Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Vì thương chiến, ông Trump chấp nhận “đi trên dây”, Bắc Kinh đổi thái độ chớp nhoáng: Đâu là hồi kết?


Vì thương chiến, ông Trump chấp nhận "đi trên dây", Bắc Kinh đổi thái độ chớp nhoáng: Đâu là hồi kết?
Ba hôm sau khi đưa ra quyết định áp thuế trả đũa cứng rắn, đánh vào "tử huyệt" của ông Trump, Trung Quốc đã thay đổi thái độ, hạ giọng kêu gọi Mỹ "bình tĩnh đàm phán".
Logic đi trên dây
Bất chấp áp lực kinh tế suy giảm ngày một tăng, Trung Quốc vẫn cứng rắn áp thuế trả đũa Mỹ với mức cao, đánh vào "tử huyệt" kinh tế của ông Trump .
Động thái này được nhìn nhận là đã vượt qua khuôn khổ phòng vệ, cho thấy Trung Quốc dường như đặt cược vào sự thay đổi chính phủ ở Mỹ sau bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong khi đó, tại Mỹ, chu kỳ bầu cử tổng thống đã khởi động và ông Trump cũng chính thức tuyên bố tranh cử. Vấn đề là với việc nhanh chóng phản đòn thuế quan bao phủ gần như toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hằng năm, ông Trump dường như không e ngại chiến tranh thương mại tác động tới kinh tế Mỹ, ảnh hưởng đến khả năng liên nhiệm.
Điều này làm dư luận bất ngờ, nhưng không phải không có logic.
Thứ nhất, sở dĩ ông Trump giành chiến thắng trước đối thủ Hilary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, một phần là do chơi "quân bài Trung Quốc" và ông Trump muốn "soạn lại bổn cũ" để ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã lấy từ tay đảng Dân chủ một số bang công nghiệp như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Điều này cho thấy cử tri ở các bang này kỳ thực tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân khiến ngành chế tạo Mỹ đi xuống.
Tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, đưa công ăn việc làm về nước Mỹ, làm nước Mỹ vĩ đại trở lại có thể giúp ông Trump tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri ở các bang quan trọng này.
Thứ hai, lực lượng ủng hộ ông Trump đa phần phản đối tự do thương mại, cho nên, việc chơi quân bài "chiến tranh thương mại" với Trung Quốc có thể giúp ông Trump giữ vững những lá phiếu trung thành này.
Vì thương chiến, ông Trump chấp nhận đi trên dây, Bắc Kinh đổi thái độ chớp nhoáng: Đâu là hồi kết? - Ảnh 1.
Ảnh minh họa: VCG/VCG VIA GETTY IMAGES
Thứ ba, về tổng thể, đa số người Mỹ ủng hộ tự do thương mại, nhưng phần lớn dân chúng cho rằng thương mại Mỹ-Trung đang trong tình trạng bất bình đẳng.
Điều tra của Viện Gallup năm 2018 cho thấy chỉ có 30% người Mỹ nhận định thương mại Mỹ-Trung là công bằng, nhưng tỉ lệ cho rằng thương mại Mỹ-Trung không công bằng lên tới 62%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ có nhận định tương tự đối với quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác chính: Mỹ-Nhật (33%), Mỹ-EU (29%) và Mỹ-Cananda (24%).
Logic là vậy, nhưng việc chơi quân bài "chiến tranh thương mại" cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Đối phó với Trung Quốc giúp ông Trump giành sự ủng hộ của cử tri các bang công nghiệp, nhưng lại khiến những người nông dân, lực lượng ủng hộ quan trọng của ông Trump phải trả giá khá lớn.
Khi nông sản Mỹ trở thành đối tượng trả đũa hàng đầu của Trung Quốc, nguyên Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ lớn nhất của ông Trump, đã liên tục đánh vào "gót chân Achille" này với tuyên bố thuế quan đang làm nông dân Mỹ phá sản.
Ngoài ra, leo thang thuế quan sẽ tác động nhiều hơn tới người tiêu dùng Mỹ. Tuần trước, ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase đưa ra báo cáo chỉ rõ thuế quan tới nay đã khiến mỗi gia đình Mỹ phải chi thêm bình quân là 600 USD/năm.
Sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mức chi thêm hằng năm của mỗi gia đình Mỹ tăng lên 1.000 USD. Nhưng hiện nay, ông Trump đã quyết định tăng mức thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 15% và mức thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trước đó cũng được nâng từ 25% lên 30%.
Từ đó có thể thấy ông Trump đang "đi trên dây", bên này là danh tiếng chính trị và sức hiệu triệu, bên kia là tăng trưởng kinh tế Mỹ và lợi ích thiết thân của người dân. Chỉ cần thiếu cẩn trọng một bước, ông Trump có thể mất cơ hội liên nhiệm.
Bất ngờ từ phía bên kia Thái Bình Dương
Ngày 24/8, nghĩa là một hôm sau khi ông Trump ra đòn trả đũa, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài tuyên bố nước này sẽ "chiến đấu tới cùng".
Nhưng tiếp đó hai ngày, khi tham dự một triển lãm quốc tế tại Trùng Khánh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kêu gọi Mỹ giải quyết chiến tranh thương mại thông qua tham vấn và hợp tác bằng một "thái độ bình tĩnh". Ông Lưu cũng bày tỏ Bắc Kinh kiên quyết phản đối leo thang cuộc chiến này vì nó không có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ lẫn nhân dân thế giới.
Vì thương chiến, ông Trump chấp nhận đi trên dây, Bắc Kinh đổi thái độ chớp nhoáng: Đâu là hồi kết? - Ảnh 2.
Ảnh minh họa: Andy Wong/Bloomberg News
Bên cạnh đó, tới nay phía Trung Quốc từ chối xác nhận là đã điện đàm với quan chức thương mại Mỹ. Nhưng ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã chỉ rõ người gọi điện cho phía Mỹ đề nghị nối lại đàm phán thương mại là Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Và không chỉ 1 lần, phía Trung Quốc còn gọi cho phía Mỹ 2 lần.
Những động thái trên dường như là phản ứng đối với hiện thực kinh tế và chính trị mà Bắc Kinh đang phải đối mặt. Trên thực tế, sau khi Trung Quốc nâng cấp biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, đã xảy ra một số vấn đề đáng chú ý.
Thứ nhất, phía Mỹ ra đòn trả đũa nhanh, mạnh vượt dự kiến đối với hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế mới đều được nâng lên, bao phủ gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hằng năm.
Thậm chí, ông Trump còn để ngỏ khả năng vận dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế quốc tế khẩn cấp (IEPPA) năm 1997 để ra lệnh cho doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc, chuyển về Mỹ hoặc sang nước khác. Nếu không có cách giải quyết, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nhất là về ổn định xã hội do thất nghiệp tăng lên.
Thứ hai, xu thế Trung Quốc bị cô lập đang hình thành. Hội nghị Thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Pháp tái khẳng định "sự tồn tại cũng như tầm quan trọng của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Anh năm 1984 về Hong Kong", kêu gọi "ngăn chặn bạo lực".
Trong hội nghị cũng không có một quốc gia nào nghi ngờ hành động leo thang thuế quan của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Có nhận định cho rằng nếu phải chọn bên đứng trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Nhật Bản và EU sẽ đứng về phía Mỹ.
Thậm chí, những gì mà Mỹ đạt được trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc có thể là kinh nghiệm để Nhật Bản và EU đưa ra yêu cầu đối với Trung Quốc khi Trung Quốc mất thị trường Mỹ, phải tìm tới các thị trường này.
Thứ ba, sau khi Mỹ-Trung leo thang biện pháp thuế quan nhằm vào nhau, thị trường vốn của hai nước đều bị chấn động mạnh. Trong đó, tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày 26/8 một lần nữa rơi thẳng đứng, xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm.
Nỗi lo tái diễn làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc xuất hiện. Vì thế, một số nhà phân tích cho rằng leo thang thuế quan khiến cả Trung Quốc và Mỹ chịu thiệt hại, nhưng không loại trừ khả năng thiệt hại mà Bắc Kinh phải gánh chịu sẽ lớn hơn Washington. Đây có thể là logic quan trọng trong sự thay đổi thái độ nhanh chóng của Trung Quốc.
Theo Gia Hân / Trí thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: