự tinh quái ranh mãnh ngầm. Thường đám mọt sách ít ai có cái bề ngoài như vậy. Họ thường có bề người ưu tư hay day dứt điều gì. Nếu không cũng là vẻ lơ ngơ như đầu óc đang để đâu đâu.
BaTô là con người khác hẳn. Ban ngày ông tươi cười niềm nở cùng vợ bán hàng, phục vụ khách. Hoặc là chạy mánh mối đâu đó là chuyện than củi. Ban đêm chong đèn đọc sách đến khuya.
Một hôm BaTô làm Khải thực sự bất ngờ. Ông đưa cho anh một tập bản thảo nói là bản dịch một cuốn sách khoa học nhân văn. Cuốn “ Theo dòng lịch sử ” của một tác giả người Pháp. Những điều viết trong cuốn sách làm anh sửng sốt. Nó phản bác những công trình có từ trước tới nay, vạch ra hướng nghiên cứu hoàn toàn mới mẻ, đến nỗi khó tin. Trong những luận chứng trước đây người ta rất đề cao nền văn minh Hoa Hạ. Coi đó là cái nỗi, là trung tâm có tầm ảnh hưởng lan toả khắp lục địa á - Châu. Người Trung Hoa rất tự hào về điều đó. Hoá ra không hoàn toàn đúng như thế. Theo tác giả: Tộc người Viêm Việt mới là tộc người khai mở nền văn minh á Châu hàng vạn năm trước. Nền văn minh Hoa Hạ chỉ là một bộ phân của nó mà thôi. Mãi về sau nó mới ảnh hưởng ngược lại, đi dần xuống vùng Đông Nam Châu á. Đó là bước trở về cội nguồn của Tổ tiên, chứ không phải nơi khởi đầu như người ta vẫn tưởng. Mà dấu vết còn để lại rải rác bán đảo Đông Dương như khu đền Ăng Cô, tháp chàm Ninh Thuân.. Người ta vẫn cho rằng Chúa Nguyễn có công khai mở đất đai về phương Nam, mở rộng bờ cõi. Thực ra thì ông chỉ thực hiện công việc theo dòng chảy tìm về dấu vết người xưa. Tộc người Viêm Việt, còn để lại bao điều bí ẩn, cho đến ngày nay người ta mới chỉ lờ mờ nhận ra nó. Chưa có công trình nào khả dĩ có tính thuyết phục đủ tầm vóc về Tổ tiên từ lục địa Châu Phi theo sườn phía Tây Nam Châu á tới những đất nước ngày nay. Hoá ra lịch sử nhân loại chính là lịch sử của những làn sóng di dân. Di dân đã làm nên lịch sử hiện đại. Trong dòng chảy ấy, thân phận con người chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi không đáng kể gì. Dù rằng “ bay ngược “ hoặc “ bay xuôi ” nhiều khi cũng chỉ là vô nghĩa. Rất hiếm hại bụi để lại ấn tượng gây nên sự lấp lánh, rạng rỡ trong đời. Khải nghĩ BaTô dù sao cũng là một hạt bụi đáng kể. Cho dù cuộc đời ông ta có những khúc quanh. Những bại thành ngoài ý muốn. Kể cả những tháng ngày rỗng không, những ngày nham nhở. Những ngày tối đen. Những ngày buồn vui đáng kể hoặc không đáng kể gì…
Nghĩ lan man Khải chợt nhớ tới phận mình. Anh không khỏi nén một tiếng thở dài. Mặc dù trong thâm tâm Khải rất trọng ông Ba, anh cũng ít lui tới quán. Anh ngại những cuộc ăn nhậu, đàn ca vô bổ nơi đây. Bản thân việc uống rượu không có hại. Nhưng quá đà lại không hay. Anh đã từng thấy những người còn trẻ tuổi rượu đã làm cho dặt dẹo, mất hết tính người. Những cuộc cãi vã không đâu rồi dẫn đến ẩu đả.
Khải chỉ đến những khi thực rỗi rãi, quán vắng khách, ít người. Ngồi nhâm nhi tách cà phê trò chuyện với ông Ba một lát rồi về. Thường là những khi ấy anh mang tới cho BaTô một cuốn sách hoặc mượn của ông ta cuốn sách nào đấy. Dù bận tới đâu BaTô cũng dành thời gian trò chuyện với anh. Giữa họ với nhau đã mất dần khoảng cách e ngại, gìn giữ ban đầu. Đã có thể bộc bạch đôi điều mà nếu như đối với người khác còn phải giữ gìn.
Nhưng mấy hôm gần đây thái độ BaTô hoàn toàn khác hẳn. Khi Khải tới ông ta vẫn mỉm cười, chào hỏi. Nhưng làm ra vẻ bận rộn ông không ngồi riêng với Khải như mọi khi. Để mặc anh dùng hết tách cà phê, hút tàn điều thuốc rồi về. Kể cả lúc không có khách ông cũng hí húi như bận công chuyện gì đó, không tiếp anh. Đến khi Khải về ông nói với theo:
- Công việc lu bu quá, thông cảm nghe.
Khải thấy trong cách xã giao ấy có điều gì gượng gạo. Hẳn BaTô có điều gì đó không bằng lòng. Vậy đó là điều gì? Anh đã làm việc gì để ông ta phật ý? Kể từ lần đầu gặp BaTô ở công an huỵên Đắc – Cơ anh đã gây được cảm tình. Rồi những ngày làm than trong rừng Mã Đà anh vẫn giữ được tình cảm ấy. Anh chưa làm gì để ông ta tổn thương cả vật chất lẫn tinh thần. Xưa nay Khải chưa bao giờ muốn mình làm gánh nặng cho bạn bè. Anh muốn cầu thân chứ không cầu lợi. Coi đó là niềm vui là hạnh phúc trong đời. Kẻ không biết mình, Khải không quan tâm. Không cố giải thích, lấy lòng để mua chuộc ai. Nhưng ai đã biết, đã cảm thông với mình anh không muốn tình cảm ấy mất đi. Trong cuộc sống, con người ta cũng thật lạ lùng. Ngay cả khi ăn cùng mân ngủ cùng giường thực chất cũng chưa hiểu hết về nhau. Thực tâm quý trọng nhau một cách vô tư không vì một điều gì, để có được sự chân thành. Giả dối là một thuộc tính khó bỏ của phần đông nhân loại. Người ta thích “ diễn ” hơn là “ biểu hiện thực tâm ”. Hàng ngày sống chung, chuyện trò, công việc, nói cùng một ngôn ngữ mà như người không đồng thế giới. Tính cả thể rất riêng ấy làm cho xã hôịi muôn màu muôn vẻ. Nhưng cũng chính nó gây nên không ít chuyện đau lòng. Đáng buồn là ở chỗ dù có tiến hoá đến đâu điều này cũng không thay đổi được. Nó như là nghiệp căn, định mệnh của con người. Nếu không mọi sự đã không phức tạp, đáng ngờ!
Chuyến đò nên nghĩa. Đối với BaTô Khải là người chịu ơn ông trong những ngày lưu lạc xứ người. Anh là kẻ mang vận áo xám, ông chẳng cần cầu cạnh ở anh thứ gì. Nên tình cảm ấy không thể nói là không trong sáng vô tư. Cũng như trong đời Khải đã từng chịu ơn nhiều người khác mà chưa trả được. Thế giới này không phải toàn điều bạc bẽo. Còn rất nhiều những con người tốt. Họ lẫn trong vô vàn quân đểu giả, bất nhân. Giống như Ngọc nằm trong đất, Vàng trong cát, viên than đỏ dưới lớp tro tàn. Mất gì thì mất, Khải không muốn mất những con người ấy. Dù thế nào anh cũng phải tìm ra chỗ vướng mắc từ đâu?
Tách cà phê nguội lạnh. Anh thấy nó đắng ngắt như lần uống một thứ lá cây nào đó mà người bạn tù mang về. Lần ấy Khải bị trận sốt rét rừng. Nếu không có bát thuốc ấy có lẽ giờ Khải đã không ngồi đây. Người ấy sau này gặp sự trớ trêu. Anh ta chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người. Mà không chữa được cho mình. Nhờ có nghề thuốc gia truyền anh ta ở tù không giống ai. Vẫn được đi lại, ra vào trại tự do. Chỉ phải về buồng vào buổi tối. Ban ngày sống như người ngoài xã hội. Hàng ngày vào rừng tìm cây thuốc cho trại. Chính anh lại bị mắc chứng sơ gan cổ chướng. Căn bệnh anh từng chữa cho nhiều người. Khải chứng kiến những ngày cuối cùng của anh. Người ta xếp cho anh một căn phòng nhỏ ở một mình. Chỗ này vốn dành cho phạm nhân có bệnh truyền nhiễm, cách lý với người khác. Bụng anh to như bụng con bò. Không quần áo nào mặc vừa. Sàn nằm rải đầy vôi bột. Những con đau quằn quại khiến anh kêu khóc, rên rỉ, vật vã. Bột vôi trắng xoá khắp đầu tóc chân tay. Chẳng khác nào một sinh vật lạ lùng chưa ai nhìn thấy. Cuối cùng cái bụng ấy nổ tung. Lênh láng nước vàng, mủ bồ quân… Bây giờ nhớ lại, Khải chưa hết bàng hoàng. Nét mặt BaTô có cái gì đó hao hao giống người này. Cái trán ngắn phủ vài sợi tóc lưa thưa, khuôn mặt tròn, mũi dẹt. Đặc biệt hai tai to, dái tai rất dày. Quan sát nét mặt BaTô, nhớ lại người bạn cũ. Khải tự dưng nảy ra ý nghĩ không đâu vào đâu: Giá họ có cái mũi cao hơn, lỗ mũi rộng hơn có lẽ cuộc đời họ sẽ khác? Đấy là ẩn ý. Thượng đế dành cho vài người. Ngài thật hóm. Ngài luôn để lại tì vết trong mỗi viên ngọc. Đến như A Sin còn chỗ kém ở gót chân! Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoảng qua như làn gió hoang. Khải trở về với ý nghĩ hiện tại. Anh nghĩ: Nếu có hỏi BaTô, chưa chắc ông đã nói. Con người này vẫn vậy. Ai có làm cách nào, ông ta cũng sẽ không nói. Cứ lặng thinh, điều gì cần nói, khắc nói. Có hỏi cũng bằng thừa.
Khải uể oải đứng lên, chào vợ chồng Ba Tô, ra cửa. Nét mặt đăm chiêu. Bấy giờ Ba Tô mới lên tiếng:
- ủa, chú định về thiệt sao? Có câu chuyện nãy giờ tôi định nói cho chú biết, lại sợ chú buồn, nên chưa tiện:
Nói rồi ông chùi tay vào cái khăn cũ móc vào cái đinh trên cột, lấy áo treo gần đó mặc vào người. Hồi nào tới giờ ông có thói quen chỉ mặc áo ba lỗ, cởi trần không mặc áo dài tay. Chỉ khi đi đâu, hay có công việc gì quan trọng ông mới mặc áo ngoài. Khải đoán câu chuyện Ba Tô sắp nói là việc hệ trọng. Nếu không ông đã không có cử chỉ vừa rồi.
Một toán năm bảy người khách bước vào quán kêu đồ nhậu. Ba Tô mời họ ngồi vào bàn: “ Xin lỗi nghen, bà xã nhà tôi mang tới liền ” Ông kêu bà làm, còn mình chỉ Khải ra lối sau nhà. Chỗ đó có cây vú sữa xum xuê. Mùa này trái cây hãy còn xanh/ Ngay gần đó có giếng nước ăn, miệng giếng quây bằng những tấm tôn dày uốn cong. Hai cây dừa lửa lá vàng quá nửa, còn vài lá xanh chìa lên trời trông như những chiếc lược khổng lồ. Xa hơn một chút là vườn cây mì tốt đều ngun ngút. Không biết vợ chồng Ba Tô làm vào lúc nào mà có được đám mì rộng và tốt như vậy. Phải khi khác Khải đã hỏi. Anh có thói quen để ý đến những sự khác lạ xung quanh. Nhưng vào lúc này Khải thấy hỏi như vậy không phải lúc. Nó có vẻ xã giao, giả dối không đúng lúc. Hai người ngồi đối diện qua chiếc bàn sắt hình tròn. Mấy cái ghế cũng bằng sắt, có cái đã han gỉ. Có lẽ đây là những thứ còn sót lại ở một căn cứ quân sự nào đó. Những người lượm nhặt ve chai tha về, bán sỉ.
Ba Tô pha gói trà Cô Ba. Hương trà thơm ngào ngạt. Trà này cũng là thức Khải nghiền. Sáng nào anh cũng phải uống vài tách trước lúc đi làm. Có thể không ăn bữa sáng. Nhưng trà không thể bỏ. Tuy nó không đậm, được nước như trà Bắc. Nhưng uống riết rồi cũng quen. Ba Tô rót trà rồi bắt đầu câu chuyện. Một câu chuyện buồn. Không phải ngẫu nhiên mà Ba Tô có vẻ lãnh đạm với anh mấy ngày qua. Cũng không phải vô cớ mà Khánh Hà vắng nhà. Cô mang con đi cả tuần này không tin tức. Khánh Hà đi được ba ngày thì Khải về. Cô không nói với ai rằng mình đi đâu. Hỏi ông hàng xóm người Miên là Thạch Sáng, ông cũng lắc đầu kêu không biết. Mấy người trong khu xóm chợ quen thân với cô cũng không biết là cô đi đâu. Ngay cả Ba Tô khi được hỏi cũng chỉ nói vu vơ:
- Không chừng nó lên Định Quán, chỗ con Huyền làm lò đường.
Khải hỏi thăm đường để đi tìm thì ông bảo:
- Là tui đồ chừng. Không chắc trúng. Mà chỗ đó túi có tới hồi nào đâu mà biết đường. Chỉ nghe hồi nào cô Năm nói. Tốt nhứt chú ráng chờ xem sao. Không có địa chỉ rõ ràng biết đâu mà tìm…
Nhưng Khải đã quyết định đi tìm Hà cho kỳ được. Đường là ở miệng người ta chứ ở đâu. Anh nghĩ vậy! Cứ lên tới Định Quán tìm tới các lò đường thể nào cũng gặp. Chính vì thế Khải mới tới quán Ba Tô sớm nay. Định hỏi xong là đi luôn. Thấy vẻ mặt Ba Tô lúc đầu Khải cho rằng có hỏi cũng không kết quả. Anh định không hỏi nữa, quay trở về nhà lấy thêm mấy thứ. Khi nào có xe đi Định Quán ngang qua là quá giang luôn. Vừa lúc Ba Tô kêu ở lại.
Ông bắt đầu câu chuyện sau khi nhâm nhi tách trà.
Vợ chồng ông Cơ chuẩn bị về Bắc thì có người ở ngoài ấy vào. Con gái lão Đởm mang hai đứa con nhờ ông xin vào nông trường cao su. Nó là bà con bên ngoại ông Cơ. Mẹ đẻ ông Cơ và mẹ đẻ ra Hải là chị em họ con chú con bác. Kể ra cũng không phải họ hàng xa lắm. Những hồi ở nhà ông Đởm đối xử với ông chẳng ra gì. Đã không giúp thì chớ ông còn gây khó dễ lần ông Cơ kết nạp vào Đảng. Nếu không có thành tích ngoài chiến trường, chỉ căn cứ theo nhận xét của địa phương có lẽ ông Cơ lúc này chưa là đảng viên. Trong quân đội điều này vô cùng hệ trọng. Nó là sinh mệnh chính trị. Có tiến bộ, thăng quan tiến chức hay không đây là tiêu chuẩn được xét đầu tiên. Khi thấy cô ta nói là con lão Đởm, Hai Cơ không mấy cảm tình. Nhưng rồi nghĩ lại ông cho đó là cái hạn chế chung của một thời. Căn nguyên là ở chỗ dốt nát và lạc hậu. Con người xét đoán mọi thứ đều do cảm tính, cảm tình. Vừa ngộ nhận, chủ quan lại vừa vô đoán. Ngay cả đến ông Thước là chú ruột mình cũng còn mắc phải. " Quan điểm " " Lập trường " tính nọ, tính kia là một mớ bòng bong. Nhận thức hạn chế lại hết sức bảo thủ. Lớp người công cũng không ít, mà tội kể ra cũng nhiều. Cái tội hẹp hòi, thiển cận đến thành ác ý đã cản trở, thậm chí dập vùi bao nhiêu số phận. Độc đoán, chuyên quyền mà không có khả năng, kém hiểu biết thì tai vạ gây nên không nhỏ.
Nhưng dù sao những việc như thế cũng đã qua đi. Nếu bây giờ mình từ chối, không giúp đỡ con lão chẳng hoá ra mình là người hẹp hòi, trả thù cá nhân? Cuối cùng ông bàn với vợ lui lại ít ngày. Mặc dù thủ tục về hưu của ông đã hoàn tất, giấy tờ cũng đã xong xuôi.
Chính những ngày ông chạy lên chạy xuống để làm giấy tờ cho con gái lão Đơm ông phát hiện ra một việc: Thằng em họ ông âm thầm lấy vợ và sắp có con mà ông không hay biết gì. Nếu không có thằng Thảo người cùng quê lại cùng đơn vị trước đây nói với ông, ông cứ yên trí nó làm ăn đâu xa lắm. Ai dè nó vẫn quanh quẩn ở đất này. Lấy ai không lấy lại lấy đàn bà giá có con riêng? Tệ hơn nữa nó lại là vợ ngụy quân đã di tản đi nước ngoài? Gần đây mới có chính sách đoàn tụ gia đình theo chương trình OHO ký kết giữa ta và Mỹ. Một ngày nào đó nó theo chồng sang Hoa Kỳ thì sao? Thằng em ông đúng là đứa nông nổi. Muốn lấy vợ thiếu gì chỗ? Còn mẹ  già con nhỏ ngoài Bắc nó tính sao mà lại lấy một người như thế. Càng nghĩ ông càng giận. Nó qua mặt ông, một việc như vậy mà không nói với ông một lời. Thà ông không biết sự có mặt của nó ở trong này! Ông sẽ không để yên cho nó. Đó là trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ tình cảm mà một người như ông phải làm. Dòng họ Nguyễn nhà ông xưa nay không ai lấy vợ, lấy chồng kiểu như nó. Là kẻ có ăn có học không lẽ nó không biết đấy là điều sỉ nhục, mang tiếng gia đình dòng họ hay sao?
Ông tạm gác mớ giấy tờ xin việc của con Hải sang một bên. Xin việc vào nông trường cao su là việc không khó. Đến như ngụy quân ngụy quyền đi cải tạo về người ta còn nhận. Huống chi ông đứng ra bảo lãnh? Việc này chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông phải xem lại chuyện của thằng em họ ra sao đã. Câu chuyện hai vợ chồng ông Cơ nói với nhau, Hải nghe thủng. Cô biết Khải đang ở đây. Ngày anh ta còn ở làng cô còn nhỏ tuổi. Sau này chỉ nghe người làng đồn thổi. Bố cô thêm thắt vào. Cô hình dung con người này không đơn giản. Nghe nói anh ta đã vượt biên ra nước ngoài trước khi gây một chuyện gì đấy ghê gớm lắm. Nếu không bỏ trốn có thể bị tù rất nặng. Lời đồn đại xưa nay vẫn vậy. Nó như vẽ rồng thêm chân. Có khi thoạt tiên bằng con se sẻ. Qua miệng nhiều người bỗng nhiên hoá thành diều hâu, cú vọ. Rồi từ cú vọ đến thành yêu quái, trằn tinh. óc tưởng tượng của người đời về cái thiện thì eo hẹp. Mà khi hình dung cái ác thì phong phú và độc địa không biết đâu là bến là bờ. Những chuyện về Khải qua miệng con lão Đởm làm bà Cơ kinh sợ. Bà là người xưa nay quanh quẩn trong làng, giờ mới theo chồng vào đến đây. Cũng chỉ quanh quẩn chục cây số trong vùng quanh nông trường. Ngay khi ở nhà bà cũng không quan tâm đến mọi việc xung quanh. Nên nghe Hải nói bà rất bất ngờ.
Nghe vợ nói ông Cơ không ngạc nhiên lắm. Ông chẳng lạ gì lề thói người làng. Những câu chuyện đồn đại ác ý thì nhiều, thiện tâm thì ít. Hình như người ta cảm thấy thích thú trước việc không may của kẻ khác. Mặc cho kẻ ấy không gây hại gì cho mình. Cũng không cần tìm hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cứ nói cho sướng miệng. Làm như lăng nhục được kẻ khác là cách tôn vinh mình lên.
Những câu chuyện ấy có bao nhiêu phần trăm sự thật còn phải xem sao đã. Mà dù là có thật như thế ông cũng chẳng bỏ nó được. Dẫu sao cũng là máu mủ, ruột già. Người khác có thể quay mặt đi chứ ông không thể. Từ ngày nó vào đây, khó khăn như vậy, nhưng nó có làm điều gì xằng bậy đâu? Nó không đói ăn bậy, túng làm càn. Ông tin là nó không làm những việc như vậy. Nhưng thằng này số đào hoa thì hẳn rồi. Không chừng quan hệ trai gái là nguyên nhân của những thất bại, trái ngang của nó.
Ông cũng không bỏ ngoài tai tất cả câu chuyện của Hải. Ông hỏi nó cặn kẽ, rồi gật gù không nói gì.
Còn ít ngày nữa là bàn giao để trở về miền Bắc, ông Hai Cơ ra thành phố. Đưa con ông đã theo mẹ nó sang Mỹ định cư theo diện OHO. Việc này khi ra tới nơi ông mới được biết qua vài người quen. Căn nhà có giàn hoa lý trước sân cửa đóng im lìm. Cánh cửa sắt có ổ khoá hoen rỉ vì đã lâu không có người đụng đến. Không biết mai này một người nào đó sẽ về làm chủ căn nhà này? Nhưng điều đó với ông không còn ý nghĩa gì nữa. Ông đứng lặng hồi lâu. Thế là hết. Biền biệt phương trời, biết có còn ngày gặp lại? Chỗ đau ông giấu kín trong lòng, giờ nhức nhối. Ông ý thức được rằng mình là kẻ có lỗi. Mình đã làm điều gì đó không phải với cả hai người đàn bà. Một người cha mẹ lấy cho khi hơn chục tuổi đầu. Một người tự mình có mối cảm thương sau bao chiến trận. Không phải con người ta lúc nào cũng sáng suốt, vững vàng. Lý và tình đôi khi như hai mối chỉ rối vào nhau. Mọi hạnh phúc và bất hạnh cũng từ đấy mà ra. Cho đến khi từ giã cõi đời, con người cũng không có cách nào hiểu được rành mạch mọi điều rõ ràng. Vẫn còn lại rất nhiều chuyện mơ hồ, bối rối. Vì thực ra với sự hiện hữu ngắn ngủi của kiếp người, chỉ có thể đến gần chứ không thể qua được ngưỡng của sự minh triết.
Ông Cơ tần ngần hồi lâu trước ngôi nhà quen thuộc trên đường Nguyễn Tri Phương. Trên đường đang cuồn cuộn người đi. Nhưng ông cảm thấy không nghe thấy gì, không có ai cả… Rồi ông chợt nhớ tới Khải. Nó cũng có người đàn bà cảnh ngộ tương tự như thế này. Mấy hôm trước được biết tin, ông đã định cho qua. Mặc dù trong bụng ông rất giận Khải. Nhưng ông lại nghĩ không nên đụng đến chuyện riêng tư của nó. Thằng em từ ngàn cây số vào đây ông đã chẳng giúp được gì. Vẫn để nó phải vật vờ, bươn trải. Ông lấy tư cách gì để răn dạy nó đây?
Nhưng chuyện xảy ra vừa rồi đối với ông đã làm ông nghĩ khác. Nếu điều đó lại xảy ra với nó thì sao?
Với ông chỉ là vợ mọn, con thêm. Ông còn vợ con, gia đình yên ổn không to lắm dẫu gì ông cũng có vị trí trong xã hội. Còn nó? Nếu điều đó xảy ra với nó lúc này không biết sẽ dẫn đến chuyện gì. Nó như phế binh còn mỗi bên chân. Gãy nốt thì đứng lên bằng cái gì đây? Ông thấy mình không thể bỏ qua việc này được. Ngay tức khắc ông phải gặp nó. Nó phải nhanh chóng rút ra khỏi bãi lầy này, trước khi tình cảm trở thành sâu nặng. Hai đứa chỉ mới biết nhau gần đây, việc ấy còn kịp. Nghĩ vậy ông quay về đơn vị, không về nhà. Ông mượn chiếc xe Zép cũ chiến lợi phẩm, tự mình lái lên thẳng khu Bình An gặp Khải.
Người đầu tiên ông Cơ gặp là Ba Tô. Điều đó cắt nghĩa lý do vì sao mà Ba Tô có vẻ khang khác sau này khi gặp Khải. Quả thực kinh nghiệm của ông Cơ khá chính xác. Muốn tìm một địa chỉ hoặc một người nào đó tốt nhất tìm đến cái quán trong vùng. Ông đã hỏi đúng chỗ và lại đúng người. Ba Tô vừa là người quen trước đây của Khải, vừa là anh họ Khánh Hà. Cuộc thăm viếng đột ngột của ông Cơ làm cho Ba Tô ngại ngần. Vậy mà quen biết, trở thành người nhà đã lâu mà ông không thấy Khải nói gì về chuyện này. Hoặc giả có nói mà Ba Tô không để ý. Công việc của ông hàng ngày gặp rất nhiều người. Nghe biết bao câu chuyện. Những người chưa gặp bao giờ, chuyện của họ cũng không gây ấn tượng lắm để nhập vào đầu óc.
Thấy một sĩ quan mũ miện tề chỉnh, súng ngắn ngang hông, chân mang giày da đen, lúc đầu Ba Tô lúng túng. Liệu còn chuyện gì mắc mớ phức tạp sau khi ông ở trại cải tạo về đã lâu?
Đến lúc ông Cơ bắt tay tự giới thiệu, Ba Tô mới thở phào nhẹ nhõm. Ông mời khách ngồi. Tự tay Ba Tô pha một ly cà phê mang lại. Khách xua tay:
- Có rượu cho một xị!
- Loại nào thưa ông Hai, chỉ có Mạc ten và Đế thôi à!
- Cho xị rượu Đế, bình dân mà ông chủ!
Khách vui vẻ nên chủ quán cũng cởi mở:
- Thưa có dùng mồi không?
- Thôi khỏi. Tôi uống chút ấm dạ thôi mà. Ông chủ ngồi luôn tôi có câu chuyện muốn hỏi…
Ba Tô lại thoáng băn khoăn:
- Chuyện chi, thưa ông?
- Tôi là anh em chú con bác với chú Khải. Phiền ông cho hỏi thăm nhà cô người yêu nó ở gần đây không?
Ba Tô sợ có chuyện lầm lẫn chi đây vội đính chính:
- Dạ thưa ông Hai họ đã là vợ chồng, không còn là tình yêu đâu ạ!
Ông khách nhéo mày, vẻ không bằng lòng:
- Kỳ quá ta! Cưới hỏi hồi nào mà kêu vợ chồng. Người Bắc chúng tôi chưa quen kiểu kết hôn trong này!
- Dạ! Họ đã đến uỷ ban chuẩn bị đăng ký rồi ạ!
- Tầm bậy tầm bạ. Tôi nói ông Ba cảm phiền nghen. Kể cả như vậy cũng không thể coi là vợ chồng được. Ngoài tôi vợ chồng lấy nhau phải có hai bên cha mẹ, bà con xóm làng. Trước khi làm đám cưới còn phải dạm hỏi. Đâu có ngang tắt được. Bây giờ đời sống mới, cũng vẫn phải có thủ tục ấy. Chỉ bớt xa hoa, lãng phí không cần thiết thôi!
Ba Tô cảm thấy có điều không ổn. Ông lặng im không nói. Mà có muốn nói thì nói gì bây giờ? May mà ông Hai Cơ chuyển làn luôn:
- Vậy ông Ba cho người kiếm giúp thằng em tôi hiện nó đang ở đâu? Tôi muốn gặp nó một chút!
- Việc này có lẽ không được, ông cảm phiền. Chú ấy ở cách đây chừng ba chục cây số, đang làm vườn nọc tiêu cho người ta. Có nhắn cũng không tới nơi. Tui thì không đi được.
- Vậy phiền ông chỉ giúp nhà con nhỏ gọi là vợ nó cho tôi có được không? Tôi muốn coi nó mặt ngang mũi dọc ra sao?
Ba Tô toan chỉ đường mà không cùng đi. Nghĩ lại, ông mặc cái áo dài bên ngoài cái ba lỗ, ra cửa. Dù sao mình cũng là bà con, không thể không sang nhà cô em họ khi người bên chồng tới thăm nó. Nhân thể xem câu chuyện rồi diễn biến tới đâu? Ông Cơ định mở máy xe, Ba Tô vội bảo:
- Liền kề ngay đây mà. Mời anh Hai qua bên một chút rồi về tui nhậu lai rai chút đỉnh. Dẫu sao tôi cũng là chỗ liên gia mà!
Ba Tô làm như không thấy cái nhìn khó chịu của ông Cơ. Hai người đi qua hai khu vườn của nhà người khác thì tới nhà Khánh Hà. Ông cơ có vẻ ngạc nhiên khi thấy khu vườn rộng mấy héc ta. Xung quanh vườn đổ cọc bê tông giăng dây kẽm gai như kiểu doanh trại quân đội. Lối vào có cái cổng gỗ khá xinh xắn. Người Nam ít ai rào vườn, làm cổng ngõ thế này. Ba Tô đọc được ý nghĩ đó liền bảo:
- Chú Hai Khải mần ăn giỏi lắm đa. Vườn này hồi ông bà già con Hà vẫn để trống trơn. Hắn về đây mới kiếm cột, kẽm gai ở cứ cũ quân Mỹ đem về rào lại hẳn hoi. Có bàn tay đàn ông nhà cửa coi khắc hẳn. Hôm rồi có người bà con ở miền Tây lên còn sợ coi nhầm nhà…
Ông Cơ không nói gì. Trong bụng ông lại nghĩ: " Bộ thằng này định ăn đời ở kiếp ở đây sao? ".
Ngôi nhà làm theo kiểu nam. Mái sau dài rộng hơn mái trước tuy vẫn lợp cỏ tranh giống phần đông nhà cửa trong vùng. Nhà lợp ngói vùng này hãy còn hiếm hoi. Chỉ có người thực khá giả mới có được cái nhà cột kèo làm bằng gỗ, thứ gỗ tốt không kém gì gỗ Nghiến thường thấy ngoài Bắc. Xung quanh thưng bằng ván dầu. Coi bộ cửa nhà cũng khá khang trang. Không thấy những thứ bừa bộn xung quanh nhà như những hộ canh nông khác. Không hiểu cô ả làm nghề gì? Ông cơ thoáng có chút băn khoăn. Nghe có tiếng người, Khánh Hà từ trong nhà chạy ra cửa. Tay cô vẫn cầm mảnh vải nhỏ, lòng thòng kim chỉ. Nhìn cô mang bầu, ông Cơ biết ngày là cô ta đang chuẩn bị sanh nở. Một tình huống mà ông không ngờ tới trước khi ông đến đây. Không biết chúng quan hệ từ hồi nào mà mau đến vậy? Không thể nói câu chuyện như vừa rồi ở quán Ba Tô. Như vậy nhẫn tâm quá! Nhưng không lẽ lại không nói gì, im lặng ra về?
Ba Tô trỏ Khánh Hà:
- Năm Hà là em họ tui. Cả nhà đi di tản. Năm đó bà thím tui bịnh nên nó ở lại. Bà mới mất được mấy năm. Còn đây là ông Hai Cơ, anh con chú Bác với thằng Khải đó:
Cô gái cúi đầu:
- Dạ em chào anh Hai. Mời anh Hai sơi nước!
Ông cơ đưa mắt nhìn quanh ngôi nhà. Đồ đạc trong nhà sơ sài không có gì đáng kể ngoài cái tủ cao trên có bức ảnh thờ. Phía dưới kê bộ ván ngựa bằng gỗ nguyên tấm. Góc nhà có chiếc máy may che đậy bằng tấm bạt cũ. Ông Cơ hỏi:
- Sao nhà có máy mà lại may bằng tay, cô Năm?
- Dạ thưa máy bị hư em chưa có điều kiện kêu thợ sửa ạ!
-  Thằng lớn nhà tôi cháu cũng học may. Nó lại biết sửa máy. Để hôm nào tôi bảo nó lên sửa giúp nghe!
Thấy ông Cơ cởi mở, dễ gần, Khánh Hà bớt vẻ băn khoăn lúc đầu:
- Được vậy thì hay quá. Em có nghe anh Khải nói anh chị và các cháu ở gần đây, nhưng chưa tiện tới thăm vì sợ đường đột. Chị và các cháu mạnh không anh Hai?
- Bà ấy với mấy đứa cũng thường. Suốt ngày giục tôi thu xếp về Bắc. Tôi là con cả trong gia đình mà. Chú Khải đi khi nào về cô Năm?
- Dạ, em cũng không rõ. Nghe nói cũng sắp xong công việc rồi. Khi nào rảnh về em kêu xuống gặp anh Hai liền à!
Đột ngột ông Cơ chuyển hướng câu chuyện:
- Chú Khải cũng là con đầu như tôi. Mà chú ấy nhà chỉ có một mình. Thằng em, là bà thím tôi về sau xin thêm về nuôi. Không biết nó nghĩ thế nào mà lại tính chuyện ở luôn trong này. Chú tôi mất sớm, được mỗi mình nó. Lẽ ra nó phải ở ngoài đó mới đúng. Chuyện vợ con ngoài đó không biết đã dứt hẳn chưa? Tôi đi lâu ngày, anh em lại ở hai nơi cũng chưa tường tận thế nào. Tỷ dụ như nó buộc phải về ngoài đó, cô Năm có ra cùng không?
- Dạ! Điều này em cũng chưa nghĩ tới. Anh Hai để thư thư  tụi em tính…
Ông Cơ đứng dậy, đội mũ, nói:
- Thôi có khi để bữa khác tôi tới. Tôi phải về, ở nhà còn nhiều công chuyện gấp lắm.
- Anh Hai ở lại trưa nay dùng cơm với anh Ba em.
Ba Tô cũng sốt sắng:
- Thôi khỏi, trước khi qua đây tôi đã kêu bà xã chuẩn bị rồi. Cả cô Năm nữa, qua bên tôi. Mây khi được hội ngộ như vầy.
Ông Cơ một mực từ chối. Ba Tô nằn nì thế nào ông cũng không chiu. Khi xe ông Cơ đi khỏi, Ba Tôi hỏi Năm Hà:
- Đó, chuyện là như vậy, giờ cô tính sao?
Khánh Hà thẫn thờ:
- Em khổ lắm anh Ba ơi! Em đâu ngờ mọi chuyện lại ra thế này. Giờ em cũng không biết tính sao nữa. Hoàn cảnh anh ấy cũng tội nghiệp. Mà em cũng thiệt là éo le. Lẽ ra chúng em đừng gặp nhau có khi lại hay. Giờ dang dở thế này, có lẽ em bỏ chỗ này đi thôi anh Ba à!
- Cô nghĩ quẩn mất rồi, tính vậy sao được? Dù sao cũng chờ chú ấy về coi sao đã.
Khánh Hà ngồi ôm gối, tấm tức khóc. Cô không nói thêm câu nào. Ba Tô nóng ruột như lửa đốt, chẳng biết nói thêm câu gì. Ông ngồi thừ ra hồi lâu rồi nói:
- Cô Năm hãy bình tĩnh, để từ từ tính, rồi đâu sẽ vào đó!
Ông đứng lên ra về. Nói là nói vậy chứ tính cách nào thiệt tình nếu phải là mình ông Ba cũng không biết tính sao! Hai người hai cảnh đời trái ngang, dang dở lại thêm kẻ Bắc người Nam. Tính sao đây?
Ngày hôm sau như có linh tính, Ba Tô quay trở lại. Nhà Khánh Hà cửa đóng im ủm. Mấy chữ viết bằng than " Nhà đi vắng ". Cô ta đi đâu? Sao không nói mình một lời. Ba Tô đinh ninh Năm Hà lên chỗ Khải làm, ai dè không phải như vậy. Đó là câu chuyện Ba Tô bây giờ kể lại cho Khải. Anh choáng váng ù đặc hai tai, mọi cảnh vật trước mặt như nhoà đi. Khải thất thểu quay ra đường. Ba Tô nhìn theo vẻ ái ngại. Chiếc xe khách chạy bằng hơi nước chạy qua chuyến cuối cùng. Nghe nói từ đây trở đi nó không còn chạy qua đây nữa. Cái ống khói nham nhở cao như ông khói lò gốm của nó khuất dần. Đã đến lúc người ta thay thế hệ xe khác. Nó để lại những hạt than rơi xuống mặt đường, xèo xèo cháy…
Ngày hôm sau lại có người đến quán Ba Tô tìm Khải. Người này không phải ai khác, chính là bà Tâm vợ ông Võ. Dạo này có tiền bà ta ăn mặc diêm dúa, nhuộm móng tay, mắt tô chì. Chỉ riêng đôi mắt mí lộn vành là vẫn chưa chữa được. Chính nó làm cho khuôn mặt khi còn trẻ tuổi dễ coi, giờ nom phù phiếm. Bà Tâm mọi khi đi chích thuốc dạo ít khi ghé quan Ba Tô. Bà hay ghé quán bà sau gạo ngay kề bên. Ông Ba Tô một thời gian đã làm y tá. Nhà có bệnh đau thường tự chữa lấy không kêu người ngoài. Vả lại người cùng nghề thường không ưa nhau. Lần này đến là do có người bệnh đang điều trị ở nhà bà nhờ tìm Khải.
Chuyện này mãi đến khi ra Bắc, nửa năm nữa Khải mới biết. Quảng vô mao khi ấy trở về kể lại. Ông ta bị một kẻ bịt mặt chặn đường lúc sâm sẩm tối trên quãng đường vắng. Hắn ta đòi nộp tất cả tiền bạc Quảng mang trong người. Quảng giả bộ làm theo rồi bất ngờ lao thẳng đầu vào hắn. Ông ta định đánh gục hắn, tìm đường tháo lui. Không ngờ hắn là đứa có nghề. Hắn chỉ khẽ tránh qua một bên chụp lẹ được hai tay Quảng bẻ ra sau. Cái búa giắt trong người hắn lấy ra đập mạnh vào sau ót Quảng. Số ông ta chưa chết. Quảng không còn thứ gì mang trên người. Cô gái trẻ đi cùng nhờ người chở xe ngựa đưa Quảng tới nhà ông Võ với cái đầu sũng máu. Cô ta nói là sẽ quay lại vào sáng hôm sau. Nhưng rồi một đi không trở lại. Quảng vô mao tỉnh lại nhờ bà Tâm đi tìm Khải. Bấy giờ ông Võ mới biết ông ta ở gần nhà anh. Phần nữa, đã lâu không biết Khải đang làm ăn, sinh sống ra sao… Ông cũng đang muốn nhờ anh cất cho ngôi nhà mới. Ba ông về già hình như ông cụ nghĩ lại. Ông cụ đột ngột đến thăm rồi cho anh một số tiền nói là " Phải cất ngay ngôi nhà cho hai đứa nhỏ ". Không kịp để ông nói câu nào. Cụ đặt bọc tiền xuống bàn rồi ra xe bảo anh lái đi ngay.

ó
ó   ó

Khải đã không kịp làm giúp căn nhà cho ông Võ như đã có lúc dự định. Mãi sau này anh còn áy náy về nơi ăn chốn ở của ông. Nhưng lúc đó anh chẳng còn bụng dạ nào ở lại nơi này. Anh đã đi khắp nơi, lên Định Quán, xuống miền Tây cả tháng trời mà không tìm thấy Hà. Bóng chim tăm cá. Nước non ngàn trùng biết tìm cô ở đâu khi Hà cố ý tránh mặt? Cõi phù du này có thể họ chỉ gặp nhau lần duy nhất trong đời. Càng nghĩ càng day dứt. Khải trở ra Bắc với tâm trạng ấy. Vậy là anh đã đi một vòng để trở về nơi cũ với hai bàn tay không sau bốn năm trời. Như người ta nói: Đi vòng tròn có khi không bằng đứng ở tâm. Số phận chọn mỗi người, không ai chọn được số phận. Dẫu sao đi nữa Khải còn nơi để trở về. Cũng có thể nơi ấy mở cho anh một ngả đường khác trên nền của những muộn phiền, đau khổ năm xưa.
Anh ân hận đã không đến chào hỏi từng người trước lúc chia tay. Đinh ninh rằng sẽ có ngày gặp lại những người thân quen từng cưu mang mình những ngày lận đận. Nhưng khi đó phải là lúc anh có thân phận rõ ràng. ít nhất là làm được điều gì sau mọi sự đã qua.
Khải nhìn trời đất phương Nam, chưa bao giờ anh thấy nó đẹp như lúc này. Nắng bạc, mây vàng những cánh đồng màu ngọc bích!
Chuyến tàu ra Bắc khởi hành vào đúng Ngọ. Vừa hết nửa ngày. Một ngày mà sau đó, nhiều người tính là ngày khởi đầu: Thời Kỳ Đổi Mới.

( trang 718 ) 
(Hết )


10.2007

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: