Bài này đề cập đến mấy vấn đề lớn có nhiều biến số, đang thách thức Việt Nam tại bước ngoặt mới năm 2019: (1) Trung Quốc đang bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính. (2) Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp tai họa do quá nhiều đập thủy điện. (3) Đối đầu Mỹ-Trung có thể làm cho Việt Nam “lợi bất cập hại”. (4) Trước bức tranh địa chính trị đầy bất trắc, muốn thoát hiểm Việt Nam phải quyết điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế, trước khi quá muộn.
Khủng hoảng bãi Tư Chính
Sự kiện dàn khoan HD-981 (5/2014) là một cú sốc, gây khủng hoảng Biển Đông, xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ, như “hệ quả không định trước” (unintended consequence). Nhưng sự cố đó có lẽ chưa đủ mạnh để thắng nguyên trạng. Quan hệ Trung-Việt tuy xa hơn “nhưng không quá xa”, và quan hệ Mỹ-Việt tuy gần hơn “nhưng không quá gần” (Alexander Vuving). Việt Nam vẫn cố giữ thăng bằng với Mỹ-Trung, với chính sách quốc phòng “ba không”.
Tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát HD-8 và tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tại bãi Tư Chính, gây khủng hoảng Biển Đông một lần nữa và đang xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ. Trước đó (7/2017 và 3/2018) Việt Nam đã bị họ đe dọa phải bỏ dở dự án “Cá Kiếm Nâu” (lô 136) và “Cá Rồng Đỏ” (lô 07-05).
Đồng thời, Trung Quốc đã tập trận, bắn thử tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) và cho một phi đội gồm 3 chiếc Su-35 hiện đại (trong số 24 chiếc) tập tấn công mục tiêu trên Biển. Theo Derek Grossman (RAND), Biển Đông là nơi lý tưởng để PLA thử tác chiến trên biển, vừa để rút kinh nghiệm, mà không sợ Mỹ can thiệp, và có thể thắng trận. (“Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight”, Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019).
Ngày 19 và 20/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam và Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung Quốc và đòi họ rút tàu về. Mỹ là quốc gia đầu tiên (và đến nay là duy nhất) đã lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam, trong khi các nước khác là đối tác chiến lược với Việt Nam vẫn chưa lên tiếng. Tuy lập trường của Trung Quốc trái với luật biển (UNCLOS) và phán quyết của PCA, nhưng truyền thông của họ hoạt động có lẽ hiệu quả hơn Việt Nam.
Trong khi đó (ngày 24/7/2019) Trung Quốc đã công bố Sách Trắng có tựa đề “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, trong đó cáo buộc “Mỹ đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”. Đây là Sách Trắng mới của Trung Quốc (kể từ năm 2015), trong khi Việt Nam vẫn chưa có Sách Trắng mới (kể từ năm 2009). Riêng về Biển Đông, Sách Trắng mới của Trung Quốc đã khẳng định “tình hình nhìn chung vẫn ổn định và đang cải thiện, trong khi các nước đang điều tiết những mối nguy cơ và sự khác biệt một cách hợp lý”.
Gần đây, hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM-13) tại Bangkok (11/7/2019) không đề cập đến Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và tàu hải cảnh của họ vi phạm vùng EEZ của Philippines, Malaysia, và Việt Nam. Hội nghị ngoại Trưởng ASEAN (31/7/2019) tuy ra được tuyên bố chung về Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc. Tình hình Biển Đông khủng hoảng do Trung Quốc bắt nạt các nước khu vực, nhưng họ khẳng định “đang có hòa bình và ổn định tại Biển Đông, không cần nước ngoài can thiệp”.
Đằng sau việc cho tàu hải cảnh quấy rối và đe dọa hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại bãi Tư Chính, Trung Quốc còn có một thông điệp nữa là không ai có thể thăm dò và khai thác dầu khí tại “vùng biển tranh chấp” nếu không có sự đồng ý của họ. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc chưa thể khai thác nguồn dầu khí tại đây, thì cũng không ai được đụng tới. Ý đồ của Trung Quốc là biến bãi Tư Chính (nằm trong vùng EEZ của Việt Nam) thành “vùng biển tranh chấp” và áp đặt “đường lưỡi bò” để kiểm soát như “cái ao của họ”.
Trung Quốc chắc nhận thấy rằng cứ bắt nạt và cưỡng ép từng nước sẽ có kết quả, với chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa” như “tầm ăn dâu” để thay đổi nguyên trạng trên thực địa và biến nó thành “chuyện đã rồi” trong một “vùng xám” (grey area) mà họ có lợi thế so sánh tại Biển Đông. Chắc Trung Quốc sắp tới sẽ tiếp tục bắt nạt Việt Nam để đạt được mục tiêu, bất chấp phản ứng của các nước dựa trên luật quốc tế. Chính sách bành trướng của Trung Quốc không hề thay đổi, vì họ chưa bao giờ tôn trọng luật quốc tế hay tuân thủ phán quyết PCA.
Việt Nam có 67 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, nhưng trong “đường lưỡi bò” (phi pháp) mà Trung Quốc áp đặt. Lần trước (2017-2018), Việt Nam đã im lặng chịu thua Trung Quốc ép EVN-Repsol ngừng dự án “Cá Kiếm Nâu” (lô 136-01) và Cá Rồng Đỏ” (lô 07-05). Lần này, Trung Quốc định quấy rối, ép PVN-Rosneft ngừng dự án “Lan Tây-Lan đỏ” (lô 06-01). Nếu Việt Nam để mất 2 lô này (hay chấp nhận chia đôi với Trung Quốc), thì sẽ mất thêm nhiều lô khác, vì tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ.
Tại hội thảo lần thứ 9 về Biển Đông (CSIS, July 24, 2019), Greg Poling (AMTI Director/CSIS) nói rằng nếu Mỹ và các nước khu vực không cứng rắn, thì vài năm tới Trung Quốc sẽ kiểm soát được Biển Đông. Trong khi Malaysia và Việt Nam đã chuyển thái độ từ im lặng nay lên tiếng mạnh mẽ và tiếp tục khai thác dầu khí, bất chấp Trung Quốc quấy rối và đe dọa, thì Philippines vẫn tỏ ra mềm yếu, không dám lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Theo Poling, nếu kháng cự thì Bắc Kinh sẽ lùi bước, nên “Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro không phải là không làm gì cả, mà là củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Philippines cần làm rõ bất kỳ một cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Philippines sẽ dẫn đến can thiệp của Mỹ, đồng thời kiên trì khẳng định chủ quyền của mình để Trung Quốc hiểu rằng bắt nạt không có kết quả”.
Theo Bonnie Glaser (senior advisor/CSIS), Việt Nam không có hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Mỹ nên dễ bị Trung Quốc bắt nạt (mà Mỹ không làm gì được). Dù Mỹ có lên tiếng mạnh mẽ nhưng chưa đủ buộc Trung Quốc rút tàu về. Chắc Trung Quốc đánh giá thấp phản ứng của Việt Nam. Nếu họ không rút tàu về thì Việt Nam có thể kiện ra tòa và có thể thắng kiện. Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ về quân sự, dù Mỹ không từ bỏ lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Chính quyền Trump đang “mở rộng phạm vi định nghĩa về lợi ích của Mỹ trong khu vực”, để bảo vệ quyền hợp pháp của các nước tại Biển Đông. Bonnie Glaser cho rằng điều này rất quan trọng đối với Việt Nam và Philippines.
Khi Trung Quốc cho tàu hải cảnh đến vùng biển Malaysia để quấy rối hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza (ngoài khơi bãi cạn Luconia), báo chí chính thống của Malaysia lúc đầu cũng không đưa tin (mà chỉ có mạng xã hội lên tiếng). Tại Việt Nam cũng vậy, lúc đầu Hà Nội đã chỉ đạo báo chí trong nước im lặng (cho đến 19/7/2019). Dường như Malaysia và Việt Nam “không muốn làm to chuyện”, để âm thầm giải quyết với Trung Quốc. Điều đó dẫn đến nghịch lý lần này tuy vấn đề nghiêm trọng, nhưng người dân không bức xúc như trước.
Theo Lê Thu Hương (ASPI/ANU), vừa qua Việt Nam đã giữ im lặng khá lâu và không cho báo chí đưa tin vì mấy lý do chính. Một là Hà Nội muốn kiểm soát tâm trạng bức xúc của người dân Việt Nam vốn ghét Trung Quốc, có thể bùng phát thành biểu tình dẫn đến bạo động như năm 2014 (vì sự kiện dàn khoan HD-981). Hai là Hà Nội hy vọng có thể vận động Mỹ và các nước khác lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Nhưng từ năm 2018, khi Việt Nam quyết định hoãn triển khai 15 thỏa thuận hợp tác với Mỹ (chắc để làm vừa lòng Trung Quốc) hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt (năm 2019) dường như đang chững lại.
Theo Đô đốc Scott Swift (former Pacific Fleet Commander), tuy những hoạt động tuần tra vì tự do trên biển (FONOP) của tàu chiến Mỹ tại Biển Đông là cần thiết, nhưng lâu nay không hiệu quả vì không gắn kết với một chiến lược lớn mang tầm quốc gia. Scott Swift cho rằng tuần tra FONOP cần tiến hành cách nhau “4 tuần một lần”, chứ không phải “6 tuần một lần” như hiện nay, và nên công bố kế hoạch tuần tra FONOP “ba tháng một lần”, chứ không phải “mỗi năm một lần” như hiện nay. Nhưng ông cũng cho rằng hải quân Mỹ không nên tham gia bảo vệ các hoạt động thăm dò hay khai thác dầu khí của các nước khu vực.
Để răn đe các hành động đe dọa xâm lấn và bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, “Dự luật Trừng phạt vì Biển Đông và biển Hoa Đông” đã được 13 Thượng nghị (của cả hai đảng) do TNS Marco Rubio đưa ra Quốc Hội (23/5/2019). Một khi được thông qua, luật này sẽ là một công cụ hữu hiệu để răn đe Trung Quốc phải nghĩ lại trước khi có hành động vi phạm luật. Sau vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, ngày 26/7/2019, ông Eliot Engel (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ) đã lên án “sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đang đe dọa Việt Nam và coi thường luật pháp quốc tế”.
Khủng hoảng sông Mekong
Sông Mekong dài 4.800km có hệ sinh thái đa dạng thứ hai thế giới (chỉ sau Amazon), nhưng có quá nhiều đập thủy điện đã làm dòng sông bị kiệt quệ và biến dạng, đe dọa cuộc sống gần 60 triệu dân trong lưu vực sông Mekong. Riêng Trung Quốc đã làm 11 đập thủy điện lớn trên thượng nguồn (Lan Thương) sản xuất tới 21.300 megawatt, trong khi Lào có 64 đập thủy điện (nhưng nhỏ hơn) sản xuất được 6.000 megawatt. Theo các chuyên gia về môi trường, “Trung Quốc đang kiểm soát hoàn toàn sông Mekong” (Reuters 24/07/2019).
Năm 2016, Trung Quốc đã bất ngờ giảm lưu lượng nước từ thượng nguồn, làm mực nước sông Mekong giảm xuống thấp tới mức kỷ lục, gây ra hạn hán lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 7/2019, Trung Quốc lại bất ngờ giảm lưu lượng nước, lấy cớ phải bảo trì mạng tải điện, làm nguồn nước chỉ còn một nửa (thấp nhất từ trước đến nay). Thực ra, sau sự kiện Bãi Tư Chính, Trung Quốc có thể đóng tất cả các đập trên thượng nguồn.
Lâu nay, người ta thường đề cập đến 3 nguyên nhân chính làm giảm thiểu nguồn nước sông Mekong. Một là hạn hán do lượng mưa quá ít như hệ quả của biến đổi khí hậu (hiện tượng el nino). Hai là giảm lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc). Ba là kế hoạch tích nước lại để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi (Lào). Nói cách khác, đó là mối đe dọa thường trực đối với đồng bằng sông Cửu Long (Nam Bộ).
Ngoài 11 dự án thủy điện lớn tại Vân Nam (như Cảnh Hồng), Trung Quốc định làm thêm 20 dự án nữa. Ngoài mấy dự án lớn như Xayaburi (năm 2012 bị kiện nhưng không dừng), hay Don Sahong và Pak Beng, từ 4/2019 Lào đang làm tiếp dự án Pak Lay trên dòng chính của sông Mekong. Kết quả là hàng chục triệu dân sống trong lưu vực sông Mekong trở thành nạn nhân của thiên tai (biến đổi khí hậu) và nhân họa (do quá nhiều đập thủy điện).
Theo Ủy Ban sông Mekong (Mekong River Commission), mực nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Theo báo cáo của Cục Khí tượng và Thủy văn Lào (18/7/2019) mực nước sông Mekong tại Vientiane thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Bangkok Post (16/7/2019) đưa tin mực nước sông Mekong ở Thailand đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Hệ quả khủng khiếp của tình trạng đó là nguy cơ hạn hán lớn (do thiếu nước từ thượng nguồn) và ngập mặn (từ Biển) đang đe dọa đồng bằng sông Cửu Long.
Các đập thủy điện (tại Trung Quốc và Lào) không chỉ làm giảm lưu lượng nước, gây ra hạn hán, mà còn làm giảm lượng phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long, gây xói mòn và làm ngập mặn vùng đồng bằng ven biển. Theo giới khoa học, thuỷ điện không phải là năng lượng tái tạo và không sạch vì khí thải vô hình từ lòng hồ nhả ra nhiều (ngang với điện than). Theo một báo cáo của tổ chức OXFAM, tổn thất kinh tế do các đập vùng hạ lưu là 7 tỉ USD.
Có thể nói, sự sống còn của hai vùng kinh tế trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với khoảng 23% tổng dân số cả nước và gần 60% tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm ở Việt Nam, đang bị đe dọa bởi thiên tai và nhân họa. Sông Mekong không chỉ là vấn đề của Việt Nam với Trung Quốc mà còn là một vấn đề của “Tiểu vùng Mekong” (Mekong sub-basin). Nói cách khác, đây là một vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược tại khu vực “Indo-Pacific”. Vì vậy, các nước “tứ cường” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) có vai trò rất quan trọng.
Đối đầu Mỹ-Trung
Sự biến động trong quan hệ Mỹ-Trung, từ hợp tác chiến lược chuyển sang đối đầu chiến lược, đang làm đảo lộn chính trị quốc gia và trật tự thế giới. Quá trình đó còn đang định hình và chưa ổn định trong thời kỳ quá độ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là trò chơi quyền lực trong thời kỳ quá độ, mà thời gian, không gian, và hệ quả chưa xác định. Trong bối cảnh đó, tuy Việt Nam “vừa có lợi vừa có hại”, nhưng không khéo sẽ “lợi bất cập hại”.
Theo Bloomberg và Politico (29/7/2019), chính quyền Trump đã nói rõ với Việt Nam rằng họ “phải có biện pháp để giảm mức thâm hụt thương mại” (gần 40 tỷ USD năm 2018, tăng gấp đôi so với năm 2014). Theo Lighthizer (USTR) “các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với một loạt các rào cản thương mại ở Việt Nam”. Trước đó, Tổng thống Trump đã gọi Việt Nam là nước “lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”. (Fox News, 26/6/2019). Chỉ số thâm hụt thương mại là một trong những điều kiện để Việt Nam có thể rơi vào nhóm các nước thao túng tiền tệ đối với Mỹ, và trở thành mục tiêu tiếp theo bị Mỹ áp thuế (sau Trung Quốc).
Theo Minxin Pei, “thay đổi quan trọng nhất là Mỹ áp dụng lập trường đối đầu với Trung Quốc. Cách tiếp cận đó của Trump thay thế cho chính sách hợp tác kéo dài nhiều thập kỷ, không chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn làm dấy lên nỗi ám ảnh về xung đột vũ trang ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan”. (“The US Needs to Talk About China”, Minxin Pei, Project Syndicate, July 22, 2019).
Nhưng đó không chỉ là quan điểm riêng của Trump mà các quan chức an ninh quốc gia và các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với vị thế toàn cầu và lợi ích sống còn của Mỹ. Tuy thuế quan của Mỹ có thể tập trung vào mục tiêu làm suy yếu tiềm năng kinh tế lâu dài của Trung Quốc, nhưng động lực cơ bản vẫn là làm suy yếu vị thế chiến lược của quốc gia này.
Về kinh tế, các biện pháp thuế quan của Trump có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ vì chúng làm đổ vỡ mối quan hệ kinh tế đã được xây dựng hơn bốn thập kỷ qua. Nhưng về chiến lược, chính sách Trung Quốc của Trump hoàn toàn đối địch với Trung Quốc. Sự thay đổi cơ bản này đã gây bức xúc cho một số học giả về Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách giàu kinh nghiệm của các chính quyền trước. Gần 100 người trong số đó, bao gồm cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như những người hay chỉ trích chính sách và hành vi của Trung Quốc, vừa gửi một bức thư ngỏ kêu gọi Trump “không nên coi Trung Quốc là kẻ thù”.
Tuy đa số người Mỹ ủng hộ Trump chống Trung Quốc như “đồng thuận quốc gia mới”, nhưng họ muốn Trump lý giải chính sách Trung Quốc của Mỹ. Trong một thể chế dân chủ như nước Mỹ, với một cộng đồng có dân trí cao, người Mỹ không dễ dàng nhắm mắt tin vào quyết định của một tổng thống như Trump, nhất là về chiến lược đối với Trung Quốc. Đây là vấn đề hệ trọng không chỉ đối với vận mệnh nước Mỹ mà còn với trật tự thế giới.
Theo một khảo sát gần đây của Pew (tháng 8/2018), chỉ có 38% người Mỹ nhìn nhận tích cực về Trung Quốc, trong khi có tới 47% người Mỹ nhìn nhận tiêu cực. Chỉ có 29% người Mỹ được hỏi cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là nguyên nhân chính làm cho họ lo ngại, trong khi có tới 58% người Mỹ được hỏi lo lắng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ trong mắt của đa số người Mỹ, mục tiêu chính của quan hệ với Trung Quốc là bảo vệ lợi ích kinh tế, chứ không phải để bắt đầu một cuộc đối đầu về địa chính trị.
Nhưng một cuộc đối đầu về địa chính trị dường như chính là điều mà chính quyền Trump đang muốn tạo ra, làm cho sự thay đổi chính sách Trung Quốc của Mỹ diễn ra ngoài tầm giám sát của người dân vì không có tranh luận. Theo Minxin Pei, Một cuộc tranh luận như vậy là hết sức cần thiết vì phần lớn người Mỹ không biết về mức độ thay đổi trong chính sách về Trung Quốc của Mỹ. Hệ quả lâu dài của nó khiến Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột không biết bao giờ kết thúc. Trong một nền dân chủ, chính phủ không thể theo đuổi một cuộc đấu tranh lâu dài với kẻ thù địa chính trị mà không có sự ủng hộ lâu bền của dân chúng.
Để cuộc tranh luận đáng tin, chính quyền Trump phải trả lời mấy câu hỏi quan trọng về chính sách Trung Quốc. Đầu tiên và quan trọng nhất là mục tiêu tối hậu của chính sách đó là gì? Câu trả lời có thể bao gồm cách làm thay đổi hành vi và chính sách nhất định của Trung Quốc để ngăn chặn sức mạnh kinh tế và quân sự của họ (hoặc thay đổi chế độ của họ). Chính quyền Trump còn phải lý giải cách để đạt được các mục tiêu trên. Liệu chủ trương “tách rời kinh tế” (economic decoupling) được ưu tiên bởi những quan chức diều hâu về Trung Quốc trong chính quyền Trump, có phải là một chiến lược hiệu quả và khả thi không?
Các tác giả của bức thư ngỏ cho rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm tách Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu “sẽ làm tổn hại vai trò và uy tín quốc tế của Mỹ, và làm suy yếu lợi ích kinh tế của tất cả các quốc gia”. Liệu Mỹ có thể thuyết phục được các nước khác bao gồm các đồng minh truyền thống, ủng hộ những nỗ lực đó hay không, hay Mỹ sẵn sàng đơn phương hành động? Những người ký bức thư ngỏ gồm các nhà kinh tế, chính trị, và tư tưởng nổi tiếng, đưa ra một tuyên bố có đầy đủ cơ sở, cho thấy quan điểm chung của họ về Trung Quốc. Đã đến lúc chính quyền Trump phải làm rõ tầm nhìn và mục tiêu của mình.
Bức tranh địa chính trị
Về chính trị, Trump đang có lợi thế sau khi kết quả điều tra và điều trần của Robert Mueller làm tiêu tan hy vọng của phe Dân Chủ muốn luận tội ông (về quan hệ với Nga). Sắp tới, để đối phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Trump có thể tăng cường chơi “lá bài Nga”. Kinh tế Mỹ đang phát triển tốt là một lợi thế lớn của Trump đối với cử tri Mỹ (dù họ thích hay ghét Trump). Về đối ngoại, chính sách về Trung Quốc của Trump được sự “đồng thuận quốc gia” của lưỡng đảng và quốc hội cũng như nhiều người Mỹ có tâm trạng “bài Trung”.
Trong “bức thư ngỏ”, gần 100 nhân sỹ Mỹ không phản đối chính sách Trung Quốc của Trump (về chiến lược), mà chỉ muốn Trump lý giải và mềm dẻo (về chiến thuật), đừng coi Trung Quốc là kẻ thù và đừng đối xử quá rắn với các đồng minh truyền thống, làm cho Mỹ bị cô lập. Nhưng với chủ trương “dọn sạch bãi lầy Washington”, Trump đã làm mất lòng nhiều người trong giới trí thức và báo chí Mỹ. Đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối mà họ lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump trong cuộc tranh luận lớn (national debate).
Theo Elizabeth Economy (CFR) “thay đổi chính trị là một trò chơi lâu dài, và trò chơi đó chưa kết thúc” (Political change is a long game, and the game is not over). Còn Ali Wyne (RAND) cho rằng “Washington sẽ khôn ngoan nếu hiểu nguy cơ tất yếu: chấp nhận số phận đóng vai hiện thực. Mỹ và Trung Quốc không thể che đậy mãi sự khác biệt”. (“America’s China Policy hasn’t failed, but it needs to be recalibrated”, Ali Wyne, WPR, May 2018).
Dù tiếp kết cục tranh luận thế nào, đối đầu Mỹ-Trung vẫn là vấn đề quốc tế nổi bật trong thế kỷ này khi chiến tranh thương mại tiếp tục theo quy luật “vừa đánh vừa đàm”. Trong khi vấn đề Bắc Triều Tiên đang “giảm nhiệt”, do xu thế hoà hoãn (với Mỹ) và hòa giải (với Hàn Quốc), thì vấn đề Biển Đông và Đài Loan đang “tăng nhiệt” như thùng thuốc súng. Đó là hai điểm nóng có nhiều rủi ro trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung tại khu vực Indo-Pacific.
Sau khi quân sự hóa và củng cố được các tiền đồn tại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã lấn chiếm, gây căng thẳng tại Scaborough (Philippines) và bãi Tư Chính (Việt Nam). Đó là hai vị trí xung yếu mà họ tìm cách thâu tóm, vì vậy phải coi bãi Tư Chính là “làn ranh đỏ” (red line) cũng như Scaborough. Nếu Trung Quốc làm chủ được bãi Tư Chính, họ sẽ kiểm soát được Biển Đông, khống chế khu vực Indo-Pacific, và tiến tới thống trị thế giới.
Tại Campuchia, Trung Quốc tìm cách thâu tóm các vị trí xung yếu, như Sihanoukville và Koh Kong (có căn cứ hải quân Ream và sân bay Dara Sakor). Tại Việt Nam, họ tìm cách thâu tóm Tây Nguyên, Vũng Áng, Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Trung Quốc còn gây sức ép với các nước láng giềng để làm các dự án hạ tầng lớn có ý nghĩa chiến lược (như đường cao tốc Bắc-Nam tại Việt Nam). Các đặc khu và dự án hạ tầng lớn này nằm trong “sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) nhằm thực hiện ý đồ chiến lược lớn của Trung Quốc.
Điều đáng lưu ý là Trung Quốc gây căng thẳng trong bối cảnh TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng có kế hoạch đi thăm Mỹ (trong mấy tháng tới). Liệu sức ép này của Trung Quốc có đủ sức ngăn cản chuyến đi đó không, sau khi Thủ Tướng và Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam đã đi thăm Trung Quốc, như một cách bày tỏ thiện chí để cân bằng quan hệ với hai nước lớn. Nếu Trung Quốc gây sức ép mạnh hơn, liệu Việt Nam có ngả hẳn theo Mỹ? Liệu năm 2019 có chứng kiến một bước ngoặt mới khi Việt Nam điều chỉnh chiến lược và đổi mới lần hai?
Gần đây, nhiều người lập luận rằng Việt Nam phải dựa vào Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng nhiều người khác lập luận rằng Việt Nam phải dựa vào nội lực của mình, không thể dựa vào nước khác. Năm 1974, Mỹ không cứu đồng minh khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, và năm 1988, Nga cũng không cứu đồng minh khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa. Tuy hai lập luận trên đều có lý nhất định, nhưng không nên đơn giản hóa vấn đề mà khẳng định hay phủ định vai trò của đồng minh, vì “chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.
Việt Nam đã sai lầm khi cô đơn và âm thầm đối đầu với Trung Quốc như vừa qua (7/2019) cũng như trước đây (7/2017 và 3/2018). Ngày 3/7/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam không loại trừ các biện pháp pháp lý và Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc”. Nhưng 5 năm qua, Việt Nam vẫn chưa kiện Trung Quốc, làm cho họ càng lấn tới. Dù Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của PCA, nhưng kiện là cơ sở để đấu tranh pháp lý và truyền thông. Dư luận khuyên Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và kiện Trung Quốc ra PCA (như Philippines) trước khi quá muộn. Theo Alexander Vuving (APCSS/Hawaii) nếu Việt Nam kiện sẽ thắng 100%.
ASEAN và “Tứ cường” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) cần lên tiếng kịp thời và hành động mạnh mẽ để bênh vực Việt Nam khi bị Trung Quốc bắt nạt. Biển Đông không chỉ là không gian sinh tồn của Việt Nam (và mấy nước ven biển) mà còn là nơi hội tụ lợi ích chiến lược của các nước khác. ExxonMobil và PVN cần triển khai sớm dự án Cá Voi Xanh (lô 118) và liên kết với các đối tác khác (như Nhật, Úc, Ấn) để cùng khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính “bất chấp Trung Quốc” như ông John Bolton (cố vấn An ninh Quốc gia) đã tuyên bố (17/10/2018).
Thay lời kết
Bàn cờ Biển Đông giống như “cờ vây” (Weiqi) nên rất khó chơi. Mỹ và Trung Quốc tuy đối đầu (về chiến lược) nhưng vẫn vờn nhau “vừa đánh vừa đàm” (về chiến thuật). Việt Nam tuy có quan hệ đối tác chiến lược với 12 nước, nhưng khi bị bắt nạt bởi Trung Quốc (là một “đối tác chiến lược toàn diện”) thì vẫn cô đơn, không có đồng minh thực sự để bênh vực. Đó là một sự thật trớ trêu và là một nghịch lý đáng xem lại về nguyên tắc “ba không”.
Muốn tìm giải pháp khả thi để Việt Nam thoát hiểm lúc này rất khó như (như nghịch lý), vừa phải tránh ngộ nhận (nhầm lẫn chiến lược với chiến thuật, mục tiêu với phương tiện), vừa phải chơi cờ thế (hedging) để từng bước thoát Trung. Người Việt phải coi lợi ích quốc gia trên hết, vì sa vào lợi ích nhóm sẽ tự phân hóa và làm triệt tiêu mất sức mạnh dân tộc. Nói cách khác, Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế, trước khi quá muộn.
Tham khảo
1. “America’s China Policy hasn’t failed, but it needs to be recalibrated”, Ali Wyne, May 2018, in “US-China Rivalry in the Trump Era”, WPR Report, October 2018.
2. “Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight”, Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019.
3. “The US Needs to Talk About China”, Minxin Pei, Project Syndicate, July 22, 2019.
4. “Beijing’s South China Sea stance is driving Vietnam into America’s arms”, Le Hong Hiep, South China Morning Post, July 25, 2019.
5. Presentations at the 9th Seminar on the South China Sea, CSIS, July 24, 2019.
6. “Here’s How China and America’s Missiles in the South China Sea Stack Up”, David Axe, National Interest, July 31, 2019.
NQD. 1/8/2019.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-8-19
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét