Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P1)


Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Đừng hỏi tổ quốc làm gì cho bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc.
– J.F. Kennedy
Lời giới thiệu
Lý Nhân Tông là  vị Vua giữ ngôi cao lâu dài nhất trong lịch sử nước ta, với 56 năm trị vì, đất nước được thái bình thịnh vượng; lại có các tướng giỏi như Thái phó Lý Đạo Thành, Thái úy Lý Thường Kiệt phụ giúp, lập nên võ công hiển hách, phạt Tống, bình Chiêm; khiến lân bang phải nể sợ. Bấy giờ nước ta bị mất một số đất vào tay nhà Tống; qua tháng năm dài, khi dùng binh đe dọa, khi thư từ ngoại giao, nhà vua kiên trì đòi đất. Có lúc Vua đích thân gửi thư cho Vua Triết Tông nhà Tống, nội dung với lòng thiết tha tấc đất của tổ tiên, có đoạn như sau:
Tuy những đất này chỉ nhỏ như viên đạn, nhưng rất đau đớn trong lòng, thường không rời trong giấc mộng; thực do tổ tiên thần trước đây giết bắt kẻ tiếm nghịch, xông pha nơi gian nan nguy hiểm, liều chết mới có được. Nay kẻ hậu sinh không thừa kế được tổ tiên, chưa tròn phận sự nơi cương vực, chỉ sống tạm trong khoảnh khắc mà thôi” [1]
Các bộ sử nước ta thời xưa như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép sự việc thiếu chi tiết, và chỉ chép đến lúc  đòi được châu Quảng Nguyên vào năm 1084; nhưng cuộc đấu tranh dành đất thực sự kéo dài đến năm 1088. Nhắm bổ sung và phối kiểm lịch sử, chúng tôi xin sao lục thêm nguyên văn các tư liệu liên quan đến việc đòi đất trong các bộ sử Trung Quốc như Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào đời Tống và Tống Sử của Thoát Thoát đời Nguyên; rồi xếp thành tiểu mục để độc giả tiện bề tham khảo; các  mục như sau:
  • Vùng đất bị mất
  • Nhà Tống kinh doanh vùng đất mới chiếm, nhưng bị nước Đại Việt gây áp lực
  • Ngoại giao đòi lại đất: các phái đoàn Lý Kế Nguyên, Đào Tông Nguyên
  • Ngoại giao đòi lại đất: các phái đoàn Lương Dụng Luật, Đào Tông Nguyên, Lê Văn Thịnh
  • Tiếp tục ngoại giao đòi đất cùng vụ án Lê Văn Thịnh.
Bài viết dùng nhiều tư liệu làm bằng chứng; để tránh rườm rà, xin chép vắn tắt tên các sách, bản đồ trích dẫn:
  • Bản đồ Quảng Nam Tây Lộ cho đời Bắc Tống: Bản Đồ Q.
  • Bản đồ GooglesBản đồ G.
  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên: Toàn Thư.
  • Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh: Đất Việt Nam.
  • Đất Trung Quốc Giáp Việt Nam Qua Các Đời, Hồ Bạch Thảo: Đất Trung Quốc.
  • Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn:Cương Mục
  • Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, Lý Đào: Trường Biên.
  • Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang: Tư Trị. 
1. Các vùng đất bị mất
Căn cứ vào bức thư của Sứ thần Đại Việt Lê Văn Thịnh gửi cho Ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] Hùng Bản vào vào năm Nguyên Phong thứ 7 [1084], cho biết vùng đất bị mất vào nhà Tống gồm 2 phần: Đất bị Trung Quốc chiếm sau cuộc chiến tranh Lý – Tống; và đất do các Tù trưởng tại biên giới nạp cho nhà Tống.
1.1. Đất bị chiếm sau cuộc chiến tranh Lý Tống
Văn bản trong Trường Biên ngày Quí Mão tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 [18/1/1077] cho biết sau cuộc chiến tranh, vua Lý Nhân Tông hứa nạp cho nhà Tống đất 5 châu: Tô, Mậu, Tư Lang, Môn Lạng, Quảng Nguyên.[2]
Tại văn bản ngày Quí Vị tháng 9 năm Nguyên Phong thứ nhất [20/10/1078] xác nhận vua Lý Nhân Tông xin hoàn lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu, Môn, cùng huyện Cơ Lang.[3]
Cả hai văn bản đều chỉ vùng đất nước Đại Việt bị mất sau cuộc chiến tranh Lý Tống, nhưng xét về phương diện địa lý, văn bản thứ 2 rõ ràng hơn; xin lần lượt phân tích như sau:
– Văn bản 1 ghi tên 2 châu Tô, Mậu, thực ra chỉ có một châu là Tô Mậu; theo Đất Nước Việt Nam [trang 121], vị trí châu này tại huyện Đình Lập tỉnh Hải Ninh. Trong cuộc chiến tranh Lý Tống viên Tri Khâm châu Lưu Sơ chiêu dụ châu Tô Mậu ra hàng nên được vua Tống ban thưởng:
Ngày Tân Mão tháng 4 [6/5/1077], chiếu ban Tri Khâm châu Tả tàng phó sứ Lưu Sơ, Trại chủ Vĩnh Bình [Bằng Tường thị] Ung châu Cung bị khố phó sứ Dương Nguyên Khanh mỗi người được thăng lên  7 tư; thưởng công chiêu dụ các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu.[4]
– Văn bản 1 ghi châu Môn Lạng, ứng vào văn bản 2  châu Môn và huyện Cơ Lang [Quang Lang];[5] hai vùng đất này gần nhau, thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay. Khởi đầu xâm lăng nước ta, Quách Quì mang đại quân từ trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây][6] vào nước ta, sau khi vượt ải Quyết Lý bèn đánh lấy huyện Cơ Lang và châu Môn:
Ngày Quí Tỵ [8/1/1077], hôm đó bọn Quách Quì mang quân ra khỏi biên giới, giặc đóng tại ải Quyết Lý, Quì sai Trương Thế Củ đánh, Quì sai bắn bằng nõ mạnh, dùng đao to chém vào mũi voi, voi chạy đạp vào quân địch, đại quân tiến vào, giặc tan bỏ chạy. Quân ta thừa thắng lấy được Cơ Lang; Biệt tướng Khúc Trân lấy được châu Môn; các khe động đều hàng.[7]
– Phần còn lại, trong văn bản 1, ghi 2 châu Tư Lang, Quảng Nguyên; Văn bản 2 chỉ ghi châu Quảng Nguyên mà thôi. Lý do vị trí 2 châu kề cận nhau, sau khi nhà Tống lấy được châu Quảng Nguyên, phát triển thành châu lớn trực thuộc Quảng Nam Tây Lộ, bèn gộp châu Tư Lang vào.
Xét thời xa xưa  vùng đất tại biên giới nước ta và Trung Quốc do Tù trưởng thuộc các họ Hoàng, Vi, Nùng, Lưu, Thân vv… cai quản; triều đình hai nước Tống, Lý cai trị theo lối ky my lỏng lẻo, hàng năm chỉ thu thuế, nạp cống mà thôi. Vì thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, nên một số Tù Trưởng có lúc không bằng lòng triều đình nước ta, thì qui phụ Trung Quốc; và ngược lại có khi từ đất Trung Quốc trở về với nước ta.
Đó là trường hợp Nùng Dân Phú, Tù trưởng châu Quảng Nguyên, theo nhà Tống từ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 2 [977]. Dân Phú tuyên bố rằng y muốn đưa cả châu Thất Nguyên qui phụ Trung Quốc từ thời Nam Hán [917-960], nhưng bị châu Tư Lang che ngăn nên chưa thực hiện được; sự việc được ghi nhận qua văn bản sau đây:
Trường Biên, quyển 18. Tống Thái Tông năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 2 [977]
Ngày Canh Thìn tháng giêng [9/2/977], châu Ung [Nam Ninh, Quảng Tây] tâu rằng:
“Tù trưởng man châu Quảng Nguyên Thản Xước Nùng Dân Phú cho rằng thời ngụy Hán [Nam Hán] đặt Thủ lãnh 10 châu, có chiếu sắc đưa cho, muốn đưa châu Thất Nguyên  nội phụ để thâu thuế; nhưng man Tư Lang che ngăn, nên không thông. Xin triều đình mang quân tru phạt châu Tư Lang.”
Chiếu ban cho Thản Xước Nùng Dân Phú chức Kiểm hiệu tư không; lệnh Chuyển vận sứ Quảng Châu Từ Đạo gọi đến.”[8]
Văn bản này có thể giúp xác định vị trí các châu: Trước hết là châu Thất Nguyên Cương Mục chú thích: nhà Lý gọi là Thất Nguyên, nhà Lê gọi là Thất Tuyền, nay là huyện Thất Khê [Lạng Sơn]. Phía bắc Thất Khê có huyện Hạ Lang thuộc tỉnh Cao Bằng, Đất Nước Việt Nam[9] xác nhận thời xưa gọi là châu Tư Lang. Châu Tư Lang nằm giữa châu Quảng Nguyên và Thất Tuyền, nên Đất Nước Việt Nam,  tại trang 150, ghi châu Quảng Nguyên thuộc trấn Lạng Sơn thời Trần Hồ; vị trí tại phía bắc tỉnh Cao Bằng ngày nay.
Châu Quảng Nguyên theo Tống không lâu, sau đó trở về với nước Đại Việt. Lịch sử ghi nhận, năm 1075 Lưu Kỷ mang 3.000 quân châu Quảng Nguyên đánh phá Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây], bị kẻ nội phản theo Tống là Nùng Trí Hội sai con đánh chặn:
Trường Biên, quyển 263. Năm Hy Ninh thứ 8 [1075]
Ngày Ất Vị tháng 4 nhuần [21/5/1075], Tri Quế Châu [Quế Lâm] Lưu Di tâu rằng:  Lưu Kỷ tại châu Quảng Nguyên [bắc Cao Bằng] dùng 3.000 quân xâm lược Ung Châu, Nùng Trí Hội tại  Qui Hóa châu [Tĩnh Tây thị, Quảng Tây],[10] sai người con là Tiến An, đánh chặn lập công. Chiếu thư ban cấp cho Trí Hội bổng và tiền.[11]
Hai năm sau, đại binh Trung Quốc do Quách Quì chỉ huy sang nước ta phục thù chiến dịch phạt Tống của Lý Thường Kiệt. Trước khi thọc sâu vào nội địa, Quì đề phòng bị đánh ngang hông, bèn dừng quân tại Vĩnh Bình [Bằng Tường, Quảng Tây], rồi sai Từ Đạt mang quân đánh Quảng Nguyên. Bấy giờ Lưu Kỷ giữ chức Quan sát sứ châu Quảng Nguyên đánh không nỗi phải xin hàng; do đó đất Quảng Nguyên lại vào tay Trung Quốc. Tư liệu văn bia Quách Quì ghi như sau:
Trường Biên quyển 279. Năm Hy Ninh thứ 9 [1077]
Ngày Bính Tuất tháng chạp [1/1/1077]… Trên mộ bia Quách Quì, Phạm Tổ Vũ[12]  chép: “ Quách Quì đến châu Tư Minh, cho rằng châu Quảng Nguyên là đất yết hầu quan trọng, binh giáp tinh nhuệ, nếu không chiếm trước, sẽ là mối họa trong tim bụng; Quan sát sứ ngụy Lưu Kỷ là mưu chủ của giặc, không bắt Kỷ thì uy danh quân chưa chấn tác.
Bèn sai Yên Đạt đến đánh khắc phục ngay; phá thành, Kỷ ra hàng.[13]
1.2. Đất do các Tù trưởng tại biên giới nước ta giao nạp cho nhà Tống
Lịch sử ghi nhận 2 vùng đất, đều do người họ Nùng [Nồng] giao nạp; Nùng Trí Hội nạp động Vật Ác, được nhà Tống đổi tên là Thuận An châu; Nùng Tông Đán nạp châu Vật Dương, Tống đổi tên là Qui Hóa châu. Theo bản đồ Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] thời Bắc Tống; vị trí hai châu Thuận An và Qui Hóa hiện nay đều thuộc Tĩnh Tây,[14]tỉnh Quảng Tây.
Thuận An châu: Nùng Tông Đán lúc bấy giờ là một Tù trưởng ương ngạnh, cậy thế trấn giữ một phương biên thùy, nên không hoàn toàn thần phục triều Lý, lại mấy lần mang quân cướp phá Ung Châu. Viên Tri Quế Châu Tiêu Cố, thấy được nhược điểm của y hai phía đều thụ địch, nên tìm cách dụ dỗ con  là Nùng Nhật Tân, để khuyên cha ra hàng:
Trường Biên quyển 185. Tống Nhân Tông năm Gia Hựu thứ 2 [1057]
Ngày Giáp Tuất tháng 4 [3/6/1057] Nùng Tông Đán thuộc man Hỏa Động, cùng họ với Trí Cao, chiếm cứ chỗ hiểm, tụ tập dân chúng, mấy lần ra cướp phá. Tri Ung Châu Tiêu Chú muốn mang quân binh tại các động đánh phá; Tri Quế Châu Tiêu Cố một mình xin dùng sắc mệnh chiêu hàng. Chuyển vận sứ Vương Hãn cho rằng Tông Đán giữ chốn núi rừng tre trúc, nếu dùng phục binh thì quân ta vị tất có thể thắng, lại gây nên mối hoạn biên giới. Bèn mang binh đến biên giới, cho người chiêu dụ Nhật Tân, con Tông Đán rằng:
“Cha người bên trong thì cừu thù với Giao Chỉ, phía bên ngoài thì làm mồi cho các quan biên giới được thưởng. Hãy về báo cha người, chọn điều lợi mà làm.”
Do đó cha con Tông Đán đều hàng, phương nam bình yên. Ban cho Tông Đán chức Trung vũ tướng quân, Nhật Tân làm Tam ban phụng chức.[15]
Sau khi được ban chức Trung vũ tướng quân, Tông Đán không cho chức này là to; Vua Tống bèn ban chức Đô Giám Quế Châu. Đây chắc chỉ là loại chức hờ để làm vừa lòng y mà thôi; Quế Châu tức Quế Lâm, thủ phủ Quảng Nam Tây Lộ, thường kiêm coi cả lộ này, vị trí bằng tỉnh Quảng Tây và tỉnh Hải Nam hiện nay; xét về sự nghiệp Tông Đán, chỉ là một Tù trưởng một châu nhỏ tại biên giới, thực sự không thể nắm quyền Đô giám Quế Châu. Văn bản liên quan đến việc ban chức cho Tông Đán như sau:
Trường Biên, quyển 244. Năm Hy Ninh thứ 6 [1073]
Ngày Bính Tý tháng 4 [12/5/1073], ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Câu đường công sự Ôn Cảo tâu:
“Chiếu chỉ bổ Nùng Tông Đán, Nùng Trí Hội làm Tướng quân; vì dân Di không biết chức quan này, muốn xin một chức Cận thượng ban hoặc Phó sứ.”
Chiếu ban cho Tông Đán và Trí Hội đều giữ chức Cung bị khố phó sứ, Tông Đán làm Đô giám Quế Châu, Trí Hội làm Tri Qui Hóa châu.[16]
Qui hóa châu: Ngoài việc đề cập đến Nùng Tông Đán, văn bản nêu trên còn cho biết Nùng Trí Hội được ban chức Tri châu Qui Hóa.  Thêm vào, văn bản đính kèm dưới đây có lời tâu của của ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản xác nhận Nùng Trí Hội qui thuận vào thời Tống Anh Tông Trị Bình [1064-1067], và vị trí địa lý của các châu như Qui Hóa  hết sức quan trọng, ngoài việc làm nút chặn nước Đại Việt, còn ngăn sự quấy phá của 9 Đạo Bạch Y thuộc nước Đại Lý [Vân Nam cũ]:
Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]
….. Ty Kinh Lược Hùng Bản cũng tâu rằng:
“Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu; thời Trị Bình [1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, ban tên là  Qui Hóa châu. Nay họ Nùng lãnh các châu huyện trước kia không thuộc Nam Bình [chỉ An Nam]; các châu như như Qui Hóa địa thế thuộc yết hầu  khống chế vùng Hữu Giang và các man Đại Lý Cửu Đạo Bạch Y. Xin chiếu chỉ cho Giao Chỉ, hỏi lý do xâm phạm Qui Hóa châu, cùng ra lệnh trả hết người bị bắt, dứt tấm lòng ác chưa nhú lên.”[17]
Với số đất bị mất vừa trình bày, tổ tiên ta đã tranh đấu như thế nào để giành lại, cần tìm hiểu một cách  kỹ càng ở các phần tiếp theo, để rút ra được bài học thực tiễn cho hiện tại.
Còn tiếp
—————-
[1] Nguyên văn: 雖此等彈丸之地,尤切痛懷、常不離夢寐者,誠以先祖臣平昔誅擒僭逆,衝艱冒險,畢命之所致也。今末造不能嗣承,豈敢備數於藩垣,偷生於頃刻也. Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, quyển 380, năm Nguyên Hựu thứ nhất [1086]
[2] 納蘇、茂、思琅、門諒、廣源五州之地 Trường Biên q. 279.
[3] 以廣源、蘇茂門等州,及機榔縣還之 Trường Biên q.292.
[4] Nguyên văn: 詔知欽州、西京左藏庫副使劉初,邕州永平寨主、供備庫副使楊元卿各遷七資。賞招諭廣源、蘇茂州首領功也。Trường Biên, quyển 281. Năm Hy Ninh thứ 10[1077].
[5] Cơ Lang: Trường Biên chép là Cơ Lang, nhưng Tống SửCương Mục chép là Quang Lang.
[6] Muốn tìm vị trí đất Trung Quốc trên bản đồ Googles, xin dùng âm Pinyin; ví như Bằng Tường, Quảng Tây xin sao chép Pingxiang Quangxi, rồi gõ, sẽ hiện lên vị trí Bằng Tường.
[7] Nguyên văn: 是日,郭逵等舉兵出界,賊屯決里隘,逵遣張世矩攻之。賊以象拒戰,逵使強弩射之,以巨刀斬象鼻,象卻走,自踐其軍,大兵乘之,賊潰去,乘勝拔機榔縣,別將曲珍又攻拔門州,溪峒悉降. Quyển 279. Năm Hy Ninh thứ 9 [1077]
[8] Nguyên văn: 邕州言:「廣源州蠻酋坦綽儂民富(案宋史作坦坦綽農民富。)以偽漢時所置十州首領詔敕來獻,欲比七源州內附輸賦稅,而思琅州蠻蔽塞,使不得通。願朝廷舉兵誅思琅州。」詔授坦綽儂民富檢校司空,(案宋史作檢校司空、御史大夫、上柱國。)令廣州轉運使徐道招來之.
[9] Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh, Huế: NXB Thuận Hóa, 1994.
[10] Để độc giả dễ phân biệt, vùng đất nào thuộc Trung Quốc hiện nay, người viết cố ý dùng chữ theo kiểu Trung Quốc, như Qui Hóa Châu, Thuận An châu, Cống động; vùng đất nào thuộc Việt Nam dùng chữ theo lối Việt Nam như châu Thuận, huyện Quang Lang, châu Quảng Nguyên vv…
[11] Nguyên văn: 知桂州劉彞言,廣源州劉紀帥鄉兵三千侵略邕州,歸化州儂智會率其子進安逆戰有功。詔給智會俸錢
[12] Phạm Tổ Vũ: Sử gia nổi tiếng đời Tống.
[13] Nguyên văn: 範祖禹墓志云:「逵次思明州。逵以謂廣源州咽吭之地,兵甲精銳,不先取之,則有腹背之患。偽觀察使劉紀為賊謀主,不禽紀則軍聲不振,遣燕達往,一戰克之,拔其城,紀出降。
[14] Đất Trung Quốc Giáp Việt Nam Qua Các Đời, Hồ Bạch Thảo, trang 298, Tĩnh Tây thị đời Nguyên gọi là châu Qui Thuận; có lẽ tên này do hai châu Qui Hóa và Thuận An từ đời Tống gộp lại
[15] Nguyên văn: 火峒蠻儂宗旦者,智高之族也。據險聚觽,數出剽略。知邕州蕭注欲大發峒丁擊之,知桂州蕭固獨請以敕招降。轉運使王罕以為宗旦保山溪篁竹間,苟設伏要我,軍未必可勝,徒滋邊患,乃獨領兵次境上,使人召宗旦子日新,謂曰:「汝父內為交趾所仇,外為邊臣希賞之餌。歸報汝父,可擇利而行。」於是宗旦父子皆降,南事遂平。以宗旦為忠武將軍,日新為三班奉職。王罕事,據神宗實錄王罕傳所載。正史則云知桂州蕭固招宗旦內屬,以宗旦為忠武將軍。又補其子知溫悶峒,日新為三班奉職
[16] Nguyên văn: 廣南西路經略司勾當公事溫杲言:「詔補儂宗旦、儂智會等為將軍,以夷人不知此官,欲乞一近上班行或副使。」詔宗旦、智會並為供備庫副使,宗旦桂州都監,智會知歸化州。
[17] Nguyên văn: 經略司熊本亦言:「嘉祐中,儂宗旦以勿惡等峒歸明,賜名順安州。治平中,儂智會以勿陽峒歸明,賜名歸化州。今儂氏所領州峒,初不隸南平,而歸化等州係江右控扼咽喉之地,制御交趾、大理九道白衣諸蠻之要路【九】。乞詔交趾,詰其侵犯歸化州之故,及令盡還略去生口,絕其長惡未萌之心.


nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: