Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Thần Phật linh thiêng xin cứu lấy hồn dân tộc Việt!




Phạm Giang Hoàng: Tâm linh là nhu cầu của mỗi người và nó là chuyện cá nhân. Nhưng khi câu chuyện tâm linh cá nhân được biểu hiện ra hành vi phản cảm của số đông và gây náo loạn xã hội thì quả là chuyện đáng nói và nó đã là câu chuyện văn hóa rồi. Lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra cảnh cướp ấn, leo trèo, chen lấn như năm nay khiến người ta liên tưởng giống như cảnh chợ búa. Chẳng lẽ chốn linh thiêng lại thô tục và bát nháo như vậy sao!
Việt Nam có hơn 8000 lễ hội, phần lớn các lễ hội đó có liên quan đến các tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo…), chẳng lẽ các lễ hội ấy chỉ để con người thỏa mãn cái danh lợi nào đó dưới cái vỏ bọc tâm linh. Tâm linh đích thực chắc hẳn phải hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ nhưng xem ra các lễ hội Việt Nam thời gian qua ít lễ hội có được điều này.

Tín ngưỡng và tôn giáo qua bao đời nay, rất coi trọng 3 yếu tố: ‘tâm’, ‘thực’, ‘tinh’. Điều đó có nghĩa là: đến với tín ngưỡng, với tôn giáo, đòi hỏi tâm phải thành, phải thực chất chứ không phải rùm beng, hoa hòe hoa sói; Một nén nhang thơm, một bó hoa tươi không có nghĩa là thấp kém hơn mâm lễ hàng chục triệu đồng, thỉnh cầu tốt đẹp phải đi với hành động cao đẹp; “tinh” là tinh hoa- nghĩa là con người cần phải nhận thức được những tinh túy, sâu sắc của lễ. Hồn dân tộc trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không dung chứa và dễ dàng chấp nhận cái hoa mỹ, hời hợt, hình thức sáo rỗng, vụ lợi.

Có thể thấy đi lễ ngày càng nhiều và không tỉ lệ thuận với tình hình phát triển kinh tế và đạo đức xã hội. Kinh tế mấy năm nay rơi vào khủng hoảng nhưng số người đi lễ lại có xu hướng tăng lên. Đạo đức xã hội xuống cấp nhưng tín ngưỡng tâm linh mà thực chất là không ít mê tín, dị đoan lại lên ngôi.

Xã hội Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhâp đang thu nhận những sắc thái văn hóa mới với không ít khả quan song cũng đang thể hiện những rạn nứt, xuống cấp văn hóa, thậm chí là loạn giá trị. Từ sinh hoạt đời thường đến nơi thờ tự, từ sinh hoạt cộng đồng đến biểu diễn nghệ thuật, đâu đâu cũng thể hiện những “lỗi” khó chấp nhận. Giải pháp cũng đã có nhiều nhưng chưa thực sự kiểm soát được phản giá trị; Chưa làm tăng trưởng cái tiến bộ, cái nhân văn để nó thấm, ngấm vào xã hội, vào mỗi người dân.

Cái loạn văn hóa về lâu về dài, hệ quả của nó sẽ là rất nặng nề và nghiêm trọng. Các nhà quản lí thường chú ý đến ổn định chính trị, sợ loạn chính trị, lo giữ thượng tầng kiến trúc mà coi nhẹ loạn văn hóa. Loạn giá trị, loạn văn hóa, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến loạn chính trị.

Nhiều người đổ lỗi loạn văn hóa cho kinh tế thị trường. Thực ra, kinh tế thị trường có những tác động tiêu cực đến văn hóa, ít nhiều làm biến thái văn hóa, nhưng kinh tế thị trường không “giã nát” văn hóa mà chính con người lợi dụng kinh tế thị trường để giã nát văn hóa. Chạy theo lối sống thực dụng, thực dụng trong làm ăn kinh tế, thực dụng ngay cả tâm linh, con người trở nên u mê hoặc chộp giật, miễn sao kiếm được danh, giành được lợi, nhận được phần hơn cho mình.

Lâu nay chúng ta nói đến bản sắc dân tộc, nhưng dường như cứ cho rằng thấy bản sắc dân tộc của người Việt là một cái gì đó xa vời và sâu sắc hơn cuộc sống thường ngày của cộng đồng. Cái bản sắc này đôi khi được đẩy lên trong tìm kiếm của các nhà nghiên cứu văn hóa, chứ không phải là cái hiển hiện trên bề mặt và trong cuộc sống đời thường để ai ai cũng có thể cảm nhận được.

Một dân tộc có bản sắc, một cộng đồng coi trọng hồn dân tộc, có bản lĩnh thì nhất thiết con người trong cộng đồng dân tộc đó sẽ biết xấu hổ với nhau về những hiện tượng phản văn hóa, phải biết lên tiếng báo động và “nói không” với cái xấu, cái thấp kém tràn lan trong xã hội.

Về những hiện tượng phản văn hóa xẩy ra nơi đình chùa, lễ hội thời gian qua, nguyên nhân thì đã rõ nhưng các giải pháp chưa hiệu quả. Hàng rào cảnh sát 2000 người tại lễ Khai ấn đền Trần năm 2014 không chắn được cơn bão khát ấn, “khát” cái lợi, cái lộc; các văn bản, chỉ thị không ngăn chặn được cơn khát khát thực dụng của rất nhiều người.

Quản lý văn hóa không thể theo kiểu cấm lấy được hoặc khắc phục lỗi trên những sự vụ cụ thể mà phải có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, cái nhìn toàn cảnh, và giải pháp toàn thể.

Đầu năm đến với Thần Phật, với cái Thiêng là để cầu cái Thiêng minh giám và phù trì những khát vọng chính đáng của cả năm. Tuy nhiên, Thần, Phật chắc chắn không ủng hộ cho những vô cảm, bất nhân, danh lợi thấp kém… Con người tôn trọng Thần, Phật là tôn trọng chính mình, bởi trên bình diện nhận thức, Thần, Phật chính là biểu tượng cho khát vọng sống, năng lực cao đẹp của con người về thế giới của mình.

Nếu cứ phải chứng kiến những hiện tượng sinh hoạt lễ hội phản cảm nơi chốn linh thiêng thờ tự thần thánh như bỏ tiền lên ngai Phật ở chùa Bái Đính, như tranh cướp chen lấn ở Lễ hội khai ấn đền Trần… thì cũng phải bó tay và thắp hương mà khấn vái rằng: Thần Phật ơi, các chư vị có linh thiêng xin hãy phù trợ người Việt cứu lấy hồn dân tộc!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: