Nikki Haley, chính trị gia người Mỹ, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc. Bài viết được đăng trên trang Foreign Affairs. Ngọc Diệp (giới thiệu)
Diễn tiến quan trọng nhất trên trường quốc tế trong hai thập kỷ trở lại đây chính là sự trỗi dậy của Trung cộng với tư cách là một cường quốc kinh tế và quân sự lớn. Khi Trung cộng chuyển đổi, nhiều học giả và các nhà hoạch định chính sách phương Tây dự đoán rằng cải cách kinh tế cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đẩy Trung cộng trở thành một “cổ đông có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế. Ý tưởng này, đôi khi được gọi là “học thuyết hội tụ”, dựa trên một giả định cho rằng một khi trở nên giàu có, Trung cộng sẽ ngày một giống Mỹ.
Ý tưởng quả là dễ chịu, chỉ có điều không thành sự thực. Thay vào đó, Trung cộng với nhiều tham vọng quân sự không chỉ dừng ở mức độ phòng thủ trong phạm vi khu vực mà còn hướng ra toàn cầu với ý đồ đe nẹt. Khi sự khác biệt về công nghệ dân sự và quân sự dần được xóa nhòa trên toàn thế giới, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã đưa ra chính sách chính thức yêu cầu các công ty Trung cộng cho phép quân đội được quyền sử dụng tất cả các công nghệ mà họ nắm giữ.
Giờ là lúc phải đối mặt với thực tế: Tập Cận Bình đã giết chết “học thuyết hội tụ”. Trung cộng có vai trò to lớn đối với Mỹ, xuất phát từ các lý do cả tích cực lẫn tiêu cực. Các công ty Mỹ rất coi trọng thị trường quy mô lớn của Trung cộng, vốn được xem là động cơ quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Nhưng Mỹ không được phép vì lợi ích lớn trong quan hệ kinh tế với Trung cộng mà nhắm mắt làm ngơ trước các toan tính chính trị thù địch của Bắc Kinh. Tham vọng chiến lược của Trung cộng không có tính hòa hiếu, gây ảnh hưởng sâu rộng.
Mỹ bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc về các lựa chọn của giới lãnh đạo Trung cộng. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã chú trọng vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan đều nỗ lực tạo lập quan hệ hợp tác thông qua chuyển giao công nghệ cao để hỗ trợ hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Mỹ đã giúp Trung cộng gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với các điều khoản bao dung. Mỹ cũng tạo điều kiện cho Trung cộng tiếp cận các thị trường Mỹ, dù Trung cộng không đáp lại tương xứng. Không thể giải thích rằng các chính sách thù địch ngày một gia tăng của Trung cộng là một phản ứng trước sự thiếu thân thiện từ phía Mỹ.
Chính sách ngoại giao có nguyên tắc
Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ là cường quốc lớn nhất thế giới dựa trên bất kể tiêu chí nào: Sản lượng kinh tế, phát minh khoa học, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng văn hóa. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh bùng nổ và đặc biệt là sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Mỹ đã sở hữu sức mạnh và ảnh hưởng mà ngay cả đế chế La Mã hay Đế quốc Anh cũng không thể sánh kịp. Nhưng Mỹ luôn tự cho mình là một đất nước dân chủ và tự hào về việc tôn trọng quyền của các quốc gia và dân tộc khác. Trong chính sách đối ngoại, Mỹ không phải lúc nào cũng tuân thủ các nguyên tắc hay đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Nhưng Mỹ cũng không tùy tiện làm bất cứ điều gì rồi sau đó lại trốn tránh trách nhiệm.
Có một nguyên tắc định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ, đó là các nước cần tôn trọng những gì thuộc về các quốc gia khác. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ cung cấp viện trợ để tái thiết Đức và Nhật Bản. Mỹ không đánh cắp nguồn lực của bất kỳ nước nào.
Gần đây nhất, khi lãnh đạo liên quân lật đổ Saddam Hussein, Mỹ đã chi nhiều khoản tiền lớn để giúp tái thiết Iraq. Mỹ không lấy một giọt dầu nào của nước này.
Ở trong nước, người dân Mỹ sống dưới nền pháp quyền. Luật lệ của Mỹ không chỉ là công cụ phục vụ người nắm quyền, mà còn để kiểm soát quyền lực. Hiểu biết luật pháp định hình lối tư duy và hành động của người Mỹ, và cách Mỹ can dự vào các vấn đề quốc tế. Mỹ tôn trọng các giao kèo riêng tư và cũng kỳ vọng các nước khác sẽ làm như vậy. Mỹ tôn trọng quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ tin vào việc phát triển công nghệ thông qua sáng chế và sáng tạo, chứ không phải bằng cách đánh cắp ý tưởng của người khác rồi sao chép lại.
Mỹ đã giúp xây dựng và bảo vệ một hệ thống quốc tế hòa hợp với những nguyên tắc như vậy. Thông qua việc hỗ trợ gìn giữ hòa bình và ổn định thế giới, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên thế giới, tạo dựng các mạng lưới máy tính và thông tin liên lạc toàn cầu, Mỹ đã dẫn dắt nền kinh tế thế giới tăng trưởng vượt bậc kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu Mỹ không đảm nhận vai trò lãnh đạo này, cuộc sống của người dân Mỹ và vô vàn những người khác sẽ tồi tệ hơn nhiều. Cuộc sống sẽ bị bó hẹp hơn và mất an toàn hơn. Các đặc quyền của Mỹ sẽ đứng trước sức ép. Trung cộng mong muốn chiếm đoạt vai trò lãnh đạo của Mỹ, tất nhiên là ở châu Á và ở cả phần còn lại của thế giới.
Chỉ mới vài thập kỷ trước, Trung cộng còn là một nước nghèo, kém phát triển. Đến cuối những năm 1970, Trung cộng bắt đầu cải cách nền kinh tế. Bắc Kinh theo dõi thành công của các nền kinh tế thị trường và áp dụng bài học từ những nước này, với những kết quả ấn tượng: Năm 1980, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung cộng đạt 200 tỷ USD. Đến năm 2018, con số này đã tăng gấp 10 lần, lên tới hơn 14.000 tỷ USD. Từ sự bùng nổ đáng kinh ngạc này, một số quốc gia đang phát triển khác bắt đầu xem Trung cộng là hình mẫu. Những người ngưỡng mộ ca ngợi việc Trung cộng kết hợp một cách chọn lọc các hoạt động của thị trường tự do với sự chỉ đạo tập trung từ một chính quyền quyết đoán và nhìn xa trông rộng.
Tuy nhiên, ấn tượng không kém tốc độ tăng trưởng chính là việc Trung cộng giờ đây phải đối diện với nhiều khó khăn nghiêm trọng. Trung cộng đã gây ra nhiều thảm họa môi trường, làm xáo trộn xã hội mà cuối cùng sẽ kích thích sự bất ổn về chính trị. Nhiều người dân đã chuyển từ nông thôn đến những thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chính quyền không cho phép họ được tiếp cận nhà ở hay giáo dục. Nền kinh tế Trung cộng cũng tăng trưởng chậm lại. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng công bố chính thức tụt xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm trở lại đây, và tỷ lệ được công bố chính thức có thể bị phóng đại so với tỷ lệ tăng trưởng thực tế tế.
Các nhà lãnh đạo Trung cộng lo sợ rằng tình hình sẽ trở nên bất ổn và vượt tầm kiểm soát. Một cách giúp giới lãnh đạo Trung cộng kiểm soát mối đe dọa là kích động các cuộc khủng hoảng ở bên ngoài và khơi gợi tinh thần dân tộc chủ nghĩa của nhân dân trong nước. Hệ quả là một vòng luẩn quẩn các cuộc đàn áp và bất ổn tiềm tàng khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn.
Không còn là việc kinh doanh thông thường
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà chiến lược thuộc ĐCSTC đã thảo luận về giá trị các con đường khác nhau để khôi phục sự vĩ đại của dân tộc. Một số người ủng hộ các chính sách “giấu mình chờ thời” vốn khuyến khích tăng trưởng khu vực tư nhân và nhấn mạnh việc hội nhập Trung cộng vào nền kinh tế thế giới. Mục tiêu tối thượng của họ là tăng cường quyền lực của đảng và quân đội, nhưng theo cách thức không để cho sự trỗi dậy của Trung cộng đe dọa phần còn lại của thế giới. Các chiến lược gia khác lại cổ súy cho lối tiếp cận hiếu thắng, mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa và quân phiệt hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, cách tiếp cận thứ hai rõ ràng đang thắng thế. Chính quyền của ông đã chiếm giữ nhiều đảo ở Biển Đông, xây dựng các căn cứ quân sự trên đó, vi phạm các cam kết với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (và nhiều người khác) về việc không quân sự hóa. Trung cộng đã tấn công Việt Nam, Philippines và Indonesia vì những tranh chấp lãnh hải, cắt cáp dưới đáy biển, tấn công các đội tàu đánh cá của các nước này.
Các quan chức Trung cộng nói rằng họ không hứng thú với tình hình chính trị của nước ngoài, nhưng thói quen hối lộ các quan chức nước ngoài của họ đã gây ra các vụ bê bối tham nhũng ở Úc, New Zealand, Malaysia, Sri Lanka, Angola và nhiều nước khác. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” – sáng kiến tiêu biểu của Tập Cận Bình nhằm mở rộng các khoản cho vay và xây dựng cơ sở hạ tầng trên thế giới, phần lớn dựa vào các thỏa thuận tài chính tham nhũng mà sẽ tạo ra gánh nặng nợ đối với các nước bên ngoài không có khả năng thanh toán. Ngoài ra, Trung cộng đã làm suy yếu học thuật tại các trường đại học ở Mỹ và nhiều nơi khác thông qua các Viện Khổng Tử được nhà nước tài trợ. Chính những tổ chức này phát tán tuyên truyền và đôi khi dập tắt việc thảo luận về những chủ đề bất lợi đối với Trung cộng.
Chính quyền Trung cộng cũng chỉ đạo các công ty Trung cộng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và các công ty nước ngoài một cách có hệ thống – theo thông tin của Bộ Tư pháp Mỹ. Không chỉ vậy, chính quyền còn yêu cầu các công ty tư nhân Trung cộng phải chia sẻ với quân đội bất kể công nghệ nào họ có được thông qua sáng tạo, mua sắm hay đánh cắp. Chính sách mới kết hợp dân sự -quân sự mà Tập Cận Bình công bố năm 2015 yêu cầu tất cả các công ty tư nhân của Trung cộng phải hợp tác với quân đội.
Điều đó đồng nghĩa với việc giao dịch với các công ty Trung cộng không còn là công việc kinh doanh đơn thuần. Các đối tác kinh doanh tại Trung cộng trong lĩnh vực công nghệ cao đang thúc đẩy lợi ích quân sự của Bắc Kinh bất kể ý định của họ là gì.
Một chiến lược mới cho cuộc đấu tranh mới
Kể từ khi trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới, chưa bao giờ Mỹ phải đương đầu với một đối thủ quân sự tiềm tàng và cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của mình. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đối đầu với Liên Xô, đất nước có nền kinh tế chỉ bằng một phần nhỏ của Trung cộng hiện nay. Lịch sử không lặp lại, nhưng không có nghĩa là không đưa ra được bài học nào.
Trong Chiến tranh Lạnh, chính quyền Mỹ đã xây dựng các chính sách và chương trình mới để kiểm soát bước tiến công nghệ quân sự và làm suy yếu nền kinh tế của Liên Xô. Chúng bao gồm các chương trình kiểm soát xuất khẩu và xúc tiến thương mại phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia. Mỹ đã lập ra Cơ quan Thông tin Mỹ (USIA) để chống lại các hoạt động tuyên truyền của Liên Xô, và Sáng kiến phòng thủ Chiến lược nhằm vô hiệu hóa các tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô. Mỹ cũng lập ra các chương trình khuyến khích đào tạo bậc cao ở những lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như tiếng Nga và công nghệ vũ khí hạt nhân.
Các công ty Mỹ được lệnh tìm kiếm phương án thay thế Trung cộng ngay lập tức
Để đối phó với các mối đe dọa từ Trung cộng đối với các lợi ích sống còn của Mỹ, Mỹ cần phải suy nghĩ sáng tạo và dũng cảm, không được phép có bất kỳ ảo tưởng nào về các ý đồ của đối thủ. Trước tiên, Mỹ cần phải xem xét lại các quy định về thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, không để Trung cộng còn cơ hội khai thác sự cởi mở của Mỹ. Nhìn chung sự can thiệp của chính phủ vào chuyện kinh doanh tư nhân là không hợp lý. Nhưng an ninh quốc gia phải được ưu tiên trước các chính sách thị trường tự do.
Trong tác phẩm “Sự thịnh vượng của các quốc gia”, Adam Smith đã nhấn mạnh luận điểm này, lập luận rằng lợi ích của Anh trong việc duy trì quyền bá chủ hàng hải quan trọng hơn là tự do thương mại trên biển. Ông viết: “Phòng thủ quan trọng hơn cả sự thịnh vượng”.
Với việc Trung cộng kiên quyết tận dụng ưu thế quân sự trong tất cả các hoạt động thương mại tư nhân, Mỹ phải thay đổi quan điểm khi xem xét các quy định của mình về ngoại thương, chuỗi cung ứng quốc tế, đầu tư vào trong nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các ưu đãi cho các ngành công nghiệp quốc phòng then chốt. Các quy định cần thiết sẽ tốn kém và khó khăn, nhưng đó là cái giá mà Mỹ phải trả để bảo vệ đất nước.
Ngay cả khi đã điều chỉnh các chính sách kinh tế, Mỹ cũng cần phải cải thiện hoạt động ngoại giao. Vài năm trở lại đây, tính chất cực đoan trong chiến lược an ninh quốc gia của Trung cộng ngày một lộ rõ. Khi suy tính lại chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với Trung cộng, Mỹ cũng quan tâm đến việc khuyến khích các đồng minh cân nhắc lại chiến lược an ninh quốc gia của chính họ. Quốc hội Mỹ cần bảo đảm rằng các quan chức Mỹ có đủ thẩm quyền và nguồn lực cần thiết có để tăng cường sự hiểu biết về chiến lược của Trung cộng và tập hợp các nỗ lực đa phương để cạnh tranh với Trung cộng, chống lại ảnh hưởng của Trung cộng, bảo vệ Mỹ trước các mối đe dọa quân sự và bảo toàn các nguyên tắc vốn là nền tảng cho hệ thống quốc tế thúc đẩy sự thịnh vượng sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Để xử lý các mối đe dọa từ Trung cộng, cũng như từ Nga, Iran, Triều Tiên và các mạng lưới khủng bố thánh chiến cùng nhiều bên tham gia khác, Mỹ phải tăng cường sức mạnh quân sự. Mỹ cần phải có năng lực hải quân lớn hơn, nhiều lực lượng không kích tầm xa hơn cùng với công nghệ thông tin và tiềm lực mạng được cải thiện. Mỹ cũng phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hạt nhân bị bỏ bẵng từ lâu. Ngân sách quốc phòng của Mỹ rất lớn, nhưng vẫn chưa đủ để phân bổ cho đầu tư vốn, với nguồn lực còn hạn chế, sẽ luôn có những đánh đổi. Nhưng Mỹ phải luôn sẵn sàng ứng phó một cách mạnh mẽ và thận trọng trước kẻ thù lọc lõi nhất về mặt quân sự của mình.
Trung cộng đặt ra cho Mỹ các thách thức về trí tuệ, công nghệ, chính trị, ngoại giao và quân sự. Phản ứng đáp trả cần thiết cũng phải tương xứng trên từng mặt, đòi hỏi phải hành động trong các lĩnh vực đặc thù như tình báo, thực thi pháp luật, kinh doanh tư nhân và giáo dục bậc cao. Những năm gần đây, nhiều vấn đề đã được mô tả là đòi hỏi phải có những phản ứng “của toàn chính phủ”. Với Trung cộng thì không chỉ cần “cả chính quyền”, mà còn là “toàn quốc gia”. May mắn thay, giới chính trị ở Mỹ đều ủng hộ việc chống lại những chính sách hiếu chiến mới của Trung cộng. Mỹ phải hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn. Đó là một canh bạc tất tay và là vấn đề sống còn.
Nikki Haley
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét